Có nên "rút ví" cho con học kỹ năng sống?
Người được trang bị kỹ năng sống có khả năng làm chủ cảm xúc để
lựa chọn hành động đúng mực và phù hợp.
Khi đối diện khó khăn hoặc chuyện không như ý, họ cũng biết cách tự tạo
động lực để vượt qua; còn lúc thất bại, biết rút bài học kinh nghiệm và tự
đứng dậy để bước tiếp.
Các phụ huynh có con trong độ tuổi đi học vẫn được người thân, bạn bè
khuyên rằng nên cho con đi học kỹ năng sống. Thế nhưng, nhiều người
vẫn rất rụt rè khi quyết định đầu tư cho con học những kỹ năng bổ ích này.
Đơn giản là vì họ phải móc "hầu bao" trong khi vẫn chưa hiểu rõ dạy kỹ
năng sống là dạy cái gì, con họ học được gì sau những khó học kỹ năng
sống như thế
Kỹ năng sống là gì?
Giải thích một cách dễ hiểu, đó là khả năng nhận thức bản thân (biết mình
là ai, sinh ra để làm gì, mình mạnh gì, yếu gì, mình có thể làm được
những gì ); biết làm chủ cảm xúc để lựa chọn hành động đúng mực và
ứng xử phù hợp; biết hoạch định tương lai thông qua việc đề ra những
mục tiêu và quyết tâm theo đuổi; khi đối diện khó khăn hoặc chuyện bất
như ý thì biết cách tự tạo động lực để vượt qua; còn lúc thất bại, biết rút
bài học kinh nghiệm và tự đứng dậy bước tiếp. Hoặc có thể dùng một từ
đơn giản để mô tả, đó chính là nội lực trong bản thân mỗi người. Để hạnh
phúc và thành công, bên cạnh việc có tri thức thì vai trò của kỹ năng sống
là rất quan trọng.
Riêng ở Việt Nam, việc phải trang bị kỹ năng sống cho con cái là vấn đề
càng đáng quan tâm hơn. Có nhiều lý do, trong đó có lý do thuộc về
chương trình giảng dạy trong nhà trường hiện nay vẫn còn quá tập trung
vào phát triển trí dục; còn đức dục, thể dục và mỹ dục chưa được chú
trọng đúng mức.
Nên học kỹ năng sống ở đâu?
Với định nghĩa trên thì phạm vi của kỹ năng sống rất rộng. Không bất kỳ ai
hoặc đơn vị nào dám tuyên bố có thể bao thầu trọn gói về dạy kỹ năng
sống. Như vậy, kỹ năng sống nhất thiết phải là sự phối hợp chặt chẽ giữa
gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết đi từ gia đình, cụ thể là cha mẹ
phải có trách nhiệm giáo dục kỹ năng sống cho con. Những vấn đề đặt ra
trong giáo dục là nếu không biết, không hiểu và "làm đại" thì giáo dục sai
còn gây hại hơn là không giáo dục. Hoặc nhiều phụ huynh trong cách dạy
con nói một đằng (thông tin) nhưng thực tế lại hành xử một nẻo (thông
điệp) thì càng nguy hiểm.
Kỹ năng sống cũng có thể tự nghiệm trong quá trình lớn lên, va chạm với
cuộc sống. Nhưng vấn đề ở chỗ, cái giá phải trả để ngấm những điều đó
có lẽ "mắc" và "lâu" hơn rất nhiều, có khi tốn cả cuộc đời. Ví dụ, có nhiều
người gần hết cuộc đời mới nhận ra mình cần phải sống ý nghĩa. Hoặc khi
mất một người thân mới hiểu giá trị của tình yêu thương. Rồi khi phá sản
mất vài trăm triệu mới học được một bài học rằng: "Mình cần phải đi học".
Kỹ năng sống cũng có thể tự học qua sách vở. Nhưng nói đến sách thì
vấn đề đầu tiên cần đặt ra là phải xây dụng một thói quen đọc sách cho
các bạn trẻ. Tóm lại, học kỹ năng sống có thể bằng nhiều cách khác nhau,
và tốt nhất là nên kết hợp trong một hệ thống hoàn chỉnh với nỗ lực tối đa
của các chủ thể giáo dục (gia đình, nhà trường, xã hội và chính bản thân
các bạn trẻ).
Bài toán chi phí
Khi nhắc đến việc cho con đi học kỹ năng sống ở các đơn vị thì thông
thường lý do khiến nhiều phụ huynh ái ngại là mức phí cao quá. Điều này
cũng phải thôi vì ai nấy đều đang sống trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, bạn cần xác định rõ đâu là chi phí và đâu là đầu tư? Chi phí là
mất hẳn, còn đầu tư thì sinh lãi. Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, tiền bạn
bỏ ra có thể được xem là đầu tư cho tương lai. Mức đầu tư sẽ khá cao,
bởi phương pháp đào tạo kỹ năng sống rất khác với giáo dục văn hóa
trong nhà trường. Một đơn vị đào tạo kỹ năng sống uy tín cần cả một công
nghệ đào tạo hoàn chỉnh và một quá trình nghiên cứu nghiêm túc chứ
không phải hù người bằng vài nội dung hào nhoáng, còn người đứng lớp
không vì cái tâm nghề nghiệp. Tri thức là "món hàng" đặc biệt, đừng định
giá nó giống như những món đồ khác. Cũng vì vậy mà đừng đánh giá một
khóa học qua số tiền đắt hay rẻ, hãy dựa vào giá trị thực nhận được so với
khoản đầu tư ấy có xứng đáng hay không?
Có cần thiết phải học kỹ năng sống?
Một mẫu số chung ở nhiều bạn trẻ ngày nay là đang ngày càng trở nên
căng thẳng và mệt mỏi với việc học, thậm chí không còn hứng thú đến
trường. Áp lực học tập mà các bạn đang gánh là rất nặng nề so với nội lực
yếu ớt: sáng học chính, chiều phụ đạo, tối học thêm, sách vở chồng chất,
bài tập dày đặc. Các bạn phải học quá nhiều thứ, nhưng lẽ ra điều đầu
tiên cần dạy các bạn đó là "Tại sao phải học?" thì ít được đề cập. Rõ ràng,
sự trang bị kiến thức cho các bạn trẻ đang thiếu hoặc lệch. Ngoài ra, với
lượng kiến thức khủng khiếp và áp lực thi cử căng thẳng, các bạn rất cần
những phương pháp học tập sáng tạo để giúp việc học trở nên nhẹ nhàng
và hiệu quả hơn. Dĩ nhiên, vẫn có rất nhiều bạn học giỏi nhưng cứ lù đù,
rụt rè, không biết cách tương tác và làm việc với bạn bè đồng trang lứa
(bởi người kia cũng thế nốt). Không thể quơ đũa cả nắm nhưng thực tế
đang có một tỷ lệ không nhỏ học sinh trong tình trạng này.
Nhiệm vụ của giáo dục là tạo ra những con người có giá trị và hữu ích cho
xã hội. Kỹ năng sống không thay thế được vai trò của tri thức trong nhà
trường, nhưng nó là một phần không thể thiếu để giúp việc hấp thụ tri thức
trở nên đúng đắn và dễ dàng hơn.