Sapa Giữa Núi Rừng Cao Nguyên
Thật Đẹp Và Nên Thơ
Theo Tour du lịch Văn Hóa Việt, trong tờ chương trình, tôi để ý đến một
địa danh với tên gọi Làng SAPA; đó là một vùng núi cao nguyên, nơi sinh
sống của các dân tộc thiểu số. Và đó cũng là một nơi mà tôi háo hức muốn
tận mắt nhìn thấy "Khu Chợ Tình" hấp dẫn được giới thiệu tại SAPA này.
Nghe tên gọi không ai tránh khỏi sự tò mò, tìm xem họ buôn bán gì, vì
được gọi là "Chợ".
Chúng tôi di chuyển ban đêm từ Hà Nội đến làng SAPA bằng xe lửa, thời
gian mất 8 giờ 30 phút, và bằng xe hơi mất thêm khoảng 1 giờ đồng hồ nữa
suốt một chặng đường quanh co thoai thoải với dốc núi.
Chúng tôi được ngắm nhìn khung cảnh của núi rừng cao nguyên thật đẹp và
nên thơ. Cứ một đoạn đường ngắn gập ghềnh trên những dãy núi đá cao là
những thác nước nhỏ, róc rách chảy xuống sát bên vệ đường. Từng dãy núi
chập chùng được phủ bởi một màn sương mù trắng toát. Trên từng đồi núi
đầy dẫy những cánh đồng được gieo trồng rất khéo léo duới đôi tay của
người dân bản làng. Vì chung quanh là những dãy núi cao nên từng thửa
ruộng men theo triền núi được sắp đặt trên từng bậc thang cao thấp với một
màu xanh tươi tốt của ruộng lúa đang được mùa. Thỉnh thoảng vài người
dân tộc trong làng với lưng mang gùi đi bộ dọc theo con đường lộ sát chân
núi. Họ mặc trên người bộ đồ dân tộc truyền thống của bản làng trông thật
lạ và đẹp mắt.
Trong không khí nóng bức, oi ả của miền Nam, là nơi tôi đang sinh sống
luôn có sự ồn ào náo nhiệt của thị thành. Quang cảnh quanh đây, trái lại
như một bức tranh tuyệt đẹp, thơ mộng, thánh thoát và nhẹ nhàng. Khí hậu
thật dễ chịu, rất trong lành và mát dịu.
Được dừng chân tại thác nước Bạc với độ cao 150m, đây cũng là một thắng
cảnh du lịch tại SAPA, chúng tôi nhìn lên đỉnh núi cao nơi một dòng nước
mạnh đổ xuống trắng xóa cả một vùng. Ôi ! Tôi thật ngỡ ngàng khi nhìn
thấy hình ảnh của một khung cảnh thiên nhiên quá đẹp trước mắt. Chúng
tôi cùng anh hướng dẫn đoàn ghé vào một quán nhỏ bên đường được che
nắng che mưa với một mái tranh nhỏ. Một thiếu nữ người dân tộc với bộ
quần áo theo phong tục bản làng, đang ngồi sau bếp lửa trong quán có một
vài chiếc ghế nhựa nhỏ chung quanh. Những quả trứng gà, những ống tre
nhỏ có kích thước 30cm chiều dài, 5cm chiều ngang và những que nhận
đầy thịt đã được chế biến; tất cả đang được nướng trên bếp lửa hồng.
Chúng tôi ngồi quanh bếp lửa gắn mắt chăm chú.
Lần đầu được ăn trứng nướng và cơm ủ trong ống tre, tôi cảm thấy thật
ngon miệng và thú vị. Những món ăn nóng đã làm ấm người tôi trong khí
hậu se se lạnh bên ngoài. Nhìn quanh, tôi ước lượng khoảng 10 quán nho
nhỏ rải rác dọc bên đường với những cô gái dân tộc H.Mong.
Vì thác nước Bạc quá cao, chúng tôi thật e ngại không leo lên đến đỉnh núi.
Nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của anh Hướng dẫn viên và nhất là nhờ
số đông của cả đoàn trên 15 người đã tăng thêm sức mạnh, thắm thoát
chúng tôi đã leo lên đến đỉnh thác với từng bậc thang kết bằng những tảng
đá lớn.
Trên chuyến xe trở về bản làng, anh Hướng Dẫn Viên đã kể cho chúng tôi
nghe về ngày họp chợ tại "Khu chợ Tình". Cứ vào mỗi buổi chiều thứ bảy
cuối tuần, thời gian sớm muộn tùy vào thời tiết, tất cả thanh niên nam nữ
trong làng với quần áo đẹp đều tập trung tại “Khu chợ Tình". Đến chợ, họ
không phải để mua bán, họ đến để vui chơi, cùng nhau uống rượu cần, trò
chuyện với nhau, và sau cùng tìm cho mình một người bạn đời. Khi cảm
thấy thích hợp, từng đôi, từng cặp họ rủ nhau đi xa dần khu vực chợ để
được trò chuyện riêng tư. Đêm chợ Tình vắng thưa dần hẳn đến 12 giờ
khuya. Họ đã nên duyên chồng vợ cũng từ những cuộc gặp gỡ đó. Đây là
tục lệ cổ truyền của người dân tộc H.Mong, và "Khu chợ tình" được nghe
qua như một chuyện cổ tích xưa.
Chúng tôi đã không đuợc may mắn tận mắt nhìn thấy nét sinh hoạt theo
phong tục tập quán của dân tộc H.Mong tại " Khu chợ Tình ". Nghe kể,
cách đây một năm, các đoàn khách du lịch đến đây tham quan đông đúc, họ
đã quay phim và chụp ảnh nhiều đến độ đã đánh mất đi hình ảnh thật tự
nhiên của dân tộc bản làng từ xưa nên ngày nay " Khu chợ Tình " đã không
còn tồn tại nữa.
Ngày kế tiếp chúng tôi được đến thăm bản làng trên một ngọn núi cao. Khi
đến nơi, những đứa bé gái tuổi độ 13 tung tăng đi theo chúng tôi. Trông
chúng thật ngộ nghĩnh trong những bộ váy đủ màu sắc theo phong tục, lủng
lẳng đôi khoen tai quá lớn so với những khuôn mặt bé bỏng, vừa đi chúng
vừa trò chuyện cùng chúng tôi với âm Bắc lơ lớ thật ngọt ngào. Sống quen
trên vùng núi cao, nên chúng bước những bước chân thoăn thoắt qua nhiều
mô đất cao gập ghềnh mà không biết mệt. Chúng đưa đôi tay bé nhỏ tay
trong tay để dẫn dắt chúng tôi trên những khúc quanh co trơn trợt. Tôi nhìn
những khuôn mặt quá ngây thơ và đáng yêu làm sao! Tôi thật thương cuộc
sống của các em trên núi rừng quá. Tôi bồng bế, nô đùa với chúng và cùng
chụp chung những tấm ảnh lưu niệm. Tôi bắt nhịp cùng hát với chúng
những bản nhạc của lớp mẫu giáo mà hầu như trong các trường cấp một các
em đều biết. Lúc đầu chúng cảm thấy ngỡ ngàng trước những người khách
xa lạ, nhưng rồi sự gần gũi đến thật nhanh qua sự tiếp xúc thân thiện với
nhau. Tôi được nghe những bài ca dân tộc từ những giọng hát trẻ thơ hòa
với những tiếng vỗ tay theo nhịp phụ họa của chúng tôi. Chúng tôi có
những giây phút thần tiên tuyệt vời.
Tôi nhận ra trên nét mặt của chúng nó, sự rạng rỡ hòa lẫn sự vui sướng khi
có khách đến viếng thăm làng. Chúng sống rất tình cảm. Sau hơn 3 giờ
đồng hồ bên nhau, chúng tôi đành phải chia tay, có hợp ắt có tan, tan hợp là
lẽ thường tình, lòng tôi cảm thấy buồn man mác khi chia tay với các em bé
vùng cao nguyên. Những đôi mắt to tròn, ngây thơ trông thật hồn nhiên như
đọng lại vài giọt nước mắt. Những cánh tay bé nhỏ vẫy chào khi chuyến xe
bắt đầu chuyển bánh. Hình ảnh đó đã đi theo tôi suốt cả chặng đường dài.
Thật khó có dịp để trở lại nơi núi rừng cao nguyên Sapa xa xôi này!
Mỗi dân tộc trong cộng đồng Việt Nam đều có một bản sắc văn hoá riêng
rất độc đáo, đó là một trong những yếu tố làm nên sự phong phú đa dạng
của nền văn hoá Việt. Mỗi vùng miền có một đặc trưng, phong tục riêng.
Nói đến những nét văn hoá đặc trưng ở miền Bắc nước ta không thể không
nói đến các dân tộc sinh sống ở miền núi phía Bắc.
Lâu nay khi nói đến một trong những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống
của các dân tộc miền núi phía Bắc, người ta thường hay kể cho nhau vô số
câu chuyện về những phiên chợ tình mà dường như chỉ những dân tộc sống
nơi đây mới có. Sau những ngày tháng cần cù lao động, cứ mỗi dịp xuân
về, tiết trời ấm áp, cỏ cây đâm chồi nảy lộc, đây là khoảng thời gian họ tự
cho phép mình nghỉ ngơi, là lúc mọi người nhàn rỗi nhất. Trong không khí
đón mừng năm mới, đón chào những ngày lễ, hội hè, người dân miền núi
lại tìm đến với những nét văn hoá truyền thống, và chợ tình là một trong
những nét sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống những người dân nơi
đây và thậm chí là cả những khách du lịch từ nơi khác đến. Thế nhưng trải
qua thời gian, giờ đây, chợ tình đã nhiều đổi khác.
Nói đến chợ tình, nổi tiếng nhất là chợ tình Sapa - một điểm du lịch hấp
dẫn với cả khách du lịch cả trong và ngoài nước. Nằm ở phía Bắc cách thị
xã Lào Cai 36 km. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, có những mùa
đông tuyết rơi trắng xóa. Chợ tình Sapa là chợ của người Dao, thường họp
một lần duy nhất trong tuần vào tối thứ bảy.
Tại sao người ta lại gọi là chợ tình ? Chợ - hiểu một cách nôm na là nơi có
mua có bán, nhưng chợ tình Sapa thì khác, ở đây cái tình không ai bán cũng
chẳng ai mua. Bởi cái tình không ai bán, cũng chẳng ai mua, và như thế thì
chợ tình có còn được gọi là chợ ?
Trớ trêu thay những người yêu nhau lại lấy chợ làm nơi hẹn hò. Cũng vì thế
mà người ta thường hiểu chợ tình là nơi trao gửi tình cảm, hẹn hò, nơi
những cử chỉ yêu đương diễn ra theo phong tục, tập quán tùy theo mỗi địa
phương. Vì vậy, chợ vẫn là nơi đầu mối, là điểm hút của hầu hết những
sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Như thường lệ, ngay từ chiều, các phụ nữ Dao đỏ đầu quấn khăn, trang
phục hoa văn sặc sỡ đính nhiều vòng bạc, khuy bạc và nhiều đồng tiền nhỏ
đã tập trung về dưới phố và ở sân nhà. Không khí nhộn nhịp hơn thường lệ
nhờ những âm thanh vui tai phát ra từ những chiếc lục lạc xinh xắn trên
chiếc khăn choàng đầu của các cô gái. Đối tượng của họ là những chàng
trai người Dao trong trang phục Chàm, khăn cùng màu, tay đeo đồng hồ và
vai vác đài cát-xét
Phong tục của người Dao không ngăn cản người đã có vợ có chồng đi tìm
bạn tình. Con gái 13, 14 tuổi đi theo các chị để làm quen. Những cô gái trẻ
đẹp thường được rất nhiều chàng trai để ý. Họ vây quanh, mở cát-xét cho
cô gái mình thích nghe hoặc tán tỉnh rồi tặng quà kỷ niệm. Cô gái không
ưng thì bỏ quà chạy và bị nắm tay giữ lại. Động tác này gọi là "kéo" - một
biểu hiện cho sự tỏ tình quyết liệt. Cho tới lúc "chấm" được một chàng, cô
gái sẽ dúi vào tay người đó một vật đính ước. Vật đính ước đó có thể là một
chiếc nhẫn, một chiếc vòng tay hay cái lược Thế là đám đông ồ lên và tản
ra. Cô gái quay về với các bạn gái của mình. Một lúc sau khi yên tĩnh trở
lại, 2 hoặc 3 cô gái đưa cô bạn của mình đến "gửi gắm" cho chàng trai nọ.
Rồi thì đôi bạn tình đưa nhau tới đâu thì chỉ có rặng Samu xào xạc mới
biết
Người Dao ngày nay trong tâm tưởng vẫn còn mang nặng tính cộng đồng.
Đó là nguyên nhân của quan hệ hôn phối mang tính tạp giao. Điều này
không còn thích hợp với cuộc sống mới của xã hội. Có lẽ vì vậy mà chợ
tình Sapa không còn tồn tại nữa.
Ngoài chợ tình Sapa, ngược lên Việt Bắc, nơi mỏm đầu cao nhất của Tổ
quốc thuộc tỉnh Hà Giang cũng có một chợ tình. Đó là chợ tình Khau Vai
cách thị trấn Mèo Vạc 24 km về phía Đông Nam. Chợ này rất ít người biết
đến vì đường xa, cheo leo. Nói đến chợ là người ta nhắc đến cái tên Dốc
cổng trời, Quản Bạ hay đỉnh Mã Pì Lèng quanh năm mây phủ với những
vách đá tai mèo dựng đứng.
Chợ tình Khau Vai mỗi năm chỉ họp một lần vào mùa xuân (26/3 Dương
lịch). Một đặc điểm khiến chợ này trở nên độc đáo là chợ chỉ dành riêng
cho những người lỡ dịp "kết tóc xe tơ" khi xưa tìm về hội ngộ Lúc trước
vì một lý do nào đó người con trai không lấy được người con gái mình yêu
cho nên phải đợi 365 ngày mới được một lần "thoả nỗi nhớ mong". Người
đến chợ không hẳn là những người trẻ, bởi có những cuộc tình có duyên
nhưng không có phận. Theo tục lệ thì vợ của người đàn ông này cũng như
chồng của người đàn bà nọ không có quyền ngăn cản người bạn đời của
mình đi gặp người tình xưa. Những người đàn ông chung tình không chờ
bạn ở giữa chợ mà tắt lối, đón đường để sớm gặp lại dáng hình người con
gái đằm thắm, mặn mòi năm xưa.
Ở chợ Khau Vai người ta không kéo nhau mà họ chặn đường, níu áo,
những tiếng khóc hờn dỗi và cả những tiếng cười Đôi bạn tình lúc chia
tay bao giờ cũng để lại cho nhau vật kỷ niệm và lời hò hẹn cho lần gặp sau.
Còn có một chợ tình nữa ở Tây Bắc rất ít người biết đến đó là chợ tình
Châu Mộc, thuộc thị trấn Mộc Châu tỉnh Sơn La. Ngày 1/9 Dương lịch
hàng năm là ngày tết của người H'Mông, cũng là phiên chợ tình duy nhất
trong năm. Gặp hôm chợ đông, con số người đến chợ thường vào khoảng từ
5 đến 7 ngàn người. Chợ không chỉ tập trung dân trong vùng mà còn thu
hút rất nhiều người từ các nơi khác đến. Xa thì từ Phong Thổ, Lai Châu,
gần thì từ Hoà Bình lên hay trên Sơn La về.
Người H'Mông có trang phục rất đa dạng. Nào là H'Mông Đơ (trắng),
H'Mông Đu (đen), H'Mông Si (đỏ), H'Mông Lênh (vàng), H'Mông Hoa
chính vì thế mà phiên chợ này thật đẹp, với các sắc áo váy rực rỡ hoà trộn
vào nhau như một rừng hoa.
Khi xưa cuộc sống còn nghèo, người đến chợ phải đi bộ hoặc đi ngựa mất
cả ngày trời, đêm không về kịp thì phải ngủ lại. Bây giờ thì khác, phương
tiện đi lại chính của đồng bào bây giờ là xe máy. Đường đông như trẩy hội.
Có những chàng trai gần đến chợ thì dừng xe để thay bộ cánh mới theo kiểu
dân tộc cổ truyền. Trong rừng người chen vai, người ta thấy cả những
khuôn mặt ngơ ngác còn rất trẻ chỉ khoảng 13 đến 14 tuổi lần đầu xuống
chợ.
Bắt cùng nhịp với sự phát triển của cuộc sống hiện tại. Cánh con gái, con
trai mỗi lần xuống chợ đều chầu chực ở tiệm uốn tóc để rẽ ngôi, gọt sửa, xịt
keo tóc. Sau đó, con trai rủ con gái đi ăn phở rồi chụp ảnh và chờ bọc răng
vàng. Đó là những lệ bộ tối thiểu của một chàng trai khi muốn bày tỏ tình
cảm đến cô gái mà mình thích. Điều này phần nào phản ánh những đổi thay
tích cực trong cuộc sống của các dân tộc miền núi phía Bắc nước ta. Thế
nhưng chính nó cũng tạo ra nhiều phiền toái, làm dang dở không ít cuộc
tình!
Đã có nhiều chàng trai chỉ vì không đủ tiền mà không lấy được người mình
yêu đâm ra buồn chán, tích cực hơn thì quyết tâm làm giàu bằng mọi cách.
Những chàng trai nghèo khó cũng phải chạy theo tục lệ như vậy thì quả là
đáng khổ Vì thế đã có biết bao người phải đặt ra câu hỏi: Liệu những tục
lệ đó có cần thiết trong cuộc sống hiện nay?
Đến chợ tình ai cũng đẹp cũng vui. Có thể nói chợ tình là điểm khởi đầu
cho một tình yêu trong sáng. Bởi sự gặp gỡ, ưng thuận ở đây vừa là dấu
hiệu tỏ tình vừa là dấu hiệu đính ước. Trong khi du lịch văn hoá ngày càng
phát triển, việc đến với những dân tộc, đến với miền rừng núi hoang sơ là
một việc làm cần thiết. Nhưng đáng nói là có những kẻ núp bóng đằng sau
việc làm tưởng như có ích đó để mang lợi về cho bản thân. Nhỏ thì là
những chuyện lừa đảo tình cảm, những dịch vụ "đen" núp bóng, ăn theo
nhưng khi đã biến tướng thành những vụ môi giới, buôn người thì quả thật
chuyện đã không hề giản đơn.
Tiếng chợ tình là thế, vì vậy đã có không biết bao nhiêu khách du lịch từ
khắp nơi đổ về tham gia phiên chợ. Đó cũng là một lý do khiến chợ tình
ngày nay không chỉ còn dành riêng cho những dân tộc miền núi nữa. Phát
triển, giao thoa văn hoá là một việc làm cần thiết, nó góp phần giới thiệu
văn hoá của một vùng, miền, một dân tộc đến với tất cả cộng đồng chung
rộng lớn. Thế nhưng chính nó cũng làm nảy sinh biết bao vấn đề đáng phải
bàn tới
Dầu sao chợ tình vẫn là một hoạt động văn hoá đã có từ lâu đời, đánh dấu
một nét son độc đáo trong văn hoá chung của cộng đồng các dân tộc Việt
Nam. Chợ tình còn nhiều điều phải bàn tới và đã đến lúc lên tiếng báo động
về thực trạng này trong cuộc sống hiện nay. Vẫn chợ tình, vẫn còn khen -
chê
Chúng tôi mải miết đi Lào Cai theo hướng Quốc lộ 70 và Quốc lộ 4D qua
Phú Thọ - Yên Bái. Không phải vội thời gian mà ai cũng nao nức căn cho
trúng bữa thứ Bảy thì trên ấy mới có thể đi chợ tình. Có lẽ cũng nói kỹ
thêm vài dòng về cái vụ chợ tình này để anh em nào chưa có dịp đi dễ hình
dung: Chợ tình tôi đang nói đây không phải chợ Khau Vai. Khau Vai bên
Hà Giang lận ! Chợ tình tôi nói tới thông thường và cứ hàng tuần vào thứ
Bảy là người ta tìm về. Cái đoạn trai gái người dân tộc hò hẹn, làm
duyênvới nhau là có nhưng bề nổi thì tôi thấy đa số tụ tập bán hàng, tham
quan, hò hát. Chỉ béo mấy bà chị nổi lửa nướng ngô với cơm lam, rượu
men lá. Năm ngoái, tôi lên muộn qúa chỉ còn có 2 băng xăng pha nhớtvới
mấy ông Tây làm ma-nơ-canh. Năm nay …
Mà lạ ! Không lẽ mấy người hay duy tâm nói đúng. Đúng bởi năm ngoái tôi
lên đây, cười chào thoải mái, nếm thử rượu bát ngát, cầm tay mấy chị bát
ngát và nhất là mê mấy cái vòng chỉ buộc cổ tay. Hôm đó khi 2 chị người
H’Mông bán rồi buộc vòng vào cổ tay tôi rồi thì thầm: sang năm lên nhé !
Tôi ừ đại cho xã giao vì nghĩ có bao giờ còn dịp lên đây nữa. Vậy mà ai dè
… cái vòng chỉ đỏ giấu vợ vẫn còn đây ! Rồi cũng là trùng mục đích khi
mọi người trong đoàn chúng tôi đều nhất trí rằng đây là thời điểm mà Sapa
có đào phai, mận kết. Con đường lên Sapa từ Lào Cai như sợi dây thừng
bện quanh những sườn núi thắm đỏ hoa đào. Tha hồ mà ngắm hoa, ngắm
ruộng bậc thang, ngắm dốc suối bởi con đường hùng vĩ lắm. Thêm tý nữa:
nghe nói đến chợ tình mọi người cũng muốn biết bởi vì cũng như tôi, anh
em rất … nghiện chợ vùng sâu. Người dân xưa nay vẫn dùng từ đi chơi
chợ, thăm chợ. Vậy nên ở chợ người ta ăn mặc đẹp nhất, làm dáng nhất, xởi
lởi nhất, cởi mở nhất … Người vùng cao đi chợ có vẻ lãng mạn chứ không
thực tế như người dưới xuôi ta; mà Lào Cai thì qúa nhiều cái chợ đáng đi:
Mường Khương, Simacai, Bản Xéo, Lùng Phìn, Bắc Hà, Sa Pa …
Thế nhưng, ngoài cái chuyện câu kéo luôn canh cánh bên lòng thì trong cái
bài bút ký tiếp theo này, tôi muốn múa rìu qua mặt các bạn từng xuôi ngược
vùng Tây Bắc với Rượu và Hoa trong vẻ đẹp điệp trùng của xứ sở này. Xin
phép để cùng chia sẻ với các bạn chưa đi, chưa uống đến tuý lúy càn khôn
nơi góc rừng, chân thác thêm tý chút về Cảnh và Tửu nơi đây.
Dọc đường, thay vì chén đặc sản ở Lương Sơn, Xuân Mai ( nếu đi theo
hướng đường 6 ) thì chúng tôi được dùng những món ăn rất hợp khẩu vị ở
Phú Thọ và Yên Bái. Trên xe, tôi tranh thủ ngủ. Vẫn biết ngủ là bỏ qua
những rừng cọ đồi chè (thơ Tố Hữu ) và những dải đường xuyên đồi đất
đỏ, đất vàng của Trung du thế nhưng không dám tiếc bởi Tây Bắc thôi thúc
tôi hơn nhiều …
Thị xã Lào Cai hình như vẫn vậy. Việc đầu tiên là tôi ngoắc một bác xe ôm
(ở thị xã này nhiều xe ôm nhất hạng, chỉ 1,000đ/km tha hồ đi) chạy tuốt tới
cô bán rượu San Lùng để làm một can 4 lít. Trước khi vào chuyện, tôi xin
nói qua về cái loại rượu có một không hai trên vùng này. San Lùng là xã
thuộc huyệt Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Rượu làm từ hạt thóc ủ cho nảy mầm rồi
trộn đều với men. Rượu Sán Lùng trong vắt, hơi ngả xanh, có vị ngọt dịu
và hơi ngậy. Cái riêng của loại rượu cất bằng chính nước suối có một
không hai của địa phương mà ra San Lùng tôi thích. Người địa phương còn
bảo San lùng có nghĩa là 3 con rồng. Qủa tình thì ai cũng chung nhận xét là
rượu nấu tại xã Sán Lùng mới ngon chính hiệu, tuy quy trình, nguyên liệu
như vậy nhưng nếu nấu ở nơi khác, rượu sẽ không ngon bằng. Chứ còn đi
bao nhiêu nơi thấy bày bán San Lùng đầy ra đấy nhưng nếm tý vào là bất
mãn ngay. Cái cô bán rượu này người Kinh, không thèm lấy chồng lần thứ
2 mà theo lời cô thì … cứ để vậy cho mấy thằng cha ưa phở nó thèm !
Cái động tác bà chị lui cui cong người múc rượu trong chum sành dưới ánh
đèn yếu điện của Lào Cai nó đáng ghi nhớ lắm. Thấy tôi đủng đỉnh bước
vào, người taA ! lên một tiếng rồi: ”Em có phần cho anh đây !”. Tôi đánh
bạo rủ: ”Chợ tình đi em !”. Nàng cười nhẹ: ”Em đi ai trông hàng ?”. Tôi lập
tức giở giọng cán bộ: ”Để anh cho thư ký ra ngủ canh chừng”. Cô cười to
hơn: ”Nếu có thư ký của anh ra đây thì em hơi đâu mà đi nữa. Có mối rồi!
Nhưng mà thôi, chúc anh đi chợ tình vui thật tình”.
Nói về Rượu, tôi sẽ nói kỹ với các bạn sau nhưng tiện nói San Lùng cũng
nhắc luôn 1 loại rượu nữa là Na Hang hệt như anh em họ với nó. Na Hang
tít Bắc Thái lận. Người ta nấu bằng ngô đã ủ mọc mầm + men lá rồi đun
kiểu cách thủy liu riu. Ngồi bên bếp lửa chờ rượu chảy đến đâu thì chia mời
nhau uống đến đó. Cái thằng mình tợp hớp rượu nóng ran cổ, nhìn đĩa thịt
trâu khô mà tái mặt và càng run, càng tái khi mấy cô bạn ngồi đối diện với
mình váy rộng so le chân mà mặt cứ hồng rậng, con mắt có đuôi cứ lúng
liếng, cái co người chắc lắn cứ như muốn bung ra bên bếp lửa hồng …
Nhưng mà đó cũng chưa tận cùng của tửu sắc trong tôi bởi thân này còn
nhớ thèm bát rượu của em gái H’Mông nấu bằng sắn tím trồng riêng trên
nương. Rượu sắn tím được hạ thổ cho dịu bớt rồi đúng 5 tuần trăng thì moi
lên hâm nóng cho cái nọc sắn tỉnh dậy (họ bảo thế !), uống vô cái ực rồi
môi khô là thèm, tay run là ngứa và chân giần giật là muốn đi bài À-rê ca
quanh bóng váy ba khoang ! Vâng ! Có quí lắm, có tình với nhau lắm và có
thân nhau lắm thì người H’Mông mới cho bạn uống thứ rượu này để thử cái
con trong người của bạn lần chót. Tôi nhớ ra rồi: đó là rượu Pang Cừ.
Cầu Cốc Lếu hôm nay điện sáng hơn. Con sông Hồng chảy qua có vẻ hắm
hơn và đây là mùa câu cá Chiên. Tay chủ khách sạn Công Binh tóm cứng
tôi mang vào phòng khách. Gã kêu vợ ra hối xếp phòng rồi tự nhiên như
anh em trong nhà, gã xoa cái bụng thây lẩy của cô vợ: ”Nhờ cái khỏan rượu
rắn của bác bày vẽ mà em có cái tùm hum này nữa. Sêu âm rồi ! Con gái.
Nhưng mà không sao. Sang năm em làm cú nữa. Bao giờ có con trai thì
thôi ”. Lại rượu …
Xe chúng tôi bò chầm chậm trên con đường uốn lượn rất hùng vĩ từ Lao
Cai lên Sa Pa. Năm ngoái, con đường này còn đang thi công mở mang.
Năm nay, xong cơ bản. Có những chỗ, xe có thể chạy cả 100km/h thế
nhưng chúng tôi muốn đi thật chậm. Sự ngoạn mục không chỉ ở tầng tầng
lớp lớp rừng mà còn san sát những vạt đồi kề nhau với những ruộng bậc
thang có hoa đào muộn viền bờ đẹp như tranh vẽ. Từ trên cao nhìn xuống,
con đường như vết vẽ vắt vào đại ngàn. Mây li ti. Mây tạo những màng
mỏng trong tầm nhìn; và đôi khi, tôi có cảm tưởng rằng chúng tôi chui vào
đám mây và mây luẩn quẩn bên cửa kính ô tô. Đôi lúc, tôi chỉ muốn dừng
xe lại, tựa người vào thân cây Sa Mộc cổ thụ như dựng đứng hai bên đường
mà ghi chép, mà làm thơ … Cái lạ đầu tiên mà cô em gái tôi phát hiện ra:
anh chị em người Dao, người H’ Mông trên này ai trông cũngcó vẻ hơi
ngắn người mà cái điệu đi xênh xang trên đường cứ lắc lư oai oải như tất cả
đều đang say. Chuyện say ư ? Đương nhiên, Thứ Bảy mà !
ần 100 năm trước, Sapa bây giờ có tên là Hồng Hồ. Hồ là một đầm nước
màu hồngsoi bóng hồng của hoa đào giữa 4 bề núi đá cùng nương rẫy.
Người Pháp đã xây dựng Hồng Hồ thành nơi nghỉ mát và lấy tên là Sapa.
Nói đến Sapa, người ta nghĩ ngay đến khí hậu và đặc sản. Vẫn chỉ là rừng,
núi, mây … thế nhưng hầu như không nơi nào hội tụ đủ những kỳ diệu của
tạo hóa. Một ngày ở Sapa đủ 4 mùa. Một ngày ấy, thiên nhiên ban cho Sapa
một đặc sản: sương mù ! Sương mù của Sa Pa đã đi vào kinh điển và đi ra
cả thế giới. Cứ thử hỏi những bức ảnh trác tuyệt của nghệ sĩ Võ An Ninh
chụp Sa Pa nếu không có sương thì sẽ là cái khung ra sao nhỉ ? Sương mù
như một tất yếu tràn khắp các ngóc ngách, lùa xuống thung lũng, hội tụ
thành từng giọt tí tách, âm thầm lách từ trên cao xuống thấp tạo thành
những biến ảo luôn cho cảm xúc sững sờ của du khách bên dãy Hoàng Liên
…
Đá núi Sapa biết nói và Rừng Sapa thì ai đã 1 lần toan liều lĩnh băng rừng
leo lên đỉnh Phan-xi-pan như tôi ? Ừ ! Tôi suýt tiêu tan cả thân mình khi đi
theo cái đam mê khao khát leo từng bậc, từng bậc đá núi trong bập bềnh
mây. Hôm ấy, gió lạnh tự nhiên thổi thốc lên xóa mờ cái khung cảnh vàng
mơ của ráng chiều. Gió như cuốn tất cả mây ngàn đang lững thững đó để
xối xả vào tôi. Người với người đứng cách nhau 10 mét chỉ còn thấy lờ mờ.
Rừng mất hút tức thì trong tầm mắt. Mỗi bước bước lên, tôi chỉ thấy mỗi
bản thân mình. Hai hàm răng không cho cũng cập cạp theo nhịp bước. Lạnh
thấu xương. Tôi vội vàng quay xuống trong tiếng hú gọi. Gió đuổi theo. Tôi
nhào vào trong xe trước cái nhìn thương hại của mọi người. Té ra, muốn
leo hết con dốc ấy để lên đỉnh Phan-xi-pan tốc độ như tôi đi bộ phải mất …
8 ngày ! 8 ngày xuyên rừng già trong rét lạnh qủa là không tưởng. Tôi tự
cười mình khi ban đầu nhìn những bậc đá cẩn thận kia cứ ngỡ cùng lắm lên
với nó (đỉnh Phan-xi-pang) chỉ trần ai như leo chùa Thiên Trù bên Hương
Tích là cùng (!). Thôi thì bằng lòng với tấm ảnh chụp dưới cái sơ đồ ở bãi
tập kết leo dốc gần Cổng trời vậy.
Hà Thu Thủy