Tải bản đầy đủ (.pdf) (16 trang)

những câu chuyện cảm động về tình người

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (87.46 KB, 16 trang )

Những câu chuyện cảm động về tình người
Sưu tầm từ: vnthuquan. net
Mục lục:
1. Điều ước đêm Giáng Sinh
2. Anh có giúp tôi?
3. Bãi đậu xe ngày Tết
4. Cậu bé chờ thư
5. Câu chuyện bát mì
6. Mẹ lạnh lắm phải không?
7. Một câu chuyện cảm động
1. Điều ước đêm Giáng Sinh
Alan. D. Shultz
Khi bé Ami Hagadom vòng qua góc phòng họp bên cạnh lớp học, cô bé không để ý nên va phải một cậu bé
học lớp 5 đi ngược lại.
Cậu này hét vào mặt cô bé : "Đi đứng thế hả, đồ dị hợm", sau đó với ánh mắt giễu cợt, cậu ta nhấc chân
phải lên và bắt chước dáng đi cà nhắc của Amy.
Bị xúc phạm, nhưng cố hết sức, Amy tự nhủ "kệ xác hắn" và lầm lũi bước về lớp học. Thế nhưng khi đi học
về, Amy cứ nghĩ mãi về hành động của đứa bé kia, và cậu ta không phải là đứa duy nhất. Kể từ lúc học lớp
3, Amy đã phải chịu đựng những lời giễu cợt của các bạn về cách phát âm và cái chân cà nhắc của mình.
Amy cảm thấy tủi thân, trong phòng học đầy bạn bè, nhưng cô bé lúc nào cũng thấy mình đơn độc.
Bữa ăn tối hôm đó, Amy chẳng nói một lời nào. Mẹ cô bé đoán ngay là đã có gì không hay xảy ra. Để giúp
bé vui hơn, bà thông báo : "Amy này, có một cuộc thi về điều ước Đêm Giáng sinh. Hãy viết thư cho ông già
Noel và con có cơ hội đạt giải thưởng. Mẹ nghĩ cô bé tóc vàng đang ngồi trên bàn ăn có thể tham gia đấy. "
Amy cười khúc khích, cuộc thi có vẻ thú vị. Amy bắt đầu miên man suy nghĩ về điều ước của mình.
Chợt cô bé mỉm cười, biết mình phải ước gì. Lấy giấy và bút chì, cô bé bắt đầu viết về điều ước của mình
bằng câu "Kính gửi ông già Noel".
Cả nhà bắt đầu đoán già đoán non Amy sẽ ước gì, chị Amy - Jamine và mẹ cô đoán Amy sẽ ước con búp bê
có 3 chân, bố Amy lại đoán là một cuốn sách hình. Còn Amy thì vẫn giữ bí mật. Đây là bức thư Amy gửi ông
già Noel.
"Kính gửi ông già Noel,
Cháu tên là Amy. Năm nay cháu 9 tuổi. Cháu có chuyện khó xử ở trường. Ông có thể giúp cháu không ?


Các bạn luôn chế giễu cách cháu phát âm và cái chân cà nhắc của cháu. Cháu bị bệnh liệt não. Cháu chỉ
ước một ngày không bị cười nhạo. . .
Thương yêu ông
Cháu Amy"
Hôm ấy tại đài phát thanh WJTL ở Fort Wayne, bang Indiana, rất nhiều thư từ khắp nơi đổ về tham gia cuộc
thi "Điều ước đêm Giáng sinh. Nhân viên đài đôi khi phải bật cười vì những món quà khác nhau mà các cô
bé, cậu bé mong ước.
Đến lá thư của Amy, giám đốc Lee Tobin đọc đi đọc lại mãi. Ông biết liệt não là một căn bệnh rối loạn cơ,
mà bạn bè của Amy chắc chẳng thể nào hiểu được. Ông cho rằng, cần phải cho mọi người ở Fort Wayne
nghe về câu chuyện đặc biệt của cô bé học lớp 3 và điều ước khác thường của cô. Ông nhấc máy gọi một
tờ báo địa phương đến.
Ngày hôm sau, hình Amy và lá thư cô bé gửi ông già Noel xuất hiện trên trang nhất của tờ News Sentinel.
Câu chuyện nhanh chóng lan nhanh. Trên cả nước, báo chí, đài phát thanh và truyền hình đều tường thuật
về câu chuyện của cô bé ở Fort Wayne, Indiana, cô bé chỉ mong một món quà đơn giản nhưng đầy ý nghĩa
của đêm Giáng Sinh - một ngày không bị cười nhạo.
Hôm ấy như thường lệ bưu tá lại đến nhà Hagadorn. Rất nhiều thư được gửi cho Amy, cả trẻ em và người
lớn trên khắp nước Mỹ. Đó là nhưng thiệp mừng hoặc những lời động viên khích lệ.
Suốt mùa Giáng sinh, hơn 2 ngàn người trên khắp thế giới đã gửi đến cho Amy những lá thư thân ái và
động viên. Cả nhà Amy đọc từng lá thư một. Một số viết rằng họ cũng bị tật và bị chế giễu khi còn nhỏ. Mỗi
lá thư là một lời nhắn gửi đặc biệt. Thông qua những lá thư và thiệp của mọi người, Amy phát hiện ra một
thế giới toàn những bạn bè thực sự quan tâm và lo lắng cho nhau. Cô bé nhận ra rằng, không còn bất cứ
lời chế giễu nào có thể làm cho cô cảm thấy bị bỏ rơi.
Nhiều người đã cảm ơn Amy đã dám mạnh dạn bày tỏ mong ước của mình. Những người khác động viên
Amy bỏ ngoài tai những lời chế nhạo và phải luôn luôn ngẩng cao đầu. Lynn - một cô bé học lớp 6 ở Texas,
đã gửi cho Amy : "Mình muốn làm bạn của cậu và nếu cậu muốn thăm mình, chúng ta có thể chơi đùa với
nhau. Không ai có thể cười cợt chúng ta, và dù họ có làm như thế, chúng mình cũng chẳng thèm nghe. "
Amy đã có một điều ước thật đặc biệt không bị giễu cợt ở trường tiểu học South Wayne. Hơn thế, tất cả mọi
người ở trường được thêm một bài học. Cả thầy và trò cùng nói chuyện với nhau về việc chế nhạo đã làm
cho người khác cảm thấy bị tổn thương như thế nào.
Năm đó, thị trưởng Fort Wayne chính thức tuyên bố ngày 21/12 là ngày Amy Jo Hagadorn trên khắp thành

phố. Thị trưởng giải thích rằng, bằng cách dám đưa ra một điều ước đơn giản như thế, Amy đã dạy cho mọi
người một bài học.
Thị trưởng phát biểu rằng "Mọi người đều mong muốn và xứng đáng được người khác đối xử tôn trọng,
thân ái và quý mến".
2. Anh có giúp tôi?
Trần Xuân Hải dịch
Vào năm 1989 tại Armenia có một trận động đất lớn 8, 2 độ Richter đã san bằng toàn bộ đất nước và giết
hại hơn ba mươi ngàn người trong vòng chưa đầy bốn phút.
Giữa khung cảnh hỗn loạn đó, một người cha chạy vội đến trường học mà con ông đang theo học. Tòa nhà
trước kia là trường học nay chỉ còn là đống gạch vụn đổ nát.
Sau cơn sốc, ông nhớ lại lời hứa với con mình rằng "Cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa, cha sẽ luôn ở bên
con!" Và nước mắt ông lại trào ra. Bây giờ mà nhìn vào đống đổ nát mà trước kia là trường học thì không
còn hy vọng. Nhưng trong đầu ông luôn nhớ lại lời hứa của mình với cậu con trai.
Sau đó ông cố nhớ lại cửa hành lang mà ông vẫn đưa đứa con đi học qua mỗi ngày. Ông nhớ lại rằng
phòng học của con trai mình ở phía đằng sau bên tay phải của trường. Ông vội chạy đến đó và bắt đầu đào
bới giữa đống gạch vỡ.
Những người cha, người mẹ khác cũng chạy đến đó và từ khắp nơi vang lên những tiếng kêu than "Ôi, con
trai tôi!", "Ôi, con gái tôi!". Một số người khác với lòng tốt cố kéo ông ra khỏi đống đổ nát và nói đi nói lại:
"Đã muộn quá rồi!"
"Bọn nhỏ đã chết rồi!"
"Ông không còn giúp được gì cho chúng nữa đâu!"
"Ông hãy về đi!"
"Ông đi đi, không còn làm được gì nữa đâu!"
"Ông chỉ làm cho mọi việc khó khăn thêm thôi!"
Với mỗi người, ông chỉ đặt một câu hỏi "Anh có giúp tôi không?" Và sau đó với từng miếng gạch, ông lại tiếp
tục đào bới tìm đứa con mình. Đến đó có cả chỉ huy cứu hỏa và ông này cũng cố sức khuyên ông ra khỏi
đống đổ nát "Xung quanh đây đều đang cháy và các tòa nhà đang sụp đổ. Ông đang ở trong vòng nguy
hiểm. Chúng tôi sẽ lo cho mọi việc. Ông hãy về nhà!" Người đàn ông chỉ hỏi lại "Ông có giúp tôi không?"
Sau đó là những người cảnh sát và họ cũng cố thuyết phục ông ta "Ông đang xúc động. Đã xong hết rồi.
Ông đang gây nguy hiểm cho cả những người còn lại. Ông về đi. Chúng tôi sẽ lo cho mọi việc!" Và với cả

họ ông cũng chỉ hỏi "Các anh có giúp tôi không?" Nhưng không ai giúp ông cả. Ông tiếp tục chịu đựng một
mình, vì ông phải tự mình tìm ra câu trả lời cho điều day dứt ông: Con trai tôi còn sống hay đã chết?
Ông đào tiếp. . . 12 giờ. . . 24 giờ. . . , sau đó ông lật ngửa một mảng tường lớn và chợt nghe tiếng con trai
ông. Ông kêu lớn tên con "Armand!" Ông nghe "Cha ơi?! Con đây, cha! Con nói với các bạn đừng sợ vì
nếu cha còn sống cha sẽ cứu con và khi cha cứu con thì các bạn cũng sẽ được cứu. Cha đã hứa với con là
dù trường hợp nào cha cũng ở bên con, cha còn nhớ không? Và cha đã làm được, cha ơi!!"
"Có chuyện gì xảy ra vậy? Ở đó ra sao rồi?" Người cha hỏi.
"Tụi con còn lại 14 trên tổng số 33, cha ạ. Tụi con sợ lắm. Đói, khát… Nhưng bây giờ tụi con đã có cha ở
đây. Khi tòa nhà đổ, ở đây tạo ra một khoảng không nhỏ và thế là tụi con còn sống. "
"Ra đây đi con!"
"Khoan đã cha! Để các bạn ra trước, con biết rằng cha không bỏ con. Có chuyện gì xảy ra con biết là cha
chắc chắn sẽ không bỏ rơi con!"
3. Bãi đậu xe ngày Tết
Khuyết Danh
Lần đầu tiên trong bao nhiêu cái Tết, tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm vì năm nay đã chuẩn bị mọi thứ xong trước
đến 3 tuần. Đỡ phải đâm bổ vào các cửa hàng đông đúc để tranh nhau những món đồ giảm giá. Vui hơn cả
là ở cửa hàng chỗ tôi làm thêm ngoài giờ học, họ còn phát cho 50 đôla tiền thưởng. Tôi quyết định sẽ mua
một thứ gì đó cho riêng mình. Thế là tôi đến siêu thị.
Trời rét. Tuyết rơi rất dày. Bãi đậu xe đông nghẹt từ đầu đến cuối nên tôi phải đi đến hai vòng mới tìm được
một chỗ.
Đỗ xe xong, tôi chợt nhận thấy một người đàn ông chống nạng đang cố ra khỏi xe ôtô. Ông ta đậu xe ở khu
dành cho người tàn tật. Tôi cũng thấy một cảnh sát giao thông đang tiến gần đến ông ta.
Viên cảnh sát nói với người đàn ông chống nạng rằng ông ta không thể đậu xe trong khu vực này vì xe ông
ta không gắn thẻ đặc biệt dành cho những người tàn tật. Người đàn ông thì cố gắng giải thích rằng mình
mới đậu xe trong khu này lần đầu tiên và ông ta không thể chống nạng đi trên tuyết trơn. . .
Viên cảnh sát có vẻ bực:
- Cũng được thôi, ông đậu xe ở đây được thì ông có thể đi nộp phạt được! 75 đôla!
Nói rồi, anh ta rút tập giấp phạt trong túi ra. Người đàn ông chống nạng vội khẩn khoản:
- Tôi sẽ lái xe ra chỗ khác. . .
- Không, tôi đã cho ông cơ hội, còn bây giờ thì không – Viên cảnh sát nghiêm khắc.

Người đàn ông tiếp tục năn nỉ rằng ông ta không đủ tiền nộp phạt. Trong túi ông chỉ có đúng 50 đôla để
mua một món quà năm mới cho con trai mình. Viên cảnh sát nhún vai, đưa chiếc thẻ phạt cho người đàn
ông:
- Thế à? Kiếm thêm 25 đôla nữa là đủ trả tiền phạt! Chúc mừng năm mới!
Nói xong, anh ta bỏ đi, để người đàn ông đứng cạnh chiếc xe, tay cầm tờ biên lai phạt 75 đôla, trông rất khổ
sở. Tôi nghĩ đến tờ 50 đôla trong túi áo và biết ngay mình nên làm gì.
Tôi đập vào vai ông:
- Tôi xin lỗi đã nghe hết mọi chuyện. Anh cảnh sát kia thật là. . .
Và tôi đưa cho người đàn ông 50 đôla của mình. Người đàn ông lắc đầu quầy quậy:
- Không không, tôi làm sao nhận được! Thật là không phải chút nào!
- Anh cứ nhận đi – Tôi dúi tờ tiền vào tay anh ta – Có lần tôi đã đậu xe trong khu vực dành riêng cho người
tàn tật chỉ vì ngại vào bãi đậu xe bình thường quá đông đúc. Lần đó không ai để ý mà phạt tôi mặc dù tôi
đáng bị như thế. Anh cứ cầm lấn tiền và mua một món quà cho cậu bé ở nhà!
Một khoảnh khắc im lặng. Người đàn ông nhìn tờ 50 đôla rồi nhìn tôi. Mắt đỏ hoe, người đàn ông bắt tay tôi
và thế là tôi đã nhận được lời chúc năm mới chân thành nhất.
4. Cậu bé chờ thư
Louise Baker
Hồi đó tôi làm giáo sư một trường trung học con trai. Một học sinh tên là Bob, trái hẳn với các bạn, không
bao giờ nhận được một bức thư nào cả. Vậy mà buổi chiều nào em cũng mau chân nhất, chạy lại chỗ đặt
các hộc riêng chăm chú ngó vào hộc của em cho tới khi thư phát hết rồi mới quay ra.
Không phải là gia đình em quên em đâu. Tiền ăn ở trong trường, tiền tiêu vặt của em vẫn gởi tới đều đều
đúng hạn. Tháng sáu, ông Hiệu trưởng nhận được thư xin cho em đi nghỉ ở một trại hè. Thì ra viên thư ký
của thân phụ em lãnh nhiệm vụ lo cho em tất cả những chi tiết dó.
Nhưng song thân em không ai viết cho em một bức thư nào cả. Khi em kể lể với tôi rằng ba má em đã ly
thân nhau, tôi mới hiểu tất cả nguyên do. Và tội nghiệp em, em vẫn tiếp tục trông thư một cách tuyệt vọng.
Tôi thường đem tình cảm sầu thảm của em ra nói với một ông bạn đồng nghiệp, ông Joe Hargrove. ông ấy
bảo:
- Nếu em đó ít lâu nữa mà không nhận được bức thư nào cả thì đáng ngại cho em lắm, có thể tai hại.
Thế rồi một bạn học thân nhất của em, tên là Laurent nảy ra một sáng kiến. Laurent ở trong một gia đình
hòa thuận, có hạnh phúc, tuần nào cũng nhận được nhiều bức thư của cha mẹ, cả của anh chị em nữa.

Một hôm Bob rầu rĩ ngó xấp thư Laurent cấm trong tay. Laurent thấy vậy, bảo ngay:
- Bob, vô trong phòng tôi di, tôi đọc thư của má cho Bob nghe.
Một lát sau tôi thấy hai em ngồi sát nhau cùng bàn tán về bức thư đó. Chiều hôm sau tôi nhận thấy khi phát
thư, Bob chẳng những ngó hộc của em mà còn ngó hộc của Laurent nữa. Bob hỏi bạn:
- Lại có thư của má anh nữa hả?
- Không, hôm nay là thư của chị tôi.
Rồi Bob hỏi một bạn khác:
- Anh có thư của má anh không?
- Có !
- Anh cho tôi đọc chung với nhé?
- Ừ! Để tôi đọc lớn tiếng lên nhé!
Từ hôm đó, Bob tha hồ đọc thư của bạn. Khắp tứ phía nhao nhao lên:
- Ê, Bob, hôm nay muốn đọc thư của má không?
Tụi con trai đôi khi có vẻ tàn nhẫn, không giữ ý gì cả, nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy một em nào thốt một
lời mỉa mai bóng gió hay chế giễu gì em Bob cả. Một hôm tôi kinh ngạc nghe em Bob tự do hỏi ngay
Laurent:
- Hôm nay chúng mình có thư không?
Như vậy có dễ thương không chứ! Nên thưởng cho các em nhiều kẹo, nhiều bi mới phải ! Laurent mỉm
cười đáp liền, không hề do dự:
- Có, hôm nay chúng mình có một bức.
Chuyện đó làm cho ông Joe Hargrove quyết tâm hành động. Tôi thì tôi cho má em Bob là hạng người ra
sao rồi. Nhưng ông Joe đã gặp bà ta nhiều lần, định làm liều xem sao. Một hôm ông ta lại kiếm tôi, tay cầm
sáu bức thư đánh máy và sáu bao thư đề địa chỉ của Bob, dán cò sẵn sàng. ông ta bảo:
- Coi này, tôi gởi cho bà Lennoux đây. Bà ta chỉ cần ký tên: "Má của con" rồi mỗi tuần bỏ một bức vào thùng
thư.
Tôi đọc những bức thư đó. Viết được lắm, ít bữa sau, Bob cũng lại ngong ngóng đợi ở chỗ đặt các hộc
riêng, nhưng chú hết ý vào cái hộc của Laurent. Bỗng học sinh lãnh việc phát thư, la lên:
- Ê, Bob, mày có thư này ! Có thư này!
Bob nhẹ nhàng đưa hai tay lên, cử chỉ y hệt một thiên thần đương cầu nguyện, để đỡ lấy bức thư. Em nói,
như thể vẫn chưa tin:

- Ờ có tên tôi ngoài bao thư nè!
Rồi em la lên:
- A ! Tôi cũng có thư! Tôi cũng có thư! Anh em ơi, có ai muốn đọc thư của tôi không?
Những đứa khác cũng vui mừng, đồng thanh la lớn:
- Có ! Có ! Bob, đọc thư của bồ lên, đọc lên?
Cuộc phát thư tức thì tạm ngưng lại. Chúng đun Bob lên cho đứng trên một cái bàn rồi cả bọn vây chung
quanh. Bob ngập ngừng đọc:
- Con cưng của má !
Rồi ngẩng lên nói:
- Tôi không đọc nhanh được !
Laurent bảo:
- Không sao, Bob! Cứ đọc chầm chậm, càng tốt. Đọc chậm mới hiểu rõ từng chữ chớ.
Và Bob chậm chạp đọc bức thư đó, lời lẽ âu yếm như bức thư của bất kỳ bà mẹ nào gởi cho con.
Tháng sáu, buổi phát phần thưởng, tôi thấy má em Bob lại dự. Tôi không ngạc nhiên về điều đó vì, sau khi
gởi hết mấy bức thư ông Joe viết sẵn cho rồi, bà ta đích thân viết cho con, quả là một phép màu ! Bob đã
cho tôi coi bức thư bà báo trước sẽ tới dự buổi lễ. Phát phần thưởng xong, bà ta kéo tôi ra một chỗ, hỏi tôi:
- Bà thấy thư tôi viết cho cháu được không?
- Được lắm!
Bà ta nói tiếp giọng hơi ngập ngừng:
- Tôi nhờ bà nói về tôi cho cháu Bob nghe. . .
- Vợ chồng tôi đã hòa thuận với nhau hơn trước, và chúng tôi tính với nhau nghỉ hè này cho cháu về nhà,
và. . . chúng tôi sẽ tìm cách hiểu cháu hơn.
- Xin bà yên tâm, tôi sẽ hết sức giúp bà.
Tôi có cần gì nói thêm rằng không có công việc nào làm cho tôi vui bằng công việc đó không?
5. Câu chuyện bát mì
Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật,
chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì". Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31/12, một ngày
cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.
Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho đến ngày đó công việc
làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào

nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố
trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ.
Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách
như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ
nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào. đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa
mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.
- Xin mời ngồi!
Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:
- Có thể. . . cho tôi một… bát mì được không?
Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.
- Đương nhiên… đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.
Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:
- Cho một bát mì.
Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau.
“Ngon quá” - thằng anh nói.
- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.
Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: “Thật là ngon ! Cám ơn
!” rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.
- Cám ơn các vị ! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.
Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm
mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười
giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo
hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.
- Có thể… cho tôi một… bát mì được không?
- Đương nhiên… đương nhiên, mời ngồi!
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:
- Cho một bát mì.
Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:
- Vâng, một bát mì!
Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:

- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?
- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.
Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: “Trông
bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!”
Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo
luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.
- Thơm quá!
- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!
- Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!
Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.
- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!
Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.
Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn
đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác
gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm
bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”.
Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy “Đã đặt chỗ”. Đúng 10g30, ba mẹ con xuất
hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai,
đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đêu đã lớn rất nhiều.
- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.
Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:
- Làm ơn nấu cho chúng tôi…hai bát mì được không?
- Được chứ, mời ngồi bên này!
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy “Đã đặt chỗ” đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai
bát mì”
- Vâng, hai bát mì. Có ngay.
Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.
Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm
nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.
- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!

- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?
- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ
bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp
năm mươi ngàn đồng.
- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.
Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.
- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!
- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?
- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm
mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn
thiếu mẹ đã nộp hết rồi.
- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.
- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!
- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!
- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một,
trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một
bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn
toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.
- Có thật thế không? Sau đó ra sao?
- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và
được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: “Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh
nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc”. Đến cả việc hàng ngày con
phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: “Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon.
Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới
vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ
nhàng hơn”. Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ
tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: “Cố gắng lên ! Chúc
hạnh phúc ! Cám ơn !”
Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.
- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài

lời.
- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?
- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: “Cám ơn sự quan tâm và thương
yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt
động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi
em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay
mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được… Anh em
con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan
tâm giúp đỡ cho em con. ”
Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300
đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán
nói với theo:
- Cám ơn! Chúc mừng năm mới!
Lại một năm nữa trôi qua.
Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy “Đã đặt chỗ” nhưng ba mẹ con vẫn không
thấy xuất hiện.
Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn
của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới
nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.
“Việc này có ý nghĩa như thế nào?” Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã
hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính
giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để
tiếp đón họ. Bàn số hai “cũ” trở thành “cái bàn hạnh phúc”, mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này.
Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua.
Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc
Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là
thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn
sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn
chục người. Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ
đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn

bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm
một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như
người nhà.
Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh
niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt
trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp
thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên.
Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:
- Làm ơn… làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?
Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện
về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba
người khách, lắp lắp nói:
- Các vị… các vị là…
Một trong hai thanh niên tiếp lời:
-Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự
khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lực để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển
đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi
của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng.
Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn
em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của
Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con
cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.
Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào
đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:
- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt
này đó sao ? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!
Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:
- Ồ phải… Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.
Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:
- Có ngay. Ba bát mì.

Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài câu nói chân thành mang
tính khích lệ, động viên chúc mừng. Với xã hội năng động ngày nay, con người dường như có một chút gì
đó lạnh lùng, nhẫn tâm. Nhưng từ câu chuyện này, tôi đi đến kết luận rằng : chúng ta không nên chịu ảnh
hưởng của hoàn cảnh xung quanh, chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể
đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi. Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều
ẩn chứa một tấm lòng nhân ái. Hãy mở kho tàng ấy ra và thắp sáng nó lên dù chỉ là một chút ánh sáng yếu
ớt , nhưng trong đêm đông giá rét thì nó có thể mang lại sự ấm áp cho mọi người.
Câu chuyện này xuất hiện làm xúc động không ít độc giả Nhật Bản. Có người nhận xét rằng : "Đọc xong câu
chuyện này không ai không rơi nước mắt. " Đây chỉ là lời nhận xét mang tính phóng đại một chút nhưng nó
không phải là không thực tế. Quả thật, nhiều người đọc xong câu chuyện đã phải rơi lệ, chính sự quan tâm
chân thành và lòng nhân hậu trong câu chuyện đã làm cho họ phải xúc động.
6. Mẹ lạnh lắm phải không?
Vào một đêm Giáng sinh, một thiếu phụ mang thai lần bước đến nhà một người bạn nhờ giúp đỡ. Con
đường ngắn dẫn đến nhà người bạn có một mương sâu với cây cầu bắc ngang. Người thiếu phụ trẻ bỗng
trượt chân chúi về phía trước, cơn đau đẻ quặn lên trong chị. Chị hiểu rằng mình không thể đi xa hơn được
nữa. Chị bò người phía bên dưới cầu.
Đơn độc giữa những chân cầu, chị đã sinh ra một bé trai. Không có gì ngoài những chiếc áo bông dày đang
mặc, chị lần lượt gỡ bỏ áo quần và quấn quanh mình đưa con bé xíu, vòng từng vòng giống như một cái
kén. Thế rồi tìm thấy được một miếng bao tải, chị trùm vào người và kiệt sức bên cạnh con.
Sáng hôm sau, một người phụ nữ lái xe đến gần chiếc cầu, chiếc xe bỗng chết máy. Bước ra khỏi xe và
băng qua cầu, bà mẹ nghe một tiếng khóc yếu ớt bên dưới. Bà chui xuống cầu để tìm. Nơi đó bà thấy một
đứa bé nhỏ xíu, đói lả nhưng vẫn còn ấm, còn người mẹ đã chết cóng.
Bà đem đưa bé về và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, cậu bé thường hay đòi mẹ nuôi kể lại câu chuyện đã tìm
thấy mình. Vào một ngày lễ Giáng sinh, đó là sinh nhật lần thứ 12, cậu bé nhờ mẹ nuôi đưa đến mộ người
mẹ tội nghiệp. Khi đến nơi, cậu bé bảo mẹ nuôi đợi ở xa trong lúc cậu cầu nguyện. Cậu bé đứng cạnh ngôi
mộ, cúi đầu và khóc. Thế rồi cậu bắt đầu cởi quần áo . Bà mẹ nuôi đứng nhìn sững sờ khi cậu bé lần lượt
cởi bỏ tất cả và đặt lên mộ mẹ mình.
"Chắc là cậu sẽ không cởi bỏ tất cả - bà mẹ nuôi nghĩ - cậu sẽ lạnh cóng!". Song cậu bé đã tháo bỏ tất cả
và đứng run rẩy. Bà mẹ nuôi đi đến bên cạnh và bảo cậu bé mặc đồ trở lại. Bà nghe cậu bé gọi người mẹ
mà cậu chưa bao giờ biết: "Mẹ đã lạnh hơn con lúc này, phải không mẹ?" Và cậu bé òa khóc.

7. Một câu chuyện cảm động
Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy tai trường tiểu học của một thị
trấn nhỏ tại Hoa Kỳ. vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp 5, nhìn cả
lớp và nói cô sẽ yêu thương tất cả các học sinh như nhau. Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được
điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái cô đã từng
biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì
lại quá bẩn thỉu. "Teddy trông thật khó ưa".
Chẳng những thế, cô thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thập rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của
Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài (chữ F là hạng kém). Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo
viên đều phải xem thành tích học tập của từng học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Cô Thompson đã nhét
hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những điều đọc được. Cô
giáo chủ nhiệm lớp 1 đã nhận xét Teddy như sau: "Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ. Học giỏi
và chăm ngoan. . . Em là nguồn vui cho người chung quanh". Cô giáo lớp 2 nhận xét: "Teddy là một học
sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống gia đình thật sự
là một cuộc chiến đấu". Giáo viên lớp 3 ghi: "Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã
cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em
nếu em không được giúp đỡ". Giáo viên chủ nhiệm lớp 5 nhận xét: "Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra
thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp". Đọc đến đây, cô
Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn. Cô còn thấy áy náy hơn khi đến lễ Giáng sinh, tất
cả học sinh trong lớp đem tặng cô những món quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của
Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xỉn mà em tận dụng lại từ loại
túi giấy gói hàng của tiệm tạp hóa. Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp.
Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất vài hột đá và một
chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng
đẹp, đeo nó vào tay và xịt một ít nước hoa trong chai lên cổ tay. Hôm đó Teddy đã nán lại cho đến cuối giờ
để nói với cô: "Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa". Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã
ngồi khóc cả giờ đồng hồ. Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn
trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng
động viên em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với
phát biểu của mình vào đầu năm học, cô đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học trò

cưng nhất của cô.
Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong
đời em". Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học,
đứng hạng ba trong lớp và "Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em". Bốn năm sau, cô lại nhận
được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu
vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng "Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu
quý nhất trong đời". Rồi bốn năm sau nữa cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã
đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên. "Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em", nhưng lúc này tên cậu
đã dài hơn. Bức thư ký tên Theodore F. Stoddard - giáo sư tiến sĩ.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã
gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô
Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường được dành cho mẹ chú rể. Và bạn thử đoán xem
việc gì đã xảy ra? Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức
thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ Giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Họ ôm nhau
mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: "Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất
nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ". Cô Thompson
vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: "Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể
sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học cho tới khi cô được gặp em".

×