Hướng dẫn ôn thi tuyển sinh vào lớp 10
I. Dạng câu tự luận ngắn:
1. Viết một đoạn văn ( 6 – 8 câu ) nêu ý nghĩa hình ảnh tiếng chim tu hú trong bài thơ cùng
tên của Tố Hữu, trong đó, có câu chứa thành phần trạng ngữ chỉ thời gian, bắt đầu bằng từ
“khi”.
2. Viết một đoạn văn ( 5 -7 câu ) về ý nghĩa chi tiết kì ảo kết thúc “Chuyện người con gái
Nam Xương”.
3. “Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da,
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy,nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm,liễu hờn kém xanh”
( “Truyện Kiều”, Nguyễn Du).
a, Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.
b,Viết một đoạn văn ( tối đa 7 câu) phân tích hiệu quả của một biện pháp tu từ, trong đó có
sử dụng câu ghép đẳng lập.
4.
a. Chép thuộc lòng 8 câu thơ cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” chỉ ra các biện
pháp tu từ.
b. Viết đoạn văn ( 10 -12 câu) phân tích tác dụng biện pháp tu từ được sử dụng trong tám
câu thơ trên.
5. Cho hai câu thơ: “Quê hương anh nước mặn đồng chua – Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi
đá” ( “Đồng chí” – Chính Hữu )
Cho biết:
a. Quê hương các anh bộ đội ở vùng nào?
b. Chỉ ra biện pháp tu từ trong các câu thơ trên.
c. Viết một đoạn văn ngắn ( 6- 8 câu), với câu chủ đề là một câu ghép chính phụ, nêu hiệu
quả của một trong số những biện pháp tu từ tìm được.
6.
a. Chép thuộc khổ thơ cuối bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.
b. Phát hiện các biện pháp nghệ thuật đặc sắc được sử dụng trong đoạn thơ.
c. Viết đoạn văn cảm nhận tác dụng của các biện pháp tu từ ấy.
7. Cho hai câu thơ: “Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng – Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào
tim”. (“BTVTXKK” – Phạm Tiến Duật )
a. Hình ảnh “gió vào xoa mắt đắng” trong câu thơ là hình ảnh ẩn dụ hay hoán dụ? Tại sao?
b. Bằng hình thức một đoạn văn ( khoảng 5-7 câu ) trong đó có câu hỏi tu từ, hãy phân tích
hiệu quả của biện pháp tu từ đó.
8. Hãy viết một đoạn văn từ 7 đến 10 câu, phân tích ý nghĩa nhan đề truyện ngắn “Lặng lẽ
Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. Trong đoạn có sử dụng thành phần tình thái, gạch chân
dưới thành phần đó.
9.
a. Nhớ và viết lại chính xác 3 dòng thơ tiếp theo câu thơ sau:
“Ta làm con chim hót…”
b. Bài thơ có chứa đoạn thơ trên là bài thơ nào? Tác giả là ai?
c. Viết đoạn văn ( 10 – 12 câu ) trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ. Trong đoạn văn
em viết có sử dụng câu cảm thán.
10. Cho đoạn thơ:
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…
a. Phát hiện các biện pháp nghệ thuật đặc sắc được sử dụng trong đoạn thơ.
b. Viết đoạn văn ( từ 7 -10 câu ) phân tích tác dụng của các BPNT ấy.
11. Cho hai câu thơ: “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ - Kết tràng hoa dâng bảy
mươi chín mùa xuân” (“Viếng lăng Bác” – Viễn Phương )
a. Chỉ ra biện pháp tu từ trong hai câu thơ.
b. Viết một đoạn văn ( từ 5 -7 câu ) nêu ý nghĩa của biện pháp tu từ đó, câu kết đoạn là
một câu cảm.
12. Viết đoạn văn ( khoảng 6 câu ) giải thích ý nghĩa ẩn dụ của hình ảnh “tiếng sấm” trong
câu thơ “Sấm cũng bớt bất ngờ - Trên hàng cây đứng tuổi”.
II. Dạng tự luận dài ( Bài văn ):
1. Cảm nhận về vẻ đẹp của người đồng mình qua bài thơ “Nói với con” (Y Phương).
2. Cảm nhận về người bà trong bài thơ “Bếp lửa”.
3. Cảm nhận về vẻ đẹp hình ảnh người chiến sĩ lái xe trong một số khổ thơ mà em thích
nhất trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
4. Vẻ đẹp của tình đồng chí được thể hiện trong bài thơ “Đồng chí”.
5. Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa
Đề bài: Bức tranh mùa xuân trong "Cảnh ngày xuân"( Trích Truyện Kiều- Nguyễn Du) và
"Mùa xuân nho nhỏ" ( Thanh Hải).
( Trích bài làm đạt giải Nhất, kì thi HSG môn Ngữ Văn 9- Hải Phòng, năm học 2007-2008)
Mùa xuân vốn là đề tài vô tận của thi nhân xưa và nay. Nếu như hoạ sĩ dùng đường nét và
sắc màu, nhạc sĩ dùng giai điệu và âm thanh thì thi sĩ lại dùng hình ảnh và ngôn từ để diễn
tả cảm xúc của mình-đặc biệt là diễn tả tình yêu thiên nhiên, yêu cái men say nồng của sắc
xuân hương xuân. Hãy lật từng trang sách đến với bốn câu thơ đầu trong đoạn trích Cảnh
ngày xuân trong kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du. Hãy hoà nhịp tâm hồn vào đất trời xứ
Huế với bốn câu thơ đầu trong Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, bạn sẽ thấy non sông
gấm vóc, quê hương Việt Nam đẹp biết bao!
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Và:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi! Con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Nguyễn Du và Thanh Hải - Họ tuy không cùng một thế hệ thơ, hoàn cảnh sống khác nhau
nhưng trong tâm hồn của những người nghệ sĩ ấy luôn tràn đầy một tình yêu thiên nhiên
đến lạ kì! Ngòi bút của các thi sĩ đã thăng hoa, đã đồng điệu với vạn vật tự nhiên, thổi vào
đó một tình xuân, ý xuân ngọt ngào say đắm. Sao không yêu chứ, sao không ngây ngất
chứ! Vẻ đẹp của xuân quê hương, xuân của lòng người rộn rã lắm, náo nức lắm.
Mùa xuân ấy là màu xanh bát ngát của sự sống, của những chồi non lộc biếc đang cựa quậy
trong từng vần thơ. Hai nguồn thi cảm ở hai thời đại cùng nhả những sợi tơ lòng dệt nên
bức hoạ tuyệt đẹp của mùa xuân có hình khối màu sắc, có xa, có gần, có tĩnh có động, có
nhịp đập trái tim thổn thức, có âm thanh rộn rã, có tình người đắm say. Chỉ một vài nét
chấm phá mà sao hai bức tranh xuân ấy lại đẹp đến vậy.
Ở mỗi đoạn thơ lại có những nét riêng độc đáo. Nếu như Nguyễn Du tài hoa, uyên bác trong
ngôn từ thì Thanh Hải lại đằm thắm, ngọt ngào với những vần thơ đầy ắp hình ảnh. Nguyễn
Du khi gợi tả mùa xuân đã kế thừa và sáng tạo từ một câu thơ cổ Trung Quốc “Phương thảo
thiên liên bích/Lê chi sổ điểm hoa”. Nếu như nhà thơ cổ Trung Quốc đã phác hoạ bức tranh
xuân có màu xanh của cỏ non, có vẻ đẹp của mấy bông hoa lê trên cành thì Nguyễn Du lại
thể hiện được cả sức xuân căng tràn, dào dạt của cỏ Cỏ càng xanh, hoa càng trắng, chỉ
mấy chữ “non”, “xanh”, “trắng” mà như chứa cả hương thơm, cả sắc màu, cả tình người gửi
vào đó. Nguyễn Du báo tín hiệu mùa xuân bằng “én đưa thoi” thì với Thanh Hải là một bông
hoa tím biếc “mọc” giữa dòng sông xanh. Nguyễn Du đã dùng không gian để vẽ thời gian.
Thời gian - thấm thoắt đã trôi qua hai tháng, nhanh như thoi đưa, chỉ đọng lại ánh sáng rực
rỡ, cuối cùng của mùa xuân trong tiết thanh minh. Còn Thanh Hải với cách đảo động từ
“mọc” đã phác hoạ một hình ảnh rất ấn tượng về sự sống mãnh liệt của loài hoa lục bình xứ
Huế đang vươn lên giữa phông nền của dòng sông xanh căng tràn sức sống. Nguyễn Du
dùng những thi liệu là “cỏ non”, cánh “én đưa thoi”, “thiều quang”, “hoa lê trắng” để vẽ lên
bức tranh xuân cao rộng, thoáng đãng đầy thi vị thì Thanh Hải đã dùng những hình ảnh
“dòng sông xanh”, “bông hoa tím biếc”, tiếng “chim chiền chiện hót vang trời “để làm nên
cái độc đáo mà chỉ ở quê hương xứ Huế mộng mơ mới có. Tiếng gọi của thanh Hải “ơi”, “hót
chi” nghe sao mà tha thiết, ngọt ngào như con người Huế vốn rất đẹp, rất chân thành đó
thôi.
Bức tranh xuân của Nguyễn Du non xanh như tâm hồn của các cô thiếu nữ Thuý Kiều, Thuý
Vân trong buổi du xuân. Bức tranh xuân của Thanh Hải tươi sáng, ân tình, chứa chan cảm
xúc, thấm thía lòng người. Tâm hồn họ đều rất thăng hoa, rất thiết tha, nhưng mỗi người lại
có một bút pháp nghệ thuật riêng đễ ghi đậm cái tôi cá nhân trong lòng độc giả. Nếu như
Nguyễn Du đã vận dụng khéo léo thể thơ lục bát của dân tộc thì Thanh Hải cũng rất mượt
mà với thể thơ ngũ ngôn ngân nga như điệu nhạc xứ Huế - trong bản hoà ca của đất nước
đang xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Du với mười lăm năm lưu lạc, còn Thanh Hải đang phải giáp ranh với cái chết nhưng
ở họ vẫn nồng cháy tình yêu thiên nhiên, đất trời, Tình cảm ấy đã hoà chung dòng chảy với
các tác phẩm khác viết về mùa xuân.
Đã nhiều năm trôi qua, nhưng khi đọc những dòng thơ trên, lòng người đọc vẫn không khỏi
xúc động, rạo rực, mê say. Có lẽ Nguyễn Du cũng như Thanh Hải sẽ còn sống mãi trong trái
tim người đọc bởi những vần thơ như thế, bởi tấm lòng yêu mùa xuân, yêu thiên nhiên, đất
trời và con người tha thiết. Bởi chính ngòi bút của họ đã thăng hoa thành những nét vẽ khắc
sâu trong hồn ta một mùa xuân bất diệt, vĩnh hằng và truyền vào lòng ta khát vọng được
cống hiến, được làm "Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời "
Trịnh Thị Tuyết
THCS An Hưng - An Dương - Hải Phòng.
Đề bài: Có người khi đọc "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ và "Chiếc lá
cuối cùng" của Ô.Hen-ri đã có nhận xét: "Chiếc bóng trên vách đã giết chết Vũ Nương
nhưng chiếc lá trên tường lại cứu sống Giôn-xi". Hãy phát biểu ý kiến của em về vấn đề này.
=> một số gợi ý:
- Chiếc bóng trên vách là người giả , chiếc lá trên tường là lá giả vậy mà hai cái "giả" đã đưa
đến cái "thật" đối nghịch nhau: cái chết và sự sống. Con người vững lòng tin ở sự sống
trong việc chờ chồng, nuôi con lại phải đi đến cái chết ( Vũ Nương ) còn con người đang đi
vào cái chết lại tìm thấy sự sống ( Giôn-xi )
- Nêu ý nghĩa của hình tượng "chiếc lá" và hình tượng "chiếc bóng".
+ Ý nghĩa của hình tượng chiếc lá trong truyện "Chiếc lá cuối cùng":Đây là một hình tượng
đẹp thể hiện tình yêu thương cao cả và giàu đức hi sinh của cụ Bơ - men dành cho Giôn - xi.
Tình yêu thương ấy hóa thân vào hình tượng chiếc lá và nó có sức mạnh thật diệu kì. Nó
vực dậy tinh thần cho Giôn-xi, đánh thức trong cô niềm ham sống, yêu đời và đánh thức cả
những khát vọng đẹp nơi cô. Một chiếc lá tưởng như nhỏ bé, mong manh mà chứa đựng
trong đó bao ý nghĩa lớn lao. Nó là bài ca về lòng nhân ái, khơi gợi lên tình yêu thương cháy
bỏng giữa con người với con người.
+ Ý nghĩa của hình tượng chiếc bóng: Chiếc bóng là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của
Nguyễn Dữ, giữ vai trò thắt nút và mở nút câu chuyện. Nó thể hiện cái tình và vẻ đẹp tâm
hồn của Vũ Nương. Đó là lòng thương nhớ, thủy chung, là khát khao đoàn tụ của người vợ;
là tình yêu con của người mẹ, muốn bù đắp cho con sự thiếu vắng tình cha. Đó chỉ là một
trò đùa trong thương nhớ, một sự nói dối đầy thiện chí và yêu thương. Nó gợi sự gắn bó
như hình với bóng vậy mà lại là con dao chia cắt, dẫn tới cái chết oan uổng của người vợ
trẻ. Sự ngộ nhận của đứa trẻ ngây thơ, sự hiểu lầm của người chồng hồ đồ, đa nghi là
nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết oan khiên, đáng thương của Vũ Nương. Lấy cái bóng
để khái quát về bi kịch của con người, Nguyễn Dữ cũng cất lên một tiếng nói tố cáo xã hội
phong kiến suy tàn, thối nát; một tiếng nói cảm thông sâu sắc với số phận bọt bèo, hẩm hiu
của người phụ nữ trong xã hội cũ.
=>Kết luận: Hai chi tiết, hình tượng nghệ thuật này đều chứa đựng những quan niệm nhân
sinh sâu sắc mà mỗi tác giả muốn gửi tới người đọc: Con người hãy yêu thương nhau, hãy
biết cảm thông và chia sẻ với nhau. "Chiếc lá cuối cùng" và "Chuyện người con gái Nam
Xương" quả là những tác phẩm nghệ thuật chân chính - nghệ thuật vì cuộc sống con người.
Đề thi thử vào 10 THPT, năm học 2014-2015 - Dạng đề của thành phố Hải Phòng - Ra đề
theo admin Học văn lớp 9.
Phần I: Trắc nghiệm ( 2.0 điểm )
1. Quê hương nhà thơ Y Phương là nơi được gọi là:
A. thành đồng Tổ quốc.
B. trái tim Tổ quốc.
C. quê hương cách mạng.
2. Nhà thơ Y Phương là người dân tộc:
A. Thái.
B. Tày.
C. Nùng.
D. Dao.
3. Giọng điệu bài thơ “Nói với con” là gì?
A. Sôi nổi, mạnh mẽ.
B. Ca ngợi, hùng hồn.
C. Tâm tình, tha thiết.
D. Trầm tĩnh, răn dạy.
4. Từ “bé nhỏ” trong câu thơ: “Người đồng mình thô sơ da thịt – Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu
con” được dùng theo nghĩa nào?
A. Nghĩa thực.
B. Nghĩa so sánh.
C. Nghĩa ẩn dụ.
D. Nghĩa cụ thể.
5. Cách gọi “Người đồng mình” trong bài thơ dùng chỉ đối tượng nào?
A. Những người ở cùng làng.
B. Những người cùng thôn xã.
C. Những người cùng nhà.
D. Những người sống cùng miền đất, quê hương.
6. Trong câu văn “ TÌNH YÊU THƯƠNG, một tình yêu thương thực sự và nồng nàn lần đầu
tiên phát sinh ra bên trong nó.”, bộ phận in hoa là thành phần gì?
A. Tình thái.
B. Cảm thán.
C. Phụ chú.
D. Khởi ngữ.
7. Câu nào sau đây có chứa hàm ý?
A. “Thật ra thì lão chỉ tâm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu: lão vừa xin tôi
một ít bả chó”.
B. “Lão làm lão khổ chứ ai làm lão khổ!”
C. “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn…”
D. “Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy.”
8. Trong những đề bài sau, đề bài nào KHÔNG thuộc bài nghị luận về vấn đề tư tưởng, đạo
lí?
A. Suy nghĩ về tình yêu thương.
B. Quan niệm của em về một tình bạn đẹp.
C. Viết một bài văn ngắn với tiêu đề: “Cảm thông và chia sẻ”.
D. Suy nghĩ về việc nhiều học sinh hiện nay không có thói quen nói lời cảm ơn và xin lỗi
trong cuộc sống hằng ngày.
Phần II: Tự luận ( 8.0 điểm )
Câu 1: ( 2.0 điểm )
Viết một đoạn văn ( 6- 8 câu ) nêu ý nghĩa hình ảnh tiếng chim tu hú trong bài thơ cùng tên
của Tố Hữu, trong đó, có câu chứa thành phần trạng ngữ chỉ thời gian, bắt đầu bằng từ
“khi”.
Câu 2: ( 6.0 điểm )
Cảm nhận về người bà trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt.
Đề thi thử vào 10 Trường THPT Chuyên Amsterdam - Hà Nội, môn Ngữ Văn ( Điều kiện )
Phần I: (5 điểm)
1.Ghi lại chính xác 11 câu thơ đầu của bài thơ “Nói với con” ( Y Phương).
2.Nhận xét về nhịp thơ, cấu trúc thơ ở bốn câu thơ đầu?
3.Em hiểu như thế nào về câu thơ “Con đường cho những tấm lòng”?
4.Cảm nhận của em về tình cảm của người cha đối với con và những điều lớn lao nhất mà
người cha muốn truyền cho con qua những lời chia sẻ, dặn dò trong bài thơ “Nói với con”.
(Trình bày trong khoảng 12 - 15 dòng)
Phần II: (3 điểm)
"Trong lúc đó, nó vẫn ôm chặt lấy ba nó. Không ghìm được xúc động và không muốn cho
con thấy mình khóc, anh Sáu một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt, rồi hôn lên
mái tóc con:
- Ba đi rồi ba về với con.
- Không! - Con bé hét lên, hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ
được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run.
Nhìn cảnh ấy, bà con xung quanh có người không cầm được nước mắt, còn tôi bỗng thấy
khó thở như có bàn tay ai nắm lấy trái tim tôi"
(Sách giáo khoa Ngữ văn 9, tập 1, trang 199)
1.Đoạn trích trên nằm trong tác phẩm nào? Do ai sáng tác? Hãy giới thiệu ngắn gọn về cuộc
chia tay của hai nhân vật chính trong đoạn văn trên .
2.Câu văn “Con bé hét lên, hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ
được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run.”
là kiểu câu gì xét về mặt cấu tạo? Ghi lại câu văn đó và gạch chân dưới các chủ ngữ trong
câu.
3.Nhân vật “tôi” trong đoạn văn trên là ai? Giải thích vì sao nhân vật “tôi” lại “bỗng
thấy khó thở như có bàn tay ai nắm lấy trái tim tôi” ?
Phần III: (2 điểm)
Hãy viết một đoạn văn tổng - phân - hợp trong khoảng nửa trang giấy thi với chủ đề: Tình
cảm gia đình là cội nguồn của tình yêu quê hương, đất nước. Trong đoạn văn có sử dụng ít
nhất 1 câu có thành phần biệt lập (có chú thích).
Bài viết của học sinh Hoàng Linh Phương về sự kiện Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan
Hải Dương 981.
"Trong những ngày này, cả Việt Nam và thế giới đều đang rất quan tâm tới việc Trung Quốc
hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ
tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày
01/05/2014. Hành động này đã gây phẫn nộ sâu sắc trong triệu triệu tấm lòng con dân đất
Việt, nhân dân ta khắp ba miền đất nước đã xuống đường mít tinh, tuần hành để phản đối
hành vi ngang ngược của Trung Quốc với lãnh thổ nước ta. Từ việc trên, lần đầu tiên tôi đã
có những suy nghĩ về đất nước, về lãnh thổ dân tộc.
Chúng tôi, một thế hệ trẻ đã sống cách chiến tranh hơn hai mươi năm không thể hiểu được
hết những cái giá mà cha ông ta đã phải trả cho chiến tranh. Tôi thấy mình thật may mắn
khi đang được sống ở một đất nước hòa bình, không chiến tranh, không khói lửa - đó là
điều mà đến tận thế kỷ XXI này vẫn có những quốc gia, những người dân chịu đựng từng
ngày, từng giờ. Chúng tôi sống, đi học, làm việc với một nhịp sống đơn giản, thậm chí vẫn
luôn nghĩ rằng những vấn đề về Tổ quốc, về chủ quyền dân tộc vẫn không phải là việc của
mình mà là việc của người lớn, của Đảng, của Nhà nước.
Ở trường, một trong những môn học tôi yêu thích chính là Lịch sử, đó có thể coi là điều khá
trái ngược với đại bộ phận thế hệ trẻ ngày nay. Tôi luôn thấy hứng thú khi tìm hiểu về đất
nước từ thủa hồng hoang đến khi lập nước và giữ nước. Bốn ngàn năm lịch sử, tất cả chúng
ta ai cũng biết nhân dân ta đã phải trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh vệ quốc, ông cha ta
bao đời đã không tiếc máu xương mình để gìn giữ đất nước cho đến ngày hôm nay, để
chúng tôi được sống ở một đất nước hòa bình
Chủ quyền dân tộc từ bao đời nay đã được khẳng định từ bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý
Thường Kiệt, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, đến “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch
Hồ Chí Minh… Cũng vì chủ quyền đó mà nhân dân ta chấp nhận những mất mát, đau
thương, chấp nhận cả những cái chết khi đi vào nơi chiến trường lửa đạn, để bảo vệ Tổ
quốc. Đó là điều mà bao thế hệ trước đã làm, và tôi chắc chắn, thế hệ ngày hôm nay cũng
sẵn sàng làm mọi điều để bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Hành động trái phép của Trung Quốc đã làm cho chúng tôi, những con người của một thời
hòa bình phải suy nghĩ. Triệu triệu con dân nước Việt từ mọi miền của Tổ quốc đến cả
những kiều bào ở nước ngoài đều bất bình, phẫn nộ trước hành vi ngang ngược, bất hợp
pháp của Trung Quốc. Có người giấu những suy nghĩ đó trong lòng, có người xuống đường
tuần hành phản đối Trung Quốc, thậm chí có những bạn trẻ đã bày tỏ quan điểm rất mạnh
mẽ trên Facebook.
Mỗi người có một cách thể hiện khác nhau, nhưng tôi tin trong mỗi chúng tôi, đó đều là
những xúc cảm, những hành động của một trái tim yêu nước nồng nàn. Là một đất nước đã
đi qua nhiều cuộc chiến, hiểu rõ những mất mát, đau thương trong chiến tranh, nên chúng
ta, với hành động ngang ngược của Trung Quốc vẫn đang tìm cách giải quyết bằng biện
pháp hòa bình và ngoại giao, để giữ gìn từng vùng biển ngoài xa.
Ở tuổi 18, chúng tôi dần dần có ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của mình với Tổ quốc.
Không chỉ dừng lại ở việc học tập để sau này trở thành người có ích cho đất nước, chúng tôi
dần dần biết suy nghĩ trước mọi vấn đề của đất nước, biết phẫn nộ khi đất nước bị xâm
phạm chủ quyền".
*ĐÍNH CHÍNH về hình ảnh "trái tim" trong câu thơ "Chỉ cần trong xe có một trái tim" ( Phạm
Tiến Duật )
- Hình ảnh "trái tim" trong câu thơ trên là hình ảnh HOÁN DỤ. Chính xác hơn là HOÁN DỤ
kép.
+ Lấy bộ phận để gọi toàn thể: "trái tim" chỉ người lính lái xe ở tuyến đường Trường Sơn
những năm đánh Mỹ.
+ Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng: "trái tim" chỉ tình yêu Tổ quốc lớn lao, như máu thịt,
như mẹ cha, như vợ, như chồng ; ý chí chiến đấu, tinh thần sẵn sàng hi sinh vì miền Nam
của người lính.
- Nhiều người, đặc biệt là Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh lại cho đây là hình ảnh ẨN DỤ.
Tôi không đồng tình.
- Có người dạy học sinh rằng: ẩn dụ đúng mà hoán dụ cũng đúng. Vậy thì phân biệt ẩn với
hoán làm gì cho đau đầu!
- Cần lắm ý kiến của các thầy cô để học sinh đỡ hoang mang!
Đề thi thử vào 10 THPT, năm học 2014-2105 - Dạng đề của thành phố Hồ Chí Minh - Ra đề
theo admin Học văn lớp 9.
Câu 1: ( 1.0 điểm ):
“Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù, hứng lấy luồng bom…”
( “Khoảng trời, hố bom” – Lâm Thị Mĩ Dạ )
Những câu thơ trên gợi cho em liên tưởng đến truyện ngắn nào đã học trong chương trình
Ngữ văn 9? Nhân vật chính trong truyện là ai? Nét nổi bật trong tâm hồn và tính cách của
nhân vật đó là gì?
Câu 2: ( 1.0 điểm )
Việt Nam ơi, hãy cùng nắm chặt tay.
Ừ nước bé, nhưng hùng gan, bền chí.
Quyết không để bọn ngoại bang khinh thị.
Bốn ngàn năm phải giữ trọn biển đất này.
( “Mẹ kể con nghe” – Dương Phạm )
Tìm và gọi tên thành phần biệt lập trong đoạn thơ trên. Cho biết thành phần ấy được dùng
để làm gì trong đoạn thơ?
Câu 3: ( 3.0 điểm )
Trong bài viết “Nhà thơ, Tổ quốc và tự do, 6/2009”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có viết:
“Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống
biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển - đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó
mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại
cho cháu con hôm nay.”
Ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD981 cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu
quân sự và máy bay hộ tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu Đặc quyền
kinh tế của Việt Nam, đó là "sự kiện 1/5" gây phẫn nộ sâu sắc triệu triệu tấm lòng người dân
đất Việt.
Ngày 11/5/2014, nhân dân Việt Nam khắp ba miền đất nước đã xuống đường phản đối hành
vi bất hợp pháp của Trung Quốc ở khu vực biển đảo Tổ Quốc.
Từ quan điểm của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, từ những sự kiện trên, em hãy viết một bài
văn ngắn ( khoảng 01 trang giấy thi), trình bày suy nghĩ của mình về chủ quyền dân tộc.
Câu 4: ( 5.0 điểm )
Một chi tiết nghệ thuật độc đáo và hấp dẫn trong một truyện ngắn hiện đại em đã được học.
Đề thi thử vào 10 THPT, năm học 2014 - 2015 - Dạng đề của thành phố Hà Nội
Phần I: ( 6.0 điểm )
Một khổ thơ trong bài “Đoàn thuyền đánh cá” có câu thơ đầu: “Ta hát bài ca gọi cá vào…”
1. Em hãy chép chính xác những câu còn lại của khổ thơ này và cho biết tên tác giả, hoàn
cảnh ra đời của bài thơ?
2. Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu cuối khổ thơ.
3. Bằng một đoạn văn diễn dịch ( từ 8 đến 10 câu ), có sử dụng lời dẫn trực tiếp và phép
lặp, em hãy trình bày cảm nhận về vẻ đẹp của người lao động được thể hiện trong bài thơ.
4. Từ bài thơ và thực tế hiện nay, em suy nghĩ như thế nào về tình cảm và trách nhiệm của
mỗi công dân với biển đảo đất nước?
Phần II: ( 4.0 điểm )
Cho đoạn văn trích trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân:
“Ông Hai vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Ông hết trở mình bên này lại trở mình bên kia,
thở dài. Chợt ông lão lặng hẳn đi, chân tay nhủn ra, tưởng chừng không thể cất lên được…
có tiếng nói léo xéo ở gian trên. Tiếng mụ chủ… Mụ nói cái gì vậy? Mụ nói cái gì mà lào xào
thế? Trống ngực ông lão đập thình thịch. Ông lão nín thở, lắng tai nghe ra bên ngoài…”
1. Em hiểu gì về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng”?
2. Nhân vật này cho em hiểu biết gì về tinh thần yêu nước của con người Việt Nam?
3. Trong đoạn trích, ông Hai có tâm trạng như thế nào? Vì sao?
4. Tác dụng của các từ láy cùng hai câu hỏi được sử dụng trong đoạn trích?
( P/s: Chính xác đây là đề thi thử đợt 2 của quận Hà Đông, Hà Nội năm ngoái )
Đính chính về cách hiểu câu thơ “Chim bắt đầu vội vã” ( “Sang thu” – Hữu Thỉnh )
Ad đã đọc bài viết của PGS.TS Chu Văn Sơn và cô Nguyễn Thị Kim Lan – Chuyên viên Sở
GD&ĐT Hải Phòng.Trong đó có viết về câu thơ “Chim bắt đầu vội vã” hiểu là: Thu sang,
khí trời se lạnh, trên bầu trời trong xanh, cao rộng, những cánh chim đang gấp gáp, vội
vã bay đi lánh rét. Trong thực tế, thì có một số loài chim như vậy!
Có người lại cho rằng: Cách hiểu đó chưa hợp lí cho lắm! Họ trình bày cách hiểu của
mình như sau: “Tôi còn nhớ, khi chậu hoa cúc trước sân bắt đầu tàn và thông tin thời
tiết trên chiếc loa công cộng đầu xóm dự báo gió mùa đông Bắc sắp tràn về cũng là lúc
bọn trẻ chúng tôi trèo lên sân thượng say sưa ngắm từng đàn chim đang lũ lượt bay về
phương Nam đi tránh rét. Đó chính là thời điểm cuối thu đầu đông, mà thời gian được
nói đến trrong bài thơ là mới bắt đầu sang thu thì làm sao đàn chim lại có thể bay về
phương Nam đi tránh rét. Theo cách hiểu của tôi,mùa hạ bao giờ ngày cũng dài còn
đêm thì ngắn, vừa mới sang thu nên đàn chim chưa quen với thời gian biểu mới cứ mải
mê kiếm ăn đến khi giật mình nhìn lại thì chiều đã muộn nên vội vã bay về tổ ấm của
mình”.
=> Hai cách hiểu trên đều hợp lí. Không thể nói ai đúng ai sai được. Hiểu theo cách nào
cũng được. Lưu ý thêm một điều! Bài thơ “Sang thu” sử dụng rất thành công bút pháp
cổ điển ( Điều này trong quá trình giảng dạy thì phần lớn là các giáo viên không nói
đến). Mà bút pháp cổ điển: gợi chứ không tả, linh hồn của cảnh vật hiện về qua một vài
nét phác họa. Câu thơ, hình ảnh thơ chừa lại rất nhiều khoảng trống, người đọc bằng
suy nghĩ, trí tưởng tượng của mình để lắp đầy khoảng trống đấy. Bởi vậy, cách hiểu
không bó buộc, miễn sao phải có lí lẽ thuyết phục.
Dành cho học sinh thành phố Hồ Chí Minh và học sinh thi Chuyên
(Theo cô Nguyễn Thanh Huyền. GV.THPT chuyên Nguyễn Trãi - TP.Hải Dương)
KIỂU BÀI SO SÁNH
Kiểu bài khó nhất em ơi
Có ba cách để mình khơi mạch nguồn
Cách 1: chung – riêng rõ luôn
Cách 2: tìm hiểu cơn nguồn mới hay
Tách từng khía cạnh xem này
Chung – riêng mỗi phía dở hay thế nào
Cách 3: phân tích kĩ vào
Từng đối tượng một ra sao, có gì
Rồi tổng kết mới chỉ ra:
Chung – riêng từng điểm…nói thì ngắn thôi
Tùy em đấy, tùy em thôi
Chọn sao cũng được, dễ thời ta đi!
Trong khi so sánh nhớ ghi:
Đừng so hơn – kém làm chi em à
Phụ tấm lòng của người ta
Làm người buồn tủi ắt là không hay
Chỉ cần nhìn rõ điểm này:
Điểm chung – cơ sở nào đây hình thành?
Điểm riêng cũng phải rành rành:
Do phong cách để tạo thành sắc hương?
Hoặc do thời đại mở đường?
(Không khí xã hội am tường cũng hay!)
Do đòi hỏi của điều này:
Nội dung, tư tưởng sâu dày mà nên?
Cũng do điều này nữa em:
Xuất thân nhân vật lại kèm hướng đi
Của cuộc đời…của những gì
Khó mà nói hết trong khi chưa làm
Chỉ cần em đừng quá ham
Phô kiến thức trong khi làm bài văn
Chỉ cần em biết băn khoăn
Tìm tòi, nghiền ngẫm…khó khăn không lùi
Là sẽ thấu mọi nỗi đời
Trong chung – riêng ấy em ơi…lo gì!
Cuối truyện "Những ngôi sao xa xôi", chi tiết nào xuất hiện thể hiện vẻ đẹp hồn nhiên trong
tâm hồn các cô gái ?
A. Hoàng hôn sau rặng núi xa
B. Cơn mưa đá
C. Tiếng suối róc rách chảy
D. Bầu trời đêm đầy sao
Đề bài: Cảm nhận khổ 1 và 2 bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" (Thanh Hải).
Theo cô Hoàng Thị Vĩnh - GV trường THCS Đằng Hải - Hải Phòng.
I.Mở bài:
- Mùa xuân là mùa của thiên nhiên thắm tươi, của vạn vật sinh sôi nảy nở. Văn học Việt
Nam đã từng không có ít những vần thơ thể hiện cảm xúc rạo rực, trẻ trung trước mùa
xuân. Đó là “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử, “Mùa xuân xanh” của Nguyễn Bính, “Chiều
xuân” của Anh Thơ,… và Thanh Hải – nhà thơ xứ Huế cũng góp vào đó một "Mùa xuân nho
nhỏ”. Ra đời vào tháng 11 năm 1980, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời, bài thơ thể
hiện niềm yêu mến thiết tha cuộc sống, đất nước và ước nguyện dâng hiến của tác giả.Để
lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người đọc là cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên
nhiên, mùa xuân đất nước.
II.Thân bài:
1. Khái quát (Dẫn dắt vào bài):
- Ở vị trí phần đầu của thi phẩm, đoạn thơ là những dòng cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo,
đắm say của tác giả trước vẻ đẹp mùa xuân –mùa xuân thiên nhiên xứ Huế và mùa xuân
đất nước, mùa xuân Cách mạng. Nếu mùa xuân của đất trời mang vẻ đẹp tươi trẻ, tràn trề
sức sống thì mùa xuân đất nước lại đẹp một cách sôi nổi, hào hùng.
2. Mùa xuân thiên nhiên xứ Huế:
- Với nét bút khoáng đạt, bức tranh mùa xuân thiên nhiên được nhà thơ phác họa bằng hình
ảnh tự nhiên, bình dị và gợi cảm:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”.
Xứ Huế vào xuân với “dòng sông xanh”, với “bông hoa tím”. Sắc xanh hiền hòa của sông
điểm xuyết nét chấm phá của bông hoa tím biếc gợi một sắc xuân tươi tắn, rực rỡ mà vẫn
rất mực bình dị, dân dã mang đậm chất Huế mộng mơ. Động từ “mọc” được đảo lên đầu
câu thơ gợi ấn tượng đậm nét về vẻ đẹp duyên dáng, và sức sống mạnh mẽ của bông hoa
mùa xuân. Đó có thể là bông hoa lục bình, cũng có thể là bông trang, bông súng, với sắc
tím biếc như đang vươn lên, đang trỗi dậy. Hoa tím biếc mọc nở trên dòng sông xanh – cái
hài hòa của tự nhiên của màu sắc đem đến vẻ đẹp dịu nhẹ, thanh mát làm say đắm lòng
người.
- Bức tranh mùa xuân xứ Huế không chỉ tươi tắn,sống động sắc màu mà còn rực rỡ âm
thanh:
Ơi con chim chiền chiện,
Hót chi mà vang trời”.
Tiếng hót của chim chiền chiện mở ra một không gian cao vời, trong trẻo. Và cũng bởi tiếng
chim lảnh lót đó vang lên làm xao động cả đất trời, làm xao xuyến cả tâm hồn thi sĩ nhạy
cảm của nhà thơ. Với cảm thán từ“Ơi” và lời hỏi “hót chi?”, Thanh Hải đã đưa vào lời thơ
giọng điệu ngọt ngào, dịu nhẹ, thân thương của người dân xứ Huế, diễn tả cảm xúc vui say
đến ngỡ ngàng trước một mùa xuân tươi đẹp – một mùa xuân đậm chất quê hương và giàu
chất thơ.
- Say sưa, ngây ngất trước vẻ đẹp giản dị mà nên thơ của mùa xuân, nhà thơ bỗng bồi hồi,
xúc động:
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
“Giọt long lanh” là giọt mùa xuân, giọt nắng vàng hay giọt sương sớm?Theo mạch cảm xúc
của nhà thơ thì có lẽ đây là giọt âm thanh của tiếng chim ngân vang, đọng lại thành từng
giọt niềm vui, rơi xuống cõi lòng rộng mở của thi sĩ, thấm vào tâm hồn đang rạo rực tình
xuân. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được sử dụng một cách tự nhiên, hợp lí. Thanh Hải
cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân bằng nhiều giác quan: thị giác, thính giác và cả xúc giác.
Cử chỉ“Tôi đưa tay tôi hứng” thể hiện sự nâng niu, trân trọng của nhà thơ trước vẻ đẹp của
mùa xuân với cảm xúc say sưa, lặng ngắm. Hình ảnh thơ lung linh, đa nghĩa, vừa là thơ, vừa
là nhạc, là hoạ. Bức tranh mùa xuân được phác hoạ khi nhà thơ đang nằm trên giường bệnh
khiến người đọc trân trọng hơn, yêu hơn một tâm hồn nghệ sĩ, một tình yêu quê hương, đất
nước.
3. Mùa xuân đất nước, mùa xuân Cách mạng:
- Từ mùa xuân thiên nhiên đất trời, nhà thơ cảm nhận về mùa xuân đất nước, mùa xuân
Cách mạng. Tác giả hướng tình cảm tới những con người cụ thể - những con người làm nên
lịch sử:
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”.
Các điệp ngữ “mùa xuân”,”lộc”,”người” như trải rộng khung cảnh hiện thực khi gắn với cuộc
sống lao động, chiến đấu của nhân dân.Nhà thơ đã sáng tạo cặp hình ảnh sóng đôi đẹp như
hai vế của câu đối mừng xuân để nói về hai lực lượng chủ yếu của cách mạng, hai nhiệm vụ
chiến lược của đất nước. Đó là người chiến sĩ và người lao động – bảo vệ và xây dựng Tổ
quốc, quê hương. Từ “lộc” được dùng với hai lớp nghĩa : tả thực chồi non, nhành biếc và ẩn
dụ cho sức sống, thế vươn lên, sức phát triển mới, thành quả tốt đẹp là mùa xuân. “Lộc”
trên cành lá ngụy trang theo bước chân người cầm súng ra trận,“lộc” trải dài trên những
nương mạ theo bàn tay người ra đồng. Như thế, người chiến sĩ, người lao động đã đem mùa
xuân, gieo mùa xuân đến mọi miền đất nước.Họ trở thành những con người làm ra mùa
xuân, bảo vệ mùa xuân. Và họ đã làm nên cái giai điệu chính của bản hợp xướng mùa xuân,
tạo nhịp điệu hối hả, hào hùng:
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Nghệ thuật điệp ngữ “tất cả” cùng các từ láy “hối hả”, “xôn xao” làm nổi bật không khí khẩn
trương, náo nức của đất nước trong những năm tháng gian lao, hào hùng. Cách ngắt nhịp
2/1/2 làm cho câu thơ vang lên một nhịp điệu tươi vui, mạnh mẽ. Đó là hành khúc mùa
xuân của thời đại Hồ Chí Minh.
4. Ý kiến đánh giá, bình luận:
- Mùa xuân là đề tài truyền thống trong thơ ca dân tộc. Thanh Hải đã góp vào đó một bài
thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc thiết tha
ngân vang, ngôn ngữ thơ trong sáng và biểu cảm, hàm súc và hình tượng, các phép tu từ
được vận dụng sắc sảo và tài hoa. Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu quê hương, đất
nước được nhà thơ diễn tả sâu sắc và cảm động trong đoạn thơ, bài thơ. Mỗi cuộc đời hãy
là một mùa xuân, đất nước ta sẽ mãi mãi là những mùa xuân tươi đẹp.
III. Kết bài:
- “Mùa xuân nho nhỏ” là khúc ca say mê về tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống làm
rung động trái tim người đọc bao thế hệ.Đến với bài thơ, đặc biệt là đoạn thơ trên, ta không
chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mùa xuân mà còn xúc động trước thế giới tâm hồn của
thi nhân. Nhẹ nhàng mà sâu lắng, những vần thơ của Thanh Hải đã khơi gợi trong ta tình
yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc đời.
Về khổ cuối của bài thơ "Ánh trăng"
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Dường như khổ thơ cuối dồn nén biết bao niềm tâm sự. Trăng vẫn thế, trăng nhìn cố nhân
vô tình kia vẫn bằng con mắt trong trẻo. Chỉ có lương tâm thi nhân đang lên tiếng, những
lời sám hối ăn năn dù không cất lên nhưng chính vì thế càng trở nên ám ảnh, day dứt.
Thà rằng trăng cất lời trách móc hay ẩn mình sau đám mây nào đó, có lẽ lòng kẻ vô tình kia
đỡ ân hận. Nhưng không, trăng lặng im không nói, cái lặng im làm “ta giật mình”. Nếu như
người đọc đã từng giật mình như một phản xạ thì đến đây có lẽ sẽ cảm nhận được cái giật
mình của lương tâm. Vẫn biết rằng vầng trăng trên kia khi ta chưa sinh ra cũng cứ khuyết lại
tròn, khi ta tồn tại hay sau này ta có thành cát bụi thì trăng vẫn cứ khuyết lại tròn vậy thôi.
Nhưng chính cái giật mình thức tỉnh đáng trân trọng của tác giả khiến lòng ta cảm động.
Một sự thức tỉnh đầy ý nghĩa. Có người sẽ hỏi rằng nếu không mất điện liệu nhà thơ có
được sự thức tỉnh ấy không? Một lần nữa xin đừng “mổ xẻ” câu chữ, hãy gượng nhẹ mà đón
lấy niềm tâm sự sâu kín của thi nhân. Nguyễn Duy đã diễn tả rất thành công những biến
thái tinh vi của một tâm hồn trong quá trình ăn năn,hối hận. Nếu ai đã có lần đọc “Hơi ấm
tổ rơm” của tác giả sẽ nhận thấy cảm xúc của Nguyễn Duy rất dễ rung với những tình huống
giản dị mà có lẽ ít nhà thơ có được:
Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác gầy gò
Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Cái mộc mạc lên hương của lúa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người.
Lớn lên trong cảnh nghèo ở nông thôn Thanh Hóa, tác giả thường có những băn khoăn, trăn
trở về đời sống lam lũ, vất vả của bà con lao động. Chính vì thế, những lời thơ của Nguyễn
Duy thường rất mộc mạc, dân dã mà vẫn rất xúc động. Người đọc cảm nhận sâu sắc những
gì tâm hồn nhà thơ muốn chia sẻ có lẽ nhờ vào mạch nguồn chân thành ấy.
Trở lại với “Ánh trăng”, có lẽ niềm tâm sự sâu kín giờ đây không chỉ còn là của riêng Nguyễn
Duy nữa. Ý kết của bài thơ đã nâng những suy nghĩ của tác giả lên tầm khái quát – triết lí:
ai cũng có những vô tình quên đi những gì tốt đẹp của ngày xưa. Nếu như không có sự thức
tỉnh, những lúc “giật mình” nhìn lại của lương tâm thì biết đâu chúng ta sẽ đánh mất chính
mình? Và với Nguyễn Duy nếu tác giả không phải là người từng có một thời sống như thế,
làm sao có được niềm tâm sự đáng quý như vậy? Những chặng đường của quá khứ và hiện
tại cứ nối tiếp nhau, lúc thì đan xen, khi thì tách rời khiến ta nhìn rõ nét băn khoăn, rối bời
của tâm trạng. Cả bài thơ thấm đẫm trong ánh trăng trong trẻo, ngời mát và ám ảnh. Lí
Bạch đã từng có hai câu thơ rất nổi tiếng:
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương,
(Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ quê hương.)
Giữa miền đất xa lạ dẫu vẫn nằm trên đất Trung Hoa, Lí Bạch nhìn vầng trăng mà nhớ quê
hương mình, như níu lấy chút gì thân quen để sưởi ấm tâm hồn người lữ khách. Với Nguyễn
Duy, vầng trăng ngời tỏ trên bầu trời kia gợi lại cả một thời quá khứ và đặc biệt làm cho tâm
hồn thi nhân bừng tỉnh và trở về chính mình. Có bao giờ ta tự hỏi tại sao cũng chỉ là vầng
trăng ấy thôi, con người lại có thể nhìn thấy nhiều điều khác nhau đến thế…
Đọc “Ánh trăng” của Nguyễn Duy, người đọc như một lần được đối diện với chính mình và
cũng đồng thời giao cảm với một tâm hồn đáng trọng. Vẫn còn trong trẻo trên cao, vầng
trăng tròn vành vạnh, vẫn còn vương vấn đâu đây ánh sáng trong mắt, nhẹ nhàng, im ắng
quấn quyện trong tâm hồn mỗi chúng ta.
( Theo Nguyễn Thị Minh Phương, “Văn – Bồi dưỡng HS giỏi THPT”)
Đề bài: "Con ơi hãy nhớ: tay trái của mình là tay phải của người".
Trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa câu nói trên.
Đề bài: Cảm nhận nhân vật lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.
Theo cô Nguyễn Thị Kim Lan - Chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng.
Cùng với Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng,… Nam Cao là một cái tên không thể thiếu khi nhắc tới
những nhà văn hiện thực nhân đạo. Tham gia vào dòng văn học 1930-1945 tuy là muộn so
với các nhà văn khác nhưng bằng cách “khơi những nguồn chưa ai khơi” Nam Cao đã ghi
vào lòng độc giả những ấn tượng riêng và có một vị trí đứng vững chắc. Ông viết rất nhiều
tác phẩm như “Sống mòn”, “Một bữa no”, “Đời thừa”… nhưng không thể không kể tới tác
phẩm “Lão Hạc”. Nhân vật Lão Hạc trong truyện là một nhân vật đã để lại trong người đọc ít
nhiều suy nghĩ.
Lão Hạc là một lão nông nghèo nhưng có nhiều phẩm chất tốt đẹp, đáng quý.Nhân vật Lão
Hạc là nhân vật điển hình, đại diện cho mỗi tầng lớp người nông dân rơi vào hoàn cảnh trớ
trêu nhưng toát lên những vẻ đẹp tâm hồn sáng trong.
Lão Hạc có một cuộc đời hết sức bi thảm. Vợ lão mất sớm, một mình lão gà trống nuôi con.
Đến tuổi anh con trai lấy vợ thì nhà lão nghèo quá, nhà gái lại thách cao, nên anh con trai
không lấy được vợ, phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Lão ngày ngày, vò võ mong mỏi con về,
đơn độc, chỉ có con chó Vàng - kỉ vật của con bầu bạn cùng. Lão sống qua ngày, trong cái
đói nghèo và đơn độc. Và chính vì đói, vì nghèo như thế, nên cuối cùng, lão phải bán đi
người bạn duy nhất của lão, chỗ dựa cuối cùng của lão – cậu Vàng. Để giữ được tấm lòng
thanh sạch của mình, lão phải ăn bả chó tự tử, chết như một con chó. Cuộc đời của lão Hạc
là một cuộc đời đơn độc, quay quắt trong cái đói nghèo, bị cái đói nghèo đày đọa. Nam Cao
đã thông qua cuộc đời của lão Hạc để tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến, dồn đẩy
người nông dân tới bước đường cùng bằng tiếng nói đanh théo, nhưng không kém phần
chua xót.
Tuy ở một hoàn cảnh đáng buồn như vậy, nhưng lão Hạc có một tấm lòng vị tha, nhân
hậu.Với cậu Vàng – kỉ vật của con trai lão, lão yêu quí nó như “một bà mẹ hiếm hoi yêu quý
đứa con cầu tự”. Lão cưng nựng, vỗ về, vuốt ve nó; cho nó ăn cơm như nhà giàu ăn cơm
bát; lão ăn gì cũng không quên phần nó, gắp cho nó một miếng, lão ăn bao nhiêu, nó cũng
ăn như thế, thậm chí có phần hơn lão… Lão cũng coi nó như một người bạn, ngày ngày lão
tâm sự, trò chuyện với nó như thể nó cũng là một con người. Lão đối với một con chó, một
loài vật mà ông giáo cho là sinh ra để người ta giết thịt lại nhân hậu, yêu thương đến vậy thì
với con người, lão con đối xử đến như thế nào nữa? Tấm lòng của lão quả thật khiến chúng
ta cảm phục.
Đối với cậu Vàng, lão yêu quí như vậy, thì đối với anh con trai của lão, thì tình cảm ấy còn
được nhân lên gấp vạn lần. Chỉ vì nhà nghèo, không cưới được vợ cho con, làm con uất chí,
bỏ đi đồn điền cao su mà lão tự dằn vặt mình mãi. Để cưới vợ, anh con trai đòi bán mảnh
vườn, nhưng lão không cho không phải vì lão muốn giữ mảnh vườn cho lão, mà lão nghĩ nếu
cưới vợ về, vườn bán rồi thì ở đâu mà làm ăn sinh sống, và rồi có bán thì cũng làm sao mà
đủ tiền. Lão nghĩ thế, nhưng anh con trai có thấu cho lão?Anh bỏ đi đồn điền cao su, để lại
lão ở nhà vò võ chờ con.Lão nghĩ tốt, lo cho tương lai con, nhưng khi con trai bỏ đi, lão lại
tự dằn vặt mình, đày đọa tinh thần mình.Những câu nói lão nói với cậu Vàng, nhưng lại chất
chưa biết bao nhiêu tình cảm nhớ thương cho anh con trai. Lão nói với cậu Vàng đấy, nhưng
lại như nói với con mình.Lão làm việc gì, lão suy nghĩ gì cũng là hướng về con trai mình.
Tiền bòn vườn lão để dành, không tiêu tới để khi con trai về, lão nhẩm tính sẽ có gần trăm
đồng bạc, thêm vào cho con cưới vợ và làm kế sinh nhai.Thế nhưng, lão lại ốm. Một cơn ốm
kéo dài buộc lão phải tiêu tới số tiền đó.Chỉ vậy thôi mà lão đã thấy đau lòng.Lão ăn vào
tiền của con trai lão – số tiền mà khi con trai về lão định trả con. Điều này làm lão khổ tâm
hết sức. Hành động của lão gửi ông giáo mảnh vườn, nhờ ông giáo giữ hộ cũng là để giữ hộ
cho con lão : “của mẹ nó thì nó hưởng”. Mọi suy nghĩ, việc làm của lão đều hướng tới con
trai. Thậm chí, cái chết của lão cũng là vì con.Lão chết để mở ra đường sống cho con lão,
lão chết một cái chết trong sạch để lại tiếng thơm cho con vì lão sống ngày nào là ăn vào
tiền, vào đường sống của con ngày ấy. Xưa nay, không ít người cha, người mẹ hi sinh cơm
ăn, áo mặc vì con, hi sinh một phần thân thể vì con nhưng hi sinh cả mạng sống của mình
như lão Hạc lại là một trường hợp hiếm thấy. Tình yêu con của lão Hạc thật đặc biệt. Không
ồn ào, sôi nổi, không thể hiện qua hành động hay lời nói, lão lặng lẽ yêu con trong tâm
tưởng, mọi hành động của con lão đều cho là do lão. Là do lão đẩy con tới những hành
động ấy rồi tự dằn vặt mình, tự gánh lấy những suy nghĩ, hành động để chuộc lại lỗi lầm.
Quả thật, tình yêu thương con của lão khiến chúng thật vô cùng cảm động.
Lão Hạc mang một tấm lòng tự trọng cao cả. Lão tự trọng từ với một con chó, với con trai
lão, với bà con hàng xóm, với ông giáo và với cả chính bản thân mình.Khi bán con chó, lão
đau khổ, vì lão “bằng này tuổi đầu mà còn trót lừa một con chó”. Lão nhớ ánh mắt của cậu
Vàng, mà theo như lời lão là một ánh mắt đầy trách móc, mắng lão tệ hại: “A!Lão già tệ
lắm!Tôi ăn ở với lão thế mà lão đối xử với tôi thế này à?”. Ánh nhìn đó làm lão ám ảnh và
day dứt không nguôi. Lão từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo, lão lại chuẩn bị sẵn tiền làm
ma cho bản thân, gửi ông giáo, để khi lão có việc thì ông giáo đưa ra, coi như là của lão có
chút ít, còn lại thì nhờ bà con hàng xóm cả. Lão làm vậy để không phiền lụy tới ai. Từ đó,
lão bòn vườn, mò cua,ốc, trai ăn để sống qua ngày, thà chết chứ không chịu mắc nợ ai. Có
lẽ hành động bán cậu Vàng của lão chính là bước chuẩn bị cho cái chết của lão. Lão xin Binh
Tư ít bả chó với lý do bắt cho nhà khác – một lý do làm Binh Tư tự nghĩ lão giả bộ hiền lành
thế nhưng cũng ghê ra phết, một lý do làm ông giáo hiểu lầm lão, hiểu lầm một con người
đã “khóc vì trót lừa một con chó, một con người nhịn ăn để có tiền làm ma”.Vậy nhưng hóa
ra, lão ăn bả chó để tử tự, để giữ vẹn nguyên tấm lòng trong sáng của lão. Lão ăn bả chó,
lão chết như một con chó, vật vã, quằn quại trong đau đớn, để chuộc tội với cậu Vàng. Lão
ăn bả chó cũng là để không bị cuộc sống dồn đẩy, bị tha hóa biến chất như Binh Tư, hay Chí
Phèo… Cái chết của lão cũng chính là sự tự trọng của lão với con lão. Lão sống mà phải dựa
vào tiền của con thì thà lão chết con hơn. Lão Hạc có một tấm lòng thật đáng. Lão Hạc có
một tấm lòng thật đáng trân trọng – lòng tự trọng của lão nông nghèo nhưng trong sạch.
Lão chọn “chết trong còn hơn sống đục” khi bị dồn vào đường cùng.Tấm lòng nhân đạo của
Nam Cao đã được thể hiện rất rõ. Thông qua cuộc đời bi thảm, nhưng phẩm chất thì sáng
trong của lão Hạc, Nam Cao quả đã “khơi được những nguồn chưa ai khơi” và chính điều
này đã đưa ông lên một vị trí vững chắc trong dòng văn học 1930-1945.
Nhân vật lão Hạc đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc sâu sắc. Đây là một nhân
vật điển hình, đại diện cho tầng lớp những người nông dân trong xã hội cũ: tuy đói nghèo
nhưng có những phẩm chất cao đẹp. Nam Cao đã rất thành công trong cách xây dựng nhân
vật. Thông qua cái nhìn ông giáo – một nhà trí thức, Nam Cao đã gián tiếp thể hiện tấm
lòng của mình với người nông dân và đặt ra vấn đề “đôi mắt”: “Chao ôi! Đối với những
người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần
tiện, xấu xa, bỉ ổi toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những
người đáng thương; không bao giờ ta thương ”. Tác giả cũng đã sử dụng nghệ thuật miêu
tả tâm lý nhân vật rất rõ nét. Tâm lý nhân vật lão Hạc được thể hiện qua những hành động,
lời nói của lão, nhiều đoạn đối thoại mà như độc thoại. Bên cạnh đó, tác giả cũng sử dụng
nhiều khẩu ngữ, làm câu chuyện chân thực, sinh động, gần gũi với người nông dân.
Nhân vật lão Hạc quả thật đã để lại trong lòng người đọc ít nhiều suy nghĩ. Qua đó cũng thể
hiện tài năng,tấm lòng của Nam Cao. Phải là một cây bút xuất sắc, một nhà văn thấu hiểu,
am tường về người nông dân tới tận cùng, dành cho họ những tình cảm yêu mến, trân trọng
cảm thông sâu sắc mới viết nên một truyện ngắn hay như thế. Với một nhân vật lão Hạc
trong truyện ngắn cùng tên, Nam Cao đã khẳng định được tên tuổi của mình. Ông đã “khơi
được những nguồn chưa ai khơi” và ghi lại trong lòng độc giả những tình cảm yêu mến.
Đề bài: Viết đoạn văn cảm nhận vẻ đẹp của câu thơ sau:
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
(“Sang thu” – Hữu Thỉnh).
=> Đoạn văn mẫu:
Những chuyển biến nhẹ nhàng mà tinh tế của đất trời lúc hạ sang thu được nhà thơ Hữu
Thỉnh cảm nhận sâu sắc qua bài thơ “Sang thu”. Ở đó có hương ổi nồng nàn, có gió thu se
lạnh, có làn sương chùng chình, có dòng sông dềnh dàng, có cánh chim trời vội vã và: “Có
đám mây mùa hạ - Vắt nửa mình sang thu”. Người đọc cảm nhận: hình như trong đám mây
kia vẫn còn lại một vài tia nắng ấm của mùa hạ nên mới “Vắt nửa mình sang thu”. Ngôn ngữ
thơ thật giàu chất tạo hình! Trong khoảnh khắc giao mùa, đám mây như kéo dài ra, nhẹ trôi
như tấm lụa mềm treo lơ lửng giữa bầu trời trong xanh, cao rộng. Nó vắt lên cái ranh giới
lỏng lẻo, mỏng manh giữa hai mùa hạ - thu để rồi một thoáng qua đi cả đất trời đã nhuốm
màu sắc thu. Có thể nói, bằng sự liên tưởng tinh tế, độc đáo, Hữu Thỉnh đã sáng tạo ra một
hình ảnh đầy chất thơ thật quyến rũ, thật xốn xang lòng người!
NHÀ THƠ HỮU THỈNH TỰ BẠCH VỚI “SANG THU”
(TT&VH) - “Cuối bài thơ tôi đề là “Thu 1977”. Đây là chìa khóa của bài thơ mà rất nhiều
người giảng về bài thơ này không hiểu hoặc không chú ý”- nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội
Nhà văn Việt Nam, tác giả của bài thơ “Sang thu” trong SGK lớp 9 tâm sự. Nếu như họ lưu ý
đến chữ “Thu 1977” thì sẽ hiểu được rằng đây là một trong những mùa Thu đầu tiên của
người lính vừa bước ra khỏi chiến tranh và sự bình yên quý giá biết chừng nào
Nhà thơ trầm ngâm kể về thời khắc ông đặt bút viết bài thơ. Năm 1977, ông tham gia trại
viết văn quân đội ở một làng ngoại ô Hà Nội (nay là Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội). Đất
nước ta lúc này vừa trải qua chiến tranh, cuộc sống thanh bình đã trở lại. Trong cái mơ hồ
phảng phất gió thu và lá thu đang ngả màu, nhà thơ đã trèo lên cây ổi chín vàng trong cả
một vườn ổi bạt ngàn ở nơi này. Không có gì đặc hơn, sánh hơn cái màu, cái mùi ổi chín
vàng nhuốm trong cái nắng vàng của mùa Thu Không gian cao vút, sâu thăm, yên tĩnh.
Bài thơ bật lên từ đó, ngay khi nhà thơ còn ngồi trên cây ổi, những vần thơ được “được làm
trong đầu” chứ chưa đụng chạm gì đến giấy bút. “Bài thơ hình thành rất nhanh và chính tôi
cũng lấy rất làm tâm đắc nên thuộc lòng rồi “nhâm nhi” đọc suốt buổi không chán ”.
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”.
Nhà thơ đã đến với mùa Thu bằng cách ấy, bằng “hương ổi trong gió se” chứ không phải là
bằng hình ảnh quen thuộc như vòm trời cao xanh, heo may phảng phất, hương cốm Giải
thích cho sự “khác thường” này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Mùa Thu biểu hiện rất nhiều
hình ảnh khi chuyển mùa. Và tất cả những hình ảnh đẹp cũng đã được các nhà thơ cổ khai
thác hết cả rồi. Tôi không muốn lặp lại nữa nên giữa trời đất mênh mang, giữa cái khoảng
khắc giao mùa kỳ lạ thì điều khiến cho tâm hồn tôi phải lay động, phải giật mình để nhận ra
đó chính là hương ổi. Với tôi, thậm chí là với nhiều người khác không làm thơ thì mùi hương
đó gợi nhớ đến tuổi ấu thơ, gợi nhớ đến buổi chiều vàng với một dòng sông thanh bình, một
con đò lững lờ trôi, những đàn trâu bò no cỏ giỡn đùa nhau và những đứa trẻ ẩn hiện trong
triền ổi chín ven sông Nó giống như mùi bờ bãi, mùi con trẻ Hương ổi tự nó xộc thẳng
vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta. Mùi hương đơn sơ ấy lại trở
thành quý giá vì nó đã trở thành chiếc chìa khóa vàng mở thẳng vào tâm hồn mỗi người, có
khi là cả một thế hệ ”.
Gửi gắm nhiều điều sâu lắng
“Bài thơ không chỉ báo cho người đọc biết thu đã trở trong cảnh sắc thiên nhiên mà còn
ngay trong cuộc sống của con người, trong tâm hồn tôi và chắc với rất nhiều người yêu
thu “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Hai câu thơ này không hẳn nói về
hiện tượng giao mùa như một số người hiểu và phân tích. Khi tôi viết bài thơ này tôi đã liên
tưởng đến những đám mây mùa Hạ. Đó là những đám mây tràn trọn vẹn vào mùa Thu. Thế
nhưng có gì ngăn cảm xúc của tôi lại theo chiều hướng đấy Mây mùa Hạ thường chứa
nhiều màu sắc, thậm chí đầy giông bão tựa hồ những ước mơ khao khát của tuổi trẻ. Những
ước mơ khao khát ấy thường lấy đi rất nhiều sức lực của tuổi trẻ. Tuy nhiên giữa mơ và
thực là hai thế giới luôn đối lập nhau và chẳng phải ước mơ nào cũng trở thành hiện thực.
Ðó giống như là một chân lý và con người phải biết ý thức được một điều rằng không thể
đạt được hết những ước vọng tốt đẹp của mình, nhất là những ước vọng đó lại được sinh ra
ở thời tuổi trẻ. Sự dang dở, sự mất mát là một hiện thực chúng ta buộc phải chấp nhận
trong cuộc sống của mình. Ngay cả người lính cũng vậy. Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm
lại ở tuổi còn rất trẻ ở ngưỡng mùa đẹp nhất của cuộc đời. Vì thế nên đám mây trong thơ ấy
chỉ “vắt nửa mình sang Thu” thôi. Nửa còn lại đã trở thành ký ức”. Hai câu cuối cùng: Sấm
cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi . Chủ thể bài thơ và cái kiêu hùng của mùa Thu
đã toát lên chính là ở hai câu thơ này. Đó là cốt cách của một người lính không chỉ là trong
một buổi chiều mùa Thu mà là một buổi chiều hòa bình. Có thể nó có vẻ ngang tàng “sấm
cũng bớt bất ngờ” nhưng lại mang một vẻ đẹp dịu dàng, sâu lắng của mùa thu hòa bình. Ở
đây hàng cây đứng tuổi chính là chủ thể trữ tình trong bài thơ đã trải qua bao nhiêu gian
nan vất vả, giờ đã vươn lên và không gì làm chúng run rẩy.
Nhiều người bỏ qua “chìa khóa” của bài thơ
Có một chi tiết mà các cô giáo và thầy giáo khi giảng về bài thơ Sang thu làm người sáng
tác ra nó không hài lòng. Nhà thơ Hữu Thỉnh tâm sự: “Cuối bài thơ tôi đề là “Thu 1977”.
Đây là chìa khóa của bài thơ mà rất nhiều người giảng về bài thơ này không hiểu hoặc
không chú ý. Nếu chú ý thì sẽ hiểu thêm được rằng đây là một trong những mùa Thu đầu
tiên của người lính vừa bước ra khỏi chiến tranh. Nếu như họ là lính trong thời chiến họ mới
hiểu được rằng đôi lúc chúng tôi đã rất mong trên đầu không có tiếng máy bay dù chỉ để
được đi tắm giặt, đi hái rau hoặc tranh thủ đọc vài trang sách, mà cũng không có. Suốt ngày
người lính trong thời chiến phải đối diện với tiếng súng nổ, tiếng bom rơi và tiếng động cơ
phản lực Chính vì vậy mà có lúc nào đó không phải nghe những âm thanh ấy thì quả là
quý giá vô cùng”.
Ông bày tỏ quan điểm: “Giảng văn thơ không nên chỉ phân tích trên văn bản, câu chữ mà
hãy tìm hiểu sâu hơn cái tác giả muốn gửi gắm. Nó có thể nằm ngay trên tựa đề bài thơ,
câu đề từ, lời ghi chú, ngày tháng hay một lời đề tặng.
Yên Khương.
Đề: Trình bày cách hiểu của em về hai câu thơ: “Sấm cũng bớt bất ngờ - Trên hàng cây
đứng tuổi”.
=> Gợi ý: Cần trình bày được cách hiểu hai câu thơ cả về nghĩa tả thực và nghĩa ẩn dụ:
- Tầng nghĩa thứ nhất ( nghĩa tả thực): là hiện tượng sấm chớp và hình ảnh hàng cây trong
mưa. Lúc sang thu, tiếng sấm dữ dội và những cơn mưa giông cũng bớt đi. Hàng cây không
còn bị giật mình vì những tiếng sấm bất ngờ nữa. Đó là hiện tượng tự nhiên.
- Tầng nghĩa thứ hai ( nghĩa ẩn dụ): Thông qua hình ảnh có tính chất ẩn dụ, nhà thơ thể
hiện suy ngẫm của mình về con người và cuộc đời:
+ “Sấm” là những tác động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời.
+ “hàng cây đứng tuổi” chỉ những con người từng trải.
=> Khi con người đã trưởng thành, đã trải nghiệm trong đường đời thì bản lĩnh càng vững
vàng hơn trước những thử thách, những bão giông bất thường. Đó chính là sự khẳng định
sức sống mãnh liệt của tâm hồn, dù đã “sang thu” những vẫn rạo rực và nồng nàn.
Bài tập cơ bản về bài thơ "Viếng lăng Bác" - Viễn Phương.
Câu 1:
a. Chép chính xác bốn câu cuối bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương
b. Viết đoạn văn khoảng 8 câu, trình bày những cảm xúc của em khi đọc khổ thơ trên, trong
đoạn có câu văn dùng thành phần phụ chú ( Yêu cầu: gạch dưới phần phụ chú)
Câu 2: Cho đoạn thơ:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
( Viếng lăng Bác – Viễn Phương)
a. Chỉ ra biện pháp tu từ trong hai câu thơ. Phân tích ý nghĩa của biện pháp tu từ mà em
vừa tìm được.
b. Chép hai câu thơ có hình ảnh “mặt trời” trong một bài thơ mà em đã học ( ghi rõ tên và
tác giả bài thơ)
Câu 3: Cho hai câu thơ:
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân
(“Viếng lăng Bác” – Viễn Phương).
a. Chỉ ra biện pháp tu từ trong hai câu thơ.
b. Viết một đoạn văn (từ 5-7 câu) nêu ý nghĩa của biện pháp tu từ đó, câu kết đoạn là một
câu cảm.
Câu 4: Mở đầu bài thơ “Viếng lăng Bác”, Viễn Phương viết:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi!Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng
và ở cuối bài,nhà thơ bày tỏ nguyện ước: "Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này".
a. Theo em, những hình ảnh nào là ẩn dụ? Em cảm nhận được từ các hình ảnh ẩn dụ đó ý
nghĩa sâu xa như thế nào về tình cảm thiêng liêng cao đẹp của nhân dân với Bác Hồ kính
yêu.
b.Cây tre đã trở thành hình ảnh trung tâm của nhiều tác phẩm văn học Việt Nam. Hãy chép
lại hai câu nối tiếp nhau của một bài thơ đã học mà trong đó,nhà thơ đã mượn hình ảnh cây
tre để gợi liên tưởng đến tình yêu thương đoàn kết của người Việt Nam(Ghi rõ tên tác
giả,tác phẩm).
c. Viết đoạn văn theo cách tổng hợp – phân tích – tổng hợp ( khoảng 8 câu ) phân tích hình
ảnh hàng tre trong khổ thơ trên, trong đoạn có câu văn dùng thành phần phụ chú ( gạch
chân dưới thành phần phụ chú đó).
Câu 5: Tình cảm chân thành, tha thiết của nhân dân ta với Bác Hồ qua bài thơ “Viếng lăng
Bác” của Viễn Phương.
Câu hỏi: Trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” ( Thanh Hải) có câu:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng”
Trong câu thơ trên từ “lộc” được hiểu như thế nào? Theo em, vì sao hình ảnh “người cầm
súng” lại được tác giả miêu tả “Lộc giắt đầy trên lưng”?
( Trích đề thi vào 10, năm học 2009-2010, Sở GD&ĐT Hà Nội)
=> Gợi ý: ( Theo cô Phạm Thị Tú Anh, GV trường THCS Đống Đa, Hà Nội )
Từ “lộc” trong câu thơ là từ có tính nhiều nghĩa.
- Nghĩa gốc: là những mầm non nhú lên ở cây khi mùa xuân đến.
- Nghĩa chuyển: sức sống, sức phát triển của đất nước, với nhiệm vụ bảo vệ đất nước trong
những ngày đầu xuân.
- Hình ảnh “Người cầm súng” lại được tác giả miêu tả “Lộc giắt đầy trên lưng” là vì: Trên
đường hành quân, trên lưng người lính lúc nào cũng có những cành lá để nguỵ trang, trên
đó có những lộc non mới nhú lên khi mùa xuân đến. Với nghĩa chuyển của từ “lộc”, ta cảm
nhận anh bộ đội như mang trên mình mùa xuân của đất nước. Anh cầm súng để bảo vệ
mùa xuân tươi đẹp đó. Cách diễn đạt sức sống của một đất nước vào mùa xuân với nhiệm
vụ lớn lao: Bảo vệ đất nước thật cụ thể và sinh động.
Câu hỏi: Tác giả đã sử dụng phép tu từ nào là chính trong đoạn thơ sau ?
"Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng."
A. Ẩn dụ
B. Nhân hoá
C. So sánh
D. Hoán dụ
Một vài lưu ý về phần KẾT BÀI cho bài nghị luận văn học:
- Ở phần kết bài, em có thể nói lên suy nghĩ của mình về vấn đề nghị luận ( Ví dụ: Quả
thực, là một bài thơ/ truyện ngắn hay và ý nghĩa. Nó đã để lại trong lòng mỗi người đọc
ấn tượng gì? Suy nghĩ gì? Giúp ta nhận thực được điều gì trong cuộc sống).
- Kết bài, em chỉ cần viết đơn giản thôi ( 1 câu cũng được, 2 câu cũng được, không cần viết
dài). Bởi vì kết bài không có điểm. Nhưng phải có kết bài ( để có được một bài văn hoàn
chỉnh, đầy đủ 3 phần: mở - thân - kết )
Đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 năm học 2011-2012 – tỉnh Thừa Thiên Huế.
ThS. Cao Đăng Ngọc Phượng – Chuyên viên Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế giới thiệu.
Câu 1: 8 điểm: Nam Cao từng viết trong tác phẩm “Lão Hạc”:
“Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở,
ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta
thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương”.
Hãy trình bày suy nghĩ của em về bài học cuộc sống được nhà văn ngầm đề xuất qua ý kiến
trên.
Câu 2: 12 điểm:
“Nghệ thuật giải phóng được cho con người khỏi những biên giới của chính mình, nghệ
thuật xây dựng con người, hay nói cho đúng hơn, làm cho con người tự xây dựng được”.
( Nguyễn Đình Thi, “Tiếng nói của văn nghệ” – Theo Ngữ văn 9, tập 2, tr.15)
Từ việc giải thích nhận định, hãy viết về một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 đã
giúp em “xây dựng được” chính mình.
=> Gợi ý:
Câu 1: 8 điểm:
A. Yêu cầu về kĩ năng:
- Bài viết có kết cấu ba phần: mở - thân – kết.
- Bài viết đáp ứng văn phong nghị luận xã hội; nêu suy nghĩ về một vấn đề tư tưởng, đạo lí.
- Hạn chế các lỗi về diễn đạt, dùng từ, đặt câu; chữ viết rõ ràng, bài làm sạch sẽ.
B. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày suy nghĩ theo nhiều cách, từ nhiều hướng, trên cơ sở hiểu ý nghĩa
của câu văn trích từ truyện ngắn “Lão Hạc”. Sau đây là một số gợi ý:
- “Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ…,không bao giờ ta thấy
họ…,không bao giờ ta thương”. Thực chất, câu văn đang ngầm đặt ra vấn đề: nếu cố tìm thì
sẽ hiểu, sẽ không thấy họ “gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…”, sẽ không “tàn
nhẫn”, sẽ “thấy họ là những người đáng thương”, sẽ “thương” họ.
- Câu văn đã đưa ra một thực tế cuộc sống: khi không có tấm lòng, không có ý thức tìm
hiểu, quan tâm đến đối tượng, con người chỉ thấy được những biểu hiện bên ngoài, thường
là hạn chế, là tệ hại.
- Khi không hiểu rõ bản chất bên trong của đối tượng, ta thường có xu hướng đánh giá thấp
hay gán cho đối tượng những định kiến lệch lạc. Từ đó mà sống và cư xử với đối tượng
thiếu sự cảm thông, chia sẻ, thiếu tình người.
- Trong cuộc sống, không nên chỉ căn cứ vào hiện tượng mà cần suy xét sâu xa đến bản
chất; phải luôn nhìn nhận con người và sự việc gắn với từng hoàn cảnh cụ thể, khách quan;
tuyệt đối không để những định kiến cá nhân, ích kỉ, hẹp hòi làm sai lệch những đánh giá của
bản thân.
- Chỉ khi biết sống vì nhau và sống với tất cả tấm lòng, cuộc đời riêng của mỗi người cũng
như cuộc sống chung của toàn xã hội mới thực sự có giá trị.
Câu 2: 12 điểm:
A. Yêu cầu về kĩ năng:
- Bài viết có kết cấu ba phần: mở - thân – kết.
- Bài viết có văn phong nghị luận văn học: viết về một tác phẩm gắn với ý nghĩa của một
nhận định về vấn đề lí luận văn học được nêu trước đó; bố cục bài rõ ràng, thuyết phục.
- Văn trôi chảy, mạch lạc; hạn chế các lỗi về diễn đạt, dùng từ, đặt câu; chữ viết rõ ràng,
bài làm sạch sẽ.
B. Yêu cầu về kiến thức:
- Đề bài có hai yêu cầu: giải thích một vấn đề lí luận văn học (LLVH) và nghị luận về một tác
phẩm gắn với vấn đề LLVH đó.
- Bài viết thể hiện nhận thức sâu sắc của người viết về tác động của tác phẩm trong việc
“giải phóng” và “tự xây dựng” bản thân.
Học sinh có thể tách biệt hay gắn kết các nội dung trên một cách hợp lí và nhuần nhuyễn.
Sau đây là một số định hướng cụ thể:
1. Giải thích nhận định:
- Nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng là một lĩnh vực đặc biệt, có khả năng to lớn, kì
diệu trong việc tác động đến mỗi người và toàn xã hội.
- Bản thân mỗi người thường có những hạn chế, giới hạn và ràng buộc (“biên giới của chính
mình”) hoặc do nhận thức, hoặc do ý thức, cũng có khi là do hoàn cảnh, tâm lí, trình độ, do
quy định của xã hội, thời đại…
- Văn chương – nghệ thuật có thể “giải phóng” con người ra khỏi những hạn chế, những giới
hạn nào đó ( với điều kiện không làm ảnh hưởng đến đạo lí hay những quy định chung của
cộng đồng xã hội).
- Đặc biệt, nghệ thuật góp phần giúp con người tự nhận thức, “tự xây dựng”, tự bồi dưỡng
và phấn đấu hoàn thiện mình một cách tự nhiên, bền vững.
2. Nghị luận về một tác phẩm văn học:
- Người viết trình bày suy nghĩ, cảm nhận về một tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ
văn 9 có đã có tác dụng giúp “giải phóng (…) khỏi những biên giới của chính mình và tự xây
dựng” bản thân.
- Người viết nêu được các giá trị của tác phẩm ( cả nội dung và nghệ thuật), đặc biệt là giá
trị tư tưởng trong việc tác động đến cả tri thức, vốn sống và nhân cách, tâm hồn. Quá trình
nghị luận cần gắn với các ý giải thích nêu trên.
- Bài làm nêu được tác động của tác phẩm đối với người viết một cách cụ thể, chân thành,
sâu sắc.
Dành cho HSG, học sinh thi Chuyên – 5 đề nghị luận xã hội.
Theo admin Học văn lớp 9 sưu tầm.
Các em có thể tự làm, rồi gửi bài, ad sẽ chữa.
Đề 1.
“Cuộc sống riêng không biết đến gì hết ở bên kia ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống
nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa. Nó giống như một mảnh vườn được
chăm sóc cẩn thận đầy hoa thơm, sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm
chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ
vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn giông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ
nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh
phúc với một hạnh phúc mỏng manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị
bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận của những cái
tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn”.
( Theo A.L.Ghec-xen, 3555 câu danh ngôn, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1997)
Đoạn trích trên gợi cho em điều gì?
Đề 2.
THƯỢNG ĐẾ CŨNG KHÔNG BIẾT
Thượng đế lấy đất sét nặn ra con người. Khi Ngài nặn xong vẫn còn thừa ra một mẫu đất.
Còn nặng thêm cho mày gì nữa, con người ? – Ngài hỏi
Con người suy nghĩ một lúc: có vẻ như đã đủ đầy – tay, chân, đầu rồi nói:
Xin Ngài nặng cho con hạnh phúc.
Thượng đế, dù thấy hết, biết hết nhưng cũng không hiểu được hạnh phúc là gì. Ngài trao
cục đất cho con người và nói:
Này, tự đi mà nặn lấy cho mình hạnh phúc.
( Trích “Những giai thoại hay nhất về tình yêu và cuộc sống” – Tập 2, trang 104 – NXB Công
an Nhân Dân)
Suy nghĩ của em về ý nghĩa câu chuyện trên.
Đề 3.
“Con ong làm mật yêu hoa
Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời
Con người muốn sống, con ơi
Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.
Một ngôi sao, chẳng sáng đêm
Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng.
Một người - đâu phải nhân gian?
Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!”
(Tố Hữu – “Tiếng ru”)
Những câu thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về lẽ sống của con người trong xã hội hiện nay ?
Đề 4. Trình bày suy nghĩ của em về đoạn thư sau (được cho là của tổng thống Mỹ A. Lin-
côn gởi thầy hiệu trưởng trường con trai ông đang học) :
“ Xin thầy hãy dạy cho con tôi thấy được thế giới kì diệu của sách, nhưng cũng hãy cho cháu
có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thưở của cuộc sống: đàn chim tung cánh
trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng, và những bông hoa nở ngát trên đồi
xanh…”
Đề 5. Một nhà triết học nói : “ Mỗi con vật khi sinh ra đều là tất cả những gì mà nó có. Chỉ
có con người là ngay từ thuở lọt lòng thì chẳng là gì cả . Nó làm thế nào thì nó trở thành
như thế ấy, và nó phải tự làm bằng tự do của chính nó. Tôi chỉ có thể trở thành kẻ do chính
tôi làm ra.”
Em có suy nghĩ gì về câu nói trên?