Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Tài liệu TÍNH TRIẾT LÝ TRONG TRANH NGÔ QUANG NAM pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (124.99 KB, 6 trang )






TÍNH TRIẾT LÝ TRONG TRANH
NGÔ QUANG NAM



Đầu tháng 9/2011 tại Nhà văn hóa Hàn Quốc 49 Nguyễn Du Hà Nội đã diễn ra
hoạt động văn hóa nghệ thuật tạo hình tranh màu nước của họa sĩ Ngô Quang Nam.
Trong 4 căn phòng và tiền sảnh của nhà văn hóa, họa sĩ đã cho ra mắt công chúng
hơn một trăm tác phẩm màu nước, phản ảnh đa sắc màu đất nước, con người Việt
Nam và nhiều tranh ký họa ở Tiệp Khắc khi ông còn du học ở nước bạn. Họa sĩ
Ngô Quang Nam đã học có bài bản chuyên ngành sơn dầu ở Viện hàn lâm Mỹ
Thuật Praha Tiệp Khắc. Tuy được đào tạo ở châu Âu nhưng phong cách biểu hiện
của ông vẫn giữ được sắc thái dân tộc Việt. Ngắm tranh ông, người xem thích thú
chăm chú từng đường nét phóng khoáng, mềm mại, uyển chuyển, duyên dáng
trong tranh mà ông đã tạo dựng với nhiều mảng màu đậm nhạt điêu luyện, kỹ
thuật, có nhiều lớp màu chồng, hòa lên nhau tạo ra những độ nhòe huyền ảo mà
bức tranh Bờ ao, Trên sông Bạch Đằng, Trong công viên,… là một ví dụ. Phong
cách của họa sĩ chính là sự giao thoa của các mối quan hệ mật thiết giữa phương
pháp tạo hình tranh thủy mặc và tranh màu nước hiện đại trong tranh của ông, vì
thế tranh rất gần gũi với mọi lớp người yêu tranh Ngô Quang Nam. Tác phẩm Tam
đảo đã đoạt giải thưởng Hùng Vương, Nắng hoa mai, Trong công viên, Thung
lũng,… là những bức tranh mang phong cách như thế. Nhiều bức tranh vẽ chân
dung, cảnh sinh hoạt mảng màu dứt khoát không bị nát vụn, đậm nhạt hợp lý, biểu
hiện tình cảm nhân vật có cá tính rõ ràng như tranh Chị em, Trong nhà máy, Má
Tây Nguyên và nhiều tác phẩm khác. Những tranh chân dung bằng màu nước của
ông có biểu hiện tình cảm tự thể, tự nhiên thông qua đường nét rất mạch lạc có


thần thái, khiến người xem có cảm nhận lối biểu đạt nội tâm hơn là hành động
trong sinh hoạt cuộc sống đời thường. Với cách tạo hình mang tính ước lệ cao, Ngô
Quang Nam đã tạo nên một Cầu Long Biên thật dí dỏm, hóm hỉnh của lối miêu tả
trừu tượng khá phong phú giầu cảm xúc. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cầu
Long Biên đã hứng chịu hàng trăm lượt không kích của máy bay Mỹ với 10 lần
ném bom mà qua nét vẽ của họa sĩ thì sự lãng mạn trong tranh ông lại nhóm lên
như khúc ca bảo vệ cầu ngày nào. Xem Cầu Long Biên người ta hình dung như có
cụ già ung dung nằm bắt chân chữ ngũ, tay gối đầu, tay vắt lên trán ngắm trời mây
rộng lớn thanh cao của người chiến thắng sau cuộc chiến. Đây là một lối vẽ mang
tính ước lệ nhưng đầy biểu cảm.
Trong tranh của Ngô Quang Nam âm hưởng của tính triết lý về nhân quả giữa con
người với thiên nhiên, giữa tồn tại xã hội với ý thức xã hội, giữa hiện thực với ước
lệ trừu tượng thấm đẫm người xem. Vì thế tranh của ông khiến người xem phải suy
ngẫm lâu lâu mới hé mở được cái tứ của tác phẩm; Trên cao, Tre trong bão là
những tác phẩm mang tinh thần như thế. Với cách nhìn tinh tế ở nhiều góc cạnh
khác nhau họa sĩ dùng những mảng miếng đậm nhạt của màu nước tạo ra, độ nhòe
nhiều sắc màu khi biểu hiện nội dung vừa ảo, vừa thực trong không gian. Tác
phẩm Tam Đảo là một tác phẩm đẹp cả về hình, màu và bố cục. Ông đã tìm được
góc độ và thời điểm đặc trưng của vùng núi Tam Đảo thơ mộng để vẽ. Người xem
có thể cảm nhận được đó là giao mùa của mùa xuân sang hạ, thời tiết ấm áp với
những làn gió thoảng qua lắc nhẹ những cành trúc, khóm cỏ, tạo cho không gian
của bức tranh thêm lung linh thơ mộng. Lối cấu trúc đậm, nhạt hòa lẫn giữa các sắc
màu, tạo nên những đám mây mù huyền ảo của vùng núi Tam Đảo, làm cho người
xem thấy một triết lý hư, thực “thiên, địa, nhân” mà con người là chủ thể của đất
trời trong vũ trụ. ý tưởng tìm thời gian giao mùa để miêu tả, tác giả muốn nói đến
quan niệm nhân sinh quan có tính có tính quy luật đó là cái gì đang đến là đang
qua, mùa xuân đến cũng có nghĩa mùa xuân đang tàn và cứ như thể chỉ để lại trong
ta một không gian vĩnh hằng, của hiện thực mà con người đang sống và đang yêu
như Tam Đảo vậy. Có thể nói đây là một tác phẩm thể hiện tâm trạng tự sự của tác
giả trong mối quan hệ giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ ở thời điểm

khoảnh khắc giao mùa.
Là một họa sĩ rất chịu khó sáng tạo có năng khiếu làm thơ, lý luận, phê bình và say
mê tìm tòi khám phá cái mới trong hội họa, đồ họa, điêu khắc, Ngô Quang Nam đã
sáng tác và lưu giữ hàng trăm tác phẩm có giá trị cao góp phần cho sự nghiệp mỹ
thuật quê hương đất nước, trong đó có tranh màu nước. Có thể nói trong sự nghiệp
sáng tác, họa sĩ không nghiêng sâu vào các trường phái như lập thể, trừu tượng hay
siêu thực mà phần lớn là theo lối vẽ ấn tượng hiện thực, không sa vào tự nhiên chữ
nghĩa, lối vẽ minh họa, vì thế mà người xem dễ cảm thụ, dễ gần. Bằng chừng ấy
thôi, tranh màu nước của Ngô Quang Nam trong phòng triển lãm đã phản ảnh nghệ
thuật bút pháp và tính nhân văn trong tranh ông một cách có bài bản và chuyên
nghiệp.
Họa sĩ Ngô Quang Nam sinh năm 1942 tại Vĩnh Phúc, ông tốt nghiệp Viện hàn
lâm Mỹ thuật Praha, Tiệp Khắc năm 1973. Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam,
hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội. Ông đã
có nhiều giải thưởng: Giải nhất Viện hàn lâm Mỹ thuật Praha - Tiệp Khắc 1973,
giải thưởng Hùng Vương năm 1985, có nhiều tranh triển lãm ở Tiệp Khắc, Hàn
Quốc, Trung Quốc, Chi Lê, Mỹ, Thụy Sĩ và Achentina, có nhiều tranh sưu tập ở
nước ngoài như Mỹ, Chi Lê, Tiệp Khắc, Achentina, Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội,
Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hùng Vương.
Sắp tới họa sĩ Ngô Quang Nam còn chuẩn bị cho triển lãm tranh sơn dầu và in một
số sách trong đó có tuyển tập tranh chọn lọc mà ông đã sáng tác trong nhiều thập
kỷ qua. Là một họa sĩ đã kinh qua nhiều chức vụ quản lý như Giám đốc Sở Văn
hóa Thông tin Vĩnh Phú, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn
hóa Thể thao và Du lịch, Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật thuộc Bộ, song ông vẫn dành
nhiều thời gian để sáng tác và hoạt động trong các hội đồng nghệ thuật chấm tranh,
tượng của nhà nước. Tranh Ngô Quang Nam mang sắc thái dân tộc Việt Nam vừa
kết hợp nhuần nhuyễn nghệ thuật tạo hình thế giới vì thế ở thời điểm nào tranh của
ông cũng được nhiều người yêu mến cảm thụ trân trọng.


×