Sao không xem giáo dục là một ngành
kinh doanh thuần túy?
*Photo: Online Education
Tôi có viết một bài, tựa đề là “Nền Tảng Tốt Đẹp Nhất Của Giáo Dục Là Yêu Thương”, tôi tin yêu
thương nếu được đong đầy sẽ giải quyết tốt mọi vấn đề của xã hội, của loài người. Trong cuộc
sống, có nhiều tình huống rất khó khăn để đạt được “điều kiện lý tưởng” như vậy, nhưng chúng ta
cần có niềm tin, cần nhắc nhở chính mình rằng có một con đường như thế.
Theo tôi, giải pháp trên là một phương án hoàn mỹ, nhưng cần có sự chuẩn bị và bước chuyển
mình thật lâu để đi đến mục tiêu. Nhìn vào thực tế, để đạt được hiệu quả, kết quả mong muốn của
giáo dục là tạo ra những thế hệ học sinh, sinh viên “đáng đồng tiền bát gạo”, tôi cho rằng có một giải
pháp khác – đó là xem Giáo dục như một ngành kinh doanh.
“Khách hàng là thượng đế”
Trong thời đại này, tôi cho rằng slogan “khách hàng là thượng đế” mạnh hơn nhiều so với câu đầy
nhân văn “vì tương lai con em chúng ta”. Nghe thì hay nhưng sự thật là con em của ai thì người nấy
“vì” thế thôi, bằng chứng là rất nhiều con em Việt Nam đã, đang và sẽ ra nước ngoài du học, thậm
chí là từ cấp 3.
Nếu xem học sinh, sinh viên là khách hàng, trường học là một công ty thì thầy, cô giáo là những
nhân viên kỹ thuật, nhân viên chăm sóc khách hàng, Hiệu trưởng là CEO. Như vậy, mỗi công ty
phải xây dựng cho mình triết lý kinh doanh, thương hiệu, chất lượng và cạnh tranh về giá cả… tất
cả mọi mặt là để đáp ứng và làm vừa lòng khách hàng. Sẽ không có chuyện thầy cô giáo dạy học
sinh không hiểu mà quát mắng, đánh đòn, ngược lại thầy cô phải luôn cập nhật kiến thức, tìm cách
dạy mới hay hơn, hiệu quả hơn, nếu không làm vậy sẽ có thể mất việc.
Các vị lãnh đạo của công ty sẽ không phải chạy theo thành tích ảo vì lợi nhuận của công ty ảnh
hưởng đến họ trước tiên. Để thu hút khách hàng, họ sẽ phải đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng,
nhân lực, kỹ thuật… Khi đó thì trường học tốt hơn biết bao nhiêu.
“Tiền nào của nấy”
Nếu giáo dục chỉ đơn thuần là kinh doanh, sẽ có cạnh tranh và từ đó là nâng cao chất lượng, hạ giá
thành sản phẩm… Điểm quan trọng cần lưu ý rằng đã là kinh doanh thì phải có lợi nhuận, cho nên
bạn sẽ phải trả số tiền phù hợp với chất lượng dịch vụ bạn muốn nhận. Nếu bạn cho rằng trường
này giá cao mà chất lượng thấp? Tốt thôi, chọn trường khác! Mà những trường như thế cũng chẳng
tồn tại được bao lâu trong quy luật cạnh tranh đâu.
Khách hàng sẽ được phục vụ tốt hơn, nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện sự phân hóa giàu –
nghèo. Điều này đối với xã hội nói chung là một cái gì đó hơi khó chịu, một chút buồn tủi cho người
nghèo. Tuy nhiên đối với từng cá nhân, từng gia đình, tôi vẫn cho rằng đây là một chuyện tốt. Đó
cũng là một nguồn động lực để mọi người vươn lên đến cuộc sống tốt hơn, đặt ra nhiều mục tiêu có
thể đạt đến hơn trong cuộc sống: Có tiền nhiều – học trường sang; tiền không nhiều – học trường
trung bình; nghèo – học trường bèo. Dù là trường bèo thì nó cũng tốt hơn nhiều trường miễn phí
như hiện nay.
Dù muốn dù không, dù là khách hàng hay doanh nghiệp thì chỉ khi thật sự làm việc vì lợi ích của
chính mình người ta mới có thể tận tâm, tận lực và cảm thấy xứng đáng với những gì mình bỏ ra.
Thầy cô giáo cố gắng dạy tốt hơn để tăng lương, học sinh cố gắng học tốt hơn để khỏi phí tiền học
phí. Một khi đã làm việc vì lợi ích của chính mình thì chất lượng và năng suất tăng là điều hiển
nhiên, quan trọng nhất là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp – lượng kiến thức chuyên môn phải đảm
bảo, đến một mức nào đó thì sự khác nhau giữa trường sang và trường bèo chỉ là trang thiết bị cao
cấp và cái thương hiệu mà thôi.
Có lần tôi xem một ảnh vui thế này: Một bên là một cái áo trắng trơn, giá 5 đồng, bên kia cũng là cái
áo trắng đó, thêm một cái logo, giá 50 đồng. Vậy đó, người nghèo mặc áo trắng, người giàu mặc áo
có logo, quan trọng là mọi người đều có áo để mặc, không phải mặc áo rách hay ở trần. Đó cũng
chính là tác dụng tích cực khi xem giáo dục là một ngành kinh doanh.
Điều này có thực tế không?
Thực tế lắm chứ, người ta làm nhiều rồi! Hiện nay ở Việt Nam cũng xuất hiện nhiều trường quốc tế,
trường tư, tuy chất lượng vẫn chưa đồng đều nhưng nhiều trường vẫn tốt hơn các trường công nổi
tiếng. Nước ta vẫn còn nhiều người quan niệm rằng trường công thì tốt hơn trường tư, quan niệm
đó lỗi thời lâu rồi. Về vấn đề học phí cao thì như đã nói trên “tiền nào của nấy”, nhưng dân ta ngày
nay giàu lắm, nếu trong nước không có chỗ cho họ xài thì họ mang tiền ra nước ngoài xài càng lỗ
hơn.
Hãy nhìn sự phát triển của các bệnh viện, phòng khám tư nhân thì rõ. Sự phát triển của nó thúc đẩy
sự phát triển của chất lượng y tế trong cộng đồng, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người dân,
góp phần giảm tải cho các bệnh viện công. Điểm khác biệt lớn nhất chính là chất lượng phục vụ.
Làm kinh doanh thì phải khác so với làm bổn phận, làm cho mình thì tích cực hơn là chuyện bình
thường!
Nhìn ra thế giới
Chất lượng giáo dục của các nước phương Tây tốt hơn nước ta nhiều, chuyện đó khỏi bàn, mà tôi
cũng không biết nhiều để bàn, bạn nào biết xin kể cho tôi nghe với. Điều làm tôi ngạc nhiên là triết
lý, cách nhìn với giáo dục của họ khác phương Đông. Dưới đây là vài điểm khác biệt thú vị:
Trong khi phương Đông chúng ta tôn sư trọng đạo, chúng ta có nhiều bài học, nhiều câu ca dao, tục
ngữ, danh ngôn… nói về bổn phận của người học trò, thì ở phương Tây ngược lại, các câu danh
ngôn của họ phần lớn là nói về bổn phận của người thầy!
“The mediocre teacher tells. The good teacher explains. The superior
teacher demonstrates. The great teacher inspires.” — William Arthur
Ward
Tạm dịch là: “Giáo viên bình thường nói. Giáo viên tốt giải thích. Giáo viên
giỏi minh họa. Giáo viên tuyệt vời truyền cảm hứng.”
Một chi tiết khác là ngày Quốc tế Nhà giáo (World Teaches’ Day) được tổ chức hàng năm vào ngày
05 tháng 10, và nó chỉ bắt đầu có từ năm 1994, trong khi ngày “Nhà Giáo Việt Nam” đã có từ năm
1982. Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới cũng không có ngày Nhà Giáo, có nước tổ chức mừng
ngày Quốc Tế Nhà Giáo, có nước không tổ chức.
Tóm lại: Nếu xem giáo dục là một ngành kinh doanh chân chính, chất lượng sẽ được nâng cao, mọi
người sẽ biết rõ vị trí của mình, làm việc vì lợi ích của mình, đó sẽ là một bước phát triển rất tốt về
giá trị kiến thức cũng như chuyên môn của sinh viên khi ra trường. Tuy nhiên, trong môi trường như
vậy thì vấn đề còn bỏ ngõ chính là làm sao đào tạo được một người có đủ cả 3T: “Có tâm, có tầm
và có tài.”
Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
Nguồn tham khảo: Wikipedia
26/02/2014