NHÀ SƯU TẬP MỸ THUẬT ĐỨC MINH
Nhà tư sản Đức Minh (Bùi Đình Thản) đã nhanh chóng hoà hợp trở thành bạn
vong niên của một số hoạ sĩ ngay từ khi họ mới ở chiến khu về: Nguyễn Sáng,
Nguyễn Tư nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Sĩ Ngọc, nhạc sĩ Văn Cao.
Khu biệt thự ba tầng ở 53 phố Quang Trung Hà Nội nhìn ra Hồ Thiền Quang vừa
là tư gia vừa là một Gallery đầu tiên của Hà Nội, Gallery Đức Minh. Nơi ấy luôn
mở cửa đón bạn bốn phương. Chủ nhà Đức Minh là một người đôn hậu, vui tính,
mến khách, ông không hề tiếc bạn một điều gì bởi vậy ông trở thành một người
bạn lớn của Bảo tàng mỹ thuật ngay từ những ngày đầu thành lập
Hệ thống trưng bày tại Bảo tàng mỹ thuật theo lịch trình biến thiên của lịch sử
phần tác phẩm cận đại (giai đoạn 1930 - 1945) rất hiếm, bởi thế tôi mới có cơ hội
được đến Gallery Đức Minh mượn tranh về trưng bày tại phòng Cận đại. Quãng
thời gian từ ngày 24-8 đến 1-9 năm 1964 chúng tôi gồm ba người: Lê Vượng
(nhiếp ảnh) Phạm Đản và tôi (nghiên cứu tư liệu) đã đến ông Đức Minh chụp ảnh
và ghi chép. Đã qua 40 năm tôi vẫn nhớ như in phòng khách lớn nơi chúng tôi ngồi
đàm đạo nghệ thuật, chụp ảnh, ghi chép. Chính giữa nhà là bộ sa lon da, trên tường
treo một tranh sơn mài lớn của hoạ sĩ Hoàng Tích Chù Bác Hồ với thiếu nhi hai
bên là tranh Kim Kiều của Vũ Cao Đàm, Kiều và Giác Duyên của Lê Thị Lựu.
Một tủ lớn kê dưới ba tranh trên, trong tủ tất nhiên là có nhiều rượu ngon, trên tủ
bày Thạp gốm hoa nâu đời Trần và âu men ngọc đời Lý. Một bình đời Tống rất
đẹp được đặt trong tủ kính nhỏ, góc nhà đặt các tượng Em bé cài lược của Vũ Cao
Đàm, Bất khuất của Nguyễn Viết Lý, Thiếu phụ của Diệp Minh Châu, Anh hùng
Lê Minh Đức của Văn Hoè.
Tôi cũng nhớ vị trí của tác phẩm ông Đức Minh cho Bảo tàng mượn treo tại phòng
Cận đại trong ngày khai mạc Bảo tàng 26 - 6 -1966 : Thiếu nữ đọc sách (Lương
Xuân Nhị - Sơn dầu) Em bé con nhà thuyền chài (Nguyễn Huyến - phấn màu),
Cảnh Vân Nam (Lê Phổ - Sơn dầu) Thiếu nữ bên hoa loa kèn (Tô Ngọc Vân - Sơn
dầu) Chơi Ô ăn quan (Nguyễn Phan Chánh - Lụa) Thiếu phụ bồng con (Lê Văn Đệ
- Lụa) Thiếu nữ Quảng Châu (Nguyễn Tường Lân- Bột màu) Bến Hồng Quảng
(Nguyễn Gia Trí - Sơn dầu). Đó là những tác phẩm rất quý trong bộ sưu tập Đức
Minh. Sau ngày khai mạc, để bảo đảm an toàn cho tác phẩm của sưu tập Đức
Minh. Bảo tàng đã gửi trả lại chủ nhân vì lúc đó Hà Nội bước vào cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước, một số tranh quý của Bảo tàng cũng đưa đi sơ tán,
phòng tranh cận hiện đại tạm thời đóng cửa, thay bằng các ảnh chụp.
Bộ sưu tập của Gallery Đức Minh luôn luôn được bổ sung ngay cả lúc bom rơi đạn
lạc. ở thời điểm 1964 sưu tập có khoảng 120 tác phẩm phần lớn là của tác giả thuộc
Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Việt Nam và rất nhiều tranh của Bùi Xuân Phái khi
Phái vẽ ở giai đoạn “Nâu” những phố cổ Hà Nội xiêu vẹo, mốc thếch vì thời gian.
Tĩnh vật bình, vò, lọ cổ và thiếu nữ khoả thân. Phái cũng vẽ chân dung ông bà Đức
Minh, các con trai, gái và các cụ thân sinh ông Đức Minh.
Năm 1967 giới mỹ thuật thủ đô sôi động hẳn lên vì triển lãm Mùa xuân 67 tổ chức
trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật, có nhiều tác phẩm gây ồn ào dư luận: Hào - Sơn
dầu của Dương Bích Liên, Năm cô du kích Hàm Rồng- Sơn dầu của Nguyễn Tiến
Chung, Mùa Gặt- Sơn mài của Nguyễn Tiến Chung, Cảnh Sài Sơn- sơn dầu của
Nguyễn Tiến Chung , Tuần tra của Bùi Xuân Phái - Sơn dầu Các tác phẩm Năm
cô du kích Hàm Rồng , Mùa gặt , Chim gáy, Cảnh Sài Sơn sau này đã thuộc về sưu
tập Đức Minh. Tuy có nhiều tranh quí ông vẫn kỹ càng trong tuyển chọn sưu tập.
Có một lần ông tìm thấy một tranh giấy vẽ cô gái Thái không có chữ ký nghi là của
Tô Ngọc Vân. Ông tìm tôi cùng nhau xem xét tỉ mỷ, phân tích trao đổi như một
nhà nghiên cứu mỹ thuật thực thụ.
Ông Đức Minh là một nhà chơi tranh sành sỏi, cái quí hơn là ông có đầu óc hệ
thống các thông tin về những tác phẩm sở hữu của mình. Ông cắt dán những bài
báo về mỹ thuật, ghi chép những ý kiến nhận xét. Chính ông đã cho tôi biết số
phận những bức tranh lụa đầu tiên của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh khi ông hiệu
trưởng Victor Tardieu gửi sang Pháp dự đấu xảo năm 1931 làm say mê lòng người.
Ba bức Rửa rau cầu ao, Em cho chim ăn, Lên đồng thuộc sưu tập của các ông
Montel, Marax và Pierre Massé, bức thứ tư Chơi ô ăn quan thuộc về ông nhân
chuyến ông qua Pháp sưu tầm được. Ông cũng kể rằng sau triển lãm Sa lon Unique
1943 một số tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân ông cũng tìm thấy tại Hà Nội như
Thiếu nữ bên hoa loa kèn- sơn dầu, Thiếu nữ bên tràng kỷ- Sơn dầu. Tiếc rằng đến
thời điểm này hai tranh quý nhất trong sưu tập Đức Minh đã không còn ở trong
nước Việt Nam: Chơi Ô ăn quan và Thiếu nữ bên hoa loa kèn.
Năm 1983 Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề tác phẩm của
các nhà sưu tập ở Hà Nội: Tô Ninh, Nguyễn Văn Lâm, Trần Thịnh, Nguyễn Bá
Đạm, Nguyễn Viết Châu. Lúc này gia đình ông Đức Minh đã chuyển vào TP. Hồ
Chí Minh nhưng tác phẩm vẫn để lại Hà Nội. Ông Đức Miên, người em ruột của
ông hứa sẽ liên hệ để mượn cho bảo tàng một số tác phẩm trong sưu tập Đức Minh.
Công việc đang tiến hành thì ngày 20 tháng 5 năm 1983 ông Đức Minh đột ngột
qua đời tại TP Hồ Chí Minh thọ 64 tuổi. Cũng từ đó mối liên hệ giữa bảo tàng và
Gallery Đức Minh chấm dứt, nhưng hình bóng những tác phẩm quý của sưu tập
này vẫn hiện diện ở hai trung tâm lớn tại TP Hồ Chí Minh là Gallery Đức Minh
của anh Bùi Quốc Chí (con trai ông) và ở Hà Nội thuộc sưu tập của anh Danh Anh,
người may mắn đã có được những tác phẩm rất có giá trị từ Gallery Đức Minh.
ở trong tay những chủ nhân mới rất có tâm với nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam,
sưu tập Đức Minh vẫn là một sưu tập sáng giá nhất của mỹ thuật Việt Nam trong
hiện tại và tương lai.