Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

Chiếc ấn đồng " Lương Tài Hầu chi ấn " thời Minh Mạng docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (220.57 KB, 15 trang )

Chiếc ấn đồng " Lương Tài Hầu chi ấn " thời Minh Mạng

Trong chuyến khảo sát và sưu tầm các hiện vật văn hóa của Bảo tàng
Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã tiếp xúc được một bộ sưu tập ấn
triện của một nhà sưu tập ở Thành phố Hồ Chí Minh, bộ ấn triện này
có niên đại trải dài từ thời Lê sơ, Tây Sơn và nhiều nhất là thời Nguyễn
với các chất liệu như ngà, đồng, gốm …
Trong bộ sưu tập này phần lớn là ấn của các cơ quan hành chánh
huyện, trấn, xã, ấn của các tướng lĩnh quân đội, và ấn tư nhân. Trong số
đó duy nhất có một chiếc ấn tước phong, xin được giới thiệu chiếc ấn
này:




1/ Kiểu dáng:

Ấn được đúc bằng đồng, gồm có hai phần:

- Núm ấn (tay cầm) dạng chuôi vồ cao 6cm, có hình bầu dục cạnh dài
2,1cm, cạnh ngắn 1,7cm lớn ở phần trên, nhỏ dần xuống và thắt lại bên
dưới.
- Thân ấn hình vuông mỗi cạnh dài 7cm, dày 1,17cm gồm có 2 mặt:
mặt trên gọi là lưng ấn (tiếp giáp với núm), mặt dưới (mặt đóng xuống
văn bản, giấy tờ) gọi là mặt ấn
- Lưng ấn: Ngay giữa là phần tiếp giáp với núm ấn. Cạnh phải và cạnh
trái của lưng ấn mỗi bên khắc chìm một dòng chữ Hán theo thể chữ
khải (chân phương) nét chữ rõ, đều theo hàng dọc, đọc từ trên xuống.
Cạnh phải khắc dòng lạc khoản “明命拾肆年吉月日造 – Minh Mệnh
thập tứ niên cát nguyệt nhật tạo”. Cạnh trái khắc dòng trọng lượng
“重拾五両五錢柒分- Trọng thập ngũ lạng ngũ tiền thất phân”.


- Mặt ấn: Có 5 chữ Hán được khắc nổi, ngược theo thể chữ triện, xếp
theo 3 hàng dọc (hàng giữa 1 chữ, 2 hàng bên 2 chữ) khi in ra đọc được
là “良才侯之印 – Lương Tài Hầu chi ấn”
Nét chữ dày 0,2cm theo thể chữ triện đứng, 4 chữ ở 2 hàng bên có kích
thước bằng nhau đều cao 2,6cm; ngang 1,6cm riêng chữ ở giữa lớn hơn
1,5 lần chữ bên, kích thước đo được cao 3,9cm; ngang 1,9cm. Viền mặt
ấn rộng 0,8cm.

2/ Niên đại – Chủ nhân:

Dựa vào dòng chữ ghi trên lưng ấn “Minh Mệnh thập tứ niên cát
nguyệt nhật tạo” có thể xác định niên đại của ấn được đúc vào ngày
tháng tốt năm Minh Mệnh thứ 14 – 1833 và chữ khắc trên mặt ấn là
“Lương Tài Hầu chi ấn” thì rõ ràng đây là chiếc ấn của Hầu tước
Lương Tài.

Trước hết xin làm rõ tên Lương Tài Hầu.

“Hầu”: tên tước phong, là tước đứng hàng thứ hai trong ngũ tước triều
Nguyễn: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Ngũ tước từ thời Minh Mệnh về sau
ít dùng chỉ phong cho những người trong hòang tộc, người đã chết hay
những người có huân công lớn đối với triều đình. Theo qui định triều
Nguyễn việc phong tước được chia thành 2 lọai là Tôn tước và Huân
tước.

Tôn tước chỉ phong cho những người trong hòang tộc, tôn thất, họ hàng
với Vua. Ở chế độ Tôn tước, còn có tước Vương, đây là tước vị cao
nhất trong hệ thống tước phong triều Nguyễn. Về xét công phong tước,
triều đình có qui định rõ “Phàm cho phong tước, từ tước Thân vương
đến tước Hương công là dùng để phong cho hòang tử cùng các chú bác

anh em họ gần, mà đã từng làm hòang tử, từ tước Huyện hầu trở xuống
đều dùng để phong cho tôn thất…” (1). Khi phong tước thì kèm theo đó
là sách và ấn cho người được phong tước. Tùy theo tước vị cao thấp mà
ban cấp sách và ấn. Sách, ấn của Hầu tước được tập phong đều bằng
bạc; ấn vuông 1 tấc 7 phân 6 ly, dày 3 phân 2 ly. Núm chạm con kỳ lân,
hòm đựng ấn bằng gỗ sơn đỏ, 4 góc bịt bạc. Kiềm cái bằng ngà, hộp
son bằng thiếc.(2)

Huân tước chỉ phong cho công thần là những người có huân công,
chiến công đặc biệt đối với triều đình mà không phải là tôn thất, họ
hàng với vua. Ở chế độ Huân tước, tước Công là tước vị cao nhất,
thường chỉ ban cho người đã chết, còn đối với người còn sống thì chỉ
được phong tước Hầu trở xuống. Sự việc này, vào năm Minh Mệnh thứ
14 (1833) đã được nghị chuẩn khá rõ “Con cháu công thần được nối
đời tập phong tước, ấn triện đúc cấp cho đều dùng chất đồng, theo thứ
bậc mà giảm bớt đi. Như ấn của tước Hầu vuông 1 tấc 6 phân 2 ly, dày
2 phân 7 ly dấu kiềm bằng ngà vuông 5 phân 4 ly…chữ triện, đều dùng
tên thái ấp và tước được phong, như 5 chữ “Lương Tài Hầu chi ấn”,
dấu kiềm bằng ngà khắc 2 chữ “Lương Tài”". (3)

Qua đó cho thấy ở chế độ tước phong, triều Nguyễn cũng có sự phân
biệt khá rõ giữa Tôn tước và Huân tước, như ta thấy cùng tước Hầu
nhưng đối với Huân tước thì chỉ được ban cấp cho ấn đồng, núm thẳng
còn đối với Tôn tước thì được ban cấp cho ấn bạc, núm chạm hình con
kì lân.

Từ đây có thể khẳng định chiếc ấn “Lương Tài Hầu” được đúc bằng
chất đồng, núm thẳng là lọai ấn được ban cấp cho công thần không phải
dòng dõi hòang tộc.


“Lương Tài”: chính là tên thái ấp được ban kèm với tước phong. Trong
khỏang thời gian từ năm Gia Long thứ 7 (1808) đến năm Minh Mệnh
thứ 12 (1831), Ấp Lương Tài là 1 trong 100 ấp thuộc Thuộc Thời Tú,
Huyện Tuy Viễn, Phủ Qui Nhơn, Trấn Bình Định. Năm Minh Mệnh
thứ 13 (1832) chia đặt lại tỉnh hạt, đổi Trấn làm Tỉnh, lúc này thôn
Lương Tài, Đông giáp sông, Tây giáp 3 thôn Hạo Quang, Luật Bình,
Tân Mỹ, Nam giáp thôn Tân Mỹ, Bắc giáp thôn Chiêu Quang thuộc
Tổng Vân Dương, Huyện Tuy Phước, Phủ An Nhơn, Tỉnh Bình Định.
(4)

Như vậy, “Lương Tài” là tên đất phong không phải tên người? Vậy
Lương Tài Hầu là ai? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi lần giở những
trang sử do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên sọan thấy chép “Quý tỵ,
năm Minh Mệnh thứ 14 [1833], mùa xuân, tháng 3 phong tước, ấp cho
các công thần. Vua bảo Nội các rằng: ” … nay được lúc nước nhà hơi
rỗi, chính là lúc nên thưởng tước, đền công để đáp lại công lao đặc biệt
của các công thần. Năm trước đã liệt những công thần quá cố vào hàng
phối hưởng ở miếu đình, ban cho tước vương, tước công, tước hầu và
đất ăn lộc tưởng đã đủ yên ủi được vong hồn họ rồi. Nay những công
thần còn ở triều đình như Tiền quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự là
Trần Văn Năng, Trung quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự là Tống
Phúc Lương, thự Hậu quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự là Phan Văn
Thúy, đều là những người lập được nhiều công trạng vẻ vang ở đầu đời
trung hưng. Vậy phong cho Trần Văn Năng làm Lương Tài hầu, Tống
Phước Lương làm Vĩnh Thuận hầu, Phan Văn Thúy làm Chương Nghĩa
hầu” (5).

Như vậy, mùa xuân tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) 3 vị công
thần là võ tướng đứng đầu 3 đạo quân lớn lúc bấy giờ là Tiền quân,
Trung quân và Hậu quân được tấn phong tước Hầu. Theo quy chế triều

Nguyễn, khi phong tước cho công thần thì kèm theo đó là sắc và ấn
(cùng với dấu kiềm bằng ngà) cho người được phong tước. Qua đó có
thể khẳng định rằng chủ nhân chiếc ấn “Lương Tài Hầu chi ấn” được
đúc vào tháng 3 năm 1833 không ai khác hơn đó chính là Tiền quân Đô
thống phủ Chưởng phủ sự Trần Văn Năng, vị tướng có nhiều công
trạng vẻ vang vào đầu thời trung hưng.

Ông người huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa, là người khỏe mạnh
và giỏi võ nghệ. Năm 1777 theo Nguyễn Ánh được bổ làm Đội trưởng,
sau thăng thuộc nội Cai đội theo Lê Văn duyệt đánh giặc, lập được
nhiều chiến công thăng Vệ úy. Lại theo Nguyễn Văn Thành hạ thành
Bình Định được thăng Đô thống chế hậu doanh Thần Sách. Năm Gia
Long thứ 8 (1809) cai quản 5 doanh quân Thần Sách đi đánh ở Gia
Định. Năm thứ 11 (1812) kiêm lĩnh Phó tướng quân Chấn Vũ. Năm thứ
17 (1818) giặc cướp nổi lên ở Nghệ An, quan trấn thủ không dẹp được,
ông được phái đi thay thế. Năm Minh Mệnh thứ 1 (1820) quyền
chưởng Tiền quân ấn vụ, kiêm lĩnh Thị vệ đại thần đồng thời được giao
trông coi việc xây cung Từ Thọ. Tháng 8, mùa thu Minh Mệnh năm thứ
4 (1823) ông lĩnh chức Phó Tổng trấn Thành Gia Định. Năm sau
(1824) ông được triệu về kinh làm Thự tiền quân thống chế coi danh
sách các tập ấm, anh danh. Năm thứ 7 (1826) thăng Chưởng doanh,
kiêm quyền lĩnh Thương bạc, coi binh Giáo dưỡng. Năm thứ 9 (1928)
quản Tào chính, rồi quyền lĩnh ấn triện Tướng quân Thống chế (6).

Tháng 9, năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) thăng thụ Tiền quân Đô thống
phủ Chưởng phủ sự. Tháng 3, năm sau (1833) được tấn phong làm
Lương Tài Hầu; tháng sáu cùng năm, nghịch Khôi nổi lên ở Nam kỳ,
Vua lấy ông sung chức Bình Khấu tướng quân cấp cho cờ và bài đi dẹp
giặc. Trước khi lên đường vào Nam ông được vua ban cho một thanh
gươm chuôi vàng và cho con là Phó vệ úy Trần Văn Lân đi theo. Chiến

công đầu tiên của ông là phá được đồn Giao Khấu ở sông Lão Tố, Lôi
Lạp. Không lâu sau nước Triêm La (nước Xiêm) xâm lấn nước Chân
Lạp, rồi phạm vào biên giới nước ta, đánh chiếm Hà Tiên, Châu Đốc.
Trần Văn Năng được mật dụ cùng Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân
tiến quân thẳng tới Châu Đốc, đánh phá quân Xiêm ở Thuận Cảng
(Vàm Nao) chém được đại đầu mục của giặc là Phi Nhã Khổ. Tháng
giêng, năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) đạo quân Hà Tiên đánh lấy lại
được tỉnh lỵ nhân thắng lợi, Ông đem binh thuyền thẳng thành Nam
Vang đánh đuổi giặc Xiêm. Sau khi lấy lại thành Nam Vang, Trần Văn
Năng bị bệnh, đem quân giao cho Trương Minh Giảng và Nguyễn
Xuân; rồi đem thuộc hạ quay về Gia Định, đi đến Siêu Tân (ở trên
Thuận Cảng thuộc phủ Tân thành, tỉnh An Giang) thì chết, thọ 72 tuổi,
khi ấy là ngày Tân Mão tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 15
(11/01/1834). Việc tâu lên, Vua nghỉ triều 3 ngày, dụ rằng: “Trần Văn
Năng là tướng cũ triều trước rõ rệt có công cao. Lâu năm giúp ta cũng
vẫn kính cẩn giữ lòng trung hậu, nết tốt không đổi. Trước đây khâm sai
coi việc quân, lại hay đem lòng địch khái, khích lệ quân sĩ, nhiều lần
dâng được công to. Nay giặc Xiêm hiện đã dẹp yên, mầm giặc Phiên
An chẳng mấy ngày nữa sẽ bị bắt. Công lớn sắp làm xong. Nhân vì khó
nhọc chồng chất, mắc thành bệnh đến chết! Nghe tin, ta rất thương tiếc!
Vậy truy tặng hàm Thái phó, tấn phong Tân Thành quận công, ban cho
tên thụy là Trung Dũng, thưởng thêm cho gấm màu, nhiễu màu, sa màu
mỗi thứ 10 tấm và 3000 quan tiền. Chuẩn cho tướng quân Nguyễn Văn
Trọng đến tuyên dụ làm lễ tế”. Rồi truyền Chỉ từ Bình Thuận trở ra Bắc
theo từng địa hạt, hộ tống đi đường bộ, đưa về ngụ ở kinh đô (7). Đến
Tự Đức năm thứ 10 (1857) được đưa vào thờ ở đền Hiền Lương. Sau
175 năm ngày ông mất, mộ phần của ông và vợ hiện vẫn còn ở trên núi
Hòang Long thuộc thôn Thượng 2, xã Thượng Xuân, Thành phố Huế.

3/ Trọng lượng – Kích thước:


Trọng lượng: Dựa vào dòng chữ ghi trên lưng ấn “Trọng thập ngũ lạng
ngũ tiền thất phân” có thể xác định được trọng lượng của chiếc ấn là 15
lạng 5 tiền 7 phân. Qua đó, có thể biết được cách tính trọng lượng thời
Minh Mệnh với đơn vị là lạng, tiền, và nhỏ nhất là phân (1 lạng = 10
tiền = 100 phân)

Dưới thời thuộc Pháp cách tính trọng lượng bằng đơn vị lạng, tiền,
phân này dần dần được thay thế bằng cách tính theo đơn vị mới là
Kilogram (kg), gram (g) cho đến ngày nay.

Khi bỏ chiếc ấn này lên cân bằng đơn vị đo trọng lượng mới thì chiếc
ấn này nặng 625g

Vậy mối tương quan giữa cách đo trọng lượng theo đơn vị cũ vào thời
Minh Mệnh và cách đo trọng lượng theo đơn vị mới ngày nay như thế
nào?

Thưc tế chiếc ấn cân nặng: 625g = 15 lạng 5 tiền 7 phân. Từ đây, ta có
thể tính được: lấy trọng lượng đơn vị mới là 625g chia cho trọng lượng
đơn vị cũ là 15,57lạng ta được kết quả là 40,14. Theo kết quả này thì
1lạng = 40,14 gð 15 (lạng) x 40,14 (g) = 602,1g
1 tiền = 4,014 gð 5 (tiền) x 4,014 (g) = 20,07g
1 phân = 0,4014 gð 7 (phân) x 0,4014 (g) = 2,80g
15 lạng 5 tiền 7 phân = 624,97g

Kích thước: Theo như Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã chép ở trên, vào
năm 1833, trong phần chuẩn lời nghị của vua Minh Mệnh đối với các
công thần được nối đời tập phong tước đã phân định rõ chất liệu cũng
như là kích thước của ấn triện. Tùy theo tước phong lớn nhỏ mà ban

cấp ấn triện cho thích hợp, như đối với tước Hầu thì được cấp ấn vuông
1 tấc 6 phân 2 ly, dày 2 phân 7 ly. Từ đây, có thể thấy được cách tính
đơn vị đo lường trong giai đọan này là tấc, phân và nhỏ nhất là ly (1 tấc
= 10 phân = 100 ly).

Ở phần trên chúng tôi đã đo được kích thước của chiếc ấn theo đơn vị
đo lường mới là 7cm

Thực tế chiếc ấn đo được: 7cm = 1 tấc 6 phân 2 ly. Cũng giống như
cách tính trọng lượng, ta lấy số đơn vị đo lường mới 7 (cm) chia cho số
đơn vị đo lường cũ là 1,62 (tấc) ta sẽ có kết quả là 4,32.

Theo kết quả này ta được
1 tấc = 4,32cm => 1 (tấc) x 4,32 (cm) = 4,32cm
1 phân = 0,432cm => 6 (phân) x 0,432 (cm) = 2,592cm
1 ly = 0,0432cm => 2 (ly) x 0,0432(cm) = 0,086cm
1 tấc 6 phân 2 ly = 7cm
Độ dày của ấn là 1,17cm = 2 phân 7 ly
1 phân = 0,432cm => 2 (phân) x 0,432 (cm) = 0,864cm
1 ly = 0,0432cm => 7 (ly) x 0,0432 (cm) = 0,302cm
2 phân 7 ly = 1,17cm

4/ Mối tương quan trong hệ thống ấn triện thời Minh Mệnh:

Theo số liệu thống kê được, thì ấn triện triều Nguyễn còn được lưu giữ
với số lượng khá khiêm tốn, chủ yếu lưu lại hình dấu trên các văn bản
giấy như châu bản, sắc, dụ, chỉ, tư, phó, bằng cấp…Ấn triện thời Minh
Mệnh lại càng hiếm hoi, cho đến nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Hà
Nội chỉ lưu giữ có 3 chiếc ấn. Chiếc thứ nhất là chiếc ấn cấp huyện, ký
hiệu Lsb 2526 được đúc vào Minh Mệnh năm thứ 3 (1822) có tên là

“An Lập huyện ấn”. Chiếc thứ 2 ký hiệu Lsb 2528, có tên “Hưng Hóa
bố chính sứ ty chi ấn” là chiếc ấn của ty Bố Chính tỉnh Hưng Hóa,
được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831). Chiếc ấn thứ 3 mang số
ký hiệu Lsb 2524, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) có tên
“Hưng Hóa phó lãnh binh quan quan phòng” đây là chiếc ấn quan
phòng của Phó Lãnh Binh tỉnh Hưng Hóa.(8). Cả 3 chiếc ấn này đều
được đúc bằng đồng, núm dạng chuôi vồ, ấn thứ 1 và 2 hình vuông, ấn
thứ 3 hình chữ nhật. Đặc biệt, trên lưng của 3 chiếc ấn này đều có khắc
2 dòng chữ Hán, một bên ghi niên hiệu, một bên ghi trọng lương, duy
có chiếc ấn thứ nhất (1822) không ghi dòng trọng lượng thay vào đó là
dòng ghi cơ quan chế tạo.

Cùng với 3 chiếc ấn đang được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Hà Nội
lưu giữ thì rõ ràng chiếc ấn Lương Tài Hầu là chiếc ấn mang tước
phong duy nhất và là chiếc ấn “Hầu tước” được đúc đầu tiên để ban cho
bách tánh thuộc triều Nguyễn.

Vương triều Nguyễn, Từ khi Gia Long lên ngôi năm 1802 cho đến khi
Bảo Đại trao ấn kiếm cho Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
năm 1945 chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình, với hơn 140 năm
Vương triều nhà Nguyễn đã cho đúc và ban cấp rất nhiều ấn triện từ
trung ương đến địa phương để phục vụ cho việc thống trị của mình.
Tuy nhiên, việc đúc ấn triện mang tước hiệu để ban cho các công thần,
tướng lĩnh chỉ bắt đầu từ thời Minh Mệnh khi mà chế độ vương quyền
ngày càng được cũng cố, bộ máy tổ chức hành chánh đã dần đi vào quy
cũ, các định chế, qui chế ngày càng chính qui và rõ ràng hơn, đồng thời
để động viên, khích lệ các tướng lĩnh đã có công trong việc bảo vệ và
cũng cố vương triều của mình. Với những qui chế thời Minh Mệnh đã
được Quốc Sử Quán ghi chép lại khá rõ, có thể thấy, chiếc ấn Lương
Tài Hầu là chiếc ấn “Hầu tước” đầu tiên được vua Minh Mệnh ban cấp

cho công thần, tướng lĩnh cao cấp không phải là người trong hòang tộc,
và được xem như là chiếc ấn mẫu đã được ghi vào sử sách, về sau khi
có phong tước ban cấp ấn triện cho các công thần thì dùng nó làm
chuẩn để đúc theo.



TÀI LIỆU DẪN

1/ Nội Các triều Nguyễn 1993, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ,
tập 1, NXB Thuận Hóa, tr: 123.
2/ Nội Các triều Nguyễn 1993, Sđd, tập 6, tr: 297.
3/ Nội Các triều Nguyễn 1993, Sđd, tập 6, tr: 307.
4/ Nguyễn Đình Đầu 1996, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Bình
Định, tập 2, NXB Tp.Hồ Chí Minh, tr: 794.
5/ Quốc Sử Quán triều Nguyễn 2007, Đại Nam Thực Lục, tập 3, NXB
Giáo Dục, tr: 486, 494.
6/ Quốc Sử Quán triều Nguyễn 2003, Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện,
tập 3, NXB Thuận Hóa, tr: 253.
7/ Quốc Sử Quán triều Nguyễn 2007, Sđd, tập 4, tr: 39.
8/ Nguyễn Công Việt 2005, Ấn chương Việt Nam từ cuối thế kỷ XV đến
cuối thế kỷ XIX, NXB Khoa học xã hội, tr: 386, 422, 437.


×