Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

TÍNH TUỔI CHỊ EM THÚY KIỀU BẰNG NGỮ PHÁP- bài viết GS Nguyễn Tài Cẩn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (239.74 KB, 4 trang )

TÍNH TUỔI CHỊ EM THÚY KIỀU BẰNG… NGỮ PHÁP
Nguyễn Tuấn Cường
1. Truyện Kiều nói mãi không cùng. Vậy cho nên chỉ một vấn đề nhỏ là tuổi của ba chị em
Kiều cũng đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu và biên khảo tham gia tranh luận. Tựu trung có hai
quan điểm.
Quan điểm thứ nhất căn cứ vào thiên Nội tắc trong Kinh Lễ: “Nữ tử thập hựu ngũ niên nhi
kê” 女子十有五年而笄 (Con gái 15 tuổi thì cài trâm), và cho rằng Thuý Kiều “gần 15 tuổi” (tức
nhiều nhất là 14). Hầu hết các nhà biên khảo Truyện Kiều xưa nay khi chú giải câu “Xuân xanh
xấp xỉ tới tuần cập kê” đều hiểu rằng hai chị em Kiều gần tới tuổi “cập kê” 及笄, tức là gần 15
tuổi. Ủng hộ quan điểm này là hầu hết các nhà biên khảo: Bùi Kỉ và Trần Trọng Kim [1925, tr.
55], Bùi Khánh Diễn [1926, tr. 23], Tản Đà [1941, tr. 15]… Lê Văn Hòe [1952, tr. 16] cũng chấp
nhận quan điểm “Kiều gần 15 tuổi”, để từ đó phê phán Nguyễn Du:
“Kiều mới gần 15 tuổi; cách Thúy-Vân rồi mới đến Vương-Quan. Nghĩa là Vương-Quan
tuổi mới độ 11, 12 là cùng. Vậy mà Vương-Quan lại hiểu truyện Đạm-Tiên kỹ càng, tỉ mỉ như
thế. Còn Kiều thì không biết tí gì. Đó cũng là một điều khó tin, nhất là Kiều lại không phải người
vô học. Nhà chép truyện sắp đặt chưa được khéo” [1952, tr. 20].
Quan điểm thứ hai bắt đầu từ Lê Thước [1942], trên tạp chí Tri Tân, căn cứ vào phân tích
tâm lí và hành động nhân vật, vào nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mô tả cái tuổi “niên
phương nhược quán” (theo Kinh Lễ là 20 tuổi) của Kim Trọng lúc gặp Nhị Kiều, rồi ông cho
rằng Thúy Kiều lúc ấy “phỏng độ 20 tuổi”. Để củng cố lập luận của mình, Lê Thước lại dẫn
sách Từ hải 辭海 cho rằng: “Nữ-tử hứa giá, kê nhi tự chi; kỳ vị hứa giá, nhị thập tắc kê” (Con
gái đã hứa gả chồng thì cài trâm và đặt tên chữ; còn con gái chưa hứa gả chồng thì hai mươi tuổi
cũng cài trâm) [1942, tr. 4]. Ở đây, Từ hải đã dẫn chú giải của Trịnh Huyền cho đoạn “Nữ tử
thập hựu ngũ niên nhi kê” trong thiên Nội tắc: “Vị ứng niên hứa giá giả. Nữ tử hứa giá, kê nhi tự
chi. Kì vị hứa giá, nhị thập tắc kê” 謂應年許嫁者.女子許嫁, 笄而字之. 其未許嫁, 二十則笄
(Nói việc thuận theo tuổi mà hứa gả chồng. Con gái đã hứa gả chồng thì cài trâm và đặt tên chữ.
Chưa hứa gả chồng, thì hai mươi tuổi cũng cài trâm). Trong bài trên, Lê Thước cũng đã chứng
minh Kiều và Vân không thể là chị em song sinh, do có người hiểu lầm câu “Đầu lòng hai ả tố
nga”. Sau này Nguyễn Hùng Vĩ [2012] cũng bổ sung thêm một số chứng cứ. Quan điểm của Lê
Thước ngay lập tức vấp phải phản biện của Nguyễn Văn Nho [1942], tác giả này cho rằng nếu
hiểu Kiều “phỏng độ 20 tuổi” thì đã trở thành cô gái quá lứa lỡ thì, những phân tích của Lê


Thước về “màu sắc quê hương”, “màu sắc lịch sử”, “màu sắc tâm lí” là những quan niệm của
Tây phương đem lại, không phù hợp với trường hợp này trong thơ Nguyễn Du.
Gần đây, Nguyễn Tài Cẩn [2004, 2011] qua các phân tích độc lập với Lê Thước cũng ngả
về quan niệm thứ hai: “Thúy Kiều sẽ vào khoảng 18, 19; Thúy Vân sẽ vào khoảng 17, 18, và
Vương Quan sẽ vào khoảng 16, 17: có vẻ hợp lý hơn nhiều. Một cô gái 18, 19 thì mới dám sang
nhà người yêu bàn đến đại sự cả cuộc đời; dám quyết định việc tự bán mình để chuộc cha. Một
cậu thanh niên 16, 17 thì mới có thể chơi thân với một người tuổi đôi mươi như Kim Trọng”
[2004, tr. 30].
2. Tôi cho rằng, cách hiểu của các tác giả trên đều có thể giải thích lại từ góc độ… ngữ
pháp. Câu Kiều số 36: “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” đều được các tác giả trên ngắt câu là
“Xuân xanh / xấp xỉ tới tuần cập kê”, tức là gắn cả cụm “xấp xỉ tới tuần cập kê” lại với nhau.
Chính bởi vậy nên “cập kê” là 15 tuổi theo Kinh Lễ, thì “xấp xỉ tới tuần cập kê” sẽ là tối đa 14
tuổi, theo quan điểm thứ nhất kể trên. Ngắt câu như vậy ắt sẽ dẫn đến cách hiểu như vậy.
Có một ý tưởng từ rất sớm đã gợi ý về một cách ngắt câu khác. Đó là ý tưởng của Kiều
Oánh Mậu trong bản Nôm do ông biên khảo và khắc in năm 1902 (xin xem bản ảnh ấn kèm theo
trong [Thế Anh, 1999]). Ở đó, để chú giải cho vấn đề “cập kê”, Kiều Oánh Mậu chỉ viết một lời
chua rất ngắn gọn: “Ngôn nhị kiều niên xỉ tương cận, nhi giai dĩ kê dã” 言二娇年 齒相近而皆已
笄也 (Nói hai nàng tuổi tác gần nhau và đều đã cài trâm – xin xem ảnh chụp minh họa). Theo
gợi ý của Kiều Oánh Mậu, chúng ta có thể ngắt câu lại: “Xuân xanh xấp xỉ / tới tuần cập kê”, tức
là “[hai nàng] tuổi tác xấp xỉ nhau, [và đều đã] tới tuần cập kê”. Vậy, vấn đề là chủ ngữ của câu
36 này có thực sự là “hai nàng” hay không? Xin hãy xem lại mạch vănTruyện Kiều (ở đây dẫn
theo chữ Nôm của bản Kiều Oánh Mậu, 1902).
Từ câu 15 đến câu 38 là đoạn tả về chị em Thúy Kiều và Thúy Vân. Bốn câu đầu tả chung
hai chị em: “Đầu lòng hai ả tố nga, Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân. Mai cốt cách tuyết tinh
thần, Một người một vẻ mười phân vẹn mười” (câu 15-18); bốn câu tiếp theo tả riêng Thúy Vân:
“Vân xem trang trọng khác vời, Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nàng. Hoa cười ngọc thốt
đoan trang, Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” (câu 19-22). Đó là điều ai cũng rõ!
Nhưng, đoạn còn lại là tả riêng Thúy Kiều, hay cũng có tả chung hai chị em? Nhiều nhà biên
khảo chưa thật sự để ý đến vấn đề này. Tôi cho rằng 12 câu tiếp theo tả riêng Thúy Kiều: “Kiều
càng sắc sảo mặn mà, So bề tài sắc lại là phần hơn. […] Khúc nhà tay lựa nên xoang, Một cung

bạc mệnh lại càng não nhân” (câu 23-34); còn bốn câu cuối số 35-38 (Phong lưu rất mực hồng
quần, […] Tường đông ong bướm đi về mặc ai) quay lại tả chung hai chị em, cho nên chủ ngữ
của hai câu 35-36 sẽ là “hai chị em”, “hai nàng” chứ không chỉ nói riêng về Thúy Kiều:
“Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ, tới tuần cập kê”.
Khi đánh một dấu phảy ngăn cách giữa “xấp xỉ” với “tới tuần”, và hiểu chủ ngữ của hai
câu trên là “hai chị em”, thì có thể hiểu hai câu này là “Hai chị em xét về độ phong lưu thì xếp
hàng cao nhất trong giới phụ nữ. Hai chị em xét về tuổi tác thì xấp xỉ nhau, đều đã tới tuổi cài
trâm”. Cách hiểu vấn đề “chủ ngữ” như thế cũng cho thấy bút pháp mô tả của Nguyễn Du có mở
có kết, cân đối và hoàn chỉnh, mở ra với “hai nàng” bằng một đoạn ngắn 4 câu, rồi đi vào mô tả
riêng từng nàng bằng một đoạn dài 16 câu, và kết lại với “hai nàng” cũng bằng một đoạn ngắn 4
câu.
3. Chính vì tiếp thu quan điểm của Kiều Oánh Mậu, nên trong một bản biên khảo Truyện
Kiềutrước đây, chúng tôi đã đánh dấu phảy vào giữa câu “Xuân xanh xấp xỉ, tới tuần cập kê”, và
chú giải ngắn gọn như sau:
“Xuân xanh: chữ Hán thanh xuân, chỉ tuổi trẻ. Tới tuần: đến thời kì. Cập kê 及 笄 : cài
trâm. Theo Kinh Lễ, thiên Nội tắc: “[Nữ tử] thập hựu ngũ niên nhi kê” ([Con gái] đến tuổi 15 thì
cài trâm). Con gái xưa búi tóc và cài trâm để cho biết mình đã đến tuổi lấy chồng, nêncập kê còn
chỉ chung cho tuổi trưởng thành của người con gái, chứ không nhất thiết là phải đúng 15 tuổi. N5
[tức bản Kiều Oánh Mậu - NTC]: “Ngôn nhị Kiều niên xỉ tương cận, nhi giai dĩ kê dã” (Ý nói hai
nàng tuổi tác gần nhau mà đều đã đến tuổi cài trâm). Chủ ngữ của hai câu 35-36 là cả Thúy Kiều
và Thúy Vân. Theo N5 thì cả Kiều và Vân đều đã qua 15 tuổi (tuần cập kê)” [Trần Nho Thìn,
Nguyễn Tuấn Cường, 2007, tr. 61]
Với khuôn khổ một chú thích trong một cuốn biên khảo Truyện Kiều, thì trước đây chúng
tôi chưa có điều kiện để trình bày kĩ càng về vấn đề trên. Nhân gần đây thấy có một số ý kiến
bàn lại về vấn đề tuổi tác của chị em Kiều ([Nguyễn Tài Cẩn, 2011], [Nguyễn Hùng Vĩ, 2012]),
tôi nghĩ cũng cần viết ra cụ thể để được rõ ràng hơn.
4. Như vậy, theo cách ngắt câu lại và cách hiểu rõ ràng hơn về từng chủ ngữ của mỗi đoạn
trong 24 câu thơ tả chị em Thúy Kiều, có thể thấy Nguyễn Du không phải là “Nhà chép truyện
sắp đặt chưa được khéo” như phê phán của Lê Văn Hòe. Trong trường hợp này, Nguyễn Du

dường như chỉ mô tả chung đặc điểm mang tính phiếm chỉ “đều đã tới tuổi gả chồng” của chị em
Kiều, chứ không đặt nặng vào độ chi tiết của tuổi tác là 14-15, hay 19-20. Đôi khi, việc cụ thể
hóa thái quá một ý thơ không làm chúng ta hiểu sâu hơn về nó.
Hà Nội, ngày 19/9/2012
Nguyễn Tuấn Cường

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Bùi Khánh Diễn chú thích (1926), Kim Vân Kiều (Đoạn-Trường Tân-Thanh), NXB Sống mới,
Saigon, 1960 (in lần thứ ba).
2. Bùi Kỉ, Trần Trọng Kim hiệu khảo (1925), Truyện Thúy Kiều, Sách giáo khoa Tân Việt, 1968
(tái bản lần thứ 8).
3. Lê Thước (1942), “Cái tuổi của vài nhân vật chính trong Truyện Kiều”, Tri Tân, số 42, tr. 4+6.
4. Lê Văn Hòe (1952), Truyện Kiều chú giải, Quốc học thư xã, Hà Nội.
5. Nguyễn Hùng Vĩ (2012), “Đầu lòng hai ả tố nga”, .
6. Nguyễn Tài Cẩn (2004), Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu,
NXB Văn học, Hà Nội.
7. Nguyễn Tài Cẩn (2011), “Về chuyện tuổi tác ba chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, Vương
Quan”, .
8. Nguyễn Văn Nho (1942), “Thúy Kiều Thúy Vân bao nhiêu tuổi?”, Tri Tân, số 45, tr. 4+9.
9. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chú giải (1941), Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện, NXB
Hương Sơn, Hà Nội, 1952 (tái bản).
10. Thế Anh (1999), Đoạn Trường Tân Thanh: Truyện Kiều đối chiếu Nôm – Quốc ngữ, NXB Văn
học, Hà Nội.
11. Trần Nho Thìn (chủ biên), Nguyễn Tuấn Cường khảo dị, chú thích, bình luận (2007),Truyện
Kiều (khảo – chú – bình), NXB Giáo dục, Hà Nội.
Đã đăng: Từ điển học và Bách khoa thư, số 2 (22) năm 2013, tr. 119-121.
Được đăng bởi Nguyen Tuan Cuong 阮俊 强 vào lúc 3/29/2013 01:35:00 SA 3 nhận xét:
Gửi email bài đăng này BlogThis! Chia sẻ lên Twitter Chia sẻ lên Facebook Chia sẻ lên Pinterest
Nhãn: Chữ Nôm, Nghiên cứu của tôi, Ngôn ngữ học, Truyện Kiều, Văn học - Nghệ thuật

×