Hóa thân vào những que diêm
Trời đã tối, cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn và trong phố sực nức mùi
ngỗng quay. Giây phút đón giao thừa sắp đến. Vậy mà chúng tôi vẫn cùng cô bé tội
nghiệp rong ruổi qua từng con phố. Chúng tôi tự nhủ hãy nằm yên, nằm yên và cầu
nguyện để tất cả chúng mình sẽ đi về nhà ai đấy. Chỉ có vậy và chỉ có vậy thôi, cô chủ
mới được về nhà để đón Tết trong ấm cúng.
Thế nhưng thật oái oăm thay. Đêm ba mươi, ai còn đi mua diêm làm chi nữa.
Giờ này họ đã yên ổn cả rồi. Họ đang ngồi bên lò sưởi và chờ đến giờ phá cỗ. Chúng
tôi biết vậy và cả cô chủ nhỏ tội nghiệp của chúng tôi cũng thế. Nhưng cô vẫn cứ đi,
lang thang trong rét mướt và hy vọng. Niềm hy vọng ấy trong cái đêm nay thật quá
nhỏ nhoi. Vậy mà nó chỉ chực chờ để tan biến mất.
Trời đã về khuya. Và chúng tôi cảm thấy đôi bàn tay của cô chủ đang cứng lại.
Cô dừng lại và ngẫm nghĩ về một điều gì đó. Bỗng đột nhiên, cô rút một trong số
chúng tôi ra và quẹt sáng. Anh bạn của chúng tôi bén lửa rất nhanh loáng qua rồi biến
đi trên nền than hồng rực. Chúng tôi không biết cô bé nghĩ gì nhưng ánh mắt cô bé rất
vui và hình như miệng cô còn ánh lên cả một nụ cười thì phải.
Cô bé duỗi chân ra nhưng đờ đẫn nhìn que diêm vụt tắt. Cô lại bần thần và suy
nghĩ hồi lâu. Chắc cô bé đang lo không bán được diêm, về nhà sẽ bị cha chửi mắng.
Thế rồi, mạnh mẽ hơn, cô lại quẹt lửa anh bạn thứ hai. Lửa lại cháy và sáng
rực. ánh mắt cô bé lại vui lên. Khuôn mặt đỏ hồng rạng rỡ. Nhưng không đầy một
phút sau, anh bạn tôi vụt tắt. Trước mặt cô bé chỉ còn là những bức tường lạnh lẽo,
dày đặc, tối tăm. Phố xá vẫn vắng teo và lạnh buốt. Tuyết phủ trắng xóa, gió bấc vi vu
và mấy người khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến nơi hò hẹn.
Cô chủ không còn nghĩ về cha. Cô không còn sợ. Cô quẹt thêm một que diêm
nữa. Lần này cảm giác như anh bạn của chúng tôi bốc cháy lâu hơn. Niềm vui cũng
dừng lại trên khuôn mặt của cô chủ tôi lâu hơn đôi chút. Không biết lúc này cô bé
đang nghĩ đến cái gì, đến cây thông Nô-en hay đến người bà yêu quý.
Cô bé lại quẹt thêm một que diêm nữa. Một ánh sáng xanh tỏa ra xung quanh.
Cô bé cười và reo lên hạnh phúc:
- Bà ơi! Cho cháu đi với! Cháu biết rằng diêm tắt thì bà cũng biến đi mất như
lò sưởi, ngỗng quay và cây thông Nô-en ban nãy. Nhưng xin bà đừng bỏ cháu ở nơi
đây. Trước khi bà về với Thượng đế chí nhân, bà cháu ta đã từng sung sướng biết
nhường nào. Dạo ấy bà từng chủ cháu rằng nếu cháu ngoan ngoãn, cháu sẽ được gặp
lại bà. Bà ơi! Cháu van bà, bà xin với Thượng đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc
Người không từ chối đâu.
Anh bạn thứ tư của chúng tôi vụt tắt. Thế là cái ảo ảnh rực sáng trên khuôn mặt
cô chủ nhỏ cũng biến mất luôn. Nhưng cô bắt đầu lôi ra tất cả chúng tôi và quẹt sáng.
Dường như cô chủ của chúng tôi đang muốn níu kéo một điều gì. Chúng tôi nối nhau
chiếu sáng như giữa ban ngày. Và chúng tôi nhận ra trên khuôn mặt kia đang nở ra
một nụ cười mãn nguyện. Một xó tường bỗng vụt sáng lên nhưng cũng chỉ một phút
sau nó lại trở về với cái tối tăm lạnh lẽo. Chúng tôi đã thắp lên những tia sáng cuối
cùng còn cô chủ của chúng tôi thì bỗng nhiên gục xuống. Có lẽ cô mệt quá. Cô đã
không ăn và không nghỉ suốt những ngày qua nên chắc bây giờ đang đói lả. Chúng tôi
thương cô chủ quá và cầu mong sao cho đêm giao thừa qua thật là nhanh.
Sáng ngày mùng một, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng
và chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Chúng tôi - những que diêm còn sót lại trong
túi của cô chủ đêm qua bỗng nghe thấy tiếng gọi của một người phụ nữ:
- Cháu bé ơi! Cháu bé ơi! Cháu là con cái nhà ai mà ra nông nỗi thế này.
Người đi đường cũng bắt đầu xúm lại. Họ tò mò đoán và ngắm nghía cô gái có
đôi má hồng và đôi môi đang cười mỉm nằm giữa những bao diêm, trong đó có một
bao đã đốt hết hẳn. Người đàn bà khi nãy rẽ đám đông ra để chen vào. Tay bà mang
theo một cốc sữa đang còn nóng và một chiếc áo lông cừu đang còn mới. Uống một
cách khó khăn vài ngụm sữa, cô chủ đã mơ màng tỉnh lại. Mấy người đàn ông giúp
người phụ nữ đưa cô chủ về một ngôi nhà nhỏ rồi họ tản mác đi chơi. Bây giờ cô chủ
đã tỉnh hẳn và đang ngồi bên lò sưởi.
- Cháu cảm ơn bà! Cô chủ nói.
Người phụ nữ nhanh nhảu đáp:
- Không có gì đâu cháu ạ! Nhìn cháu ta đã đoán ra tất cả mọi việc rồi. Ta cũng
buồn như cháu. Trước đây ta cũng có một cô cháu gái nhưng Thượng đế chí nhân đã
rước nó đi. Giờ ta gặp cháu đâu phải chăng là Thượng đế thương ta mà trả cho ta đứa
cháu. Ta tuy nhỏ nhưng rất rộng lòng thương. Nếu cháu muốn, cháu có thể ở đây với
ta làm bạn.
Cô bé không đáp lời người phụ nữ. Mắt cô bé rưng rưng nhìn những bông tuyết
đang rơi trắng xóa ngoài khung cửa. Nhưng rồi bỗng nhiên cô quay lại, sà vào vòng
tay âu yếm của người thiếu phụ và nức nở: Bà ơi! Bà ơi! Bà thương cháu mà trở về
với cháu thật hay sao!
Tóm tắt sử thi “Ô-đi-xê” (Homero)
Ô-đi-xê là bộ sử thi nổi của người Hi Lạp là bài ca về chàng Uy-lít-xơ, gồm
12110 câu thơ được chia thành 24 khúc ca, nối tiếp câu chuyện trong I-li-át.
Sau chiến thắng thành Tơ-roa, trên đường trở về quê hương, Uy-lit-xơ bị nữ
thần Ca-lip-xô cầm giữ. Chàng cầu xin thần Dớt và rồi nữ thần Ca-lip-xô buộc phải để
chàng đi. Nhưng rồi bị bão đánh chìm bè trôi dạt đến xứ xở của vua An-ki-nô-ốt. Tại
đây chàng được nhà vua và công chúa tiếp đãi tử tế. Chàng kể lại hành trình phiêu lưu
mạo hiểm trong suốt 10 năm qua các miền đất lạ cho nhà vua. Được vua An-ki-nô-ốt
giúp đỡ chàng trở về quê hương sau 20 năm xa cách.
Về tới nhà, Uy-lit-xơ phải đối mặt với bọn cầu hôn xảo quyệt hung hãn. Chàng
cùng con trai và gia nhân trung thành lập mưu trừng trị bọn chúng và bọn gia nhân
phản bội. Chàng vượt qua thử thách của vợ về bí mật chiếc giường. Kết thúc thiên sử
thi là việc nữ thần A-tê-na đứng ra hoà giải tất cả những mâu thuẫn và xung đột. Gia
đình đoàn tụ, cuộc sống mới bắt đầu trên quê hương yêu dấu của chàng.
Hình tượng Uy-lit-xơ là biểu tượng về sức mạnh của trí tuệ, ý chí, nghị lực của
con người Hi Lạp. Sử thi Ô-đi-xê là bài ca lao động, hoà bình thể hiện cuộc sống và
mơ ước của người Hi Lạp cổ đại trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, mở đất,
khám phá biển cả, xây dựng hạnh phúc gia đình…