Làm sang trọng cho
không gian bếp
Bếp là một thành phần không gian quan trọng nhất trong
ngôi nhà. Nó phục vụ cho nhu cầu mỗi ngày và chính yếu
nhất của con người: nhu cầu ăn uống.
Đó là nơi các thành viên trong gia đình có thể tương tác, là
nơi để cha mẹ, con cái, ông bà gần nhau hơn, là nơi có thể
chia sẻ cách nấu món ăn ngon. Và theo một cách hiểu nào
đấy thì không gian bếp chính là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng
nhân cách và văn hóa cho các thành viên trong gia đình.
Khi xưa bếp bị xếp vào một góc khuất trong nhà, thậm chí bị
tách riêng ra khỏi gian nhà chính, bị phân biệt đối xử rất rõ
rệt. Nghĩ lại cũng thấy tội nghiệp cho không gian này, cũng
chỉ vì thiết bị và cách thức nấu nướng thời xa xưa còn quá lạc
hậu với nhiều củi khói và muội than.
Vì thế, những gì liên quan đến bếp đều không đáng để khoe
ra. Nồi niêu đen kịt, xấu xí. Bếp lò đầy muội than và không
kiểu cọ gì. Một không gian chỉ có tông màu xám đen là chủ
đạo.
Khi đô thị Việt Nam tiến thêm một bước nữa, không gian bếp
được xích lại gần không gian chính yếu khác. Tuy nhiên, bếp
vẫn còn "lẻ loi" nơi sau cùng của ngôi nhà ống dài.
Không gian bếp lúc bấy giờ đôi khi bị cách ly bởi một
khoảng sân. Và nó vẫn là "xó bếp", mặc dù cách thức nấu
nướng có phần tiến bộ. Vì bị cách ly như thế, cho nên không
gian bếp thời ấy chẳng được thiết kế và trang trí đúng cách.
Ánh sáng leo lét, không khí cùng với khói quanh quẩn không
thoát hết ra ngoài. Và cũng chính vì thế nên việc nấu nướng
không phải là công việc thú vị.
Từ khi kinh tế mở cửa, những quan niệm xưa cũ về không
gian bếp dần phai bớt, bếp không còn là không gian "cô độc"
bị cách ly khỏi những thành tố không gian khác của ngôi nhà,
mà ngược lại, nó dần trở thành một nơi được quan tâm nhiều
nhất, từ bố cục mặt bằng, thiết kế, thiết bị cho đến những
điều tâm linh.
Bố cục mặt bằng
Ngày nay, gia chủ luôn quan tâm đến thiết kế bếp, từ vị trí
đến trang thiết bị sao cho hợp lý trong việc sử dụng và mối
tương tác giữa bếp và các không gian khác như không gian
ăn và không gian tiếp khách (hay giải trí). Bếp giờ đây là một
không gian để "khoe ra" với rất nhiều thiết bị hấp dẫn.
Tùy theo sở thích, gia chủ có thể thiết kế bếp "kín" hay bếp
"mở". Cho dù được gọi là bếp kín, nhằm mục đích cách ly
mùi lúc nấu nướng, nhưng nó vẫn có mối tương tác gần gũi
với các không gian liền kề. Với bếp kín, không gian ăn có thể
là một thành phần ngay trong đó hoặc liền kề.
Với loại bếp mở, không gian nhà ở trở nên thoáng đãng và
thú vị hơn. Với bếp mở, kiến trúc sư có điều kiện để kiến tạo
nên những nét riêng biệt của không gian bếp + ăn + giải trí.
Dù bếp kín hay mở, mặt bằng bếp có nguyên tắc ba điểm, là
tủ lạnh, chậu rửa và khu vực nấu, trong đó chậu rửa luôn phải
gần tủ lạnh nhất. Ba điểm này có thể thẳng hàng hoặc theo
hình tam giác, tùy theo không gian cho phép của ngôi nhà.
Nếu là ba điểm thẳng hàng, thì thứ tự cần phải là tủ lạnh,
chậu rửa và bếp nấu. Cũng cần lưu ý, phải chừa ít nhất 30cm
hai bên chậu rửa để thuận tiện khi rửa chén.
Có các kiểu bố trí mặt bằng theo nguyên tắc ba điểm trên:
chữ I (dọc theo tường), kiểu song song, kiểu L hoặc L với
một đảo bếp, kiểu chữ G. Và tùy theo thực tế không gian, bố
cục bếp sẽ có những sự pha trộn nhất định.
Thiết bị
Thời nay, thiết bị bếp rất phong phú. Nhưng khi thiết kế, cần
lưu ý các điểm chính yếu cần phải đạt được.
Kích thước khu để tủ lạnh: Cần phải xác định nhu cầu tủ lạnh
của gia đình là bao nhiêu lít, có sử dụng loại side-by-side
không, từ đó sẽ có được kích thước khu vực để tủ lạnh.
Khu vực chậu rửa: Cần lưu ý có không gian để thao tác khi
rửa và không gian để làm ráo nước cho chén bát sau khi rửa
xong.
Khu vực nấu nướng: Cần xác định nhu cầu nấu nướng, từ đó
sẽ có được các thiết bị và không gian dành cho nó như loại
bếp gas hay điện, nơi để bình gas, bếp nướng, nơi để lò viba,
nồi cơm điện.
Phải lưu ý đến vị trí lắp đặt máy hút khói, khử mùi. Thiết bị
này luôn phải được nối ống dẫn hơi khói ra bên ngoài nhà vì
bản thân nó không thể làm triệt tiêu khói được.
Thiết kế
Khi thiết kế bếp, cần lưu ý các điểm chính yếu sau:
Kích thước thiết bị: Phải xác định đúng kích thước thiết bị
theo catalogue sản phẩm.
Kích thước phần kệ bếp bên dưới: Chiều sâu bề mặt trung
bình là 600mm và chiều cao mặt bếp trung bình là 820mm.
Phần tủ bếp treo bên trên: Xác định chiều cao có cao đến
trần hay không. Điều này tùy thuộc vào sở thích của gia chủ.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, tủ treo bếp nên cao đến sát
trần, để đồ đạc linh tinh có thể được cất giữ gọn gàng và kín
đáo.
Ánh sáng: Lưu ý ánh sáng chung cho khu vực bếp và ánh
sáng tập trung bên phần nấu nướng. Ánh sáng chung cho khu
vực bếp cũng có thể được bố trí khéo léo bên dưới phần tủ
bếp.
Vật liệu bề mặt: Nên sử dụng gỗ tổng hợp chịu được nước.
Bề mặt bếp ngày nay có nhiều vật liệu nhân tạo có bán thể
thay thế tốt hơn và thẩm mỹ hơn đá granite. Nên sử dụng các
phụ kiện tốt bên trong ngăn kéo
Các dụng cụ linh tinh: Lưu ý đến các điều nhỏ nhặt hơn, ví
dụ như nơi treo dao kéo (ngày nay ngoài thị trường có những
thanh kim loại tổng hợp có từ tính để hít dao), nơi để muỗng
đũa, nơi để thùng rác.
Tâm linh
Liên quan đến tâm linh là liên quan đến niềm tin. Nếu tin thì
nên lưu ý đến những yếu tố gần như đã thành "tục" mà các
kiến trúc sư thường hay nhận được yêu cầu từ các gia chủ:
Bếp nấu không nên nằm ngay dưới tầng của đầu giường ngủ;
không nên nằm ngay bên dưới toilet của tầng trên; vị trí có
thể theo hướng, tùy theo tuổi của gia chủ.
Những điều trên chỉ mang tính tương đối và kiến trúc sư vẫn
phải có được tiếng nói nhất định trong việc quyết định các
thiết kế liên quan đến không gian bếp.