Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Hiện tượng đồng nghĩa lâm thời qua một số bài ca dao doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (903.35 KB, 8 trang )






Hiện tượng đồng nghĩa lâm thời qua một số bài ca dao

Đồng nghĩa có hai dạng, đó là hiện tượng đồng nghĩa cố định và hiện tượng đồng
nghĩa lâm thời. Đồng nghĩa cố định là hiện tượng chỉ xảy ra giữa các đơn vị có sẵn
trong hệ thống ngôn ngữ. Chẳng hạn để biểu thị hành động đưa thức ăn vào miệng
để nuôi sống cơ thể. Tiếng Việt có rất nhiều từ đồng nghĩa như: ăn, xơi, xực, chén,
táp, đớp đây là những đơn vị từ vựng thuộc cấu trúc có sẵn trong Từ điển đồng
nghĩa, mang tính chất cố định, chỉ khác về mặt phong cách chức năng và phạm vi
sử dụng.

Đồng nghĩa lâm thời là hiện tượng không có sẵn trong cấu trúc ngôn ngữ mà được
hình thành trong từng văn bản (ngôn cảnh) cụ thể. Đặt ngoài ngôn cảnh (văn cảnh)
hiện tượng đồng nghĩa lâm thời không tồn tại. Chẳng hạn có bài ca dao sau:

Em như con hạc đầu đình

Muốn bay không nhấc nổi mình mà bay

Trong ví dụ này, cụm từ “con hạc đầu đình” lâm thời chỉ người con gái. Vậy tại
sao lại dùng hình ảnh “con hạc đầu đình” mà không phải là một hình ảnh khác để
chỉ “em”? Tác giả dân gian đã lấy một đặc điểm cơ bản của “con hạc đầu đình” đó
là nó làm bằng đá, lẽ dĩ nhiên là nó không bay được. Người phụ nữ trong xã hội
phong kiến cũng vậy không được tự do quyết định số phận của mình. Họ bị bó
buộc, giam hãm cho nên nói như câu ca dao trên đã nói “muốn bay không nhấc nổi
mình mà bay”. Như vậy, chỉ trong văn cảnh này, người đọc mới hiểu con hạc đầu
đình để chỉ số phận người phụ nữ. Đó chính là hiện tượng đồng nghĩa lâm thời


trong ca dao.

Phương thức thể hiện của đồng nghĩa lâm thời trong ca dao rất đa dạng bao gồm ẩn
dụ tu từ, so sánh tu từ, nhân cách hóa, hoán dụ tu từ. Trong đó, phương thức ẩn dụ
tu từ và phương thức so sánh tu từ được sử dụng cao nhất. Tác giả Nguyễn Phan
Cảnh trong công trình “Ngôn ngữ thơ” cũng đã cho rằng: “Ca dao lấy việc khai
thác các đồng nghĩa lâm thời làm phương tiện biểu hiện cơ bản nghĩa là làm việc
chủ yếu bằng hệ lựa chọn vì thế hình tượng ngôn ngữ ca dao trước hết là hình
tượng ẩn dụ tính. Điều đó giải thích vì sao số các ẩn dụ trong ca dao lại lớn đến
thế. Có thể nói không quá rằng mỗi câu ca dao nhất là ca dao tình yêu nam nữ, đều
là một cấu trúc ẩn dụ”. Ví dụ:

Anh nói em cũng nghe anh,

Bát cơm đã trót chan canh mất rồi !

Nuốt đi đắng lắm anh ơi,

Bỏ ra thì để tội trời ai mang

Chắc chắn không một người con trai nào sau khi nghe cái thông báo ấy lại đi hỏi
người con gái những câu đại loại như “Bát cơm đã trót chan canh” nghĩa là gì”?
Tại sao “nuốt” lại “đắng”, bỏ một chén canh thì đến mức gì phải “tội trời”. Nội
dung của bài ca dao trên không nói chuyện “cơm” “canh” mà là sự than thân của
một cô gái đã lấy chồng nhưng không được như ý muốn. “Bát cơm” lâm thời
chuyển đổi để nói đến đời em, “chan canh” lâm thời chuyển đổi để nói đến chồng
con. Ngoài văn cảnh này, cách liên tưởng như trên không hề tồn tại.

Ngoài phương thức ẩn dụ thì so sánh tu từ cũng được sử dụng tương đối nhiều. Ca
dao thường dùng nhiều hình ảnh để nói lên cái đẹp, cũng có khi nói về cái xấu

nhưng lại không nói thẳng. Nhờ so sánh tu từ mà ca dao dù trong sáng, giản dị vẫn
rất hàm súc. Chẳng hạn, người con gái không được chủ động trong hôn nhân đã tự
ví mình:

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

Ví dụ này có quy tắc: A như B, trong đó A là vế được so sánh và B là vế so sánh.
“Hạt mưa sa”(B) lâm thời chỉ “Thân em”(A). Ngoài văn cảnh này không có mối
liên hệ nào để nói hạt mưa sa là của em cả.

Giá trị tu từ của hiện tượng đồng nghĩa lâm thời cũng được biểu hiện trên nhiều
phương diện: Thứ nhất, hiện tượng đồng nghĩa lâm thời giúp người đọc nhận thức
sâu sắc hơn về đối tượng miêu tả. Cùng nói về một đối tượng là thân phận người
phụ nữ nhưng ở mỗi bài ca dao dưới đây lại có cách biểu đạt khác nhau, cho chúng
ta những liên tưởng tương đồng không giống nhau:

Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân

Thân em như miếng cau khô

Người thanh tham mỏng, người thô tham dày.

Để làm nổi bật hoàn cảnh đáng thương tội nghiệp của người phụ nữ trong xã hội
phong kiến, tác giả dân gian đã lựa chọn hàng loạt các hình ảnh như “giếng giữa
đàng”, “miếng cau khô”, “hạt mưa sa” Giữa chúng có khác nhau về mặt ý nghĩa
nhưng qua hình ảnh gợi cảm đó ta thấy nổi bật lên thân phận của những người phụ

nữ nhỏ bé tội nghiệp và hoàn toàn bị động trong tình yêu.

Thứ hai, hiện tượng đồng nghĩa lâm thường bộc lộ cảm xúc, tâm trạng, tính cách,
sự đánh giá của người nói nhưng đồng thời cũng “khêu gợi” tình cảm, cảm xúc nơi
người đọc. Ví dụ:

Gà tơ xào với mướp già

Vợ hai mươi mốt, chồng đà sáu mươi.

Ra đường, chị giễu, em cười,

Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng

Hình ảnh “gà tơ” và “mướp già” có sức gợi tả lớn. Đây là cách sử dụng đồng nghĩa
lâm thời rất độc đáo. “Gà tơ” lâm thời chỉ cô gái còn trẻ lại đẹp và đầy sức sống.
Một cô gái như thế lại đi lấy “mướp già” - một ông chồng già nua bằng tuổi ông
mình. Cô gái xót xa lại càng xót xa hơn khi “Ra đường, chị giễu, em cười”. Rõ
ràng, chỉ với hai hình ảnh ẩn dụ “gái tơ” và “mướp già” tác giả dân gian đã bày tỏ
cảm xúc của mình một cách mãnh liệt qua từng lời thơ, hình tượng thơ. Bài ca dao
tuy chân thật, mộc mạc nhưng lại gợi cho người đọc biết bao cảm xúc.

Thứ ba, hiện tượng đồng nghĩa lâm thời mang đến giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm.
Để bày tỏ tình yêu, ông cha ta đã sử dụng những lời nói ý nhị, kín đáo, cách nói ví
von nhưng không phải vì thế mà kém phần thắm thiết mà trái lại chính sự trau
chuốt trong lời ăn tiếng nói này lại đem đến giá trị thẩm mỹ cao cho những bài ca
dao.

Đến đây Mận mới hỏi Đào


Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì Đào xin thưa

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

Hình ảnh “Mận” “Đào” trong trường hợp này lâm thời chỉ cô gái và chàng trai. Và
câu chuyện giữa họ không chỉ là câu chuyện thăm hỏi bình thường mà là một lời tỏ
tình thật dễ thương. Bài ca dao đã giữ lại cho chúng ta thấy một tình cảm trong
sáng, lành mạnh và tế nhị trong cách tỏ tình của đôi lứa ngày xưa.

×