Mẫu thiết kế phòng tắm “VIP”
Phòng tắm hay còn gọi là master bathroom cũng là một thuật ngữ có tính chất giống
như master bedroom – phòng ngủ chính.
Nhìn vào những đầu tư về thiết kế, vật liệu và thiết bị cho master bathroom có thể thấy
phần nào thực tế chăm lo, đầu tư cho một chỗ ở hiện nay.
Master dành cho ai?
Với một phòng ngủ được định danh là master bedroom – tức phòng ngủ chính, nhất thiết
phải có phòng tắm (phòng vệ sinh) riêng trong phạm vi phòng ngủ. Đây là một trong
những tiêu chuẩn quan trọng nhất của phòng ngủ chính. Đối tượng sử dụng phòng ngủ
chính theo đúng nghĩa của từ: Dành cho chủ nhân (master: chủ, người chủ). Thông
thường chủ nhân của phòng ngủ này, hay chính là chủ nhân của cả căn nhà là những cặp
vợ chồng trẻ cho tới trung niên (tất nhiên cũng có thể là độc thân, chưa kết hôn), nhưng
có vai trò lớn trong gia đình, những người chịu trách nhiệm chính về kinh tế, có vai trò
chính trong việc xây dựng và thiết lập nên không gian sống của đại gia đình.
Trong xu hướng kiến trúc nhà ở hiện đại, có sự ảnh hưởng, tác động ở góc độ xã hội thì
các phòng tắm ngày càng được kéo gần vào phòng ngủ, để tiện cho việc sử dụng và sinh
hoạt. Phòng tắm không còn là công trình phụ, là nơi tối tăm ẩm thấp, hay… mất vệ sinh
nữa. Phòng tắm luôn được đầu tư nhiều trên mọi phương diện: Vị trí, diện tích, vật liệu,
trang thiết bị… Trong một ngôi nhà hay căn hộ, không phải phòng ngủ nào cũng có
phòng tắm riêng; nhưng mặc định thì phòng ngủ chính nhất thiết phải có. Như thế mới
xứng đáng gọi là master bedroom! Và dĩ nhiên, một master bedroom “xịn” phải có một
phòng tắm xịn đi kèm, chứ không phải là những phòng vệ sinh thông thường. Đó phải là
phòng tắm “VIP” hay master bathroom.
Tiêu chuẩn của master bathroom
Thật ra không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho master bathroom cả. Theo một logic thông
thường thì cũng như phòng ngủ chính, phòng tắm chính phải tốt hơn, đẹp hơn các phòng
tắm khác trong cùng kiến trúc đó. Master bathroom luôn được thiết kế có quan hệ chặt
chẽ với phòng ngủ chính về cấu trúc mặt bằng, giao thông cũng như tổ chức không gian
nội thất. Tuy không có tiêu chuẩn cụ thể, nhưng có một số yếu tố liên quan, trở thành
“luật bất thành văn” khi thiết kế master bathroom. Cũng cần lưu ý rằng các yếu tố này
không phải lúc nào cũng đạt được hết, song là tiêu chí để hướng tới nhằm đạt sự hoàn hảo
cho một master bathroom.
Một không gian thông suốt giữa phòng tắm và tủ quần áo
Vị trí, diện tích:Master bathroom phải có vị trí thuận tiện trong mối quan hệ công năng
với phòng ngủ, tiện lợi cho việc sinh hoạt, đi lại; không quá xa (gây khó khăn) và cũng
không quá gần vị trí giường ngủ (có thể có cảm giác tâm lý không thoải mái, hay khi sử
dụng có thể làm phiền người cùng phòng). Diện tích master bathroom phải đủ để đảm
bảo bố trí các thiết bị chức năng cần thiết trong phòng tắm (chậu rửa, bồn xí, khu vực
tắm…). Trong điều kiện bình thường thì master bathroom phải có diện tích tối thiểu
khoảng 4,5 – 5m2. Nếu diện tích lớn, đồng nghĩa với việc phải “lấp đầy” thêm để có một
tương quan nội thất tương ứng, tránh cho cảm giác phòng bị “loãng”. Đó là việc tăng
thêm các thiết bị về số lượng và quy mô, cũng liên quan đến cả việc bài trí sao cho hợp lý
về công năng và thẩm mỹ. Trong trường hợp có điều kiện về diện tích chung, thì việc
khai thác bố trí một phòng thay quần áo (kiêm đặt tủ quần áo) là phòng đệm giữa phòng
ngủ và phòng tắm là một điều lý tưởng.
Cấu trúc và bố trí nội thất:Cấu trúc và bố trí nội thất phòng phải được bố trí hợp lý cho
quy trình sử dụng. Ví dụ trong trường hợp các khu chức năng – thiết bị trải dài theo tuyến
ngang thì vị trí phải được định vị ưu tiên là chậu rửa, bồn xí rồi mới đến khu vực tắm tính
từ điểm giao thông tiếp cận (cửa). Vị trí chậu rửa kèm gương luôn phải ở vị trí thẳng hoặc
bên cửa vào, tránh nằm cùng tuyến tường có cửa; bởi chậu rửa là nơi sử dụng nhiều nhất,
cần dễ nhận biết và tiếp cận nhất. Tất nhiên các vị trí chức năng – thiết bị này phải được
nghiên cứu thiết kế trong mối quan hệ với hệ thống kỹ thuật: các tuyến cấp thoát nước, vị
trí hộp kỹ thuật…
Vật liệu:Vật liệu trong master bathroom thường hay được các chủ nhà cùng kiến trúc sư
đầu tư lựa chọn và thiết kế để tương xứng tính chất phòng, với các loại vật liệu “xịn”,
nhằm tăng độ bền cũng như giá trị thẩm mỹ nội thất. Sự phong phú của các loại vật liệu,
hoặc những loại vật liệu mới, lạ cũng làm cho không gian đỡ nhàm chán. Bên cạnh gạch
ceramic (gạch men) truyền thống sử dụng cho ốp lát sàn, tường vệ sinh nói chung, thì
nhiều loại vật liệu khác cũng được khai thác cho không gian đặc biệt này; như đá tự
nhiên, gạch kính mosaic, gạch gốm mosaic, kính tấm lớn, gỗ… Có thể kết hợp nhiều loại
vật liệu cùng với nhau, kết hợp với các thủ pháp trang trí như đá, sỏi, cây xanh…
Thiết bị và phụ kiện:Có thể nói thiết bị là phần quan trọng nhất của phòng tắm nói
chung và master bathroom nói riêng. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sự lựa chọn
cho các chủ nhà và các nhà thiết kế. Thiết bị vệ sinh rất phong phú về mẫu mã, tính năng.
Thậm chí có những “phòng tắm bán sẵn” với đầy đủ đồng bộ trang thiết bị, từ bàn chậu
rửa với bồn xí, vòi tắm, gạch ốp lát và các loại phụ kiện liên quan (giá để đồ, thanh treo
khăn…) Có rất nhiều loại chậu rửa, nhưng để đảm bảo “tiêu chuẩn” cho một master
bathroom thì chậu rửa nhất thiết phải có bàn chậu; bàn thông thường được làm bằng đá,
ngoài ra có thể làm bằng kính hay vật liệu composit.
Có nhiều master bathroom làm bàn chậu đôi (hai chậu) để tiện cho việc sinh hoạt với
phòng hai người. Bồn xí cũng có rất nhiều loại hiện đại được ưa chuộng sử dụng cho
master bathroom, như được gắn thêm các hệ thống rửa, sấy tự động, hay có máy thu phát
radio để giải trí. Các loại thiết bị này cần được nghiên cứu trước trong quá trình thi công,
vì sẽ có yêu cầu kỹ thuật riêng, ví dụ như cần một nguồn điện, hay các yêu cầu khác về
đầu chờ cấp thoát nước. Một số thiết bị vệ sinh khác cũng có thể được lắp đặt nếu điều
kiện cho phép và chủ nhân có nhu cầu sử dụng như bồn tiểu nam, bồn vệ sinh nữ
(bide)…
Với chức năng – thiết bị tắm, một master bathroom phải có khu vực tắm riêng biệt, nếu là
tắm đứng thì phải có vách kính hoặc cabin tắm đứng, không cho phép nước bắn, rớt sang
khu vực khác. Trong trường hợp có điều kiện về diện tích (nói chung đa phần các master
bathroom là như vậy) thì trong phòng có cả hai hệ thống tắm: tắm đứng và tắm bồn. Nếu
sử dụng bồn tắm, hoặc có cả bồn tắm lẫn cabin tắm đứng, thì bình nước nóng phải sử
dụng loại lớn (tối thiểu 45L) Các loại cabin tắm đứng và bồn tắm hiện đại có rất nhiều
tính năng với hệ thống vòi sục, hệ thống nghe nhạc, kết hợp với đèn chiếu sáng hỗ trợ
cho việc thư giãn. Bên cạnh đó, một số thiết bị độc lập như vòi sen, vòi chậu, hệ thống
vòi massage gắn tường (cho khu tắm đứng)… cũng rất đa dạng và phong phú, tạo cho
nhà thiết kế những điều kiện tốt để tạo nên những master bathroom đẹp và ấn tượng.
Phụ kiện, dù không quan trọng bằng thiết bị song cũng có vai trò nhất định trong phòng
tắm nói chung. Master bathroom cần phải có đủ các phụ kiện cần thiết (và phải đẹp) như
gương, mắc treo quần áo, lô giấy vệ sinh, giá để khăn, giá để đồ hoá – mỹ phẩm ở khu
vực tắm… Một trong những phụ kiện quan trọng là gương, phải là gương tấm lớn,
thường được thiết kế dài suốt theo mặt bàn chậu. Gương lớn sẽ làm phòng tắm sang hơn,
rộng hơn và sáng hơn, và tất nhiên thuận tiện hơn cho việc sử dụng. Ngoài ra, trong
master bathroom hoàn toàn có thể và nên trang bị các thiết bị liên lạc, nghe nhìn như điện
thoại, hay tivi bởi master bathroom cũng như một phòng thư giãn – giải trí.
Ánh sáng, sự thông thoáng và vật dụng trang trí có ý nghĩa quan trọng
đối với master bathroom
Chiếu sáng và thông thoáng:Để tương xứng với tất cả các thành phần yếu tố đã đề cập,
thì chiếu sáng và thông thoáng của master bathroom cũng phải được chăm chút. Như mọi
phòng vệ sinh bình thường, master bathroom có chiếu sáng và thông thoáng tự nhiên là lý
tưởng. Khi đó cần khai thác hiệu quả ánh sáng tự nhiên qua các cửa sổ, vách; có thể kết
hợp tạo “view” ngắm cảnh nếu điều kiện vị trí – địa thế cho phép – nhất là khu vực tắm
bồn. Tuy vậy, không có nghĩa nếu không có cửa sổ thì không đạt tiêu chuẩn master
bathroom. Thực tế phòng tắm ở nhiều toà nhà, chung cư cao tầng được thiết kế về phía
lõi toà nhà, không có mặt thoáng. Khi đó, càng phải chú ý về vấn đề chiếu sáng nhân tạo
và nghiên cứu thiết kế hệ thống thông gió cưỡng bức hợp lý!
Chiếu sáng nhân tạo cần được đầu tư thiết kế để tạo hiệu quả ấn tượng cho không gian
nội thất. Hệ thống chiếu sáng tối thiểu phải có một hệ đèn chiếu sáng chung, một hệ đèn
rọi gương. Công tắc đèn gương phải đặt ở khu vực gương để tiện sử dụng (thường kết
hợp với ổ cắm điện cho máy sấy tóc, dao cạo râu) Tuỳ từng mặt bằng, vị trí của các thiết
bị có thể thêm các hệ đèn cho khu vực tắm, hay đèn rọi các mảng trang trí, tranh ảnh hay
tiểu cảnh.