Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

PHÁT HIỆN MỚI VỀ HÌNH TƯỢNG CHẠM KHẮC TRONG MIẾU TRÚC VÀ ĐÌNH THỔ TANG pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (58.56 KB, 4 trang )

PHÁT HIỆN MỚI VỀ HÌNH TƯỢNG CHẠM KHẮC TRONG MIẾU
TRÚC VÀ ĐÌNH THỔ TANG
Dựa vào Thần vị của Miếu Trúc và truyền thuyết dân gian ta biết về thân thế và sự nghiệp đánh giặc Nguyên Mông của Lân Hổ Đô
Thống Đại Vương. Các làng: Đồng Bảng (Sơn Tây cũ nay về Hà Nội), Trung Kiên và Thổ Tang (Vĩnh Lạc) cùng Cao Xá, Tứ Xã,
Thụy Vân, Hợp Hải, Xuân Huy (Phong Châu) đều thờ Lân Hổ Đô Thống Đại Vương để nhớ ơn công dẹp giặc cứu dân, cứu nước.
Lân Hổ không thấy ghi trong các quyển lịch sử? bởi chăng là khởi nghĩa của dân binh hay sử gia bỏ sót?. Song thân thế sự nghiệp
của ngài được ghi rõ ràng trong Thần vị, Thần phả, tại các nơi thờ linh thiêng và sâu đậm trong tâm thức nhân dân. Sức sống mãnh
liệt của Lân Hổ Đô Thống Đại Vương với niềm tự hào về tinh thần thượng võ trong huyền sử, trong văn hóa dân gian vùng Vĩnh
Phúc - Phú Thọ. Câu đối ở đình Mỹ Dục (Cao Xá) và Thạch Cáp (Tứ Xã): “Trận phá Nguyên binh, vạn cổ anh uy lưu bất tử. Đỉnh
phù Trần tộ, thiên thu chính khí lẫm anh hùng”. (Nghĩa là: Trận đánh giặc Nguyên, uy vũ và khí phách anh hùng vạn đời còn lưu
danh bất tử. Ra sức phù cơ nghiệp nhà Trần, ngàn thu chính khí vằng vặc hiển hách linh thiêng). “Phù Trần vĩ liệt lưu Nam sử. Sát
Thát anh uy trấn Bắc phương” (Nghĩa là: Phù Trần, sử Nam lưu khí phách. Diệt Thát, uy vũ chặn Bắc phương).
Điển tích hình tượng anh hùng Lân Hổ trở thành nội dung quan trọng cho nghệ nhân sáng tạo các hình tượng điêu khắc, làm đậm
nét về người anh hùng huyền thoại. Từ cốt lõi về nhân vật thờ tự, ta tìm ra được nội dung ý nghĩa những bức chạm khắc, vốn tiềm
ẩn của di tích Thổ Tang.
I. Miếu Trúc thờ “Lân Hổ Đô Thống Đại Vương “. Ngài là nhân thần, là người anh hùng có công đánh giặc Nguyên Mông. Thần Tích
đề cao:“Lân Hổ thân cao tám thước, sức nhấc trăm cân, lại có lòng thương yêu giúp đỡ người, nên được nhân dân yêu quý. Giặc
Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, giết hại dân chúng, tàn phá xóm làng. Vua Trần ban bố kêu gọi toàn dân đánh giặc. Lân Hổ
liền chiêu mộ dân binh, được thanh niên trai tráng trong vùng ùn ùn kéo đến xin theo. Giặc đóng quân ở ven sông Bạch Hạc và
huyện Sơn Vi. Lân Hổ xin vua ban cho ngựa sắt và truỳ sắt, cùng quân sĩ của mình lên đường đánh giặc. Hai võ tướng đắc lực
cùng ngài là Phùng Sáo Đen và Phùng Sáo Đá đều là cậu ruột của ngài. Trận đánh quyết liệt tại làng Thổ Tang (Vĩnh Lạc), Lân Hổ
vung Trùy sắt đánh cho giặc chết như rạ. Lân Hổ đuổi giặc đến đồi Trúc, trong lúc tả xung hữu đột đánh giặc quây phía trước, bị
tướng giặc phía sau lén dùng đao chém ngang cổ cụt đầu. Lân Hổ không hề nao núng, liền lấy tay đỡ đầu, đặt lên cổ, xé giải áo
buộc lại, tiếp tục chiến đấu, chém chết tên tướng giặc. Lân Hổ đuổi qua ngã ba Bạch Hạc đánh tan quân giặc.Ngựa phi đến cầu Xa
Lộc (nay là cầu Dòng Dọc) quãng giữa hai xã Tứ Xã và Cao Xá (huyện Phong Châu) Lân Hổ mới chịu hy sinh. Vua Trần khen ngợi,
phong là “Lân Hổ Đô Thống Đại Vương”, ban tặng tám chữ vàng: “Nam thiên tráng khí. Bắc khấu hàn tâm” (Trời Nam hùng khí.
Giặc Bắc lạnh tim). Nhân dân nhớ ơn lập Miếu thờ, suy tôn .Các triều vua đời sau đều có sắc phong tặng ngài”. Đồi Trúc làng Thổ
Tang, nơi Lân Hổ bị trọng thương và nhỏ máu đã được chọn là nơi lập Miếu thờ. Miếu làm trên đồi Trúc - nên gọi là Miếu Trúc.
Miếu Trúc lập dựng từ thời Trần, song trải qua nhiều biến cố bị hư hỏng, nhưng vẫn được tu tạo gìn giữ. Lần tu tạo cuối là năm
1882 - thời vua Tự Đức còn lưu lại đến nay. Về bố cục mặt bằng khuôn viên có tường bao quanh, rêu phong cổ kính. Phía trước là
sân rộng lát gạch. Mặt tiền của cổng chia làm 5 khoảng, ngăn cách bằng các trụ biểu vuông, trên trụ có mái giả và vút cong hình


búp hoa. Cổng chính: phía trên đắp nổi rồng chầu mặt trời. Mái xây liền tường chia làm 2 lớp, các đầu góc đều uốn cong, tạo thành
một khối. Cửa ra vào xây cuốn hình vòm. Phần giữa hai lớp mái kẻ chỉ khung đắp nổi hàng chữ “Tối Linh Tự”. Hai bên đắp nổi hai
võ quan gác cổng. Thềm bậc tam cấp, đối xứng hai bên là tượng con sấu. Bên trong là Phương đình và Toà Hậu cung. Kiến trúc
hiện tại mang phong cách thời Nguyễn. Phương đình còn câu đối cổ: “Trúc lĩnh uy danh thùy vũ trụ. Trúc lâm miếu hưởng vĩnh
xuân thu” viết trên ván gỗ sơn son thếp truyền thống. Trong miếu còn giữ được hoành phi: “Quyết sơ sinh dân” (làm năm Nhâm
Ngọ 1882), ngai thờ và “Thần vị Lân Hổ Đô Thống Đại Vương”. Trước cung là bức chạm đầu Chúa sơn lâm hai tai xoè, chung
quanh là mây xoắn và mây hình mũi mác. Lối chạm kênh bong, dài ngang bằng cửa cung cấm.
II. Đình Thổ Tang: Thế kỷ XVI dân làng xây dựng đình, suy tôn Lân Hổ Đô Thống Đại Vương là Thánh Hoàng làng. Đình dựng theo
kiểu chữ Đinh. Đại đình là toà nhà lớn phía trước, chia làm 5 gian: 2 dĩ. Phần nhô ra phía sau là hậu cung. Mái đình lợp ngói ta vẩy
hến. Bốn góc mái có đao cong. Phần cột của đại đình gồm 56 cột gỗ, được phân bố 8 hàng chạy ngang, 6 hàng dọc. Phần cột của
hậu cung gồm 4 hàng chạy ngang, 2 hàng dọc. Cột lớn ở gian chính có đường kính 0m80, cột nhỡ 0m45. Chiều ngang 25m80,
chiều dọc 14m20, chung quanh bó đá xanh. Đình còn nhiều bức chạm gỗ cổ độc đáo. Chính giữa đại đình là hoành phi: “Hòa Vi
Quý”. Tại đại sảnh của gian thờ chính có nhiều bức chạm gỗ, với nội dung hình tượng tôn thờ anh hùng Lân Hổ Đô Thống Đại
Vương. Tiếp xúc nghiên cứu giải mã hình tượng, ta phát hiện ra ý nghĩa nội dung các bức chạm khắc:
1. Bức “Sơn lâm tụ sinh “ đặt trên cao chính diện gian giữa của đại đình. Đây là bức chạm khắc công phu, dày đặc hình tượng, thể
hiện vùng rừng núi quần tụ cuộc sống của các loài muông thú cây rừng, mây nước, với lối chạm nổi cao và sâu trên hai tấm gỗ
ghép lại. Bức phù điêu lớn này, ca ngợi vùng đất có: sơn lâm hội tụ sinh sống, âm vang mạnh mẽ nơi đã sinh ra người anh hùng
“Lân Hổ Đô Thống Đại Vương” khi mẹ ngài vào rừng đi vào lốt chân hổ, vầng mây đỏ chùm lên cùng với tiếng Hổ gầm vang kết
thành Lân Hổ.
2. Bức “Sự ra đời của Lân Hổ “(đặt trên cao mặt bên hữu đại đình). Đây là bức chạm khắc có kích thước lớn, độc đáo. Ngôn ngữ
tạo hình được khái quát hoá và cách điệu cao. Theo Thần Tích: “Lân Hổ là người làng Đông Bảng, xã Đồng Thái, huyện Tùng
Thiện, Vĩnh Phúc. Ngài là Thần Nhân, mẹ họ Phùng tên là Thị Dong. Sinh thời bà không có nhan sắc nên không ai hỏi làm vợ. Một
hôm vào rừng lấy củi, thấy trên đường có những vết chân hổ rất to liền ướm chân mình vào. Bỗng nhiên có tiếng hổ gầm vang dữ
dội, rồi trên trời xuất hiện một vầng mây đỏ rực chùm phủ lên người bà. Về nhà thấy trong người khang khác, bụng bà to dần.
Trong làng dị nghị cho là bà “không chồng mà chửa” nên đuổi ra khỏi làng. Bà phải vào rừng trúc, dựng lều cư trú, sau 14 tháng
mang thai đã sinh ra một con trai khôi ngô tuấn tú. Chú bé lớn nhanh, và có sức khoẻ như Kỳ Lân như Hổ, nên được gọi là Lân
Hổ”. Bố cục bức chạm thể hiện: hình tượng hai mẹ con ở trung tâm bức chạm. Hình tượng người mẹ (Phùng Thị Dong được suy
tôn là tiên nương) sinh ra Lân Hổ trong rừng ở chính giữa. Dải mây lượn bay ngang vai người mẹ. Phía trước bụng là mây kết
thành hình đầu Hổ, cùng với mây quấn ngang thân. Bên cạnh người mẹ là chú bé Lân Hổ trong dáng một thế võ: tay phải giơ cao,
tay trái khuỳnh trước ngực. Bên cạnh là những hình mây chào đỡ người con trai khoẻ mạnh. Hình tượng: mây quấn quanh bà mẹ,

và mây nâng chú bé - thể hiện ý tưởng tạo hình người mẹ đã khai hoa sinh ra Lân Hổ. Hai hình đầu Lân to lớn ở hai bên hình
tượng “Người mẹ” và “Lân Hổ hàm ý sức mạnh như Lân, như Hổ. Những dải mây, cây rừng hòa quện hình tượng nhân vật và linh
thần trong bố cục, được sáng tạo với những hình khối chắc khỏe. Đây là bức chạm phản ánh về thân thế Lân Hổ Đô Thống Đại
Vương.
3. Bức chạm khắc “Lân Hổ đánh giặc ngoại xâm”. (đặt trên cao bên tả của gian giữa đại đình), đối diện với bức “Sự ra đời của Lân
Hổ” có kích thước lớn tương đồng. Bức này (đã bị mất?) nên chỗ này hiện để trống. Các cụ trong ban di tích cho biết: trước đây có
cơ quan Bảo tồn bảo tàng văn hóa về mượn bức này để mang đi triển lãm. Sau đó không thấy mang trả lại, Bức chạm phản ánh
Lân Hổ cùng nghĩa binh đánh quân Nguyên Mông. Nội dung ca ngợi sự nghiệp đánh giặc ngoại xâm của Lân Hổ,
4. Bức “Hai võ tướng Phùng Sáo đen và Phùng Sáo đá”. Là bức chạm tôn thờ hai võ tướng đắc lực cùng Lân Hổ Đô Thống Đại
Vương đánh giặc. Theo Thần Tích: “Phùng Sáo Đen và Phùng Sáo Đá đều là cậu ruột của ngài”. Nghệ nhân đã sáng tạo hình
tượng, đặt trong khoảng quá giang bắt vào cột lớn lên sát vì nóc, hợp thành tam giác vuông có sẵn của kiến trúc gỗ, mé hồi gian
thờ chính. Hình tượng thể hiện hai võ tướng mặc giáp binh, đầu đội mũ, cùng giơ cao tay tuyên thệ, tay kia đặt lên đùi. Hai võ
tướng ngồi vắt chân đăng đối. Đầu ghế chạm hút ngắn, chỉ nhô lộ hình tròn trên bàn chân vắt. Hình tượng Hổ lọt vào chính giữa hai
người. Tiếp liền xuống dưới và chung quanh là các hình tượng: Mây, đầu Kỳ Lân và Cây rừng với lối chạm khái quát cao. Nội dung
đề cao hai võ tướng có công đánh giặc cùng Lân Hổ.
Bức chạm khắc này lâu nay đã bị hiểu nhầm, nguyên do từ một bức ảnh trước đây, do không chụp toàn bộ tác phẩm, mà chỉ chụp
riêng chỗ có hai người ngồi vắt chân, và cho là họ đang đá cầu? Mặt khác chưa xác định được nội dung chủ đề điêu khắc về Lân
Hổ Thống Đại Vương của gian thờ chính đình Thổ Thổ Tang. Mới chỉ chú ý đến những bức chạm về đề tài lao động, sinh hoạt, tình
yêu, vui chơi ở phần Cốn và Kẻ hiên của đình. Cái sai theo đà có sẵn với tên gọi bức chạm khắc này là “Đá cầu”, người sau cứ thế
dùng nguyên như vậy để tuyên truyền, để in vào sách. Như in ở tập I, quyển Lịch sử Việt Nam (Nxb KHXH 1971, trang 315). Hoặc
cuốn “Văn hoá dân gian vùng đất tổ” (Sở VHTT, Vĩnh Phú 1986, trang 200) nói về chạm gỗ đình Thổ Tang cũng nhắc đến “Đá cầu”,
và một số Tạp chí cũng in và gọi như thế. Cần nhận thức lại cho đúng, bởi đình Thổ Tang rất mạch lạc trong bài trí chạm khắc với ý
nghĩa thờ tự. Bức chạm này đặt ở vị trí trên cao, thuộc gian thờ chính của đình, đề cao hai võ tướng có công đánh giặc cùng Lân
Hổ Đô Thống Đại Vương. Trong gian thờ này còn có những bức chạm với những hình tượng về Linh Thần Lân Hổ. Do vậy bức này
không phải nội dung trò chơi đá cầu. Các bức chạm về đề tài vui chơi, sinh hoạt, lao động dân thôn chỉ được đặt ở phần Cốn và Kẻ
hiên. Tìm hết trong đình Thổ Tang không có bức nào chạm về trò chơi đá cầu cả.
5. Nhiều bức chạm khắc đề tài “Linh Thần Lân Hổ “ đặt ở trên cao kết cấu với kiến trúc gỗ. Đây là loạt tác phẩm điển hình hoá linh
thần với những hình tượng ẩn dụ, biểu tượng về sức mạnh của người anh hùng Lân Hổ qua những đầu Lân, đầu Hổ với Mây, với
cây rừng. Mỗi bức đều có một sự tìm tòi về bố cục, và đa dạng cách chạm với hình khối khỏe. Có bức chồng xếp chung cả đầu Lân
và đầu Hổ trong mảng khối lớn, gây ấn tượng mạnh mẽ. Những mảng chạm kết cấu với kiến trúc vừa chặt chẽ vừa vững chãi,

thường là nối giữa các cột hoành (quá giang) với kèo nóc và đầu cột chính. Kết cấu cột kèo và chạm khắc tạo vách ngăn, khống
chế không gian nội thất làm cho đình vững chãi và tôn nghiêm. Các bức chạm khắc lớn vừa là trang trí, vừa chuyển tải nội dung tôn
thờ tự. Sự xác định vị trí, nội dung chủ đề rõ ràng và sáng tạo độc đáo của các bức chạm khắc, ca ngợi hình tượng người anh
hùng huyền sử. Đó là những phát hiện mới về những bức chạm nói trên.
6. Những bức chạm khắc ở phần Cốn và Kẻ hiên với đề tài thể hiện về: tình yêu, lao động sản xuất, vui chơi, phong tục, và sinh
hoạt của dân thôn thanh bình. Tiêu biểu là bức “Chơi đùa”,”Tình yêu trai gái”, “Múa và đàn hát”, “Xuống đồng”, “Đi cày”, “Đánh cờ”,
“Uống rượu”, “Mẫu tử”, “Cưỡi ngựa”,”Đi hội”, Vị trí các bức chạm này ở các cốn và kẻ hiên đình (đã được nhiều ngườì biết). Cũng
vì ý nghĩa thờ tự Lân Hổ tôn nghiêm, nên làng Thổ Tang còn làm một ngôi đình nữa ngay bên cạnh, để làm nơi sinh hoạt việc làng,
dành ngôi đình gốc để thờ và hành lễ trang nghiêm. Ngôi đình phụ này cũng đã bị hư hỏng, nay chỉ còn dấu tích mặt bằng. Ngôi
đình chính dựng từ xưa có nhiều chạm khắc cổ thờ Lân Hổ Đô Thống Đại Vương (nói trên) vẫn còn đến ngày nay. Cùng Tế- Lễ-
Hội trang trọng từ 14-23/1 âm lịch hàng năm suy tôn Lân Hổ Hầu, Phùng Thị Dung Tiên nương (mẹ của Lân Hổ).
Phát hiện mới về nghệ thuật Điêu khắc đình Thổ Tang về giá trị nghệ thuật và nội dung ý nghĩa hình tượng với hai chủ đề: Một là:
tôn thờ đề cao công lao đánh đuổi giặc của Lân Hổ Đô Thống Đại Vương (ở các gian thờ). Hai là: phản ánh đời sống lao động, sinh
hoạt, vui chơi của thôn dã (ở phần hiên). Đấy chính là đồ án chạm khắc mà các nghệ nhân xưa đã sáng tạo hình tượng, xác định vị
trí nội dung trong kiến trúc thờ tự. Đó là chân lý: Có đánh đuổi ngoại xâm chiến thắng mới có hòa bình, độc lập tự do, đời sống
thanh bình, lao dộng sản xuất, vui chơi, tình yêu, hạnh phúc. Nghệ thuật chạm khắc đình Thổ Tang mang giá trị cao văn hoá tạo
hình, thể hiện tinh thần thượng võ, truyền thống đấu tranh giữ nước, cùng tình yêu thiên nhiên, cuộc sống và lao động của con
người.

×