Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Khám phá văn hóa Mường Đòn doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (138.21 KB, 4 trang )

Khám phá văn hóa Mường Đòn
Có dịp về huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, du khách ghé thăm đất Thành Mỹ,
nơi có địa danh Mường Đòn, hiện còn tồn tại ngôi đình cổ hơn 100 năm tuổi. Đó là
sản phẩm văn hóa vật thể quý báu đại diện cho sự giàu có của người Mường Thanh
Hóa nói chung và người Mường huyện Thạch Thành nói riêng…
Ông Trương Thế Bày, Chủ tịch Hội NCT xã Thành Mỹ cho biết: Cách đây khoảng trăm
năm, trên khoảng đất cao ráo có trên hai chục gia đình chủ yếu là anh em cùng dòng họ
về đây dựng nhà cùng làm ăn, sinh sống, tạo lập ra Mường Đòn. Ngay sau khi làng được
lập ra, mọi người lại cùng nhau góp công, góp sức dựng một ngôi đình mang dáng dấp
giống căn nhà sàn có gác cao để tránh thú dữ và rắn rết. Ngày 18 tháng Giêng, các gia
đình tụ họp khánh thành đình, đặt tên làng, tên đình là Mường Đòn, đó là ngày lễ của
làng. Đến giữa những năm hai mươi của thế kỉ trước, đình Mường Đòn được xoay hướng
Đông – Nam và tôn tạo theo dáng dấp những ngôi đình cổ Việt Nam nhưng không có
tường hoa chắn mái, góc mái uốn lượn hình rồng, phượng, sàn đình được lát gạch bát,
hoa văn… đình rộng là nơi hội tụ hàng trăm người. Ngôi đình được dựng lên thờ danh
tướng Vũ Duy Dương, được nhà Trần cử vào dẹp giặc ở phía Tây Thanh Hóa. Đây là
ngôi đình cổ duy nhất còn lại ở huyện Thạch Thành, gồm năm gian dài 20m, rộng 8m có
20 cột cái tròn bằng gỗ lim, mái lợp ngói ta, trước mặt là sân đất rộng hơn 200m2, dựng
trên vùng đất đồi khá rộng, cao chừng hơn chục mét so với mặt đường.
Vào ngày 18 tháng Giêng hằng năm, làng Mường Đòn tổ chức lễ hội lớn nhất trong năm
nhằm tưởng nhớ danh tướng Vũ Duy Dương và kỉ niệm ngày khai sinh của làng. Vào
ngày cuối tháng Chạp, dân làng tập trung tại sân đình nghe Trưởng Mường phổ biến lịch
trình chuẩn bị lễ hội, rồi tỏa đi các làng bản dọn dẹp vệ sinh. Trai làng khỏe mạnh được
cử ra dựng dậu, trồng cây nêu và cây đu. Cây đu thường được mời các cụ cao tuổi trong
làng tham gia dựng. Các gia đình chuẩn bị gạo, thịt, bánh phục vụ ngày tết Nguyên đán
và hội làng. Từ sáng sớm, dân làng đã tổ chức thi làm cỗ, các gia đình tùy khả năng kinh
tế mà đăng kí dự thi. Mỗi mâm cỗ, ngoài những vật lễ phải có như xôi nếp nương, mâm
ngũ quả, rượu gạo thì bắt buộc phải có một con cá chép gói lá chuối tươi hấp hoặc rán.

Trước giờ hoàng đạo, một đội hành lễ và một ông chủ tế đi rước sắc. Chiều tối, lễ tế được
cử hành trang nghiêm, trọng thể với sự tham gia của người già, chức sắc trong làng, các


làng kết chạ quanh xã hoặc bên sông Bưởi. Chủ tế khấn thỉnh Ngài rồi đọc văn tế ca ngợi
công trạng của Thành hoàng làng Mường Đòn, đề đạt ước vọng mưa thuận gió hòa, dân
làng no đủ, đoàn kết, vui tươi. Kết thúc lễ, chủ tế xin âm dương xem vận hạn của làng
trong năm. Ngoài sân đình, dân làng tham gia sôi nổi các trò lễ hội như chơi đu, kéo co,
đấu vật, chọi gà, ném còn, thi bắn nỏ, đánh mảng, đánh cù… Các chương trình văn nghệ
biểu diễn hát giao duyên, hát mường, hát đúm, xường… mang đậm nét văn hóa truyền
thống của dân tộc Mường. Không khí hội làng rất hấp dẫn và thu hút đông đảo sự tham
gia của mọi người dân trong làng và các làng lân cận. Cũng theo ông Bày: Làng vẫn tiếp
tục duy trì những trò chơi dân gian, truyền thống và sẽ có kế hoạch truyền dạy cho con
cháu.
Sự tồn tại của địa danh Mường Đòn là một minh chứng cho sự tồn tại của văn hóa dân
tộc Mường vùng núi Thanh Hóa. Qua thời gian, với sự du nhập của những luồng văn hóa
mới nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến những nét đẹp của văn hóa dân tộc nơi đây.
Mỗi mùa lễ hội về là dịp để con cháu tỏ lòng trân trọng nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

×