MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong thời đại mới, dân tộc và văn hoá ngày càng trở thành hai vấn đề
mang tính chiến lược, thời sự trong mỗi con người, mỗi đất nước và toàn xã hội.
Đặc biệt trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, xu thế giao lưu
hội nhập đang mở ra cho xã hội loài người những thời cơ và thách thức mới.
Trong bối cảnh đó muốn duy trì được bản sắc riêng của dân tộc thì các nước
phải có những biện pháp chiến lược để bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc của riêng
mình, phải sử dụng nhiều loại hình công cụ thích hợp để tuyên truyền, quảng bá
và giáo dục làm cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước hiểu biết, trân
trọng bản sắc văn hoá của dân tộc mình.
Đất nước ta cũng đang đứng trước những vận hội mới, một câu hỏi được
đặt ra là: Chúng ta cần làm gì để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đồng
thời khơi dậy truyền thống dân tộc trong mỗi người dân? Đây là nhiệm vụ chung
của toàn xã hội và cũng là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành bảo tồn bảo tàng.
Trải qua 20 năm đổi mới, ngành bảo tàng đã đạt được những bước tiến đáng kể
và dần khẳng định được vai trò vị trí của mình. Mặc dù vẫn còn đó những tồn tại
cần được khắc phuc.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được đánh giá là một trong những bảo
tàng hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam. Góp phần và thành công đó phải kể đến
nhưng hoạt động thực tiễn mà trong những năm qua bảo tàng đã tiến hành: Hoạt
động sưu tầm nghiên cứu hiện vật, hoạt dộng trưng bày, hoạt động giáo dục,
hoạt động trình diễn, hoạt động marketing… Để giúp cho mọi người hiểu hơn về
vấn đề này và với mong muốn góp phần làm cho các hoạt động thực tiễn của
Bảo tàng Dân tộc học đạt hiệu quả cao hơn. Người viết đã mạnh dạn chọn đề tài:
“Tìm hiểu một số hoạt động thực tiễn của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam”
làm đề tài nghiên cứu của mình.
1
CHƯƠNG I:
TỔNG QUAN VỀ BẢO TÀNG DÂN TỘC HỌC VIỆT NAM.
1.1 Vài nét về Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm trên một khu đất rộng, phường Dịch
Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Giữa một không gian rộng rãi, thoáng đãng với 3
mặt là cánh đồng, một mặt tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Huyên, đối diện
bên kia hồ Nghĩa Tân. Bảo tàng dân tộc học thuộc loại hình bảo tàng khoa học
xã hội, đây là nơi lưu giữ, trưng bày nhiều hiện vật quý về văn hóa của 54 dân
tộc trên lãnh thổ Viêt Nam.
Ngay từ năm 1981, Nhà nước ta đã chủ trương xây dựng một bảo tàng
Dân tộc học tại thủ đô Hà Nội. Công trình bảo tàng chính thức được phê duyệt
luận chứng kinh tế kỹ thuật ngày 14/2/1987 và được Nhà nước cấp đất xây
dựng. Ngày 24/10/1995 Thủ tướng chính phủ ra quyết định số 689/TTg về việc
thành lập bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ngày 12/11/1997 trong không khí
tưng bừng của Hội nghị các nước nói tiếng Pháp, Bảo tàng Dân tộc học đã vinh
dự được ngài Tổng thống nước Cộng hòa Pháp Jacques Rence Chirac và bà Phó
Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cắt băng khánh thành. Bảo tàng lấy tên giao
dịch quốc tế là “Museum of Ethonology”.
Bảo tàng Dân tộc học do kiến trúc sư Hà Đức Linh (người dân tộc Tày
-công ty tư vấn thiết kế xây dựng nhà ở và công trình công cộng thuộc Bộ xây
dựng) thiết kế. Thiết kế nội thất do kiến trúc sư người Pháp là Veronique Dofful
thiết kế. Toàn bộ công trình bảo tàng gồm 2 khu vực chính: Khu trưng bày trong
nhà và hệ thống kho bảo quản; khu trưng bày ngoài trời và khu nhà ăn; ngoài ra
còn cơ sở nghiên cứu của các phòng nghiệp vụ. Nhìn từ cổng vào ta thấy hai bên
là phòng bán vé và phòng bảo vệ, shop hàng lưu niệm, tiếp theo là một khoảng
sân rộng mà mỗi bên đều là vườn hoa cây cảnh. Lối và nhà trưng bày đi qua một
cây cầu bắc qua hồ nhân tạo, hồ hình bán nguyệt ôm lấy phía trước nhà trưng
bày. Khu trưng bày ngoài trời là khoảng không gian vô cùng rộng lớn với kiến
trúc nhà của một số dân tộc tiêu biểu: Việt, Chăm, Hà nhì, Tày, Êđê Còn về cơ
2
cấu tổ chức thì bảo tàng gồm có Ban giám đốc (một giám đốc, hai phó giám
đốc); Hội đồng khoa học; cùng với 15 phòng ban chức năng
1.2 Hệ thống trưng bày của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
a) Khu trưng bày trong nhà.
Từ cổng vào, đi qua một khoảng sân rộng và hồ nhân tạo là du khách sẽ
được bước vào nhà trưng bày. Kiến trúc nhà trưng bày được thiết kế theo mô
hình trống đồng, xây dựng trong một quần thể kiến trúc hình tròn dưới một mái
duy nhất, kiến trúc nhà bảo tàng vừa mang nét cổ truyền dân tộc vừa mang tính
hiện đại. Trong nhà trưng bày phần lớn diện tích được bố chí dành cho trưng
bày thường xuyên, bên cạnh đó còn dành một không gian nhỏ để tổ chức trưng
bày theo chuyên đề (trưng bày về dân tộc Pà thẻn, trưng bày cuộc sống Hà Nội
thời bao cấp…). Toàn bộ phần trưng bày thường xuyên trong nhà trưng bày
được chia làm 9 không gian lớn.
- Phần giới thiệu chung: Trước hết khách tham quan sẽ gặp một pa nô lớn
giới thiệu về mốc thời gian, các giai đoạn lịch sử đặc biệt của Việt Nam bắt đầu
từ thế kỷ thứ I trước công nguyên đến nay bao gồm các giai đoạn bị áp bức và
độc lập, đồng thời cũng thấy được sự phát triển của văn hóa Việt Nam và sự ảnh
hưởng của văn hóa các nước đối với nước ta. Tiếp theo là bản đồ phân bố các
dân tộc theo nhóm ngôn ngữ, mỗi nhóm ngôn ngữ thể hiện màu sắc khác nhau
trên bản đồ. Cuối cùng là một pa nô lớn giới thiệu về các ngữ hệ ở Việt Nam: có
5 ngữ hệ chính là Ngữ hệ Nam Á, Nam Đảo, Thái - Ka đai, Mông - Dao, Hán -
Tạng.
- Phần trưng bày (Dân tộc Kinh): Ngay bên lối vào phòng trưng bày có pa
nô giới thiệu một số thông tin chung nhất về dân tộc Việt cùng với ảnh và bản
đồ. Bảo tàng dành một không gian ấn tượng cho việc tái lập lại nghề làm nón và
hoạt động của nghề làm nón (nón là vật dụng gắn bó sâu sắc với người phụ nữ
Việt Nam từ lâu đời), nghề đan nón ở lang Chuông, ở Thủ Sĩ. Ngoài ra còn
nhiều hoạt động khác cũng được thể hiện cùng một số nét văn hóa đặc sắc cổ
truyền của người Việt: đan đó, bán đó, múa rối nước, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ tổ
nghề hát Bội… và một số nghề thủ công như nghề đúc đồng, chạm khắc gỗ, làm
tranh Đông Hồ, nghề sơn…Không gian trưng bày về thờ cúng tổ tiên là nét văn
3
hóa tiêu biểu của người Việt được thể hiện qua việc trưng bày bàn thờ tổ tiên
của một gia đình nông dân.
- Phần trưng bày (Các dân tộc Mường, Thổ, Chứt): Pa nô giới thiệu về
những nét chung nhất của từng dân tộc cùng ảnh và bản đồ. Chủ đề tập chung
của phòng này là hoạt động săn bắn và hái lượm của người Chứt; nghề đan gai
của người Thổ; công việc săn bắt, dệt vải và sinh hoạt đời thường bên bếp lửa
của người Mường, không gian tái tạo cảnh đám ma Mường.
- Phần trưng bày (Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tài Thái - Ka đai):
Có 5 pa nô giới thiệu chung về nhóm ngôn ngữ này, kiến trúc của người Tày,
nhà ở của người Thái. Nét nổi bật là tái tạo một căn nhà Thái, khách tham quan
sẽ thấy kiến trúc nhà của người Thái: mái nhà hình mai rùa, có Khau cút.
Nghi thức đám Then của người Tày được chọn làm đề tài ở đây. Các hiện
vật trang phục, kèn… của các dân tộc La chí, Cờ lao, Pu péo, La ha.
- Phần trưng bày (Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, Tạng -
Miến, và dân tộc Sán rìu, Ngái): Phần này tập chung giới thiệu sản phẩm dệt của
người Mông, các kỹ thuật như in sáp ong lên vải, ghép vải tạo hoa văn, một
không gian tái tạo lễ Cấp sắc của người Dao. Ngoài ra còn trưng bày các đồ
dùng, dụng cụ của 3 dân tộc Hmông, Dao, Pà thẻn. Nhạc cụ, công cụ của các
dân tộc Lô lô, Hà nhì, Phù lá, Si la, Cống…
- Phần trưng bày (Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me và
các dân tộc ở vùng Trường Sơn Tây Nguyên): Đây là phần trưng bày 5 dân tộc ở
miền Bắc, 15 dân tộc ở vùng Trường Sơn Tây Nguyên (có 5 pa nô cùng nhiều
hiện vật giới thiệu về cuộc sống, văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc).
- Phần trưng bày (Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo): Có 4 dân
tộc được giới thiệu trong phần này là Gia rai, Ê đê, Gia lai, Chu ru. Thể hiện khá
rõ những yếu tố văn hóa như vẫn duy trì chế độ mẫu hệ, tượng nhà mồ, lễ Bỏ
mả, các nhạc cụ, công cụ, đồ đan lát…
- Phần trưng bày (Dân tộc Chăm, Hoa, Khơ me): Người Chăm thuộc ngữ
hệ Nam Đảo, người Hoa nói ngôn ngữ Hán, người Khơ me thuộc ngữ hệ Nam
Á. Mỗi dân tộc được giới thiệu bằng một panô riêng, có thêm một pa nô về kiến
trúc chùa tháp và đạo phật tiểu thừa. Trưng bày về tôn giáo, nghề gốm của người
4
Chăm; đám cưới, múa Lân của người Hoa; tôn giáo, chữ viết, nghệ thuật nhuộm
vải của người Khơ me…
- Phần trưng bày: Về giao lưu và ảnh hưởng văn hóa giữa các dân tộc, tái
hiện bằng phiên chợ vùng cao.
b) Phần trưng bày ngoài trời.
Phần bảo tàng ngoài trời thực sự bắt đầu năm 1998 với công trình đầu tiên
là ngôi nhà mồ người Gia Lai. Với mục tiêu bảo tồn di sản văn hoá, các công
trình trưng bày được giữ nguyên mẫu. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã chọn
cách trưng bày này trong phạm vi không gian khá hẹp (3,30 ha), khoảng 2 ha
được dành cho phần trưng bày ngoài trời để phản ánh sự đa dạng văn hoá của 3
vùng môi trường sinh thái khác nhau: vùng đồng bằng và ven biển, vùng núi
thấp và cao nguyên, vùng cao. Do hạn chế về không gian và diện tích, Bảo tàng
chỉ có thể lựa chọn và giới thiệu 10 công trình kiến trúc của những dân tộc khác
nhau ở Việt Nam. Đó là nhà sàn (Tày), nhà nửa sàn nửa trệt (Dao), nhà sàn thấp
(Chăm), nhà trệt (Việt, H'mông), nhà trình trường (Hà Nhì), nhà dài của đại gia
đình mẫu hệ (Êđê), nhà Rông (Bana), nhà mồ (Giarai, Cơtu), các ngôi nhà làm
bằng chất liệu khác nhau, như gỗ, tre, nứa, hay đất nện. Mái được làm bằng vật
liệu khác nhau và mỗi tộc người lại có cách lợp riêng, gắn với mỗi ngôi nhà có
các hiện vật trưng bày, thông tin về ngôi nhà và chủ nhân của nó cũng như về
văn hoá mà nó đại diện, tạo cho du khách sự hiểu biết về kiến thức văn hoá tiềm
ẩn trong ngôi nhà.
Bên cạnh những công trình kiến trúc kể trên bảo tàng đã từng bước bổ
sung một số công trình khác như: lò rèn - đúc của người H'mông, lò rèn của
người Nùng, người Việt, xưởng gốm của người Việt, các loại thuyền đại diện
cho phương tiện giao thông vận chuyển. Công cụ sử dụng sức nước (cối giã
gạo). Bên cạnh đó quần thể thực vật và cây bóng mát được phát triển ưu tiên
giới thiệu những loại cây bản địa gắn liền với môi trường xung quanh ngôi nhà
của từng dân tộc, đặc biệt Bảo tàng đang cố gắng xây dựng một vườn cây thuốc
nam để truyền bá tri thức bản địa đối với việc sử dụng nguồn dược liệu thực vật.
Ngoài ra còn có thuỷ đình được dựng từ năm 2002 nơi dành cho phường
rối nước ở các làng quê đồng bằng Bắc Bộ đến biểu diễn.
5
CHƯƠNG II:
NHỮNG HOẠT ĐỘNG THỰC TIỄN CỦA BẢO TÀNG DÂN TỘC HỌC
VIỆT NAM
2.1 Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu.
Sức sống của một bảo tàng là hiện vật, sức sống của Bảo tàng Dân tộc học
Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bảo tàng Dân tộc học là một trung
tâm lưu giữ văn hóa của 54 dân tộc, số lượng hiện vật của bảo tàng lên tới hành
nghìn hiện vật bao gồm các hiện vật về cuộc sống vật chất và tinh thần của các
dân tộc (ảnh màu, phim âm bản, dương bản, băng video, đĩa). Với số lượng hiện
vật đó bảo tàng có thể hình thành nhiều bộ sưu tập khác nhau như các bộ sưu tập
về trang phục, vũ khí, đồ dùng sản xuất, đồ vải và các loại trang phục dân tộc,
đồ dùng sinh hoạt gia đình, phương tiện vận chuyển, lễ nghi tôn giáo, đồ trang
sức…
So với các bảo tàng khác ở Việt Nam, nét đặc biệt trong sưu tầm hiện vật
tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là: Bảo tàng không chỉ quan tâm tới những
cổ vật đắt tiền mà hiện vật của bảo tàng chủ yếu là những đồ vật rất bình thường
trong đời sống hàng ngày của người dân như con dao, cái gùi, chiếc khố, ống
sáo, cái tẩu,… chúng phản ánh mọi khía cạnh văn hóa vật thể, phi vật thể của
cộng đồng dân cư, thể hiện tiêu biểu mọi mặt cuộc sống và sự sáng tạo văn hóa
của họ (các dân tộc như dân tộc Kinh, Hmông, Thái, Gia rai…). Lại có những
sưu tập riêng về các hiện vật tôn giáo, tín ngưỡng, cưới xin, ma chay, hay nhiều
hoạt động tinh thần, xã hội khác. Một nét rất đặc biệt trong hoạt động sưu tầm
hiện vật của bảo tàng là sưu tầm các hiện vật ngay từ trong hiện tại và ngược
dần về quá khứ trong khả năng có thể. Hoạt động sưu tầm này bắt nguồn từ quan
điểm của bảo tàng là tiếp cận cái hôm nay, lý giải những vấn đề về văn hóa,
thẩm mỹ, tâm lý của các dân tộc cho tới thời điểm sưu tầm. Những hiện vật của
quá khứ là những căn cứ để giải thích cho cái hiện nay, để thấy được sự nối tiếp
của truyền thống và hiện tại. Ngay từ đầu bảo tàng đã xác định phương hướng
của mình: “Dưới mọi hình thức hoạt động phải nhanh chóng làm giàu thêm số
lượng hiện vật”. Có thể thấy đây là hướng đi đúng đắn và bước đầu thu được
những kết quả tốt đẹp, số lượng hiện vật của bảo tàng tăng lên đáng kể. Vừa qua
6
Bảo tàng Dân tộc học đã tổ chức rất thành công các cuộc trưng bày: Cuộc sống
Hà Nội thời bao cấp, ngày hội tre trúc của các dân tộc ở tiểu vùng sông Mê
Kông…
Nhưng để một hiện vật đơn lẻ hay một bộ sưu tập trở nên sinh động, thể
hiện được khía cạnh văn hóa, lôi cuốn người xem thì chúng phải có đầy đủ
thông tin liên quan, phải được ghi chép đầy đủ về mặt khoa học, phải được
nghiên cứu kỹ lưỡng và có hệ thống. Đều này đương nhiên đòi hỏi người sưu
tầm phải nắm vững kiến thức về dân tộc học, có trình độ chuyên môn cao…bảo
tàng cũng cần có công tác marketing quảng bá giới thiệu.
2.2 Hoạt động trưng bày.
Trưng bày là bộ mặt của bảo tàng, trưng bày phản ánh công tác sưu tầm
đặc biệt phản ánh công tác nghiên cứu khoa học của bảo tàng, hơn nữa hoạt
động trưng bày còn phản ánh sự kết hợp nhuần nhuyễn, tâm huyết của cán bộ
trưng bày và các họa sĩ thiết kế trưng bày. Bảo tàng Dân tộc học đã đẩy mạnh
hoạt động trưng bày, định hướng nghiên cứu cơ bản thể hiện toàn bộ lối sống,
đặc trưng kinh tế, văn hóa, xã hội của các dân tộc trên đất nước ta và một số dân
tộc trên thế giới. Cùng với phần trưng bày cơ bản, bảo tàng cũng rất chú trọng
nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng lại các loại hình kiến trúc nhà ở cổ truyền tiêu
biểu cùng môi trường sinh thái của các dân tộc. Các hoạt động này phù hợp với
nhu cầu của công chúng trong thời đại bùng nổ thông tin, giao lưu văn hóa và
hợp tác toàn cầu.
a) Trưng bày thường xuyên.
Tại khu nhà trưng bày và khu trưng bày ngoài trời.
Phần trưng bày trong nhà trưng bày là gồm cac hiện vật tiêu biểu về cuộc
sống vật chất, tinh thần của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Quan điểm chủ
đạo của bảo tàng là không tham đưa quá nhiều hiện vật vào trong các tủ trưng
bày bởi sẽ gây cảm giác choáng ngợp cho du khách (nếu có quá nhiều hiên vật
mà không mang nhiều tính tiêu biểu thi người xem có khi chỉ xem lướt qua mà
không xem kỹ). Như phần trên đã trình bày thì toàn bộ nhà trưng bày được chia
làm 9 không gian trưng bày và phần trưng bày theo chuyên đề. Hầu hết hiện vật
trưng bày là hiện vật gốc được lựa chọn và trưng bày trong 97 tủ kính lớn nhỏ,
7
có tủ chỉ có một mặt, có tủ có tới 4 mặt, có tủ chỉ một hiện vật, có tủ nhiều hiện
vật. Trong số đó có hơn 50 tủ có bài viết giới thiệu kèm theo. Ngoài ra bảo tàng
còn sử dụng, bản đồ, biểu đồ, sách cứng, ảnh, phim, băng ghi âm, các pa nô…
Với nội dung trưng bày dễ hiểu, cô đọng nên không phải sử dụng quá nhiều
khâu thuyết thuyết minh mà khách tham quan vẫn có thể hiểu được, không chỉ
sử dụng tiếng Việt mà còn in cả tiếng Anh và tiếng Pháp. Bảo tàng còn áp dụng
cả các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong phương pháp trưng bày như xử lý ánh
sáng, dùng đèn chuyên dụng để chiếu sáng các hiện vật, áp dụng phương pháp
thông khí cho toàn bộ khu trưng bày, tủ kính dược lắp hệ thống thông khí để
đảm bảo cho hiện vật không bị ẩm mốc…
Khu trưng bày ngoài trời là một phần không thể thiếu được của Bảo tàng
Dân tộc học, một trong những thế mạnh của bảo tàng này là tạo cho công chúng
những không gian văn hóa tiệm cận với thực tế qua đó làm cho hiện vật trưng
bày có sức hấp dẫn hơn và công chúng cảm thụ sâu sắc hơn về nền văn hoá mà
họ đang được tận mắt xem và tìm hiểu… toàn bộ khu trưng bày ngoài trời là
gồm các kiến trúc nhà của các dân tộc: nhà dân tộc Việt, dân tộc Tày, nhà dân
tộc Dao, dân tộc Hmông, dân tộc Chăm, dân tộc Êđê, nhà mồ Gia rai, Cơtu, nhà
rông Bana, nhà Hà nhì. Và các công trình phụ khác như cọn nước, lò rèn, lò
gốm, thủy đình, núi, sông nhân tạo. Với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa, các
ngôi nhà hay công trình trưng bày ngoài trời đều tôn trọng tính nguyên mẫu cả
về vật liệu, kiểu dáng, bài trí, không gian bên ngoài ngôi nhà (vườn, nơi nuôi gia
súc…) ngay cả kỹ thuật xây dựng cũng nguyên mẫu và do những người thợ là
người dân tộc xây dựng… Khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng được triển khai
dần từng bước trong 8 năm qua mỗi năm lại có thêm những công trình mới và
những hoạt động mới, khu trưng bày này trở thành một điểm hấp dẫn đặc biệt
của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
b) Trưng bày không thường xuyên.
Trưng bày không thường xuyên là những hoạt động trưng bày mang tính
nhất thời theo chuyên đề. Đây là hoạt động mà không phải bảo tàng nào ở Việt
Nam cũng có điều kiện thực hiện. Việc tổ chức các cuộc trưng bày không
thường xuyên sẽ tạo cho du khách sự mới mẻ hấp dẫn. Trong thời gian đã qua
Bảo tàng Dân tộc học đã tổ chức thành công nhiều cuộc trưng bày không thường
8
xuyên: Trưng bày “Cuộc sống Đồng bằng sông Cửu Long: Câu chuyện của 6
cộng đồng”, trình diễn “Ngày hội rèn đúc của các dân tộc Nùng, Hmông, Việt”,
trưng bày “100 năm đám cưới Việt”, trưng bày “Vũ điệu trên cát - ảnh lễ hội
thổ dân Ôtraylia”, trưng bày “Ngày hội tre trúc của các dân tộc ở tiểu vùng
sông Mê Kông”…Các cuộc trưng bày, triển lãm của bảo tàng đã dẫn dắt người
xem đến nhiều vùng, nhiều nơi trong và ngoài nước, họ được sống trong nhưng
môi trường văn hóa đặc thù với nhiều giá trị văn hóa quý báu, đồng thời giúp
cho họ có cái nhìn sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc.
2.3 Hoạt động giáo dục.
Bảo tàng chính là một dạng trường học, một thành tố không thể thiếu
trong hoạt động giáo dục, trong sự nghiệp trồng người. Với khối lượng trí thức
đa dạng, những tài liệu khoa học phong phú, tin cậy và bằng trực quan sinh
động, bảo tàng sẽ là một cơ sở vật chất tốt tham gia và nâng cao chất lượng tri
thức, tình cảm, nhân cách người xem. Nhưng có một thực tế là mặc dù ở nước ta
có khá nhiều bảo tàng nhưng không có một bảo tàng nào dành riêng cho trẻ thơ.
Lâu nay bảo tàng vẫn quan tâm nhiều tới đối tượng người lớn, điều này lý giải
tại sao trẻ em ít tự nguyện tới bảo tàng, chúng thường tới theo sự tổ chức của
nhà trường. Với cách tham quan như vậy thì hiệu quả giáo dục rất thấp.
Trước thức trạng đó Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã xác định giáo dục
trẻ em trở thành chiến lược lâu dài và liên tục. Bước đầu bảo tàng đã hợp tác với
một số trường học để dần thay đổi cách thức các em tới bảo tàng, từ chỗ tổ chức
một cách ồ ạt chuyển sang cách thức đưa các em tới bảo tàng với số lượng nhỏ
hơn và thành nhiều đoàn, thời gian lâu hơn, các em sẽ ở bảo tàng lâu hơn, xem
kỹ hơn. Các nhân viên phòng giáo dục của bảo tàng trực tiếp liên hệ với phòng
giáo dục ở các quận, huyện tổ chức cho học sinh tham quan học tập tại bảo tàng.
Bảo tàng cũng tổ chức một số chương trình như: Tết trung thu cho trẻ em,
chương trình “Truyền thống dân gian của chúng ta”…với những thành công đó
Bảo tàng tiếp tục xây dựng Phòng khám phá dành cho trẻ em dưới 12 tuổi với
mục đích tạo ra nhiều cuộc trưng bày nhỏ, giúp các em từng bước làm quen với
kiến thức và hiện vật văn hóa dân tộc, kích thích khả năng tìm tòi, sáng tạo,
khám phá của các em trên cơ sở những nội dung có tính giáo dục và thẩm mỹ
cao. Nội dung Phòng khám phá được xây dựng theo một vài chủ đề với cách
9
chơi khác nhau để các em có quyên lựa chọn trò chơi theo ý thích của mình: như
hộp khám phá về nghề dệt, kỹ thuật khắc và in tranh Đông Hồ, xếp hình các
ngôi nhà trưng bày ngoài trời, nghe nhạc và nhận biết nhạc cụ dân tộc, nặn đồ
chơi 12 con giáp,… Trẻ em cũng có phòng đọc cùng nhiều ấn phẩm khác….
Khu trưng bày ngoài trời còn là nơi tổ chức các trò chơi dân gian. Nhìn vào số
lượng các em nhỏ đến với bảo tàng để tham quan, đăng ký học tại các lớp học
do bảo tàng tổ chức,chứng ta thấy rằng Bảo tàng dân tộc Việt Nam đã có một
chiến lược thật đúng đắn, bảo tàng đã trở thành một trường học thú vị hấp dẫn,
có các hoạt động đa dang, sôi nổi và luôn thu hút người xem.
2.4 Hoạt động trình diễn.
Bảo tàng Dân tộc học luôn đặt mục tiêu trước mắt và lâu dài trong các
hoạt động của mình là hướng tới sự đa dạng để có nhiều nội dung, nhiều sản
phẩm và nhiều không gian văn hóa cho người xem. Hoạt động trình diễn cũng là
một hoạt động rất hiệu quả để thực hiện mục tiêu này. Hoạt động trình diễn của
bảo tàng trong thời gian qua diễn ra rất sôi nổi: trình diễn hát chèo Tầu, trình
diễn nghề làm giấy dó… trong thời gian gần đây là: trình diễn Ca trù, biểu diễn
rối nước, biểu diễn âm nhạc sinh viên các dân tộc thiểu số… có thể nói rằng
thành công lớn nhất mà trình diễn đem lại cho công chúng là: trình diễn đã trở
thành một nhu cầu, một sự quan tâm của người xem. Các hoạt động này cũng
chính là cơ hội giúp người dân hiểu biết và chân trọng những giá trị văn hóa đặc
sắc của dân tộc. Trình diễn giúp thế hệ trẻ hôm nay luôn thấy được sức sống văn
hóa lâu bền và bản sắc riêng của mỗi dân tộc, rung cảm trước những giá trị văn
hóa hiện hữu ở những miền quê như một dòng chảy truyền thống không ngừng.
Riêng đối với người nước ngoài thì trình diễn là cuộc hành trình ngắn nhất, có
sức thu hút lớn nhất để họ hiểu biết về văn hóa Việt Nam.
2.5 Hoạt động marketing.
Mục tiêu của bảo tàng là hướng tới khách tham quan, muốn thực hiện
được mục tiêu đó thì không thể không tiến hành các hoạt động marketing tiếp
thị, giới thiêu, quảng bá. Đối tượng của hoạt động này chính là khách tham
quan, khách tham quan gồm có khối khách trong nước và khối khách nước
ngoài, mỗi khối lại chia thành nhiều bộ phận khác nhau. Khách trong nước phần
10
lớn là công nhân, cán bộ viên chức Nhà nước, học sinh, sinh viên, bộ đội, nông
dân Họ có nhu cầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa phong tục tập quán của các dân
tộc. Còn khách nước ngoài cũng rất đa dạng có thể là từ các tổ chức chính phủ,
tổ chức phi chính phủ, các cơ sở kinh tế, khách du lịch… Họ có nhu cầu tham
quan du lịch, tìm hiểu lịch sử, bản sắc văn hóa Việt Nam. Vì vậy bảo tàng cần có
chiến lược marketing để thu hút khách tham quan trong và ngoài nước.
Chính sách tiếp thị của bảo tàng càng tích cực và phù hợp thì càng đạt
hiệu quả cao. Bên cạnh đó, thông qua tiếp thị sẽ giúp bảo tàng hạn chế được
hiện tượng tham quan theo mùa của khách. Cũng cần thấy rằng hiện nay nhu cầu
của khách tham quan bảo tàng ngày một tăng nhanh, nên nếu làm tốt công tác
marketing sẽ giúp bảo tàng khai thác được “nguồn dự trữ” này một cách hiệu
quả, đồng thời góp phần nâng cao dân trí xã hội.
Bằng chiến lược marketing hỗn hợp, Bảo tàng Dân tộc học đã đạt được
những hiệu quả thật đáng mừng và thực hiện được mục tiêu vươn tới công
chúng. Điều này không chỉ thể hiên qua số lượng khách tham quan mà còn thể
hiện ở những khía cạnh khác như uy tín, danh tiếng của bảo tàng hay hiệu quả
hoạt động của bảo tàng… Như để tổ chức một chương trình trưng bày, triển lãm
thì ngoài việc làm tốt các khâu chuẩn bị từ thời gian, địa điểm trương trình diễn
ra, dàn dựng chương trình, phân công công việc thì việc giới thiệu quảng bá
chương trình đó tới công chúng là không thể thiếu, thông qua băng rôn, khẩu
hiệu, các phương tiện truyền thanh, truyền hình, internet, giấy mời, rồi những
hoạt động của các cán bộ maketing của bảo tàng (Cũng cần phải nhắc tới vấn đề
chuyên môn trình độ của các cán bộ làm công tác này). Trong thời gian tới bảo
tàng cũng cần có nhưng điều chỉnh về chiến lược tiếp thị như đẩy mạnh hơn nữa
thông tin qua báo, đài, truyền hình, internet, duy trì tốt mối quan hệ với các công
ty du lịch, đổi mới hình thức tờ gấp, pa nô, áp phích…
11
CHƯƠNG III:
MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ HOẠT ĐỘNG THỰC TIẾN
CỦA BẢO TÀNG DÂN TỘC HỌC VIỆT NAM
Trên đây là những hoạt động thực tiễn của Bảo tàng Dân tộc học Việt
Nam, từ đó chúng ta có thể rút ra một số bài học bổ ích về: Đầu tư và phương
pháp quản lý; về việc gắn kết giữa bảo tàng và xã hội; về phương pháp
marketing; về kết hợp giữa nguồn ngân sách và nguồn thu có tính khoa học.
a) Bài học về đầu tư và phương pháp quản lý.
Bất cứ một tổ chức nào muốn tồn tại và phát triển đều phải có một chiến
lược đúng đắn, một hướng đầu tư hợp lý và phương pháp quản lý phù hợp. Bảo
tàng Dân tộc học đã làm được điều này, thể hiện ở chỗ bảo tàng đã có một quan
niệm đúng: “Bảo tàng dành cho mọi người”. Chính quan niệm này đã quy định
hướng đầu tư vào mọi mặt hoạt động của bảo tàng. Từ cách thiết kế: bảo tàng có
lối đi riêng thích hợp với những người khuyết tật phải di chuyển bằng xe đẩy, và
có thang máy đưa họ lên tâng 2, các bậc lên xuống đều có tay vịn để cho người
già yếu đi lại. Đến phương pháp trưng bầy: Các tấm pa nô được treo ở độ cao có
sự tính toán phù hợp với các lứa tuổi…Nó quy định hướng đầu tư của bảo tàng
như đầu tư cho các hoạt động: Hoạt động trình diễn về văn hóa các dân tộc Việt
Nam, việc xây dựng khu trưng bầy ngoài trời là một dự án táo bạo và khá mới
mẻ…
Một yếu tố quan trọng góp phần vào những thành công kể trên là Bảo
tàng Dân tộc học Việt Nam đã có phương pháp quản lý rất khoa học và cơ cấu tổ
chức chặt chẽ: Bảo tàng có Ban giám đốc ( 1 giám đốc, và hai phó giám đốc),
hội đồng khoa học, và 15 phòng ban chức năng. Với cơ cấu tổ chức các phòng
ban được phân chia rất khoa học, hợp lý, tinh gọn như vậy đã giúp cho các cán
bộ bảo tàng tập trung vào các công việc chuyên môn. Nó cũng giúp cho việc
quản lý tổ chưc, quản lý nhân viên, quản lý tài chính tốt hơn. Đội ngũ cán bộ
nhân viên của bảo tàng thực sự là những người có trình độ chuyên môn cao
trong lĩnh vực của mình, họ cũng là những người rất yêu nghề, tâm huyết với
nghề và có ý thức cao trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của dân
12
tộc. Ngoài ra Ban lãnh đạo của bảo tàng đã tạo nhiều điều kiện cho nhân viên có
dịp học hỏi kinh nghiệm của những nước phát triển mạnh về bảo tàng như mời
những chuyên gia giỏi về giảng dậy tại các lớp tập huấn, cử cán bộ sang tham
quan và học hỏi tại các bảo tàng trên thế giới… có thể thấy rằng Bảo tàng Dân
tộc học đã có hướng đầu tư hợp lý và phương pháp quản lý khoa học điều này đã
giúp cho bảo tàng gặt hái được nhiều thành công.
b) Bài học về gắn kết giữa bảo tàng và xã hội.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã khắc phục được tình trạng khá phổ
biến tại các bảo tàng trong nước đó là sự thiếu liên kết với các tổ chức xã hội
trong và ngoài nước (các ngành du lịch, các tổ chức văn hóa, các tổ chức cá
nhân…). Bảo tàng đã tự coi mình như một cung ứng dịch vụ thỏa mãn các nhu
cầu xã hội như nhu cầu học tập, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, nhu cầu vui
chơi giải trí, nhu cầu sáng tạo…
Để thỏa mãn nhu cầu học tập, tìm hiểu các giá trị văn hóa dân tộc của
công chúng đặc biệt là nhu cầu học tập của các em thiếu nhi Bảo tàng Dân tộc
học đã hợp tác với một số trường PTCS xây dựng mạng lưới giáo dục cộng
đồng, các nhân viên bảo tàng trực tiếp liên hệ với phòng giáo dục các quận
huyện tổ chức cho các em học sinh tham quan bảo tàng, ngoài ra bảo tàng còn
kết hợp với Cục Di sản văn hóa, Sở Giáo dục, UBND thành phố Hà Nội xây
dựng chương trình đưa di sản văn hóa phi vật thể lồng ghép vào một số môn học
tại các trường phổ thông. Tiếp đó bảo tàng đã mở một số lớp học thí điểm tại
bảo tàng như: các lớp dạy làm đồ gốm, lớp dạy làm đồ chơi dân gian, lớp học đồ
vải. Xây dựng phòng khám phá cho các em nhỏ dưới 12 tuổi dần tiếp cận với
những kiến thức về dân tộc học qua nhiều trò chơi thú vị.
Để thỏa mãn về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, các cán bộ của bảo tàng
đã tốn không ít công sức để liên hệ với những nghệ nhân dân gian đưa họ tới
trình diễn tại bảo tàng như: Bảo tàng đã mời nghệ nhân của 15 phường rối nước
cổ truyền nổi tiếng của đồng bằng Bắc Bộ về trình diễn …
Để thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí bảo tàng đã tăng cường chặt chẽ
mối quan hệ với xã hội, liên kết với các tổ chức xã hội trong và ngoài nước. Bảo
tàng đã đưa những thông tin cần thiết về các chương trình hoạt động của mình
13
tới từng đối tượng khách thông qua công tác maketing. Đây là sự kết hợp đảm
bảo lợi ích cho cả hai bên: bảo tàng và du khách.
Chính nhờ những hoạt động kể trên đã giúp bảo tàng dân tộc học phát huy
được các thể mạnh của mình trong đời sống xã hội và tiếp thu được kinh nghiệm
của các bảo tàng trên thế giới.
c) Bài học về phương pháp marketing.
Trong khi rất nhiều bảo tàng khác ở Việt Nam chưa chú trọng tới công
tác marketing, có một tình trạng khá phổ biển ở nhiều bảo tàng là thụ động chờ
khách thì Bảo tàng Dân tộc học đã rất chú trọng công tác này. Có thể nói Bảo
tàng Dân tộc học là một trong những bảo tàng đi tiên phong cho các hoạt động
marketing, đây cũng là một thế mạnh của bảo tàng và nó đã giúp cho bảo tàng
xây dựng được hình ảnh của mình trong lòng công chúng. Bảo tàng đã xây dựng
được chiến lược marketing hỗn hợp, sử dụng phương pháp marketing đa dạng
phong phú, đạt hiệu quả cao từ việc tuyên truyền qua các phương tiện thông tin
đại chúng: truyền thanh, truyền hình, báo chí, internet…tới phát triển các dịch
vụ văn hóa hỗ trợ cho công tác của bảo tàng như: các cuộc trình diễn, phát triển
các quầy hàng lưu niệm, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ ăn uống, tổ chức các
hội thảo, hội nghị khoa học về dân tộc học, tổ chức các chương trình nghệ, chiếu
phim chuyên đề… Hơn nữa bảo tàng còn thu thập các phản hồi của khách tham
quan qua các phiếu thăm dò, sổ ghi cảm tưởng để có những điều chỉnh kịp thời,
hợp lý đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. Với chiến lược marketing hợp lý
bảo tàng luôn tiếp cận với công chúng nhanh nhất, hiệu quả nhất.
d) Bài học về kết hợp nguồn ngân sách và nguồn thu có tính khoa học.
Trong khi nhiều bảo tàng ở Việt Nam vấn phải dựa vào nguồn ngân sách
của Nhà nước để duy trì hoạt động thì Bảo tàng Dân tộc học đã kết hợp giữa
nguồn ngân sách với nguồn thu một cách khoa học. Để đạt được điều đó là nhờ
vào những thành công mà bảo tàng đã đạt được trong suốt những năm qua.
Ngoài nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước, bảo tàng còn rất nhiều nguồn thu
nhập khác: nguồn thu qua việc bán vé, hoạt động trình diễn và các dịch vụ đi
kèm, nguồn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước: Hội những
14
người bạn của bảo tàng, Bộ ngoại giao các nước, tổ chức AIF tại Việt Nam, tổ
chức ACC (Hội đồng văn hóa châu Á), UNESCO tại Hà Nội, Qũy Ford…
Như vậy Bảo tàng dân tộc học Việt Nam đã kết hợp hài hòa giữa nguồn
ngân sách và nguồn thu một cách khoa học để đầu tư đúng hướng và tạo ra
những hoạt động hấp dẫn phù hợp, thu hút đông đảo công chúng.
15
KẾT LUẬN
Bảo tàng Dân tộc học là một cơ quan văn hóa có vai trò rất quan trọng
trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là nơi khai
thác tính da dạng, phong phú của mỗi nền văn hóa các dân tộc, góp phần làm
tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong nước và trên thế giới
thông qua các hoạt động như: nghiên cứu khoa học, sưu tầm, bảo quản, phân
loại, đánh giá, phục chế, trưng bày, giới thiệu…những giá trị văn hóa, lịch sử
của các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt trong những năm trở lại đây bảo tàng đã có
nhiều những đổi mới trong các hoạt động thực tiễn, luôn đặt mục tiêu trước mắt
và lâu dài trong các hoạt động là hưỡng tới sự đa dạng để có nhiều nội dung,
nhiều sản phẩm và nhiều không gian văn hóa cho mọi người. Tính đa dạng, sáng
tạo được thể hiển rất rõ trong nội dung hoạt động của bảo tàng: Hoạt động trưng
bày, hoạt động sưu tầm, hoạt động giáo dục, hoạt động trình diễn, hoạt động tiếp
thị,…Từ các hoạt động của mình, bao tàng đã thu được những hiệu quả nhất
định và được đánh giá là một trong những bảo tàng hoạt động hiệu quả nhất Việt
Nam, qua đây chúng ta cũng rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích. Xét cho
cùng thì bảo tàng được xây dựng là vì con người và phục vụ nhu cầu của con
người vì thế trong tất cả các hoạt động của mình Bảo tàng Dân tộc học đều đặt
lợi ích công chúng lên trên hết bời vì chính công chúng là những người quyết
định sự tồn tại của bảo tàng cũng như hiệu quả xã hội của nó. Với tinh thần đó
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã đi rất đúng hướng và mở đường tiên phong
cho các bảo tàng khác ở Việt Nam trong công tác hoạt động của mình.
16
MỤC LỤC
Phần mở đầu.
Chương I: Tổng quan về Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
1.1 Vài nét về Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
1.2 Hệ thống trưng bày của bảo tàng.
Chương II: Những hoạt động thực tiễn của Bảo tàng Dân tộc học
Việt Nam.
2.1 Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu hiện vật.
2.2 Hoạt động trưng bày.
2.3 Hoạt động giáo dục.
2.4 Hoạt động trình diễn.
2.5 Hoạt động marketing.
Chương III: Một số bài học kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn
của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Kết luận.
17
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Các công trình nghiên cứu của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – NXB
Khoa học xã hội.
2. Cơ sở bảo tàng học (ba tập) – Trường đại học văn hóa Hà Nội, 1990
3. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, 10 năm xây dựng và phát triển (1995 -
2005) - NXB Thế giới - H. 2006.
4. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam những ngôi nhà dân gian - nhiều tác
giả - NXB Thế giới - HN. 2005.
5. Nguyễn Thị Huệ - Vai trò của bảo tàng với việc phát huy bản sắc văn
hóa dân tộc trong cơ chế thị trường, NXB Hà Nội – 1998.
6. Trương Văn Tài – Hành trình đến với bảo tàng, NXB Trẻ, Hà Nội –
1998.
18