Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Trồng rong nho xuất khẩu pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (132.48 KB, 10 trang )

Trồng rong nho xuất khẩu
Rong nho biển có nguồn gốc từ Philippines, sau đó du nhập
vào Nhật Bản và được người Nhật trồng, chế biến thức ăn
như một loại rau xanh từ năm 1986. Tuy nhiên tại xứ sở mặt
trời mọc, rong nho phát triển không thuận lợi.

Năm 2004, loài rong này được một kỹ sư địa chất Việt Nam
mang về nghiên cứu, cải tiến phương pháp trồng và nhân
giống thành công, cho ra đời một sản phẩm rong nho có chất
lượng cao hơn. Người kỹ sư ấy là ông Lê Bền - Hội viên Hội
Khoa học - Kỹ thuật (KH-KT) Khánh Hòa, Phó Giám đốc
Công ty TNHH Trí Tín (Nha Trang). Sáng tạo trên đã giúp
ông đạt giải khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo KH-KT
toàn quốc lần thứ 9 (2006 - 2007), đồng thời mở ra triển vọng
mới cho nghề trồng rong nho ở Việt Nam.

Sau một đoạn đường dài, ngoằn ngoèo men theo các ao đìa
nuôi tôm của người dân xã Ninh Hải (Ninh Hòa), chúng tôi
đến thôn Đông Hà - nơi trồng rong nho của ông Lê Bền. Tại
đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến sự phát triển tươi tốt của
loài rong nho được mang về từ Nhật Bản, vốn rất hiếm thấy ở
vùng biển Việt Nam.

Vừa kiểm tra lại chất lượng rong nho mới thu hoạch, ông Bền
vừa kể cho chúng tôi nghe chuyện mình đã bén duyên với
nghề trồng rong nho như thế nào. Năm 2004, khi ấy ông Bền
còn làm nghề kinh doanh đá granit, trong một bữa cơm thân
mật, các đối tác người Nhật Bản tình cờ nhắc đến món rong
nho tươi bổ dưỡng, rất được thực khách Nhật ưa chuộng mà
họ không tìm thấy trong thực đơn tại các nhà hàng ở Việt
Nam. Nghĩ đến những khu đìa bỏ hoang do trước đây nuôi


tôm hùm thất bại, ông Bền đã nảy ra ý tưởng mang rong nho
Nhật Bản về trồng. Thế là, từ 200 gram rong nho giống mà
ông Bền nhờ các đối tác mang từ Nhật Bản sang, ông đã
nhân giống trong các bể gương theo tài liệu hướng dẫn.

Đến khi có nguồn giống cần thiết, ông bắt đầu mang giống
trồng tại các đìa nuôi tôm bỏ hoang. Tuy nhiên, bước đầu do
chưa có kinh nghiệm nên công việc không thuận lợi, nhiều
lúc khiến ông cảm thấy nản lòng. Chỉ vài ngày sau khi được
thả xuống đìa, những cây rong nho giống ít ỏi cứ “không
cánh mà bay”, hao hụt gần hết. Sau nhiều đêm soi đèn tìm
hiểu, ông tìm ra nguyên nhân: các cây giống đã bị cá và một
số loài động vật biển ăn hết. Lúc này, ý tưởng phát triển
giống rong nho của ông gần như bị phá sản.

° Tìm ra phương pháp trồng mới
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng ông Bền vẫn không nản chí.
Để tránh sự “tấn công” của các loài động vật biển, ông đã
nghĩ ra phương pháp trồng cách ly trong các lồng làm bằng
lưới. Phương pháp này tuy hạn chế tối đa sự hao hụt, nhưng
chi phí cao nên nếu tiếp tục duy trì phương pháp trồng cách
ly thì việc kinh doanh sẽ không hiệu quả. Chính vì thế, ông
Bền luôn nung nấu ý định phải tìm ra phương pháp trồng
rong nho mới.

Ở Nhật Bản, rong nho được trồng theo 2 phương pháp cơ
bản: Trồng tiếp đáy (rong được trồng trực tiếp xuống đáy
biển hoặc đáy ao hồ) và trồng treo (rong được bỏ trong các
túi lưới, treo lơ lửng trong nước biển). Ngoài ra, ở một số nơi
còn trồng rong trong các bể, hồ làm bằng vật liệu xi măng

(rong được thả vào bể có chứa nước biển). Nhưng tất cả các
phương pháp trên đều có hạn chế. Nếu trồng tiếp đáy, rong
dễ bị bẩn do bị giẫm đạp trong khi thu hoạch. Trồng treo,
rong không trực tiếp lấy dưỡng chất từ đáy biển nên phát
triển chậm. Nếu trồng trong bể thì chi phí lại quá cao.

Rút kinh nghiệm từ các phương pháp trồng rong nho ở nước
ngoài, dựa vào điều kiện khí hậu Việt Nam, ông Bền đã tìm
ra phương pháp trồng rong nho mới. Đó là phương pháp
trồng kê sàn có lưới che. Theo phương pháp này, rong được
trồng trong những khay nhựa, lót ni lông có chứa mùn cát
dinh dưỡng. Sau đó, các khay giống được kê trên kệ, sạp
đóng bằng tre, gỗ, hoặc xếp bằng gạch, đá nằm chìm dưới
đáy đìa; dùng lưới che hoa lan tạo mái che di động để chủ
động điều tiết ánh sáng, nhiệt độ của nước biển; kết hợp với
guồng đập tạo dòng chảy, tăng lượng oxy. Nhờ thế, rong có
điều kiện hấp thu chất dinh dưỡng trong khay, mà không lẫn
với tạp chất từ đáy ao hồ, đồng thời lưới che di động có tác
dụng khắc phục được khí hậu nắng nóng ở Việt Nam. Mặt
khác, với cách làm này, việc thu hoạch rong thuận tiện hơn,
chi phí đầu tư thấp nên sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Rong nho có tên khoa học là Caulerpa lentillifera. Do có hình
dạng rất giống quả nho nên chúng còn có tên gọi là nho biển
hay trứng cá hồi xanh. Rong nho có đặc điểm mềm, giòn,
ngon và rất bổ dưỡng do có chứa nhiều vitamin A, C và các
khoáng chất vi lượng cần thiết. Trong tự nhiên, rong nho
phân bố ở các vùng biển ấm Thái Bình Dương như:
Philippines, Micronesia, Java, Bikini, Nhật Bản, những vùng
vịnh kín sóng, nước biển trong và có độ mặn cao…


Ở Việt Nam, năm 2006, các nhà khoa học Viện Hải dương
học Nha Trang đã tìm thấy rong nho tại đảo Phú Quý (Phan
Thiết). Tuy nhiên kích thước của nó lại rất nhỏ, bằng 1/3 -
1/4 so với loài rong có nguồn gốc ở Nhật Bản.
Đặc biệt, sau khi xét nghiệm mẫu rong theo phương pháp
trồng mới, các cơ quan chức năng kết luận, rong nho trồng ở
Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực
phẩm và rất giàu chất dinh dưỡng. Từø những kết quả thu
được, đề tài nghiên cứu khoa học “Cải tiến phương pháp
trồng rong nho cho năng suất cao và chất lượng tốt” của ông
Bền đã đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo KH-KT
toàn quốc lần thứ 9 (2006 - 2007).

Tuy nhiên, ông Bền cho biết, người Nhật vốn khắt khe trong
tiêu chuẩn hàng hóa, đặc biệt là các loại thực phẩm, nên
những cơ sở trên vẫn không đủ thuyết phục các đối tác Nhật
Bản khi ông chào bán sản phẩm. Vì thế, để kiểm chứng, các
đối tác trực tiếp mang sản phẩm về Nhật, test lại. Tuy vậy,
với mẫu mang sang cùng với kết quả xét nghiệm, người Nhật
vẫn không tin rong nho trồng ở Việt Nam có thể tốt hơn
nhiều lần so với rong nho được trồng ở Nhật Bản. Các đối tác
người Nhật còn cử chuyên gia sang tận nơi trực tiếp giám sát
toàn bộ quy trình nuôi trồng cũng như sơ chế. Lúc đó, kết
quả mới được thừa nhận. “Theo tôi, ở Việt Nam đã có một
phương pháp trồng rong nho rất tốt. Sau khi trồng 20 ngày,
rong nho đạt chiều dài khoảng từ 10 đến hơn 20cm; còn ở
Okinawa (Nhật Bản), chiều dài của rong chỉ đạt khoảng 6 -
7cm.


Hơn nữa, chi phí đầu tư ở Việt Nam thấp nhưng năng suất
sản phẩm lại cao; còn ở Nhật thì ngược lại. Tuy chất lượng
sản phẩm rong ở Nhật sạch nhưng chiều dài cọng rong ngắn,
trái rong nhỏ, màu sắc nhạt và mùi vị ít ngon; còn rong ở
Việt Nam cọng dài trái to, màu sắc đẹp hơn và mùi vị cũng
ngon hơn” - anh Yamacuchi, kỹ sư Nhật Bản giám sát quy
trình nuôi trồng và sơ chế rong nho tại cơ sở trồng rong nho
của ông Bền, nhận xét. Từ kết quả này, con đường xuất khẩu
rong nho sang thị trường Nhật bắt đầu được mở rộng.

Tuy nhiên, trước khi xuất sang thị trường khó tính này, rong
nho phải được sơ chế rất cẩn thận và công phu. Sau khi thu
hoạch, rong nho được nhặt thành từng đoạn nhỏ khoảng 6 -
7cm, cho vào bể nước lọc sạch chất bẩn. Sau đó, cho vào
máy quay ly tâm làm ráo nước và chọn những cọng đạt chất
lượng để đóng gói. Rong nho thành phẩm có 2 loại: rong tươi
(thời gian sử dụng từ 5 - 6 ngày) và rong muối (thời gian sử
dụng từ 2 - 3 tháng). Ngoài chức năng làm thực phẩm, rong
nho còn làm mặt nạ chăm sóc da. Sản phẩm này hiện có bán
tại Công ty TNHH Trí Tín (35 Võ Trứ, Nha Trang).

Theo kỹ sư Lê Bền, rong nho trồng ở Việt Nam năng suất
bình quân 30 tấn/ha/năm, gấp 2 lần so với rong nho trồng ở
Nhật Bản, nhưng chi phí lại thấp hơn 10 lần, giá bán sản
phẩm cao (từ 8 - 10 USD/kg rong tươi). Rong nho cũng rất
dễ trồng, từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ 15 - 20 ngày.
Nông dân chỉ cần học qua các kiến thức cơ bản là có thể
trồng được. Mặt khác, rong nho cũng rất thích hợp với điều
kiện tự nhiên ở các vùng biển Việt Nam. Vì vậy, phát triển
mô hình trồng rong nho ở những vùng đảo thiếu nước ngọt,

thiếu rau xanh như Hoàng Sa, Trường Sa là việc làm cần
thiết.

Hy vọng, những thành quả bước đầu trong việc nghiên cứu
và nuôi trồng rong nho của kỹ sư Bền sẽ là tiền đề phát triển
nghề trồng rong nho ở Việt Nam sau này. Và từ đây, thực
đơn của người Việt sẽ có thêm nhiều món ngon, bổ dưỡng
được chế biến từ rong nho “made in Viet Nam”.
M.T - T.A (Nguồn: Cty Trí Tín)

×