Quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá Lóc
hộ gia đình
Sở Khoa học và Công nghệ Long An vừa tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả đề tài nghiên
cứu khoa học “Hoàn thiện qui trình sản xuất giống cá Lóc qui mô nông hộ vùng Đồng Tháp
Mười tỉnh Long an” do Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH & CN Long An thực hiện, kỹ sư
Phạm Thanh Dung làm chủ nhiệm đề tài. Hội đồng Khoa học Kỹ thuật dưới sự chủ trì của
Tiến sĩ Phạm Văn Khánh – Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống Thủy sản nước ngọt Nam bộ
làm chủ tịch hội đồng. Thời gian thực hiện từ 2/2009 đến 2/2011.
I. Tổng quan
- Phong trào nuôi cá lóc trong ao và trong bè vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long có trên 10 năm
nay, tập trung chủ yếu 3 huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và Mộc Hóa, nhưng đến nay người dân
vẫn chưa tự tạo ra được con giống phục vụ nhu cầu nuôi của mình mà phải đi mua cá giống từ
các tỉnh khác về nuôi, cá lóc giống mua ngoài thị trường không rõ nguồn gốc giống loài, chất
lượng không tốt, hình dáng không đẹp, thịt cá thương phẩm ăn không ngon, khi nuôi lớn bán ra
thị trường không chấp nhận, dẫn đến giá bán thấp làm ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả kinh tế
của phong trào nuôi cá lóc trong vùng
- Đề tài hoàn thiện qui trình công nghệ sản xuất giống cá Lóc, ứng dụng tiến bộ khoa học công
nghệ, tổ chức 2 lớp tập huấn cho các hộ nuôi nắm rõ toàn bộ quy trình sản xuất giống và nuôi
thương phẩm cá lóc. chủ động sản xuất ra cá bột và cung cấp con giống với chất lượng tốt cho
các mô hình nuôi cá Lóc thương phẩm tại huyện Mộc Hoá, nâng cao tỉ lệ sống, năng suất đồng
thời hạ giá thành sản phẩm, nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất.
- Cá bố mẹ (cá Lóc đen và cá Lóc môi trề) được chọn nuôi vỗ có biểu hiện ngoại hình tốt, không
dị tật, Cá có trọng lượng dao động từ 0,8 – 1,5 kg/con, tương ứng với tuổi cá nuôi từ 10 – 12
tháng ; Được nuôi và cho cá sinh sản tại xã Bình Hiệp – huyện Mộc Hóa, và ương cá tại trại
Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH &CN và 10 hộ dân (2 hộ ở xã Bình Hiệp, 8 hộ ở Bình Hòa
Tây).
II. Kết quả đạt được
1. Điều tra hiện trạng nuôi cá Lóc ở huyện Mộc Hoá
chi phí nuôi cá lóc cao khoảng 300 triệu đồng/1.000m2. Người dân không có nhiều vốn nên diện
tích nuôi của từng hộ dân thấp, diện tích nuôi < 1000 m2 chiếm 78% , >1.000m2 chiếm 22%.
100% hộ dân nuôi cá lóc lai, không nuôi cá lóc đồng; Độ sâu ao khoảng 2 – 3m, mùa vụ nuôi tập
trung từ tháng 6 đến tháng 1 hàng năm, chủ yếu tận dụng nguồn cá tạp giá rẻ trong mùa nước lũ,
mật độ nuôi cá lóc thịt khoảng 30 – 50 con/m2, kích cỡ cá thả nuôi dao động lớn từ 5 – 10g/con.
Thức ăn nuôi cá lóc chủ yếu là cá tạp nước ngọt tận dụng trong mùa lũ và cá tạp biển, trong nuôi
cá lóc vấn đề thức ăn đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến giá thành của sản phẩm nuôi, cá
tạp là loại thức ăn cá lóc ưa thích được người dân sử dụng từ rất lâu. Thời gian thu hoạch cá lóc
thường tập trung từ tháng 12 đến tháng 2, nguyên nhân vì đây là cá tiêu thụ nội địa nên có giá
cao vào trong dịp tết và mùa khô. Giá cá thương phẩm 30.000 – 35.000 đ/kg. Năng suất nuôi của
các hộ dân xã Bình Hòa Tây 10 – 13 tấn/ 1.000m2, xã Bình Hiệp khoảng 3 – 5 tấn/1.000m2, kích
cỡ cá thu hoạch trung bình 0,8 kg/con. Tùy theo mật độ thả, năng suất và giá cá mồi cao hay thấp
mà hiệu quả kinh tế khác nhau, thường người nuôi lãi từ 5.000 – 8.000 đ/kg cá lóc thịt.
2. Yếu tố thủy lý hóa môi trường nước ương
- Về nhiệt độ:Nhiệt độ thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cá trong các loại hình nuôi
dao động 26 – 32 độ C. Nếu nhiệt độ trên 33 độ C hoặc dưới 26 độ C sẽ ảnh hưởng không tốt đến
sự phát triển của cá.
- Về pH: pH nước thích hợp cho sự phát triển của cá khoảng 6,5 – 9, trong quá trình nuôi chủ hộ
thường xuyên kiểm tra pH, nếu tảo phát triển quá mức làm cho pH cao thì thay nước và những
ngày trời mưa nhiều làm pH giảm thấp thì bón vôi với liều lượng 10 – 15kg/1.000m2 để xử lý.
3. Kết quả nuôi vỗ thành thục cá Lóc
Cá lóc thành thục quanh năm, tuy nhiên tỉ lệ cá thành thục cao nhất từ tháng 5 – 9, quá trình nuôi
vỗ cá đực thành thục sớm hơn cá cái, cá đực thành thục sớm nhất là tháng 4 – 5, trong khi đó sự
thành thục sinh dục tốt nhất ở cá cái là tháng 5 và 6.
4. Kết quả sản xuất giống
Trong 03 phương pháp sinh sản: nhân tạo, bán tự nhiên và tự nhiên, thì sinh sản tự nhiên đạt kết
quả cao nhất, sức sinh sản và tỉ lệ thụ tinh cao nhất; mặc dù gọi là phương pháp sinh sản tự nhiên
nhưng hoàn toàn chịu sự tác động của con người là chủ yếu, cụ thể cá bố mẹ được nuôi vỗ thành
thục sinh dục trong vèo, sau đó dùng que thăm trứng kiểm tra mức độ thành thục của cá, chọn cá
chín muồi sinh dục mới bố trí cho sinh sản, không tiêm kích dục tố. Trước khi bố trí cho cá sinh
sản làm tổ sẵn cho cá trong ao đất, trong tổ cho vào rau muống hoặc cỏ để cá kéo làm tổ, mỗi tổ
bố trí chỉ 1 cặp cá. Sau khi bố trí cá vào tổ trong vòng từ 1 – 5 ngày cá sinh sản gần như hoàn
toàn 89,8 – 95,1%. Ấp trứng trong bể lót bạt, chúng tôi thu được lượng cá bột rất nhiều và đồng
loạt; Phương pháp sinh sản này rất đơn giản, nhưng đạt kết quả cao, tất cả người dân đều có thể
áp dụng và làm rất tốt.
5 Kết quả ương từ bột lên giống
- Mật độ ương 500 con/m2 trong bể nhựa cá nhanh lớn nhất và tỉ lệ sống cao nhất; mật độ ương
2.000 con/m2 trong vèo cá nhanh lớn hơn và tỉ lệ sống cũng cao hơn. Ương cá trong bể và ương
trong vèo đặt trong ao đất thì ương cá trong vèo có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn do môi trường
nước ổn định hơn, có đầy đủ phiêu sinh vật làm thức ăn cho cá nên cá phát triển nhanh hơn. Mật
độ ương càng thưa thì cá ương đạt kích cỡ và tỉ lệ sống càng cao.
- Thức ăn: Trùn chỉ, cá tạp xay, và thức viên công nghiệp hàm lượng đạm 30%, thì thức ăn là
trùn đạt kết quả cao nhất, khi ứng dụng thực tế sử dụng cá tạp xay nhuyễn làm thức ăn cho cá có
tính khả thi hơn.
- Cá lóc rất dễ ương, những hộ dân nào chăm chỉ, cần cù chịu khó và cung cấp thức ăn đầy đủ thì
cá tốc độ phát triển nhanh, đạt tỉ lệ sống cao. Tuy nhiên cần lưu ý cá thường bị bệnh khi môi
trường nước dơ, và những ngày mưa nhiều làm tỉ lệ sống hao hụt nhiều.
- Qua 2 năm thực hiện, kết quả đề tài đạt loại khá và có ý nghĩa thiết thực, hoàn thành và xây
dựng hoàn chỉnh quy trình sản xuất giống dễ áp dụng cho nông hộ, có khả năng nhân rộng, phát
huy được hiệu quả trong và sau quá trình triển khai. Góp phần đáp ứng nhu cấu thực tiễn sản
xuất tại vùng Đồng Tháp Mười. Trong thực tế nông hộ sản xuất ra được 646.428 con cá giống.
Hướng dẫn cho 10 dân huyện Mộc Hóa nắm vững và vận hành tốt toàn bộ quy trình sản xuất
giống và ương cá lóc từ bột lên giống. Người dân trong vùng rất phấn khởi và an tâm vì họ có
thể chủ động sản xuất ra loại cá lóc giống thích hợp để nuôi. Quy trình sản xuất giống cá lóc
thành công đã được ứng dụng nhân rộng trên địa bàn huyện Mộc Hóa, giải quyết được nhu cầu
bức xúc của người dân trong nhiều năm qua.
* Lưu ý: dùng thức ăn là cá tạp xay khi ương cá lóc giống, môi trường nước dễ bị ô nhiễm, cần
có giải pháp để xử lý môi trường; Hiện nay nuôi cá lóc thương phẩm, thức ăn chủ yếu cá tạp lệ
thuộc vào tự nhiên và ngày suy giảm và cạn kiệt. Để việc nuôi cá lóc tiếp tục phát triển cần
nghiên cứu công thức thức ăn viên phù hợp để có thể thay thế nguồn cá tạp.
Quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá lóc hộ gia đình by Sở Khoa học và Công nghệ Long An.