Quy trình nuôi tôm sú,
tôm thẻ chân trắng thâm
canh - bán thâm canh
Dựa trên nền tảng quy trình nuôi tôm thâm canh - bán thâm
canh (TC-BTC) mà các ban, ngành chuyên môn Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo;
Trên cơ sở trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của các hộ
nuôi thành công trong tình hình bệnh dịch của nhiều năm
trước và trong năm 2011;
Để giúp người nuôi hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro
do dịch bệnh Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc
Liêu khuyến cáo quy trình nuôi tôm TC-BTC đang áp dụng
thành công cho đối tượng tôm sú, tôm thẻ chân trắng như
sau:
1.Cải tạo ao:
1.1 Xử lý đáy ao: Sau mỗi vụ nuôi, cải tạo lại ao đầm nhằm
loại bỏ các chất thải tồn lưu ra khu vực ao chứa chất thải, gia
cố mái bờ xử lý triệt để rò rỉ. Đối với những ao nuôi trước
đây có sử dụng các loại hoá chất, thuốc trừ sâu, hoặc nuôi
nhiều vụ liên tục, nên cày xới đáy ao, phơi khô, sau đó lọc
nước ngâm đáy ao khoảng 3 - 5 ngày hút nước ra ngoài và
phơi đáy cho đến khô nứt nẻ. Kiểm tra pH đáy ao, nếu pH> 6
bón vôi CaO hay CaCO3 từ 70 - 100 kg/ 1000 m2, nếu pH<5
thì bón vôi CaO với liều lượng từ 100 - 150 kg/1000 m2.
Chú ý: Không nên san ủi đáy ao quá sâu (> 1,8 m) dễ dẫn đến
ao nuôi có độ pH thấp do gặp tầng sinh phèn, tôm nuôi chậm
lớn do khó lột xác.
1.2 Lọc nước: Cấp nước vào ao lắng rồi chuyển qua đầy ao
nuôi bằng máy bơm hoặc cống. Cần có túi lọc bằng vải kate
để hạn chế tối đa tôm, cá tạp xâm nhập vào ao.
- Tránh lấy nước trong các trường hợp sau:
+ Nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh.
+ Nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm.
+ Nước có nhiều váng bọt, màng nhầy, nhiều phù sa
đen lơ lững.
+ Không lấy nước khi thủy triều đang lên. (Nên lấy
nước bắt đầu bình để hạn chế các chất phù sa lơ lững vào ao).
- Nên lấy nước vào ao nuôi qua hệ thống ao lắng, ao chứa vì:
+ Nước ở đây đã được lắng lọc phù sa và các loại rong tảo
tạp, cá tạp.
+ Nguồn nước lưu giữ trong ao lắng, ao chứa được lấy vào
trước đó 10 - 15 ngày, các mầm bệnh tiềm ẩn trong môi
trường sẽ giảm do không tìm được ký chủ trung gian.
1.3 Xử lý nước: Sau khi lấy đủ mực nước trong ao, để ổn
định 2 - 3 ngày. Những hộ diện tích ít không có hệ thống ao
lắng, ao chứa cần để ổn định nước trong ao 10 - 20 ngày) tiến
hành diệt giáp xác bằng sản phẩm chuyên dùng trong nuôi
thủy sản (không chứa các chất cấm sử dụng theo quy định
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Sau 1 - 3 ngày
chạy quạt đều, trung bình ngày 4 - 6 giờ để kích thích cho
trứng, ấu trùng cá tạp có trong nước nở hết và tiến hành diệt
tạp, sử dụng Saponin 15 - 20 kg/1.000 m3 nước. Sau 3 - 5
ngày tiến hành diệt khuẩn, sản phẩm được sử dụng nhiều là
Iodine, Virkon, Finishnano…(sử dụng lúc 8 giờ hoặc 16
giờ).
1.4 Gây màu nước: Thực hiện gây màu nước sau khi đã diệt
khuẩn từ 3 - 7 ngày. Đây là khâu quan trọng nhằm tạo nguồn
thức ăn tự nhiên trong ao nuôi. Gây màu tốt giúp ổn định môi
trường nước, hạn chế được tôm bị sốc giúp tăng tỉ lệ sống: sử
dụng vôi Dolomite hoặc CaCO3: 15 - 20 kg/1.000 m3 kết
hợp sử dụng phân gây màu chuyên dùng như TA-ALGAUP:
20 kg/1.000 m3, hoặc sử dụng phân vô cơ NPK, DAP (2 - 3
kg/1.000 m3) hoặc sử dụng theo phương pháp truyền thống:
sử dụng cám gạo, bột đậu nành nấu chín, ủ chua (2 - 3
kg/1.000 m3) sử dụng liên tục 3 - 5 ngày. Kiểm tra độ trong
khi đạt 30 - 40 cm thì tiến hành cấy vi sinh.
Mục đích cấy vi sinh là để phân hủy các cặn hữu cơ lơ lững,
các xác tảo chết tích tụ do dùng hóa chất diệt khuẩn trước đó,
đồng thời tạo nguồn vi khuẩn có lợi giúp môi trường ao nuôi
ổn định, tạo điều kiện cho tôm nuôi phát triển tốt ngay từ
đầu. Tiến hành kiểm tra lại các yếu tố môi trường nếu nằm
trong ngưỡng thích hợp: pH: 7,5 - 8,5 dao động trong ngày
không quá 0,5: độ kiềm ≥ 70, độ mặn < 30 ‰, các chỉ tiêu
H2S, NH3 = 0 thì tiến hành thả giống.
2. Phương pháp chọn và thả giống:
2.1 Chọn giống
Tôm giống tốt sẽ cho tỷ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh,
kháng bệnh tốt. Cần áp dụng các bước sau:
a. Chọn bằng cảm quan qua các đặc điểm như:
Kích cỡ, màu sáng, sắc tố thể hiện rõ, đôi râu khép lại, các
đốt bụng thon, dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, đầu và thân
cân đối. Tôm bơi ngược dòng nước, bám vào thành bể tốt.
Phản xạ tốt khi gõ vào dụng cụ chứa. Phụ bộ tôm hoàn chỉnh,
không có ký sinh trùng bám. Đường ruột đầy thức ăn. Không
bệnh phát sáng.
b. Sốc formol: trước khi xét nghiệm nên sốc formol 70 - 100
ppm, thời gian 30 phút, hoặc sốc độ mặn bằng cách giảm đột
ngột độ mặn xuống 50%, nếu tỉ lệ chết < 10% là đạt yêu cầu.
c. Chọn qua xét nghiệm để phát hiện, loại bỏ mẫu tôm yếu,
nhiễm virus đốm trắng, đầu vàng, MBV…
2.2 Thả giống
Kích thước tôm giống thả: đối với tôm sú tốt nhất là thả
giống khi đạt kích cỡ Post 12 -15. Đối với tôm thẻ chân trắng
tốt nhất là Post 10 - 12.
Mật độ thả: Tùy vào điều kiện kinh tế, mức đầu tư và kỹ
thuật của từng hộ, đối với tôm sú nên thả từ 10 - 20 con/m2;
tôm thẻ chân trắng từ 50 - 100 con/m2.
Thả giống đúng kỹ thuật cũng góp phần tăng tỷ lệ sống của
đàn tôm. Trước khi thả giống nên ngâm các bọc chứa tôm
giống trong nước ao khoảng 15 phút để cân bằng nhiệt độ
giữa nước trong bọc chứa tôm giống và nước ao nuôi. Thả
tôm vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát là tốt nhất.
3. Chăm sóc và quản lý:
3.1 Chăm sóc: Hiệu quả kinh tế phụ thuộc rât nhiều vào thức
ăn, cách cho ăn, sử dụng thuốc thú y thủy sản phòng ngừa
bệnh, các chất khoáng vi lượng… Cần cho tôm ăn bằng thức
ăn công nghiệp (CN) ngay sau khi thả giống, thức ăn phải
đảm bảo chất lượng, số lượng, cỡ mồi phù hợp với từng giai
đoạn phát triển.
- Tháng nuôi thứ 1: Ngày đầu tiên cho ăn 1,2 - 1,5
kg/100.000 con giống, cứ 2 ngày tăng 200 gam/100.000 con
giống, 15 ngày sau khi thả giống đến khi thu hoạch sử dụng
các sản phẩm thuốc thú y thủy sản có chức năng phòng ngừa
các bệnh đường tiêu hóa, bệnh gan và cung cấp các Vitamin,
các khoáng cần thiết giúp tôm tăng cường sức đề kháng (mỗi
loại 5 - 10 gam/kg thức ăn). Các sản phẩm này sau khi phối
trộn được bao bọc bằng 1 trong các loại chất kết dính: dầu
mực, dầu cá hoặc các sản phẩm thương mại có tính năng kết
dính khác, lượng dùng 15 - 20 gam/kg thức ăn.
- Tháng nuôi thứ 2 đến thu hoạch: điều chỉnh thức ăn trong
ngày thông qua sàn ăn, chú ý những ngày mưa hoặc nắng gắt
chỉ sử dụng 70 - 80% lượng thức ăn đã định, tránh hiện tượng
thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, tôm dễ phát
sinh bệnh. Quản lý chặt chẽ lượng thức ăn, đảm bảo chu kỳ
nuôi hệ số thức ăn dao động 1,3 - 1,6.
3.2 Quản lý: Khi nuôi tôm ở mật độ dày, nhất là trong nuôi
tôm thẻ chân trắng thì tất cả hệ thống sinh thái của môi
trường nước đều thay đổi hoàn toàn so với những điều kiện
tôm sống ngoài tự nhiên. Rất nhiều diễn biến phức tạp và sự
cố xảy ra hàng giờ, hàng ngày. Dùng vi sinh đúng liều lượng
sẽ giúp cân bằng hệ sinh thái, kích thích vi sinh vật có lợi lấn
át vi sinh vật có hại gây bệnh cho tôm, tiết kiệm chi phí và ao
nuôi luôn ổn định, an toàn trong suốt quá trình nuôi.
- Trong tháng nuôi 1: Chú ý gây và giữ màu nước ao nuôi,
tránh trường hợp nước ao trong kéo dài sinh tảo đáy (laplap)
hoặc tảo phát triển quá mức gây hiện tượng thiếu oxy về
sáng, có thể gây ra hiện tượng tôm đóng rong. Định kỳ 10 -
15 ngày sử dụng vi sinh 1 lần.
- Tháng nuôi thứ 2 đến khi thu hoạch: Tôm lớn nhu cầu oxy
cao nên nhất thiết không để tảo phát triển nhiều trong ao.
Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu 90% các ao nuôi tôm TC-BTC
đều có độ kiềm thấp < 80 ppm, đây là yếu tố quan trọng tác
động đến chu kỳ lột xác và sự phát triển của tôm nuôi. Vì
vậy, định kỳ hoặc khi thấy tảo trong ao phát triển mạnh hoặc
màu nước thay đổi, độ kiềm thấp…dùng vôi CaCO3 10 - 20
kg/1.000 m3 hoặc sử dụng khoáng tạt No79: 1 kg/1.000 m3,
sử dụng lúc 20 - 21 giờ tối, trưa hôm sau cấy vi sinh (sản
phẩm chất lượng, có uy tín, thương hiệu) nhằm phân hủy các
chất thải, xác tảo, mùn hữu cơ đáy ao, tạo nên môi trường
trong sạch, pH, độ kiềm ổn định giúp tôm phát triển tốt.
- Hệ thống quạt nước, hỗ trợ oxy trong ao nuôi TC-BTC là
không thể thiếu, nhất là đối với nuôi tôm thẻ chân trắng. Tùy
diện tích ao, mật độ nuôi mà bố trí hệ thống này cho hợp lý.
Trong quá trình nuôi đặc biệt chú ý vào thời điểm 19 - 21 giờ
oxy trong nước ao giảm dần và 01 - 05 giờ sáng, là thời điểm
oxy thấp nhất, nhất là vào những ngày thời tiết thay đổi nắng
- mưa, nên rất cần phải vận hành hệ thống này với tốc độ
trung bình 80 - 90 vòng/phút.
- Trang thiết bị dụng cụ cần sử dụng riêng biệt, vệ sinh cá
nhân, dụng cụ trước và sau khi sử dụng.
3.3 Những sự cố thường gặp
Khi trong ao nuôi tôm có biểu hiện: Mòn đuôi, đen mang, đứt
các phụ bộ, sắc tố xấu, phát sáng hoặc màu nước có biểu hiện
khác thường…là các bệnh do vi khuẩn, môi trường gây ra,
Cần sử dụng vôi CaCO3 lượng dùng 20 - 30 kg/1.000 m3,
hoặc khoáng tạt 1 kg/1.000 m3 sử dụng buổi tối trưa hôm sau
cấy vi sinh (loại chất lượng và có uy tín trên thị trường) liều
dùng gấp 2 - 3 lần so với dùng định kỳ, sử dụng liên tục trong
2 - 3 ngày. Trong ao xuất hiện tảo lam, tảo đỏ, laplap đáy
dùng các loại sản phẩm có chức năng diệt tảo (khi sử dụng
cần chuẩn bị sẵn oxy bột đề phòng khi có hiện tượng tôm nổi
đầu), sau 2 - 3 ngày cấy vi sinh.
Trong trường hợp tôm nuôi bị nhiễm các bệnh do virus, đối
với tôm lớn cần thu hoạch ngay, tôm nhỏ cần xử lý (diệt bỏ)
tại ao, có biện pháp cách ly đối với các ao còn lại như là dùng
lưới rào ngăn cua còng từ ao nhiễm bệnh bò sang, sát trùng
bờ ao bằng vôi CaO hoặc CaCO3 20- 30 kg/100 m2 bờ…sau
khi diệt bỏ tối thiểu 7 ngày mới xả ra ngoài môi trường.
Chú ý: Tất cả các loại vi sinh đều sử dụng vào thời điểm có
nắng hoặc nếu thời tiết lạnh, mưa, cần sục khí để nhân sinh
khối tăng tính hiệu quả Không sử dụng bất kỳ loại hóa chất
nào để cắt tảo hay kích thích tôm lột hoặc sử dụng kháng sinh
trong quá trình nuôi khi tôm đang phát triển bình thường để
tránh có những sự cố đáng tiếc xảy ra như là tôm nổi đầu do
sử dụng hóa chất làm ao mất tảo hay tôm “óp” do kích lột
nhiều lần khi chưa tới chu kỳ lột, tôm chậm lớn do lạm dụng
kháng sinh…