Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Đến với phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (133.05 KB, 5 trang )

Đến với phố cổ Hội An - Di
sản văn hóa thế giới
Hội An là khu phố cổ thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhiều khu phố được xây từ
thế kỷ XVI và vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn đến nay. Hội An được
công nhận là một di sản văn hóa thế giới UNESCO từ năm 1999. Hiện nay
chính quyền và người dân địa phương đang tích cực khôi phục các di tích,
đồng thời phát triển thành một thành phố du lịch.
Theo sử sách, trước đây, Hội An là một thương cảng của miền Trung, đến
nay khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di
tích kiến trúc gồm nhiều loại hình: Nhà ở, Hội quán, đình, chùa, miếu,
giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ kết hợp với đường giao thông
ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ theo mô hình phổ biến của
các đô thị thương nghiệp phương Đông thời Trung đại - cùng cuộc sống
thường ngày của cư dân với những tập quán, sinh hoạt văn hóa lâu đời đang
được duy trì, nơi đây là bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Đến Hội An, du khách có thể tham quan các điểm như Chùa Cầu, được xây
dựng đầu thế kỷ XVII, là công trình kiến trúc duy nhất được coi là có gốc
tích Nhật Bản còn lại. Chùa Cầu là một tài sản văn hóa quý giá, một biểu
tượng độc đáo của Hội An, mà bất cứ người khách nào đến Hội An cũng
không thể bỏ qua. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào
lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu.
Trong chùa không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ. Tiếp đó, du khách có
thể đến một loạt nhà cổ như nhà cổ Quân Thắng, nhà cổ Tấn Ký, nhà cổ
Phùng Hưng Các ngôi nhà này được xây dựng cách đây hơn 200 năm.
Nhiều ngôi nhà vẫn giữ được nét trang trí như xưa. Du khách cũng có thể
tham quan các hội quán như: Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông hay
đến thăm bảo tàng văn hóa, bảo tàng gốm sứ.
Cũng như cố đô Huế, phố cổ Hội An cùng cảnh quan thiên nhiên, bãi tắm,
sông nước, hải đảo với các món ăn đặc sản truyền thống đang là nơi hấp
dẫn khách du lịch, tham quan, nghiên cứu trong và ngoài nước. Tham quan
một vòng quanh phố cổ, sau khi đã chiêm ngưỡng hết những nét đẹp của di


sản văn hóa độc đáo này, du khách có thể tìm những món ăn đặc trưng của
phố cổ. Đến Hội An có nhiều món ngon như mì Quảng, cao lầu, bánh đập
Đặc biệt có món chè bắp có vị ngọt thanh dễ níu lòng người. Nếu Huế có
chè bắp Cồn Hến nổi tiếng thì những quán chè bắp dọc sông Hoài cũng làm
du khách hài lòng. Chén chè bắp Hội An không ngọt gắt mà có vị ngọt dịu,
thơm thanh tao của bắp.
Những người bạn ở Quảng Nam của tôi rất tự hào về quê hương mình đã
giới thiệu rằng: “Khi nào chán cái chộn rộn phố phường hiện đại thì hãy
tìm về Hội An”. Họ muốn nói đến cái thú được thư thái dạo bộ trên những
con phố cổ, đêm được ngắm nhìn đèn lồng và được thưởng thức những
thức ăn ngon mà thiên nhiên nơi đây ban tặng.
Hoàng mai
Hội An - di sản văn hóa thế giới
Khi tôi đến Đà nẵng và ngỏ ý muốn được tới Hội An, anh bạn người Bắc
đang công tác tại đây liền bảo tối mai ngày rằm ở Hội An các nhà sẽ không
dùng đèn điện mà chỉ thắp đèn lồng và hứa sẽ đưa tôi tới đến để được
thưởng thức khu phố cổ trong ánh sáng đèn lồng đặc biệt đó.
Nghe thật hấp dẫn, thế là tôi bằng lòng đợi tới hôm sau mặc dù được nghe
nhiều về Hội An, và rất nóng lòng muốn được mắt thấy tai nghe về thành
phố nhỏ đã một thời là trung tâm thương mại quốc tế của Việt Nam tại
Đàng Trong.
Vào thế kỷ 16, 17, các thương thuyền của người Nhật, người Hoa, người
Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ấn độ ra vào tấp nập nơi đây, thiết lập thương điếm
để buôn bán trao đổi hàng hóa và thậm chí như người Nhật và người Hoa
còn lập cả khu phố riêng của mình để cư trú lâu dài
Khi tới Hội An chúng tôi thuê hai chiếc xe xích lô để vào thăm khu phố cổ.
Tại đây, chính những người đạp xích lô cũng là các hướng dẫn du lịch đích
thực. Giá cả đã có mức, họ không nói thách như ở nhiều nơi khác, hay có
thể tôi trông cũng chẳng có vẻ gì là một Việt kiều mới về nước cả.
Ngồi trên xe, hỏi chuyện mới vỡ lẽ tối tắt điện và chỉ thắp đèn lồng là tối

mười tư, chứ không phải tối ngày rằm hàng tháng. Thế là tôi tiếc ngẩn ngơ
không được tận mắt thưởng thức một tập tục rất nên thơ của vùng đất này.
Ngồi trên xe đi dọc con đường nhỏ, cũng là trục chính của khu phố cổ, gọi
theo kiểu dân gian là đường Chùa Cầu, trong ánh điện phát ra từ các ngôi
nhà cổ hai bên đường tôi có cảm giác thật lạ. Đó là cuộc sống mới, hiện đại
của thế kỷ hai mốt vẫn đang tiếp tục nơi đây, không ngưng nghỉ ngay chính
trong khung cảnh kiến trúc của nhiều thế kỷ trước.
Nó đem lại cho tôi một thoáng bâng khuâng, không hẳn là nuối tiếc quá
khứ mà phần nào là do trạnh nhớ tới nhiều nét kiến trúc đô thị ở những nơi
khác đã không được may mắn, được duy trì và bảo tồn như tại nơi đây.
Những căn nhà một tầng, lợp ngói rêu phong nằm san sát bên nhau trông
thật thanh bình. Nhiều ngôi nhà cổ còn giữ nguyên mặt tiền bằng gỗ màu
nâu sậm, với các cửa nhà rất khác nhau ngoại trừ của chính mà phần lớn
đều có hai ô bát quái. Bác xích lô cho biết vào những ngày lễ, người ta còn
lấy vải hồng phủ trên bát quái cho long trọng nữa.
Theo ca dao cổ, Hội An ngày xưa còn nghèo, chưa phải là trung tâm buôn
bán sầm uất như sau này nên có câu: Hội An bán gánh, bán lều, Kim Bồng
bán cải, Trà Nhiêu bán hành.
Thế nhưng sau này nhờ thương thuyền qua lại, Hội An trở nên phồn thịnh
hơn và câu ca dao này đã được sửa đổi cho thích hợp với sự rực rỡ giàu
sang của vùng đất này: Hội An bán gấm, bán điều. Kim Bồng bán cải, Trà
Nhiêu bán hành.
Quả thật khi nói đi xem đèn lồng, là một người xuất thân từ miền Bắc, tôi
nghĩ ngay tới những chiếc đèn lồng ngày còn bé, thời chiến tranh, nhà một
cô bạn cùng phố vẫn bán. Đó là những chiếc đèn làm bằng nan tre, bọc giấy
màu, cái hình tròn, hình chữ nhật, cái màu đỏ, cái màu vàng, với tua rua
màu đỏ nhưng nói chung là khá đơn giản, thường được bày bán vào dịp
rằm trung thu.
Tôi đã thật ngạc nhiên khi đi ngang qua những cửa hàng bán đèn lồng sặc
sỡ, cắm điện sáng trưng, muôn màu muôn vẻ, đủ hình dạng, với khung đèn

làm bằng gỗ chắc chắn, bọc vải gấm các màu với các loại hoa văn đa dạng.
Đến khu phố cổ vào buổi tối để được thưởng thức ánh đèn lồng, ngày hôm
sau tôi lại làm một tour xích lô nữa theo đúng trình tự đầy đủ cho một du
khách, tới thăm nhiều di tích kiến trúc tại đây.
Đến nay, khu phố cổ Hội An vẫn còn giữ được hầu như nguyên vẹn là một
quần thể kiến trúc cổ với nhiều loại hình khác nhau, gồm nhà ở, đình, chùa,
hội quán, nhà thờ tộc .v.v.
Nói tới khu phố cổ Hội An, phải nhắc tới Chùa Cầu, phân chia ranh giới
giữa khu của người Hoa và khu của người Nhật. Người ta cho rằng Chùa
Cầu hay cầu Nhật bổn được xây dựng vào giữa thế kỷ 17.
Đây là một cây cầu nhỏ bắc ngang một khe nước, mà vào mùa mưa lũ
thường chảy mạnh. Cầu gồm hai phần cầu và phần chùa. Phần cầu được
làm bằng gỗ, giữa có đường cho xe, ngựa đi lại, hai bên dành cho người đi
bộ.
Phần chùa nằm sát bên cầu cũng làm bằng gỗ, với tấm biển trên cửa chính
đề Lai Viễn Kiều, trước kia thờ Huyền Thiên Đại Đế, tức Bắc Đế Trấn Vũ,
một nhân vật được truyền tụng trong đạo Lão.
Ngoài ra còn phải kể tới các nhà cổ như Nhà thờ tộc Trần, được xây dựng
từ năm 1802, với những cột kèo bằng gỗ quý được chạm trổ công phu, rồi
nhà thờ tộc Trương, và các nhà cổ khác như nhà cổ Quân Thắng, với trang
trí nội thất công phu, tỉ mỉ, hay nhà cổ Phùng Hưng, mang dáng dấp Nhật
bản.
Một nét đặc trưng mà người Hoa còn để lại là các Hội quán, như Chùa Kiến
Phước, một trong những hội quán được biết đến nhiều nhất tại phố cổ, với
cổng chào đồ sộ, sân vườn rộng thênh thang, chốn thờ cúng đầy màu sắc
sặc sỡ.
Còn rất nhiều chùa chiền, đình, miếu, lăng khác nữa tại Hội An mà tôi đã
không có thời gian tới được.
Một địa điểm khá ấn tượng là xưởng thủ công mỹ nghệ, với những gian
làm đèn lồng, chạm khắc và tạc tượng gỗ, làm đồ trang sức bằng bạc, dệt

chiếu cói với những nghệ nhân ngồi biểu diễn ngay tại chỗ.
Rời Hội An, tôi vẫn tiếc không được thưởng thức một món ăn đặc sản nào
của vùng này nhưng vẫn kịp ra tắm biển Hội An khi chiều xuống và ngồi
thư dãn trên bờ biển đã từng là thương cảng quốc tế sầm uất thủa xưa.
Hà Mi




×