Cửa Lò quyến rũ
Từ Hà Nội, khách có thể theo tour hoặc nhảy ô-tô, tàu hỏa về
Vinh, đáp xuống Cửa Lò. Những vị khách từ phương nam xa
xôi cũng đã có ngàn vạn chuyến "hành phương bắc" và điểm
dừng chân quen thuộc là khu du lịch sinh thái biển Cửa Lò.
165 khách sạn với gần 4.200 phòng nghỉ, đủ để phục vụ một
lượng lớn du khách đến thư giãn mỗi ngày.
Nếu trên xe ô-tô từ Hà Nội vào Vinh, có thể đến Cửa Lò
bằng ba con đường: Đường Núi Cấm, đường thị trấn Quán
Hành (huyện Nghi Lộc) và đường Quán Bánh. Nhưng ngắn
nhất, thuận tiện nhất là đi theo đường rẽ lại khu vực núi Cấm
(huyện Nghi Lộc). Đường vừa mở, bên núi bên biển, xe chạy
khoảng 30 phút. Từ phía nam xe qua cầu Bến Thủy nên vòng
qua Đại học Vinh, xuống Hưng Dũng đi tắt đường Cửa Hội.
Đoạn đường này "tiết kiệm" được gần 10 km cho khách đến
từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị hoặc các tỉnh phía nam
xa hơn.
Từ năm 1907, người Pháp nhận thấy Cửa Lò là vùng biển
nghỉ mát tốt đã xây dựng một khu biệt thự dành riêng cho
người Pháp. Khu biệt thự đã bị phá hủy trong chiến tranh.
Với chiều dài 8,2 km được chia làm 3 bãi nhỏ: bãi tắm Lan
Châu, bãi tắm Xuân Hương, bãi tắm Song Ngư. Trên bãi biển
du khách có thể dạo chơi, nghỉ ngơi, thư giãn. Với phong
cảnh đẹp, trời và nước xanh trong, bãi biển cát vàng trắng
xoá, sóng bạc đầu rì rào ngày đêm, làn gió thoảng từ biển
thực sự đem lại cho bạn cảm giác khoan khoái của sự nghỉ
ngơi.
Cửa Lò đang tiến dần đến "công nghiệp du lịch" nhưng thị xã
biển này vẫn giữ được nhiều nét "hoang sơ". Với bãi tắm dài
hơn 10 km, dọc đường Bình Minh (con đường rộng, thoáng
nhất thị xã) được bao quanh bởi rừng phi lao bạt ngàn. Rừng
cây vừa chắn cát, vừa là điểm dạo chơi lý thú. Nơi tiếp giáp
Cửa Hội, Cửa Lò đang hình thành khu du lịch sinh thái. Khu
sinh thái không xây nhà cao tầng mà thay vào đó là những
ngôi nhà sàn. Phía đông bắc, đảo Lan Châu như một án sơn
trước cảng biển và xa xa là hòn Ngư, hòn Mắt. Dọc bãi tắm
du khách thường thấy những chiếc thuyền máy phục vụ dã
ngoại ra đảo Ngư. Đảo Ngư cách bờ khoảng ba hải lý, thuyền
nổ máy chạy chừng mươi phút và mỗi chuyến đi chở được
khoảng 20 người, giá trọn gói chỉ vài trăm nghìn đồng (tính
bình quân chi phí cho mỗi chuyến đi dã ngoại ra đảo Ngư,
nhà thuyền chỉ thu 10.000 đồng/người). Sau hai giờ đồng hồ
bách bộ trên đảo, chủ thuyền rung chuông báo mọi người trở
lại thuyền và bắt đầu hành trình thăm "dự án cá giò", vùng
biển mặn đã hình thành 10 lồng cá lớn khu vực gần đảo Ngư,
sắp tới thị xã sẽ mở rộng dự án này trên diện tích 300 ha mặt
nước phía tây đảo Mắt, nước ở đó rất sâu và chặng đường du
lịch sẽ xa hơn. Bập bềnh trên sóng xem đàn cá chao liệng
đớp mồi, cảm giác lâng lâng.
IMAGE
NOT FOUND!
Cửa Lò nằm giữa quần thể du lịch - văn hóa xứ Nghệ, tour đi
thăm đền Cuông (Diễn Châu), đền Cờn (Quỳnh Lưu), thăm
di tích Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) hoặc xa hơn, về
suối nước khoáng Sơn Kim (Hương Sơn), vượt núi non trùng
điệp lên cửa khẩu Cầu Treo thưởng ngoạn cảnh đại ngàn.
Một địa chỉ quen thuộc mà du khách khi đến nghỉ mát ở Cửa
Lò ít bỏ lỡ là thăm khu lưu niệm Phan Bội Châu cùng danh
thắng núi Đụn- sông Lam, thả thuyền trôi trên dòng Lam
giang nghe câu hò xứ Nghệ; thăm làng Chùa làng Sen - Nam
Đàn quê Bác. Quê Bác độ mùa sen nở nên khung cảnh nơi
đây lãng mạn, hữu tình. Những người ưa mạo hiểm có thể
đăng ký tour đi Pù Mát (huyện Con Cuông). Pù Mát, điểm du
lịch sinh thái hấp dẫn bởi cảnh núi non hùng vĩ nơi có tộc
người Đan Lai duy nhất của cả nước cư trú, ngược dòng khe
Khẳng thám hiểm rừng sâu thưởng thức món cá Mát - đặc
sản miền tây Nghệ An. Chuyến đi vào rừng nguyên sinh Pù
Mát có thác Khe Kèm; tham quan làng nghề và mua sắm
hàng lưu niệm tại làng thổ cẩm Yên Thành - Lục Dạ (Con
Cuông). Trên đường trở về Cửa Lò, cách quốc lộ 7 không xa
là khu du lịch suối nước khoáng nóng Giang Sơn - Đô Lương
(trữ lượng 664m3/ngày). Tour du lịch băng rừng lên vùng
Quỳ Châu - Quế Phong chỉ mất khoảng 2 ngày, vào hang
Bua, Thẩm Ồm, ngắm thác Xao Va. Vùng Phủ Quỳ huyền bí
có làng Thái cổ, bảo tàng Dân tộc Quỳ Châu đang lưu giữ
nhiều hiện vật quý. Bãi tắm Xuân Thành (huyện Nghi Xuân -
Hà Tĩnh) chỉ cách Cửa Lò hơn 30 km, nơi đây quả rất lý
tưởng cho những người muốn tìm cảm giác yên tĩnh.
Cửa Lò rộng dài, là một trong những bãi tắm đẹp nhất nước.
Sông Lam đổ ra Cửa Hội, dòng chảy mạnh ra biển Đông theo
hải lưu hướng về phía nam mang theo bao phù sa để biển
Cửa Lò quanh năm trong xanh, nước biển trong vắt nhìn thấy
cát. Nước biển Cửa Lò không "mặn tê tái" mà vừa phải. Mùa
hè, cũng là lúc gió tây nam vượt Trường Sơn đổ về. Buổi
sáng gió tây nam đìu hiu ru sóng biển dập dìu. Chiều muộn,
trước khi hoàng hôn buông xuống thì cũng là lúc gió tây
ngừng thổi nhường chỗ cho gió nồm. Trong một ngày, Cửa
Lò đón hai luồng gió, với hai cảm giác khác nhau.
IMAGE
NOT FOUND!
Có ngày cao điểm, Cửa Lò "cháy" phòng. Song kể cả những
hôm như thế thì giá thuê phòng vẫn ổn định khoảng 150.000
đồng đến 180.000 đồng/phòng khách "nóng lạnh, điều hòa".
Hải sản cua, ghẹ, mực, giá bình dân và "hàng tươi". Một
kilôgam mực tươi roi rói vừa đánh từ biển lên chỉ rao bán
khoảng 30.000 đồng; ghẹ: 25.000 đồng; cua thịt: 70.000
đồng/kg. Rắn biển (đẻn), ốc hương càng ngày càng đắt đỏ và
khan hiếm. Có một cách dùng đặc sản biển vừa tươi vừa rẻ
chưa mấy người "áp dụng": Đến chợ hải sản nằm ngay bên
đường Bình Minh (Cửa Lò có nhiều chợ hải sản nhỏ lẻ phân
tán khắp nơi), mua mực tươi, ghẹ tươi, mang vào nhà hàng
nhờ chủ quán chế biến thành món ăn tùy thích. Mỗi ca như
vậy chủ quán chỉ lấy tiền công dăm nghìn đồng. Một ngư dân
Cửa Lò tiết lộ cách chọn hàng hải sản: Với ghẹ, cua, không
nên ăn vào mùa trăng sáng vì những ngày đó cua, ghẹ "óp"
(gầy, không chắc thịt), mà phải lựa đêm tối trời; khi nâng hải
sản trên tay phải có cảm giác nằng nặng. Mực Cửa Lò có hai
loại: Mực nhảy và mực câu. Mực nhảy do ngư dân thắp đèn
măng-sông dùng vợt đánh bắt vào ban đêm, thường là mực
nhỏ con, tươi roi rói. Riêng mực câu nên mua vào buổi sáng
sớm, khi thuyền câu vừa cập bờ. Nếu mua mực chiều tà, dễ
phải mực ướp đá hoặc không tươi, ăn kém ngon. Chọn mực
cũng nên tránh loại bị bầm giập, kỵ mực đã lốm đốm mầu
thâm tím hoặc túi mật đã vỡ ra.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh một "Cửa Lò nguyên sinh", rừng phi
lao ruổi dài theo chân sóng, thổi dài những quán gió liêu
xiêu. Vậy mà bỗng thoắt bây giờ nhà hàng khách sạn chật
như nêm. Cựu Chủ tịch Phạm Văn Thìn kể về đổi thay của
thị xã biển:
"Năm ngoái, tổng giá trị sản xuất Cửa Lò đạt gần 400 tỷ
đồng, riêng du lịch - dịch vụ đạt hơn 201 tỷ. Toàn thị xã có
165 khách sạn, nhà nghỉ, có thể phục vụ nhu cầu lưu trú 1
vạn khách du lịch mỗi ngày".
IMAGE
NOT FOUND!
Ông Phạm Văn Thìn cũng cho biết hồi ông về Cửa Lò, cách
đây đúng 10 năm, dân số Cửa Lò 4,5 vạn, nay tăng lên 4,7
vạn người. "Thị xã liên tục phát triển với tốc độ nhanh, bền
vững. Năm 2003 thị xã Cửa Lò là đơn vị có mức tăng trưởng
kinh tế cao nhất tỉnh - tân Chủ tịch thị xã, ông Hồ Đức Phước
nói - "Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng không gian du lịch, tiến
dần ra đảo Ngư, đảo Lan Châu. Từ Cửa Lò hình thành nhiều
tour du lịch đi xa hơn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng đang tiếp tục
được đầu tư gắn với đợt chỉnh trang đô thị (vỉa hè, cây xanh,
công viên), quần thể du lịch sinh thái phía đông đường Bình
Minh cũng đang hình thành ". Về kế hoạch xây dựng chợ
đêm Cửa Lò", ông Hồ Đức Phớc khẳng định: "Thời gian tới
thị xã sẽ dành khu đất rộng 10.000 m2 tại Nghi Hương để
xây dựng chợ đêm, chợ đêm tập hợp nhiều loại hàng hóa
phục vụ khách du lịch nhưng chủ yếu là các đặc sản biển".
Chính quyền thị xã chủ trương: Mỗi người dân Cửa Lò phải
như một hướng dẫn viên du lịch. Năm ngoái, ngân sách thị xã
đã dành một khoản không nhỏ mở lớp học tiếng Anh thương
mại cho tất cả các căn hộ kinh doanh dịch vụ trên bãi biển.
Người dân Cửa Lò lần đầu tiên được "phổ cập" ngoại ngữ,
đến cả "đội ngũ xe ôm" cũng được chấn chỉnh: Mỗi lái xe ôm
học tiếng Anh miễn phí ba tháng học cách giao tiếp, ứng xử;
đội ngũ xe ôm được phân công từng nhóm trực ở cổng các
khách sạn và trên ngực gắn "thẻ" hành nghề. Xe ôm đứng
chờ khách sai vị trí, bắt chẹt khách hoặc nếu có những hành
vi thiếu văn hóa, mất nghề như chơi. Từ những hình ảnh đó
đã hình thành nên một diện mạo mới của Cửa Lò - Thị xã du
lịch biển, thu hút lượng khách tìm đến ngày một đông thêm
(SGN tổng hợp)