Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Dạy trẻ tính kỷ luật: Không khó! doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (137.17 KB, 4 trang )

Dạy trẻ tính kỷ luật: Không khó!
Tạo cho trẻ thói quen tôn trọng nội quy và sống có kỷ luật mà không cần
dùng đến các biện pháp trừng phạt trẻ, chắc hẳn là điều các bậc phụ
huynh rất quan tâm.
Cùng tham khảo những chia sẻ về các biện pháp giáo dục con trong
những tình huống cụ thể dưới đây nhé.
1. Trẻ không chịu đi ngủ đúng giờ
Các em bé không nhận thức được tầm quan trọng của việc sinh hoạt đều
đặn, đặc biệt là ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc. Thường thì trẻ luôn bị cuốn
vào những trò chơi mà đã quên đi cơn buồn ngủ và nhất định không chịu
đi ngủ mặc dù đã khuya.
Vậy mẹ phải làm gì? Hãy kiểm soát giờ ngủ của trẻ chứ đừng để trẻ thoải
mái, thích ngủ lúc nào thì ngủ. Để tạo nếp ngủ đúng giờ cho trẻ, mẹ cần
kiên nhẫn và khéo léo. Đầu tiên mẹ cần giao ước giờ ngủ với con. Mỗi
ngày, thay vì ra lệnh cho trẻ: “Đứng dậy đánh răng, mặc đồ ngủ và lên
giường! Mau!”, mẹ hãy tạo sự hứng thú cho con ngay cả trong những công
đoạn chuẩn bị đi ngủ như: “Con muốn đánh răng trước hay mặc đồ ngủ
trước nào”. Cách đó sẽ tạo cho trẻ cảm giác không phải trẻ đang bị ép
buộc mà con đang được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về các việc
làm của mình.
Một tấm hình về giấc ngủ dịu êm của một nhân vật hoạt hình hay một bạn
nhỏ mà con yêu thích dán ở cạnh giường ngủ của con cũng có tác dụng
nhắc nhở con tự giác đi ngủ.
2. Trẻ làm loạn ở nơi công cộng
Trẻ nhỏ thường chưa kiểm soát được các hành vi và cảm xúc của mình.
Chẳng hạn, khi bạn cho bé đi mua sắm, trong khi bạn đang còn bận rộn
lựa đồ ở quầy rau củ thì con cứ nằng nặc đòi mẹ mua cho chiếc xe điều
khiển từ xa. Khi mẹ trả lời “không”, trẻ vẫn tiếp tục mè nheo, thậm chí khóc
nhè khiến mọi người đều chú ý đến hai mẹ con. Trong trường hợp này,
mẹ cần chỉ cho bé hai điều: một là khi đang ở ngoài thì trẻ cần cư xử như
thế nào cho đúng và hai là cách để kiềm chế những ham muốn.


Vậy mẹ phải làm gì? Mẹ hãy giữ thái độ bình tĩnh nhất có thể. Sau khi gửi
lại giỏ hàng, mẹ đưa bé ra ngoài. Ngồi cùng con trong xe hơi hay là ghế
đá bên lề đường, mẹ nói với bé: “Mẹ sẽ sẵn sàng lắng nghe khi con nín
khóc”.
Khi bé bình tĩnh lại và nín khóc, mẹ hãy chỉ cho trẻ thấy trẻ đã vừa làm gì
sai. Sau đó, mẹ có thể đưa bé quay trở lại bên trong và giúp con kiểm soát
những han muốn của mình bằng cách nói với con rằng: hôm nay là ngày
mua sắm các đồ dùng gia đình, còn món đồ chơi đó mẹ sẽ mua cho con
trong một dịp đặc biệt như ngày sinh nhật hoặc cuối năm học nếu con đạt
kết quả tốt.
Bạn sẽ dạy cho con bài học về sự giới hạn, cần phải kiểm soát sự ham
muốn chứ không phải thể hiện ra bằng cách ném ra những cơn giận dữ.
3. Tranh giành đồ chơi với bạn
Chơi với bạn như thế nào cũng cần mẹ phải hướng dẫn cho trẻ. Trẻ có thể
đang chơi hòa thuận và rất vui vẻ với bạn nhưng quay đi quay lại đã thấy
khi thì con giật đồ chơi của bạn, khi thì đang cố gắng giằng co chiếc bút
chì màu của bạn. Và nếu không giành được thì khóc và chạy lại mách mẹ.
Vậy mẹ phải làm gì? Mẹ hãy chỉ cho bé thấy hành vi của con như vậy là
không được và có thể nói với bé rằng: Có vẻ như con không muốn chơi
với bạn nữa đúng không? Vậy thì hãy đứng lên và ra chỗ khác.
Nhiều trường hợp, bé còn dùng chính con búp bê mà hai bạn vừa giành
nhau để đánh vào đầu bạn. Những lúc như vậy, mẹ cần tách hai bạn, để
mặc cho bé chơi một mình. Điều đó sẽ khiến bé hiểu rằng, nếu bé còn làm
như vậy thì sẽ không có ai còn chơi cùng bé nữa.
4. Nói trống không
Khả năng học hỏi và bắt chước của trẻ là rất nhanh. Ưu điểm này đôi khi
khiến bố mẹ lo lắng vì dù ở nhà con được giáo dục tốt đến đâu mà khi ra
ngoài xã hội, giao tiếp với bạn bè, con vẫn rất dễ học những thói hư, tật
xấu. Ăn nói trống không với người lớn là một ví dụ điển hình. Nhưng ngoài
nguyên nhân do ngôn ngữ của con chưa chuẩn, một yếu tố quan trọng

khác đó là do trẻ chưa nhận thức được điểm khác biệt khi giao tiếp với
người lớn và với bạn bè.
Vậy mẹ phải làm gì? Mẹ cần nhấn mạnh cho con biết cách diễn đạt một
câu có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ; cách sử dụng các từ ngữ lịch sự và luyện
tập thật nhuần nhuyễn cho trẻ. Sau đó, bạn có thể quy định với con, nếu
con nói trống không với mẹ, mẹ sẽ không thực hiện các yêu cầu của con.
Đồng thời, mẹ hãy nhìn thẳng vào mắt con và yêu cầu trẻ diễn đạt lại. Và
tất nhiên, mẹ sẽ không có lý do gì để từ chối nếu con đề nghị lịch sự rằng:
“Mẹ ơi, mẹ cho phép con chơi ở ngoài sân nhé”.
Nếu con bạn mắc lỗi nói trống không với những người lớn khác thì ngay
lúc đó, mẹ hãy yêu cầu con sửa lại kèm theo một lời xin lỗi. Hoặc là mẹ có
thể xin lỗi thay trẻ và không quên nhắc nhở con khi chỉ có hai mẹ con. Đôi
khi việc này cũng cần một sự kiên nhẫn bởi con vẫn là một “tân binh” trong
nghệ thuật giao tiếp.
5. Mắc lỗi nhưng chưa biết cách sửa sai
Có một sự thật là khi trẻ còn nhỏ thì rất khó để trẻ ghi nhớ và tuân thủ tất
cả những nội quy và quy định. Trẻ rất cần bạn – những người đã trưởng
thành hướng dẫn để trẻ có thể thực hiện các quy tắc, cũng như chỉ cho trẻ
cách phải sửa lỗi như thế nào. Đó cũng là cơ hội để bạn trang bị cho bé
những kỹ năng xử lý tình huống cần thiết.
Vậy mẹ phải làm gì? Trước hết mẹ phải thật bình tĩnh, tránh quát tháo
hay là áp dụng những hình phạt với trẻ khi trẻ mắc lỗi mà hãy chỉ cho con
thấy hậu quả con vừa gây ra và cách khắc phục hậu quả đó như thế nào.
Ví dụ như khi thấy trẻ dùng bút màu vẽ nhằng nhịt lên bức tường nhà
trắng tinh. Mẹ cần nghiêm khắc phê bình trẻ: “Con được phép vẽ ở đâu?
Bức tường có phải tờ giấy để con vẽ bẩn lên không? Bây giờ con định làm
thế nào?”. Sau đó yêu cầu trẻ tự lấy giẻ để lau những vết màu mà con vừa
mới vẽ lên. Có thể mẹ vẫn phải làm sạch lại giúp con nhưng quan trọng là
con đã biết khi con gây ra lỗi thì con phải chịu trách nhiệm về nó.
Như vậy là cha mẹ hoàn toàn không cần áp dụng bất cứ một biện pháp

trừng phạt nào đối với con cái của mình. Đặc biệt hơn, nếu bạn dạy cho
con cách xử lý tình huống tốt thì không lâu nữa em bé của bạn sẽ luôn
hành động có ý thức và tự lập trong cuộc sống.

×