Khám phá thiên nhiên Rào Thương
– hang Én
Trung tâm Du lịch Văn hóa và Sinh thái thuộc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong
Nha – Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vừa đưa vào hoạt động tuyến du
lịch mới khám phá thiên nhiên Rào Thương – hang Én dài 9km, xuất phát tại km37
đường Hồ Chí Minh (nhánh tây) và kết thúc tại km35 đường Hồ Chí Minh (nhánh
tây).
Từ km37 đường Hồ Chí Minh (nhánh tây), du khách sẽ đi bộ dưới cánh rừng nguyên sinh
trải dài đến ngút tầm mắt với nhiều cây gỗ lớn cao từ 30 đến 40m, đường kính đến vài
người ôm, ngắm nhìn nhiều loài động vật hoang dã như voọc chà vá, cầy mực, khỉ… Đi
hết chặng đường dài 4km này, du khách sẽ đến bản Đoòng của người Vân Kiều, thuộc
vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Bản có 6 hộ dân và 21 nhân khẩu.
Người dân bản Đoòng chủ yếu sống bằng nghề khai thác mật ong và làm nương rẫy. Bản
từng được đoàn thám hiểm Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh chọn là nơi dừng chân,
nghỉ ngơi trước khi phát hiện ra hang Én và hang Sơn Đoòng.
Rời bản Đoòng, du khách tiếp tục chinh phục chặng đường thứ hai dài gần 5km để đến
hang Én. Chặng này không còn nhiều đèo dốc hiểm trở mà thay vào đó là những cánh
rừng thưa, thảm cỏ dại đan xen những khóm rau tàu bay, chuối rừng cùng dòng suối Rào
Thương trong xanh, thơ mộng chảy uốn lượn, quanh co.
Rào Thương hay còn gọi là suối Đoòng, bắt nguồn từ đỉnh núi U Bò và một số khe suối
nhỏ trên dãy Trường Sơn. Dòng suối này không sâu, có nhiều bãi bồi. Nước suối mát
lạnh và rất trong, giúp du khách có thể quan sát những đàn cá bơi lội tung tăng. Hai bên
bờ suối là những rặng núi đá vôi nối tiếp nhau đan xen với những cánh rừng thưa trải dài
ngút tầm mắt. Du khách đi men theo dòng suối Rào Thương cho đến khi gặp vùng nước
lặn của suối (vị trí mà khi nước suối chảy đến đây thì đột ngột tụt xuống đất, không thấy
chảy nữa) là tới hang Én.
Hang có tên là Én vì nơi đây có nhiều chim én sinh sống. Hang Én đã trở nên quen thuộc
với người dân bản địa từ rất lâu bởi đây đã từng là nơi cư trú của tộc người Arem từ hàng
ngàn năm trước. Trước đây, khi người Arem vẫn còn sống tại hang Én, hàng năm, cứ vào
mùa én làm tổ, người Arem thường trèo lên vách đá và trần hang để bắt chim én non
làm thực phẩm. Bây giờ, tuy người Arem đã chuyển về định cư gần đường 20 Quyết
Thắng, nhưng cứ đến ngày rằm tháng năm âm lịch, họ lại trở về hang Én tổ chức lễ hội ăn
én để tạ ơn thần rừng, thần núi.
Hang Én được đoàn thám hiểm Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh phát hiện ra vào năm
1994. Hang Én được coi là một mẫu chuẩn của quá trình vận động vỏ trái đất từ cách đây
hàng trăm triệu năm, với chiều dài 1.645m, nhiều nơi trong hang rộng đến hơn 170m, nơi
cao nhất là 120m. Hang có 3 cửa, 1 cửa nằm ở lưng chừng núi, 2 cửa còn lại nằm ở chân
núi, trong đó có một cửa vào hướng đông nam và một cửa ra hướng tây bắc. Hai cửa
hang ở chân núi đều hướng theo dòng chảy của suối Rào Thương. Đây chính là đặc điểm
hiếm thấy so với nhiều hang động khác ở Việt Nam.
Cửa vào hướng đông nam của hang rộng gần 100m, được ngăn đôi bởi một trụ đá. Ngay
tại cửa hang có bãi trầm tích của đá cuội, đá sỏi tuyệt đẹp, rộng mênh mông. Xung quanh
cửa hang là rừng cây xanh mát, rất thích hợp cho việc cắm trại. Vào trong hang, du khách
sẽ thấy ba hồ nước được ngăn cách bởi những bãi bồi nhỏ và những dãy đá tảng xếp
chồng chất lên nhau. Trên trần hang, vách đá có nhiều thạch nhũ muôn hình vạn trạng và
đặc biệt là tổ chim én.
Dòng suối Rào Thương tiếp tục chảy quanh co, uốn lượn theo hình chữ S, vượt qua
những bãi bồi thấp, những kẽ đá, lúc ẩn lúc hiện trong hang Én. Từng đụn thạch nhũ đủ
hình dáng, màu sắc nằm rải rác khắp nơi. Trong hang còn có một hố sụt trầm tích hình
vòng tròn khiến ánh sáng rọi xuống hang làm cho khung cảnh càng thêm tráng lệ.
Cửa ra hướng tây bắc của hang Én hiện ra sau khi du khách đi qua hố sụt trầm tích. Cửa
có hình quả trám, cao 83m và rộng 35m. Tại đây, du khách có thể ngắm nhìn những đàn
én đang chao lượn trên trần hang hay phía ngoài cửa hang. Phóng tầm mắt ra xa, du
khách có thể chiêm ngưỡng cảnh núi rừng Phong Nha bao la, hùng vĩ.
Với vẻ đẹp đặc biệt, ảnh chụp cửa ra hang Én của nhiếp ảnh gia Cashen Peter người Mỹ
đã được tạp chí National Geographic (Hoa Kỳ) bình chọn là một trong những bức
ảnh thiên nhiên đẹp nhất tháng 3/2011.
Tiếp tục đi theo suối Rào Thương, du khách sẽ đến km35 của đường Hồ Chí Minh, kết
thúc hành trình tham quan.
Ngoài vẻ đẹp kỳ vĩ, tráng lệ, theo các chuyên gia địa chất, địa mạo, hang Én còn đóng vai
trò lớn đối với việc thoát lũ cho thung lũng Đoòng. Việc đưa vào khai thác tuyến du lịch
mới Rào Thương – hang Én sẽ giúp du khách có dịp được tận hưởng “bản hợp ca” trữ
tình lãng mạn suối Rào Thương – hang Én, đồng thời khám phá khung cảnh thiên nhiên
hùng vĩ Phong Nha – Kẻ Bàng.