Phát hiện về cơ chế
làm giảm đau của
châm cứu
Trong công trình nghiên cứu đăng
trên tạp chí Nature Neuroscience ra
ngày 30/5, các nhà khoa học thần
kinh ở Mỹ khẳng định sở dĩ châm
cứu có thể làm giảm đau vì nó giúp
giải phóng một loại phân tử tự
nhiên có tên là adenosine.
Cơ chế này được phát hiện thông
qua nhiều cuộc thử nghiệm trên
chuột trong phòng thí nghiệm. Các
nhà khoa học tiêm một loại hóa
chất gây sưng tấy vào chân của
chuột, sau đó họ cắm những cái
kim nhọn vào huyệt Túc
Tam Lý, một vị trí châm cứu nổi
tiếng nằm dưới đầu gối.
Sau đó họ xoay nhẹ kim cứ mỗi
năm phút một trong vòng 30 phút
sao cho giống với cách châm cứu
tiêu chuẩn.
Trong và ngay sau quá trình này,
các mức adenosine ở những mô
xung quanh cây kim tăng lên gấp
24 lần. Mức độ khó chịu của chuột,
được đo bằng tốc độ phản ứng với
nhiệt và kích thích ngoài da của
loài gặm nhấm này, đã giảm đi 2/3.
Trước đó, các nhà khoa học cũng
tiến hành thử nghiệm tương tự trên
con chuột đã bị làm biến đổi gen để
không có adenosine. Kết quả là
biện pháp châm cứu đã không có
bất cứ tác dụng nào và con chuột
vẫn phản ứng một cách khó chịu.
Nhóm nghiên cứu sau đó tiếp tục
thử nghiệm bằng cách đưa vào
người chuột loại thuốc mang tên
deoxycoformycin có tác dụng khiến
các mô khó loại bỏ adenosine hơn.
Kết quả là, mức adenosine tích tụ ở
các cơ tăng gần gấp ba lần trong
quá trình châm cứu phát huy hiệu
quả.
Ông Maiken Nedergaard thuộc
Trung tâm Y tế Đại học Rochester,
người đứng đầu nhóm nghiên cứu
trên nói: "Châm cứu là biện pháp
chữa bệnh chủ yếu ở một số nơi
trên thế giới trong 4.000 năm qua,
nhưng vì không hiểu hết về nó nên
người ta vẫn còn tâm lý hoài
nghi."
Các nghiên cứu trước đây chỉ tập
trung vào tác dụng của châm cứu
đối với hệ thần kinh trung ương
chứ không phải hệ thần kinh ngoại
biên.
Ở hệ thần kinh trung ương, châm
cứu tạo ra những tín hiệu kích thích
não bộ sản sinh ra endorphins,
nhóm axit amin được tiết ra trong
cơ thể có chức năng giảm đau./.