Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Tài liệu Nhân giống hồng xiêm (sa pô chê) bằng phương pháp chiết cành doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (58.14 KB, 3 trang )

Nhân giống hồng xiêm (sa pô chê) bằng
phương pháp chiết cành
Hồng xiêm là loại cây có nhiều nhựa nên khó nhân giống.
Nếu gieo hạt phải mất 7 - 8 năm sau cây mới cho trái. Theo thí nghiệm của
Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội giâm cành cây con sinh trưởng rất
chậm, kém hiệu quả. Ở Việt Nam, hiện nay chỉ phổ biến một phương pháp
nhân giống duy nhất là chiết cành.
Tuy nhiên phương pháp này có nhược điểm là hệ số nhân giống không cao
do trên một cây chỉ có thể lấy một số cành nhất định (khoảng 10 nhánh một
lần chiết); nếu chiết nhiều sẽ làm hạn chế sự sinh trưởng của cây mẹ.

Thời vụ chiết: thường chiết cành hồng xiêm vào đầu mùa khô khoảng tháng
12 – 3 dương lịch (để kịp trồng vào đầu mùa mưa), khi lá chuyển sang màu
xanh đậm của màu lá bánh tẻ và ngừng lớn (kích thước bằng kích thước các
lá già) mới tiến hành khoanh vỏ; 7-10 ngày sau mới bó bầu chiết.

Về thời điểm chiết cành, cần tiến hành vào những ngày trời nắng ráo, ít nhất
có hai, ba ngày nắng để nhựa cây không bị loãng, vết cắt mau khô, cành
chiết không mất nhiều nhựa.

Chọn cành chiết: Chọn cành ở những cây cho năng suất cao, quả ngọt và
chọn cành không quá già, đường kính 1,5-2 cm (cỡ ngón tay cái hoặc tay trỏ
là vừa). Nên chọn những cành có từ 2 - 3 nhánh trở lên để sau khi cắt đem
trồng thì cây đã có từ 2 - 3 cành, cây mới nhanh phát triển và cho trái. Những
cây đã cho trái 3-4 năm, chọn cành ngoài tán không còi và không bị sâu
bệnh, không chọn những cành ở dưới tán thấp và cành vượt. Chiều dài cành
chiết nên từ 1,0 - 1,2m. Chọn cành chiết tốt, chiết đúng thời vụ và kỹ thuật
chiết tốt cành chiết sẽ ra rễ sau 3 - 4 tháng.

Hỗn hợp bó bầu: Nguyên liệu để bó bầu bao gồm: bao nilon trắng, đất mùn,
rễ bèo tây hoặc rơm rạ khô hơi mục. Đất mùn lấy từ mương, ao hồ không có


cát, vớt lên phơi khô và đập nhỏ. Rễ bèo tây chỉ lấy phần rễ để nguyên không
cắt khúc, phơi khô qua nhiều nắng. Hoặc có thể sử dụng vật liệu chiết là rễ
lục bình, bột xơ dừa, rơm (trộn đất sình) hay tro trấu…

Thao tác chiết: sau khi chọn cành dùng dao sắc khoanh bỏ lớp vỏ thân 1
đoạn dài 3 - 5 cm (bằng hai đốt tay), cạo sạch lớp vỏ đến tận gỗ. Khi bóc vỏ
có rất nhiều nhựa tiết ra, để cành chiết không bị mất nhiều nhựa, lấy bông
sạch hoặc giẻ sạch quấn kín phần trên vết cắt, làm cho cây không liền mạch
vận chuyển nhựa sau này, để cành chiết mau ra rễ. Cạo vỏ xong dùng dao
rạch vào vỏ ở mí trên chỗ khoanh từ 2 – 4 đường, dài 0,2 – 0,5 cm giúp tăng
khả năng tạo rễ, sau đó để 7 - 10 ngày cho ráo nhựa rồi mới bó bầu.

Trước khi bó bầu nên bôi thêm vào cành chiết (chỗ thành mép khoanh vỏ
phía trên của cành chiết khi khoanh vỏ) chất kích thích ra rễ. Có thể sử dụng
một số chất kích thích ra rễ sau: Atonic 0,1%; Orgamin 1%; Na 2,4D 100ppm;
NAA 100ppm… Sau khi bôi để khô thuốc trong 10-15 phút mới bắt đầu bó
bầu, cành chiết sẽ nhanh ra rễ hơn, tỷ lệ ra rễ tăng 30-40%.

Nên phơi lại lại vật liệu bó bầu như: đất và rể bèo cho khô nhằm tiêu diệt nấm
mốc và khuẩn có hại. Cần cạo lại một lần nữa và lau khô để đảm bảo nhựa
cây không liền lại vết cắt sau đó mới bó bầu.

Cách tiến hành như sau: Rễ bèo hoặc rơm mục vuốt thẳng đem lăn vào đất
mùn đã pha nước với độ ẩm 70 - 80% (nắm thành nắm không chảy nước qua
kẽ tay là tốt). Mỗi lần chiết chỉ cần hai bộ rễ bèo là vừa, rễ bèo chỉ có tác
dụng làm cho bầu chiết bền dai, khi đã phân huỷ làm tăng độ mùn cho bầu
chiết. Rễ bèo đã trộn đất vuốt thẳng quấn quanh vào ngay vết cắt. Bầu chiết
bó lần đầu chỉ to bằng nắm tay người lớn, hoặc vỏ lon bia là đủ.

Khi cành chiết ra rễ phủ kín bầu bó lần đầu, tiến hành bó lần thứ hai. Lần bó

bổ sung này dùng đất bó như lần đầu có trộn với phân chuồng đã hoai mục.
Nguyên liệu cần pha nhão hơn để khỏi làm gãy rễ cây. Lần bó này nhằm bổ
sung thức ăn cho cành chiết được khoẻ, bộ rễ phát triển dài hơn. Trong quá
trình chăm sóc bầu chiết nếu gặp thời tiết khô hạn thì phải tưới nước cung
cấp độ ẩm cho bầu chiết để rễ phát triển tốt hơn.

Theo dõi: Cách 1 tháng/lần quan sát bầu chiết và thêm nước để đủ ẩm để rễ
phát triển tốt hơn (có thể dùng ống chích để bơm nước vào bầu). Rắc thuốc
sát trùng hạt (Basudin, Furadan, …) nếu có kiến phá hoại (nhất là trong mùa
mưa).

Cắt cành chiết: Sau khi chiết cành 60-90 ngày có thể cắt cành chiết. Lúc này
trong túi bầu thấy rễ mọc nhiều, phân nhánh, rễ đâm ra khỏi bầu và có màu
vàng nâu. Dùng cưa, dao hay kéo cắt cành cắt khoảng 3 - 5 cm bên dưới
cành. Không đem trồng ngay mà dùng bùn rơm quấn thêm ngoài bầu một lớp
mỏng (sau khi đã bóc lớp vỏ bọc bằng giấy nilông) đặt cành chiết dưới giàn
che, phủ cát kín bầu chiết và tưới ẩm, giữ thêm khoảng 1 - 1,5 tháng cho bộ
rễ phát triển hoàn chỉnh và đủ độ già mới đem đi trồng. Hoặc giâm nhánh
chiết trên liếp giâm, trong bầu đất, bội tre, có cây chống đỡ gió, cắt bớt một
phần lá non, để nơi mát và đem dần ra nắng đến khi có đọt non mới bứng
đem trồng. Như vậy tỷ lệ thành công khoảng 60%, nhiều hơn so với cắt
nhánh rồi đem trồng ngay. Nếu phải đem đi xa nên tỉa bớt lá cho đỡ cồng
kềnh và giảm bớt sự thoát hơi nước.
Chú ý sửa cành, tạo tán cho cây con ở vườn ươm. Mỗi cây chỉ nên để 1 cành
chính và 2-3 cành phụ ở cách bầu chiết 35 – 40 cm hoặc 50 cm. Tiếp tục cắt
tỉa cho cây con ngoài vườn ươm để tạo dáng cân đối, dễ thua hoạch và quản
lý sâu bệnh.

×