Tải bản đầy đủ (.pdf) (15 trang)

đề tài phản biện tính hiệu quả từ luận đề những hình ảnh của nước (hay là yêu cầu cần phân biệt đặc điểm và giá trị của minh triết phương đông)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (242.08 KB, 15 trang )








Nghiên cứu triết học

Đề tài: PHẢN BIỆN TÍNH HIỆU QUẢ TỪ
LUẬN ĐỀ NHỮNG HÌNH ẢNH CỦA NƯỚC
(HAY LÀ YÊU CẦU CẦN PHÂN BIỆT ĐẶC
ĐIỂM VÀ GIÁ TRỊ CỦA MINH TRIẾT
PHƯƠNG ĐÔNG
PHẢN BIỆN TÍNH HIỆU QUẢ TỪ LUẬN ĐỀ "NHỮNG HÌNH ẢNH CỦA
NƯỚC" (HAY LÀ YÊU CẦU CẦN PHÂN BIỆT ĐẶC ĐIỂM VÀ GIÁ TRỊ
CỦA MINH TRIẾT PHƯƠNG ĐÔNG)

NGUYỄN HỮU SƠN (*)
Thông qua những so sánh đối chiếu của F.Jullien trong tác phẩm
Bàn về tính hiệu quả, tác giả đã đi đến phân tích luận đề “những
hình ảnh của nước” với tư cách hình ảnh đặc sắc phản ánh tư tưởng
của Lão Tử. Lão Tử đã xem xét một phẩm chất của nước – “bất
tranh” và từ đó khái quát thành quan điểm nhân sinh, thành phẩm
chất ứng xử được coi là đặc trưng của tâm thức phương Đông – “vi
vô vi”. Theo tác giả, quan điểm nhân sinh này thiên về khái quát đặc
điểm kinh nghiệm, ứng xử hơn là định hướng tiến bộ xã hội, nên khó
có thể coi là giá trị.

1. Tuy cách đặt vấn đề và điểm nhìn khác nhau, song, chúng tôi nhận
thấy có những điểm tương đồng nhất định trong cách hình dung của


nhà nghiên cứu triết học đương đại Pháp F.Jullien với học giả Việt
Nam Cao Xuân Huy (1900-1983) khi cùng bàn về minh triết phương
Đông, cùng so sánh tương quan hai truyền thống văn hoá Đông -
Tây, cùng bàn về tính hiệu quả do hai dòng định hướng tư tưởng ấy
chi phối và đưa lại. Trước đây, Cao Xuân Huy đã xác định: "Tư
tưởng của loài người tác dụng và phát triển theo hai phương thức:
phương thức chủ toàn và phương thức chủ biệt ( ). Hai phương
thức tư tưởng trên đây tuy đi ngược hướng với nhau, nhưng chúng
vẫn quyện vào nhau trong mỗi người, mỗi nhà tư tưởng, mỗi dân tộc,
mỗi nền văn hoá, mỗi thời đại. Chỉ có cái tỉ trọng, cái liều lượng của
hai phương thức ấy trong mỗi người, mỗi dân tộc, v.v. là có khác
nhau"(1). Gần đây, F.Jullien đã viết những dòng mở đầu trong thư
gửi các bạn đọc Việt Nam nhân công trình Traité de l'efficacité -
Bàn về tính hiệu quả (1977) của ông được dịch sang tiếng Việt:
"Trong tập tiểu luận này, tôi cố gắng tư duy tính hiệu quả bằng cách
đào sâu sự chia tách giữa hai truyền thống văn hoá lớn này: một là
truyền thống lập mô hình lý thuyết hướng về một sự ứng dụng thực
hành, chính là nhờ vào truyền thống này mà khoa học và kỹ thuật
phương Tây có được thành công; mặt khác, đó là truyền thống
không lấy sự chủ động của một cái Tôi - chủ thể lập mô hình và
hành động làm cơ sở cho tất cả, mà lấy xu thế của sự vật làm chỗ
dựa và tìm cách khai thác tiềm thế được bao hàm trong tình thế lâm
sự - từ truyền thống này trí tuệ chiến lược của Trung Hoa đã phát
triển cùng với những gì đã truyền cảm hứng dồi dào cho minh triết
Trung Hoa"(2). Tuy không đặt nhiệm vụ so sánh hệ thống quan điểm
của F.Jullien với Cao Xuân Huy, song những ý kiến khái quát trên sẽ
định hướng cho chúng tôi trong quá trình khảo sát cách thức lý giải
của F.Jullien về tính hiệu quả từ luận đề "những hình ảnh của nước"
và đi tới một vài nhận định ban đầu nhằm phân biệt cái gọi là đặc
điểm và giá trị của minh triết phương Đông so với tư tưởng triết học

phương Tây.
2. Trước hết, theo chúng tôi, cần lược thuật lại những điểm quan
trọng nhất liên quan tới vấn đề trên trong công trình Xác lập cơ sở
cho đạo đức (Đối thoại của Mạnh Tử với một nhà triết học Khai
sáng) của F.Jullien đã được giới thiệu ở Việt Nam từ nửa thập kỷ
trước. Công trình Xác lập cơ sở cho đạo đức tập trung so sánh
những phương diện căn bản nhất trong quan niệm về triết học và đạo
đức học giữa hai nhà tư tưởng thuộc hai thời đại và hai phương trời
cách biệt nhau: Mạnh Tử (385 - 304 TCN ?) và J.Rousseau (1712 -
1778). Qua 15 chương sách, tác giả đã làm nổi bật được những
tương quan, những mẫu số chung, những mối quan tâm chung của
hai nhà tư tưởng về cội nguồn của đạo đức - lòng trắc ẩn, sự huyền
bí của tình thương và những dấu hiệu của ý thức đạo đức. Trên cơ sở
đời sống vật chất - văn hoá - xã hội, tác giả tiếp tục khảo sát và so
sánh các phương diện, như tranh luận về bản tính con người, về việc
khẳng định nhân tính - “bản tính thiện” như là đức nhân - cội rễ của
tình đoàn kết, mối quan tâm “lo cho thiên hạ” và ước vọng về “sự
công bằng ngự trị trên trần gian” Từ điểm nhìn của một trung tâm
văn hoá châu Âu hiện đại, học giả F.Jullien vừa thâm nhập vào nền
văn hoá Trung Hoa cổ đại, vừa tạo nên sự đối sánh với mong muốn
tạo lập một cách hình dung mới về những tương quan, sự đồng dạng,
ý nghĩa phổ quát của chân lý đạo đức: “Nếu như tôi chọn trình bày
những ý tưởng của Mạnh Tử là người đầu tiên trình bày một cách rõ
ràng tư duy đạo đức của người Trung Hoa thì đó là để đem lại cho
suy tư đạo đức của phương Tây hiện đại bấy lâu nay bị giam hãm
trong lịch sử của chính mình cơ hội của một sự đối chiếu giáp mặt”.
Phân tích hệ thống tư tưởng đạo đức của Mạnh Tử, F.Jullien nhấn
mạnh cả những phương diện tạo nên bản chất giá trị nhân văn có ý
nghĩa nhân loại lẫn những phương diện bộc lộ rõ giới hạn lịch sử của
một thời đại, một trình độ văn hoá - xã hội cụ thể. Rõ ràng là, từ tư

duy đối sánh có chiều sâu, những nhược điểm của minh triết phương
Đông và cả những khái niệm được coi là bất cập đối với triết học
phương Tây đã bộc lộ rõ nét. Đó là những mâu thuẫn, nghịch lý giữa
tính hiện thực và lý tưởng, giữa đạo đức cảm tính và chính trị duy lý:
“Ở đây còn có điều đáng suy nghĩ hơn là một nghịch lý. Mạnh Tử
muốn làm cho chúng ta dung hoà những điều không thể dung hoà
được ( ). Làm sao tưởng tượng được là có thể làm cho đòi hỏi đạo
đức trùng hợp với thành công chiến lược? Hay là chúng ta đã sai lầm
đào sâu khoảng cách giữa vertu (cải thiện, đạo đức) và virtu (sự kiên
quyết, bạo lực)”; “Nhưng ta xử lý sao đây những sự cuồng loạn của
bạo lực trong cõi trần, những tình thế bất công. Rõ ràng là Mạnh Tử
phải phân biệt hai trạng thái của thiên hạ - khi thịnh trị và khi bị
loạn, khi có đạo đức hoặc khi vô đạo, nhưng ông một mực không
chịu tách biệt chúng”(3)…
Trong Lời giới thiệu cho bản dịch công trình nói trên sang tiếng
Việt, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã khái quát sâu sắc bản
chất của sự so sánh: “Có một chiều sâu khác thường trong phương
pháp luận so sánh văn hóa Đông Tây của tác giả có thể trình bày như
sau: Hiểu lý trí Âu châu từ lý trí Trung Hoa và ngược lại, suy tư
Trung Hoa bằng Âu châu và ngược lại” (tr.v). Đồng thời, dịch giả
cũng nhấn mạnh ý nghĩa thời sự và tính vấn đề của đề tài: “Đạo đức
của cá nhân bao gồm hai loại quan hệ (hoặc trách nhiệm) đạo đức:
quan hệ đạo đức của cá nhân với người khác, với những cộng đồng
có liên quan đến mình và quan hệ đạo đức của cá nhân với bản thân
mình. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chúng ta coi nhẹ loại quan
hệ (hoặc trách nhiệm) đạo đức của cá nhân với bản thân mình” (vii).
Tiếp đó, dịch giả triển khai cụ thể hơn nội dung cơ sở đạo đức trong
cách nhìn của con người hiện đại: “Tự giác, chủ động trong hành vi
đạo đức là biểu hiện của sự thống nhất trong quan hệ mình với mình
và “mình dối gạt mình” là điểm tối kỵ trong đời sống đạo đức…

Tinh thần coi trọng sự tự xét mình và sự tự giác trong hành vi đạo
đức cùng một bản chất với tinh thần coi trọng sự xem xét độc lập và
sự quyết định độc lập của chính mình trong hành động” (xi), v.v
3. Quay lại vấn đề, luận đề về "những hình ảnh của nước" được
F.Jullien xem như một nội dung quan trọng trong tư tưởng phương
Đông và, theo ông, được thể hiện sâu sắc trong học thuyết của Lão
Tử (thế kỷ V TCN). Để làm rõ quan điểm của F.Jullien, trước hết,
chúng tôi tổng thuật lại suy tư "những hình ảnh của nước" trong Đạo
đức kinh.
- "Thượng thiện nhược thuỷ. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh
( ). Phù duy bất tranh, cố vô vưu" (Thượng thiện giống như nước.
Nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh Ôi, vì không tranh nên
không sai lầm - Chương 8).
- "Đại quốc giả hạ lưu, thiên hạ chi giao, thiên hạ chi tẫn " (Nước
lớn như ở hạ lưu vốn là chỗ hợp lại của thiên hạ và cũng là giống cái
trong thiên hạ - Chương 61).
- "Giang hải sở dĩ năng vi bách cốc vương giả dĩ, kỳ thiện hạ chi"
(Sông và biển sở dĩ làm vua của trăm hang bởi vì khéo ở dưới nó -
Chương 66).
- "Thiên hạ nhu nhược mạc quá ư thuỷ, nhi công kiên cường giả mạc
chi năng thắng" (Trong thiên hạ chẳng có gì mềm yếu hơn nước
nhưng cũng chẳng gì có thể vượt hơn nước trong việc công phá cái
kiên cường - Chương 78).
Từ những đặc tính trên của nước, Lão Tử ca ngợi phẩm chất "bất
tranh" của nước; phổ quát hoá đức khiêm tốn, khiêm nhượng và
nghệ thuật sống khiêm nhu; nâng "nhu đạo" và một phương diện
thích hợp của lối ứng xử "nhu thắng cương, nhược thắng cường" trở
thành phương châm chỉ đạo cả các lĩnh vực hoạt động chính trị, quân
sự và ngoại giao.
Khi xem xét luận đề về "những hình ảnh của nước", F.Jullien nhấn

mạnh: "Một hình ảnh xuyên qua tư tưởng của Trung Hoa cổ - vừa
tưới cho nó vừa xâu chuỗi nó lại - đó là hình ảnh của nước. Nó là,
đây là lời trong sách Lão Tử (th.8), cái gần gũi hơn cả với đạo"(4).
Ông đã biện biệt khúc chiết mối liên hệ và sự khác nhau giữa đạo và
nước (nước là một “thực tại được thực tại hoá” và cũng là “thực tại ít
được thực tại hoá hơn cả”); đặc biệt, ông cũng đã khảo sát và phân
tích một cách nghiêm túc, sâu sắc "những hình ảnh của nước" theo
đúng tinh thần học thuyết của Lão Tử. Nói khác đi, nhà nghiên cứu
cũng đã dựa theo mô hình của Lão Tử, tức cũng lựa chọn những đặc
điểm của nước hiểu như là những giá trị, những phẩm chất, những
thế mạnh để rồi phân tích, bình luận, định giá.
Phải chăng, F.Jullien đã thực sự xem xét vấn đề thuận chiều theo
cách lựa chọn của Lão Tử - chỉ lựa chọn một số đặc điểm mà không
đặt trong tổng thể các đặc điểm của nước - và quan trọng hơn, lại đã
thuận theo cách lập luận mang đầy tính lý tưởng, ảo tưởng và không
tưởng của Lão Tử? Xin lấy một ví dụ. Đặt "những hình ảnh của
nước" của Lão Tử trong mối tương quan và sự đối sánh với binh
pháp Tôn Tử, F.Jullien viết: "Đặc điểm của sức mạnh đích thực, xét
đến cùng, là nó không (tự) cưỡng ép. Tư tưởng Trung Hoa không
ngừng trở về môtip này: bản chất của nước là chảy về chỗ thấp; nếu
như nơi nào chảy qua nó xô trôi cả đá, chẳng qua là nó theo độ dốc
đón dòng chảy của nó. Nước là hình ảnh của cái không ngừng tìm
một lối thoát, để tiếp tục con đường của nó mà không cưỡng bức xu
thế của nó, trước sau theo khuynh thế của nó: "Cách dụng binh cũng
như cách chảy của nước. Nước tránh chỗ cao, chảy vào chỗ thấp,
dụng binh cũng vậy, phải tránh chỗ vững chắc của địch, tấn công
vào chỗ yếu kém" (Tôn Tử, th.6, "Hư thực"). Chỗ vững chắc là chỗ
địch có "thực lực", chỗ yếu kém là nơi địch bị "rỗng" ("hư") - yếu
kém hoặc cạn lương thảo": nhà chiến lược, giống như nước, anh ta
luôn luôn nương sát vào tuyến mất ít sức nhất và bất cứ lúc nào cũng

tìm được nơi có thể tiến dễ dàng nhất"(5).
Liên hệ với học thuyết của Lão Tử, có thể nghĩ tới hai vấn đề chính.
Thứ nhất, hình ảnh của nước được hiểu như một biểu trưng triết học
về sức mạnh của cái "yếu", "mềm yếu", "nhu thuật", "nhu đạo",
"thiên hạ chi chí nhu", "thuận theo tự nhiên" và như thế thì tốt nhất
phải là tránh được giao tranh. Chính Lão Tử đã hướng đạo: "Dụng
binh hữu ngôn: Ngô bất cảm vi chủ nhi vi khách, bất cảm tiến thốn
nhi thoái xích Kháng binh tương gia, ai giả thắng hỹ" (Phép dụng
binh có câu: Ta không dám làm chủ, chỉ làm khách, không dám tiến
một mà chỉ lùi mười Hai bên giao tranh, kẻ nhường là thắng -
Chương 69). Đó là quan điểm hiệu quả lý tưởng song lại trở nên
tuyệt đối không tưởng trong thực tế; hoặc nói đúng hơn, được coi là
phương châm xử thế, phương châm cảnh báo nhưng rất hiếm có cơ
hội thi hành.
Thứ hai, xét trên phương diện mục đích và tính hiệu quả, cách hiểu
về nước giữa Lão Tử và Tôn Tử khác xa nhau. Với Lão Tử, ưu thế
và giá trị của nước là ở chỗ "thiện nhược", "thiện hạ", "nhu nhược",
"bất tranh" và sự chiến thắng của nó là ở ý nghĩa, khả năng chứ
không phải chỉ ở mục đích cụ thể, trước mắt; với Tôn Tử, sức mạnh
của nước được vận dụng như một kỹ xảo, phương thuật, chiến thuật
trong một điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, nhằm đến mục đích và hiệu
quả cụ thể (tránh chỗ vững chắc, đánh chỗ yếu kém, nơi cạn lương
thảo, nơi dễ dàng ).
Đoạn so sánh trên cho thấy sự khác biệt giữa Lão Tử và Tôn Tử trên
cả hai phương diện tính mục đích và tính hiệu quả khi cùng vận
dụng "những hình ảnh của nước". Rõ ràng, Lão Tử chung hơn, phổ
quát hơn, triệt để hơn, lý tưởng và ảo tưởng hơn (hay diễn đạt như
F.Jullien, nước theo cách hiểu của Lão Tử "đưa chúng ta vào con
đường của Đạo, nó đưa chúng ta ngược lên tới cõi chưa phân hoá",
"là thực tại ít thực tại hoá hơn cả") - do đó, ông là nhà triết học.

Khác biệt Lão Tử, Tôn Tử thiên về ứng dụng, cụ thể hơn, xác thực
hơn, trực diện hơn, mang tính kinh nghiệm và vụ lợi hơn (hay theo
cách hình dung của F.Jullien, nước theo cách hiểu của Tôn Tử đã xa
nguồn đạo hơn, phân hoá nhiều hơn, "thực tại hoá" nhiều hơn) - do
đó, ông là nhà tư tưởng quân sự.
4. Từ nhiều điểm nhìn khác nhau, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận
những đóng góp quan trọng của Lão Tử trong hệ thống tư tưởng triết
học cổ đại và cũng đã chỉ ra những mặt hạn chế không thể tránh khỏi
của ông trong việc nhận thức về thế giới tự nhiên và xu thế vận động
xã hội, về mối quan hệ giữa đời sống vật chất và tinh thần con
người. Trong Bàn về tính hiệu quả, với tầm nhìn đối sánh Đông -
Tây, F.Jullien đã sử dụng thước đo "tính hiệu quả" để đo lường tư
tưởng của Lão Tử về chiến tranh, quyền lực và lời nói; trong đó có
luận đề quan trọng về "những hình ảnh của nước". Với tư cách là
người sống trong môi trường văn hoá phương Đông, chúng ta tiếp
nhận những kiến giải của F.Jullien như thế nào? Đồng thời, trong bối
cảnh xu thế toàn cầu hoá, chúng ta sẽ cùng ông nhìn nhận, phản tỉnh,
phản biện di sản tinh thần được gọi là "minh triết phương Đông",
xác định rõ hơn đâu là giá trị và đâu là đặc điểm để có những định
hướng phù hợp trong tương lai.
Trong Chương IX - Những hình ảnh của nước, F.Jullien đã lý giải
sâu sắc phẩm chất của nước theo quan điểm của Lão Tử: "Chỗ thấp
nơi nước không ngừng chảy xuống theo độ dốc là cái cho phép nó
ngự trị. Nếu như sông và biển có khả năng "làm vua trăm khe
lạch" , đó là vì chúng có cái "đức" [khả năng] ở dưới trăm khe lạch;
bởi vậy chúng có khả năng ngự trị khe lạch. Nghĩa đầu tiên là một
nghĩa tự nhiên - quen thuộc với chúng ta; hiệu quả được thu nhận từ
phía dưới đường dốc, quãng hạ lưu, và biển tăng trưởng hứng nhận
mọi thứ nước trên đời không phải chạy vạy tìm chúng; những dòng
nước chảy và hội tụ về nó chẳng qua là theo xu hướng của chúng,

biển chỉ có việc tiếp nhận chúng. Nhưng dưới cái nghĩa này len vào
nghĩa khác có tính chiến lược khôn khéo hơn, dù có phải như là
ngược lại với chiến lược, thậm chí dập tắt cả khả năng chiến lược:
chảy về chỗ thấp, nước chẳng bao giờ phải "tranh" với vật nào (Lão
Tử, th.8). Để được ở dưới thấp, người ta không cần phải đánh nhau.
Chiến lược tốt nhất là bắt đầu bằng việc làm cho mọi chiến lược đối
địch từ bỏ quyết tâm thi thố, loại trừ cạnh tranh, và hiệu quả này thật
là quỷ quyệt. Vì không đấu tranh với ai cho nên không ai tranh giành
với mình được (Lão Tử, th.22). Không những người ta không nghĩ
đến tranh giành mà người ta thậm chí không thể tranh giành được -
vì làm gì có ai, có chuyện để mà tranh giành. Bằng việc có ý thức
đặt ta vào chỗ thấp hơn, chỗ mà kẻ khác không thèm đặt chân, thế là
ta tước bỏ của y khả năng đối diện và kình địch và từ đó ta tháo kíp
nổ sự chống cự của y; làm cho chính sự đối kháng bị nhỡ tàu và mất
đi; ta làm trước việc tước vũ khí của kẻ khác"(6).
Rõ ràng, F.Jullien đã chú ý tới cả hai phương diện của nước. Trước
hết, "nước chảy chỗ trũng" là một thuộc tính tự nhiên, một hiện
tượng tự nhiên, một bản tính - vô thức và mang "một nghĩa tự
nhiên"; hay nói khác đi, phẩm chất của nước được Lão Tử nhận thức
như một kinh nghiệm tự nhiên và cũng chỉ lựa chọn lấy một khía
cạnh của quy luật tự nhiên ("chảy chỗ trũng") mà thôi. Như thế, Lão
Tử không nhằm khám phá, khai thác, tìm hiểu bản chất tự nhiên
(nước) mà chỉ mượn hiện tượng tự nhiên "nước chảy chỗ trũng", tận
dụng "những hình ảnh của nước" để khái quát thế ứng xử đạo đức và
xã hội, phổ quát hoá thế ứng xử trong chiến tranh, quyền lực và lời
nói. Tựa như kinh nghiệm của tục ngữ, Lão Tử đã tuyệt đối hoá cái
quy luật tự nhiên "nước chảy chỗ trũng" vốn chính xác trăm phần
trăm (100%) để rồi mặc định thành quy luật xã hội, thành suy tư có ý
nghĩa triết học. Xét từ trong bản chất, một sự mặc định như thế mang
đầy tính ngụy biện, phiếm chỉ, cảm tính và hình thức chủ nghĩa. Để

hình dung rõ hơn đặc điểm này, chiếu ứng với quy luật "nước chảy
chỗ trũng", xin giả định nếu Lão Tử lại đề xuất các quy luật "nước
thượng nguồn bao giờ cũng thanh sạch", "sông, biển có nước là nhờ
khe, hang" thì tình hình sẽ ra sao?
Sau khi diễn giải "nghĩa tự nhiên" của nước theo cách trình bày của
Lão Tử, F.Jullien tiến tới phản vấn và xác định đặc điểm của nước
khi vận dụng vào nghệ thuật đánh trận, đúng hơn là nghệ thuật né
tránh đụng đầu và thoát khỏi tình thế chiến trận: "Nhưng làm thế nào
tư duy mối quan hệ này với kẻ khác trong đó người ta thắng được kẻ
thù mà lại không đụng độ? Trong sách Lão Tử có sự giải thích bằng
một loạt cách diễn đạt nghịch lý, mỗi lần như vậy có sự rút đi bổ ngữ
bao hàm bên trong động từ được đưa ra (theo thể thức của vi - vô vi):
"chinh chiến" mà "không chiến", hoặc là "xắn tay áo mà không có
tay", hoặc là "đi chiến đấu mà không có kẻ thù", hoặc là "nắm vững
trong tay không có vũ khí" (th.69). Điều này có nghĩa là "không có
sự kháng cự do giao chiến", đây là lời bàn góp của nhà bình
chú"(7) Ở đây, F.Jullien đã tinh tế nhận ra cả một hệ thống lối
"diễn đạt nghịch lý", hình thức tựa như chơi chữ "rút đi bổ ngữ" để
từ đó bao quát đầy đủ cả hai trạng thái vi và vô vi cũng như tiến đến
hoàn tất một luận đề lôgíc phi lôgíc "vi vô vi". Theo Đạo đức kinh,
"vi vô vi" (Chương 63) có thể được hiểu theo 3 nghĩa: làm cái đạo
vô vi, làm mà như không làm gì cả và làm mà không mắc trong cái
làm. Thực chất, "vi vô vi" cũng là kiểu nhận thức gần với Đạo, còn
"chưa phân hoá" và "ít thực tại hoá". Chính vì thế mà yêu cầu "vi vô
vi" vẫn mang tính khả năng, lý tưởng nhiều hơn và khi cần đem ứng
dụng, thi thố và "thực tại hoá" thì nó lại bộc lộ những bất cập bởi
không thể xác định, đo đếm, định lượng bằng thước đo hiệu quả cụ
thể. Rút cuộc, tinh thần "bất tranh" của nước hay yêu cầu "vi vô vi"
là đặc điểm quan trọng trong học thuyết Lão Tử cũng như trong hệ
thống minh triết phương Đông, song liệu chúng đã đạt đến những

giá trị hay chưa lại là chuyện khác.
Từ việc khảo sát "những hình ảnh của nước" trong học thuyết của
Lão Tử và chiếu ứng với binh pháp Tôn Tử được hiểu như một bước
dịch chuyển "thực tại hoá" từ lý thuyết đến hiện thực, F.Jullien đi
đến nhận xét: "Đã không thể mô hình hoá được xung đột, vì nó
thường xuyên thay đổi, chẳng còn "lời phát biểu" nào khác ngoài lời
phát biểu về biến số (variable): không quan tâm lắm đến việc xây
dựng một lý thuyết về những hình thức, tư tưởng Trung Hoa coi
trọng hơn cả việc dựng lên một hệ thống những sự khác biệt; có
nghĩa là đáng lẽ ra chú tâm rút ra những nét chung ít nhiều có tính
chất cố định, ít nhiều có tính chất ổn định, nó lại làm công việc khai
thác xem những khả năng biến hoá có thể đi đến đâu. Đối với nó,
vấn đề không phải là nhận dạng trong sự tìm tòi những bản chất,
cách làm giống như lối mòn quen thuộc hằn lại khá đậm trong siêu
hình học của chúng ta, mà nó thiên về kiểm kê (các phương sách,
phương tiện)”(8). Có thể hiểu rằng, F.Jullien đã xác định được một
vài đặc điểm cơ bản trong tư tưởng Trung Hoa. Đó là việc "không
thể mô hình hoá được xung đột" nên phải thay thế bằng lời phát biểu
chung về những biến số. Đó là việc "không quan tâm lắm đến việc
xây dựng một lý thuyết về những hình thức" nên chỉ tập trung khai
thác xem những khả năng biến hoá có thể đi đến đâu. Đó là vấn đề
"không phải là nhận dạng trong sự tìm tòi những bản chất", mà lại
thiên về kiểm kê các phương sách, phương tiện. Xin nhắc lại, tất cả
những điều đó đều là "đặc điểm", song đã đạt tới "giá trị" hay chưa lại
là chuyện khác!
5. Về mặt ngữ nghĩa, các khái niệm đặc điểm và giá trị là khác biệt
nhau. Đặc điểm mới chủ yếu nói lên nét riêng về mặt hình thức và
không phải bao giờ cũng bao hàm cả phần nội dung, chất lượng; giá
trị thì trước hết là sự khẳng định nội dung, chất lượng và bao gồm
các đặc điểm của chất lượng. Tiếp nhận các hệ thống tư tưởng quá

khứ nhất thiết cần phân biệt rõ đâu mới chỉ là đặc điểm và đâu đã đạt
tới giá trị; từ đó mới có thể xác định cần khắc phục, bài trừ những
mặt hạn chế nào và cần khẳng định, kế thừa, phát huy những phương
diện di sản truyền thống nào. Chẳng hạn, với tư cách nhà nghiên cứu
(chứ không phải nhà triết học lập thuyết), Cao Xuân Huy đã đi đến
tổng kết tư tưởng phương Đông hướng theo phương thức chủ toàn.
Đó trước hết là đặc điểm chứ chưa phải là giá trị. Hãy thử giả định,
nếu vẫn kéo dài sự trung thành với thao tác "rút đi bổ ngữ" và các
quan điểm của Lão Tử: "Bất thượng hiền sử dân bất tranh", "Tuyệt
thánh khí trí", "Tuyệt học vô ưu", "Thượng đức bất đức", "Quốc gia
tư hôn", "Kỳ chính muộn muộn", "Vô chấp cố vô thất", "Phù duy bất
tranh, cố vô vưu", "Tri giả bất bác" thì biết lấy gì làm động lực cho
cá nhân và xã hội phát triển? Nếu phương Đông vẫn mãi tôn thờ sự
"anh nhi", "hồn toàn" và sự bình đẳng "bất tranh" thì vị tất đã có tiến
bộ xã hội? Khác biệt hơn, tư tưởng phương Tây hướng theo phương
thức chủ biệt. Đó trước hết cũng là đặc điểm chứ chưa phải là giá trị,
song đó lại là hướng đi của toàn thế giới. Đặt trong tương quan
chung, theo chúng tôi, phương thức chủ biệt có giá trị to lớn hơn và
vì vậy, thế giới hiện đại tiếp nhận chiều hướng của nó nhiều hơn.
Như vậy, có thể thấy, việc F.Jullien xác định đúng đắn các đặc điểm
của luận đề "những hình ảnh của nước" và vận dụng, chuyển hoá nó
thành một phương diện trong tâm thức phương Đông là điều hết sức
quan trọng. Trước hết, việc khai thác và nhân hoá "những hình ảnh
của nước" theo cách Lão Tử thực chất chỉ là sự lựa chọn lấy một số
đặc điểm tự nhiên của nước và mang đầy tính kinh nghiệm. Đối với
tư duy khoa học (phân tích thành phần hoá học, xác định đặc điểm
hoá - lý ), điều này thật ít ý nghĩa và hầu như khó mà kiểm chứng.
Khi "những hình ảnh của nước" được nâng cấp thành Đạo "nhu
đạo", "nhu thuật", "bất tranh", "thiên hạ chi chí nhu", "thuận theo tự
nhiên" thì vì tính chất "ít thực tại hoá hơn cả" nên chúng khó được

thực thi trong hiện thực, chúng thuộc về tính lý tưởng hoá hơn là
hiện thực hoá. Điều đó có nghĩa là, Đạo của nước (Lão Tử) trong
thành phần minh triết phương Đông thiên về khái quát đặc điểm kinh
nghiệm ứng xử hơn là giá trị định hướng tiến bộ xã hội.r


(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Viện Văn học, Viện Khoa học xã hội Việt
Nam.
(1) Xem: Cao Xuân Huy. Tư tưởng phương Đông gợi những điểm
nhìn tham chiếu. Nxb Văn học, Hà Nội, 1995, tr.83-85.
(2) F.Jullien. Bàn về tính hiệu quả (Hoàng Ngọc Hiến dịch và giới
thiệu). Nxb Đà Nẵng, 2002, tr.3.
(3) F.Jullien. Xác lập cơ sở cho đạo đức (Đối thoại của Mạnh Tử với
một nhà triết học Khai sáng) (Hoàng Ngọc Hiến dịch và giới thiệu).
Nxb Đà Nẵng, 2000, tr.27, 219-220, 233. Xem thêm: Nguyễn Hữu
Sơn. Đọc "Xác lập cơ sở cho đạo đức ". Tạp chí Văn hoá Nghệ
thuật, số 9, 2001, tr. 107-108.
(4) F.Jullien. Bàn về tính hiệu quả. Sđd., tr. 229.
(5) F.Jullien. Sđd., tr. 231-232
(6) F.Jullien. Sđd., tr.232-233.
(7) F.Jullien. Sđd., tr.233-234.
(8) F.Jullien. Sđd., tr.239-240.


×