Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Tài liệu Thăm thành quách ở Nhật Bản pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (122.78 KB, 8 trang )

Thăm thành quách ở
Nhật Bản



Nhật Bản có nhiều thành quách. Thành quách là lịch sử và là vẻ
đẹp của đất nước Nhật Bản. Thành quách đã trở thành biểu
tượng của các địa phương và những người sống quanh chúng;
cũng chính vì thế thành quách chiếm một chỗ đứng đặc biệt trong
trái tim người Nhật.
Vào thời chiến quốc, giữa thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 16, các xứ quân
tranh giành quyền bính đều xây thành trong vùng cai trị của mình.

Thành Azuchi của tướng quân Oda Nobunaga và thành Osaka của
tướng quân Toyotomi Hideyoshi được xây dựng thật hùng vĩ thời này,
đã trở thành mẫu mực cho các thành quách được xây dựng về sau.

Thành quách xây dựng thời chiến quốc và vào thời Edo sau thường có
một tháp chính nhiều tầng gọi là Thiên thủ các (Tenshukaku), làm
tháp canh và sở chỉ huy khi lâm trận, về sau trở thành biểu tượng
quyền bính của vị chủ thành. Vách bên ngoài tháp được đắp vữa
chống lửa, mầu vữa tạo vẻ đẹp hấp dẫn.

Tường thành có các lỗ châu mai hình tròn, vuông hoặc tam giác để
bắn súng hoặc phóng lao vào kẻ tấn công.

Cổng thành và lối đi trong thành được bố trí như trận đồ bát quái,
không cho kẻ thù có thể tiến vào thành theo một đường thẳng dễ
dàng.

Mọi thứ, ngay cả mỗi gốc cây cũng là những vị trí có ý đồ phòng thủ.


Khu vực chung quanh tháp chính là bản doanh (honmaru) là nơi quan
trọng nhất trong thành. Khu nhị doanh và tam doanh thường được bố
trí như hình xoáy trôn ốc, cùng với tây doanh là nơi ở của vị chủ
tướng cùng gia đình, thân nhân của họ. Quanh thành có hào nước,
vững chắc hơn bởi những bức tường nền đá, lũy cao chặn giữa các
doanh và lối đi.

Tường thành có phần gốc xây bằng đá, càng lên cao tường thành càng
dốc, đoạn trên cùng gần như thẳng đứng, ngăn chặn quân địch càng
hữu hiệu. Các hào nước có khi được dẫn nước sông vào, vừa ngăn
quân địch vừa là đường tuần soát ngoài thành.

Bước vào thế kỷ 17, Nhật Bản bắt đầu một thời đại hòa bình kéo dài
270 năm, thành quách xây không thiên về công dụng phòng vệ, kiến
trúc mỹ lệ của chúng tượng trưng cho tinh thần võ sĩ và danh tiếng
của địa phương.

Thành Himeji ở miền tây Nhật Bản thuộc loại thứ ba. Thành xây trên
ngọn đồi Hime-yama nằm giữa một cánh đồng. Thành Himeji là thành
lớn nhất còn nguyên vẹn tại Nhật Bản, cũng là thành đẹp nhất của
nước này, được đăng ký là Di sản văn hóa thế giới.

Ðến Nhật Bản không thể không đến thăm thành cũ Edo, nay là hoàng
cung, tọa lạc ngay trung tâm Thủ đô Tokyo. Nơi đây từ năm 1457,
Ota Dokan cho xây một pháo đài. Tokugawa Ieyasu sau khi thiết lập
chế độ Mạc Phủ vào năm 1603 đã cho mở rộng pháo đài, biến nó
thành một ngôi thành rộng lớn.

Thành Edo là nơi ở của chúa Mạc Phủ và là trung tâm quyền lực
chính trị ở Nhật Bản cho đến khi sụp đổ vào năm 1868 trong cuộc

canh tân Minh Trị.

Khuôn viên thành Edo rộng tới cả triệu mét vuông và được coi là
thành rộng nhất trên thế giới. Khi Nhật hoàng Minh Trị dời đô từ
Kyoto đến thì nơi đây trở thành hoàng cung.

Ngày nay, một phần của doanh chính, doanh thứ hai và thứ ba được
mở cửa cho công chúng vào thăm quan, là nơi vui chơi, nghỉ ngơi thư
giãn của dân Tokyo và khách đến từ mọi miền nước Nhật.

Nhật Bản có đến hơn ba trăm thành quách, nhưng người ta điểm có 24
cổ thành đẹp nhất, nằm rải rác ở khắp nước.

Trải qua mấy trăm năm lịch sử, trên một đất nước giữa biển khơi với
nhiều trận động đất, nhiều vụ hỏa hoạn khiến cho nhiều thành quách
bị thiêu hủy, bị san bằng không chỉ một lần. Ví như thành Osaka ở
tỉnh Osaka được Toyotomi xây dựng năm 1585, với đội thợ hai, ba
chục nghìn người làm cật sức suốt hai năm trời mới hoàn thành thì
năm 1615 bị đốt cháy khi Toyotomi bị lật đổ; được xây dựng lại
nhưng đến 1665 tháp chính một lần nữa bị thiêu. Những gì còn lại đến
1868 cũng bị thiêu rụi. Tháp chính thành Osaka hiện nay được xây lại
vào năm 1931 bằng bê-tông cốt thép.

Chiến tranh thế giới lần thứ hai, một lần nữa san bằng nhiều thành
quách của Nhật Bản. Sau chiến tranh nhân dân các địa phương thúc
giục chính quyền và xin xây lại các thành bị đổ nát.

Việc xây dựng lại ngọn tháp chính của thành Kakegawa là một điển
hình. Ngọn tháp chính ban đầu được xây dựng vào triều đại Azuchi -
Momoyama (1568 - 1600) đã bị chiến tranh phá sập, người dân lên

tiếng xin xây dựng lại. Bà Shiraki tâm thành hiến tặng 500 triệu yên
mong được sử dụng cho thành phố quê hương.

Hội đồng thành phố coi đây là cơ hội thỏa mãn nhu cầu của nhân dân
xây lại tòa tháp chính của khu thành cổ, vận động dân góp thêm được
250 triệu yên nữa, số còn lại ngân sách địa phương đài thọ, và việc
xây dựng tòa tháp đã hoàn thành với chi phí lên tới 1,1 tỷ yên. Một
đội tình nguyện viên người địa phương được thành lập để chăm sóc,
quản lý, mở cửa hướng dẫn cho du khách.

Ở Nhật Bản thành phố nào có thành quách đều là một lợi thế cho
ngành du lịch. Những khu phố cổ nằm quanh các tường thành được
bảo tồn, tôn tạo và làm cho hấp dẫn thêm lên.

Người dân Nhật muốn tôn tạo, phục dựng lại những thành quách đã
đổ nát trong quá khứ chiến tranh hay thiên tai, động đất, dù thành xưa
chỉ còn lại một móng tường hay một con hào.

Họ yêu quý, trân trọng những thành quách cũ, cũng muốn xây thêm
những "thành quách" mới có kiến trúc hiện đại như trụ sở cơ quan,
biệt thự, nhà hàng cũng được xây dựng theo kiểu thành quách xưa.

Hình mẫu nhiều thành quách được đúc thành quà lưu niệm, được thể
hiện trên tem bưu chính, trên các tờ lịch, trên bản đồ nhiều thành phố
của Nhật Bản.

Các thành quách trên đất Nhật ngày nay luôn là những điểm du lịch
hấp dẫn. Người ta đến thăm thành quách để thưởng thức nét đẹp của
các công trình kiến trúc, tìm hiểu kiến thức và kỹ thuật của người
xưa.


Mỗi ngôi thành đều ẩn chứa một quá khứ hào hùng hoặc là một thảm
kịch tang thương. Cảnh cũ cũng làm sống lại trong người xem hình
ảnh những chiến trường thời trung cổ và cận đại cũng như những
người thợ đã làm nên những thành quách này. Cảnh xưa vẫn đem lại
một cảm giác thích thú cho tất cả những người đến thăm.

×