Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Tài liệu Nghệ thuật ĐÍCH THỰC không có sự DỐI TRÁ ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (510.92 KB, 10 trang )

Nghệ thuật ĐÍCH THỰC không có sự DỐI TRÁ
Bài viết được đăng trên trang "Soi" từ ngày 10/6/2010, nhưng nay đọc lại vẫn
nguyên tính thời sự và là "một tiếng nói cảnh báo về sự trống rỗng, sự vô cảm và
sự ảo tưởng" của nhiều họa sĩ trẻ. MTHP xin đăng lại bài viết này. Tác giả bài
viết không đề tên thật lên trang nguồn, chỉ ký bút là SOI HN. Tên bài viết này
cũng đã được thay đổi.

Triển lãm Trẻ thường niên do Hội Mỹ thuật tổ chức đã khai mạc chiều 9/6/2010
với sự tham gia của 40 họa sỹ tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, với chủ
đề: "Đô thị hóa ngoại thành"
Sự tham gia hùng hậu của các tác giả trẻ đều là hội viên hội Mỹ thuật, ai mà dám
nghi ngờ tính chuyên nghiệp và tính đại diện của nó nào. Thế mà vô tình ghé qua
khi các họa sỹ treo tranh, tôi không tin lắm vào cảm giác của mình, đành phải
quay lại “tái kiểm chứng” trước giờ khai mạc, tránh sự phân tâm của màn chào
hỏi, bắt tay. Kết quả là: Vẫn một cảm giác trống rỗng một cách nặng nề.
Không phải sự trống rỗng mang lại từ thông điệp nghệ thuật, mà sự trống rỗng của
sự thiếu đi khát vọng. Điều này không phải vì bức tranh này kém, bức tranh kia
dở. Điệu này toát ra từ tinh thần của 40 bức tranh, tượng, sắp đặt đặt cạnh nhau.
Nó mang tới một cảm giác đầy liên tưởng đến chứng bệnh ”đột biến gien Lamin
A…” hay chứng già trước tuổi, rồi lãng mạn hơn là những bong bóng xà phòng
bay lơ lửng lấp lánh ánh cầu vồng và biến mất trong nháy mắt.
Tất cả những cảm giác trên lẫn lộn trong lúc xem tranh, bao trùm bởi một nỗi lo
lắng mơ hồ, khiến cho tôi có tâm trạng bồn chồn phải lùi lại và không dám ngắm
kĩ một bức tranh cụ thể nào, đến mức cứ thế mỗi lúc mỗi lùi ra xa hơn, dạt vào cả
một góc. Từ góc nhìn đó, tất cả các bức tranh bỗng liên kết lại với nhau thành một
tiếng nói cảnh báo về sự trống rỗng, sự vô cảm và sự ảo tưởng. Chả tìm thấy
mấy sự ngây thơ, cái khát vọng chân thành của tuổi trẻ.
Mà đúng thôi, làm sao có ngây thơ và khát vọng được, khi một chủ đề đao to búa
lớn mang tính thời đại một cách cơ hội đến nhường kia, những bức tranh mang
đến cũng được cố gẩy vào một chút dính dấp nhằm minh họa cho chủ đề cơ hội ấy.
Cuối cùng vẫn chỉ là cơn tìm kiếm hình thức nằm ở bề mặt. Nó cảnh báo một lớp


họa sỹ trẻ đang thực sự bối rối trước thừa mứa thông tin nhưng thiếu năng lực
tiếp cận, trước đòi đòi hỏi phải cách tân, cải cách liên tục của “cái chủ nghĩa
hiện đại” đang biến thành một thứ hình thức lập lờ.
Trong khi đó, một hiện thực ngồn ngộn của cả một lớp nông dân đang đổi thay để
hòa nhập với làn sóng đô thị đang phát triển vội vàng với bao hệ lụy: đớn đau, tụt
hậu, vênh váo, hãnh tiến. Sự bơ vơ của đám nông dân mất đất, sự thèm khát điên
dại của chủ nghĩa tiêu dùng mang đặc tính tiểu nông. Sự tiếc nuối cuộc sống êm
đềm đã mất…v v. Tất cả những cái đó, ta thấy gì qua triển lãm này nào?


Chỉ là một cổng nhà cũ kĩ với mái ngói rêu phong với bút pháp đã bị dùng mòn
mỏi của hội họa Pháp đầu thế kỉ 20 được gán thêm hai chữ “bán nhà” lên bức
tường như một vết bẩn chả ăn nhập. Nó như được viết vào vội vàng với sự tắc
trách trước khi mang đến triển lãm nhằm mục đích chứng minh cho hội đồng
duyệt là tôi đang đi đúng đề tài.




Một góc làng quê yên bình bằng sơn mài nhang nhác như tranh của các vị tiền bối
cách đây nửa thế kỉ như Văn Bình, Trần Đình Thọ…có thể được cho là một chút
“thương nhớ đồng quê” đã mất. Thế nhưng nó được vẽ với một bút pháp vô hồn.
Cũng chuối, cũng tre, cũng cổng, cũng vàng son lộng lẫy, nhưng vô hồn bởi sự
điêu luyện đến khô cứng. Bức tranh nhiều tính mỹ nghệ, làm ta liên tưởng tới
những bức tranh sơn mài mà các hội nghị vẫn tặng nhau.



Để phản ảnh công nghiệp hóa đang chiếm lấy làng quê ư. Vâng có ngay: vẫn hình
ảnh những khối máy móc đồ sộ và vài hình anh công nhân. Nó khá điển hình cho

cả một giai đoạn của một lớp họa sỹ thời “hiện thực xã hội chủ nghĩa” những năm
70, 80 khi khôn khéo kết hợp phong cách của họa sỹ Pháp chuyên vẽ công nhân
Fernand Leger với hình ảnh giai cấp công nhân Việt Nam hăng say xây dựng chủ
nghĩa xã hội. Kiểu cách này đã từng tạo thành một lối mòn của một lớp sinh viên
trường Mỹ thuật. Nhiều khi lí do rất đơn giản: chính ông thầy nghĩ ra trò kết hợp
khôn khéo này đang chấm bài trên cương vị giáo sư.



Cũng như vậy, một bức tranh khác, rất hợp với tiêu chí của Hội trong triển lãm
này: những người phụ nữ nông dân mất ruộng đang đợi việc ở chợ lao động. Chủ
đề đó được chuyển thể một cách sống sượng từ bút pháp của những bức tranh đã
được lớp sinh viên đua nhau vẽ từ cách đây hai, ba mươi năm với hình ảnh những
cô nông dân vạm vỡ, đang hăng say ra đồng trong ngày hội mùa, rộn ràng cờ đỏ
bay phấp phới.



Rồi một bức khác, vẫn gam mầu ghi xám, nhấm nháy một chút màu tươi và vài cái
loa phin đeo ở hông cũng đủ đương đại và là tấm vé hợp pháp cho việc tụ bạ vào
cuộc ra mắt. Tôi thực sự không ngờ rằng cái gọi là truyền thống đó của trường Mỹ
thuật nó lại sống dai thế, nó bám chặt đến tận bây giờ cho tới các lớp họa sỹ trẻ
chắc mới ra trường không lâu. Thực sự tiếc, nếu các họa sỹ trẻ ý thức được điều
này mà biến những bức tranh đó như những sự giễu nhại thì vấn đề đã khác.
Những bức tranh này thực sự đờ đẫn chứ không phải muốn nói về sự đờ đẫn.



Rồi, lại khá nhiều đấy một số đông họa sĩ trẻ có vẻ hợp thời mà vẫn đúng phóc với
tiêu chí, định hướng cũng “hợp thời” của Hội Mỹ thuật trong chiến lược tư duy

“quản lý” mới. Điều này được cổ động ngay trong lời giới thiệu của nhà phê bình
Lê Quốc Bảo: “… Không ít tác giả đã ‘Chơi’ hết mình trong nhiều hình thức tạo
hình táo bạo và đúng với tiềm năng sở trường và hạn chế của thế hệ trẻ”.
Lạ (chữ “chơi” trong nguyên văn được viết hoa, và tất nhiên tiếp theo vẫn kín kẽ,
một sự kín kẽ với phẩm chất của quan chức văn hóa). Sự hợp thời là gì: là sắp đặt,
là trình diễn, là PopArt, là trừu tượng…v v. Tóm lại dùng hình thức ấy để bộc lộ
cái gì thì không quan trọng. Họ có vẻ rất hồ hởi khi chỉ cần dùng hình thức tân tiến
ấy. Với họ, hình như chỉ cần đặt tên cho thể loại thì đã là đương đại rồi. Vác hình
thức những tấm bia mộ với vành vải ở lễ tang với những lời giải thích lộn xộn với
mục đích hình như chỉ muốn gây shock.



Hay vài hình vẽ nguệch ngoạc vội vàng và được viết đè lên tên của vài hãng thời
trang như một minh chứng đương đại của dòng nghệ thuật Pop.


Một cuộc đón dâu đa chủng tộc minh chứng cho sự hòa nhập quốc tế, trong đó có
cái nón như một sự minh chứng cho việc hội nhập và sự hội nhập đó kèm thêm sự
ô nhiễm không khí. Rất nôm na. Và cách tạo hình thì chả hơn gì một tranh biếm
họa vẽ vội cho một tờ báo lá cải.



Thế rồi một sắp đặt định nói về sự bùng nổ thái quá của đô thị với những căn nhà
trọc trời bằng ý tứ rằng trời đất đang lẫn lộn và có cái thang (hình như nói về sự
phải trèo). Thế nhưng hiệu quả gây tác động thị giác thì rất kém. Nhìn đi nhìn lại,
chả thấy đô thị này có vấn đề gì.

Lại phải dùng lời kết trong lời giới thiệu về triển lãm của ông Lê Quốc Bảo để kết

thúc bài viết này: “Dám phủ định và tự khẳng định mình – đó là quy luật của
muôn đời của nghệ thuật. Tất nhiên cái đẹp ĐÍCH THỰC trong nghệ thuật luôn ở
phía trước chúng ta nhất là đối với thế hệ họa sỹ trẻ”.
Tôi tự nhấn mạnh từ đích thực của ông Bảo vì chợt nghĩ rằng: Không thể có được
một tương lai, một phía trước khi hiện tại chúng ta dùng sự dối trá, và nghệ
thuật ĐÍCH THỰC không có sự DỐI TRÁ.
Thế nhưng các họa sỹ trẻ có lỗi gì không. Tôi nghĩ là không. Họ sẽ tìm được nghệ
thuật của chính mình bởi một ngày gần đây thôi, họ sẽ tự hiểu là họ đã được sản
sinh ra trong một môi trường thích nói dối. Và chắc chắn, họ sẽ không thể chấp
nhận điều đó. Và chỉ cần hiểu ra như vậy, nghệ thuật sẽ chắp cánh cho họ.

×