Nam Cao (1915 – 1951) là một trong số những nhà văn lớn nhất của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.
Sáng tác của ông đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian, càng thử thách lại càng ngời
sáng. Thời gian càng lùi xa, những tác phẩm của ông càng bộc lộ ý nghĩa hiện thực sâu sắc, tư tưởng nhân
đạo cao cả và vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện, độc đáo.
Nam Cao là nhà văn lớn nhất của trào lưu văn học hiện thực phê phán 1930 -1945. Trong số các
nhà văn hiện thực, ông là cây bút có ý thức sâu sắc nhất về quan điểm nghệ thuật của mình. Ông phê phán
khá toàn diện và triệt để tính chất thoát ly, tiêu cực của văn chương lãng mạn đương thời, coi đó là
thứ “ánh trăng lừa dối”, đồng thời yêu cầu nghệ thuật chân chính phải trở về với đời sống, phải nhìn thẳng
vào sự thật, nói lên được nỗi thống khổ của hàng triệu nhân dân lao động lầm than (Giăng sáng).
Xuất hiện trên văn đàn khi trào lưu hiện thực chủ nghĩa đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc,
Nam Cao ý thức sâu sắc rằng: “Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi,
khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có” (Đời thừa). Và Nam Cao đã thực sự
tìm được cho mình một hướng đi riêng trong việc tiếp cận và phản ánh hiện thực. Nếu như Nguyễn Công
Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố – những nhà văn hiện thực xuất sắc thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936 –
1939) đều tập trung phản ánh trực tiếp những mâu thuẫn, xung đột xã hội thì sáng tác của Nam Cao – đại
biểu ưu tú nhất của trào lưu hiện thực chặng đường cuối cùng (1940 – 1945), trừ truyện ngắn Chí
Phèo (mà theo tôi là dư âm còn sót lại của thời kỳ 1936 – 1939) trực tiếp đề cập tới xung đột giai cấp, còn
các tác phẩm khác đều tập trung thể hiện xung đột trong thế giới nội tâm của nhân vật. Hoàn cảnh lịch sử
lúc bấy giờ không tạo điều kiện cho Nam Cao đi thẳng vào những vấn đề cấp bách nhất của xã hội, không
trực tiếp miêu tả những sự kiện có ý nghĩa xã hội lịch sử rộng lớn. Nhiều tác phẩm của ông được dệt lên
bằng toàn những “cái hàng ngày” chủ yếu liên quan đến cuộc sống riêng tư của các nhân vật, những sự
kiện vặt vãnh, nhỏ nhoi, tủn mủn mà nhà văn gọi là “những chuyện không muốn viết”. Chưa bao giờ cái
vặt vãnh hàng ngày lại có một sức mạnh ghê gớm như trong sáng tác của Nam Cao. Chỉ có tiếng con
khóc, tiếng vợ gắt gỏng cũng đủ sức lôi tuột văn sĩ Điền đang nhởn nhơ trên chín tầng mây với ánh trăng
giống như “cái vú mịn tròn đầy” xuống mặt đất với biết bao cực khổ lầm than (Giăng sáng). Miếng cơm,
manh áo hàng ngày cùng với những xích mích vặt vãnh, những ghen tuông vớ vẩn, những đố kị nhỏ nhen
cũng dư thừa sức mạnh khống chế, giam cầm chung thân mấy anh giáo khổ trường tư trong cái ao tù ngột
ngạt của những kiếp Sống mòn. Cả lý tưởng nhân đạo cao cả, cả hoài bão nghệ thuật chân chính đều có
nguy cơ chết mòn trước sự tấn công quyết liệt, dai dẳng và tàn bạo của cái đói (Đời thừa).v.v… Từ những
chuyện vụ vặt đời thường, Nam Cao đã thực sự động chạm đến vấn đề có tính chất nhân bản, đã đặt ra
những vấn đề sâu sắc về cuộc sống, về thân phận của con người, về vấn đề cải tạo xã hội, về tương lai của
dân tộc và nhân loại. Bi kịch của đời thường, của những cái vặt vãnh hàng ngày, qua ngòi bút đầy tài
năng của Nam Cao đã trở thành những bi kịch vĩnh cửu.
Nam Cao là nhà văn của chủ nghĩa hiện thực tâm lý. Điều đó có quan hệ mật thiết tới quan niệm
về con người của ông. Nam Cao viết trong Sống mòn: “Sống tức là cảm giác và tư tưởng. Sống cũng là
hành động nữa, nhưng hành động chỉ là phần phụ: có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động”. Một
quan niệm về con người như thế đã chi phối thủ pháp chủ nghĩa hiện thực tâm lý của Nam Cao. Sự chú ý
đặc biệt tới thế giới bên trong của con người đã thường xuyên chế ước hứng thú nghệ thuật ngày càng
tăng của nhà văn đối với tính chất nhiều dự định của cá tính con người, động cơ nội tại của hành vi nhân
vật và quan hệ phức tạp của nó với hiện thực xung quanh.
Đối với Nam Cao, cái quan trong hơn cả trong nhiệm vụ phản ánh chân thật cuộc sống là cái chân
thật của tư tưởng, của nội tâm nhân vật. Xét tới cùng, cái quan trọng nhất trong tác phẩm không phải là
bản thân sự kiện, biến cố tự thân mà là con người trước sự kiện, biến cố. Vì vậy, trong sáng tác của Nam
Cao, hứng thú của những chi tiết tâm lý thường thay thế cho hứng thú của chính bản thân các sự kiện,
biến cố. Như vậy, nguyên tắc các sự kiện, biến cố, tình tiết chỉ giữ vai trò “khiêu khích” các nhân vật, để
cho nhân vật bộc lộ những nét tâm lý, tính cách của mình. Cho nên, trong Mua nhà, Nam Cao không tập
trung miêu tả sự việc mua được cái nhà gỗ rẻ mà tập trung xoáy sâu vào những suy nghĩ, dằn vặt, những
ân hận, dày vò của nhân vật người kể chuyện về tình trạng “hạnh phúc chỉ là một cái chăn quá hẹp. Người
này co thì người kia bị hở”. Đời thừa cũng không hướng vào việc miêu tả nỗi khổ áo cơm mà tập trung
thể hiện phản ứng tâm lý của con người trước gánh nặng áo cơm làm mai một tài năng và xói mòn nhân
cách. Cho nên, trước khi bán một con chó, lão Hạc phải trải qua biết bao băn khoăn, day dứt, dằn vặt và
khi buộc phải bán nó thì lão vô cùng ân hận, tột cùng đau đớn, tuổi già mà khóc hu hu như con nít. Chí
Phèo, con quỷ dữ của làng Vũ Đại, ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, đập đầu rạch mặt, chửi bới, dọa
nạt trong lúc say, như là con vật sống trong vô thức, vậy mà sau lần gặp Thị Nở ở bờ sông, cứ “vẩn vơ
nghĩ mãi”. Còn Thị Nở, người đàn bà vô tâm có cái tật đột nhiên muốn ngủ không sao chữa được, về nhà
lên giường muốn ngủ hẳn hoi mà vẫn không sao ngủ nổi, thị cứ “lăn ra lăn vào”.v.v… Nam Cao chẳng
những miêu tả sinh động những chi tiết, những biểu hiện tâm lý nhỏ nhặt nhất mà còn theo dõi, phân tích
quá trình tích tụ của chúng dẫn tới sự nảy sinh những phẩm chất mới trong tâm hồn con người. Không chỉ
dừng lại ở những khoảnh khắc, Nam Cao đã miêu tả thành công những quá trình tâm lý của nhân vật.
Ngòi bút của ông tỏ ra có biệt tài trong khi miêu tả những trạng thái tâm lý phức tạp, những hiện tượng
lưỡng tính dở say, dở tỉnh, dở khóc, dở cười, mấp mé ranh giới giữa thiện với ác, giữa hiền với dữ, giữa
con người với con vật… Nam Cao đã khắc phục được tính phiến diện, đơn giản trong việc miêu tả tâm lý
nhân vật. Qua ngòi bút của ông, tâm lý con người được thể hiện một cách phong phú đa dạng với nhiều
sắc thái tinh vi.
Trong sáng tác của Nam Cao, tâm hồn con người là sân khấu bi kịch và bi hài kịch của những
xung đột tư tưởng, ý tưởng. Thi pháp chủ nghĩa hiện thực tâm lý của Nam Cao thích ứng với việc nghiên
cứu, phân tích và khám phá bằng nghệ thuật tâm lý của nhân vật hơn là việc phân tích và miêu tả những
biến cố, xung độ đích thực của chính bản thân đời sống xã hội. Đối với Nam Cao, sự phân tích tâm lý hầu
như là điều kiện cơ bản nhất của việc thể hiện con người theo phương pháp hiện thực có chiều sâu của
ông. Nam Cao đã lấy thế giới nội tâm nhân vật làm đối tượng chính của sự miêu tả. Ông đã hướng ngòi
bút của mình vào việc khám phácon người trong con người miêu tả và phân tích mọi chiều sâu, mọi
chuyển biến trong thế giới tâm hồn của nhân vật. Chính vì vậy mà đối với ông, việc miêu tả ngoại hình
chỉ có ý nghĩa khi nó nhằm thể hiện và làm nổi rõ bộ mặt tinh thần của nhân vật. Những cảnh thiên nhiên
cũng chỉ có lý do tồn tại khi nó gắn liền với tâm trạng của con người. Giữa những bức tranh phong cảnh
thoáng nhìn tưởng chỉ thuần tuý những cảnh vật thiên nhiên, nhà văn đã khéo léo treo lên những mảnh
tâm hồn của nhân vật.
Nam Cao mong muốn khai thác những vấn đề của cuộc sống không phải ở bề rộng mà là ở bề sâu.
Thoát khỏi cách nói chút ít về tất cả, ông đã tập trung bút lực vào việc miêu tả nội tâm của nhân vật. Nhà
hiện thực chủ nghĩa Nam Cao đãmở rộng việc phản ánh hiện thực bằng cách khai thác sâu sắc thế giới
tâm hồn của con người. Qua ngòi bút ông, thế giới bên trong của con người, kể cả những “con người bé
nhỏ”, thậm chí cả những kẻ khốn khổ tủi nhục nhất như Chí Phèo và Thị Nở cũng là cả một vũ trụ bao la!
Đối với Nam Cao, việc phân tích tâm lý nhân vật không tách rời việc phân tích cuộc sống xã hội nói
chung. Thông qua việc miêu tả, phân tích tâm lý để thể hiện những mâu thuẫn, xung đột xã hội, Nam Cao
đã mở ra một khuynh hướng phân tích mới cho phương pháp hiện thực chủ nghĩa trong văn học Việt
Nam. Có thể nói, cảm hứng phân tích phê phán thấm nhuần trong toàn bộ sáng tác của Nam Cao. Nó là
một đặc điểm nổi bật, trở thành “linh hồn”, “cốt tuỷ” chủ nghĩa hiện thực của Nam Cao.
Cái gốc, nền tảng vững chắc của chủ nghĩa hiện thực của Nam Cao là chủ nghĩa nhân đạo. Trong
truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao khẳng định: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ
cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả đời người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao,
mạnh mẽ, vừa đau đớn, vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho
người gần người hơn”. Như vậy, trong quan niệm của Nam Cao, chủ nghĩa nhân đạo được đặt ra, như một
yêu cầu tất yếu đối với những tác phẩm “thật có giá trị”.
Trong mỗi trang văn của Nam Cao đều bộc lộ tấm lòng của một con người đau đời và thương đời
da diết. Nam Cao yêu thương những con người bị cuộc đời đày đọa. Xã hội cũ đã làm cho ông đau xót khi
mà đa số những nhân vật của ông bị đẩy vào cảnh khốn cùng, không đạt được gì trong cuộc đời, không có
đủ điều kiện để phát huy những khả năng tiềm tàng ưu việt của mình.
Nam Cao là nhà văn của những người nông dân nghèo khổ và bất hạnh, nhà văn của những người
khốn khổ, tủi nhục nhất trong xã hội thực dân phong kiến. Trái tim nhân đạo và cái nhìn sắc sảo của ông
đã thấu hiểu những hoàn cảnh thiếu nhân tính làm cho con người bị tha hóa. Viết về những con người
dưới đáy của xã hội, Nam Cao đã bộc lộ sự cảm thông lạ lùng của một trái tim nhân đạo lớn. Thế giới,
cuộc đời con người, mối quan hệ giữa những con người được nhìn nhận bằng những con mắt của chính
họ. Nhà văn, trong những đánh giá và nhận xét, đã xuất phát từ lợi ích và yêu cầu của chính những con
người cùng khổ nhất, không có quyền, bị xã hội áp bức, chà đạp xuống tận bùn đen. Nam Cao đã bảo vệ,
bênh vực, minh oan, “chiêu tuyết” cho những con người thấp cổ bé họng, bị cuộc đời xua đuổi, hắt hủi,
khinh bỉ một cách bất công. Với trái tim đầy yêu thương của mình , Nam Cao vẫn tin rằng trong tâm hồn
của những người không còn được là người, những con người bề ngoài được miêu tả như những con vật
vẫn còn nhân tính, vẫn còn những khát khao nhân bản. Ông nhận ra đằng sau những bộ mặt xấu xí đến
“ma chê quỷ hờn” của Thị Nở (Chí Phèo) của mụ Lợi (Lang Rận) của Nhi (Nửa đêm). v.v… vẫn là một
con người, một tâm tính người thật sự, cũng khao khát yêu thương. Và khi được ngọn lửa tình yêu sưởi
ấm, những tâm hồn tưởng chừng đã cằn cỗi, khô héo ấy cũng ánh lên những vẻ đẹp với những hồi hộp,
vui mừng sung sướng, cũng lườm, nguýt, âu yếm, cũng e lệ, làm duyên theo kiểu cách riêng của họ.
Thậm chí, trong đáy sâu tâm hồn đen tối của một kẻ cục súc, u mê như Chí Phèo – một kẻ đã bị cuộc đời
tàn phá, huỷ hoại từ nhân hình đến nhân tính – nhà văn vẫn nhìn thấy những rung động thật sự của tình
yêu của niềm khao khát muốn trở lại làm người lương thiện. Có thể nói, cùng với việc lên án gay gắt
những thành kiến, định kiến tồi tệ, những sự nhục mạ danh dự và phẩm giá con người, chính việc phát
hiện ra cái phần con người còn sót lại trong một kẻ lưu manh trân trọng những khao khát nhân bản và
miêu tả những rung động trong sáng của những tâm hồn tưởng chừng đã bị cuộc đời làm cho cằn cỗi, u
mê đã làm cho Nam Cao trở thành một trong số những nhà văn nhân đạo lớn nhất trong nền văn học hiện
đại Việt Nam.
Nam Cao là nhà văn của những người trí thức nghèo, của những kiếp “Sống mòn” có hoài bão, có
tâm huyết, tài năng, muốn vươn lên cao nhưng lại bị chuyện áo cơm ghì sát đất. Nếu như mỗi tác phẩm
viết về đề tài người nông dân của Nam Cao đều là sự trả ơn, gửi gắm ân tình với người nghèo khổ thì mỗi
trang viết về đề tài người trí thức đều chứa đựng tâm sự, nỗi đau và niềm khát khao cháy bỏng của chính
nhà văn.
Nam Cao giống với Xuân Diệu, Thạch Lam ở chỗ đã thức tỉnh sâu sắc về ý thức cá nhân, về sự
tồn tại có ý nghĩa về ý thức cá nhân trên đời. Họ hết sức nhạy cảm với những kiếp sống nhỏ bé, cơ cực,
sống mòn mỏi, lắt lay, quẩn quanh, bế tắc. Những con người không hề biết sống làm vui, không bao giờ
biết đến ánh sáng và hạnh phúc. Đến trong ước mơ mà vẫn cứ quẩn quanh không biết mơ ước gì hơn một
chuyến tàu đêm vụt đi qua cái phố huyện nghèo (Thạch Lam - Hai đứa trẻ). Xuân Diệu cũng không sao
chịu nổi “nỗi đìu hiu của cái ao đời bằng phẳng” (Tỏa nhị kiều) và khao khát: “Thà một phút huy hoàng
rồi chợt tối/ Còn hơn le lói suốt trăm năm” (Giục giã). Nhưng có lẽ, không ai trong số họ lại đau đớn
khôn nguôi, phẫn uất cao độ như Nam Cao trước tình trạng con người không sao thoát khỏi tình
trạng sống mòn. Trước cách mạng, không có nhà văn nào có cách nhìn sâu sắc, có tầm triết lý, tổng hợp
khái quát cao về tình trạng chết mòn của con người như nhà văn lớn Nam Cao. Mỗi nhân vật của ông là
một kiểu đời thừa, một lối sống mòn, một cách chết mòn. Một cuộc sống vô lý, vô ích, vô nghĩa, “chết mà
chưa làm gì cả”, “chết trong lúc sống”, “chết mà chưa sống”. Nam Cao không chấp nhận sự sống của con
người chỉ là sự tồn tại sinh học. Ông coi đó không phải là cuộc sống xứng đáng của con người: “Có thú vị
gì cái lối sống co quắp vào mình, cái lối sống quá ư loài vật, chẳng còn biết một việc gì ngoài cái việc
kiếm thức ăn đổ vào dạ dày?”. Cuộc sống xứng đáng với danh hiệu cao quý của con người, theo quan
niệm của Nam Cao, là phải có đời sống tinh thần cao đẹp, sống với đầy đủ giá trị của sự sống. Xuất phát
từ tư tưởng cao sâu đó, Nam Cao đã đồng cảm sâu sắc và đau đớn vô hạn trước bi kịch của những con
người muốn sống có ý nghĩa bằng sự cống hiến của mình mà rốt cuộc phải sống như một kẻ vô ích, một
“người thừa”. “Còn gì đau đớn hơn cho một kẻ vẫn khao khát làm một cái gì mà nâng cao giá trị đời sống
của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt?” (Đời thừa).
Qua những nhân vật trí thức tâm huyết của mình, những Điền, những Hộ, những Thứ…, Nam Cao
thể hiện niềm khao khát, một lẽ sống lớn, khao khát một cuộc sống sâu sắc mãnh liệt, có ích và có ý
nghĩa. Hộ trong Đời thừa hằng tâm niệm: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn
lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình” và mơ ước viết được “một tác
phẩm thực sự có giá trị (…) làm cho người gần người hơn”. Thứ trong Sống mòn đã từng “thích làm một
việc gì có ảnh hưởng đến xã hội ngay” và mong muốn đem “những sự đổi thay lớn lao đến cho xứ sở
mình”. Hơn một lần Thứ mơ ước: “Mình cũng là một vĩ nhân, một anh hùng, vượt lên trên sự tầm thường
để chỉ nghĩ đến một cái gì vĩ đại thôi. Y nghĩ đến những phương kế để xoay ngược lại, đồng thời xếp đặt
cho người với người ổn thoả hơn”. Những con người mang hoài bão lớn ấy khi chạm trán với cuộc đời
đều nếm trải đắng cay, đau đớn, đều lâm vào tình trạng “sống mòn”. Nhưng dẫu bị “áo cơm ghì sát đất”,
tuy “sống mòn” nhưng họ chưa hoàn toàn cạn kiệt hết niềm tin, niềm hi vọng, vẫn khao khát được sống,
được cống hiến, được phát triển; vẫn khao khát mỗi cá nhân được phát triển “đến tận độ” để góp vào
“công việc tiến bộ chung” của loài người. Cao cả và đẹp đẽ biết bao lý tưởng nhân văn của Nam Cao
được gửi gắm qua những dòng suy ngẫm của nhân vật Thứ về sự sống: “Thứ vẫn không thể nào chịu
được rằng sống chỉ là làm thế nào cho mình và vợ con mình có cơm ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một
cái gì cao đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ
những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công việc
tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại”. Như vậy, trong quan niệm của
Nam Cao, ý thức cá nhân, sự tồn tại có ý nghĩa của mỗi cá nhân trên đời đâu chỉ một chiều là tranh thủ
từng giây, từng phút để tận hưởng những khoảnh khắc đang có cho “chếnh choáng mùi thơm”, cho “đã
đầy ánh sáng”, cho “no nê thanh sắc của thời tươi” (Xuân Diệu). Nam Cao đòi hỏi để cho mỗi cá nhân
được phát triển đến tận độ với một ý thức đầy trách nhiệm và trong mối quan hệ mật thiết với sự phát
triển chung của xã hội loài người. Tư tưởng nhân văn mới mẻ và sâu sắc đó chưa từng có trong nền văn
học hiện đại Việt Nam trước cách mạng. Đó là một tư tưởng lớn vượt ra ngoài cả thời đại Nam Cao.
Có thể nói, tư tưởng nhân đạo thấm nhuần trong sáng tác của Nam Cao. Ông là nhà văn đồng tình với
khát vọng sống lương thiện và khát vọng được phát huy đến tận độ tài năng của con người. Tư tưởng
nhân đạo mới mẻ, phong phú và sâu sắc đó cho thấy nhà văn không chỉ dừng lại ở chỗ tố cáo những thế
lực tàn bạo chà đạp quyền sống của con người mà còn đòi hỏi xã hội tạo những điều kiện để con người
được sống một cuộc sống thực sự có ý nghĩa.