HƯỚNG DẪN CÀI ĐẶT MAC OSX TRÊN PC
TOÀN TẬP.
Source : voz.vn
Phần 1: Lịch sử và nguyên nhân
I/ Giới thiệu về Mac OS X
Lịch sử Mac OS:
Mac OS (viết tắt của Macintosh Operating System) là hệ điều hành có giao diện cửa sổ và
được phát triển bởi công ty Apple Computer cho các máy tính Apple Macintosh. Phiên bản
đầu tiên ra đời năm 1984. Thật ra ban đầu Mac OS cũng chả có tên, chỉ mang cái tiếng là
phần mềm kèm theo máy Macintosh, thời năm 1984 người ta vẫn gọi nó là “System
software”.
Mac OS 1984
Ngay sau khi Mac OS ra mắt 1 năm, năm 1985 Windows danh tiếng của bác Bill ra đời.
Mang tiếng là hệ điều hành, Windows lúc bấy giờ vẫn chỉ là một add-on cho MS-DOS để có
thêm tí giao diện đồ họa, chạy theo trào lưu nhà nhà dùng GUI lúc bấy giờ. Tất nhiên,
Windows ra mắt vì mục đích cạnh tranh với Mac OS, và chiếm cứ kiến trúc x86 của Intel
trên các máy IBM compatible làm đại bản doanh của mình.
Sau hàng mấy chục năm phát triển và không ngừng đấu tranh, cho tới nay thì Mac OS đã bị
Windows vượt mặt xa lắc, tỉ lệ phần trăm thị trường lần lượt là 90% và 7% gì đó. Điều này
có được chủ yếu do phương pháp kinh doanh khác biệt của 2 hãng, chứ cũng không liên
quan nhiều đến việc Windows và Mac OS, ai tốt hơn ai.
Trở lại với Mac, máy Macintosh ban đầu sử dụng CPU Motorola 68000, cho tới khi Apple,
Moto và IBM chế ra kiến trúc PowerPC (Không phải Apple hâm tới mức vác PC vào người
đâu nhé, đó là viết tắt của “Performance Optimization With Enhanced RISC – Performance
Computing”, tên dài vãi đạn), thì Mac OS cũng chuyển qua hỗ trợ thêm kiến trúc này. 8.1 là
bản cuối cùng của Mac OS hỗ trợ 68000-class CPU. Sau này Intel x86 cũng nhảy vào chiếm
phần, và như chúng ta đã biết, Mac OS vừa đi qua một mốc lịch sử khác bằng việc từ bỏ hỗ
trợ PowerPC, bắt đầu với phiên bản Snow Leopard 10.6.
Mac OS X nói riêng:
Xét riêng bản Mac OS X, phiên bản Mac OS đầu tiên sử dụng chữ số la mã để đặt tên (trước
đó là Mac OS 9), đây là seri OS đã trải qua 6 phiên bản khác nhau của Apple. Đánh dấu sự
trở lại chói sáng của Steve Jobs, ông cũng mang theo vào Mac OS X những thành tựu có
được với Nextstep OS khi còn ở NeXT – công ty do chính ông sáng lập và sau được Apple
mua lại. Mac OS X là hệ điều hành BSD-based, sử dụng microkernel có tên Mach kernel.
Mac OS X mang trong mình nền tảng cốt lõi của Unix, đặc điểm mang lại cho nó tính ổn
định và bảo mật cao, cũng như nhiều khả năng ưu việt khác.
Từ trái qua phải: 10.0 (Cheetah) và 10.1 (Puma) dùng chung vỏ hộp, 10.2 (Jaguar), 10.3
(Panther), 10.4 (Tiger), 10.5 (Leopard), 10.6 (Snow Leopard).
Các phiên bản Mac OS X được đặt tên theo các con vật lớn họ nhà mèo (chủ yếu là các loại
báo – không phải newspaper). Phiên bản hiện tại 10.6 có tên Snow Leopard – Báo tuyết. Có
lẽ khi nào không còn loài nào họ mèo để đặt tên nữa thì Apple mới chuyển lên Mac OS XI
được.
Mac OS X desktop
Mac OS X còn mang trong nó một ý nghĩa lớn đối với cộng đồng hackintosh (những người
chuyên chọc phá tìm cách đem Mac sang chạy trên các nền tảng khác). Kể từ bản Tiger
10.4, Mac OS X chính thức thực hiện bước chuyển đổi sang sử dụng nền tảng Intel x86, có
nghĩa là hầu hết linh kiện phần cứng của một chiếc Macintosh đều giống y xì một chiếc PC
thứ thiệt. Điều này đem lại cơ hội lớn cùng nhiều thách thức cho việc cài đặt Mac OS X lên
một chiếc Intel PC (tất nhiên là rẻ hơn nhiều so với Macintosh tương đương). Đây cũng là
mục đích chính của loạt bài này.
II/ Khác biệt giữa Intel Mac và PC – OSX86 project ra đời
Khác biệt về hardware & firmware:
Nếu bỏ qua các thế hệ máy Macintosh sử dụng chip Motorola và PowerPC vì khác biệt kiến
trúc, thì máy Macintosh ra đời năm 2006 trở về sau, về cơ bản, có các thành phần và cấu trúc
giống hệt như một chiếc PC dùng CPU Intel phổ thông. Nói rằng về cơ bản giống nhau
không có nghĩa là không có khác biệt, cũng không có nghĩa là bạn có thể mua một chiếc
DVD Mac OS X để cài đặt lên PC ở nhà của mình. Và đây cũng là thời điểm OSX86
project ra đời.
Tiếp tục bỏ qua các thế hệ tiền bối đã từng nghiên cứu giả lập Mac trên PC, OSX86 project
ra đời với điều kiện khách quan và lực lượng hỗ trợ đông đảo hơn rất nhiều. Sự tương đồng
trong kiến trúc x86 đã giúp cho việc chạy OS X thực (run natively) trên PC thành hiện thực.
Nói về khác biệt giữa Intel Mac và PC, thật ra cũng không có nhiều. Chúng ta chủ yếu nói về
khác biệt phần cứng hoặc firmware, xử lý nó ổn thỏa là có thể san bằng khác biệt về phần
mềm.
Các khác biệt chủ yếu:
- Mac không thể chạy tất cả các thiết bị của PC: Máy Mac sử dụng các linh kiện giống
với PC, có điều không nhiều chủng loại và nhà sản xuất như PC. Điều này có nghĩa là Mac
OS X chỉ có sẵn driver cho một số thiết bị có device ID và vendor ID đặc thù. VD như
onboard Ethernet Realtek RTL8139 có mã IOPCIPrimaryMatch là 0×813910EC, có thể
chạy ngay khi cài đặt (run out-of-the-box) do driver có sẵn, nhưng các thế hệ Ethernet
Realtek khác thì không. Điều này dẫn đến việc chỉ một bộ phận PC có cấu hình hợp lý (ý ở
đây là giống với một máy Mac tương ứng, có thể là Macbook hay iMac, Mac Pro) có thể
chạy được Mac OS X mà thôi.
- Mac có những thiết bị có firmware riêng biệt: Đối với các thiết bị có firmware như
VGA, card Ethernet, và wireless card, Apple còn có thể đặt hàng một seri sản phẩm sản xuất
riêng cho mình, có firmware riêng biệt khác với thiết bị sử dụng trên PC. Điều này có thể
làm một số thiết bị, VD như Geforce GTX 285 trên PC không thể chạy trên Mac, do nó có
firmware khác với GTX 285 Mac edition.
- Mac sử dụng EFI: EFI được mệnh danh là hệ điều hành thu nhỏ trên mainboard. Đây là
một kĩ thuật mới do Intel phát triển nhằm giao tiếp tốt hơn với system firmware, EFI có
nhiều ưu thế vượt trội so với BIOS truyền thống. BIOS trên PC viết bằng assembly, trong
khi EFI viết bằng C. Một vài hệ thống như HP Itanium cũng đã chuyển sang sử dụng EFI từ
lâu. Trên PC đã phát triển thế hệ Unified EFI và tương lai các mainboard sẽ chuyển qua sử
dụng hệ thống EFI này. Trước đây từng có một mainboard MSI giới thiệu UEFI, MSI
P45D3 Platinum.
- Mac sử dụng bảng DSDT khác với PC: DSDT trên Mac chi là một bản không hoàn chỉnh
của DSDT trên PC. Do vậy việc patching DSDT là cần thiết để Mac OS X có thể giao tiếp
và hỗ trợ tốt các thiết bị trên PC.
- Mac sử dụng SMC khác với PC: firmware SMC (System Management Controller) trên
Mac giúp hệ điều hành điều khiển một vài tính năng phần cứng (chẳng hạn như đọc temp
CPU và điều chỉnh tốc độ quạt). SMC cũng tồn tại trên PC, nhưng hoàn toàn không giống
Mac.
- Mac sử dụng keyboard khác với PC: Đương nhiên trên bàn phím của Mac không thể có
nút Windows, và đồng thời có một số nút cũng không có trên bàn phím PC, như Command
và Option.
OSX86 Project:
OSX86 project là dự án mở (GNU Public License) của cộng đồng công nghệ toàn thế giới,
ra đời nhằm khắc phục những khác biệt trên, đem Mac OS X đến với thế giới x86 của PC.
OSX86 project bắt nguồn chủ yếu từ cộng đồng thành viên diễn đàn InsanelyMac. Rất nhiều
dự án nhỏ đã ra đời từ cộng đồng OSX86 này, thành tựu tiêu biểu phải kể đến Chameleon
bootloader, Voodoo group, 4500MHD opensource driver project…
Phần 2: Khác biệt giữa Mac và PC – Cách giải quyết
III/ Giới thiệu về EFI và DSDT, hệ thống driver trên Windows và kext trên Mac OS X
EFI là gì?
EFI là từ viết tắt của Extensible Firmware Interface, một bộ đặc tả giao thức phần mềm
chịu trách nhiệm giao tiếp giữa hệ điều hành (OS) và firmware hệ thống. Nói tới EFI thì quả
là lạ lẫm, nhưng nếu nói tới BIOS (Basic Input/Output System) thì chắc các bạn, nhất là
anh em tại vOz chẳng xa lạ gì. Và thật vui khi biết rằng, EFI và BIOS thực ra có thể coi là
huynh đệ của nhau.
BIOS chính xác cũng là một firmware interface, viết bằng assembly, có chức năng tự chạy
đầu tiên khi bật máy tính, nó thực hiện quá trình Power On-Self Test, kiểm tra các thiết bị và
rồi giao hết lại cho hệ điều hành (như Windows chẳng hạn). OS vẫn phải dựa vào BIOS để
liên lạc với một số thiết bị, chẳng hạn như pin trên laptop hoặc đọc một số thông số hệ
thống. Do việc phải thức khuya dậy sớm như vậy nên BIOS được đặc cách ngủ một phòng
riêng có tên là EPPROM ngay trong nhà mainboard. EFI thì khác, viết bằng C, đô con hơn,
mở rộng tốt hơn, phức tạp hơn và giống một hệ điều hành thu nhỏ hơn. EFI được phát triển
bởi Intel, tương lai sẽ là kẻ kế vị cho BIOS khi gã cao tuổi này về hưu.
Nhưng vì sao chúng ta phải nhắc đến EFI nhỉ? À, thật ra là vì Mac dùng EFI (hay đúng hơn
là một mô tả riêng từ chuẩn EFI ban đầu của Intel), chứ không phải BIOS như PC. Đây là
vấn đề gay go đầu tiên cho mộng ước hợp nhất của chúng ta. Ngoài việc nó khác nhau ra, thì
EFI còn nắm giữ nhiều thành phần quan trọng của một hệ điều hành mà không nhắc tới nó
không được: service, protocol, device driver, driver cho file system, disk support, và cả boot
manager.
Ngày xưa, dân OSX86 ta đơn giản bỏ qua EFI vì nó phức tạp và khó nhai quá, trực tiếp sửa
đổi kernel của Mac OS X cho nó chạy trên PC là xong. Nhưng sự thực thì sau đó không ít
phiền toái kéo tới. Các kext (kernel extension) chuẩn không chạy được với kernel sửa đồi,
rồi thì mỗi lần Apple tung gói update mới lại phải hì hụi sửa lại cái kernel. Sau này phương
pháp giả lập EFI thông qua bootloader được đưa ra bởi các bác hacker Nga khét tiếng
(Netkas), giúp cho dân đen chúng ta tránh được rất nhiều phiền phức.
Về thiết bị phần cứng, có một thiết bị gọi là EFI-X được bày bán, cắm vào máy là chạy EFI
được ngay. Đáng tiếc công ty sản xuất thiết bị hay ho này về sau bị pháp luật tóm gáy, và
vậy là OSX86 cho ra đời phương pháp giả lập EFI khác có tên Boot-132, hoạt động y chang
thiết bị kia (đúng hơn thì Boot-132 có trước và EFI-X bắt chước mà thôi). Chúng ta sẽ sử
dụng phương pháp giả lập Boot-132 này trong phần 3 của loạt bài.
DSDT là gì?
Thêm một thuật ngữ khó nhằn khác cần được giải thích, rất may là phần DSDT này cũng
ngắn mà thôi.
DSDT (Differentiated System Description Table) là một bảng quan trọng trong đặc tả
ACPI, compiled dưới dạng file .aml (ACPI Machine Language), cung cấp thông tin cho hệ
điều hành về một số thiết bi bên dưới. Thiếu hoặc sai bảng DSDT thường dẫn đến những
trục trặc như không thể sleep, quạt không điều chỉnh tốc độ được, màn hình không tắt khi
đóng laptop (close lid), v v Vấn đề là đa số PC đều được sản xuất với DSDT đặc tả cho
Windows, vì vậy ngay cả Linux đôi khi cũng phải sửa đổi DSDT để có thể hoạt động trơn
tru. Mac thì như chúng ta đã biết, đỏng đảnh hơn nhiều chứ đâu bình dân như Linux, vì vậy
Mac sử dụng hẳn một bảng DSDT khác (đúng hơn là một subset không hoàn chỉnh) với
DSDT của đặc tả ACPI trên PC.
s
Việc thay đổi DSDT thường được thực hiện như sau: trích xuất DSDT từ ACPI trên
mainboard -> patching & modifying DSDT -> chỉ dẫn bootloader sử dụng DSDT mới này
thay vì DSDT nguyên gốc trong BIOS (tránh việc ghi đè lại DSDT của hệ thống). Công việc
patching khó khăn này giờ đã được đảm nhận bởi những công cụ với giao diện đồ họa, sử
dụng hết sức đơn giản.
Hệ thống driver trên Windows và kernel extensions trên Mac:
Do sử dụng 2 trường phái kernel khác nhau, Windows với monolithic kernel (vâng, “thiết
kế nguyên khối” y như quảng cáo Sony Bravia gần đây) còn Mac sử dụng microkernel nên
2 hệ điều hành này cũng có hệ thống driver cho thiết bị khác nhau. Bản chất các file .kext
(kernel extension) cũng giống với device driver trên Windows, giúp mở rộng khả năng của
nhân hệ điều hành, điều khiển và tích hợp các thiết bị phần cứng khác của máy tính.
Vậy điều khác biệt ở đây là gì? Driver Windows được các hãng sản xuất thiết bị viết ra theo
một chuẩn chung (nói nôm na là driver interface) do Microsoft ban hành, và Microsoft
không can thiệp gì vào quá trình viết driver này. Ví dụ như driver wireless card nào cũng
phải tuân theo nguyên tắc chung: capture broadcast SSID, signal strength, encryption
method, etc rồi trả về cho Windows. Các tính năng đặc trưng của mỗi NSX tính sau. Chính
nhờ hệ thống driver interface này mà Windows có thể kết nối với vô số thiết bị, miễn là NSX
viết driver theo đúng chuẩn của Microsoft. Microsoft không phải và không cần can thiệp vào
quá trình viết driver, chỉ việc ngồi đóng dấu chứng chỉ WHQL là xong. Các NSX cũng
không phải ngồi chầu chực đợi nói chuyện với Microsoft về vấn đề viết driver như thế nào,
chỉ việc viết xong đem test WHQL là xong. Do vậy số thiết bị được sản xuất cho PC (một
nền tảng mở) và tương thích với Windows (driver interface mở) là nhiều hơn rất nhiều so
với Mac.
Về phần Apple, ngược lại, do sử dụng microkernel và không thiết lập chuẩn chung cho
driver, Mac OS lại mang tính chất proprietary (sở hữu riêng, mã đóng), nên các thiết bị sử
dụng cho Mac OS phải được Apple và NSX cùng nhau viết driver. Thêm một quy định khác
của Apple là Mac OS chỉ chạy trên máy Macintosh, vì vậy kext của các thiết bị được tích
hợp sẵn vào Mac OS luôn cho tiện, chứ ít được phân phối bởi NSX thiết bị như trên
Windows.
Các kext của Mac OS X nằm trong thư mục /System/Library/Extensions/ (đường dẫn
Unix), cách cài đặt và gỡ bỏ “driver” này cũng hết sức đơn giản, chúng ta sẽ nói thêm ở
phần 3 của bài.
IV/ Giới thiệu Chameleon – bootloader cho Mac OS X
Bootloader là gì?
Bootloader, hiểu đơn giản, là một đoạn mã chỉ dẫn nằm ở phần Master Boot Record (đối
với MBR disk) hoặc EFI parition (đối với GPT disk). Sau khi BIOS giao lại quyền boot hệ
thống cho đĩa cứng, đây là đoạn mã được chạy đầu tiên để từ đó dò tìm file boot của hệ điều
hành tương ứng. Do mỗi hệ điều hành có file boot đặc trưng nên bootloader của mỗi OS
cũng sẽ khác nhau. Windows NT sử dụng file ntldr, Vista và 7 sử dụng bootmgr. Trong các
hệ thống có nhiều OS, bootloader còn kiêm luôn chức năng hiển thị menu lựa chọn và boot
vào OS tương ứng.
Chameleon là gì?
Do Mac OS X sử dụng file system thuộc dạng “nông thôn miền núi” mang tên HFS+ (kiểu
như NTFS trên Windows), gần như chẳng có bootloader thông dụng nào có thể đọc được
phân vùng của nó. Trên nguyên bản Macintosh thì bootloader cho Mac OS X nằm trong
chính EFI, trong đó tích hợp cả driver read-only cho file system HFS+ và nhiều thứ linh tinh
khác. Không chấp nhận bó tay với chiêu này của Apple, cộng đồng OSX86 nổi lên một vị
anh hùng tài năng cái thế tên là Voodoo team. Ngoài việc viết driver sound card, driver cho
keyboard và trackpad linh tinh, thì đóng góp lớn nhất của Voodoo team chính
là Chameleon – bootloader đa năng có khả năng đọc được HFS+ của Mac OS X. Từ đây,
khả năng multi-boot Mac OS X cùng nhiều hệ điều hành khác đã trở thành hiện thực.
V/ Cách kiểm tra thông số phần cứng – device ID & vendor ID. So sánh compatibility
list
Device ID và Vendor ID:
Có lẽ nhiều bạn đã gục ngã trên bàn phím sau mớ lý thuyết lòng thòng phía trên, và để đổi
gió trước khi bước qua phần cài đặt chính thức, chúng ta hãy cùng thử tìm hiểu kĩ hơn về
những thiết bị phần cứng mình đang sử dụng.
Việc cài đặt Mac OS X và tìm kiếm driver cho các thiết bị là một công việc khá gian khổ,
đồng thời tốn không ít thời gian, do vậy các bạn cần có sự chuẩn bị thật tốt trước khi bắt tay
vào quậy phá. Đầu tiên cần phải kể đến phải là thông số chi tiết của các thiết bị phần cứng
trên máy PC của bạn. Đối với Windows, để tìm kiếm driver có lẽ quá dễ với một cái tên
chung chung kiểu Intel X3100 GMA, sound card onboard Realtek, v v nhưng đối với Mac
OS X, mọi việc không đơn giản như vậy. Bạn cần xác định rõ devce ID và vendor ID của
thiết bị, chẳng hạn riêng GMA 950 của Intel đã có tới 3 device ID khác nhau: 27AE, 27A2,
2702. Việc xác định này cũng hết sức đơn giản: Mở device manager, tìm tới properties của
thiết bị cần tìm và copy lại dòng hardware Ids là xong.
Các thiết bị cần được xác định rõ là: VGA, audio chip, network card, wireless card,
SATA/IDE controller, chipset series, các thiết bị phụ kiện khác.
Đây là thông tin VGA 4500MHD của Intel (vendor ID 8086 – device ID 2A42).
Các bạn chú ý đây là sound HDMI (có vendor ID 8086 của Intel) chứ không phải sound chip
trên máy.
Đây mới là sound chip Conexant High Definition Audio-Venice 5051.
Các bạn sau khi có device ID và vendor ID có thể lên tra tên thiết bị ở PCIDatabase.
Compatibility list:
Cũng như Windows, cộng đồng OSX86 đã xây dựng một database Hardware Compatibility
List, ghi rõ các thiết bị tương thích với Mac OS X và cách cài đặt cũng như giải quyết sự cố.
Trước khi tiến hành cài đặt, các bạn nên tham khảo qua danh sách này để biết “vận may” của
mình đến đâu. Trang wiki của OSX86 và HCL có tại:
Phần 3: Cài đặt Mac OS X
VI/ Giới thiệu hệ thống thử nghiệm – thành phần và lý do sử dụng
Nhắc lại 1 tí về phần trước: Do giới hạn phần cứng của những chiếc Macintosh, chỉ một số
lượng PC nhất định có cấu hình hợp lý (có thành phần giống với một chiếc Macintosh tương
ứng) mới có khả năng cài đặt và chạy được Mac OS X trơn tru. Đừng buồn nếu chiếc PC của
bạn không nằm trong số ít đó, vì ít ra bạn cũng đã hiểu thêm về thế giới Macintosh bí ẩn. Và
nếu tình yêu dành cho Mac đủ lớn, bạn cũng biết được có thể thay thế thành phần nào trong
chiếc PC của mình để “rước nàng về dinh”.
Hiện nay desktop PC sử dụng socket LGA775 chiếm số lượng khá lớn trên thị trường, do
vậy chúng tôi chọn hệ thống thử nghiệm bao gồm mainboard LGA775 và một CPU Core 2
Duo.
Qua kinh nghiệm cài đặt Mac OS X trên khá nhiều mainboard khác nhau, chúng tôi nhận
thấy mainboard Gigabyte hỗ trợ khá tốt cho Mac OS X. Từ việc sử dụng các linh kiện thành
phần thuộc các hãng OEM nổi tiếng (Ethernet và sound onboard Realtek), cho tới việc BIOS
được viết có độ tương thích cao với các chuẩn chung, mainboard Gigabyte ít khi phải can
thiệp sâu vào bảng DSDT, cũng như tìm kiếm driver (của Mac OS X) cho các giao tiếp kết
nối khá dễ dàng. Ngoài ra các mainboard Gigabyte còn có được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng
đồng OSX86 do số lượng người dùng cài đặt thành công rất cao, không ít trường hợp có thể
chạy ngay mà không can thiệp gì (run out-of-the-box).
Cấu hình thử nghiệm của chúng tôi bao gồm:
Mainboard: Gigabyte EP45-UD3L – socket 775 chipset P45.
CPU: Core 2 Duo 7400 2.8GHz.
RAM: 2×2GB DRR2 800MHz.
VGA: Gigabyte GeForce 9600GT.
VII/ Đồ nghề chuẩn bị
Liệt kê và download:
Do sử dụng phương pháp boot-132 để khởi tạo môi trường cho Mac, chúng ta cần đĩa cài đặt
retail của Mac OS X và một đĩa boot khởi tạo.
Đĩa boot khởi tạo môi trường EFI: Empire EFI 1.085 hoặc 1.085 R2 (download tại đây –
chọn phiên bản thích hợp cho PC của mình).
Đĩa retail Mac OS X phiên bản Snow Leopard 10.6.3 (mới nhất hiện nay). Các bạn có thể
mua từ các cửa hàng Apple với giá 29$, hoặc download tại đây. Do có dung lượng gần
7GB nên chúng ta cần một đĩa DVD+R double-layer.
Bootloader: Chameleon 2 RC4. Download tại đây.
DSDT Patcher GUI. Download tại đây.
OSX86 Tools Utility. Download tại đây.
Voodoo HDA kexts. Download tại đây.
Boot screen gốc hoặc theme cho Chameleon để làm đẹp. Tham khảo tại đây.
VIII/ Giới thiệu các bước cài đặt
1. Thiết lập lại BIOS.
2. Khởi động với đĩa giả lập EFI.
3. Boot đĩa retail Mac OS X.
4. Chia và format phân vùng Mac OS X.
5. Cài đặt và khởi động vào Mac OS X lần đầu.
6. Cài đặt bootloader, kext cơ bản.
7. Cài đặt các thiết bị.
Đầu tiên chúng ta giải quyết nhanh 3 bước đầu.
1. Thiết lập lại BIOS: chúng ta cần thiết lập BIOS sao cho giống nhất với một chiếc
Macintosh.
Đầu tiên là disable floppy disk.
Tiếp theo tạm thời tắt C1E/C2E/C4E gì đó của CPU đi (có thể gây rắc rối khi boot), về sau
cài đặt kext đầy đủ chúng ta sẽ bật lại.
Mac chỉ sử dụng AHCI nên chúng ta cũng chuyển qua thiết lập này cho các cổng SATA.
Tiện thể enable USB support cho keyboard và mouse. Mac không hỗ trợ cổng PS/2 trên PC
nên tốt nhất là keyboard và mouse sử dụng USB. Nếu không chúng ta cũng có thể cài đặt
kext cho PS/2 keyboard/mouse.
Bật HPET (High Precision Event Timer) nếu có và chuyển về chế độ 32bit. Nếu bạn dự định
chạy kernel của Mac ở mode 64bit thì chuyển HPET sang 64bit.
2. Khởi động với đĩa giả lập EFI.
Tiếp theo bỏ đĩa EFI vào và boot tới khi xuất hiện màn hình như trong hình. Bạn có thể sử
dụng các bản EFI khác nhau, như với mainboard P55 có thể sử dụng bản của tonymacx86.
Bài viết này tôi sử dụng Empire EFI, đây là bản EFI nổi tiếng nhất và có đầy đủ các phiên
bản support cho các hệ PC khác nhau, bao gồm cả P55 và ATI VGA và một số dòng CPU &
chipset AMD cũ.
3. Boot đĩa retail Mac OS X.
Tiếp theo lấy đĩa EFI ra, bỏ đĩa Mac OS X retail vào, đợi khoảng 20s (quan trọng) và nhấn
F5. Khi đĩa Mac OS X Install DVD xuất hiện trong menu thì chọn boot.