Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Thuốc tây gây “nóng gan”? pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (92.93 KB, 3 trang )

Thuốc tây gây “nóng gan”?
Một số bệnh nhân ngộ nhận khi sử dụng thuốc tây gây khó khăn cho việc chữa trị.
Đa số thuốc tây (tân dược) có nguồn gốc là hóa chất được tổng hợp. Khi đưa vào
cơ thể được xem là “chất lạ” nên thuốc tây dễ gây tác dụng phụ là dị ứng, thậm chí
gây tác hại một số cơ quan trong cơ thể. Biết được điều này, ta phải thận trọng
trong việc sử dụng thuốc, không được tự ý dùng tùy tiện bừa bãi. Đặc biệt có
nhiều thuốc phải tuyệt đối dùng theo sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Cũng không nên suy diễn thuốc tây là hóa chất mà chụp mũ thuốc tây gây “nóng
gan, nóng người” và chối bỏ việc dùng thuốc tây.
“Nóng gan” vì nước tiểu có màu vàng?
Đối với một số người, khi tiểu ra nước màu vàng có nghĩa là gan nóng, người
không được khỏe. Trên thực tế đúng là có một số trường hợp rối loạn chức năng
gan dẫn đến việc nước tiểu có màu vàng sậm. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị
một căn bệnh nào đó, nếu bệnh nhân thấy nước tiểu có màu vàng, không xin ý
kiến bác sĩ mà đã vội vã tự ý bỏ thuốc vì cho rằng thuốc làm gan mình nóng là
hoàn toàn sai lầm.
Có một loại vitamin tan trong nước là vitamin B2 (còn có tên là riboflavin), khi sử
dụng đương nhiên sẽ làm nước tiểu có màu vàng. Điều này giải thích vì sao dùng
thuốc chứa hỗn hợp vitamin nhóm B với tên Bécozyme (liều cao được dùng trị
đau nhức dây thần kinh) thì nước tiểu có màu vàng. Vitamin B2 có trong
Bécozyme là hợp chất có sẵn màu vàng, không chỉ dùng làm thuốc mà còn được
dùng trong thực phẩm để tạo màu. Đối với thuốc bổ đa sinh tố (còn gọi là
polyvitamin hoặc multivitamin) cũng thế, do chứa vitamin B2 nên cũng làm người
sử dụng… hết hồn vì sự đổi màu nước tiểu.
Như trên đã trình bày, đó không phải tại thuốc làm cho nóng gan sinh nhiệt mà chỉ
là dấu hiệu vô hại của thuốc, thậm chí là dấu hiệu tốt giúp ta nhận biết đó là thuốc
thật. Dùng thuốc có chứa vitamin B2 mà đi tiểu không thấy màu vàng coi chừng
đó là thuốc giả! Cũng giống như dùng thuốc trị nhiễm trùng đường tiểu có chứa
dược chất là xanh methylen, nếu nước tiểu không có màu xanh thì phải nghi ngờ
đã không dùng thuốc thật. Có thuốc làm nước tiểu thành màu hồng, đó là thuốc trị
táo bón chứa danthron hay thuốc trị động kinh chứa diphenylhydantoin.


“Nóng gan” vì thuốc gây táo bón và làm phân biến đổi màu?
Có nhiều nguyên nhân gây táo bón, trong đó có gan yếu tiết mật không tốt để tiêu
hóa bị xáo trộn làm khó khăn trong đại tiện. Có một số thuốc gây táo bón nhưng
không phải do nóng gan, mà do làm giảm sự co thắt ruột đưa đến trục trặc trong
việc tống phân ra ngoài. Trường hợp này ngưng thuốc sẽ hết táo bón, hoặc có thể
tiếp tục dùng thuốc kèm theo dùng thuốc trị táo bón.
Một số thuốc khi dùng sẽ làm phân biến đổi màu, đặc biệt là làm phân có màu đen.
Điển hình là thuốc chứa bismuth (Trymo, Denol…) trị viêm loét dạ dày tá tràng.
Bismuth khi uống sẽ không được hấp thu và sẽ kết hợp với khí hydro sulfid (H2S)
để tạo bismuth sulfid có màu đen, theo phân ra ngoài.
Hay loại thuốc bổ chứa sắt (Fe), trường hợp này cũng giống như ăn huyết hay tiết
canh, khi đi tiêu có phân đen. Màu đen này của phân là vô hại và phân sẽ trở lại
bình thường nếu ngưng dùng thuốc. Có loại thuốc làm phân có màu đỏ, đó là
pyrvinium pamoat trị giun sán. Tất cả đều không gây nóng gan, hại cơ thể như
nhiều người nghĩ.
Dùng thuốc tây nên theo đúng liệu trình
Tóm lại, khi đi khám chữa bệnh và được thầy thuốc chỉ định dùng thuốc tây, ta
phải an tâm dùng thuốc theo đúng chỉ định. Đừng vì quan niệm “thuốc tây gây
nóng gan, nóng người” mà không dùng thuốc hoặc dùng một thời gian ngắn rồi
bỏ, tức không theo đúng liệu trình, thời gian dùng thuốc. Nên lưu ý thuốc tây có
thể gây tác dụng phụ. Vì vậy, trong thời gian dùng thuốc nếu bị phản ứng gì bất
thường phải trở lại tái khám để bác sĩ có hướng xử trí thích hợp.

×