Viết về đề tài đất nước là một trong những cảm hứng chủ đạo của thơ ca giai
đoạn 1945- 1975. Hãy so sánh Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Đất nước của
Nguyễn Khoa Điềm để làm nổi bật cảm hứng chung và sự sáng tạo của mỗi nhà
thơ.
Bài viết:
Trải suốt chiều dài lịch sử văn học, hình tượng đất nước đã bắt nhịp trái tim của không
biết bao nhiêu nghệ sĩ để đi vào thơ với vẻ đẹp thiêng liêng và niềm tin yêu sâu sắc.
Hồn thiêng đất nước, tinh thần dân tộc hào hùng được bắt nguồn từ Nam quốc sơn hà,
Hịch tướng sĩ tiếp nối bền vững qua mỗi thời kì. Đất nước của Nguyễn Đình Thi và
Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm gặp gỡ nhau ở đề tài ấy. Hai cuộc kháng chiến vệ
quốc vĩ đại, gian khổ lại thêm một lần tạo nên hoàn cảnh đặt biệt để xuất hiện những
vần thơ yêu nước với cách thể hiện độc đáo.
Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm nằm trong số
những đỉnh cao của nền thơ ca cách mạng Việt Nam ra đời trong giai đoạn 1930- 1945.
Nung nấu và vang vọng từ những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp, “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi viết năm 1948 là một bài thơ trữ tình
tràn đầy niềm tự hào về sự trường tồn của đất nước và tinh thần bất khuất Việt Nam.
Với phong cách nghệ thuật đầy cá tính, Nguyễn Đình Thi đã thổi vào vần luật phóng
túng của thơ tự do giọng thơ sôi nổi, hào sảng, chân thật cùng những hình tượng đặc
sắc. Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm cũng là thành tựu nghệ thuật tiêu biểu của thơ
ca kháng chiến chống Mĩ. Nằm trong trường ca “Mặt đường khát vọng”(1971), chương
V đã gói ghém trọn vẹn tâm tư của người thanh niên trí thức tham gia tích cực vào sự
nghiệp giải phóng dân tộc. Bài thơ kết hợp giữa cảm xúc và lí trí, trữ tình và chính luận
đem đến cho người đọc cái nhìn toàn vẹn, nhiều chiều về đất nước mình. Hai thi phẩm
vừa có những nét chung về đề tài, cảm xúc lại có nhiều khác biệt về cảm hứng, thi tứ,
giọng điệu để lại ấn tượng sâu đậm đối với người đọc.
Trước hết, hai bài thơ hội tụ những nét chung giống như nền tảng cơ bản để tạo thành
giá trị vững chắc xuyên suốt thi mạch dân tộc. Đó là cảm hứng về đề tài đất nước quen
thuộc được ngợi ca, tôn vinh với lòng trân trọng và tâm tư, cảm xúc chân thành. Trong
từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đất nước lại được đặt dưới những góc nhìn mới mẻ, đặc
biệt chiến tranh đã tô đậm một bức chân dung anh hùng, vững vàng và liên tiếp chống
lại mọi kẻ thù thường gặp trong thơ:
Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu
Nghe dịu nỗi đau của mẹ
Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ
Các anh không về mình mẹ lặng im
Tạ Hữu Yên
Từ nguồn xúc cảm chân thực và mạnh mẽ, Đất nước đã lắng đọng trong nỗi nhớ, nỗi
mong chờ, xót xa và nhận thức sâu sắc của các tác giả về chủ quyền dân tộc:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Xuân Diệu từng nói « Thơ hay lời thơ chín đỏ trong cảm xúc », quả thật chính những
câu thơ tràn ngập lòng tự hào, yêu quý và khẳng định nền độc lập dân tộc đã tạo dựng
niềm tin cho cả một thế hệ độc giả. « Trời xanh đây» và « núi rừng đây» gần gũi, nhất
định « là của chúng ta », chỉ cần hai lần điệp mà câu thơ thật dõng dạc dứt khoát. Để
rồi phép liệt kê sau đó, không còn có cụm từ chỉ sự sở hữu, nhưng tất cả phong cảnh
núi sông quê hương hiện lên như một lẽ tất nhiên : tất cả đều thuộc về đất nước Việt
Nam thân yêu. Ở đó, Nguyễn Khoa Điềm còn thấy được :
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho đất nước những hòn núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Không có một từ ngữ nào giống với đoạn thơ của Nguyễn Đình Thi song cả hai đều kể
ra, tôn lên một quê hương giàu đẹp mà « núi rừng » là « trăm ao đầm » và thắng cảnh «
Hạ Long ». Tâm tư tình cảm của con người với nhiều nỗi niềm, kỉ niệm thiêng liêng
«hòn núi Vọng Phu », « hòn Trống mái » đến đây cũng góp thành Tổ quốc. Trên hết,
vẻ đẹp tâm hồn tình nghĩa đằm thắm đã ghi dấu trên mỗi sự vật, hóa chúng thành
thiêng liêng bất tử. Bởi niềm tin ấy, đất nước đã trở đi trở lại thành đề tài trung tâm của
rất nhiều tác phẩm thơ ca trong suốt ba thập kỉ này. Không phải chỉ trong“Đất nước”,
tiếng thơ mới rung lên đau đáu những trăn trở, suy tư, tình cảm gắn bó mãnh liệt, mà
người yêu thơ còn biết đến nhiều tên tuổi lớn “Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng-
Chế Lan Viên, “Quê hương”- Giang Nam, “Việt Bắc”- Tố Hữu, “Dáng đứng Việt
Nam”- Lê Anh Xuân Nhưng thành công nổi bật đưa hai bài thơ lên đến đỉnh cao của
thơ ca cách mạng chính là đã cùng xây dựng được hình tượng đất nước gắn liền với
nhân dân, để đất nước thêm mến yêu gần gũi.
Tuy thế, nhìn ra sự giống nhau cũng là để thấy rõ hơn khám phá riêng biệt của hai bài
thơ- hai tâm hồn tri âm sâu sắc mà phong phú diệu kì. Cảm hứng về đất nước trong thơ
Nguyễn Đình Thi đến từ mùa thu mà cuộc kháng chiến đang diễn ra dữ dội và tàn
khốc. Tài năng của Nguyễn Đình Thi gặp Thiên thời- địa lợi- nhân hòa, gặp được ngọn
gió lớn của « bão táp cách mạng » bùng lên, sôi nổi và hiện đại. Nó đã khiến cho nhà
thơ nhiệt tình ngợi ca và suy tư về sức sống kì diệu của dân tộc trong mối tương quan :
khi đương đầu với giặc ngoại xâm. Dọc theo suốt bài thơ ta thấy rất rõ một quá khứ
chiến tranh đau thương mất mát mà cả con người và sông núi quê hương đều dốc hết
sức để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Câu thơ có nhiều cách hiểu song nếu như đây là hình ảnh của người lính ra trận, thì
dường như cái khoảnh khắc ra đi ấy trở thành đáng trân trọng quá, « đầu không ngoảnh
lại » dứt khoát là thế nhưng đâu phải vô tình. Người quay đầu đi mà vẫn còn cảm nhận
được cả cái hồn của « thềm nắng lá rơi », thế mới biết sự gắn bó sâu nặng của lòng
người với một mảnh đất, với một quê hương. Câu thơ vừa tinh tế gợi cảm vừa mang vẻ
đẹp của thời đại « toàn quốc kháng chiến ». Thoát lên trên hiện thực bằng cảm hứng
lãng mạn, Nguyễn Đình Thi không những hình tượng hóa những người chiến sĩ kiên
cường bất khuất không ngại khó khăn mà còn vẽ họ bằng nét bút dung dị đời thường :
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
Lòng yêu nước với lí tưởng cách mạng bao trùm một tình yêu lứa đôi trong sáng vị tha.
Hai tình cảm ấy nâng đỡ cho nhau, tô đẹp lẫn nhau. Tình yêu là khát vọng cháy bỏng
tạo động lực cho người lính chiến đấu, để trong giờ phút mệt mỏi « đêm dài hành quân
nung nấu », anh ấm lòng biết mấy khi nghĩ đến « mắt người yêu ». Hai lần yêu thương
cộng lại thành sức mạnh không gì ngăn được. Và như thế, xuất phát từ tình cảm đời
thường, con người dũng cảm sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ sự yên bình, sum họp. Đó
là sức sống đã biến những người Việt Nam bình tường trở thành anh hùng, biến những
con người chất phác thành thiên thần :
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Có nhìn về quá khứ xa xôi mới thấy được lòng yêu nước luôn trỗi dậy mạnh mẽ trong
mọi hoàn cảnh, thách thức lại tất cả những kẻ thù xâm lược. Có thế mới thấy tầm vóc
của con người trong cuộc chiến hôm nay là sự tiếp nối sự nghiệp chống giặc ngoại xâm
kiêm trì và bền bỉ qua bao nhiêu thế hệ. Xương máu đã đổ xuống, nhiều thế hệ đã đi
qua nhưng cái còn lại đây là đất nước trọn vẹn về cả lãnh thổ và tâm hồn. Bài thơ được
viết rất hay, mà quyết định mạch thơ chính là cấu tứ chặt chẽ. Đề tài mùa thu muôn
thuở mở ra không gian, thời gian lịch sử của đất nước. Cấu tứ được triển khai trong
quá trình vận động hợp lí từ đất nước của hương cốm giản dị tới đất nước « Rũ bùn
đứng dậy sáng lòa ». Tầm vóc lớn lao vĩ đại cũng bởi thế mà được tô đậm. Bốn chặng
bố cục giống như một trường ca, trải đều trong mùa thu xưa đất nước, đi đến đất nước
những ngày đổi mới, không quên nhìn ra hoàn cảnh đau thương để từ đấy vút lên sức
mạnh vũ bão của đất nước đứng lên. Cái nhìn toàn cảnh về lịch sử không chỉ dựng nên
một bộ khung nâng đỡ toàn bộ tác phẩm mà còn giúp hoàn chỉnh hình tượng đất nước,
con người trong thơ. Cảm hứng đất nước xuyên suốt bài thơ, là mạch ngầm kết nối
từng mảng tưởng như rời rạc trong tác phẩm, tạo thành hình tượng thơ thống nhất. Đất
nước qua hình dung của Nguyễn ĐÌnh Thi bao gồm hệ thống hai hình ảnh chính là đất
và trời, quện với nhau chan hòa làm nên gương mặt đất nước. Cho dù ở quê hương đó,
tiếng kêu đau thương đã bật ứa máu :
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Nhưng nỗi đau ấy không của riêng ai, mà tất cả mọi người đều chung gánh. Chiến
tranh từ bao đời Triệu Đinh Lí Trần hay hôm nay cũng thế, hiện thực, quá khứ hội tụ
về đây, khái quát bao nhiêu cảnh mất mát đau đớn đã chảy máu thành vết thương lớn.
Phép nhân hóa biến cảm giác của con người thành cảm giác của phong cảnh, dựng nên
một bức vẽ tan hoang chằng chịt « dây thép gai » thô bạo cứa vào quê hương mình một
nỗi đau máu thịt. Cánh đồng quê như biết nghĩ, biết cảm nhận thấm thía sự xúc phạm,
khổ đau. Thủ pháp ngược sáng dựng nên hình ảnh rõ nét và đầy cảm hứng về một buổi
chiều có thật, nhà thơ hành quân qua nơi địch đánh phá. Câu thơ giàu giá trị tạo hình,
gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc bằng hình ảnh đập mạnh vào cảm giác.
Tác giả hòa mình vào tình cảnh đó để hiểu cho sâu, cho hết biết bao nhiêu khó khăn
cực nhọc, hy sinh gian khổ mà dân mình phải chịu đựng. Càng trong gian khó, con
người càng kiên cường. Hình tượng nhân dân vừa hiển hiện vừa thấp thoáng song hành
với cuộc trường chinh lịch sử đầy máu lửa.
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
rồi
Người lên như nước vỡ bờ
Người Việt Nam hiền lành nhân từ nhưng dũng cảm bất khuất. Sức mạnh lòng yêu
nước của nhân dân như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói « Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ
Quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh
mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn ». Chính những người anh hùng
quần chúng là nền tảng đất nước. Phép so sánh « người lên như nước vỡ bờ » là hình
tượng nhân dân được tượng trưng hóa. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh mang tính biểu
tượng về sự vươn mình vĩ đại của dân tộc :
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
Trỗi dậy mạnh mẽ và ngời sáng, đất nước được phản chiếu qua tâm hồn của tác giả
thật vĩ đại. Hình tượng mang đầy tính tượng trưng cũng là một trong số những đặc
điểm của thơ ca cách mạng : ngợi ca, tuyên truyền và cổ động cho tinh thần dân tộc.
Chính điều đó là biểu tượng của sự gắn kết dân tộc thành một khối đoàn kết và thống
nhất, một nhiệm vụ cần thiết của văn học thời kì này. Những hình tượng lớn lao kết
thành bài thơ đã cho thấy cách viết có nhiều khám phá tìm tòi của nhà thơ. Để có được
điều này, Nguyễn Đình Thi đã tìm chất liệu từ vốn sống thực tế. Xây cất hình tượng
bằng những cảm xúc suy tư trực quan được nảy sinh qua những trải nghiệm của người
nghệ sĩ, mùa thu Hà Nội đẹp đẽ được chọn để bắt đầu bài thơ :
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Cảm xúc trực tiếp, khám phá thú vị về những nét đặc trưng của thủ đô « sáng mát », «
hương cốm mới » đặt bên cạnh cách viết tượng trưng hóa làm phong phú sinh động
thêm cho bài thơ. Người đọc xao động bao nhiêu trước vẻ đẹp mùa thu trong lành, khi
tâm trạng con người hòa vào thiên nhiên thì lại ngưỡng mộ tôn thờ bấy nhiêu trước tư
thế hùng tráng của non sông mình. Như vậy nhà thơ đã thành công trong việc pha trộn
hai nguồn xúc cảm đan xen với nhau. Giọng tráng ca cũng là một phần toát lên cái «
hồn » của tác phẩm. Người đọc có thể nhận ra sự chuyển biến của nhịp điệu, âm hưởng
theo dòng cảm xúc : từ nhịp chậm với những âm cao và trong trở nên trầm xuống khi
lắng nghe mạch sống bất diệt của đất nước, rồi dồn dập, cuộn sôi, tuôn chảy để cuối
cùng hảo sảng, bừng sáng. Có thể thấy với tâm thế là một người công dân, tác giả đã
trở thành một thành viên sống giữa cuộc trường trinh lịch sử. Trong đó, có những phút
đau buồn không thể che lấp được, nhưng hạnh phúc biết bao nhiêu trong niềm vui
chiến thắng và tự hào. Giọng thơ bấy giờ mới hào sảng khỏe khắn làm sao !
Nếu như thành công lớn nhất của Nguyễn Đình Thi đi vào chiều dài lịch sử, thì
Nguyễn Khoa Điềm lại đi vào toàn diện từ bề dài bề rộng đến tầm sâu văn hóa của đất
nước, chính điều này là cơ sở đẫn đến nhiều khác biệt trong cách viết của hai bài thơ.
Với Nguyễn Khoa Điềm, cảm hứng được gợi lên từ cách cắt nghĩa về đất nước :
Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất nước bắt đầu từ miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước có từ ngày đó
Một hệ thống từ ngữ chỉ thời gian được đưa vào rất tự nhiên « đã có rồi », « bắt đầu
lớn lên », « có từ ngày đó ». Những cụm từ này không chỉ một thời điểm xác định mà
tác giả muốn lấy nó để tô đậm ấn tượng lâu đời về lịch sử đất nước. Quá trình hình
thành đất nước từ đó cũng được định hình. Hình thức tự vấn trả lời cho câu hỏi « đất
nước là gì ? đất nước từ đâu ra », nhà thơ đã bắt đầu bằng những kí ức tuổi thơ để hình
dung ra một sự tồn tại của đất nước trong nhận thức và tình cảm tự nhiên nhất của con
người. Câu thơ giống như mạch suy tư về đất nước. Những vẻ đẹp được khơi lên từ
mạch tâm tình, thấm đẫm hơi thở ca dao dân ca huyền thoại sử thi của dân tộc. Cái hay
của đoạn thơ chính là sự xuất hiện của hàng loạt hình ảnh có ý nghĩa tượng trưng
nhưng rất gần gũi. Sức gợi từ những hình ảnh này đã sựng lên cả một không gian văn
hóa truyền thống, mang theo hơi thở tâm hình của ca dao « gừng cay muối mặn xin
đừng quên nhau ». Một đất nước của bà, của cha mẹ, đất nước có từ « ngày xửa ngày
xưa », gần gũi, thân thuộc sẽ đi vào tâm hồn con người và mãi in đậm trong đó. Mối
liên hệ giữa con người với đất nước từ đó cũng không thể tách rời. Đất nước bao gồm
những thứ nhỏ nhoi »miếng trầu » « cái kèo cái cột » « hạt gạo », cho đến những gì
thiêng liêng, lớn lao nhất. Ta thấy ở đây sự đoàn kết trong quá trình giữ nước, thấy tình
yêu ý nhị nồng thắm của cha mẹ, đó là những giá trị tinh thần bền vững sẽ vun đắp cho
đứa con cơ sở vững chắc để tự hào về quá khứ, tin vào tương lại của dân tộc. Đất nước
như vậy là cuộc sống ở quanh ta, trong ta, đất nước là của nhân dân, đồng bào mình.
Cấu tứ của bài thơ xoay quanh tư tưởng đất nước của nhân dân. Đây là điểm quy tụ
mọi cách nhìn về đất nước, cũng là đóng góp của Nguyễn Khoa ĐIềm làm sâu sắc
thêm ý niệm về Đất nước của thơ chống Mỹ. Ba bình diện cấu thành một thực thể đất
nước đều được làm nên từ nhân dân. Đất nước trong chiều dài lịch sử
Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất nước
Cái nhìn làm điểm tựa để khái quát được phần bên trong của quá trình hình thành đất
nước. Cách gọi « em ơi em » độc đáo. Đất nước xây dựng nên từ nhân dân, và bây giờ
chính nhân dân lại nhìn vào nó để thấy tất cả quá trình gian lao nhưng đầy tự hào.
Người đọc thấy đâu đâu cũng xuất hiện hình bóng người dân quê hương, lúc thì « Yêu
nhau và sinh con đẻ cái », rồi « Những cuộc đời đã hóa núi sông ta », « cần cù làm
lụng »’ « khi có ngoại xâm thì chống ngoại xâm ». Chính vì thế mà bề rộng lãnh thổ
địa lí cũng dễ dàng mở ra : Khắp ruộng đồng gõ bãi. Những địa danh liên tiếp được liệt
kê ra đã cụ thể hóa dáng hình đất nước : « núi Vọng Phu », ‘hòn Trống Mái » Cảnh
thiên nhiên kì thú đã gắn liền với đời sống dân tộc. Nó được những thế hệ, lớp người đi
trước tiếp nhận và cảm thụ qua tâm hồn, qua cảnh ngộ, hoàn cảnh, cuộc đời, lịch sử.
Trên khắp thế giới này có biết bao nhiêu thắng cảnh đẹp, nhưng không thể cho rằng địa
danh này giống địa danh khác, càng không thể hạ thấp vẻ đẹp nhỏ bé của đất nước
mình. Khi nghĩ về đất nước, hãy nhớ đến người đàn bà một nắng hai sương chung thủy
chờ chồng mà hóa thành tượng đá, hãy nghĩ về mồ hôi nước mắt của bao bậc hiền nhân
quân tử đèn sách để xây dựng cơ đồ, có thế, ta mới hiểu hết giá trị của cuộc sống này.
Một suy luận xuôi chiều đơn giản sẽ không hiểu được tại sao phải yêu sông núi quê
mình. Đấy là lí do mà thơ Nguyễn Khoa Điềm hay và dễ đi vào lòng người
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu
Chín mươi chín con goi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những học trò nghèo góp cho Đất nước mình núi Bút, non Nghiên
Cái hồn Việt lạ lắm, kì diệu lắm, mà trong mỗi chúng ta, không phải ai cũng nhận ra
điều này. Và ý thức sâu sắc hơn cả « đất nước là máu xương của mình », cuộc sống
được xây dựng nên từ máu xương của cha ông, nổi bật trong dòng thơ là lòng biết ơn
lớn lao vô bờ. In đậm trong suốt mạch thơ là một quan niệm vững chắc không gì thay
đổi được về đất nước và nhân dân. Bề dày văn hóa cũng thể hiện ở đây.
Trong anh và em hôn nay
Đều có một phần đất nước.
Đất nước kết tinh hóa thân trong cuộc sống của mõi con người. Sự sống của mỗi cá
nhân không chỉ là riêng mình mà còn là Đất nước, bởi mỗi cuộc đời đều được thừa
hưởng những di sản văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc. Truyền thống uống nước
nhớ nguồn « Nhớ ngày giỗ tổ » , truyền thống đánh giặc giữ nước, lao động xây dựng
đất nước, hay ngay trong « miếng trầu bà ăn », « tóc bới sau đầu » cũng chứa đựng tin
hoa văn hóa dân tộc. Định nghĩa về đất nước chưa bao giờ toàn diện mà gần gũi như
thế. Hơn nữa, cách xây dựng hình tượng cũng là một phần quan trọng làm nên thành
công của bài thơ. Hình tượng đất nước được tách ra làm Đất và Nước, tưởng như phi lí
song lại trở thành bản chất sâu xa :
Đất là nơi em đến trường
Nước là nơi anh tắm
Đất nước là nơi ta hò hẹn.
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở.
Trong tiếng Việt, Đất nước gồm hai yếu tố hợp thành Đất và Nước. Cách « chiết tự »
dễ dẫn đến nguy cơ hiểu sai lạc ý nghĩa, hoặc máy móc giản đơn khi giải thích bằng lí
lẽ, nhưng dựa vào tư duy nghệ thuật lại cho phép phân tích và cảm nhận theo các
phương diện khác nhau. Đất nước từ huyền thoại « Lạc Long Quân và Âu Cơ, truyền
thuyết Hùng Vương và ngày giỗ Tổ đã nói lên chiều sâu lịch sử. Về không gian, đất
nước không chỉ là sông núi rừng bể mà còn là nơi rất gần gũi với cuộc sống mỗi người.
Đó cũng là không gian sinh tồn của cộng đồng dân tộc qua bao thế hệ
« Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Tác giả sử dụng sáng tạo các yếu tố của ca dao truyền thuyết dân gian. có lúc lại dựng
nên hình tượng thơ mới vừa gần gũi vừa khác lạ « đất nước là nơi em đánh rơi chiếc
khăn trong nỗi nhớ thầm » Đất nước được cảm nhận như sự hợp thành thống nhất các
phương diện văn hóa truyền thống phong tục, cái hằng ngày và cái vĩnh hằng, trong
đời sống mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Định nghĩ về đất nước đã sâu sắc hơn nhiều
lắm. Đất nước là một khối vô hình hội tụ những người có chung cội nguồn, yêu thương
gắn bó chia sẻ với nhau. Dáng hình tạo từ không gian và tâm hồn là cuộc sống con
người. Đan xen với khoảnh khắc thời gian không gian hiện tại là sự thức tỉnh của ký ức
cộng đồng, với sự tổng hòa những vẻ đẹp trong dời sống tinh thần, tâm linh, là lòng
biết ơn tổ tiên đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt
Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào mình trong bọc trứng
Trong hình tượng đất nước có hình tượng nhân dân, mà tác giả chú ý đặc biệt đến đám
đông vô danh nhưng vĩ đại. « Năm tháng nào cũng người người lớp lớp ». Như trong
một dòng chảy lớn, mỗi con người trong đất nước đều góp một hạt nước bé nhỏ, cuộc
đời mỗi người dù vô danh nhưng lại góp phần duy trì nguồn sống, khát vọng bất diệt
của dân tộc. Nhân dân là người tạo dựng nên Đất nước, là người gánh chịu những gian
lao làm nên chiến công vĩ đại mà hết sức thầm lặng, vô danh. Có thể nói, hình tượng
nghệ thuật trong thơ Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện theo hướng tập hợp, khái quát
hóa, cũng là một cách để khẳng định vững chắc những nét riêng chỉ có ở con người
Việt. Vốn sống gián tiếp được tái tạo từ kiến thức sách vở, văn học dân gian rất phong
phú chính là cơ sở khiến nhà thơ có cách nhìn như vậy. Ông sử dụng biến hóa kiến
thức với pha trộn cảm xúc suy nghĩ chân thành, cho nên câu thơ giống như lời tâm
tình. Tư thế của nhân vật trữ tình giống như đang triết luận, tâm sự, tâm tình với người
yêu thật thân mật, khi lại nghiêm trang nói về đất nước. Cách xưng hô cũng thế : « Mai
này con ta », « Em ơi em » là lời nhắn nhủ trữ tình đằm thắng. Nhiều câu thơ như văn
xuôi, câu viết dưới dạng định nghĩa, đó là những suy tư tỉnh táo mang màu sắc triết lí,
thể hiện nhân thức đúng đắn của tác giả.
Đọc hai bài thơ giống như bước vào hai cuộc hành trình dạt dào cảm hứng mà ở đấy, ta
được ôn lại lịch sử dân tộc, thấm thía hai tiếng Đất nước thiêng liêng. Hai tác phẩm là
hai đỉnh cao cùng đề tài với những đóng góp quan trọng không thể thay thế. Từ ngôn
từ, cách thể hiện cho tới tư tưởng mới lạ, đặc sắc, mỗi người một vẻ, bổ sung cho nhau,
làm giàu thêm cho hình tượng đất nước mình. Giang Nam, Vũ Cao cảm nhận về đất
nước gắn liền với hy sinh mất mát, Tố Hữu là đất nước hùng tráng trong cuộc kháng
chiến và nghĩa tình son sắt, đạo lí cách mạng, Dương Hương Li nói đến các bà mẹ đàm
hầm trong tầm đại Bác, Lê Anh Xuân nghiêng mình trước sự hy sinh của biết bao
chiến sĩ vô danh, Hoàng Cầm xót xa trước cảnh quê hương mình bị dày xéo Bấy
nhiêu lời ca, bấy nhiêu người nghệ sĩ đã góp tiếng nói trên thi đàn, nhưng ta vẫn thấy
độc đáo, bất ngờ với đất nước đau thương uất ức nghẹn ngào và quật khởi vùng lên của
Nguyễn Đình Thi, giọng trầm lắng triết lí nhưng đầy thi vị của Nguyễn Khoa Điềm.
Hình tượng đất nước vốn là khái niệm trừu tượng giờ đây hiện lên thật sống động
trong thơ, gắn với yêu cầu mang tính sứ mạng của văn học một thời.
Những vần thơ đẹp trong « Đất nước » đã vượt qua thử thách của thời gian, tiếp tục tỏa
sáng, giúp thế hệ người đọc hôm nay hiểu hơn về thế hệ cha ông trong những ngày
tháng hào hùng nhất của dân tộc. Trong thời đại mới, nhắc nhở về ngày hôm qua góp
phần khơi dậy lòng tự hào, tình cảm, ý thức trách nhiệm, khát vọng xây dựng đất nước,
cuộc sống giàu đẹp hơn.