Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

CON BẠN CÓ THỂ ĐI HỌC Ở TRƯỜNG ĐƯỢC KHÔNG? pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (69.66 KB, 4 trang )

CON BẠN CÓ THỂ ĐI HỌC Ở TRƯỜNG ĐƯỢC KHÔNG?
Đây là câu hỏi mà hầu hết các phụ huynh đều trăn trở. Câu trả lời là ngay lập tức, bạn quyết định
càng sớm càng tốt, bé càng nhỏ càng tốt, trường càng bình thường càng tốt.
1. Càng sớm càng tốt : trước sau gì bạn cũng phải đối mặt với vấn đề này, nếu bạn quyết
tâm tìm giải pháp sớm, bạn càng có nhiều thời gian để thử nghiệm nhiều phương án, cho đến khi
bạn tìm được phương án tối ưu nhất cho con của bạn. Vấn đề là bạn không thể để bé ở trường
suốt ngày, vì bạn cũng hiểu rõ như tôi là con bạn sẽ lạc lõng, cách biệt và hầu như không học
được gì nhiều từ trường mầm non, nếu không muốn nói là sẽ ngày càng xấu đi. Nhưng điều đó
không có nghĩa là bé sẽ không bao giờ đến trường được. Bé cũng không thể ở nhà suốt ngày, cho
dù bạn có tác động đến bé từ lúc thức dậy đến lúc đi ngủ, một ngày học 3 ca với 3 cô giáo đi nữa.
Bé cần bạn cho bé một môi trường, một không gian khác với phòng học của bé, nhà của bé, hồ
bơi hay công viên … (nếu như bạn có thể đưa bé đi). Bé cũng cần nhìn thấy (ở đây ta khoan nói
đến chuyện bé có thể hay muốn giao tiếp thân thiện gì cả, chỉ là nhìn thấy thôi, cũng đủ cho bé
bước đầu rồi) những trẻ con khác cùng lứa với bé chơi đùa và học tập, những giáo viên khác với
giáo viên của bé ở nhà. Nếu bạn không cho bé cơ hội, bé sẽ không bao giờ có thể học được
những khái niệm rất đơn giản này, trong khi trường học là bước đầu tiên để bé hội nhập vào xã
hội. Phương án đề nghị là bé chỉ ở trường từ 30 phút đến 1 giờ, vào đầu giờ sáng, từ 7g30 đến
8g30 chẳng hạn. 1 giờ là vừa đủ cho bé vui chơi và vừa đủ chán, nếu như có vấn đề gì đó làm
cho bé sợ hãi thì cũng không quá dài đối với bé. Buổi sáng ở trường chủ yếu là tập thể dục, chơi
vận động, ổn định nề nếp, nên cũng thích hợp với bé của chúng ta hơn. Và trường của bé càng
gần nhà càng tốt để bạn không mất nhiều thời gian cho việc đưa đón bé. Từ trường về, bé có thể
bắt đầu một ngày học tập như bình thường mà không bị cắt giảm bất kỳ một khoản nào cả. Sau
một thời gian, tuỳ thuộc vào sự tiến bộ của bé ở nhà và sự hòa đồng của bé ở trường mà bạn có
thể cân nhắc xem có nên kéo dài hơn thời gian bé ở trướng hay không. Nếu có cũng nên kéo dài
từng 30 phút một, đừng quá đột ngột và tối đa là 1 buổi sáng mà thôi.
2. Bé càng nhỏ càng tốt : đúng vậy, bé càng nhỏ thì sự khác biệt giữa bé và các bạn trong
lớp càng ít. Ví dụ nếu bé 3 tuổi thì trong lớp cũng còn rất nhiều bạn hoàn toàn bình thường
nhưng vẫn rất nhút nhát, vẫn hay khóc nhè, vẫn hay tè dầm, vẫn nói chưa nhiều hay nói ngọng
líu ngọng lơ … Và bé thấy mình không khác mọi người nhiều lắm, với lại trẻ con tuổi đó rất
nhiệt tình, vô tư, rất thích lôi kéo bạn vào trò chơi của mình, đặc biệt tốt là chưa biết chế nhạo,
giễu cợt những bạn chậm hơn mình. Mặt khác, bé còn nhỏ thì còn biết sợ cô, cô trong lớp có thể


khống chế bé dễ hơn và giúp bé đi vào nề nếp. Nếu phụ huynh trao đổi với cô chặt chẽ và hướng
dẫn cô cách tiếp xúc với bé thì rất tốt, hiệu quả sẽ cao hơn nhiều so với cách thức mà cô vẫn
thường làm.
Ngược lại, bé càng lớn thì sự cách biệt càng rõ ràng, bé càng cảm thấy mặc cảm thì quá trình hội
nhập càng khó. Cho dù bé của bạn ở nhà rất ngoan ngoãn, biết nghe lời giáo viên, điều đó không
có nghĩa là bé sẽ chịu nghe lời giáo viên trong lớp, mà bạn thì không thể đem giáo viên ở nhà
vào trường được. Nếu bé của bạn chậm hơn các bạn trong lớp, bé cũng không thể được xếp vào
lớp nhỏ hơn. Nếu bé của bạn có học thật giỏi ở nhà thì vẫn có rất nhiều điều bé không thể làm
được trong lớp. Tóm lại, bé càng lớn thì bài toán đi học của bé càng khó tìm được lời giải.
Thật ra việc quyết định bé đi học hay không là tuỳ thuộc rất nhiều vào ý thức và chiến lược lâu
dài của phụ huynh. Nếu bạn thật sự muốn con bạn mau chóng trở thành một đứa trẻ bình thường,
nghĩa là được chăm sóc, sinh hoạt, giáo dục và lớn lên như bất kỳ một đứa trẻ nào khác thì bạn
nên mau chóng cho bé đến trường cho dù bé nói được hay chưa song song với việc bạn tổng tiến
công trên mọi phương diện khác như thể lực, phục hồi chức năng, kích thích trí não … Còn nếu
như bạn chỉ muốn con bạn ở nhà và theo mãi một chương trình giáo dục đặc biệt với mong mỏi
con bạn sẽ xuất sắc trong một lãnh vực nào đó thì thật mạo hiểm vì chắc chắn con bạn sẽ bị học
lệch và phát triển cũng lệch luôn. Chắc hẳn bạn cũng đồng ý rằng một thần đồng mà ngờ nghệch
thì cũng không thể hòa nhập cộng đồng được và một bác học mà ứng xử xấu thì cũng không
được xã hội chấp nhận.
3. Trường học càng bình thường càng tốt : khi bạn đã quyết định cho bé đi học thì học
trường nào là bài toán kế tiếp.
+ Trường càng gần nhà càng tốt : để bạn không mất nhiều thời gian đưa đón
+ Trường nhỏ tốt hơn trường lớn, trường điểm : dĩ nhiên là không phải quá nhỏ đến mức không
có sân trường, không có không gian cho bé hít thở, vận động. Vấn đề là trường lớn, trường điểm
không nhận con bạn, vì có quá nhiều bé bình thường xếp hàng xin vào mà còn chưa được. Cho
dù bạn có bỏ tiền lo lót để được vào thì họ cũng sẽ không đồng ý cho bé chỉ đến 1 tiếng rồi về vì
trường lớn kỷ luật càng nghiêm, thậm chí nếu bạn đến trễ 15 phút cũng không được vào nữa là.
Trường có quá nhiều học sinh, Ban Giám Hiệu cũng chẳng hơi đâu mà quan tâm đến trường hợp
của con bạn chứ đừng nói đến thông cảm hay tạo điều kiện thuận lợi. Và trường càng lớn càng bị
áp lực về chỉ tiêu, điểm thi đua gì gì đó và con bạn luôn là nguy cơ tiềm ẩn làm cô bị mất điểm,

rồi lớp, rồi trường mất điểm theo. Với lý do đó, không ai bảo đảm rằng con bạn không bị kỳ thị
hay phân biệt đối xử.
+ Một lớp có nhiều học sinh quá cũng không phải là lựa chọn tốt, vì cô sẽ không đủ thời gian mà
để mắt tới con bạn. Nhất là những khi bé ứng xử xấu, có thể sẽ đánh hay cắn bạn, xô bạn ngã
hoặc ngược lại.
+ Trường càng bình dân càng tốt : dĩ nhiên là không phải quá nghèo nàn đến độ không có hoặc
quá ít đồ chơi hay dụng cụ học tập. Nhưng trường nhà giàu thì học phí rất cao, trong khi con bạn
chỉ học có 1 giờ và không ăn uống gì ở trường. Lớp có quá nhiều con nhà giàu đã quen được
cưng chiều, ít khi bị làm trái ý cũng khó hòa đồng và ít chịu chấp nhận con bạn hơn những trẻ
con nhà thường dân.
GIA PHONG ĐI HỌC
Phong chính thức bắt đầu đến trường từ ngày 03.09.2005.
Trường Phong học là trường Mầm non 28, là trường thuộc nhà nước của phường 28, quận Bình
Thạnh. Cả trường chỉ có đúng 3 lớp Mầm, Chồi, Lá. Mỗi lớp có một giáo viên chủ nhiệm, một
bảo mẫu. Ban Giám Hiệu gồm 1 Hiệu trưởng, 1 Hiệu phó, 1 thư ký, ngoài ra có thêm 1 lao công.
Nói chung là cơ chế vô cùng gọn nhẹ.
Cơ sở vật chất bình thường nhưng sạch sẽ, dụng cụ học tập không phải là những thứ cao cấp, quá
đắt tiền nhưng cũng không thiếu cái gì. Sân trường rộng rãi có đầy đủ đồ chơi như xích đu, cầu
tuột, bập bênh, ngựa gỗ … Còn có thêm một khoảnh vườn nho nhỏ trồng một số cây thông
thường.
Học trò đều là con của các nhân viên, công chức, gia đình có hộ khẩu trong phường. Các bé khá
tươm tất và đặc biệt là rất vô tư, hồn nhiên.
Vì đây là trường dạy một buổi, các bé không ăn uống gì ở trường, chỉ có 1 buổi ăn phụ lúc 9g30
nên học phí rất thấp, chỉ phải đóng 65,000đ / tháng.
Và cũng vì trường dạy 1 buổi nên cũng không có nhiều chỉ tiêu thi đua gì, các cô cũng chẳng có
nhiều áp lực phải đạt thành tích này nọ nên tâm lý khá thoải mái và dễ chịu.
Trường chỉ cách nhà khoảng 1,5 km, chỉ mất 5 phút đi xe máy.
Ngày đầu tiên đến tham quan trường và xin cho Phong học, các cô đã hết sức quan tâm, hỏi rõ
cặn kẽ tình trạng và bệnh của Phong cũng như hỏi rõ xem sẽ tiếp xúc với Phong như thế nào cho
phù hợp để không quá khác biệt với ở nhà. Các cô hẹn đến đầu tháng 10 mới có thể nhận Phong

vì trong tháng 9 các cô phải tập trung ổn định tâm lý cho các bé mới đến trường cũng như ổn
định nề nếp lớp học. Các cô muốn bảo đảm rằng khi nhận Phong, các cô có thời gian để quan
tâm đến Phong đúng mức và cố gắng giúp Phong chơi với bạn. Các cô không dám hứa gì hơn vì
Phong là trường hợp đầu tiên các cô biết, có cô còn chưa nghe nói đến 2 từ TỰ KỶ bao giờ.
Ngày đầu tiên vào lớp, Phong chống cự và la hét dữ dội vì cô không hiểu ý Phong gì cả. Phong
chỉ muốn nằm dưới đất và không muốn làm gì cả trong khi cô lại muốn Phong ngồi trên ghế
chung với các bạn. Mẹ đứng ngoài cổng nhìn vào mà sốt cả ruột. Cô trò chiến đấu với nhau
chừng nửa tiếng thì mẹ đón về. Một tuần sau đó vẫn chưa có gì biến đổi, chỉ khá hơn một chút là
Phong nằm dưới đất nhưng ít la hét hơn và biết nhìn bạn chơi, thỉnh thoảng cười. Nhưng ở nhà
thì tệ hơn, Phong dễ nổi nóng, hay la hét mỗi khi không vừa lòng, thậm chí còn đập tay xuống
đất nữa. Đến độ cô Đào lo lắng quá còn nói hay tính lại chuyện Phong đi học đi, chứ sợ cứ đà
này sẽ làm chậm lại việc học của Phong ở nhà. Vì cô giáo trong trường chưa quen kềm chế
những ứng xử xấu của Phong, nên sợ Phong được nước, quen ăn, mang kiểu cách đó về nhà ứng
xử với cô ở nhà. Mẹ vẫn kiên quyết cho Phong đến trường.
Tuần thứ ba : khi mẹ đưa Phong đến trường, Phong tự nguyện đi vào lớp, ngồi xuống đất hay
ngồi trên ghế giữa các bạn. Phong vẫn chưa làm theo những gì cô dạy các bạn, nhưng không la
hét nữa, bình tĩnh nhìn và cười theo thôi. Mỗi lần mẹ đến đón đều thấy Phong ngồi chung bàn
với các bạn, đang tô màu (dĩ nhiên là nghuệc ngoạc rất xấu chứ không đẹp như các bạn), đang
dán thủ công (dĩ nhiên là chỉ tô tô trét trét hồ, quệt lung tung ra bàn, chứ không thành hình như
các bạn), đang đọc sách (dĩ nhiên là nhìn hoài cái hình mình thích chứ không biết lật sách và
xem như các bạn) … nhưng đối với mẹ, đó đã là một sự tiến bộ rất lớn. Ở nhà Phong cũng dần
ổn định tâm lý trở lại, không cáu kỉnh vô cớ nữa, xem như việc đến trường buổi sáng chỉ là đi
chơi với các bạn thôi chứ không phải là chuyện ép buộc gì ghê gớm và như một phần không thể
thiếu trong ngày.
Một tháng sau : buổi sáng sau khi ăn sáng xong, mẹ thay đồ cho Phong, Phong tự động xuống
nhà, leo lên xe ngồi chờ mẹ chở đến trường. Vào lớp, mặt Phong rất phấn khích chứ không phải
là vẻ mặt cam chịu, đau khổ gì. Biết Ạ và bai bai mẹ và cô mỗi khi vào lớp hay được mẹ đón về.
Các bé trong lớp Phong thì rất tuyệt vời. Nếu mẹ hay cô nói “Các con chơi với bạn Phong nhé!”
thì chắc chắn là luôn có 5 - 6 bé gì đó cả trai cả gái nắm lấy tay Phong, ôm cổ Phong, khoác vai
Phong, vuốt má Phong thậm chí còn ôm hôn Phong nữa. Rất nhiều hôm, khi mẹ đến đón, các bạn

ùa lên “Phong ơi, mẹ kìa, về đi” và lôi kéo Phong ra với mẹ. Nếu bảo Phong hôn bạn đi thì
Phong cũng biết lấy tay ôm lấy cổ bạn rồi hôn vào má, mặt thì rất tươi tỉnh và khoái chí, miệng
thì cười bẽn lẽn như mắc cở vậy.
Những bài học cô dạy ở trường mà Phong không làm theo được thì mẹ mang về nhà cho Phong
học thêm, ví dụ như dán thủ công, nặn đất sét, xếp hình học …
Thứ bảy và chủ nhật không đi học, mẹ cho Phong đi bơi. Những hôm trời nắng đẹp mẹ cũng cho
Phong đi bơi chứ không nhất thiết là ngày nào cũng phải đến trường.
Tính đến hôm nay, Phong đi học được đúng 1 tháng rưỡi, vẫn chưa có gì để gọi là tiến bộ vượt
bậc, nhưng như thế cũng đã là quá tốt rồi.

×