Đạo đức trong kinh doanh
Đạo đức trong kinh doanh không chỉ là câu khẩu hiệu để lấy lòng người tiêu
dùng. Chúng còn là công cụ để tối đa hoá lợi nhuận, để củng cố thương hiệu.
Làm thương hiệu
“Đạo đức kinh doanh là hành vi đầu tư vào tương lai. Khi doanh nghiệp tạo
tiếng tốt sẽ lôi kéo khách hàng. Và đạo đức xây dựng trên cơ sở khơi dậy nét
đẹp tiềm ẩn trong mỗi con người luôn được thị trường ủng hộ” - đó là định
nghĩa đang được sử dụng rộng rãi của khái niệm đang là “thời thượng” của
các doanh nghiệp.
Giáo sư tiến sĩ Koenraad Tommissen, người đã có kinh nghiệm trên 30 năm
điều hành, giảng dạy và tư vấn doanh nghiệp cho biết: “Đạo đức trong kinh
doanh là vấn đề nền tảng của mọi giá trị, là phần không thể tách rời của mọi
hoạt động, là kim chỉ nam, là yếu tố cơ bản tạo ra danh tiếng cho một công
ty. Đạo đức là nền tảng của sự thành công và phát triển bền vững. Ông nhấn
mạnh: đạo đức được đặt ra và thể hiện khi có sự tương tác với các đối tác,
qua cách cư xử với khách hàng, cơ quan chính quyền, báo chí… Có những
doanh nghiệp công bố rất nhiều các chuẩn mực về đạo đức, nhưng nhân viên
không biết hoặc không nhớ, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình
ảnh công ty”.
Theo “Cẩm nang quản lý doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm trong các
nền kinh tế thị trường mới nổi” của Bộ Thương mại Hoa Kỳ: các doanh
nghiệp kinh doanh ngày nay được mong chờ sẽ đáp ứng những tiêu chuẩn về
hành vi kinh doanh có trách nhiệm vượt xa những mong đợi truyền thống.
Mặc dù người ta thường nói về kinh doanh theo ý nghĩa sản phẩm, việc làm
và lợi nhuận, khắp nơi trên thế giới đều thừa nhận rằng một doanh nghiệp
kinh doanh vẫn là một thành viên trong cộng đồng. Việc theo đuổi mục tiêu
lợi nhuận và sự tiến bộ kinh tế không có nghĩa là doanh nghiệp được phép
bỏ qua các quy chuẩn, giá trị, những chuẩn mực tôn trọng, sự liêm chính và
chất lượng của cộng đồng.
Sứ mệnh kinh doanh được huyền thoại quản trị thế giới Peter Drucker đưa
ra: mục đích kinh doanh là để tạo ra người khách hàng hài lòng.
Theo những nghiên cứu về thị trường kinh doanh thế giới, điều nguy hiểm
nhất cho một doanh nhân nằm ở sự khủng hoảng hình ảnh công ty - trong thế
đối trọng với nhà quản lý cao cấp nhất là khách hàng. Do vậy, ông
Tommissen cho rằng: ngay sau khi hình thành chiến lược công ty phải đưa
ra các quy chuẩn về đạo đức kinh doanh.
Thu lợi nhuận
Giáo sư Nguyễn Vân Nam phân tích: thị trường sẽ thưởng cho những doanh
nghiệp tôn trọng hệ giá trị văn hoá kinh doanh đúng đắn bằng lợi nhuận cao
và sự ổn định. Thị trường cũng có thể trừng phạt doanh nghiệp không tôn
trọng luật chơi, không tôn trọng giá trị mà mọi người cùng tôn trọng.
Với mỗi nhân viên, đạo đức là những điều được làm, bị cấm và cần phải làm
mà họ được phổ biến ngay từ khi mới gia nhập. Còn với nhà doanh nghiệp,
đạo đức nằm trong bản chất của mỗi cá nhân. Khi thành lập công ty, dựa trên
sứ mệnh, tầm nhìn và các chiến lược kinh doanh, nhà doanh nghiệp phải đúc
kết và ngôn ngữ hoá những giá trị còn ẩn trong những điều tâm huyết.
Điều quan trọng nhất là không chấp nhận thoả hiệp và có thái độ không
khoan nhượng với tất cả các hành vi đi ngược lại đạo đức công ty.
Có như vậy, nhà doanh nghiệp mới xây dựng được uy tín thương hiệu, tạo
niềm tin cho khách hàng, đối tác và cả niềm hãnh diện cho nhân viên tương
lai. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh doanh tối ưu hơn.
Những tập đoàn lớn thế giới ý thức rất rõ về điều này và họ đưa ra những
quy định rất cụ thể.
Tuyên bố về tập quán kinh doanh của Tập đoàn Alcatel với việc chống tham
nhũng nhấn mạnh: trong quan hệ với cơ quan nhà nước, khách hàng và nhà
cung ứng, công ty sẽ không trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào hoạt động
hối lộ, lại quả, chia phần trăm hay những hành vi kinh doanh tham nhũng
khác.
Đặc biệt, không được sử dụng ngân sách của công ty, trực tiếp hay gián tiếp,
để đóng góp về mặt chính trị cho bất kỳ tổ chức nào hoặc cho bất kỳ ứng
viên công chức nào, khi những đóng góp này bị các đạo luật liên quan
nghiêm cấm. Trong trường hợp những đóng góp này là hợp pháp, thì việc
triển khai phải công bằng và thận trọng, và phải được cán bộ cao cấp nhất
của Alcatel ở quốc gia đó chấp nhận.
Quy định về quà tặng của Motorola ghi rõ: Trong một số tình huống đòi hỏi
phải tặng quà, quà tặng của Motorola phải hợp pháp, hợp lý và được cấp
quản lý địa phương phê chuẩn. Nhân viên của Motorola không bao giờ hối
lộ.
Motorola hiểu rằng tập quán tặng quà của các nền văn hoá là khác nhau.
Và như vậy, đạo đức kinh doanh là điều không còn đóng khung trong cái
“tâm” của các nhà kinh doanh. Chúng là một phần không thể thiếu để tạo ra
lợi nhuận trong môi trường cạnh tranh.