NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG SÁNG TẠO CỦA HỌA SĨ
TRẦN HAY
Năm 1960, rời Thành phố Lạng Sơn xinh đẹp, chàng thanh niên Trần Hay về Hà
Nội học trung cấp trường Mỹ thuật Công nghiệp với những ước mơ thuở ban đầu
là trở thành hoạ sĩ.
Năm 1963 tốt nghiệp ra trường, anh được điều về ty văn hoá Nghệ An công tác.
Trần Hay sống và làm việc tại Thành Phố Vinh. Anh và nhóm hoạ sĩ của cơ quan
đã làm được nhiều công việc tuyên truyền cổ động triển lãm và sáng tác nghệ
thuật Thời gian công tác tại Nghệ An cũng là dịp may đối với anh, mối quan hệ
mở rộng thêm, anh đã được quen, gần gũi với các nhà văn, nhà thơ giỏi của mảnh
đất Sông Lam - núi Hồng như nhà thơ Trần Hữu Thung, nhà thơ Minh Huệ, nhà
thơ Quang Huy. Hoạ sĩ Trần Hay lúc này là một chàng nghệ sĩ trẻ, hào hoa, phong
nhã. Những ngày rảnh rỗi anh thường đi vẽ phong cảnh, tĩnh vật hoa và chân dung
những người có đặc điểm và cá tính. Chính vì thế mà nhiều thiếu nữ thành Vinh đã
mê say chàng hoạ sỹ trẻ này
Năm 1967 anh thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Phải xa Nghệ An
nhưng anh nói: “xứ Nghệ đã để lại nơi tôi nhiều ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp trong
sự nghiệp bước đầu sáng tác của tôi”. Năm 1967 học Đại học Mỹ thuật năm đầu tại
nơi sơ tán ở Hà Bắc (vào thời kỳ chiến tranh chống Mỹ), ở đây anh thường vẽ cảnh
đồng quê, bến đò xứ Kinh Bắc, vẽ hoa lá, cổng làng, ngõ xóm, nơi quê Tổ Bắc
Ninh của anh. Rồi cũng từ đây, anh phát hiện ra vẻ đẹp đằm thắm bí ẩn của hoa
súng. Và hoa súng biếc trở thành đối tượng đam mê trong sáng tác của Trần Hay.
Đã có tác phẩm hoa súng của Trần Hay được giải thưởng tại triển lãm toàn quốc
năm 1980. Đó là một tác phẩm tốt để lại cho người xem nhiều ấn tượng đẹp.
Cuộc đời ban tặng cho hoạ sĩ Trần Hay nhiều may mắn. Vừa học xong năm thứ
nhất đại học, năm 1968 anh được nhà trường và Bộ văn hóa cho sang Liên Xô học
đại học Mỹ thuật công nghiệp Mosscow 6 năm. Đây là dấu mốc lớn trong cuộc đời
và sự nghiệp nghệ thuật hội hoạ của anh. Đó cũng là bước chuyển quan trọng, bởi
anh được học, được nhìn, và hiểu biết rộng hơn về nghệ thuật thế giới. Đặc biệt là
các bảo tàng nghệ thuật ở Mosscow và Saint Petecbua là những cuốn hút bất tận và
đã cho anh nhiều bài học lớn về nghệ thuật. Hơn nữa, 6 năm ở Liên Xô anh đã
được sống với những mùa thu lá vàng, mùa đông lá đỏ, mùa xuân xôn xao hoa táo,
hoa san trắng, mùa hè xanh sôi nổi lãng mạn của du lịch tất cả quang cảnh ấy,
những thay đổi của thiên nhiên ấy là tiền đề gợi mở cho anh hình thành những ý
tưởng sáng tạo về nghệ thuật đồ hoạ của anh sau này Những năm tháng học tập
tại Liên Xô, anh đã đi và vẽ nhiều nơi như: Erecvan ở Acmenia, Tbilisi ở Grujia,
Talliu ở Estonia, Ria ở Latvia, Vinius ở Lituami và nhiều nơi khác nữa . . .
Năm 1974 tốt nghiệp, hoạ sĩ Trần Hay về nước và được về giảng dạy tại trường
Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Sau đó anh được bổ nhiệm làm chủ nhiệm khoa
Đồ hoạ cho tới ngày về hưu. Ngoài công việc quản lý, anh vẽ và sáng tác. Mảng đề
tài yêu thích của anh vẫn là tĩnh vật hoa. Đặc biệt là hoa súng. Ngoài ra anh cũng
thường vẽ hoa gạo, hoa loa kèn, gương sen và gấc. Phải chăng anh đã nhận thấy tự
thân những hoa trái đó đã có sự tương phản mạnh mẽ và hoà sắc phong phú của
nó?. Anh cho biết rất yêu thích tranh tĩnh vật của danh họa Van Gốc, Ce zan,
Morandi và Gutuzo. Anh cũng có vẽ chân dung nhưng chỉ là chân dung những
người thân yêu và phong cảnh thì chỉ là những cảnh lãng mạn pha chút ấn tượng.
Một số hoạ sĩ cho rằng, thoạt nhìn tranh của Trần Hay thấy quá rành mạch và quá
chỉnh chu, màu sắc không uyển chuyển, do đó thiếu gợi cảm, ít tạo sự rung động
nghĩ rằng trong một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là hội hoạ, ngôn ngữ chính cần
nói là: Tạo hình, bố cục, mầu sắc và nội dung. Qua nhiều tĩnh vật của anh, ta dễ
dàng nhận thấy tác giả rất có ý thức về mọi mặt trong sáng tác. Dù với chất liệu
nào như sơn dầu, phấn màu hoặc thuốc nước (đó là những chất liệu anh ưa thích)
cho thấy mảng khối rõ ràng, nhưng hòa hợp, màu sắc mạnh mẽ mà vẫn trong trẻo.
Phong cách tạo hình cần thiết phải có những bố cục lạ. Nếu hình thành được cái lạ
trong tác phẩm đã là quí lắm. Phong cách riêng trong tác phẩm của anh là những
“nhát” màu sáng quắc “ngon lành” hoặc những vệt đậm bất ngờ đúng chỗ đã nâng
giá trị tác phẩm lên nhiều. Ta thường gặp anh vẽ một nền loang phẳng không đều
màu và sắp đặt không hết mặt toan để tạo không gian cần thiết trong tác phẩm của
anh. Những chỗ thừa thiếu của mặt toan trắng trở thành quí giá. Tính thẩm mỹ và
sự tế nhị trong tác phẩm của hoạ sĩ Trần Hay chính là những điều bất ngờ, những
bố cục lạ, những mảng màu loang nhẹ hoặc những nét tút đậm, sáng cần thiết mà
lúc vẽ anh đã rất có ý thức. Anh thường dùng màu tương phản: đỏ vàng, nâu xanh,
trắng, đen để diễn tả sự sống động trong tranh. Tranh của anh vẫy gọi được nhiều
người xem vì nó có sức cuốn hút về mặt thẩm mỹ.
Có thể nói tĩnh vật của hoạ sĩ Trần Hay lạ và đẹp. Sự kết hợp giữa sơn dầu với màu
nước, hoặc phấn màu và sơn dầu là một sự khám phá trong quá trình sáng tác của
anh. Dù rất tôn trọng hiện thực nhưng anh đã áp dụng và kết hợp được nghệ thuật
đồ hoạ, nghệ thuật trang trí vào tranh hội hoạ của anh thật rõ nét. Đó là điểm mạnh
rất đáng trân trọng về phong cách sáng tác của anh. Tôi thiển nghĩ mảng tranh tĩnh
vật của anh đã góp vào nền hội hoạ Việt Nam như một món ăn ngon trong bữa tiệc
thịnh soạn. Xin chúc mừng hoạ sĩ nhân triển lãm cá nhân lần thứ 2 của anh về
những tác phẩm tĩnh vật và những đóng góp của anh cho nền nghệ thuật dân tộc
Việt Nam.