GIỚI THIỆU GIÁ TRỊ KIẾN TRÚC ĐÌNH
ĐỒNG LẠC - 38 HÀNH ĐÀO
Đình Đồng Lạc hiện nằm trong hệ thống kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng
trong khu Phố cổ Hà Nội vì vậy trước khi đi vào khảo tả cụ thể di tích, chúng ta
tìm hiểu hệ thống kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng trong khu Phố cổ Hà Nội.
1.
Vài nét khái quát về hệ thống kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng trong khu
Phố cổ Hà Nội:
Kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng trong khu Phố cổ rất phong phú; đó là các: đình,
đền, chùa theo kiểu kiến trúc truyền thống của người Việt (hiện còn 67 công trình).
Ngoài ra còn có nhà thờ đạo Hồi (quen gọi là chùa Tây Đen). Nhà thờ Tin lành (cạnh
chợ Hàng Da) các đạo quán người Hoa, chùa Tầu Các thể loại công trình kiến trúc
này đều có những đặc trưng riêng của mình.
Các di tích thuộc lọại hình này đa số có kết cấu gỗ, mặt bằng kiến trúc theo kiểu
chữ công, chữ tam, chữ quốc, Bộ khung nhà do các vì gỗ kết cấu thường là theo kiểu
chồng rường giá chiêng, vì kèo, vì vỏ cua. Trên một số kiến trúc gỗ được trạm khắc và
gắn các mảng trang trí đẹp.
Một số di tích đình tổ nghề thì có mặt bằng và kết cấu xây dựng đơn giản hơn.
Mặt bằng tại các di tích này thường ảnh hưởng của hình thức nhà ống hoặc tương tự.
+ Những di tích thờ tổ nghề:
Ngoài hai di tích là đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc - xem hồ sơ) và đình
Trương Thị (50 Hàng Bạc) có bố cục không gian và kết cấu kiến trúc truyền thống, thì
các di tích thờ tổ nghề như đình Hoa Lộc, đình Lò Rèn, đình Tú Thị, đình Hà Vĩ đều
có bố cục mặt bằng đơn giản, kết cấu kiến trúc mang dáng dấp như một kiến trúc dân
dụng, thậm trí được xây hai tầng, với ý thức tôn vinh tổ nghề, đồng thời cũng tận dụng
diện tích để mở mang sản xuất hoặc trao đổi hàng hoá như đình Hoa Lộc, đình Lò
Rèn, đình Tú Thị, đình Kim Ngân, đình Hà Vĩ.
+ Chùa:
Chùa chính có mặt bằng hình chữ “công” với bộ khung nhà bằng gỗ, có
các vì được kết cầu kiểu “chồng rường, giá chiêng”, “vì kèo”, vì ván mê (xem phần V
hồ sơ chùa Cầu Đông); Mặt bằng hình chữ “đinh” với bộ khung nhà làm bằng vật liệu
hiện đại, kết cấu giả các thức truyền thống (xem phần V hồ sơ chùa Thái Cam.
Các kiến trúc phụ bao gồm nhà mẫu, nhà tổ (chùa Thái Cam), hoặc thêm
cả hành lang (chùa Cầu Đông). Có chùa chỉ có kiến trúc chùa chính (chùa Vĩnh Trù).
Chùa nào cũng có tam quan.
Các trang trí trên kiến trúc không nhiều, tập trung ở chùa Cầu Đông và
nhà mẫu chùa Thái Cam. Đề tài trang trí là các linh vật, hoa, lá, quả. Nghệ thuật trang
trí mang phong cách thời Nguyễn.
+ Đình, đền:
Phần lớn không gian trải theo chiều sâu, gồm ba lớp nhà. Những di tích
có phương đình: Đền Bạch Mã, đình Thanh Hà, đền Hoả Thần. Bộ khung nhà đều làm
bằng gỗ, với các bộ vì được kết cấu theo kiểu “chồng rường con nhị”, “chồng rường
hai hàng chân” (đền Bạch Mã, đình Thanh Hà), kiểu “vì kèo” (đình Đức Môn). Trong
một số kiến trúc có vòm “vỏ cua” nối các nếp nhà (đền Bạch Mã, đình Hương Tượng,
đình Đức Môn).
Trang trí trên kiến trúc rất phong phú, đặc biệt tại nhà phương đình. Đề
tài trang trí là các linh vật, văn thực vật, văn triện và tượng nghê trên kiến trúc phương
đình. Những mảng trang trí này mang tính thẩm mỹ cao, đều thuộc nghệ thuật thời
Nguyễn.
+ Hội quán:
Hai hội quán có hai phong cách riêng biệt.
Hội quán Phúc Kiến (40 - Lãn Ông) được xây dựng kết hợp cả hai
phong cách kiến trúc - nghệ thuật Trung Hoa - Việt Nam. Bộ khung nhà cũng được
làm bằng gỗ với các thức vì “chồng rường”, ”, “chồng rường giá chiêng hai hàng
chân”, đặc biệt là hệ “củng tam phương” được sử dụng tại nhà phương đình, hệ thống
dép dỡ hoành vươn dài tại tam quan và nhà phương đình. Đây là một di tích kiến trúc
đẹp, độc đáo (xem hồ sơ phần V hồ sơ hội quán Phúc Kiến).
Trái lại, hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm) được xây dựng với kiểu
thức, chất liệu khác. Mặt bằng xây dựng lớn bao gồm nhiều nếp nhà tạo thành. Sảnh
chính được làm như kiểu hội trường mang kiểu dáng phương tây. Cung thờ chính có
bộ khung gỗ, nhà được xây cao, vì “thượng giá chiêng hạ kẻ”, các hoạ tiết trang trí
trên kiến trúc mang phong cách nghệ thuật Quảng Đông (Trung Quốc). Hai bên kiến
trúc chính là các kiến trúc phụ cũng có quy mô đồ sộ.
+ Quán:
Được xây dựng trên mặt bằng lớn, kiến trúc kết hợp cả nguyên liệu, kết cấu
hiện đại và nguyên liệu, kết cấu truyền thống. Kiến trúc, trang trí ở đây được tập trung
ở nghi môn, gác chuông (xem phần V hồ sơ di tích quán Huyền Thiên).
2. Khảo tả di tích đình Đồng Lạc:
Đình Đồng Lạc đã bị phá huỷ trong thời gian chiến tranh, bên cạnh đó ngôi
đình cũng đã được tu sửa nhiều lần vì vậy kiến trúc của ngôi đình không còn nguyên
vẹn như thời kỳ đầu xây dựng mà chỉ được nhìn thấy qua những dấu tích còn lại hiện
nay. Xin miêu tả kiến trúc hiện nay của đình Đồng Lạc.
Nhìn tổng thể đình Đồng Lạc (đình chợ bán yếm lụa), số 38 Hàng Đào là một
trong những ngôi đình đặc trưng trong hệ thống kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của khu
Phố cổ Hà Nội.
Thửa đất có dạng hình ống “đuôi chuột” vì mặt bằng dạng “thót hậu”, mặt tiền
có chiều rộng 6m và phần trong cùng thót lại còn có 1, 1m. Diện tích khu đất là 188, 9
m2. Chiều sâu là 51,65m.
Mặt bằng bố cục theo nguyên tắc nhà ống truyền thống phố cổ Hà nội:
Như vậy, không gian kiến trúc của ngôi nhà được phân chia bởi từng lớp nhà,
giữa các lớp nhà có sân trong. Các sân trong có ý nghĩa để cải tạo sự tiện nghi cho
ngôi nhà về thông gió là lấy sáng. Đây là một trong những ưu điểm lớn trong việc bố
cục không gian nhà truyền thống Việt nam nói chung và của khu Phố cổ Hà Nội nói
riêng trong việc thích nghi và phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.
*Cổng ngoài của ngôi đình được xây bằng gạch cao 6, 1 mét, rộng 6 mét. Mặt
trước và mặt sau cổng đắp nổi chữ Hán tên của ngôi đình (Đồng Lạc đình). Thân trụ
hai bên đắp gờ nổi, đỉnh trụ xây trang trí hình bông sen. Mái cổng được gia cố và sửa
chữa trên cơ sở hiện trạng.
- Lớp nhà 1 và 3: qui mô xây dựng 2 tầng, là phần nhà được xây dựng cải tạo
mới, hình thức kiến trúc mặt đứng hài hoà với không gian cổ về chiều cao, chi tiết
trang trí kiến trúc cũng như về mầu sắc và chất liệu của vật liệu xây dựng. Kết cấu của
2 lớp nhà này sử dụng là kết cấu bê tông cốt thép, sàn lát gỗ. Kết cấu mái vẫn được sử
dụng kết cấu vì kèo gỗ, mái lợp ngói ta. Cửa đi và cửa sổ gỗ được thiết kế theo hình
thức kiến trúc phỏng cổ.
Chiều cao của 2 nhà mới xây thấp hơn so với nhà hiện có (phần đình), vừa để
tạo hình ảnh “mái ngói lô xô” cũng như thể hiện tính tôn linh với ngôi đình hiện có.
- Lớp nhà 2: đây là phần thờ chính của ngôi đình được cải tạo
nguyên trạng trên cơ sở ngôi đình đã được cải tạo lần cuối cùng năm 1941. Diện tích là
27,6 m2; qui mô 2 tầng. Tầng 1 trước khi cải tạo là nơi ở của gia đình sinh sống tại
đây. Hiện nay được sử dụng là phòng làm việc của Ban quản lý Phố cổ Hà Nội. Tầng 2
của lớp nhà này là gian thờ còn lại của ngôi đình.
Kết cấu của ngôi nhà này là kết cấu gạch chịu lực, các trụ cột tầng 1 được
trang trí hình thức ảnh hưởng kiểu kiến trúc thuộc địa Pháp. Tầng 2 là cột, dầm và sàn
gỗ với hệ thống kết cấu mái là vì kèo gỗ
Trên thân trụ tường gạch ở tầng 1 và tầng 2 đắp nổi bằng vôi vữa câu đối chữ
Hán. Đặc biệt trên dầm cột tầng 2 có trang trí 2 đầu rồng, đây là dấu tích còn sót lại
của kiến trúc xưa của ngôi đình.
Đốc mái đình khắc hàng chữ Hán năm trùng tu ngôi đình “Ngày mùng 10 tháng
7 năm Tân Tỵ niên hiệu Bảo Đại 15 (1941)”
Từ lớp nhà 1 đi theo hành lang nhìn sang bên phải là tấm bia đá khắc chữ Hán
có niên đại hiệu Tự Đức Bính Thìn (1856) ghi việc đình được xây dựng từ thời Lê (thế
kỷ thứ XVII) được gắn trên tường. Đây là dấu tích còn lại để minh chứng cho sự tồn
tại của ngôi đình trong lịch sử phát triển của khu Phố cổ Hà Nội.
Không gian của phần thờ chính ngôi đình trên tầng 2 được chia làm 2 không
gian nhỏ ngăn cách bởi vách ngăn gỗ 3 cửa với hình thức trang trí cửa được tìm thấy
trong ngôi đình cũ, kiểu thượng song hạ bản. Phía trên là ô thoáng trang trí bằng các
con tiện gỗ chạy suốt chiều rộng cửa. Gian ngoài được gọi là hiên dùng làm nơi tiếp
khách, uống trà có đặt một bộ trường kỷ. Gian trong (phía sau lớp cửa gỗ) là gian thờ
chính. Sát tường hậu của gian thờ đặt một hương án gỗ, trên đặt đồ thờ tự gồm bát
hương, khay đài, quả nước.
Nhìn chung, do nhiều tác động của yếu tố lịch sử, xã hội nên kiến trúc đình
Đồng Lạc không còn nhiều, song lại thuộc đặc trưng chung của hệ thống đình thờ
trong khu vực Phố cổ Hà Nội. Các di vật và nghệ thuật trạm khắc không nhiều, nhưng
đều là sản phẩm đặc trưng của nghệ thuật thời Lê.