Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Cảm nghĩ về bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (96.05 KB, 4 trang )

Cảm nghĩ về bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu
Trong thời kỳ cách mạng chưa thành công, chế độ thực dân còn chà đạp lên đời sống của nhân dân ta, bóp
nghẹt tâm hồn của chúng ta, thơ Tố Hữu đã có tác dụng làm ấm lòng người đọc, bồi dưỡng lòng yêu Tổ
quốc của quần chúng, khuyến khích người cán bộ nằm trong nhà tù giữ vững lòng tin đối với tiền đồ vẻ
vang của dân tộc. Tập thơ Việt Bắc chủ yếu gồm những bài thơ sáng tác trong thời kỳ kháng chiến từ sau
thu đông thắng lợi 1947, những bài thơ đã làm ấm lòng của chúng ta; và một số bài thơ sáng tác sau khi
hòa bình thắng lợi những bài thơ này cũng đã có tác dụng giáo dục, cổ vũ cán bộ và nhân dân. Tập
thơ Việt Bắc vừa mới ra chưa được 2 tháng, con số phát hành đã lên gần 3 vạn quyển. Chưa có một quyển
sách nào phát hành nhiều như thế trong một thời gian ngắn.
Ở đây tôi không giới thiệu toàn quyển và đi sâu vào tập thơ Việt Bắc. Tôi chỉ trình bày một vài ý nghĩ đầu
tiên khi đọc lại những bài thơ trong tập thơ này.
Có thể nói chủ đề bao trùm tập thơ Việt Bắc là tinh thần thiết tha yêu nước, chí khí phấn đấu kiên quyết
bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần đó là Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ kính yêu
của dân tộc, linh hồn của kháng chiến và anh bộ đội anh dũng, thân mến, nổi nhất trong tập thơ Việt Bắc.
Tố Hữu đã để cả tâm hồn, tất cả tình cảm đằm thắm nhất của mình để diễn tả những hình ảnh yêu kính và
quý mến nhất ấy của thời đại chúng ta.
Ðối với anh bộ đội, chỉ “gần nhau là thân thiết”, chỉ “một thoáng lặng nhìn nhau” là “âm thầm thương
mến”. Trong đời sống bình dị của người nông dân Việt Nam có phút nào yêu nhau say sưa bằng chia cho
nhau điếu thuốc lào:
Trưa nay trên đèo cao Ta say sưa vài phút! Chia nhau điếu thuốc lào Nào anh hút tôi hút Rồi lát nữa
chia đôi Anh về xuôi tôi ngược Lòng anh và lòng tôi Mang nặng tình cá nước
Tố Hữu thông cảm với anh bộ đội không phải chỉ qua bộ quần áo nâu. Tố Hữu thông cảm qua sức lao
động của con người.
Giọt giọt mồ hôi rơi Trên má anh vàng nghệ Anh Vệ quốc quân ơi Sao mà yêu anh thế!
Tố Hữu đã từng mặc áo bộ đội, vai nặng ba lô, chân đạp rừng gai đá sắc, trèo đèo lội suối, cùng ăn cơm
vắt thấm nước, dãi gió nằm sương với anh bộ đội. Nên Tố Hữu là nhà thơ thông cảm mãnh liệt đối với
sức lao động ấy một khi nó dốc ra mặt trận đánh đổ quân thù. Xúc động biết bao khi đọc những đoạn thơ
Tố Hữu để tình cảm của mình rung lên những nhạc điệu, những ý thơ hùng dũng:
Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên Chiến sĩ anh hùng Ðầu nung lửa sắt Năm mươi sáu ngày đêm
khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt
Máu trộn bùn non Gan không núng Chí không mòn Những đồng chí thân chôn làm giá súng Ðầu bịt lỗ


chân mai Băng mình qua núi thép gai ào ào vũ bão Những đồng chí chèn lưng cứu pháo Nát thân, nhắm
mắt còn ôm Những bàn tay xẻ núi, lăn bom Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện
Trong tập thơ Việt Bắc ngoài hình ảnh anh bộ đội, những hình ảnh bà mẹ, em thiếu nhi, chị phụ nữ cũng
nổi lên đầy tình mến thương của nhà thơ. Nhưng Tố Hữu tha thiết yêu anh bộ đội, Tố Hữu không muốn
tình yêu ấy bị chia xẻ. Tố Hữu muốn đặt tất cả những hình ảnh trong một cảm xúc chung đối với người
chiến sĩ. Những bà mẹ trong thơ Tố Hữu là những bà mẹ của chiến sĩ, giản dị như cánh đồng quê, thiết
tha yêu con nhưng lại yêu nước hơn. Em thiếu nhi trong thơ Tố Hữu là chiến sĩ nhỏ tuổi, tâm hồn em hồn
nhiên, nhưng lòng em thấm sâu tình yêu nước, em là những chú “đồng chí nhỏ” làm nhiệm vụ giao thông
vượt qua mặt trận, không sợ đạn của giặc, không sợ hiểm nghèo. Những chị phụ nữ trong thơ Tố Hữu là
những chị dân công dù con bế con bồng “em cũng theo chồng đi phá đường quan”, những chị ngày đêm
ra tiền tuyến phục vụ chiến trường. Có những lúc tình cảm của Tố Hữu đi ra ngoài biên giới, nhớ tới em
bé Triều Tiên, nhân dân Triều Tiên đang anh dũng chiến đấu. Tố Hữu yêu em bé Triều Tiên và em bé
Triều Tiên trong thơ Tố Hữu là con của người dân công tải đạn, con của người nữ cứu thương, con của
anh bộ đội “mặt đen khói đạn, chặn đường giặc lui”.
Tố Hữu để hết tấm lòng yêu nước, yêu Ðảng, yêu dân vào một người, người anh hùng kiệt xuất, người
lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và của Ðảng: Hồ Chủ tịch. Trong bài “Sáng tháng Năm”, hình ảnh Hồ Chủ tịch
là hình ảnh của người cha thân yêu và hiền từ, là hình ảnh chói lọi làm “trong sáng lòng anh xung kích”,
làm “vững tay người chiến sĩ nông thôn”, vững tay anh công nhân quốc phòng, em học sinh đốt đuốc đến
trường làng và “các chị dân công mòn đêm vận tải”.
Lãnh tụ của chúng ta vĩ đại, vì Người là biểu hiện tập trung nhất những đức tính cao quý của dân tộc. Tố
Hữu ca tụng lãnh tụ qua tình cảm của quần chúng đối với lãnh tụ.
Giọng của Người không phải sấm trên cao Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước … Người là Cha là
Bác là Anh Quả tim lớn lọc trăm giòng máu nhỏ
Qua những bài thơ ca tụng lãnh tụ, Tố Hữu đã tăng cường lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp của
dân tộc dưới lá cờ vinh quang của Hồ Chủ tịch.
Ngoài bài “Sáng tháng Năm”, trong những bài thơ khác cũng như hình ảnh người chiến sĩ, hình ảnh của
Hồ Chủ tịch vĩ đại bao giờ cũng là hình ảnh tươi sáng nhất, bao trùm tất cả.
Ðiều làm người đọc thông cảm nhất với hình ảnh những người con yêu quý của nhân dân ta trong thơ Tố
Hữu là những hình ảnh ấy gắn chặt với đất nước, dân tộc, quê hương. Ðây chính là phần mà thơ Tố Hữu
hấp dẫn bạn đọc nhiều nhất, nâng cao tình cảm của chúng ta nhiều nhất. Và đây cũng chính là phần sáng

tác tươi nhất trong tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Ðọc thơ Tố Hữu, chúng ta càng tin tưởng nhân dân ta
anh hùng, đất nước ta đẹp đẽ, quê hương ta đầm ấm.
Hình ảnh vĩ đại của Hồ Chủ tịch là hình ảnh rộng lớn của đất nước:
Bác ngồi đó lớn mênh mông Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non
Bên cạnh hình ảnh bộ đội gặp nhau lưng đèo Nhe là:
Cánh đồng quê tháng mười Thơm nức mùa gặt hái Người chiến sĩ trên chiến trường Tây Bắc Mỗi bước,
vàng theo đồng lúa chín Lửa vui từng mái nứa tươi xanh
Và còn cảnh nào đẹp hơn khi chiến sĩ chiến thắng trở về:
Anh về cối lại vang rừng Chim reo quanh mái, gà mừng dưới sân Anh về sáo lại ái ân Ðêm trăng hò hẹn
trong ngần tiếng ca
Em Lượm, em bé giao thông anh dũng hy sinh vì nhiệm vụ, thi sĩ lặng người lại trước “một giòng máu
tươi”, nhưng em Lượm hy sinh mà em Lượm không chết. Tố Hữu đặt em Lượm nằm trên cánh đồng lúa
vàng rượi, tượng trưng cho lẽ sống:
Cháu nằm trên lúa Tay nắm chặt bông Lúa thơm mùi sữa Hồn bay giữa đồng
Người chiến sĩ anh dũng tuyệt vời của chúng ta ở trên chiến trường một khi ngã xuống:
Máu của anh chị, của chúng ta, không uổng Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam Mường Thanh, Hồng
Cúm, Him Lam Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng
Ðất nước và con người, cảnh và người đối với Tố Hữu không thể xa rời, nhưng đất nước tốt đẹp là do
người làm nên, cảnh vật vui tươi cũng là do người quyết định. Ðối với Tố Hữu cảnh vật đất nước của
chúng ta bao giờ cũng vui cũng tươi cũng đẹp và cái vui tươi trong thơ Tố Hữu bao giờ cũng biểu hiện
một lòng tin vững chắc ở tương lai, vì nhân dân chúng ta chiến đấu ngày nay đã nhìn thấy thắng lợi ngày
mai. Tinh thần lạc quan cách mạng tươi sáng ấy xuất phát từ lòng thiết tha yêu nước và lòng tin tưởng ở
quần chúng đã tác động mãnh liệt đến người đọc.
Trước cảnh chết, “Giữa thành phố trụi,” thi sĩ nhìn thấy mầm sống, thấy sức mạnh, sức mạnh ấy bản thân
cảnh vật không có, mà do chúng ta xây dựng nên:
Bàn tay đã nắm lời thề Ra đi quyết phá, ngày về sẽ xây Từ trong đổ nát hôm nay Ngày mai đã đến từng
giây từng giờ
Bài thơ “Ta đi tới” đã diễn tả nhân dân vui sướng, quang cảnh tưng bừng của hoà bình, của thắng lợi vĩ
đại sau 8, 9 năm kháng chiến. Cảnh và người hoạt động sau thắng lợi của hoà bình ăn nhịp với nhau, con
người của chúng ta anh dũng, đất nước của chúng ta đẹp đẽ vô cùng. Cảm xúc của Tố Hữu rạt rào trên

rừng cọ, đồi chè, bến đò, trên những cánh đồng phì nhiêu bát ngát, cảm xúc của Tố Hữu vào tận đáy lòng
của mỗi người. Vui quá, thi sĩ như muốn nhảy lên, ôm lấy mọi người, hát lên tiếng hát thắng lợi, nói lên
tiếng nói của mỗi dân tộc anh hùng.
Nhưng còn nửa nước ta chưa giải phóng. Trong nỗi vui mừng của thi sĩ sáng lên lòng tin tưởng ở sự thống
nhất nước nhà:
Dù ai nói ngả nói nghiêng, Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân Dù ai rào rậu ngăn sân Lòng ta vẫn giữ
là dân Cụ Hồ Sáng lên sức mạnh của dân tộc ta: Ta đi tới trên đường ta bước tiếp Rắn như thép, vững
như đồng Ðội ngũ ta trùng trùng điệp điệp Cao như núi, dài như sông Chỉ ta lớn như biển Ðông trước
mặt!
Cảm xúc của Tố Hữu đối với những con người, đối với đất nước, Tổ quốc quê hương còn đằm thắm hơn
một khi nó biểu hiện lên như tình yêu vợ chồng, tình mẹ con.
Ðối với anh bộ đội ra tiền tuyến xa xôi “yêu bầm, yêu nước, cả đôi mẹ hiền”.
Việt Bắc là nơi chôn rau cắt rốn của cách mạng, là căn cứ địa của kháng chiến. Hòa bình trở lại, Chính
phủ, Trung ương Ðảng về Hà Nội. Mỗi người chúng ta đều nhớ Việt Bắc, nhớ những bà mẹ, những người
chị đã nuôi nấng chúng ta, nhớ anh du kích đã dẫn đường cho chúng ta, nhớ núi rừng đã giúp ta chặn tay
giặc, nhớ suối, nhớ nương, nhớ rẫy, nhớ những bãi rừng xanh hoa chuối đỏ tươi, những ngày xuân hoa
mai nở trắng. Nỗi nhớ nhung ấy đối với Tố Hữu âu yếm lạ lùng. Trong những lời nhắn nhủ say tình của
bài “Việt Bắc”, chúng ta không còn phân biệt Việt Bắc và Tố Hữu, tiếng nói của Việt Bắc và của Tố Hữu
là của hai người, nhưng nó lại nằm trong một người. Và thắm thiết gì hơn khi nỗi nhớ nhung ấy biến
thành nỗi nhớ nhung của đôi trai gái yêu nhau hàng chục năm ròng mà phải xa cách!
Ta với mình, mình với ta Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh Mình đi mình lại nhớ mình Nguồn bao
nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu Nhớ gì như nhớ người yêu
Tố Hữu, nhà thơ của chúng ta, đưa tình yêu vào trong thơ để nói lên lòng yêu chân thành đối với Tổ quốc
với đất nước. Tình yêu đối với Tố Hữu cũng như đối với tất cả những người chiến sĩ cách mạng không
phải là mục đích mà nó là động cơ cách mạng. Nói đến tình yêu trong tập thơ Việt Bắc, chúng ta không
quên nhắc đến những bài thơ dịch của Tố Hữu “Ðợi anh về”, “A-lê-sa nhớ chăng” (của Ximô-nôp). Tố
Hữu cảm thông với thi sĩ Ximô-nôp và đồng thời giới thiệu với chúng ta những tình yêu cách mạng. Con
người cách mạng là con người xúc cảm nhất, con người biết yêu đằm thắm và cũng biết cách giữ gìn và
bảo vệ tình yêu ấy, tình yêu ấy là động cơ thúc đẩy chúng ta thêm mạnh trên đường chiến đấu bền bỉ và
lâu dài.

Bộ đội, cán bộ nhân dân thích đọc thơ Tố Hữu, nhớ thơ Tố Hữu, vì thơ Tố Hữu đã nói lên khá mãnh liệt
tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu Tổ quốc, khêu gợi trong lòng chúng ta sức tin tưởng ở chúng ta, ở
những con người lao động đã chiến đấu, sản xuất và đang xây dựng, bồi dưỡng thêm tinh thần lạc quan
cách mạng của chúng ta của nhân dân ta, vì thơ Tố Hữu đã hun đúc thêm chí căm thù, nâng cao chí khí
chiến đấu của chúng ta quyết tâm bảo vệ quê hương và đất nước.
Nhưng đọc tập thơ Việt Bắc, chúng ta chưa thỏa mãn. Tuy ca tụng người chiến sĩ bộ đội là Tố Hữu đã ca
tụng người nông dân, tình cảm, sức mạnh của người chiến sĩ trong thơ Tố Hữu là tình cảm, sức mạnh của
người nông dân, những bà mẹ, những người chị, người vợ trong thơ Tố Hữu là những nông dân lao động,
nhưng chúng ta muốn những người nông dân lao động sản xuất ở hậu phương được nêu cụ thể hơn. Trong
tập thơ Việt Bắc, hình ảnh người nông dân sản xuất bị mờ đi trong những tình cảm chung ca tụng đất
nước, quê hương. Tuy trong tất cả những bài thơ của Tố Hữu đã nói lên tư tưởng của giai cấp công nhân,
đường lối chỉ đạo của Ðảng, ca tụng Hồ Chủ tịch, nhưng như vậy vẫn chưa đủ, chúng ta muốn hình ảnh
Ðảng tiên phong của dân tộc, người công nhân được nêu cụ thể hơn, đầy đủ hơn, chúng ta rất tiếc rằng Tố
Hữu chưa nói lên hộ lòng biết ơn, sức tin tưởng của hàng chục triệu con người đảng viên và quần chúng
đối với Ðảng tiên phong của giai cấp công nhân, Tố Hữu chưa ghi lại cho chúng ta hình ảnh của người
công nhân trên các ngành hoạt động luôn luôn nêu cao chí khí phấn đấu, khắc phục khó khăn, chưa ghi lại
cho chúng ta hình ảnh người nông dân đã vươn mình dậy đánh đổ thế lực của giai cấp địa chủ. Chống đế
quốc và chống phong kiến là hai nhiệm vụ không thể tách rời trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Trong
cuộc đấu tranh chống phong kiến hiện nay của hàng triệu nông dân đang diễn ra gay go ở nông thôn,
chúng ta hy vọng ở Tố Hữu những bài thơ nói lên khí thế của nông dân, cũng như Tố Hữu đã ca tụng khí
thế của người chiến sĩ ngoài mặt trận.
Thời đại của chúng ta đẹp đẽ vô cùng, sinh hoạt hàng ngày của quần chúng muôn màu muôn vẻ, tình cảm
của quần chúng thật dồi dào và chúng ta đang ở trong một thời đại biến chuyển dồn dập. Những màu sắc
ấy, những tình cảm ấy Tố Hữu đã cố ghi lại một phần nào nhưng những màu sắc và tình cảm ấy ở một số
bài thơ trong tập thơ Việt Bắc chưa được thể hiện cụ thể. Bài “Ðời đời nhớ Ông” mới nói lên những tình
cảm chung, nó chưa đi vào tình cảm, hành động cụ thể của nhân dân, nó chưa biểu hiện lên được lực
lượng của quần chúng trong sự đau xót xé ruột xé gan khi nghe Sta-lin mất. Hòa bình lập lại, sung sướng
nhất là những người lao động sản xuất, những người nông dân vùng tự do cũ cũng như vùng mới giải
phóng. Nỗi sung sướng ấy nói lên chưa được hả dạ trong bài “Ta đi tới”. Hà Nội sống tủi nhục dưới ách
thực dân và phong kiến, tinh thần chiến đấu, chịu đựng của nhân dân Hà Nội, tinh thần quật khởi của

công nhân thủ đô đáng lẽ phải được nói lên đầy đủ hơn, rõ ràng hơn trong một bài thơ như bài “Lại về”…
Những bài thơ đăng trong tập thơ Việt Bắc đã nói lên một phần tình cảm tốt đẹp nhất của con người mới
của một thời đại mới, dưới một chế độ mới. Tình yêu thiết tha của Tố Hữu đối với quê hương, đất nước,
Tổ quốc, lòng tin tưởng vững bền, tinh thần lạc quan cách mạng bao trùm tập thơ của Tố Hữu đã từng
kích thích chúng ta trong những năm chiến đấu gay go gian khổ nhất, cũng như trong cuộc đấu tranh ái
quốc gay go và phức tạp hiện nay. Ðọc tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu chúng ta được nuôi dưỡng thêm tinh
thần và tình cảm mạnh mẽ đó. Về mặt nghệ thuật thì những thành công đó chính là những thành công
của chủ nghĩa hiện thực cách mạng, của chủ nghĩa nhân đạo cách mạng trong thơ.
Tố Hữu là một thi sĩ cộng sản. Tập thơ Việt Bắc trào lên lòng yêu nước nồng thắm chứng tỏ thêm một
nguyên lý: những người cộng sản là những người tha thiết yêu mến Tổ quốc của mình, yêu mến nhân dân
của mình và suốt đời tận tụy đấu tranh cho sự nghiệp của dân tộc.

×