Triệu chứng của bệnh
loãng xương
Những biểu hiện lâm sàng chỉ thể hiện khi trọng lượng xương giảm trên
30%. Sự xuất hiện có thể từ từ tự nhiên hoặc sau một chấn thương, đôi
khi do tình cờ chụp phim X quang mà thấy.
A. Đau xương
Các triệu chứng cơ năng đầu tiên của loãng xương có thể hiện liên quan đến
quá trình xẹp đốt sống hoặc gãy xương ngoại vi. Thông thường, loãng xương
không gây đau.
1. Đau cột sống do xẹp các đốt sống
Xuất hiện hoặc tự nhiên, hoặc liên quan tới gắng sức hoặc chấn thương nhỏ.
Thường biểu hiện bằng đau cột sống cấp tính, khởi phát đột ngột, không lan,
không có triệu chứng chèn ép thần kinh kèm theo. Đau giảm rõ khi nằm và
giảm dần rồi biến mất trong vài tuần. Đau xuất hiện khi có một đốt sống mới
bị xẹp, hoặc đốt sống ban đầu bị xẹp nặng thêm.
2. Đau cột sống mạn tính do rối loạn tư thế cột sống
Sau các đợt đau cột sống cấp tính tương tự, dần dần, các đợt đau mới này sẽ
xuất hiện trên nền đau cột sống mạn tính, do các rối loạn tư thế cột sống gây
nên. Với thời gian, bệnh nhân sẽ xuất hiện sự giảm chiều cao, gù đoạn lưng,
có thể tới mức các xương sườn cuối cùng cọ sát vào cánh chậu. Các biến
dạng này làm cho bệnh nhân đau cột sống và đau do cọ sát sườn - chậu.
Tuy nhiên, một tỷ lệ rất lớn các lún xẹp đốt sống không có triệu chứng đau
cột sống. Trước khi xuất hiện lún xẹp đốt sống, không bao giờ có đau cột
sống do loãng xương.
B. Gãy xương
Các vị trí thường gặp thường là đầu trên xương đùi, xương cánh tay, đầu
dưới xương cẳng tay, xương sườn, xương chậu và xương cùng.
C. Hội chứng kích thích thần kinh
Kèm theo đau có thể thấy các triệu chứng kích thích rễ.
1. Đau dây thần kinh hông.
2. Đau các dây thần kinh trên sườn lan ra phía bụng.
D. Thăm khám
1. Biến dạng đường cong bình thường của cột sống: gù ở vùng lưng hay
thắt lưng có đường cong rộng, hoặc quá ưỡn (hyperlordose) . Chiều cao của
cơ thể giảm đi rõ rệt so với lúc trẻ tuổi (vài cm).
2. Trong khi đau nhiều thấy đoạn cột sống thắt lưngnhư cứng đờ, co cơ ở
cạnh cột sống. Không làm được các động tác cúi, ngửa nghiêng, quay. Gõ
hoặc ấn vào các gai sau của đốt sống đau tăng và lan toả xung quanh.
3. Các dấu hiệu kèm theo:loãng xương thường kết hợp với các rối loạn
khác của tuổi già như: béo bệu, tăng huyết áp, rối loạn nội tiết, viêm tổ chức
dưới da, hư khớp.
E. Tiến triển
Đau do lún xẹp đốt sống kéo dài trong vài tuần. Một đợt đau mới có nghĩa là
có một lún xẹp đốt sống mới, tuy nhiên, không phải bao giờ cũng thấy trên
X quang (đó là các lún xẹp đốt sống ở mức độ vi thể).
Sau nhiều lần đau, bệnh nhân đau cột sống mạn tính do biến dạng cột sống.
Giảm chiều cao ở bệnh nhân loãng xương nặng.
Gẫy cổ xương đùi đặc biệt tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong 15-20% trong
những tuần, tháng đầu.
Dấu hiệu X quang
A. Những dấu hiệu của loãng xương
1. Xương tăng thấu quang
Tất cả các xương đều thấy sáng, trong hơn bình thường, ở mức độ nhẹ còn
thấy các bè xương tạo nên hình vân dọc hoặc chéo, ở mức độ nặng xương
trong như thuỷ tinh, đốt sống trong có phần ranh giới ngoài đậm nét (dấu
hiệu xương đóng khung).
2. Hình ảnh lún đốt sống
Xuất hiện hàng loạt trên nhiều đốt, đĩa đệm ít thay đổi, thân đốt sống giảm
chiều cao và biến dạng, có thể di lệch ít nhiều. Những biến dạng của thân
đốt sống tạo nên hình thấu kính phân kỳ, hình chêm, hình lưỡi, hình đốt sống
cá (trên các phim nghiêng).
3. Hình ảnh cốt hoá và vôi hoá: song song với quá trình loãng xương một
số các dây chằng, sụn sườn, thành động mạch chủ và các động mạch lớn có
những hình cản quang do cất hoá và vôi hoá.
B. Đánh giá mức độ loãng xương bằng X quang
Trên phim chụp rất khó đánh giá mức độ loãng xương qua độ cản quang
nhiều hay ít do đó người ta phải dựa vào một số nhận xét khác.
1. Đo chỉ số Barnett và Nordin: chụp xương đốt bàn tay thứ hai (mêta
carpe của ngón trỏ); đo đường kính của thân xương D và đường kính của
phần tuỷ xương d.
Chỉ số B và N = D - d/Dx 100
Chỉ số dưới 45 được coi là loãng xương.
2. Chỉ sồ cột sống của Rénier
Chụp cột sống thắt lưng theo tư thế nghiêng rồi nhận xét hình dáng và cho
điểm.
3. Chỉ số Sinh hóa
Chụp đầu trên xương đùi với tư thế thẳng. Bình thường thấy 4 hệ thống các
dải xương hiện rõ, khi các dải xương bị đứt gãy, mất đi ít hay nhiều, người
ta cho điểm từ 1 đến 7 (7 là bình thường, 1 là rất nặng).