Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Ngôn ngữ cử chỉ trong anh em nhà caramazov của f m dostoevski

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (331.42 KB, 13 trang )

1

Ngôn ngữ cử chỉ trong Anh em nhà
Caramazov của F.M.Dostoevski

Sa Thị Hằng Nga

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài; Mã số: 60 22 30
Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ
Năm bảo vệ: 2012
79 tr.
Abstract. Nhận diện ngôn ngữ cử chỉ của nhân vật trong những hoàn cảnh đặc thù
trong tác phẩm. Nhận diện nhân cách tuyến nhân vật chính thông qua ngôn ngữ cử chỉ,
diện mạo, âm thanh lời nói của nhân vật. Nghiên cứu tìm ra biểu tượng và ý nghĩa của
nó gắn với những cử chỉ đặc biệt của nhân vật. Qua đó, thấy được nghệ thuật sử dụng
ngôn ngữ cử chỉ trong sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt ở góc độ xây dựng nhân vật ở tác
phẩm Anh em nhà Caramazov của Dostoevski.

Keywords. Dostoevski; Văn học nước ngoài; Tiểu thuyết; Ngôn ngữ cử chỉ

Content.
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Anh em nhà Caramazov là tác phẩm cuối cùng của đại thi hào Dostoevski và
cũng là kiệt tác của nền văn học thế giới. Tác phẩm này chứa đựng rất nhiều vấn đề đã
được các nhà phê bình “mổ xẻ” kể từ khi nó chào đời đến nay. Thế giới nhân vật trong
Anh em nhà Caramazov là một thế giới giằng xé và đấu tranh gay gắt giữa đầy rẫy
những đối cực, mâu thuẫn, xung đột tự trong bản thân mỗi cá nhân và giữa các cá
nhân. Những tư tưởng, những khổ đau, sự tự ý thức nhọc nhằn của nhân vật (chân
dung tinh thần) nhiều khi làm mờ đi chân dung bên ngoài của nhân vật trong tác phẩm


của ông, nhưng dù thế nào, nó vẫn tồn tại trong cấu trúc văn bản như một thành tố thi
pháp bình đẳng. Nghiên cứu ngôn ngữ cử chỉ của nhân vật cũng chính là đi tìm cái
chân dung bên ngoài đó trong sự tương quan sâu sắc với chân dung tinh thần của nhân
vật và qua đó thấy được tài năng sáng tạo thiên tài của Dostoevski đối với nghệ thuật
xây dựng nhân vật của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Tiếp nhận thế giới văn chương của Dostoevski, bạn đọc và giới phê bình trong và
ngoài nước Nga qua nhiều thế hệ vẫn nổi lên những tranh luận gay gắt. Nếu như tác
phẩm đầu tay của Dostoevski - Những người cơ cực được nhà phê bình lỗi lạc
Bielinski đưa lên đến đỉnh cao với những lời tán tụng: “Đó mới là chân lý của nghệ
thuật (…) Nhất định anh sẽ trở thành một nhà văn vĩ đại” [1, tr 15] thì đến những tác
phẩm sau, ông được đánh giá là lãng mạn, hoang đường; từ đỉnh cao vinh quang
Dostoevski chịu những lời nhận định vô cùng đau đớn đối với một cây bút đang hăm
2

hở vào nghề. Trong con mắt giới phê bình và những nhà văn nổi tiếng cùng thời, sự
đánh giá về ông tồn tại nhiều mâu thuẫn.
Sang thế kỉ XX, những nghiên cứu về Dostoevski đã trở nên phong phú và ngành
“Dostoevski học” đã đạt được những thành tựu to lớn. Cho đến nay, những vấn đề có
liên quan đến Dostoevski vẫn còn có ý nghĩa mới mẻ, hấp dẫn bạn đọc và giới phê
bình trên toàn thế giới. Tuy nhiên trong luận văn này, chúng tôi chỉ tiếp cận được với
những công trình nghiên cứu kinh điển về Dostoevski ở dạng tiếng Việt. Qua đó,
chúng tôi rút ra được:
Anh em nhà Caramazov thực sự là tác phẩm gây tiếng vang lớn và được nhiều
nhà nghiên cứu đánh giá rất cao trên nhiều phương diện. Tác phẩm được đặc biệt chú ý
đến ở giá trị nổi trội nhất của nó là bức chân dung tinh thần của nhân vật. Đâu đó trong
phần phân tích và đánh giá của mình, các nhà nghiên cứu để đi tới những nhận định về
chân dung tinh thần của nhân vật đã đề cập tới chân dung bên ngoài của họ, tuy nhiên
việc đề cập này chưa thực sự sâu sắc. Do vậy, nghiên cứu riêng về ngôn ngữ cử chỉ -
đơn vị nòng cốt của chân dung bên ngoài của nhân vật (khía cạnh luôn luôn song hành

không thể tách rời với bức chân dung tinh thần kia) vẫn chưa thực sự được quan tâm
đúng mực. Những nhận xét của Todorov về cử chỉ mang tính biểu tượng (những cái
hôn của nhân vật trước kẻ tội đồ) có ý nghĩa rất lớn và khơi gợi cho chúng tôi tìm đến
đề tài về ngôn ngữ cử chỉ trong tác phẩm này. Đồng thời, những nghiên cứu về chân
dung tinh thần của nhân vật một cách sâu sắc đã có ý nghĩa rất lớn đối với chúng tôi
khi tiếp cận kiệt tác cuối cùng của Dostoevski.
3. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu ngôn ngữ cử chỉ trong tác phẩm Anh em nhà Caramazov nhằm
mục đích:
- Nhận diện ngôn ngữ cử chỉ của nhân vật trong những hoàn cảnh đặc thù.
- Nhận diện nhân cách tuyến nhân vật chính thông qua ngôn ngữ cử chỉ, diện
mạo, âm thanh lời nói nhân vật
- Nghiên cứu tìm ra biểu tượng và ý nghĩa của nó gắn với những cử chỉ đặc biệt
của nhân vật
Qua đó thấy được nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ cử chỉ trong sáng tạo nghệ thuật,
đặc biệt ở góc độ xây dựng nhân vật ở tác phẩm Anh em nhà Caramazov của
Dostoevski.
Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu trong luận văn này là ngôn ngữ cử chỉ của nhân vật trong
tác phẩm Anh em nhà Caramazov của Dostoevski. Nghiên cứu chia làm ba hướng
tiếp cận chính:
- Tiếp cận ngôn ngữ cử chỉ gắn với những hoàn cảnh đặc thù trong giao tiếp giữa
các nhân vật.
- Tiếp cận ngôn ngữ cử chỉ gắn với nhân cách của tuyến nhân vật chính là các
thành viên trong gia đình Caramazov.
- Tiếp cận ngôn ngữ cử chỉ với vai trò biểu tượng trong tác phẩm.
3

Chúng tôi sử dụng thuật ngữ ngôn ngữ cử chỉ trong luận văn này với cách hiểu:

Thuật ngữ mới có độ hữu dụng cao – ngôn ngữ cử chỉ là phương tiện giao
tiếp bằng cử chỉ, nó đề cập đến phản ứng của các bộ phận trên cơ thể trong
những tình huống giao tiếp cụ thể truyền đạt thông tin thay lời, qua đó thể hiện
tư tưởng, tình cảm, thái độ, tâm lý, tính cách của mỗi người trong giao tiếp.
Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu được làm trên bản dịch Anh em nhà Caramazov của dịch giả Phạm
Mạnh Hùng, NXB Lao động, 2007. Phạm vi ngôn ngữ cử chỉ được lựa chọn để nghiên
cứu trong luận văn là những cử chỉ, diện mạo, âm thanh lời nói của tuyến nhân vật
chính là các thành viên của gia đình Caramazov tại những hoàn cảnh đặc thù của tác
phẩm. Trong quá trình phân tích, luận văn có liên hệ mở rộng đến một vài tác phẩm
khác trong sáng tác của Dostoevski.
4. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng những phương pháp nghiên cứu liên ngành với các tiếp cận
thi pháp học, tâm lí học, văn hoá học, phân tâm học.
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, phần nội dung luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Ngôn ngữ cử chỉ và các tình huống giao tiếp
Chương 2: Cử chỉ, tâm lý và nhân cách
Chương 3: Cử chỉ như là biểu tượng

Chương 1: NGÔN NGỮ CỬ CHỈ
VÀ CÁC TÌNH HUỐNG GIAO TIẾP.
1.1 .Đối thoại trực tiếp – trường hợp Ivan và Xmerdiacov
Tại những tình huống đối thoại trực tiếp, khách thể quan sát cử chỉ và chủ thể
thực hiện cử chỉ đối diện với nhau để quan sát và phán đoán lẫn nhau. Trong tác phẩm
này, cặp nhân vật phải thường xuyên đọc lẫn nhau là Xmerdiacov và Ivan tại hai thời
điểm trước và sau khi án mạng xảy ra.
Những cuộc đối thoại giữa Xmerdiacov và Ivan là những cuộc rượt đuổi, thâu
tóm nhau. Ban đầu là Xmerdiacov rượt đuổi theo những ý đồ chưa hoàn toàn định hình
của Ivan về tội ác. Về sau là Ivan rượt đuổi theo Xmerdiacov để đi tìm sự thật về án

mạng, sự thật về “con quỷ” xui khiến nên những ý đồ tội lỗi trong tâm trí chàng. Chỉ
có ở cuộc đối thoại cuối cùng là họ “lật bài” nhau, còn trong những cuộc đối thoại
trước đó họ đều vừa thăm dò vừa lấp liếm nhau qua ý tứ cử chỉ của đối tượng. Ngay cả
trong cuộc “lật bài”, họ không quên thu lấy từng biểu hiện nhỏ nhất của cử chỉ để nắm
được thái độ và ý đồ của đối tượng giao tiếp. Và người đọc, qua đó cũng đọc được bức
tranh nội tâm của nhân vật, một thế giới đầy sóng gió và có thể đẩy đến tận cùng nguy
hiểm.




4

1.2. Giao tiếp đặc biệt
1.2.1. Chủ thể thực hiện cử chỉ tự quan sát và phán đoán mình – trường hợp
Ivan
Ivan là nhân vật điển hình trong tác phẩm thường xuyên phân thân. Trong giao
tiếp, Ivan thường xuyên phải “lăn tăn” về lời nói và cử chỉ của mình hơn cả. Chàng
đọc mình, càng đọc càng thấy lý trí không giải thích nổi tại sao mình lại hành xử như
vậy. Ivan bị động đối với chính cử chỉ của mình.
Tại tình huống Ivan nói chuyện với Xmerdiacov trước buổi lên đường, không
thiếu những phút giây Ivan dừng lại suy tư về chính mình và việc không lí giải được
đã trở thành nỗi ám ảnh. Sau án mạng, sự phân thân của Ivan chuyển thành “cái nhìn
xoáy vào một điểm” và đối thoại với một nửa còn lại của mình. Ivan đi tìm chính bản
thân mình. Chàng gọi “con quỷ” trong nội tâm mình ra chính là để đối diện với sai
lầm, tội lỗi của bản thân và triệt tiêu nó. Nhưng thực hiện việc này không hề dễ dàng,
đối diện với “con quỷ” của mình, bộ dạng của Ivan thực sự đau đớn. Đây là một biện
pháp khắc họa tâm lý nhân vật tài tình cho thấy thế giới nội tâm đầy mâu thuẫn ở nhân
vật của Dostoevski.
1.2.2. Chủ thể thực hiện cử chỉ bị quan sát công khai bởi nhân vật khác – trường

hợp Dimit’ri
Tại đây, chúng ta có hai đối tượng cùng tham gia giao tiếp nhưng chỉ có một đối
tượng nằm ở thế bị động, bị quan sát, bị phán đoán bởi đối tượng còn lại. Việc Dimit’ri
bị quan sát và chịu sự phán đoán công khai của đám đông và quan toà trong phiên toà
xử án nằm trong trường hợp này. Chỉ riêng cái nhìn thẳng của chàng đã khiến các nhà
tâm lý học xả tốc lực quy chụp và nguỵ biện một cách hài hước và ngu ngốc.
Dostoevski để cho tâm lý nhân vật mình nguyên dạng với những khối mâu thuẫn nảy
lửa do vậy ông lên án việc phân tích tâm lý bằng những cái nhìn cực đoan, thiên kiến.
1.2.3. Chủ thể thực hiện cử chỉ bị quan sát “lén” bởi nhân vật khác và người
kể chuyện
Ở hoàn cảnh giao tiếp mà chủ thể thực hiện cử chỉ bị quan sát “lén” bởi nhân vật
khác, một trong hai đối tượng giao tiếp đã không ra mặt. Tại đây, nhân vật bị quan sát
“lén” đã “hồn nhiên” nhất thể hiện cử chỉ của mình, người quan sát vì thế nắm được
đối tượng qua cử chỉ dễ dàng hơn cả.
Aliosa quan sát đằng sau Ivan khi Ivan quyết định ra đi. Cái đi hơi lắc lư của Ivan
không lý giải nổi nhưng để lại cho Aliosa rõ ràng một cảm giác ghê sợ. Đó là cử chỉ kì
dị, đó là điềm báo, là điều tiên cảm của Aliosa trước một điều kinh khủng bất thường
sắp xảy ra mà chúng ta đã biết đó là âm mưu giết cha của Ivan. Dostoevski đã để cho
nhân vật của mình tiên liệu sự việc bằng ngôn ngữ cử chỉ.
Khi chủ thể thực hiện cử chỉ bị quan sát chỉ bởi người kể chuyện, người kể
chuyện đóng vai trò là đối tượng giao tiếp với nhân vật. Dostoevski quan tâm đến việc
nhân vật của mình đã để lỡ cơ hội trực tiếp đọc cử chỉ của đối tượng ngay tại thời điểm
giao tiếp, ông để cho nhân vật của mình đi qua nó và sau này nhớ lại mới thấy rõ vai
trò của cử chỉ ấy.
5

Dostoevski đã rất chú ý đến ngôn ngữ cử chỉ khi xây dựng nhân vật, người kể
chuyện trong tác phẩm của ông “hớ hênh” mà đầy dụng ý miêu tả cử chỉ của nhân vật
nhưng không hề “chú thích” ngay. Dostoevski để cho cử chỉ trở thành ám ảnh với
nhân vật, đây cũng là lời cảnh báo của tác giả rằng hiểu được nhân vật trong những

hoàn cảnh giao tiếp cụ thể không thể bỏ qua ngôn ngữ cử chỉ. Và đối với cốt truyện
trinh thám của tác phẩm này, những cử chỉ đặc biệt ấy của nhân vật làm thành điểm
nhấn tạo những mốc quan trọng trong dòng phát triển của cốt truyện.
Tóm lại, ngôn ngữ cử chỉ trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể có vai trò quan
trọng trong việc nhận định đối tượng giao tiếp. Chú trọng đến vai trò của ngôn ngữ cử
chỉ trong xây dựng nhân vật, Dostoevski lấy đó làm một “kênh” giao tiếp thứ hai giữa
các nhân vật. Tác giả cho thấy những cấp độ mâu thuẫn giữa ngôn ngữ nói, ngôn ngữ
cử chỉ và suy nghĩ của nhân vật để họ thường xuyên phải đi tìm nhau và đi tìm chính
bản thân mình. Qua đó, Dostoevski bộc lộ tài năng kiệt xuất của mình trong việc phân
tích tâm lý nhân vật, đặc biệt là ở loại nhân vật luôn nằm trong trạng thái hỗn dung của
những thái cực đấu tranh lẫn nhau gay gắt. Tuy nhiên, Dostoevski bằng chính ngôn
ngữ cử chỉ của nhân vật cũng ra lời phê phán lối suy nghĩ thiển cận, phê phán lối phân
tích tâm lý học hoàn kết con người, ngụy biện và quy chụp. Mặt khác, đối với quá
trình phát triển của cốt truyện, ngôn ngữ cử chỉ của nhân vật cũng được Dostoevski sử
dụng hữu hiệu. Có khi nó đóng vai trò như một ký hiệu, một sự tiên liệu làm nên
những điểm mốc quan trọng cho tiến trình phát triển của cốt truyện. Ngôn ngữ chỉ của
nhân vật trong tác phẩm tạo sức hút đối với việc phân tích tâm lý nhân vật và diễn tiến
cốt truyện. Như vậy, nghiên cứu ngôn ngữ cử chỉ của nhân vật trong những hoàn cảnh
giao tiếp cụ thể cho ta biết ý nghĩa của nó trong ý đồ sáng tạo nghệ thuật của
Dostoevski.

Chương 2: CỬ CHỈ, TÂM LÝ VÀ NHÂN CÁCH

Mỗi nhân vật của ông là một nhân cách sống động với kiệt cùng những giới hạn
và tồn tại cả sự quá ngưỡng. Ông không tách nó hẳn ra, gọi tên nó ra mà để cho nó
nguyên dạng đến mức tưởng như nhân vật của ông đã có lúc quẫn bức vì chính những
thái cực không thể cắt nghĩa của lòng mình. Trong gia đình Caramazov, ở đỉnh điểm
của những thái cực, ta có hiện thân của cái đẹp – Aliosa, cái xấu – Fiodor, cái ác -
Xmerdiacov; ở những đỉnh điểm của mâu thuẫn giữa những đối cực, ta có một Ivan
khủng hoảng với thiện và ác, một Dimit’ri cuống cuồng với đam mê và danh dự. Mỗi

loại nhân cách ấy có một cách thể hiện mình bằng cử chỉ rất riêng. Nghệ thuật xây
dựng ngôn ngữ cử chỉ của nhân vật một phần thể hiện sự thành công trong nghệ thuật
xây dựng tâm lý nhân vật của Dostoevski, sự thành công trong xây dựng tâm lý nhân
vật lại tạo thêm một nấc thang để Dostoevski đặt nhân vật của mình vào những hệ giá
trị thẩm mĩ của nghệ thuật.
2.1 Đỉnh điểm của những thái cực: Aliosa, Fiodor và Xmerdiacov
Dostoevski khát khao xây dựng trong tác phẩm của mình một mẫu người lý
tưởng, mẫu con người hoàn mĩ dẫn dắt và cứu rỗi thế giới. Trong Anh em nhà
6

Caramazov, hiện thân của cái đẹp là Aliosa. Aliosa của Dostoevski hoàn mĩ ở cái đẹp
trong sáng, thánh thiện, cái đẹp của một vì tinh tú thanh khiết, trong lành. Đối lập với
cái đẹp ngây thơ trong sáng của Aliosa là cái xấu của thói dâm dục đê mạt lố bịch của
người cha Fiodor, và cái ác được gieo mầm cũng từ thói dâm dục đó của kẻ tội đồ
Xmerdiacov. Aliosa có dung mạo của sự thánh thiện với vẻ đẹp hài hoà của khuôn
mặt, nét mặt ửng hồng trong sáng, nụ cười dịu dàng và cái nhìn tươi sáng. Mặt đối lập
của Aliosa là Fiodor với khuôn mặt dâm dật, nét cười lố bịch, diễn kịch tục tĩu cùng
những giọt nước mắt hèn hạ và Xmerdiacov với ánh nhìn thù hằn gằm ghè thiên hạ,
trầm ngâm suy tư và toan tính rửa hận thâm độc, y giết chết cha đẻ mình rồi tự vẫn. Aliosa
chưa phải là hiện thân của vẻ đẹp hoàn hảo nhất mà chỉ là cái đẹp đang trên đường tìm
kiếm sự hoàn hảo. Trên con đường tìm kiếm ấy, không thể thiếu sự xuất hiện của cái
xấu và cái ác. Cái xấu và đỉnh cao của cái xấu là cái ác đều là những phạm trù đối lập
với cái đẹp cả về mĩ học lẫn đạo đức học. Cái đẹp, cái xấu, cái ác luôn là sự tồn tại
trong thế hỗn dung, cái đẹp được tôn lên và phân biệt với cái xấu và cái ác nhưng vẫn
chấp nhận sự tồn tại của cái xấu, cái ác ấy.
Tội ác trong các tác phẩm của Dostoevski là bạo lực, là giết người. Quan niệm đó
về tội ác mang đậm màu sắc Cơ đốc giáo. Nhưng Dostoevski dù để cho nhân vật của
mình bị cái xấu, cái ác làm biến dạng nhân tính đến mức nào thì đến phút quyết định
ông vẫn hướng họ về cái thiện và đức tin. Và đó cũng là cách giải quyết vấn đề mang
đậm màu sắc Cơ đốc giáo.

2.2. Đỉnh điểm của mâu thuẫn giữa những đối cực: Ivan và Dimit’ri
Ivan và Dimit’ri đều mang trong mình những cá tính mãnh liệt đặc trưng của dân
tộc Nga. Thế giới nội tâm của hai nhân vật này chất chứa những dao động bất tận của
những mảnh xúc cảm và những dằn vặt tinh thần ghê gớm. Bằng nghệ thuật miêu tả
tâm lý đại tài, Dostoevski để những khối mâu thuẫn nội tâm ấy nguyên dạng buột ra
ngoài qua mỗi biểu hiện cử chỉ của nhân vật. Ivan đau khổ trong cơn khủng hoảng
dưới hình hài co quắp, run rẩy; Dimit’ri luôn gào thét bừng bừng xúc cảm trong nét
mặt, bước đi mạnh bạo và cái nhìn không bao giờ chịu khuất phục.
Ivan là một nửa của Dostoevski đấu tranh với giải pháp mang đậm màu sắc Cơ
đốc giáo, Ivan phủ nhận sự trừng phạt bằng sám hối sau tội lỗi. Nhân cách Ivan là một
nhân cách bất ổn, nhưng cũng là một nhân cách thật sự đáng lưu tâm bởi nó mang lấy
cái bất ổn của triết học nhân loại mà bấy lâu nay loài người chưa tìm ra một câu trả lời
hoàn hảo. Dostoevski dựng nên một bức chân dung con người Nga không ngừng đấu
tranh, không ngừng phản biện, không bao giờ chịu sự chấp nhận êm xuôi mang tính
tương đối, ước lệ, tạm thời, và đặc biệt là không chấp nhận sự phi lí của cuộc sống.
Bên cạnh một Ivan khủng hoảng về tinh thần là một Dimit’ri man dại trong lối
sống. Chàng sống rất bản năng và đầy cao ngạo với bản năng tràn trề sinh lực ấy của
mình. Mỗi hình dung diện mạo, cử chỉ của chàng đều toát lên sự căng tràn của lòng
ham sống mãnh liệt. Mặc dù cơn lốc xoáy ấy đã có lúc cuốn chàng đi thật xa, tưởng
như thoát ly khỏi thiên lương và nhân tính, nhưng cũng chính sức mạnh của lòng yêu
đời, ham sống, và niềm kiêu hãnh làm người chân chính đã cứu vớt chàng khỏi hành
động tội lỗi. Nhân cách Dimit’ri là nhân cách mang trong mình chất Dionios Nga man
7

dại nhưng hướng thiện. Sau tất cả sự quẫy đạp kiếm tìm tự do vô bờ bến, Dimit’ri vẫn
tìm về đức tin chân chính của đạo Kitô Nga.

Chương 3: CỬ CHỈ NHƯ LÀ BIỂU TƯỢNG

Những giọt nước mắt, những cái ôm hôn, quỳ lạy và sụp mình sát đất, hôn đất là

cụm cử chỉ gây ám ảnh nhiều nhất trong tiểu thuyết Anh em nhà Caramazov của đại
văn hào Dostoevski. Xuất hiện từ những tác phẩm của giai đoạn lãng mạn cho đến tác
phẩm cuối cùng có giá trị hiện thực theo nghĩa cao cả nhất – Anh em nhà Caramazov,
cụm cử chỉ này đã lập thành biểu tượng.
3.1. Sự phát triển của cụm cử chỉ mang tính biểu tượng trong Những đêm
trắng, Bút kí dưới hầm, Tội ác và trừng phạt
Sự phát triển của cụm cử chỉ từ nước mắt, nụ cười, những cái ôm hôn và sự quỳ
lạy trong ba tác phẩm ở những thể loại khác nhau trên chặng đường sáng tác của
Dostoevski trước khi đến với tác phẩm cuối cùng của ông cho thấy ý nghĩa của chúng
tịnh tiến theo dòng thời gian. Ban đầu những giọt nước mắt trong sáng tác của
Dostoevski chỉ mang lấy cái dư vị trầm buồn lãng mạn, trong sáng, thánh thiện. Rồi
sau chúng phát triển lên thành nỗi sầu tuyệt vọng, cho đến khi nó xuất hiện cùng cái
ôm của Liza dành cho kẻ dưới hầm thì những giọt nước mắt cùng cái ôm kia đã phần
nào có ý nghĩa phục sinh. Nỗi tuyệt vọng trở nên bi phẫn nhất và biến dạng thành dã
tâm độc địa khi những giọt nước mắt ấy được thay thế bằng nụ cười kì dị của kẻ giết
người Raskolnicov, nhưng đi liền với nó là sự phục sinh lý tưởng khi nhân vật của
chúng ta khóc trước Mẹ đất bao dung và đồng thời với những giọt nước mắt ấy là tình
yêu cuộc sống gửi trọn trong cử chỉ ôm hôn và quỳ lạy sát đất. Để rồi từ đó, từng bước
một, dù thật khó khăn, nhân vật đã tịnh tiến tới niềm tin và hy vọng vào một tương lai
hạnh phúc sau những tháng năm tù ngục.
3.2. Cụm cử chỉ mang tính biểu tượng trong tác phẩm Anh em nhà
Caramazov.
3.2.1. Nước mắt – nỗi đau khổ và sự thanh lọc.
Trong Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, nước mắt được hiểu:“Là cái giọt sẽ
tan đi, sẽ biến thành hơi, sau khi đã làm chứng: một biểu tượng của nỗi đau và sự can
thiệp giúp đỡ” [5, tr. 717]. Trong những tác phẩm của Dostoevski, nước mắt đã xuất
hiện với một tần số không nhỏ, Anh em nhà Caramazov cũng không ngoại lệ. Chúng
tôi gọi đó là những giọt nước mắt mang lấy nỗi đau khổ và sự thanh lọc.
Trong gia đình Caramazov, Fiodor và Xmerdiacov không phải không có lúc nhỏ
những giọt nước mắt, nhưng đấy là những giọt nước vắt ra từ nỗi run sợ yếu đuối, đớn

hèn, mạt hạng của cái xấu và cái ác. Đây không phải là những giọt nước mắt mà chúng
tôi muốn đề cập đến.
Hình ảnh biểu tượng của nỗi đau khổ và sự thanh lọc mà chúng tôi muốn nói ở
đây, đầu tiên, phải kể đến những giọt nước mắt mang nỗi đau thuần nhất, nỗi đau của
một con người có trái tim đa cảm – Aliosa. Đó là những giọt nước mắt mà Aliosa đau
khổ cho người mẹ đã khuất, đau khổ cho người cha bất kính, và đau khổ cho chính đức
8

tin bị trà đạp khi nghe Fiodor kể lại việc y chà đạp đức tin của vợ. Cũng bằng chính
những giọt nước mắt đau khổ ấy, anh như thể nguyện cầu trong sám hối cho những tội
lỗi mà người cha đáng tủi hổ của mình gây ra. Trước sự ra đi mãi mãi của người thầy
vĩ đại là trưởng lão Zoxima, Aliosa đã nức nở khóc. Những giọt nước mắt ấy vừa khắc
sâu nỗi buồn đau mất mát, vừa mang lại điều gì như khoả lấp nỗi niềm, xoa dịu thương
đau và phần nào tạo nguồn sức mạnh cho nhân vật trước khi đối diện với những vết
thương mới của cuộc đời. Để rồi vượt qua được những yếu đuối của một trái tim giàu
lòng thương cảm, Aliosa đối diện với bức tranh gia đình tan nát của mình một cách
khá bình tĩnh và chín chắn. Lúc này đây, dù chua xót cho sự bi đát của những người
anh, nhưng niềm tin đã khiến Aliosa có thể “lặng lẽ mỉm cười” và cầu nguyện. Những
giọt nước mắt lăn trên má Aliosa là những giọt lệ của nỗi đau nhân thế đồng thời mang
trong nó sự thanh lọc thánh thiện nhất. Nó không chỉ khiến tâm hồn Aliosa thêm sáng
trong hơn với lòng nhân ái bao dung, nó còn khiến cho người ta có thể tin tưởng hơn
vào những điều tốt đẹp của cuộc đời.
Nếu như Aliosa mang lấy trong mình nỗi đau khổ thuần nhất, nỗi đau của một
trái tim đa cảm thì hai người anh trai của chàng mỗi người lại mang lấy cho mình một
nỗi đau mang hình hài và tâm sự khắc khổ khác nhau. Những giọt nước mắt của
Dimit’ri chỉ trào dâng khi nỗi đau khổ lên đến đỉnh điểm, và cũng chính nó mang đến
cho chàng một điều gì đó như là sự giải thoát khỏi cơn cùng quẫn. Những giọt nước
mắt kia làm lắng lại nỗi đau, kéo trầm lại những ngông cuồng của một cá tính quẫy
đạp phá bĩnh trong Dimit’ri và mang Dimit’ri tới gần đức tin chân chính của người
Nga. Nếu như Aliosa và ngay cả Dimit’ri dù chịu những nỗi đau khổ quá lớn nhưng họ

vẫn còn có thể nhỏ những giọt nước mắt nức nở thì Ivan của chúng ta mang một khối
đau khổ vô cùng tận lại không một lần nào rơi lệ, anh ôm trọn khối nội tâm cùng quẫn
không sao giải tỏa được. Tác giả để cho khối đau khổ của Ivan đặc quánh lại và xiết
chặt lấy tâm can chàng khiến con người ấy run rẩy trong co quắp đối thoại với chính
mình. Nỗi đau không thể giải toả, sự khủng hoảng không tìm được lối thoát khi thiếu
những giọt nước mắt thanh lọc, Ivan trở nên điên dại.
Tóm lại, nói đến nỗi đau khổ, muôn đời người ta gắn nó với những giọt nước
mắt, Dostoevski cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Kể từ lúc nhà văn bắt tay vào
nghiệp viết với những tác phẩm lãng mạn đầu tiên, nỗi buồn đau của nhân vật đã bắt
đầu xuất hiện ở dạng sơ khởi gắn với cái trầm buồn man mác của những giọt nước
mắt. Rồi từ đó, nỗi buồn cứ thế đẩy cao hơn, sâu hơn, người ta không thể khóc mà
thay bằng cái cười nghiệt ngã nhất, cho đến cuốn tiểu thuyết cuối cùng Anh em nhà
Caramazov thì nỗi đau của những nhân cách còn lương tri và lòng trắc ẩn của tuyến
nhân vật chính cũng đã mang cho mình mỗi người một vẻ nhưng đều được đẩy lên đến
tận cùng. Dostoevski đã từng bước vẽ ra bức tranh kinh hoàng về nỗi đau khổ của con
người bắt đầu từ những giọt nước mắt. Nhưng cuối cùng chính ông lại hoàn thiện bức
tranh ấy bằng nỗi đau không thể giải toả được bằng nước mắt khiến khối đau khổ của
Ivan trở nên ám ảnh khôn nguôi. Khi nghịch cảnh thiện – ác vẫn chưa có lời phán
quyết cuối cùng trong cuộc sống phi lý này, những giọt nước mắt của nỗi đau và sự
thanh lọc là điều không thể thiếu
9

3.2.2.Xiết tay, ôm hôn và quỳ lạy – tình yêu thương, lòng tôn kính và sự sám
hối
Ôm hôn là cử chỉ của lòng yêu thương con người, bằng cử chỉ ấy người ta truyền
cho nhau những cái ấm nóng tin yêu. “Hôn là biểu tượng của sự hợp nhất, sự gắn kết
với nhau, cái hôn đã mang ý nghĩa tâm linh ngay từ thời cổ đại” [5, tr. 446].
Dostoevski trong Anh em nhà Caramazov không bỏ qua cử chỉ ấy khi khắc họa những
con người Nga giàu tín ngưỡng và lòng nhân ái.
Kẻ không có được những khoảnh khắc xiết một bàn tay, không có một cử chỉ ôm

hôn hay quỳ lạy nào chính là Xmerdiacov. Y cũng chính là kẻ sống biệt lập thiếu thốn
tình yêu thương, thiếu thốn cả những điều tốt đẹp để tôn thờ. Trong tác phẩm, thật
chăm chú để kiếm tìm ta cũng không tìm ra khoảnh khắc nào Ivan ôm hôn bất cứ một
nhân vật nào một cách cởi mở và chân thành. Hai tay của Ivan không dùng để ôm hôn,
mà đôi tay ấy thường xuyên ôm chặt lấy đầu trong những cơn khủng hoảng bắt nguồn
sâu sa ở sự thiếu niềm tin yêu ở con người và cuộc đời. Fiodor không phải là không có
những cử chỉ xiết chặt bàn tay hay ôm hôn quỳ lạy, nhưng những cử chỉ ấy của y
không những không biểu hiện được tình yêu thương và sự sám hối chân thành mà còn
khắc sâu hơn sự trơ trẽn và lố bịch trong tính cách y.
Trong tác phẩm, sự ôm hôn quỳ lạy đã xuất hiện với ý nghĩa thành kính thiêng
liêng gắn với đạo Kito Nga. Sự sám hối của kẻ thực thi cử chỉ ôm hôn, quỳ lạy và sự
bao dung độ lượng của trái tim con người thánh thiện trước sự sám hối ấy được
Dostoevski triển khai ở nhiều cấp độ từ cá nhân đến đám đông, từ sự sám hối cho bản
thân đến sự sám hối cho kẻ khác.
Chúng ta bắt gặp những lần người mẹ ngộ dại nhưng sùng đạo của Aliosa quỳ
trước bức ảnh Thánh và cầu nguyện. Không chỉ sụp lạy ôm hôn cây thánh giá và trước
ảnh Chúa, nhân vật trong tác phẩm còn thực hiện nghi lễ ấy trước vị thánh sống
Zoxima. Khi Cha Zoxima đứng trước quảng trường, những người hành hương với tấm
lòng thành kính thiêng liêng đã sụp mình dưới chân Cha để được sám hối, để được
nguyện cầu, để được tỏ lòng biết ơn sâu sắc người đã dìu dắt tâm hồn họ qua những
cơn bão táp của cuộc đời.
Ta bắt gặp sự sám hối cho những tội lỗi của bản thân ở Grusenca khi nàng quỳ
thụp trước thiên thần trong sáng Aliosa. Ý nghĩa của hành vi sám hối thiêng liêng ấy
được Dostoevski nâng lên cao hơn khi để cho thánh hài Aliosa và vị thánh sống
Zoxima sám hối thay cho tội lỗi của những con chiên lầm lạc. Aliosa hôn vào môi Ivan
như một sự sám hối cho tội lỗi của anh trai. Song hành với sự sám hối của Aliosa thay
cho Ivan là sự sám hối của Zoxima thay cho Dimit’ri: “Cha quỳ xuống trước mặt
chàng”. Người quỳ lạy như một sự sám hối cho tội lỗi ấy, đồng thời rạp mình trước
nỗi đau khổ mà nhân vật sẽ nếm trải khi tự mình sám hối.
Đối với Fiodor và Xmerdiacov, hai nhân cách thiếu hoàn toàn thiên lương và

lòng nhân ái, giải pháp sám hối kia có lẽ cũng trở nên bất lực. Bằng những cách khác
nhau, hai con người ấy về với đất. Đất mẹ là nơi sinh ra những nhân cách đối lập. Từ
đất, người dân Nga có sức mạnh “cuồng bạo và thô thiển”, nhưng cũng chính cội
nguồn sinh sôi ấy đem lại nguồn sinh lực dồi dào cho cuộc sống của họ. Đất mẹ là nơi
10

khởi nguồn vĩ đại của sự sống, cũng là nơi cuối cùng đón nhận mỗi sinh linh sau một
kiếp trầm luân trong khổ đau, tội lỗi. “Phải yêu cuộc đời hơn ý nghĩa của cuộc đời”,
giải pháp cuối cùng mà Dostoevski bày ra cho nhân vật của mình là nhỏ những giọt
nước mắt xuống đất, quỳ lạy sát đất và hôn đất để yêu thương vô tận, để tỏ lòng thành
kính thiêng liêng và sám hối chân thành cho những tội lỗi của loài người từ khởi thuỷ.
Cụm cử chỉ ấy là biểu tượng của đức tin trọn vẹn, lòng yêu thương, sự tôn kính và sám
hối đạt đến đỉnh điểm. Khi Trưởng lão qua đời, chính Aliosa đã lặp lại lời dạy ôm hôn
đất trong cơn đau đớn mất mát khôn cùng. Yêu mến đất, đó là tình yêu thương vô tận
đối với con người và cuộc đời, yêu thương những bất hạnh và đớn đau của con người
và cuộc đời, mà một cách cụ thể và gần gũi nhất đó là tình yêu thương Aliosa dành cho
chính những con người trong gia đình mình, đau đớn và yêu thương cái nguồn “sức
mạnh bắt nguồn từ đất, cuồng bạo và thô thiển”. Anh đi tìm và nuôi dưỡng niềm tin
vào cái Thiện trong mỗi con người của cuộc đời này, và đất mẹ bao dung như mang lại
cho anh nguồn sức mạnh vô biên để anh trải nghiệm cuộc đời mà ở đó sự phi lý vẫn
ngang nhiên tồn tại.
Dostoevski cả cuộc đời đã vật vã đi tìm con người. Và ông đã nhận được những
thái cực không sao dung hoà được, những khối mâu thuẫn không sao giải quyết được
khi cố công đi tìm bí ẩn con người. Cái đọng lại sâu sắc đầu tiên với ông là nỗi đau
khổ, để rồi vượt thoát khỏi nó, chấp nhận những đối cực của lòng người bất toàn trong
sự tồn tại phi lý của cuộc sống, ông đã yêu mến con người và cuộc đời vô bờ bến, tin
tưởng vào ánh sáng của đạo Kito Nga. Những giọt nước mắt, những cái ôm hôn, quỳ
lạy từng bước trong tác phẩm của ông đã lập thành biểu tượng cho giải pháp cuối cùng
mà ông lựa chọn để có niềm tin vào cuộc đời và lòng người.
PHẦN KẾT LUẬN

Nghiên cứu ngôn ngữ cử chỉ của nhân vật trong tiểu thuyết Anh em nhà
Caramazov của Dostoevski với ba hướng tiếp cận chính gắn với những hoàn cảnh đặc
thù cụ thể trong giao tiếp giữa các nhân vật, gắn với nhân cách của tuyến nhân vật
chính là các thành viên trong gia đình Caramazov, và ngôn ngữ cử chỉ với vai trò biểu
tượng trong tác phẩm, chúng tôi rút ra kết luận:
1. Ngôn ngữ cử chỉ trong các hoàn cảnh giao tiếp đối thoại giữa nhân vật với
nhân vật, giao tiếp đặc biệt khi nhân vật tự “soi” mình, nhân vật “bị soi” công khai
hoặc lén lút bởi nhân vật khác hay bởi người kể chuyện cho ta biết ý nghĩa của nó đối
với ý đồ sáng tạo nghệ thuật của Dostoevski. Sử dụng ngôn ngữ cử chỉ khi khắc hoạ
nhân vật, Dostoevski bộc lộ tài năng kiệt xuất của mình trong việc phân tích tâm lý
nhân vật, đặc biệt ở loại nhân vật điển hình nằm trong trạng thái hỗn dung của những
thái cực đấu tranh lẫn nhau gay gắt. Tuy nhiên, Dostoevski bằng chính ngôn ngữ cử
chỉ của nhân vật, ông cũng ra lời phê phán lối suy nghĩ thiển cận, phê phán lối phân
tích tâm lý học hoàn kết con người ngụy biện và quy chụp. Mặt khác, đối với quá trình
phát triển của cốt truyện, ngôn ngữ cử chỉ của nhân vật cũng được Dostoevski sử dụng
hữu hiệu, có khi nó đóng vai trò như một ký hiệu, một sự tiên liệu làm nên những điểm
mốc quan trọng cho tiến trình phát triển của cốt truyện.
11

2. Mỗi cá nhân trước những hoàn cảnh khác nhau có những phản ứng cử chỉ
khác nhau, bởi vậy ngôn ngữ cử chỉ của họ rất đa dạng và phong phú. Sự thay đổi trên
khuôn mặt, cử động đầu và tứ chi của mỗi người trong những hoàn cảnh đặc thù biến
đổi khôn lường, Dostoevski rất chú trọng đến từng nét biểu hiện ấy của nhân vật để tạo
lập những nhân cách cụ thể. Đối với Dostoevski, chủ nghĩa hiện thực theo nghĩa cao cả
nhất phải tìm ra được “con người bên trong con người”, đó cũng là mục đích mà cả
đời cầm bút của ông hướng tới. Bằng việc xây dựng những con người Nga cụ thể trong
một “gia đình ngẫu hợp đa nhân cách”, ông đã bao quát được con người Nga điển
hình trong sự ngẫu hợp nhân cách ấy. Đó là những con người của cái đẹp – Aliosa, cái
xấu – Fiodor, cái ác - Xmerdiacov, và những con người của những nhân cách còn chưa
được định hình với những thái cực giằng co trong tư tưởng và hành động là Ivan và

Dimit’ri. Họ là những con người dù trong cuộc đời trần tục còn đầy khiếm khuyết đã
luôn hướng tới cái thiện và đức tin chân chính.
3. Những giọt nước mắt, những cái ôm hôn, quỳ lạy từng bước xuất hiện trong
tác phẩm của Dostoevski từ những chặng sáng tác đầu tiên đến tác phẩm cuối cùng.
Những giọt nước mắt của nỗi buồn man mác trong những sáng tác lãng mạn, những
giọt nước mắt đau khổ tột cùng của chủ nghĩa hiện thực và cuối cùng là những giọt
nước mắt của nỗi đau khổ và sự thanh lọc, ý nghĩa của những giọt nước mắt được tịnh
tiến dần theo từng chặng đường sáng tác của Dostoevski để rồi trở thành biểu tượng
trong tác phẩm cuối cùng của ông. Bên cạnh những giọt nước mắt, ông thể hiện tình
yêu thương, sự tôn kính và sám hối của nhân vật trong cụm cử chỉ xiết tay, ôm hôn,
quỳ lạy. Cụm cử chỉ ấy đã đôi lần xuất hiện trong các tác phẩm trước của ông, nhưng
tại đây, ông đã đẩy nó đi đến giá trị tận cùng là biểu tượng của đức tin trọn vẹn với giá
trị đỉnh điểm của lòng yêu thương, sự tôn kính và sám hối chân thành sâu sắc.

References.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. M.Bakhtin,( 1993), Những vấn đề thi pháp Dostoevski, dịch giả Trần Đình Sử, Lại
Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, NXB Giáo dục.
2. M.Bakhtin, (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, dịch giả Phạm Vĩnh Cư, Bộ văn
hóa thông tin và thể thao, trường viết văn Nguyễn Du.
3. Berdiaev.N.A, Tâm hồn Nga - Nước Nga, />binh/nghien-cuu/2004/02/3B9AD386/, 04/03/2012.
4. Lê Nguyên Cẩn (chủ biên), (2006), Tác gia, tác phẩm văn học nước ngoài trong
nhà trường - Phêđor Mikhailôvich Đôxtôiepxki, NXB Đại học Sư phạm.
5. Jean Chevalier, (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng.
6. Phạm Vĩnh Cư, Dostoevski – Sự nghiệp và di sản,
/>dostoievski-su-nghiep-va-di-san.html, 26/03/2012.
12

7. Phạm Vĩnh Cư, Hành trình tư tưởng của Tolstoi nhìn từ hôm nay,
/>trinh-tu-tuong-cua-tolstoi-nhin-tu-hom-nay.html, 26/03/2012.

8. F.M.Dostoevski, (2007), Anh em nhà Caramazov, dịch giả Phạm Mạnh Hùng,
NXB Lao động.
9. F.M.Dostoevski, (1999), Bút kí dưới hầm, Những đêm trắng, Cô gái nhu mì, dịch
giả Thạch Chương, Phạm Mạnh Hùng, NXB Hội nhà văn.
10. F.M.Dostoevski, (1973), Lũ người quỷ ám, dịch giả Nguyễn Ngọc Minh, NXB
Nguồn Sáng.
11. F.M.Dostoevski, (1987), Những kẻ tủi nhục, tập 1, dịch giả Anh Ngọc, NXB Thuận
Hóa.
12. F.M.Dostoevski, (2002), Gã khờ, dịch giả Phạm Xuân Thảo (hiệu đính Đoàn Tử
Huyến), Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông – Tây.
13. F.M.Dostoevski, (2000), Tội ác và trừng phạt, dịch giả Cao Xuân Hạo, NXB Văn
học.
14. Nguyễn Đình Đăng, Giá trị của nghệ thuật, />luan-phe-binh-nghe-thuat/322-gia-tri-cua-nghe-thuat.html, 05/04/2012
15. Nguyễn Kim Đính, (2003), Ph.M.Dostoevski, Lịch sử văn học Nga, NXB Giáo dục.
16. Ngô Toàn Định, (1995), Tâm lý học y học, NXB Y học.
17. Freud Sigmund, (2002), Phân tâm học nhập môn, dịch giả Nguyễn Xuân Hiến,
NXB ĐHQGHN.
18. Nguyễn Quỳnh Giang, (2008), Kết cấu tiểu thuyết “Anh em nhà Caramazov” của F. M.
Dostoevski, Luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội.
19. Groxman.L, (1998), Dostoevski cuộc đời và sự nghiệp, NXB Văn hóa.
20. Gregory Hartley & Maryann Karinch, (2011), Ngôn ngữ cử chỉ, dịch giả Nguyễn
Thị Linh, NXB Lao động.
21. Nguyễn Hải Hà (chủ biên), (2006), Lịch sử văn học Nga thế kỉ XIX, NXB Giáo
dục.
22. Nguyễn Hải Hà, (2006), Thi pháp tiểu thuyết L. Tônxtôi, NXB Giáo dục, Hà Nội.
23. Nguyễn Thị Huyền, (2008), Hình tượng nhân vật nữ trong tác phẩm “Anh em nhà
Caramazov” của F. M Dostoevski, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Sư phạm Hà Nội.
13

24. Jung Carl Gustav, (2007), Thăm dò tiềm thức, dịch giả Vũ Đình Lưu, NXB Tri

thức.
25. Khrapchenco.M.B, (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học,
NXB Tác phẩm mới.
26. Nguyễn Phương Kiệt, Dostoevsky trong thế giới hiện đại,
26/03/2012.
27. Phạm Ngọc Lan, Truyền thuyết về đại pháp quan, khi chân lý đối thoại với biểu
đạt, />dai-phap-quanquot;-khi-chan-li-doi-thoai-voi-bieu-dat.aspx, 26/03/2012.
28. Nghịch lý Epicurus,

06/03/2012.
29. Lê Thị Hồng Quyên, (2001), Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật trong tác phẩm
“Tội ác và trừng phạt” của Doxtôiepxki, Luận văn tốt nghiệp, Đại học Sư Phạm
Hà Nội.
30. Lê Sơn (chủ biên), (2001), Sáng tác của Đoxtoiepxki – những tiếp cận từ nhiều
phía, Viện thông tin khoa học xã hội, Chuyên đề, Hà Nội.
31. Zweig Stefan, (1996), Ba bậc thầy Dostoevski – Banzac – Dicken, dịch giả Nguyễn
Dương Khư, NXB Giáo dục.
32. Todorov.Tz, (2004), Thi pháp văn xuôi, dịch giả Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm,
NXB Đại học sư phạm Hà Nội.
33. Trung tâm từ điển học,(2010), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
34. Nguyễn Tuân – Tuyển tập (tập 3), (1998), NXB Văn học.
35. Vicheslavtrev. B.P, (2002) Đi tìm tính cách Nga, Tạp chí Văn học nước ngoài, số
5.
36. Nguyễn Thị Vượng, Nhân vật tự thú trong "Bút kí dưới hầm" của F.M.
Dostoievski, />trong-quot;but-ki-duoi-hamquot;-cua-fm-dostoievski.aspx, 26/03/2012.

×