Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

Điều kiện thành lập nhà trường theo hướng sửa đổi, bổ sung Điều 50 Luật Giáo dục potx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (198.25 KB, 12 trang )



Khoa học pháp lý

Điều kiện thành lập nhà trường
theo hướng sửa đổi, bổ sung Điều
50 Luật Giáo dục



Quy định về thành lập trường trong Luật Giáo dục có ý nghĩa rất
quan trọng tác động tới

Quy định về thành lập trường trong Luật Giáo dục có ý nghĩa rất
quan trọng tác động tới sự phát triển của toàn bộ hệ thống giáo
dục quốc dân ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo, kể cả đối
với việc thành lập trường trong nước và hợp tác đầu tư nước
ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Để đáp ứng yêu cầu mới của sự
phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, bảo đảm tính khả thi của
việc thực hiện quy định tại Điều 50 Luật Giáo dục về thành lập
nhà trường, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Giáo dục đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 50 của Luật, trình kỳ
họp thứ 6 Quốc hội khóa XII.
Điều 50 Luật Giáo dục hiện hành quy định:
"1. Điều kiện thành lập nhà trường bao gồm:
a) Có đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo đủ về số lượng và đồng
bộ về cơ cấu, đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và trình độ đào tạo,
bảo đảm thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục;
b) Có trường sở, thiết bị và tài chính bảo đảm đáp ứng yêu cầu
hoạt động của nhà trường.
2. Người có thẩm quyền quy định tại Điều 51 của Luật này, căn


cứ nhu cầu phát triển giáo dục, ra quyết định thành lập đối với
trường công lập hoặc quyết định cho phép thành lập đối với
trường dân lập, trường tư thục".
Thực hiện quy định trên, các nhà trường trong hệ thống giáo dục
quốc dân tiếp tục được thành lập, phát triển và hoàn thiện, từ giáo
dục mầm non đến giáo dục đại học. Riêng về giáo dục đại học,
tính đến hết năm 2008, cả nước có 369 trường đại học, cao đẳng,
trong đó có 160 trường đại học và 209 trường cao đẳng, với quy
mô 1.603.484 sinh viên và đạt 188 sinh viên /1 vạn dân. Trong 3
năm, từ 2006 đến năm 2008, có 48 trường đại học được thành
lập, trong đó có 24 trường được nâng cấp từ trường cao đẳng.
Theo dự báo năm 2020, cả nước sẽ có khoảng từ 8, 5 triệu đến 9
triệu thanh niên trong độ tuổi học đại học (từ 18 đến 22 tuổi).
Nghị quyết số 14/2005 NQ-CP của Chính phủ ngày 2/11/2005 về
đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn
2006-2020 đã xác định: cần phấn đấu đạt 200 sinh viên /1 vạn
dân vào năm 2010; 300 sinh viên /1 vạn dân vào năm 2015 và
450 sinh viên /1 vạn dân vào năm 2020. Quy mô đào tạo đại học,
cao đẳng cần đạt 1, 8 triệu sinh viên vào năm 2010; 3,0 triệu sinh
viên vào năm 2015 và 4, 5 triệu sinh viên vào năm 2020. Theo
đó, yêu cầu về số lượng trường đại học và cao đẳng cần có trong
hệ thống với quy mô hợp lý sẽ là 386 trường vào năm 2010 (171
trường đại học và 215 trường cao đẳng), 410 trường vào năm
2015 (195 trường đại học và 285 trường cao đẳng), và 600 trường
vào năm 2020 (225 trường đại học và 375 trường cao đẳng). Như
vậy trong vòng 15 năm tới, mạng lưới các trường đại học, cao
đẳng nước ta cần được mở rộng và nâng cao năng lực đào tạo lên
gấp khoảng ba lần hiện nay để đảm bảo đủ chỗ học tập cho
khoảng 4, 5 triệu sinh viên.
Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm hơn cả là chất lượng hoạt động

giáo dục của nhà trường. Thực tế thực hiện quy định của Luật
Giáo dục cho thấy, yêu cầu nhà trường phải có đầy đủ đội ngũ
cán bộ quản lý, nhà giáo đạt tiêu chuẩn, đủ tài chính, cơ sở vật
chất ngay tại thời điểm xin thành lập là chưa hợp lý. Đối với việc
thành lập trường cao đẳng và đại học, việc thẩm định chỉ có thể
được tiến hành khi chủ đề án đã xây dựng được cơ sở vật chất,
đầu tư trang thiết bị và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất
lượng đào tạo. Trong khi đó, nhiều địa phương yêu cầu chủ đề án
phải có quyết định thành lập trường rồi mới cấp đất, còn văn bản
đồng ý về nguyên tắc cho thành lập trường của cơ quan có thẩm
quyền chưa đủ cơ sở pháp lý để địa phương giao đất, cho thuê
đất. Chưa có quyết định thành lập trường, nhà đầu tư không có
căn cứ để tuyển dụng và trả lương cho giảng viên, cán bộ quản lý
cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đội ngũ những
người được tuyển dụng về để tham gia thành lập trường cũng
chưa thể gọi là giảng viên, giáo viên vì nhà trường chưa được
thành lập và nếu có quyết định thành lập rồi thì cũng chưa thực
hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục ngay được.
Sau khi có quyết định thành lập, không ít trường đã không thực
hiện đúng các cam kết trong Đề án thành lập trường về xây dựng
cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, tuyển dụng đội ngũ giảng
viên, cán bộ quản lý dẫn đến chất lượng giáo dục không đảm
bảo. Cũng như các lĩnh vực hoạt động đặc thù khác, nhà trường
đã được thành lập nhưng phải được giao nhiệm vụ hoặc được
phép thì mới có thể thực hiện hoạt động giáo dục được, chẳng
hạn phải căn cứ vào thực lực của mình để đăng ký được mở mã
ngành đào tạo, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, thực hiện chương
trình giáo dục của nhà trường, phải có giáo trình, thư viện
Vì thế, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đã đề xuất để
Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 50 như sau:

"Điều 50. Điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện để được
cho phép hoạt động giáo dục
1. Điều kiện thành lập nhà trường:
Phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng
lưới cơ sở giáo dục;
Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo
dục; tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng
chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.
2. Điều kiện để được cho phép hoạt động giáo dục: có quy chế tổ
chức và hoạt động của nhà trường; có đất đai, tài chính, cơ sở vật
chất, trang thiết bị, tài liệu giảng dạy và học tập, đội ngũ cán bộ
quản lý và nhà giáo đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng và đồng bộ về
cơ cấu, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các
hoạt động giáo dục.
3. Người có thẩm quyền quy định tại Điều 51 của Luật này, căn
cứ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, nhu cầu phát triển giáo
dục và các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này ra quyết định
thành lập đối với trường công lập hoặc quyết định cho phép thành
lập đối với trường dân lập, trường tư thục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hoạt động giáo dục
đối với cơ sở giáo dục đại học; quy định cụ thể điều kiện, thời
hạn và thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đối với nhà
trường ở các cấp học và trình độ đào tạo".
Dự án Luật đã làm rõ hơn quy định về thành lập trường ở các cấp
học từ mầm non đến đại học theo hướng quy định thành 02 loại
điều kiện: (1) điều kiện thành lập nhà trường, (2) điều kiện để
được cho phép hoạt động giáo dục. Để cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường,
nhà đầu tư cần căn cứ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và
quy hoạch kinh tế - xã hội của đất nước, của mỗi vùng miền và

từng địa phương để có quyết định đầu tư phù hợp, xây dựng dự
án đầu tư thành lập trường có tính khả thi cao trình cơ quan có
thẩm quyền xem xét phê duyệt dự án. Cơ quan có thẩm quyền
tiếp nhận hồ sơ đề nghị thành lập trường, tổ chức thẩm định hồ
sơ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể về thẩm
quyền, cách thức tổ chức và quy trình thẩm định. Cơ quan có
thẩm quyền có trách nhiệm thông báo kết quả cho chủ đầu tư dự
án biết lý do đối với những hồ sơ không được phê duyệt. Nếu dự
án đầu tư phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và
quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng điều kiện về đất
đai, cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán
bộ quản lý và nhà giáo bảo đảm đáp ứng yêu cầu hoạt động của
nhà trường và thực hiện mục tiêu giáo dục, thì được cơ quan có
thẩm quyền quy định tại Điều 51 ra quyết định thành lập hoặc
cho phép thành lập. Nếu dự án đã đáp ứng các yêu cầu được xác
định tại khoản 1 Điều 50 Luật này thì sau khi được phê duyệt chủ
trương, cần có ngay quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập
nhà trường. Chủ đầu tư phải chủ động triển khai dự án đầu tư
thành lập trường về đất xây dựng trường, các điều kiện về phòng
học, phòng làm việc, phòng thí nghiệm, thư viện; trang thiết bị;
khu thực hành, ký túc xá, khu thể thao và những công trình khác
đã được xây dựng trên khu đất; các cơ sở vật chất, thiết bị phục
vụ đào tạo; đội ngũ cán bộ, giảng viên, công tác tổ chức bộ máy,
đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên; tài chính chuẩn bị cho các
hoạt động của trường, phù hợp với nội dung, kế hoạch triển khai
thực hiện của dự án; dự kiến danh sách và văn bản cam kết tham
gia của các cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt của
trường như: Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, Chủ nhiệm khoa
(đối với trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học),
Trưởng các phòng, ban, bộ môn, tổ; danh sách các cán bộ, giáo

viên, giảng viên của trường, trong đó cần nêu rõ về trình độ,
chuyên ngành đào tạo của từng người, phù hợp với cấp học,
ngành, chuyên ngành đào tạo; quy mô tuyển sinh của trường
trong từng giai đoạn, đặc biệt là giai đoạn đầu đi vào hoạt động
sau khi có quyết định thành lập trường; có kế hoạch, giải pháp
phát triển đội ngũ giảng viên trong các giai đoạn sau khi thành
lập; cơ sở vật chất phục vụ học tập, giảng dạy, thí nghiệm, thực
hành, thư viện, ký túc xá… phù hợp với các chuyên ngành đăng
ký đào tạo, nhiệm vụ giáo dục. Cần có các văn bản pháp lý xác
nhận về số tiền hiện có do Ban Quản lý dự án đang quản lý, bảo
đảm tính hợp pháp và cam kết sẽ chỉ sử dụng để đầu tư xây dựng
trường và chỉ chi phí cho các hoạt động của trường sau khi được
thành lập kèm theo thuyết minh rõ về tổng kinh phí, nguồn vốn
đã đầu tư; phương án huy động vốn và cân đối vốn tiếp theo để
đảm bảo duy trì ổn định hoạt động của trường trong giai đoạn
nhất định, tùy thuộc vào quy định ở mỗi cấp học và trình độ đào
tạo, bắt đầu từ khi trường được tuyển sinh khóa đầu tiên.
Sau thời hạn quy định phù hợp với mỗi cấp học và trình độ đào
tạo, nếu việc triển khai thực hiện dự án chưa hoàn thành theo kế
hoạch đề ra, không đáp ứng các điều kiện theo quy định thì cơ
quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư có trách nhiệm
xem xét, ra văn bản hủy bỏ quyết định thành lập hoặc cho phép
thành lập trường, thu hồi quyết định thành lập hoặc quyết định
cho phép thành lập trường. Nếu nhà trường có quy chế tổ chức và
hoạt động, có cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ quản
lý và nhà giáo đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng và đồng bộ về cơ
cấu, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt
động giáo dục thì được cho phép hoạt động giáo dục.
Dự án Luật quy định: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho
phép nhà trường giáo dục đại học hoạt động giáo dục; quy định

cụ thể điều kiện, thời hạn và thẩm quyền cho phép hoạt động giáo
dục đối với nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo. Quy
định này phù hợp với chức năng của các cơ quan chuyên môn
trong quản lý nhà nước về giáo dục, đồng thời đảm bảo vai trò
quản lý nhà nước của hệ thống cơ quan này trong việc quản lý,
giám sát việc đảm bảo chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo
dục. Việc sửa đổi, bổ sung Điều 50 của Luật theo hướng trên sẽ
đáp ứng được yêu cầu thành lập trường nhằm nâng cao chất
lượng giáo dục, tạo hành lang pháp lý để chấn chỉnh, sắp xếp lại
hệ thống các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân,
khắc phục tình trạng thành lập mới ở những nơi, những lĩnh vực
không đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ giảng dạy, về cơ sở vật
chất, trang thiết bị.
Có ý kiến cho rằng, quy định như trên chưa cụ thể, chưa rõ ràng
và thực chất vẫn lâm vào tình trạng "con gà, quả trứng - cái nào
có trước": có quyết định thành lập mới được giao đất, mới tuyển
được giáo viên, hoặc được giao đất, tuyển được giáo viên mới có
quyết định thành lập. Cần lưu ý rằng, Điều 50 sửa đổi, bổ sung
chỉ tập trung vào nội dung "điều kiện thành lập trường" và "điều
kiện để được cho phép hoạt động". Để cơ quan nhà nước có thẩm
quyền quyết định thành lập, cho phép thành lập trường, chủ đầu
tư phải có dự án khả thi đầu tư thành lập trường, đồng thời chủ
động chuẩn bị kinh phí, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy và tập hợp
đội ngũ nhà giáo. Những nội dung này sẽ được quy định cụ thể
tại các văn bản dưới luật, trong hệ thống điều lệ, quy chế và quy
định phù hợp với việc thành lập trường ở mỗi cấp học và trình độ
đào tạo, trong đó có cả lĩnh vực hợp tác đầu tư nước ngoài trong
lĩnh vực giáo dục. Căn cứ Luật Giáo dục, hoạt động hợp tác đào
tạo, mở trường hoặc cơ sở giáo dục khác của người Việt Nam
định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc

tế trên lãnh thổ Việt Nam được thực hiện theo quy định của
Chính phủ, trong đó quy định cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục
đầu tư nước ngoài để thành lập trường. Việc đầu tư nước ngoài
để thành lập trường phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu như các
điều kiện thành lập trường trong nước.
Hiện nay, vẫn có ý kiến coi nhà trường như doanh nghiệp và cho
rằng, phải phân biệt giữa đầu tư vì lợi nhuận và đầu tư không vì
mục đích lợi nhuận. Đây là suy nghĩ mang tính thực dụng. Nhiều
quốc gia trên thế giới cũng đã phải trải qua các cuộc tranh luận
gay gắt, lâu dài về vấn đề này, nhưng đến nay, họ đều thấy rõ sứ
mệnh cao cả và đáng được trân trọng của nhà trường, không thể
coi nhà trường như là các doanh nghiệp, có thể kinh doanh, có
thể mang ra sàn giao dịch để mua bán, đổi chác và để nhà trường
trôi nổi theo những cơn bão giá. Càng không thể để nhà trường là
một công cụ rửa tiền. Luật giáo dục của phần lớn các nước đều
xác định rõ, hoạt động giáo dục là hoạt động phi lợi nhuận, tuy
vẫn phải tính đến hiệu quả giáo dục - trong đó có hiệu quả kinh tế
- đối với từng cơ sở giáo dục và đối với toàn bộ hệ thống giáo
dục quốc dân, nhưng lĩnh vực giáo dục cung cấp một loại dịch vụ
công đặc biệt, phi lợi nhuận, không đồng nhất với lĩnh vực kinh
doanh và hoạt động thương mại. Chẳng hạn* Luật Giáo dục của
Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định "Bất kỳ tổ chức, cá nhân
nào cũng không được vì lợi ích kinh doanh mà mở trường và lập
cơ sở giáo dục khác".
Ở nước ta, giáo dục là loại hình dịch vụ đặc biệt, được quy định
trong Luật Đầu tư là lĩnh vực đầu tư có điều kiện và được ưu đãi
đầu tư. Tính chất hoạt động giáo dục, yêu cầu của công tác quản
lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đòi
hỏi phải có những quy định đặc thù. Do đó, để tạo sự thống nhất,
đồng bộ giữa quy định của Luật Giáo dục với Luật Đầu tư, tạo cơ

sở cho việc xây dựng các văn bản dưới luật theo hướng hoạt động
đầu tư trong lĩnh vực giáo dục thực hiện theo quy định của hệ
thống pháp luật chuyên ngành. Dự án Luật sửa đổi bổ sung một
số điều của Luật Giáo dục đồng thời đề xuất bổ sung quy định
"Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư đặc thù thuộc
lĩnh vực đầu tư có điều kiện và được ưu đãi đầu tư" vào Điều 13
Luật Giáo dục. Nội dung sửa đổi, bổ sung này phù hợp với quy
định tại khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư: "Hoạt động đầu tư đặc thù
được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó".
(Bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 158-thang-11-
2009 ngày 20/11/2009) PGS.TS Chu Hồng Thanh - Vụ trưởng
pháp chế. Bộ Giáo dục và đào tạo.

×