Nghệ thuật lãnh đạo theo nguyên tắc
Từ lâu, tôi đã ủng hộ lối tiếp cận tự nhiên, dần dần, hàng ngày, từng bước và tuần
tự đối với việc phát triển cá nhân.
Cảm giác của tôi là bất cứ sản phẩm, chương trình nào - dù nhằm giảm cân hay rèn
luyện các kỹ năng - hứa hẹn đạt kết quả “nhanh chóng, thoải mái, tức thời và dễ
dàng” có lẽ đều không dựa vào các nguyên tắc đúng đắn. Tuy nhiên, hầu như mọi
chương trình quảng cáo đều sử dụng cụm từ này nhằm lôi kéo khách hàng. Thật
ngạc nhiên là nhiều người lại thích lối tiếp cận “đốt cháy giai đoạn” đến mức áp
dụng nó để phát triển bản thân.
Trong phần này, tôi cho rằng việc phát triển thực sự tính cách hay kỹ năng có mối
quan hệ không thể tách rời và bị chi phối bởi các quy luật tự nhiên và các nguyên
tắc - những khái niệm mà khi tuân thủ, chúng ta sẽ được tiếp sức mạnh để đoạn
tuyệt với quá khứ, để vượt qua các thói quen cũ, thay đổi các mô thức, đạt thành
tựu lớn lao và tính hiệu quả trong mối quan hệ với mọi người.
Tất nhiên chúng ta không thể tự cô lập và sống một mình trên hoang đảo. Chúng ta
được sinh ra trong gia đình, lớn lên trong xã hội, trở thành học sinh của trường này,
hội viên của tổ chức kia. Khi đi làm, công việc chuyên môn đòi hỏi chúng ta phải
tương tác thường xuyên và có hiệu quả với những người khác. Nếu chúng ta không
học hỏi và áp dụng các nguyên tắc về tính hiệu quả trong hoạt động tập thể, sự tiến
bộ của chúng ta sẽ chậm lại, thậm chí chấm dứt.
Do đó trong phần này, tôi cũng đề cập đến thái độ, kỹ năng, chiến lược để tạo ra và
duy trì các mối quan hệ tin cậy với người khác. Thật vậy, một khi chúng ta trở nên
tương đối độc lập thì chúng ta lại gặp phải thách thức là xây dựng mối quan hệ
tương thuộc với người khác sao cho hiệu quả. Để làm được điều này, chúng ta phải
tập cảm thông và đồng tâm hiệp lực trong nỗ lực trở thành người luôn chủ động và
hiệu quả.
Trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta thấy những đột phá có ý nghĩa nhất chính là
sự đoạn tuyệt với lối tư duy, khuôn mẫu và mô thức cũ. Lãnh đạo dựa vào nguyên
tắc là sự đột phá về mô thức - một lối tư duy mới giúp giải quyết các nghịch lý cổ
điển của cuộc sống hiện đại:
- Làm thế nào đạt được và duy trì sự cân bằng khôn ngoan và đổi mới giữa công
việc và gia đình, giữa các tham vọng cá nhân và nghề nghiệp - giữa tình thế khủng
hoảng và áp lực thường xuyên?
- Làm thế nào giữ vững tính đơn giản giữa bộn bề những sự phức tạp khủng khiếp?
- Làm thế nào duy trì ý thức định hướng trong thế giới hỗn mang ngày nay, nơi tấm
bản đồ chỉ đường được xác lập vững chắc (các chiến lược và kế hoạch) đã trở
thành vô dụng bởi những thay đổi nhanh chóng và không thể lường trước?
- Làm thế nào để nhìn vào điểm yếu của người khác với sự cảm thông và thấu hiểu,
thay vì lên án và tự biện bạch?
- Làm thế nào để thay thế định kiến (xu hướng đánh giá hay phán xét thiếu căn cứ
hoặc thiên vị con người nhằm mục đích chi phối hay điều khiển họ) bằng thái độ
kính trọng và khám phá nhằm thúc đẩy việc học hỏi, thành đạt và hoàn thiện trong
mỗi con người?
- Làm thế nào để được trao quyền (và trao quyền cho người khác) một cách tự tin
và bản lĩnh nhằm giải quyết vấn đề và nắm bắt các cơ hội – mà không mất vị thế?
- Làm thế nào khuyến khích khát vọng thay đổi và cải thiện mà không rơi vào tình
huống lợi bất cập hại?
- Làm thế nào để trở thành thành viên có những đóng góp tích cực cho đội ngũ,
trên tinh thần tôn trọng và đánh giá cao tính đa dạng và khác biệt?
- Chúng ta nên bắt đầu từ đâu và nạp lại năng lượng như thế nào để duy trì động
lực học hỏi, tăng trưởng và cải thiện?
Khi đọc phần này, bạn sẽ hiểu biết về những nguyên tắc cơ bản của việc lãnh đạo
bản thân hiệu quả. Hiểu biết mới này sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp bạn tự giải quyết
những vấn đề nói trên và cả những thách thức khác khó khăn hơn.
Lãnh đạo dựa vào nguyên tắc được thực hiện từ trong ra ngoài trên bốn cấp độ: 1)
cá nhân (mối quan hệ với chính tôi); 2) giữa các cá nhân (mối quan hệ và sự tương
tác với những người khác); 3) quản lý (trách nhiệm cùng với những người khác
hoàn thành công việc); 4) tổ chức (nhu cầu tổ chức con người – tuyển dụng, đào
tạo, trả lương, xây dựng đội ngũ, giải quyết vấn đề, thiết lập cấu trúc, chiến lược và
các hệ thống).
Mỗi cấp độ đều “cần nhưng không đủ”, ngụ ý chúng ta phải làm việc ở mọi cấp độ
trên cơ sở một số nguyên tắc chủ đạo. Trong phần này, tôi sẽ tập trung vào hai
nguyên tắc đầu tiên:
- Sự đáng tin cậy ở cấp độ cá nhân. Sự đáng tin cậy hình thành dựa trên tính cách,
tức là bạn là người như thế nào, và năng lực, tức là bạn có thể làm gì. Nếu bạn tin
tưởng tính cách, nhưng không tin tưởng năng lực của tôi, bạn sẽ vẫn không tín
nhiệm tôi. Nhiều người tốt, lương thiện dần dần đánh mất sự đáng tín nhiệm về
chuyên môn, bởi vì họ để bản thân “tụt hậu” ngay trong tổ chức của mình. Nếu
không có tính cách và năng lực, chúng ta sẽ không được xem là đáng tin cậy, từ đó
cũng sẽ không có cơ hội thể hiện sự khôn ngoan trong các lựa chọn và quyết định.
Nếu trình độ chuyên môn không được phát triển liên tục, thì mức độ tin cậy và tín
nhiệm, theo đó, cũng rất thấp.
- Niềm tin ở cấp độ giữa các cá nhân. Sự đáng tin cậy là cơ sở của niềm tin. Niềm
tin được ví như một thứ “tài khoản ngân hàng” về tình cảm giữa hai con người,
giúp họ cùng thành công. Nếu hai người tin tưởng nhau, dựa trên sự đáng tin cậy
của mỗi người, họ có thể giao tiếp thoải mái và rõ ràng, thấu hiểu, có sự đồng tâm
hiệp lực và xây dựng được mối quan hệ tương thuộc hiệu quả. Nếu một trong hai
người kém năng lực thì có thể khắc phục bằng cách học hỏi và phát triển. Nhưng
nếu một trong hai người có khiếm khuyết về tính cách, người ấy phải hứa ra và giữ
lời hứa về việc tăng cường an toàn nội tâm, nâng cao kỹ năng và xây dựng lại các
mối quan hệ tin cậy.
Niềm tin, hoặc thiếu niềm tin, là nguồn gốc của thành công hay thất bại trong các
mối quan hệ, cũng như trong hiệu quả kinh doanh, nghề nghiệp, giáo dục và chính
quyền.