Thành công được tìm thấy từ thất bại
Trên chiến trường, chẳng có một vị tướng nào luôn thắng trận. Thế nhưng
những nhà quân sự giỏi lại thường biết tìm ra từ trong thất bại những thời cơ mới
giành thắng lợi. Trên thương trường cũng chẳng thiếu gì những kẻ huyênh hoang đắc
thắng bị người thất bại đánh thua. Chủ tập đoàn Sanyo, Nhật Bản, người được giới
doanh nhân Nhật Bản gọi là “thánh kinh doanh”, từng nói rằng: “Người có võ nghệ
cao cường, động tác rút mũi thương về thường nhanh hơn lúc phóng ra. Trong kinh
doanh cũng vậy, doanh nhân giỏi là người biết rút lui mà không mất thời cơ”.
Thất bại- khó có thể tránh được
Thương trường luôn khắc nghiệt, nhà doanh nghiệp cho dù có năng lực và tài
năng kinh doanh đến đâu vẫn có thể có lần thất bại. Do vậy, các nhà doanh nghiệp cần
phải căn cứ vào tình thế lợi hay hại có thể xảy ra và có sự chuẩn bị chu đáo, có kế
hoạch để thấy tiến khi thời cơ đến, thấy lùi khi cần thiết để tránh cạnh tranh không
hiệu quả mà tốn công vô ích.
Trong kinh doanh, chủ doanh nghiệp đứng trước một sai lầm hay nguy cơ nào
đó cần có tinh thần khảng khái, nhìn thấy những mặt có lợi của thất bại, cố sức biến bị
động thành chủ động để vươn tới những thành công mới. Trên thương trường, không
phải thất bại nào cũng dẫn tới được thành công, nhưng từ những sai lầm vẫn có thể
chuyện bại thành thắng.
Với doanh nghiệp mà nói, việc nghiên cứu thành công một sản phẩm mới, sự
đổi mới công nghệ thường đi kèm theo vô số những thất bại. Điều quan trọng là nhà
doanh nghiệp cần rút ra bài học từ trong những thất bại đó để đi đến thành công. Chỉ
trong 2 tháng của năm 1994, một giám đốc chi nhánh Ngân hàng Fuji của Nhật Bản tại
NewYork, Mỹ, do hoạt động đầu cơ ngoại hối không thuận lợi thua lỗ ngày một lớn
đến con số khổng lồ 11,5 tỷ yên. Nhưng thua lỗ về tiền bạc của vị chủ ngân hàng này
không lớn bằng việc ông ta không tự nhận biết được thất bại của mình. Nếu như sau
vài lần thua lỗ, ông ta biết nhận ra và chuyển sang hướng kinh doanh khác thì có lẽ đã
không thất bại đến như vậy mà có khi còn thu được lợi nhuận khác.
Ông Diệp Chấn Trung, Giám đốc công ty ngoại thương Thâm Quyến, Trung
Quốc cố ý làm trái quy định chung để doanh nghiệp sa chân vào thị trường đầu cơ. Do
bản thân không am hiểu về lĩnh vực này nên ngay trong thương vụ đầu tiên đã mất
trắng hơn 3 triệu USD. Theo lẽ thường, Diệp Chấn Trung nên suy nghĩ lại và rút lút
ngay để chuyển hướng kinh doanh, đằng này đứng trước thất bại ông Diệp lại tỏ ra
ương ngạnh, làm ra vẻ không chịu thua và tiếp tục tập trung hết vốn liếng để đầu cơ
nhằm thu lại số lỗ. Kết quả, thua lỗ của Công ty đã lên đến trên 30 triệu USD.
“Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”
Những nhà doanh nghiệp tinh khôn khi thất bại thường tỉnh ngộ ra và tự thấy
mình sai ở đâu để từ đó đi đến những thắng lợi mới. Chủ tịch Hội đồng quản trị một
công ty Mỹ lúc đầu lập nghiệp đã lần lượt nghiên cứu chế tạo ra những sản phẩm dùng
cho xe hơi. Về chất lượng mà nói, sản phẩm của ông lúc ấy không ai có thể phê bình
vào đâu được nhưng sản phẩm vẫn không có người mua. Đứng trước thất bại này, vị
chủ tịch đã tự phân tích, suy nghĩ lại và cuối cùng tìm ra nguyên nhân: Một là sản
phẩm đã có người phát minh và, hai là, giá cả không hấp dẫn lắm. Sau đó, từ chỗ giao
nhau giữa thị trường và kỹ thuật, ông đã phát minh ra sản phẩm mới là máy ảnh chụp
ảnh lấy ngay sau một phút nổi tiếng trên toàn thế giới khiến công ty của ông nhanh
chóng chiếm lĩnh thị trường và đi đến thành công.
Trong quá trình quản lý doanh nghiệp cũng như nghiên cứu sản phẩm mới, có
nhiều trường hợp từ thất bại đã dẫn đến thành công. Và sản phẩm máy quạt gió không
có tiếng ồn là một ví dụ như vậy. Công ty điện cơ Fukoma của Nhật chuyên sản xuất
máy quạt gió nóng và máy nén khí loại nhỏ.
Do nhu cầu bảo vệ môi trường ngày càng bức xúc lại thêm dư luận lúc đó phản
đối vấn đề độc hại, thế là ngay trong nhà máy của hãng cũng có những đòi hỏi về thiết
bị có lợi cho môi trường, giảm tiếng ồn, trong đó có quạt gió không tiếng ồn. Fukoma
đã nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần, nhưng đều đi đến thất bại.
Trong một lần thử nghiệm, một công nhân do vô ý nên đã thao tác sai, lắp
ngược hoàn toàn cánh quạt của máy quạt gió, thế nhưng sự việc lại đưa đến một thay
đổi không ai ngờ tới. Máy quạt gió lắp ngược cánh quạt, tiếng ồn lại giảm đi rõ rệt.
Một thành viên trong Hội đồng quản trị vốn trải qua thời gian dài làm kỹ thuật
tham gia cuộc thử nghiệm thấy vậy bèn cho thử nghiệm tiếp, kết quả là máy quạt gió
không tiếng ồn đã ngẫu nhiên, hay nói cách khác - do sai lầm - mà ra đời. Sau đó, các
đơn đặt hàng đã liên tục đến với công ty, sản phẩm này bỗng trở thành mặt hàng chủ
lực của công ty, thị phần ngày càng được mở rộng, mở đường cho công ty Fukoma trở
thành “đại gia” ngành cơ khí của Nhật Bản.
Có thể nói, thất bại là chuyện thường tình trong kinh doanh. Nhưng từ trong
thất bại nhìn ra những nhân tố thành công mới để tăng được lòng tin, động viên được
khí thế và lấy đó làm điểm tựa đi đến thành công mới là điều mà mỗi nhà doanh
nghiệp nên hướng tới để chuyển bại thành thắng.