TIỀM NĂNG SẢN XUẤT TRÁI CÂY HỮU CƠ Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
GS. TS. Nguyễn Bảo Vệ
Trường Đại học Cần Thơ
TÓM TẮT
An toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và của cả
nhà nông đã thúc đẩy con người canh tác trái cây hữu cơ. Sản xuất trái cây hữu cơ chủ yếu là dựa
vào luân canh, sử dụng phân chuồng, phân xanh, vi sinh, đá nghiền có chứa dưỡng chất và áp
dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh bằng sinh học và thuốc trích từ thảo mộc, để canh tác. Sản
xuất trái cây hữu cơ có thể cho năng suất thấp chi phí cao nhưng lại có hiệu quả kinh tế cao trên
một đơn vị diện tích nhờ bán được giá cao. Nhiều vùng đất của Đồng bằng sông Cửu Long có
thể áp dụng những biện pháp canh tác trái cây hữu cơ như đất không hóa chất, màu mỡ, có giống
kháng sâu bệnh, chống chịu tốt với điều kiện của môi trường; nguồn nước tưới đầy đủ, không
phèn, mặn và có kỹ thuật tưới, không tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, khống chế cỏ dại
bằng biện pháp canh tác như tủ liếp, làm cỏ bằng tay hay cơ giới, bổ sung dinh dưỡng khoáng và
chất kích thích sinh trưởng bằng phân chuồng, phân xanh, đá nghiền và vi sinh vật; quản lý sâu
bệnh và phòng trị bằng biện pháp sinh học, cơ giới, và chất trích thảo mộc. Nông dân Đồng bằng
sông Cửu Long có khả năng và đủ kinh nghiệm để sản xuất trái cây đạt chứng nhận sản phẩm
hữu cơ, tuy nhiên việc hình thành và phát triển chúng còn tùy thuộc giá cả và thị trường.
Từ khóa: Trái cây hữu cơ, biện pháp sinh học, chất trích thảo mộc, phân chuồng, phân xanh.
1- MỞ ĐẦU
Vấn đề an toàn trong thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sống và bảo vệ sức
khỏe nhà nông đã thúc đẩy con người phải canh tác trái cây hữu cơ. Như vậy, sản xuất trái cây
hữu cơ là để bảo vệ sức khỏe con người, để có môi trường trong sạch và bền vững (Smith-
Spangler et al.,2012), sản xuất trái cây hữu cơ là không sử dụng phân, thuốc và các chế phẩm do
con người tổng hợp. Chỉ dựa vào thiên nhiên như luân canh, sử dụng phân chuồng, phân xanh, vi
sinh, đá nghiền có chứa dưỡng chất và áp dụng biện pháp sinh học phòng trừ sâu bệnh để canh
tác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khi sử dụng phân và thuốc có nguồn gốc hữu cơ, sinh
học là hoàn toàn an toàn và không cần chú ý đến những khuyến cáo khi sản xuất, tất cả các loại
phân và thuốc dù ở dưới dạng nào khi sử dụng đều phải cẩn thận và theo hướng dẫn của nhà sản
xuất. Hiện nay, sản xuất trái cây hữu cơ đang phát triển mạnh ở nhiều nước, mục đích chính cũng
là vì sức khoẻ của con người và giữ gìn môi trường trong sạch.
Bên cạnh những lợi ích nêu trên, sản xuất trái cây hữu cơ còn có lợi là bảo vệ và cải thiện độ
phì của đất, làm gia tăng chất mùn trong đất và giúp đất thông thoáng hơn, nâng cao khả năng
giữ nước của đất, ngăn ngừa được sâu bệnh trên cây trồng, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao
hơn (Blair, 2012). Tuy nhiên, sản xuất trái cây hữu cơ có một vài hạn chế như: tốn nhiều công
lao động hơn, cây và trái có phần nào bị gây hại do không phun trị dịch hại bằng thuốc hóa học,
ngoài ra sản xuất trái cây hữu cơ còn đòi hỏi người sản xuất phải có kiến thức tốt trong kỹ thuật
canh tác cũng như trong biện pháp phòng chống dịch hại và bảo vệ môi trường.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một vùng đất thích hợp cho việc phát triển cây ăn trái,
có đất phù sa, nước ngọt quanh năm, khí hậu ôn hòa, cây trái bốn mùa tươi tốt, hình thành nhiều
vùng trồng cây đặc sản nổi tiếng như cam Sành Tam Bình, bưởi Năm Roi Bình Minh (Vĩnh
Long), sầu riêng Cái Mơn, chôm chôm Chợ Lách, bưởi Da Xanh (Bến Tre), cam Mật Phong
Điền (Cần Thơ), quýt Hồng Lai Vung, xoài Cát Chu Cao Lãnh (Đồng Tháp), mận Trung Lương,
vú sữa Vĩnh Kim, xoài Cát Hòa Lộc (Tiền Giang), Ngoài ra, còn có chủng loại cây trồng phù
hợp trên vùng đất nhiễm mặn Trà Vinh nổi tiếng xoài Châu Nghệ, vùng phèn có khóm Cầu Đúc
(Hậu Giang). Như vậy ĐBSCL không những là vựa lúa của cả nước mà nơi đây còn là vùng đất
sản xuất cây trái quanh năm, cung cấp lượng trái cây khổng lồ cho thị trường trong nước và một
phần cho xuất khẩu. Ngoài ra nông dân ĐBSCL còn sản xuất được nhiều loại trái cây đạt tiêu
chuẩn Viet GAP, Global GAP, điều này cho thấy nông dân ở đây có khả năng sản xuất được trái
cây hữu cơ, nhưng giá cả và thị trường là yếu tố quyết định cho sự hình thành và phát triển của
nó.
2. BIỆN PHÁP CANH TÁC TRÁI CÂY HỮU CƠ
Để canh tác trái cây hữu cơ đạt kết quả, việc trước tiên là phải làm cho vườn cây sung mãn,
khỏe mạnh, cây khỏe mạnh kháng sâu bệnh hại tốt hơn. Những biện pháp canh tác như chọn nơi
lập vườn có đất và nước không độc chất, chọn giống kháng sâu bệnh và thích nghi với môi
trường, mật độ trồng hợp lý, kỹ thuật xén tỉa, tưới nước, bón phân, phòng trừ cỏ dại và những kỹ
thuật canh tác đúng cách sẽ làm cho cây trồng tốt tươi không bịstress, cây bịstress cũng dễ nhiễm
sâu bệnh hơn. Như vậy, trong canh tác trái cây hữu cần lưu ý những biện pháp sau đây:
2.1. Chọn điểm trồng
Cây ăn trái cần đất có tầng canh tác dầy, thoát nước tốt cả trên mặt lẫn trong đất. Thoát nước
tốt trên mặt đất để tránh đọng nước sau những cơn mưa lớn hay tưới nước, còn thoát nước tốt
trong đất tốt giúp rễ không bị thiếu oxy và rửa độc chất trong đất cũng dễ dàng. Ở ĐBSCL, đất
phèn chiếm gần một nửa diện tích, đất thấp và có tầng canh tác mỏng (Nguyen Bao Ve and
VoTong Xuân, 1986), cần phải biết cách đào mương lên liếp thì cây ăn trái phát triển mới tốt và
ít sâu bệnh. Lớp đất mặt tơi xốp chứa nhiều hữu cơ ít độc chất được sử dụng làm mặt liếp, tùy
theo điều kiện đất đai và kích thước mương liếp mà có thể chọn các kiểu lên liếp cuốn chiếu hay
ốp bệ (Nguyen Bao Ve and Nguyen Thanh Trieu, 1998). Tuy nhiên,trong canh tác trái cây hữu
cơ, nên hạn chế sử dụng loại đất này.
Đất mặn chiếm gần một phần tư diện tích đất ĐBSCL không nên chọn đất này để canh tác
trái cây hữu cơ vì thiếu nước tưới trong mùa nắng làm cây bị thiếu nước, suy yếu dễ bị sâu bệnh
tấn công. Đặc tính tơi xốp của đất cát trồng rất tốt cho bộ rễ cây ăn trái nhờ dễ thoát nước và
thông thoáng, nhưng đất cát nhiều thường nghèo dinh dưỡng và chất hữu cơ. Đất phù sa ven
những con sông lớn nằm trên địa hình cao, có hàm lượng sét trung bình, không phèn, không mặn
thích hợp cho việc lập vườn sản xuất trái cây hữu cơ ở ĐBSCL (Nguyễn Bảo Vệ, 2002). Nếu đất
sét nặng thì phải bồi trộn thêm cát hay bón nhiều hữu cơ kết hợp với nấm Trichoderma để đất
thông thoáng giúp cho bộ rễ phát triển và hạn chế nấm bệnh trong đất.
Nói chung cây ăn trái không đòi hỏi đất giàu dưỡng chất lắm. Đất có dưỡng chất cân đối, pH
thích hợp và giàu chất hữu cơ là nền tảng để sản xuất trái cây hữu cơ. Trước khi trồng cây ăn trái
cần trồng cây phân xanh, bón phân hữu cơ, đá nghiền, phân rác Trong giai đoạn này, đá vôi có
cần được bón thêm hay không là tùy thuộc vào phân tích đất, dùng đá vôi để nâng pH đất. Hầu
hết cây ăn trái phát triển tốt ở đất có pH từ5,5 đến 7,2, ngoại trừ khóm chịu được đất có pH thấp.
Phân tích đất cũng được dùng để định hướng cho việc bón phân hữu cơvà bột đá hầu tránh mất
cân đối về dinh dưỡng cho việc canh tác trái cây hữu cơ sau này.
2.2. Chọn giống kháng và thích nghi
Để cây ăn trái cho năng suất cao, giống phải thích nghi với điều kiện từng địa phương.
Giống thích hợp giúp cây kháng được sâu bệnh. những nhà chọn và tạo giống đã chọn ra được
những giống kháng, bỏ dần những giống dễ nhiễm sâu bệnh. Cây ăn trái có chu kỳ sinh trưởng
dài, nên nhà vườn hiếm có cơ hội để thay đổi giống mới thường xuyên, vì vậy những giống
kháng và thích nghi phải được chọn lọc kỹ trước khi trồng, nhất là khai thác thế mạnh của gốc
ghép (Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong, 2011).
Trong kỹ thuật canh tác cây ăn trái tiên tiến, khai thác ưu thế của gốc ghép để giúp cây
chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường, kháng sâu bệnh, cải thiện phẩm chất trái, và
thay đổi một vài đặc tính của giống đã được nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái trên thế giới cũng
như ở ĐBSCL sử dụng rộng rãi, đây là kỹ thuật hỗ trợ tốt cho việc sản xuất trái cây hữu cơ.
Trong sản xuất trái cây hữu cơ, có những loại cây ăn trái thích hợp nhưng cũng có loại
không thích hợp với kiểu sản xuất này, chẳng hạn như nhãn Edor, muốn ra hoa phải xử lý bằng
hóa chất tổng hợp chlorate kali nên không phù hợp để sản xuất trái cây hữu cơ. Tùy thuộc vào
thời gian ra hoa kết trái, khả năng kháng sâu bệnh của từng loại và nhất là giá trị kinh tế của sản
phẩm trên thị trường mà chọn lựa loại cây ăn trái để canh tác.
Cây con khi đem đi trồng phải sạch bệnh và mạnh khỏe, đó là bước đầu tiên trong kỹ thuật
sản xuất trái cây hữu cơ. Nhà vườn nên tự sản xuất cây giống cho mình là tốt nhất vì chỉ nhà
vườn mới chọn được cây mẹ tốt, sạch bệnh và mắt tháp mạnh khỏe. Nếu mua thì nên mua ở
những nơi bán cây giống uy tín, có cây đầu dòng được công nhận và có kinh nghiệm trong sản
xuất giống.
2.3. Tưới nước
Tưới nước phải được áp dụng đúng thời điểm, đúng lưu lượng và liều lượng để cây trồng đạt
sinh trưởng tối hảo và cũng để tiết kiệm nước. Để không tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển,
nước chỉ được tưới bắt đầu từ sáng sớm và chấm dứt sớm giữa buổi chiều, để đảm bảo lá không
bị ướt hoặc làm thay đổi tiểu khí hậu trong vườn ẩm ướt vào ban đêm. Nên che phủ đất để tiết
kiệm nước và tránh bị khô hạn. Nước tưới phải có chất lượng tốt, không phèn, mặn, ô nhiễm hóa
chất độc hại và đặc biệt là không chứa những chất kim loại nặng.
2.4. Kiểm soát cỏ dại
Cỏ dại có thể được tiêu diệt bằng cơ giới, dụng cụ thủ công hoặc bằng kỹ thuật canh tác,
nhưng thường việc làm cỏ chỉ diễn ra khi có sự cạnh tranh nước và ánh sáng với cây ăn trái. Có
nhiều biện pháp để làm cỏ trong sản xuất trái cây hữu cơ như sau:
- Làm cỏ bằng cơ giới kết hợp với xới xáo lớp đất mặt chôn vùi xác bã thực vật hoặc chất
thải hữu cơ. Tuy nhiên xới sâu có hại cho rễ và làm giảm ẩm độ đất, chính vì vậy nên tránh ngoại
trừ đất quá bị nén dẽ. Thường thì xới cạn trên mặt đất được khuyến cáo để kiểm soát cỏ dại mà
không làm hại rễ và không làm khô đất, xới cạn sẽ giúp cho nước tưới dễ thấm vào đất và cuốc
cạn cũng làm cho hạt cỏ ở tầng đất sâu không có cơ hội được mang lên mặt đất để nẩy mầm, vì
vậy giảm được áp lực cỏ dại. Làm cỏ giữa hàng cây, kết hợp với xới cạn và rải cỏ khô dưới tán
cây sẽ làm giảm sự nén dẽ và rửa trôi đất, đồng thời cũng để nuôi dưỡng sinh vật đất phù hợp
cho sản xuất trái cây hữu cơ ở ĐBSCL.
- Ở ĐBSCL, đất có hàm lượng sét cao nên dễ bị bí chặt và lèn mặt, nhất là vào mùa mưa,
nên biện pháp trồng cây che phủ trong vườn cây ăn trái để diệt cỏ kết hợp cải tạo đất cần được
quan tâm. Trồng cây họ đậu (nhưcỏkudzu) dưới tán cây rất tốt, chống xói mòn và cung cấp
lượng đạm rất có ý nghĩa cho cây ăn trái hữu cơ. Trồng cây họ đậu hay cỏ trên liếp làm cho đất
thấm rút tốt hơn, làm gia tăng chất hữu cơ và khả năng giữ nước của đất. Trồng cây che phủ còn
có lợi là làm nơi trú ẩn và cung cấp thức ăn cho những côn trùng có lợi (thiên địch). Tuy nhiên,
cũng có một vài loại cây che phủ quyến rũ làm gia tăng bệnh và côn trùng cần tránh. Trồng cỏ họ
hòa bản trên đất liếp vườn giúp cho bộ rễ cây ăn trái được thông thoáng, nhất là trong mùa mưa
dầm nó hút ra khỏi đất và mang oxy vào trong đất.
- Phủ liếp cũng là biện pháp diệt cỏ dại: Phủ mặt liếp với rơm rạ, lá cây mục, mùn cưa, trấu,
màng phủ nông nghiệp làm giảm cỏ. Tùy theo từng loại cây mà chọn vật liệu phủ liếp cho phù
hợp. Phủ bằng vật liệu hữu cơ giúp đất có cấu trúc, tăng khả năng sử dụng nước và cung cấp
dinh dưỡng rất phù hợp cho sản xuất trái cây hữu cơ. Xác bã thực vật phủ liếp như rơm rạ, cỏ
mục phải được ủ oai mục diệt hạt cỏ. Phủ bằng plastic giúp rễ cây phát triển gần mặt đất, chống
úng. Khi phủ liếp, không phủ sát gốc cây để hạn chế bệnh gốc.
2.5. Quản lý độ phì của đất
Cung cấp thêm dưỡng chất cho đất là để cải thiện độ phì của đất và cũng để cải thiện năng
suất cây trồng. Cải thiện độ phì của đất đòi hỏi thời gian, phải mất nhiều năm và làm liên tục.
Trái cây cấu tạo chủ yếu là nước, nên so với những loại cây trồng khác thì cây ăn trái lấy dưỡng
chất của đất ít hơn, chính vì vậy mà lượng dưỡng chất cần thiết cho cây ăn trái có thể được thoả
mãn nhờ vào phân bón hữu cơ. Vôi và những loại bột đá chứa dưỡng chất chậm tan có thể được
áp dụng trước khi trồng (Nguyễn Bảo Vệ, 2013).
Chọn loại phân hữu cơ, số lượng và thời kỳ bón là một khoa học:
- Chất hữu cơ sử dụng thường là bán hay chưa phân hủy, cần phải được bón sớm trước khi
trổ hoa khoảng 1-2 tháng.
- Bón chất hữu cơ trên mặt liếp làm mất đạm. Tuy nhiên nếu trộn bằng cách xới xáo đất dễ
làm đứt rễ và gia tăng sự rửa trôi của đất.
- Để khắc phục tình trạng phóng thích chậm dưỡng chất có thể sử dụng những chất hữu cơ
mau hữu dụng như bột cá, nước cá ủ, trong vài trường hợp có thể phun những chất này cho cây.
- Thường thì bón chất hữu cơ là nhắm vào việc cung cấp chất đạm vì nó là nguyên tố mà
thực vật cần với lượng lớn.
Đất vườn cây ăn trái cần được lấy mẫu phân tích định kỳ để đánh giá tình trạng của những
dưỡng chất quan trọng. Phân tích đất, thường chỉ cho biết hàm lượng dưỡng chất tổng số có
trong đất, không biết chính xác được hàm lượng dưỡng chất hữu dụng. Phân tích mô thực vật
mỗi năm để xác định tình trạng dưỡng chất của cây là rất cần thiết, như vậy khi biết được hàm
lượng dưỡng chất chứa trong phân hữu cơ, trong đất và trong cây sẽ giúp cho nhà nông có một
chương trình quản lý dinh dưỡng chính xác giúp cây phát triển tốt, ít sâu bệnh trong sản xuất trái
cây hữu cơ.
- Chất N:
Chất N rất dễ bị mất do bay hơi hay rửa trôi và thường là yếu tố rất quan trọng sinh trưởng
của cây. Nguồn bổ sung N trong sản xuất trái cây hữu cơ là phân chuồng, phân xanh, compost,
phân vi sinh (Nguyễn Văn Lẹvà Cao Ngọc Điệp, 2012). Phân cá ủ, bánh dầu đậu phụng, bột cá là
nguồn cung cấp N rất tốt.
- Chất P:
Hàm lượng P hữu dụng có trong đất ĐBSCL thường không cao, mặc dù hầu hết các các loại
cây ăn trái không cần nhiều P như N hay K, nhưng cần phải bổ sung P cho đất.
Đá Apatite nghiền là nguồn cung cấp P tốt cho sản xuất trái cây hữu cơ, nhưng tính hữu
dụng của đá Apatite nghiền rất chậm, nên cần phải được sử dụng lâu dài và liên tục. Phân dơi,
bột cá là nguồn cung cấp P cho cây ăn trái có tác dụng nhanh hơn.
- Chất K:
Mặc dù đất ĐBSCL có chứa nhiều K, nhưng đất liếp vườn cây ăn trái lâu năm dễ bị rửa trôi
K. Nhưng nông dân ĐBSCL thường ít bón phân K cho vườn cây ăn trái, vì vây để cây ăn trái có
năng suất cao, phẩm chất tốt và môi trường đất được bền vững cần phải bón thêm K (Nguyễn
Bảo Vệ, 1998), Nguồn K hữu cơ thích hợp cho sản xuất trái cây hữu cơ gồm có tro củi, đá
Feldspar, rơm rạ,
- Chất Ca:
Hầu hết đất ở ĐBSCL đều chua, độ pH thấp (Nguyễn Bảo Vệ, 1991) làm cho sự hữu dụng
của Ca ít đi, ngoài ra địa hình cao của đất liếp làm cho dưỡng chất Ca dễ bị rửa trôi, do đó, cần
bón bổ sung Ca cho vườn cây ăn trái. Trong sản xuất trái cây hữu cơ thì đá vôi nghiền, vỏ sò là
nguồn cung cấp chất Ca khá tốt.
- Chất Mg:
Cũng giống như Ca, chất Mg ít ở dạng hữu dụng trong đất chua của ĐBSCL và cũng dễ bị
rửa trôi ở đất liếp, do đó cũng cần được bón bổsung cho vườn cây ăn trái. Bột đá Dolomite
nghiền mịn có chứa nhiều Mg được dùng để cung cấp thêm Mg cho đất vườn sản xuất trái cây
hữu cơ.
- Nguyên tố vi lượng:
Triệu chứng thiếu một số nguyên tố vi lượng trên cây ăn trái được tìm thấy ở ĐBSCL như
Zn, Mn, Dùng nước cá ủ phun cho cây là biện pháp cung cấp nguyên tố vi lượng trong sản xuất
trái cây hữu cơ.
2.6. Sử dụng chất kích thích sinh trưởng
Chất kích thích sinh trưởng tựnhiên không bị cấm sử dụng trong sản xuất trái cây hữu cơ
như: Chất trích từ rong biển ,những enzyme có trong thiên nhiên, vi sinh vật, rong tảo, chất trích
Humic acid từ vật liệu hữu cơ (Nguyen Bao Ve et al.,2004, Đỗ Minh Nhựt và Nguyễn Bảo Vệ,
1999), hormone có trong rễ cây, chất dính.
2.7. Một số biện pháp kỹ thuật canh tác khác
Trồng cây ăn trái với mật độ thưa cho thấy áp lực sâu bệnh giảm rất đáng kể nhờ gió lưu
thông tốt trong tán cây làm giảm thời gian ẩm ướt của lá, vì vậy trong canh tác trái cây hữu cơ
phải thường xuyên xén tỉa cho thưa phần dưới tán để gió dễ lưu thông và xuyên qua tán cây. Tỉa
bỏ những nhánh mọc là đà trên mặt đất cũng giúp hạn chế sâu bệnh vì cắt đứt cầu nối mầm sâu
bệnh giữa đất và tán cây. Khi đào mương lên liếp, chọn hướng liếp Tây Bắc - Đông Nam, đây là
hướng gió chính trong năm, gió theo mương vườn lan toả vào tán cây giúp vườn cây ít sâu bệnh
hơn (Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong, 2011).
Những giống cho thu hoạch trái sớm thường ít bịáp lực của sâu bệnh hơn là những giống thu
hoạch muộn. Trồng cây xua đuổi cũng phòng ngừa được một vài loại sâu bệnh.
Tuy nhiên, trồng dưới tán cây thiếu ánh sáng là một trởngại cho sự phát triển của cây xua
đuổi. Trồng cây xua đuổi thành hàng giữa những tán và chung quanh vườn có lẽ dễ dàng hơn.
Tránh trồng những cây quyến rũ một vài loại sâu bệnh quan trọng.
Phủ mặt liếp với những vật liệu hữu cơ có lợi cho vườn cây ăn trái như làm giảm cỏ dại,
giảm nhiệt độ đất ở vùng rễ, giữ ẩm cho đất, giảm rửa trôi và gia tăng hoạt động của sinh vật đất.
Ngoài ra phủ liếp còn làm gia tăng chất mùn, chất hữu cơ, khả năng thấm rút của đất và nhất là
tăng độ phì của đất (Trần Thị Ba, 2005). Tuy nhiên phủ liếp có thể làm gia tăng áp lực bệnh do
duy trì ẩm độ cao dưới tán cây. Người ta thấy rằng che phủ liếp gần gốc dễ làm gia tăng bệnh
thối gốc trên cam quýt.
Cải thiện điều kiện vệ sinh trong vườn và đem bỏ những cành nhánh cây bị sâu bệnh ra khỏi
vườn ngay sau khi cắt là rất quan trọng ở một vườn cây ăn trái hữu cơ. Thường xuyên cắt bỏ
những phần cây bị sâu bệnh để tránh sự phát tán mầm sâu bệnh ra toàn vườn. Cần khử trùng
dụng cụ cắt bằng nhiệt, để không làm lây truyền bệnh từ cây nầy sang cây khác, nhất là những
bệnh siêu vi. Thực vật dư thừa có thể gom thành đống, ủ mục, lúc ủ nên phủ ny-lon để có thể diệt
được mầm sâu bệnh, sau đó sử dụng chất hữu cơ này bón lại cho vườn.
3. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH TRONG SẢN XUẤT TRÁI CÂY HỮU CƠ
Trong sản xuất trái cây hữu cơ, việc quản lý dịch hại rất quan trọng, kỹ thuật canh tác đúng
hạn chế được phần nào sự bộc phát của sâu bệnh. Tuy nhiên trên cây ăn trái thường xuyên xuất
hiện sâu bệnh, khi thì xuất hiện sớm lúc thì xuất hiện trễ làm giảm năng suất, chất lượng và cần
phải được phòng trị khi có dịch. Có những biện pháp phòng trị dịch hại không dùng hoá chất
tổng hợp như sau:
3.1. Biện pháp sinh học
Đây là biện pháp dùng những loại ký sinh thiên nhiên và thiên địch để giảm mật số sâu bệnh
xuống dưới ngưỡng gây hại (Trần Văn Hai và ctv., 2009), để chim làm tổ trên cây sẽ ngăn chận
côn trùng bay. Biện pháp sinh học đã thành công trên một số loại cây ăn trái như cam quýt.
Nhưng nếu trừ tận gốc hoàn toàn một loại sâu bệnh nào đó thì không thể được, vì phải có sự tồn
tại của một loại sâu bệnh nào thì mới duy trì được thiên địch.
3.2. Biện pháp cơ giới
Những dụng cụ kiểm soát sâu bệnh bằng cơ giới rất hữu dụng để ngăn chặn không cho dịch
bệnh có điều kiện tấn công cây và trái trong sản xuất trái cây hữu cơ như:
- Đặt vòng kim loại hoặc chất dính quanh thân cây ngăn chặn chuột và những côn trùng bò
từ dưới đất lên phá hại lá hay trái.
- Những cành gần mặt đất, nhất là khi mang trái, phải được cắt bỏ để côn trùng và bệnh từ
đất không có cầu nối lên cây.
- Xịt mạnh nước để rửa rầy mềm và rệp.
- Sâu kèn có thể dùng phương pháp đốt, đặc biệt là vào sáng sớm hay thật muộn vào buổi
chiều lúc sâu có ở trong kèn. Cắt bỏ cành để loại sâu kèn cũng là biện pháp hữu hiệu.
- Làm vệ sinh phần thân cành cây bị bệnh cũng là phương pháp cơ học hữu hiệu cho ở một
vài loại bệnh.
- Dùng bẩy côn trùng, dùng máy hút, ánh sáng cực tím để hấp dẫn và giết nhiều loại côn
trùng bay cũng hữu hiệu.
- Dùng chất dẫn dụpheromone để côn trùng rơi vào bẩy (bẩy kín hay bẩy hở).
3.3. Thuốc sát trùng có nguồn gốc thiên nhiên
Trên cây ăn trái, một vài loại sâu bệnh sẽ gia tăng mật số nhanh chóng ở một thời điểm nhất
định nào đó trong năm, cần phải được trị ngay nếu không sẽ gây hại cây và trái. Một số loại
thuốc sát trùng được xếp vào loại có nguồn gốc thiên nhiên thích hợp cho việc sản xuất trái cây
hữu cơ là:
- Dung dịch trích từ những cây gia vị như hạt tiêu, củ gừng, nghệ, tỏi,… được dùng làm
thuốc sát trùng (Nguyễn Thị Xuân Thu và ctv., 2008).
- Dầu khoáng được xem là thuốc có nguồn gốc thiên nhiên trị khá hữu hiệu trên rệp sáp, sâu
vẽ bùa, bù lạch, bệnh đốm mỡ trong vườn cam quýt.
- Tất cả thuốc sát trùng thực vật trích từ cây xoan Ấn Độ (Melia azedarach), cúc lá nhỏ
(pyrethrum), dây thuốc cá (Derris elliptica), hạt bình bát (Annona reticulata),… có thể được dùng
làm thuốc sát trùng.
- Có nhiều loại bột đá cũng hữu hiệu phòng trừ một vài loại sâu bệnh được chấp nhận trong
sản xuất trái cây hữu cơ như thuốc trừ nấm bệnh gốc đồng, gốc lưu huỳnh thiên nhiên và gồm cả
lưu huỳnh nguyên tố.
- Dùng chlorine để tẩy trùng và những chất vi lượng như Zn cũng được công nhận trong sản
xuất trái cây hữu cơ.
3.4. Áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM
Để áp dụng thành công IPM nhà vườn phải có đủ kiến thức về cây trồng và sâu bệnh, nông
dân ĐBSCL làm được điều nầy (Nguyễn Văn Huỳnh và ctv., 2009). Nhận biết được dịch hại và
những thiên địch có lợi trong vườn cây ăn trái và ghi nhận diễn tiến mật độ thường xuyên. Nhà
vườn muốn thành công phải tiên đoán được ảnh hưởng của môi trường như thời tiết, chế độ
nước lên mật số của sâu, bệnh hại và thiên địch. Khi nào mọi cố gắng để ngăn ngừa gia tăng
mật số bị thất bại, nhà vườn mới bắt đầu áp dụng những biện pháp trị liệu nêu ở phần trên.
4. HIỆU QUẢ KINH TẾ VÀ THỊ TRƯỜNG TRÁI CÂY HỮU CƠ
Sản xuất trái cây hữu cơ có thể cho năng suất thấp hơn kiểu sản xuất thông thường, nhưng
có hiệu quả kinh tế cao hơn trên một đơn vị diện tích nhờ bán được giá cao. Kỹ thuật sản xuất
nầy phù hợp cho những nông dân có diện tích canh tác nhỏ, nhiều công lao động. Khi được
người tiêu dùng chấp nhận, trái cây hữu cơ sẽ mang lại lợi tức nhiều hơn kỹ thuật canh tác thông
thường hiện nay.
Giá thành trái cây hữu cơ sẽ cao là do phải kiểm soát sâu bệnh bằng biện pháp tự nhiên, tốn
kém hơn dùng hoá chất tổng hợp. Thêm vào đó là phần trăm trái đạt tiêu chuẩn thương phẩm
cũng ít hơn. Nông dân có thể sử dụng những trái cây không đạt tiêu chuẩn bán tươi để sản xuất
nước quả, chế biến để tăng thêm thu nhập. Thường thì giá bán trái cây hữu cơ phải cao hơn để
bù vào những hao hụt đó.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ trái cây hữu cơ không chỉ ở ngoài nước mà ngay người tiêu
dùng ở nước ta cũng có nhu cầu sử dụng trái cây sạch sản xuất trong nước như ổi, mận, nho, táo
(táo nhiệt đới), Trước đây, khi chưa có biện pháp bao trái, thị trường tiêu thụ những loại trái
cây nầy bị giảm rất mạnh.
5. CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN TRÁI CÂY HỮU CƠ
Cần thiết phải có một quy định và ban hành tiêu chuẩn để chứng nhận trái cây hữu cơ để nhà
vườn và những người buôn bán lẽ thực hiện. Tất cả những loại thuốc sát trùng tổng hợp, phân
hoá học và những chất nhân tạo hoàn toàn không được sử dụng trong sản xuất, vận chuyển, bảo
quản và chế biến.
Trái cây hữu cơ được chia ra hai loại để cấp giấy chứng nhận:
- Loại thứ nhất được áp dụng cho những vườn canh tác không sử dụng thuốc sát trùng tổng
hợp đã được 3 năm và không sử dụng phân hoá học đã được 2 năm.
- Loại thứ hai là loại chuyển tiếp, loại này cũng hội đủ tiêu chuẩn quy định về trái cây hữu
cơ, nhưng chưa đủ quy định về thời gian cách ly vườn với hoá chất tổng hợp.
Mỗi loại phải có một nhãn hiệu riêng do những tổ chức có thẩm quyền quyết định và đóng
dấu xác nhận. Trong tiêu chuẩn phải phân định rõ quy trình kỹ thuật và vật liệu nào được áp
dụng và những kỹ thuật và vật liệu nào cấm sử dụng, định kỳ kiểm tra việc thực hiện.
Mỗi loại cây ăn trái đều có mức độ nhiễm sâu bệnh khác nhau. Để giúp nhà vườn định
hướng sản xuất, cần xác định rõ khả năng sản xuất trái cây hữu cơ cho từng loại cây để nhà vườn
chọn lựa. Cần phải xây dựng quy trình canh tác hữu cho từng loại trái cây đã chọn để đạt tiêu
chuẩn trái cây hữu cơ theo quy định.
6. KẾT LUẬN
Đồng bằng sông Cửu Long có đủ điều kiện để áp dụng những biện pháp canh tác trái cây
hữu cơ như có vùng đất trồng không độc chất, màu mỡ, có giống kháng sâu bệnh, chống chịu tốt
điều kiện bất lợi của môi trường, nguồn nước tưới đầy đủ, không độc chất và kỹ thuật tưới không
kích thích sâu bệnh phát triển, khống chế được cỏ dại bằng biện pháp canh tác như tủ liếp và làm
cỏ bằng cơ giới, bổ sung dinh dưỡng khoáng và chất kích thích sinh trưởng cho cây bằng phân
hữu, phân xanh đá nghiền và vi sinh vật; quản lý sâu bệnh và phòng trị bệnh bằng biện pháp sinh
học, cơ giới, và chất trích thảo mộc.
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long có đủ khả năng và kinh nghiệm để sản xuất trái cây
đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ, tuy nhiên, giá cả và thị trường sẽ quyết định sự phát triển trái
cây hữu cơ ở vùng này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Blair, R. 2012. Organic Production and Food Quality.A Down to Earth Analysis. Wiley-
Blackwell, Oxford, UK.
Đỗ Minh Nhựt và Nguyễn Bảo Vệ. 1999. Hàm lượng và đặc tính của Humic acid trích từ đất
than bùn Kiên Giang. Tạp chí Nông nghiệp & công nghiệp thực phẩm 8/1999. Trang
344-346.
Nguyen Bao Ve and Nguyen Thanh Trieu. 1998. Soils of the Mekong Delta in relation to raised
bed construction for fruit tree cultivation.In: Proceedings of the first symposium on fruit
production in the Mekong Delta focussing on integrated pest management. Can Tho,
Vietnam. Pag. 1-6.
Nguyen Bao Ve and Vo Tong Xuan. 1986. Characterization, constraints and extent of acid
sulfate soils of Asia. Project Design Workshop for Developing Collaboration Research
Program for the Improvement of Rice Yields in Problem Soils, IRRI. Los Banos. The
Philippines. Trang 1-8.
Nguyễn Bảo Vệ và Lê Thanh Phong. 2011. Giáo trình cây ăn trái. Nhà xuất bản Đại học Cần
Thơ.
Nguyen Bao Ve, D.C. Olk, and K.G. Cassman. 2004. Characterization of humic acid fractions
improves estimates of nitrogen mineralization kinetics for lowland rice soils.Soil Sci.
Soc. Am. J. 68:1266-1277.
Nguyễn Bảo Vệ. 1991. Một số đề nghị đối với việc phân loại đất phèn cho canh tác lúa ở Đồng
bằng sông Cửu Long.Kỷyếu Hội thảo Chuyên đề sử dụng Đất Phèn - Đất Mặn và hệ
thống Nông trại ở Đồng bằng sông Cửu Long, 11 - 12/12/1991 tại TP. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Bảo Vệ. 1998. Kali ở đất lúa nước Đồng bằng sông cửu Long.Hội thảo khoa học vai trò
của Sulfur, Potassium, vàMagnesium trong sản xuất trồng trọt. Thành phố Hồ chí Minh,
Việt Nam. Trang 22-28.
Nguyễn Bảo Vệ. 2002. Đặc điểm tự nhiên và thế mạnh của đất giồng cát trong sản xuất nông
nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Kỷ yếu Hội thảo “Kêu gọi đầu tư và ứng dụng khoa
học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp - thủy sản - công nghiệp”. Tỉnh Sóc Trăng.
Nguyễn Bảo Vệ. 2013. Bón phân cho cây ăn quả. Kỷ yếu Hội thảo quốc gia “Nâng cao hiệu quả
quản lý và sử dụng phân bón tại Việt Nam” ngày 5/3/2013 tại Cần Thơ. Nhà Xuất Bản
Nông Nghiệp. Thành phốHồChí Minh. Trang 252-265
Nguyễn Thị Xuân Thu, Nguyễn Bảo Vệ và Lê ThịBảo Châu. 2008. Ảnh hưởng của chất trích
thảo mộc đến khả năng phòng trị nấm gây hại trái bưởi Năm Roi, cam Sành và quýt
Đường sau thu hoạch. Hội Nghi Khoa Học “Cây ăn trái quan trọng ở Đồng bằng sông
Cửu Long”. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh. Trang 182-187.
Nguyễn Văn Huỳnh, Nguyễn Thị Nghiêm, Trần Văn Hai và Trần Thị Ba. 2009. Thử nghiệm mô
hình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh (IPM) cho sản xuất rau an toàn.Tạp chí Khoa học
Trường Đại học Cần Thơ11: 41-53
Nguyễn Văn Lẹ và Cao Ngọc Điệp. 2012. Hiệu quả phân bón vi sinh đến năng suất rau xanh (rau
ăn quả) trồng trên đất phù sa quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Tạp chí Khoa học Trường
Đại học Cần Thơ. 23a:213-223.
Smith-Spangler, C; Brandeau, ML; Hunter, GE; Bavinger, JC; Pearson, M; Eschbach, PJ;
Sundaram, V; Liu, H; Schirmer, P; Stave, C; Olkin, I; Bravata, DM. 2012. Are organic
foods safer or healthier than conventional alternatives?: A systematic review. Annals of
Internal Medicine 157 (5): 348–366.
Trần Thị Ba. 2005. Ảnh hưởng của màng phủ nông nghiệp đến sự thay đổi tiểu môi trường, hiện
diện của côn trùng, gia tăng năng suất và phẩm chất dưa hấu ở Đồng bằng sông Cửu
Long. Luận án tiến sĩ chuyên ngành trồng trọt. Trường Đại Học Cần Thơ.
Trần Văn Hai, Trịnh Thị Xuân và Phạm Kim Sơn. 2009. Khảo sát đặc tính sinh học sâu xếp lá
đậu Archips micacerana Walker và hiệu lực của một số chủng nấm xanh Metarhizium
anisopliae Sorokin đối với dịch hại này tại trà Vinh. Tạp chí Khoa học Trường Đại học
Cần Thơ11: 54-62.