Nhân lực cho ngành du lịch : Bài toán
quá khó ?
Việt Nam nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có tốc độ
tăng trưởng về lượng khách quốc tế đến cao nhất thế giới. Nhưng nguồn
nhân lực phục vụ ngành du lịch vẫn còn "đuối sức" so với tốc độ tăng
trưởng khi hiện chỉ có 30% lao động trong ngành du lịch được qua đào tạo.
Làm thế nào để đạt mục tiêu 80% nhân lực qua đào tạo trong năm 2015
đang là bài toán đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam .
Cầu vượt xa cung
Du lịch đã được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với
mục tiêu đạt 6 triệu khách du lịch quốc tế, 25 triệu khách nội địa, doanh thu
du lịch đạt 4 - 4,5 tỷ USD trong năm 2010. Theo số liệu thống kê của Tổng
cục Du lịch Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 1990-2007, lượng khách
quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 17 lần, từ 250.000 lượt của năm 1990 lên
4,2 triệu lượt trong năm 2007. Theo đó, lực lượng lao động trong ngành
cũng tăng cao, từ 20.000 lao động của năm 1990 lên hơn 1 triệu hiện nay.
Theo dự báo, đến năm 2015, du lịch Việt Nam cần khoảng 1,5-2 triệu lao
động. Hiện cả nước có khoảng 40 trường đại học có khoa du lịch, 83 trường
cao đẳng và trung cấp du lịch, hàng năm đào tạo hàng chục ngàn học sinh
và sinh viên làm việc trong ngành du lịch. Tuy nhiên, phần lớn chỉ được
đào tạo ở phần nổi, chưa đi sâu vào chuyên ngành, thiếu thực tiễn vì công
tác đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, tài liệu và đội ngũ
giảng dạy.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt
Nam thừa nhận, nguồn nhân lực phục vụ du lịch Việt Nam vẫn còn yếu,
hiện chỉ có 30% nhân lực làm trong ngành du lịch được qua đào tạo bài
bản, chất lượng sản phẩm du lịch của Việt Nam vẫn còn thua xa nhiều nước
trong khu vực. Đây là thách thức lớn của ngành du lịch Việt Nam trong
"cuộc chiến" cạnh tranh thị phần. Nếu không xây dựng được sản phẩm du
lịch và dịch vụ có chất lượng thì sẽ rất khó cạnh tranh với các nước.
Ngành du lịch Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trong năm 2015: 80% lao
động phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; 100% cơ sở đào
tạo có chương trình đáp ứng yêu cầu thực tiễn, với 100% giáo viên được
đào tạo và chuẩn hóa… Những con số quá lớn này dường như là những
mục tiêu "quá sức" với ngành du lịch Việt Nam trong 7 năm tới.
Bài học từ các nước
Thực tế hiện nay, trong đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, các trường đào
tạo tại Việt Nam thiếu cơ sở vật chất để học viên thực tập, điều này làm cho
học viên thiếu nhiều kỹ năng khi ra thực tế. Trong thời gian gần đây, một
số trường đã hướng đầu tư vào cơ sở vật chất để nâng cao đào tạo.
Trong đó, Saigontourist đã có đề án xây dựng khách sạn, làm nơi thực tập
cho học sinh Trường Trung học Nghiệp vụ Du lịch Khách sạn TPHCM.
Ông Hà Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc khách sạn Sofitel Metropole Hà
Nội ( thuộc tập đoàn quản lý khách sạn Accor của Pháp ) nhận xét, với tốc
độ phát triển nhanh chóng như hiện nay, vấn đề tuyển dụng và đào tạo nhân
viên lao động cho khách sạn càng trở nên cấp thiết.
Đây là một thách thức lớn không chỉ riêng với Sofitel Metropole Hà Nội
mà cho nhiều khách sạn cao cấp khác ở Hà Nội, nhất là khi nhiều khách sạn
cao cấp đang được đẩy nhanh xây dựng tại Hà Nội, TPHCM. Ông Hải cho
biết, Sofitel Metropole Hà Nội xác định đào tạo tại chỗ, đến các trường đào
tạo nói chuyện, định hướng công việc cho học viên, "săn" người từ lúc các
học viên còn ở trường. Theo quy định của tập đoàn Accor, mỗi cán bộ,
nhân viên của khách sạn phải được đào tạo, nâng cao kiến thức 4 giờ/tháng.
Tham dự hội nghị Đảm bảo chất lượng phát triển nguồn nhân lực du lịch,
vừa diễn ra tại TPHCM vào đầu tháng 11-2008, tiến sĩ Steven Chua, Chủ
tịch Học viện đào tạo du lịch, khách sạn SHATEC (Singapore) đánh giá
"Du lịch ở các nước châu Á đang phát triển nhanh chóng, rất nhiều quốc
gia đã đưa ra nhiều chương trình cũng như chiến lược phát triển du lịch.
Nhưng với tốc độ phát triển nhanh như "nấm mọc sau mưa" hiện nay, các
chương trình đào tạo nguồn nhân lực không thể theo kịp. Nguồn nhân lực
chất lượng cao vẫn thiếu".
Theo nhận định này thì vấn đề nguồn nhân lực cho ngành du lịch không
phải là vấn đề của riêng Việt Nam, mà nó cũng là vấn đề "nóng" của nhiều
nước, ngay cả những nước phát triển như Singapore, Nhật Bản. Thực tế
việc đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ cần một thời gian ngắn, nhưng xây dựng đội
ngũ phải cần thời gian dài. Khi phát triển du lịch, ngành du lịch phải trải
qua một số thách thức trong ngắn hạn, đó là người lao động có thể làm
nhiều giờ hơn, với mức lương thấp và khách hàng khó tính hơn. Tiến sĩ
Steven Chua lưu ý, phải đào tạo từng yếu tố nhỏ thành kỹ năng cho học
viên. Ở Học viện SHATEC, ông cho biết có cả việc dạy cho học viên cách
bóc, gọt từng loại trái cây.
Lấy ví dụ từ Malaysia, ông Alex Rajakumar, Giám đốc Trung tâm Du lịch
khối thịnh vượng chung (CTC) (Malaysia) cho rằng, Chính phủ nước này
giữ vai trò đầu tàu trong sự thúc đẩy để ngành du lịch cất cánh! Với 26 triệu
dân, Malaysia không có nhiều di sản văn hóa cũng như thắng cảnh đẹp như
Việt Nam, nhưng trong 2 năm trở lại đây, Malaysia đã xây dựng một chiến
lược quốc gia về phát triển du lịch; kết quả của chiến dịch đầu tư này,
Malaysia đón khoảng 20 triệu khách quốc tế trong năm 2007 .
Mỹ Hạnh