HOẠ SĨ HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG NGHỆ THUẬT
TỪ TẤM LÒNG
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông tên thật là Huỳnh Công Nhãn, sinh ngày 22 tháng 4
năm 1925 tại Gia Định. Với năng khiếu hội họa từ nhỏ, do đó khi lớn lên ông đã
thi vào trường vẽ Gia Định để thực hiện thiên hướng nghệ thuật của mình. Nhìn lại
toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Ông, chúng ta có thể nhận ra rằng: Ông
đã đến với nghệ thuật bằng cả hai tấm lòng. Đó là tinh thần yêu nước và trách
nhiệm của người nghệ sĩ đối với dân tộc và nghề nghiệp. Có lẽ với hai yếu tố này
mà nghệ thuật đã trở thành điểm tựa kiên định, bền bỉ giúp Ông vượt qua những
quãng đường dài đầy chông gai, thử thách để tạo nên một con người họa sĩ – chiến
sĩ Huỳnh Phương Đông.
Không phải ngẫu nhiên mà chàng trai trẻ Huỳnh Công Nhãn vừa hoàn thành khóa
học 1940 – 1945 ở Trường Vẽ Gia Định lại cùng những đồng môn như Hoàng
Trầm, Nguyễn Đức Gia, Trần Trung Hiếu lại rời chốn đô thành để vào chiến khu
tham gia kháng chiến. Niềm đam mê nghiệp vẽ của Ông đang bị giằng xé trước
thực trạng đau lòng của đất nước, trước sự xâm lược tàn bạo của kẻ thù, xóm làng
xơ xác, tiêu điều, nhân dân lầm than, đói khổ. Ông nói: “Tôi không thể chịu được
nỗi thống khổ của nhân dân. Tôi đã chứng kiến quá nhiều tình cảnh đau thương,
khổ ải. Tôi thấy bao người chết đói, bao người không quần, không áo, bao người
chết vì bom đạn. Lý do chính tôi tham gia cách mạng là như vậy …” (3). Tình cảm
đơn giản của Ông đến với cách mạng là sự đồng cảm với nỗi thống khổ của đồng
bào, là để góp một phần năng lực nhỏ bé của mình để bảo vệ tổ quốc. Và cũng
chính trên con đường dấn thân làm cách mạng, Nghệ thuật – niềm đam mê vốn có
của Ông đã dần dần tỏa sáng. Từ việc viết biểu ngữ, truyền đơn, tham gia hoạt
động đấu tranh ngay trong lòng địch ở thời kỳ chống Pháp đến khi tập kết ra miền
Bắc vào năm 1954, có điều kiện thuận lợi được học tập chính quy để nâng cao kiến
thức nghề nghiệp chuyên môn và cũng như lần đầu được học ở Trường Vẽ Gia
Định năm nào; vừa hoàn thành xong khóa học, Ông lại quay về miền Nam khi
cuộc đấu tranh chống Mỹ ngày càng trở nên gay gắt, quyết liệt để cùng các đồng
nghiệp, các chiến sĩ Giải phóng quân và nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu
tranh thống nhất nước nhà. Đây là thời điểm mà con người họa sĩ – chiến sĩ Huỳnh
Phương Đông được khắc họa đậm nét nhất. Ông tham gia trọng trách phó Trưởng
phòng hội họa giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn trung ương cục miền Nam. Năm
1964, Ông mở lớp đào tạo 6 tháng để bồi dưỡng kiến thức mỹ thuật cho anh em có
năng khiếu hội họa ở các tỉnh Nam bộ tập trung về; Góp phần xây dựng lực lượng
mỹ thuật phục vụ nhu cầu chính trị cấp thiết của chiến trường miền Nam lúc bấy
giờ. Hơn thế nữa, Ông đã sát cánh cùng đồng đội trực tiếp tham gia nhiều trận
đánh và chống càn ở Bà Rịa, Bình Giã, Tây Ninh, Lộc Ninh, Phước Long, Long
An, Tiền Giang, ấp Bắc, Bến Tre, Củ Chi, Sài Gòn, JUNCTION CITY …. Những
khoảnh khắc điển hình nhất , trung thực nhất, sinh động nhất, hiện thực nhất về sự
khốc liệt của chiến tranh ở chiến trường Nam bộ đã được Ông ký họa ngay tại mặt
trận với một xúc cảm mãnh liệt, chân thành. Từ những sự kiện như Giải phóng Bến
Tre (bột màu trên giấy, năm 1965), Giải phóng nhà tù Phan Thiết (màu nước, chì
và than chì trên giấy, năm 1968), Trận đánh phía bắc tỉnh Long An (bột màu trên
giấy, năm 1970), Xe tăng của Mỹ sau chiến dịch JUNCTION CITY” (bột màu trên
giấy, năm 1967), Kế hoạch tác chiến trận Bình Giã (màu nước trên giấy, năm
1967), Trận đánh cầu chữ Y (than chì và màu nước trên giấy, năm 1968) … đến
hình tượng chân dung cụ thể những người thật, việc thật của anh Giải phóng quân,
chị giao liên, Bà mẹ Việt Nam anh hùng … đã là những tư liệu sống vô cùng quý
giá cho nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam.
Ông nói: “Khi treo những bức tranh này lên tôi thấy chúng là nhân chứng của cuộc
chiến trên đất nước mình. Nhiều bạn bè của tôi hồi đó là những chàng trai, những
cô gái còn rất trẻ, nhưng họ vô cùng dũng cảm trên chiến trường. Tôi có trách
nhiệm gìn giữ kỷ niệm về họ. Bởi vì tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ là đánh
mất những bức họa của đồng đội. Tôi hiểu rằng nghĩa vụ thiêng liêng đối với đồng
đội đã cho tôi sức mạnh, ý chí để sống, để vượt qua những gian khổ của chiến
tranh …” (4), “Nhiều người đã hy sinh ngay sau khi tôi vẽ họ” (5). Sự hy sinh âm
thầm, lặng lẽ của đồng đội, đồng bào càng thôi thúc nét bút của Họa sĩ Huỳnh
Phương Đông không bao giờ ngơi nghỉ. Hàng trăm, hàng nghìn bức ký họa lần
lượt ra đời. Cuộc chiến càng khốc liệt bao nhiêu thì nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ
thuật trong Ông lại hiện lên mạnh mẽ bấy nhiêu. Ông sợ chiến tranh nhưng Ông
không khuất phục nó. Ông tiếp tục vẽ, cố vẽ thật nhiều để khẳng định ý chí và
niềm tin của con người trong những thời khắc gian nguy nhất, vẽ để trải lòng mình
cho trọn vẹn nghĩa tình với quê hương, với đồng đội, với đồng bào.
Tuy đã qua hai lần học tập mỹ thuật và chưa nhận bằng tốt nghiệp nhưng có lẽ tấm
bằng thiêng liêng nhất, cao quý nhất mà cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của họa sĩ
Huỳnh Phương Đông nhận được chính là con đường nghệ thuật đầy gian khổ
nhưng cũng đầy tâm huyết chân thành của một người công dân và một người nghệ
sĩ.