Tên họ Việt Nam
NGUỒN GỐC TÊN HỌ VIỆT NAM
Không có sử liệu nào nói về nguồn gốc tên họ tại Việt Nam.
Do vậy, ta phải nghiên cứu các vấn đề: (1)người Việt có tên
họ từ bao giờ, (2) sự du nhập tên họ người Tàu vào xã hội
Việt Nam, (3) tên họ do người Việt tự đặt, (4) người Việt bị
bắt buộc hay bắt chước nhận tên họ, (5) sơ lược nguồn gốc
những tên họ phổ biến nhất Việt Nam.
1. Người Việt Có Tên Họ Tự Bao Giờ: Trong phần nghiên
cứu về đế hiệu Hùng Vương ở chương một, chúng tôi đã đưa
ra quan điểm cho rằng đế hiệu Hùng Vương là do người sau
đặt cho các vị lãnh đạo ban đầu của nước ta, nên không thể
nói Việt Nam đã có tên họ từ thời Hùng Vương, tức cách đây
hơn 5000 năm. Giai đoạn này, dân ta chưa có ý niệm về dòng
họ theo lối phụ hệ như kiểu Trung Quốc. Đến thời Thục Phán
và Triệu Đà (257-111 TCN), ta không thể nói Việt Nam đã
có tên họ. Hai ông này là người Trung Quốc vì chống Tần,
Hán mà sang nước ta. Đến thời Hai Bà Trưng, xã hội Việt
Nam vẫn còn trong thời kỳ mẫu hệ. Theo các nhà tính danh
học, tên họ xuất hiện đồng thời với sự ra đời của chế độ phụ
hệ. Chỉ khi xã hội Việt Nam đã tiến hóa, cộng với ảnh hưởng
của văn hóa Trung Quốc, và có những cuộc hôn nhân dị
chủng Hán Việt, thì lúc đó Việt Nam mới chính thức có tên
họ và các tên họ này giống với tên họ Trung Quốc. Kết luận
này có thể chấp nhận được vì nhiều đồng bào Thượng ở Việt
Nam, ít bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, đến giữa thế kỷ
20 vẫn chưa có tên họ. Như vậy, sớm nhất Việt Nam có tên
họ vào khoảng đầu Công Nguyên.
Tuy thế, nếu chúng tôi không lầm, Việt Nam là nước thứ hai
trên thế giới, sau Trung Quốc, sớm có hệ thống tên họ theo
lối phụ hệ. Mãi đến thế kỷ thứ 10, hệ thống tên họ của Âu
Châu mới bắt đầu hình thành, và đến thế kỷ 16 mới hoàn tất.
Nhật Bản, theo ông Elsdon C. Smith, mãi đến đời Minh Trị
Thiên Hoàng, toàn dân Nhật mới có tên họ. Các dân tộc ở Phi
Châu, theo bách khoa từ điển Britannica, mới bắt chước tây
phương lấy tên họ từ đầu thế kỷ 20[28]. Năm 1935, chính
phủ Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh buộc người dân phải lấy tên họ. Đầu
Công Nguyên, người Do Thái chưa có tên họ, chỉ có tên gọi,
người ta gọi Chúa Giêsu, bà Maria, thánh Phaolô. Mãi đến
đầu thế kỷ thứ 19, dân Do Thái mới có tên họ. Nhiều tên họ
mà dân tộc này chọn là các từ ngữ liên quan đến các chức tư
tế của Do Thái Giáo như Cantor, Canterini, Kantorowicz,
nghĩa là các thày cả hạ phẩm (lower priest), các tên Kohn,
Cohen, Cahen, Kaan, Kahane nghĩa là thày cả thượng phẩm
(highest priest).
2. Việc Du Nhập Tên Họ Người Tàu Vào Việt Nam: Tên
họ tại Việt Nam xuất phát từ hai nguồn chính. Một là các tên
họ Trung Quốc, hai là tên họ do người Việt Nam tự đặt. Về
các tên họ Trung Quốc mà ta có hiện nay được du nhập vào
Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử sau:
a. Thời bị đô hộ: Trong hơn 1000 năm Việt Nam bị Trung
Quốc đô hộ, sử cũ cho chúng ta nhiều bằng chứng những
người Tàu như quan lại, binh lính, quý tộc, thương gia, nho
sĩ, tội nhân bị đi đầy, dân nghèo, đã sang nước ta. Họ và gia
thuộc đã ở lại, thông hôn với người Việt và biến thành người
bản xứ. Chính những lớp người này đã đem đến đa số họ mà
người Việt Nam có hiện nay. Xin trích ba ví dụ điển hình để
chứng minh:
Lý Bôn, còn gọi là Lý Bí, là dòng dõi người Tàu. Ông tổ bảy
đời di cư sang Giao Châu lánh nạn từ cuối thời Tần, Hán[29].
Hồ Quý Ly, nguyên dòng dõi người Chiết Giang, có ông tổ là
Hồ Hưng Dật, di cư sang nước ta đời Ngũ Quý (907-959) ở
làng Bào Đột, huyện Quỳnh Lưu, Thanh Hóa[30]. Về sự lai
giống bố Tàu mẹ Việt, theo ông Vũ Hiệp, thủy tổ dòng họ Vũ
tại Việt Nam là ông tổ Vũ Hồn giữ chức Kinh Lược Sứ vào
năm 841. Ông có mẹ người Việt tên là Nguyễn Thị Đức và
cha là ông Vũ Huy người Phúc Kiến, Trung Quốc[31].
b. Người Minh Hương: Người Minh Hương sang nước ta
vào thế kỷ 17 và 18. Nhóm người này tập trung nhiều ở miền
Trung và Nam Việt Nam nên đã đem một số tên họ Tàu vào
Việt Nam. Những nhân vật lịch sử như Trịnh Hoài Đức, Mạc
Thiên Tích, nhà thơ Quách Tấn đều là người Minh Hương.
Năm 1965, ở Chợ Lớn có 80 tỷ phú gốc Hoa được gọi là các
“vua”. Các ông “vua” này có tên họ mà ta thường thấy trong
xã hội Việt Nam như: Lâm Huệ Hồ hoạt động trong ngành
tín dụng, Lý Long Thân: dệt, Mã Hí: mễ cốc, Trần Thành:
bột ngọt, Đào Mậu: ngân hàng, Trương Vĩnh Niên: phim ảnh,
Trần Thoại Hà: trà, Lai Kim Dung: gạo, Vương Đạo Nghĩa:
kem đánh răng, Lý Sen: sắt thép, Lưu Kiệt: nông cơ, v.v…
3. Tên Họ Do Người Việt Nam Tự Đặt: Đối với các tên họ
do người Việt Nam tự đặt, sử liệu cho thấy một số họ được
vua chúa Việt Nam đặt cho các sắc dân thiểu số trong thời
gian gần đây. Giáo sư Hà Mai Phương[32] trích sử liệu trong
Đại Nam Thực Lục cho biết, thời Hậu Lê, các viên quan
người thiểu số ở 9 châu thuộc vùng Thanh Hóa, Nghệ An
được vua ban tên họ. Tuy nhiên, sử không cho biết các tên họ
này là gì.
Theo Đại Nam Thực Lục, năm 1826, vua Minh Mạng cho
các quan đang cai trị Cao Miên được phép đặt lại địa danh và
đổi tên người Cao Miên sang chữ Hán để dễ đọc.
Năm 1827, theo Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Quảng Bình
và Quảng Trị, vua Minh Mạng ban cho các sắc tộc thiểu số
vùng này các tên họ: Cốc, Đồng, Hướng, Kheo hay Khâu,
Lãnh, Lâm, Sơn, Thạch, Thiết.
Đến năm 1832, theo Đại Nam Thực Lục, vua Minh Mạng lại
ban cho các thổ tù vùng Trấn Ninh, Nghệ An những tên họ:
Cáo, Cát, Cầm, Cần, Cổ, Chuyên, Dụ, Đa, Định, Đôn, Hào,
Hảo, Hâm, Kiện, Kiệu, Khả, Khâm, Lang, Lương, Mỹ,
Nham, Sầm, Sơn, Tạo, Thành, Thiệt, Trác, Tri, Trình, Triển,
Uất.
Thổ tù thuộc Trấn Man, Thanh Hóa được các họ: Bảo, Cam,
Cảm, Cát, Đạo, Huy.
Năm 1834, các người thiểu số Mường và Lào ở Thanh Hóa
được vua Minh Mạng ban các tên họ: Hảo, Lâm, Lĩnh, Phàn,
Sơn, Thạch, Vạn.
Sang năm 1835, vua Minh Mệnh cho phép các quan được
dùng tên xã thôn để đặt tên họ cho dân chúng huyện Kiên
Giang và Hà Châu tỉnh Hà Tiên để tiện việc thu thuế và kiểm
soát an ninh.
Năm 1837, theo Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, vua Minh
Mệnh ban cho dân thiểu số ở Tây Ninh các họ: Dương, Đào,
Hạnh, Lý, Mã, Ngưu, Tượng[33].
Năm 1838, theo Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Biên Hòa,
vua Minh Mệnh ban cho thổ dân huyện Long Khánh, các họ:
Dương, Đào, Lâm, Lý, Mai, Tùng[34].
Năm 1839, thổ dân huyện Phước Bình, phủ Phước Long
được ban các họ: Hồng, Lâm, Mã, Ngưu, Nhạn, Sơn.[35]
Năm 1841, vua Thiệu Trị ban họ Cửu cho quốc trưởng Ma
Thái nước Hoả Xá ở Phú Yên.
Đối với người Chàm, vào năm 1837, vua Minh Mệnh xuống
chiếu bắt người Chàm phải ăn mặc theo người Việt và thay
đổi tên họ thành họ Lưu, Hàn, Đàng, Nguyễn, Trương, Châu,
Phú, Dương[36].
Ngoài ra, còn thấy họ cũ sinh ra họ mới như họ của ông tổ
nhà Nguyễn là Nguyễn Bặc (924-979) ở Thanh Hóa sinh ra
họ mới là Nguyễn Hựu, Nguyễn Phúc, Tôn Thất, Tôn Nữ,
Công Tằng Tôn Nữ v v…
Còn một số họ nữa do các tù trưởng bộ lạc thiểu số đặt cho
dân chúng bộ tộc và các họ này thường là từ Nôm, hoặc là
tiếng sắc tộc, chỉ phổ biến ở một vùng nhất định. Ví dụ họ
Ðèo, Lò, Teo, Vù là các họ của các sắc dân thiểu số ở Lào
Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn. Hay các họ H’mok, Dham Niê của
đồng bào Thượng miền cao nguyên Trung Phần.
Tóm lại, tên họ người Việt Nam xuất hiện vào khoảng đầu
Công Nguyên và bắt nguồn từ tên họ của người Trung Quốc
và các tên họ do người Việt Nam tự đặt. Tuy nhiên, một câu
hỏi cần đặt ra là người Việt Nam có tên họ giống Tàu là vì bị
bắt buộc hay bắt chước?
4. Người Việt Bắt Chước Hay Bị Bắt Buộc Nhận Tên
Họ: Về vấn đề này, các học giả chia làm hai phái. Ông
Nguyễn Bạt Tụy cho rằng người Việt bắt chước người
Tàu[37]. Ông Nguyễn Đổng Chi, thuộc Ủy Ban Nghiên Cứu
Khoa Học Xã Hội đồng quan điểm với lập trường trên. Ông
viết:
Câu văn người sinh ra mới biết dòng giống và họ trong Hậu
Hán Thư, cho thấy cho đến tận đầu Công Nguyên, người Việt
Nam mới biết nắm lấy cái then chốt để phát triển quan hệ
thân tộc phụ hệ, tức cái tên để chỉ dòng họ. Trước đó, có lẽ
cha ông chúng ta cũng như đồng bào thượng gần đây chỉ có
cái tên để chỉ cá nhân, chứ chưa có tên để chỉ tính hay thị như
người Tàu[38].
Trái lại, ông Bình Nguyên Lộc lại cho rằng người Việt có lẽ
bị bắt ép. Ông viết: Họ của ta nay hoàn toàn là họ của Trung
Quốc, nhưng không biết đã tự ý theo phong tục của họ về
phương diện lấy họ, hay bị ép buộc? Có lẽ bị bắt ép, nhưng
chắc không phải vì nỗ lực đồng hóa, mà vì muốn tiện lợi việc
kiểm tra dân số mà Mã Viện đã thực hiện sau khi diệt hai Bà
Trưng[39].
Cùng một quan điểm như trên, Giáo sư Vũ Hiệp viết: Trong
chính sách đồng hóa dân ta, các viên quan cai trị thâm độc
như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp đã cố tình khai hóa
dân bản xứ Giao Chỉ rất có hệ thống. Họ bắt dân ta lúc đó
phải theo lối sống, phong tục của Trung Quốc, cũng như bắt
học chữ Nho…Tất nhiên, họ cũng bắt buộc dân ta phải có
những tộc danh (tên dòng họ) theo kiểu Hán Tộc [40].
Còn Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy viết: Về mặt phong tục,
người Việt đã từ chế độ mẫu hệ bước sang chế độ phụ hệ.
Cùng với việc làm lễ cưới hỏi theo lối Trung Quốc, Người
Việt đã có họ và theo họ của cha. Hầu hết các họ mà người
Việt Nam còn dùng đến ngày nay, đều là những họ của người
Trung Quốc, nhưng đọc trại theo tiếng Hán Việt [41].
Kết luận của các tác giả trên đây không thấy nói đã dựa vào
một sử liệu nào, nên vấn đề bắt chước hay bị bắt buộc cần
được nghiên cứu thêm. Ngoài ra, các tác giả đều đồng ý là họ
Việt giống họ Tàu, chỉ khác là phát âm theo giọng Hán Việt.
Nhận định này thiết tưởng quá tổng quát, cần bổ túc, vì có
một số họ là từ Nôm, một thứ tiếng thuần túy của người Việt
mà người Tàu không có. Hơn nữa, một số họ mới được đặt ra
dưới thời Minh Mạng cũng là từ Hán Việt, nhưng không vì
thế mà kết luận đó là họ Tàu.
5. Sơ Lược Nguồn Gốc Những Tên Họ Phổ Biến Nhất Tại
Việt Nam: Không phải bất cứ tên họ nào của người Việt
cũng là họ của Tàu. Tuy nhiên, đa số tên họ mà người Việt
có, đều là họ của người Tàu. Ðiều đó không có nghĩa ta là
Tàu, mà chỉ có nghĩa ta đã bắt chước hay bị bắt buộc nhận
tên họ của Tàu, vì ảnh hưởng văn hóa, vì các cuộc hôn nhân
dị chủng. Sau đây là nguồn gốc các tên họ phổ biến nhất tại
Việt Nam. Viết phần này, chúng tôi căn cứ theo tài liệu của
Sheau Yeuh J. Chao trong tác phẩm: In Search Of Your
Asian Roots - Genealogical Research On Chinese Surnames.
Âu Theo sách Đường Thư Tể Tướng Thế Hệ Biểu, Vô
Cương chắt đời thứ 7 của Câu Tiễn được ban cho đất ở núi
Âu Dư Sơn để cai trị. Do vậy, một số cháu chắt Vô Cương đã
nhận họ Âu và chọn đất Bình Dương, tỉnh Thiểm Tây để cư
ngụ, một số khác nhận họ kép Âu Dương vì ở đó có ngọn núi
Âu Dương. Dòng họ Âu Dương cư ngụ tại 2 tỉnh Giang Tô
và Sơn Đông.
Bùi Theo sách Thông Chí Thị Tộc Lược, ông Bá Khôi, thời
vua Đại Vũ nhà Hạ, được ban cho đất ở làng Bùi. Con cháu
ông Bá Khôi nhận tên làng Bùi làm tên họ. Dòng họ Bùi ban
đầu cư ngụ tại tỉnh Hà Đông, phía đông sông Hoàng Hà.
Cao Theo Quảng Vận, đời Chu, con cháu của Kỷ Thái Công
được ban cho nước Cao để cai trị. Cháu chắt đã nhận tên
nước Cao làm tên họ. Dòng họ Cao ban đầu cư ngụ tại tỉnh
Sơn Đông.
Chu Thời xưa, nước Tàu có nước nhỏ gọi là Chu, do Thái
Vương cai trị. Con là Văn Vương nối nghiệp, nhận tên Chu
làm tên họ nên gọi là Chu Văn Vương. Ban đầu, dòng họ
Chu cư ngụ tại Thiểm Tây, sau lan dần sang Hà Nam.
Cung Theo sách Tính Thị Khảo Lược do Trần Đình Vi viết
vào đời nhà Thanh, Huy là con thứ 5 của Hoàng Đế đã sáng
chế ra cây cung nên được ban cho đất Trương để cai trị. Con
cháu đã nhận chữ Cung và Trương làm tên họ. Theo sách
Vạn Tính Thống Phổ, Thúc Cung làm quan đại phu nước Lỗ
ở tỉnh Sơn Đông. Cháu chắt đã nhận chữ Cung làm tên họ.
Gia tộc họ Cung phát triển ở vùng Sơn Tây. Vào thời Nam
Bắc Triều, nhiều họ Cung đổi sang họ Trương để tránh bị bạc
đãi.
Quan Theo sách Cổ Kim Tính Thị Biện Chứng, họ Quan do
tên chức quan canh gác cung điện nhà Chu. Quan Chí Cơ,
giữ chức Đại Phu nước Ngu, là người đầu tiên nhận họ Quan.
Dòng họ Quan tập trung nhiều ở tỉnh Sơn Tây là nơi ngày
xưa có nước Ngu.
Doãn Ban đầu từ Doãn để chỉ bộ lạc cổ gọi là rợ Nhung. Khi
người Nhung cư ngụ trong lãnh thổ Hán, bị đồng hóa thì
người Nhung đã nhận tên bộ tộc Doãn làm tên họ.
Dư Theo sách Nguyên Hà Tính Toản của Lâm Bảo, viết vào
đời Đường (618-907), người sáng lập họ Dư là Do Dư làm
quan đời nhà Tần. Con cháu nhận tên ông làm tên họ. Trong
Hán văn, hình dạng chữ Dư và chữ Xa rất giống nhau nên
vào đời nhà Đường, vì viết lầm họ Dư ra họ Xa, nên từ đó
nước Tàu có thêm họ Xa.
Dương Theo sách Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo,
họ Dương là chi nhánh của họ kép Dương Thiệt, và bắt đầu
xuất hiện thời Xuân Thu- Chiến Quốc. Dòng tộc họ Dương
ban đầu cư ngụ tại Sơn Tây, sau di chuyển qua Thái Sơn tỉnh
Sơn Đông.
Đào Họ Đào bắt nguồn từ chức quan gọi là Đào Chính. Đào
Chính là chức quan trông coi việc chế tạo đồ gốm cho cung
điện nhà Chu. Người đầu tiên giữ chức quan Đào Chính là
ông Ngu, con cháu ông lấy từ Đào làm tên họ. Trong Hán tự,
đào có nghĩa là đồ gốm.
Đặng Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Đặng là chi nhánh của
họ Mạn. Đặng là tên nước. Cuối đời Thương, con cháu của
Kim Thiên Thị được ban cho đất Đặng để cai trị. Do vậy,
cháu chắt đã nhận tên Đặng làm tên họ. Dòng họ Đặng cư
ngụ tại Hà Nam là nơi xưa kia có nước Đặng.
Đinh Họ Đinh rất phổ biến tại Trung Quốc, theo Vạn Tính
Thống Phổ và Thông Chí Thị Tộc Lược được viết vào đời
Tống (960-1279), họ Đinh là chi nhánh của họ Khương,
thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Vào đời nhà Chu, hậu duệ của
Hoàng Đế nhận chữ Đinh làm tên họ. Dòng tộc Đinh ban đầu
cư ngụ tại tỉnh Sơn Đông.
Đoàn Theo Nguyên Hà Tính Toản, Đoàn là tên của giống dân
du mục mà người Hán gọi là rợ Hồ. Khi họ định cư tại đất
Hán vào đời hậu Chu (947-950), họ nhận tên Đoàn làm tên
họ. Theo sách Sử Ký Ngụy Thế Gia, họ Đoàn là chi nhánh
của họ kép Đoàn Can. Đoàn Can là tên ấp nằm trong nước
Ngụy và ông tổ của dòng họ này là Đoàn Can Mộc. Dòng họ
Đoàn và Đoàn Can ban đầu cư ngụ tại Sơn Tây và Hồ Bắc là
nơi xưa kia có nước Ngụy.
Đỗ, Phạm: Theo Nguyên Hà Tính Toản và Lộ Sử, Lưu Luy
thuộc dòng Đường Đế Nghiêu. Lưu Luy lập ra nước Đường
nay ở Sơn Tây và người ta thường gọi là Đường Đỗ Thị. Vào
triều đại nhà Chu, Chu Thành Vương chiếm nước Đường.
Một người cháu Lưu Luy được cấp đất Đỗ Thành ở Tây An
tỉnh Thiểm Tây và được phong tước Đỗ Bá. Do vậy, con
cháu nhận tên Đỗ làm tên họ. Đất Đỗ Thành lại bị Chu Tuyên
Vương chiếm và con của Đỗ Bá là Đỗ Thấp Thúc chạy sang
nước Tấn, được phong chức Sĩ Sư nên đổi họ Đỗ thành họ Sĩ.
Đến đời chắt của ông này là Sĩ Hội được ban cho đất Phạm,
gọi là Phạm Ấp để cai trị, nên đã đổi họ Sĩ ra họ Phạm. Dòng
họ Phạm phát triển mạnh tại tỉnh Sơn Tây.
Giang Theo Nguyên Hà Tính Toản, chắt vua Chuyên Húc là
Bá Khôi được ban cho đất Giang Lăng để cai trị. Vào thời
Xuân Thu, nước Giang bị nước Sở thôn tính, cháu chắt Bá
Khôi đã chọn tên Giang làm tên họ để tưởng nhớ nước
Giang.
Giáp Theo Phong Tục Thông, họ Giáp bắt nguồn từ họ kép
Giáp Phụ và Giáp Phụ là tên nước.
Hà/Hàn Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Hà có từ đời nhà
Tần, là chi nhánh của họ Hàn, thuộc dòng dõi Chu Văn
Vương. Người lập nên họ Hà là Hàn An, sống ở nước Hàn
nay ở tỉnh Sơn Tây. Khi Tần Thủy Hoàng chiếm nước Hàn,
Hàn An trốn sang Giang Tô và đổi thành họ Hà. Dòng họ Hà
sinh sống dọc theo sông Dương Tử và sông Hoài chảy qua
hai tỉnh Giang Tô và An Huy.
Hoàng Theo Nguyên Hà Tính Toản, Hoàng là tên đất. Chu
Vũ Vương cho con cháu Lục Chung đất Hoàng ở Hà Nam để
cai trị. Nước Hoàng bị nước Sở Chiếm, con cháu Lục Chung
nhận từ Hoàng làm tên họ để tưởng nhớ nước Hoàng.
Hồ Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Hồ thuộc dòng dõi Đế
Thuấn, và người lập nên họ Hồ là Hồ Công Mãn. Họ Hồ là
chi nhánh của họ Trần. Hồ Công Mãn được Chu Vũ Vương
ban cho đất Trần để cai trị. Khi Hồ Công Mãn chết, con cháu
lấy họ Hồ để tưởng nhớ người sáng lập nước Trần. Dòng họ
Hồ cư ngụ tại Hồ Bắc.
Khổng Họ Khổng thuộc dòng dõi Hoàng Đế, theo Quảng
Vận, họ Khổng là chi nhánh của họ Tử. Con của Đế Cốc đã
nhận chữ Tử làm tên họ. Đến đời vua Thành Thang (1766-
1753 TCN), một người chắt Đế Cốc được giữ chức Thái Ất.
Do vậy, con cháu đã phối hợp chữ Tử và Ất, tạo thành chữ
Khổng để làm tên họ. Người đầu tiên nhận họ Khổng là
Khổng Phú Gia.
Khuất Theo Thượng Hữu Lục và Vạn Tính Thống Phổ,
Khuất là tên đất gọi là Khuất Ấp. Con của Chu Vũ Vương
được ban cho Khuất Ấp để cai trị. Cháu chắt đã nhận địa
danh Khuất làm tên họ. Dòng họ Khuất ban đầu cư ngụ tại
Hà Nam.
Khúc Theo Vạn Tính Thống Phổ và Thông Chí Thị Tộc
Lược, họ Khúc thuộc dòng dõi Chu Văn Vương. Con của
Mục Hầu nước Tấn được ban cho đất gọi là Khúc Ốc. Do
vậy, con cháu đã nhận họ Khúc. Dòng họ Khúc cư ngụ tại
Thiểm Tây là nơi xưa kia có đất Khúc.
Kiều Theo Nguyên Hà Tính Toản, và Vạn Tính Thống Phổ,
họ Kiều là chi nhánh của họ Cơ, thuộc dòng dõi Hoàng Ðế.
Theo hai sách này, Hoàng Ðế chết, được chôn ở núi Kiều
Sơn nên con cháu nhận tên núi Kiều làm tên họ. Dòng dõi họ
Kiều cư ngụ tại Sơn Tây.
Lại Theo Tính Thị Khảo Lược, Lại là tên nước thời Xuân
Thu. Người nước Lại lấy tên nước làm tên họ. Dòng dõi họ
Lại đầu tiên cư ngụ tại tỉnh Hà Nam.
Lâm Theo Lộ Sử và Nguyên Hà Tính Toản, họ Lâm là chi
nhánh họ Tử thuộc dòng dõi vua Thành Thang. Người đầu
tiên nhận họ Lâm là Tỷ Can. Tỷ Can bị Trụ Vương giết, con
Tỷ Can trốn vào rừng. Về sau Chu Vũ Vương ban cho con
Tỷ Can đất Bá Lăng, nay ở Hà Bắc và ban cho tên họ Lâm.
Dòng họ Lâm ban đầu cư ngụ tại Hà Bắc, sau lan sang Sơn
Đông và Hà Nam.
Lê Có 2 tài liệu nói về họ Lê. Theo sách Phong Tục Thông,
dưới triều vua Thiếu Hạo (2598-2513 TCN), có nhóm quan
gồm 9 người gọi là Cửu Lê. Con cháu các quan này đã nhận
chữ Lê làm tên họ. Theo Lộ Sử và Nguyên Hà Tính Toản, Lê
là tên nước đời nhà Thương. Khi nhà Thương bị diệt, nước
Lê thuộc nhà Chu. Con cháu Đường Đế Nghiêu được phong
tước Lê Hầu. Do vậy con cháu đã lấy tên tước Lê làm tên họ.
Dòng họ Lê ban đầu cư ngụ tại Sơn Đông là nơi khi xưa có
nước Lê.
Lưu Họ Lưu thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Theo sách Thông Chí
Tính Tộc Lược, cháu chắt của Đường Đế Nghiêu được ban
cho đất Lưu, nay ở tỉnh Hà Bắc để cai trị. Cháu chắt đã nhận
tên đất Lưu làm tên họ. Nhưng theo sách Danh Hiền Thị Tộc
Ngôn Hành Loại Cảo, Lưu là tên huyện. Một người cháu chắt
Chu Văn Vương làm quan đại phu, được ban cho đất Lưu
Ấp. Con cháu đã nhận tên đất Lưu làm tên họ.
Lương Theo sách Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo,
họ Lương thuộc thị tộc Doanh. Con của Tần Trọng được ban
cho đất Hạ Dương và được phong tước Lương Bá. Cháu chắt
Lương Bá nhận tên Lương làm tên họ. Một tài liệu khác cho
rằng thời Bắc Ngụy, vua Hiếu Văn Đế ra nhiều sắc lệnh cải
cách xã hội Tàu, trong đó có lệnh bắt đổi họ ba chữ Bạt Liệt
Lan thành họ Lương.
Lý Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Lý (nghĩa: cây mận) là
chi nhánh của họ Lý (nghĩa: thớ thịt). Cả hai họ này có ông tổ
chung là Chuyên Húc. Cửu Dao là cháu Chuyên Húc giữ
chức Lý Quan tức quan án nên Cửu Dao đổi sang họ Lý
(nghĩa: thớ thịt). Đến đời Thương, Lý Trưng phạm tội bị Trụ
Vương đuổi khỏi nước và chết, con là Lý Lợi Trinh sống sót
nhờ ăn trái cây gọi là Mộc Tử. Để ghi nhớ sự kiện này, ông
ghép chữ Mộc và chữ Tử thành chữ Lý( nghĩa: cây mận) để
làm tên họ. Dòng họ Lý cư ngụ tại Hà Bắc.
Ma Có 2 tài liệu nói về họ Ma. Theo sách Phong Tục Thông,
thì Ma Anh làm quan đại phu nước Tề, con cháu nhận tên Ma
làm tên họ. Theo sách Tính Thị Khảo Lược, quan đại phu
nước Sở được ban cho đất Ma gọi là Ma Ấp để cai trị. Cháu
chắt đã nhận chữ Ma làm tên họ. Dòng họ Ma cư ngụ tại Hà
Bắc là nơi xưa kia có nước Ma.
Mã Họ Mã rất phổ thông tại Trung Quốc và đặc biệt đa số
người họ Mã theo Hồi Giáo. Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ
Mã là chi nhánh của họ Doanh, thuộc dòng dõi Chuyên Húc.
Người sáng lập dòng họ Mã là Triệu Xa. Triệu Xa giữ chức
Mã Phục Quân là chức quan trông coi việc thuần thục ngựa
cho kỵ binh thời Chiến Quốc. Con cháu Triệu Xa đã nhận tên
chức quan Mã làm tên họ. Dòng họ Mã cư ngụ tại vùng
Thiểm Tây.
Mạc Theo Tính Thị Khảo Lược, Mạc là tên thành. Vua
Chuyên Húc xây Mạc Thành. Cư dân trong Mạc Thành đã