Tải bản đầy đủ (.pdf) (70 trang)

Các tiêu chí kiểm soát tập trung kinh tế theo luật cạnh tranh năm 2018

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.51 MB, 70 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
KHOA LUẬT THƯƠNG MẠI

LÊ KHANH

CÁC TIÊU CHÍ KIỂM SỐT TẬP TRUNG KINH TẾ
THEO LUẬT CẠNH TRANH NĂM 2018

CHUYÊN NGÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI

TP. HỒ CHÍ MINH – NĂM 2019


TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT TP. HỒ CHÍ MINH
KHOA LUẬT THƯƠNG MẠI
--------

KHĨA LUẬN TỐT NGHIỆP CỬ NHÂN LUẬT

CÁC TIÊU CHÍ KIỂM SOÁT TẬP TRUNG KINH TẾ
THEO LUẬT CẠNH TRANH NĂM 2018

SINH VIÊN THỰC HIỆN: LÊ KHANH
KHÓA: 40
MSSV: 1553801011147
GIẢNG VIÊN HƯỚNG DẪN: ThS. ĐẶNG QUỐC CHƯƠNG

TP. HỒ CHÍ MINH – NĂM 2019


LỜI CAM ĐOAN



Tơi cam đoan: Khóa luận tốt nghiệp này là kết quả nghiên cứu của riêng tôi,
được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của Thạc sĩ Đặng Quốc Chương, đảm
bảo tính trung thực và tuân thủ các quy định về trích dẫn, chú thích tài liệu tham
khảo. Tơi xin chịu hồn tồn trách nhiệm về lời cam đoan này.

Tác giả khóa luận

Lê Khanh


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
CQCT

Cơ quan cạnh tranh

Dự thảo Nghị định

Dự thảo Nghị định (tháng 11/2018) Quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của LCT.

EU

Liên minh châu Âu

GDP

Tổng sản phẩm trong nước

HCCT


Hạn chế cạnh tranh

ICN

Diễn đàn Cạnh tranh quốc tế

LCT

Luật Cạnh tranh

LCT 2004

Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11

LCT 2018

Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14

OECD

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế

PLCT

Pháp luật cạnh tranh

TTKT

Tập trung kinh tế


UBCTQG

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

UNCTAD

Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc

USD

Đồng Đô la Mỹ


MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU .........................................................................................................1
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TẬP TRUNG KINH TẾ VÀ CÁC TIÊU
CHÍ KIỂM SỐT TẬP TRUNG KINH TẾ ...........................................................4
1.1.

Bản chất của hiện tượng tập trung kinh tế ..............................................4

1.1.1.

Khái niệm tập trung kinh tế ..........................................................................4

1.1.2.

Đặc điểm của tập trung kinh tế ....................................................................5


1.2.

Phân loại tập trung kinh tế ........................................................................8

1.2.1.

Căn cứ vào cấp độ kinh doanh và ngành nghề kinh doanh .........................8

1.2.2.

Căn cứ vào hình thức biểu hiện ..................................................................12

1.3.

Cách thức kiểm soát việc tập trung kinh tế ...........................................14

1.3.1.

Nhóm tập trung kinh tế được tự do thực hiện ............................................14

1.3.2.

Nhóm tập trung kinh tế cần thực hiện thủ tục thơng báo...........................15

1.3.3.

Nhóm tập trung kinh tế bị cấm thực hiện ...................................................16

1.4.


Khái qt về tiêu chí kiểm sốt tập trung kinh tế .................................18

1.4.1.

Một số tiêu chí kiểm sốt tập trung kinh tế được sử dụng phổ biến ..........18

1.4.2.

Sự cần thiết đa dạng hóa các tiêu chí kiểm sốt tập trung kinh tế ............23

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 .........................................................................................26
CHƯƠNG 2. CÁC TIÊU CHÍ KIỂM SOÁT TẬP TRUNG KINH TẾ THEO
LUẬT CẠNH TRANH NĂM 2018 .........................................................................27
2.1.

Các tiêu chí xác định tập trung kinh tế phải thông báo .......................27

2.1.1.

Tổng tài sản .................................................................................................27

2.1.2.

Tổng doanh thu ...........................................................................................29

2.1.3.

Giá trị giao dịch tập trung kinh tế ..............................................................31

2.1.4.


Thị phần kết hợp .........................................................................................32

2.2.

Các tiêu chí xác định tập trung kinh tế được thực hiện sau khi thẩm
định sơ bộ ...................................................................................................34

2.2.1.

Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan ................................................34

2.2.2.

Mức độ tập trung trên thị trường ...............................................................36


2.2.3.

Mối quan hệ giữa của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong
chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ
nhất định hoặc ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia
tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc hỗ trợ cho nhau ....................38

2.3.

Các tiêu chí xác định tập trung kinh tế bị cấm......................................39

2.3.1.


Tiêu chí xác định tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh
tranh một cách đáng kể của vụ việc tập trung kinh tế ...............................40

2.3.2.

Tiêu chí đánh giá tác động tích cực của vụ việc tập trung kinh tế ............46

2.4.

Một số đề xuất hoàn thiện các quy định về tiêu chí kiểm sốt tập trung
kinh tế .........................................................................................................47

2.4.1.

Đối với các tiêu chí xác định tập trung kinh tế phải thơng báo.................47

2.4.2.

Đối với các tiêu chí xác định tập trung kinh tế được thực hiện sau khi
thẩm định sơ bộ ...........................................................................................52

2.4.3.

Đối với các tiêu chí xác định tập trung kinh tế bị cấm ..............................54

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2 .........................................................................................55
KẾT LUẬN ...............................................................................................................56


PHẦN MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài
Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 (LCT 2018) được Quốc Hội thông qua ngày
12 tháng 6 năm 2018, gồm 10 Chương và 118 Điều. Với sự kết hợp chặt chẽ giữa tư
duy kinh tế và tư duy pháp lý, LCT 2018 ra đời đã thay thế và khắc phục phần nào
những hạn chế, bất cập của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 (LCT 2004). Có thể
khẳng định rằng, một trong những đổi mới mang tính đột phá của LCT 2018 là thay
đổi căn bản cách tiếp cận đối với kiểm soát tập trung kinh tế (TTKT), thừa nhận
TTKT là quyền tự do của doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả trong
hoạt động kinh doanh. Do đó, LCT 2018 khơng quy định cấm TTKT một cách máy
móc dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia TTKT như trước
đây. Thay vào đó, LCT 2018 thực hiện việc kiểm sốt TTKT thơng qua hệ thống
các tiêu chí xác định ngưỡng thơng báo TTKT và tiêu chí đánh giá tác động TTKT.
Về cơ bản, TTKT là hành vi tích tụ tư bản và khi đến một mức độ nhất định có
thể hình thành doanh nghiệp mang quyền lực thị trường hoặc doanh nghiệp độc
quyền, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho
thấy nhiều giao dịch TTKT lại có tác động tích cực đến doanh nghiệp nói riêng và
cạnh tranh trên thị trường nói chung thơng qua việc hình thành các doanh nghiệp có
khả năng cạnh tranh cao, thậm chí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của một
ngành kinh tế. Vì vậy, kiểm sốt TTKT bằng các tiêu chí kiểm sốt khác nhau là
một trong những cơ sở quan trọng để cơ quan cạnh tranh (CQCT) đánh giá được
những tác động của vụ việc TTKT, từ đó tăng cường tính khả thi và hiệu quả thực
thi quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, nhìn nhận ở góc độ thực tiễn, Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành
Luật Cạnh tranh của Bộ Công thương đã chỉ ra nhiều bất cập của LCT 2004, trong
đó phân tích và lý giải những hạn chế của cách thức kiểm soát chỉ bằng thị phần kết
hợp như trước đây. Do đó, việc xây dựng một hệ thống các tiêu chí kiểm sốt TTKT
trong LCT 2018 được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá cho quá trình thực thi pháp luật
cạnh tranh (PLCT) tại Việt Nam. Các tiêu chí này sẽ góp phần khơng nhỏ giúp Ủy
ban Cạnh tranh Quốc gia (UBCTQG) thực hiện hiệu quả mục tiêu không để lọt
hành vi phản cạnh tranh nhưng cũng không hạn chế quyền tự do hợp tác và liên kết

trong kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc nghiên cứu vấn đề các tiêu chí
kiểm sốt TTKT mới được ban hành sẽ có giá trị tham khảo, phục vụ cho cơng việc
nghiên cứu, giảng dạy và học tập chuyên sâu về pháp luật kiểm sốt TTKT nói
riêng và PLCT nói chung, đặc biệt là trong bối cảnh LCT 2018 vừa được ban hành
và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
1


Chính vì vậy, với mong muốn đóng góp hồn thiện cơ sở lý luận và pháp luật
về các tiêu chí kiểm sốt TTKT, tác giả thực hiện Khóa luật tốt nghiệp với đề tài:
“Các tiêu chí kiểm sốt tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh năm 2018”.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Về tình hình nghiên cứu trong nước, các tiêu chí kiểm sốt TTKT là một nội
dung mới được ghi nhận trong LCT 2018, do đó, các cơng trình nghiên cứu trong
nước về vấn đề này chủ yếu xem xét các tiêu chí kiểm sốt là một khía cạnh trong
tổng thể vấn đề kiểm sốt TTKT mà khơng đi vào phân tích, bình luận chun sâu.
Đa số các nghiên cứu trong thời gian gần đây chủ yếu thực hiện nhằm phục vụ cho
cơng tác kiến nghị và góp ý hoàn thiện Dự thảo LCT 2018 và Nghị định Hướng dẫn
thi hành. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào phân tích và đánh giá
chung về thực trạng hoạt động kiểm soát TTKT tại Việt Nam và bình luận về hiệu
quả của việc sử dụng tiêu chí thị phần vì đây là cơ sở kiểm sốt TTKT duy nhất
theo LCT 2004 đồng thời đề xuất một số kiến nghị thay đổi tiêu chí thị phần bằng
hệ thống các tiêu chí dựa trên việc tham khảo pháp luật các quốc gia và khu vực
trên thế giới. Một số bài viết, cơng trình nghiên cứu có đề cập ở mức độ khái qt
các tiêu chí kiểm sốt TTKT mà tác giả có tham khảo bao gồm: Dương Anh Sơn,
Trương Trọng Hiếu (2016), Tiêu chí kiểm sốt sáp nhập ở Việt Nam và kinh nghiệm
của các quốc gia trên thế giới; Bộ Công Thương (2017), Báo cáo kinh nghiệm quốc
tế: So sánh pháp luật cạnh tranh một số nước trên thế giới; Phạm Hồi Huấn
(2017), Các tiêu chí đánh giá tác động hạn chế cạnh tranh trong tập trung kinh tế;
Bùi Nguyễn Anh Tuấn (2017), Đánh giá tác động cạnh tranh trong vụ việc tập

trung kinh tế; Hà Thị Thanh Bình (2018), Kiểm sốt tập trung kinh tế và một vài gợi
ý cho việc hướng dẫn thi hành Luật Canh tranh 2018; Hà Ngọc Anh (2018), Pháp
luật Kiểm soát tập trung kinh tế ở Việt Nam.
Tình hình nghiên cứu ở nước ngồi, trên thế giới đã có một số cơng trình
nghiên cứu tổng quan về chính sách và pháp luật kiểm sốt TTKT nói chung và
phân tích chun sâu về các tiêu chí kiểm sốt TTKT nói riêng. Ở phạm vi quốc tế,
đáng kể nhất là tài liệu tham khảo của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và
Phát triển Kinh tế (OECD), Diễn đàn Cạnh tranh quốc tế (ICN), Diễn đàn Thương
mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD). Cụ thể, UNCTAD (2000) The
Model Law on Competition; ICN (2008), Setting notification Thresholds for Merger
Review; ICN (2009), ICN Recommended Practices For Merger Analysis; OECD
(2010), Policy Roundtables: Dynamic Efficiencies in Merger Analysis; OECD
(2016), Local Nexus and Jurisdictional thresholds in Merger control.

2


3. Mục đích nghiên cứu
Đề tài được thực hiện nhằm mục đích: (i) làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về
TTKT và các tiêu chí kiểm sốt TTKT từ đó lý giải vì sao TTKT cần được kiểm
sốt bằng một hệ thống đa dạng các tiêu chí kiểm sốt; (ii) phân tích và đánh giá
những quy định của LCT 2018 về các tiêu chí kiểm sốt TTKT và đề xuất một số
phương hướng hoàn thiện các quy định hướng dẫn thi hành những tiêu chí này cũng
như hồn thiện LCT 2018 về vấn đề kiểm soát TTKT.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu đề tài.
Về đối tượng nghiên cứu, đề tài tập trung vào nghiên cứu hai nhóm vấn đề: (i)
các lý thuyết về TTKT và các tiêu chí kiểm sốt TTKT và (ii) quy định của LCT
2018 về các tiêu chí được sử dụng để kiểm sốt TTKT, bao gồm: các tiêu chí xác
định ngưỡng thơng báo TTKT; các tiêu chí xác định TTKT được thực hiện sau khi
đã thẩm định sơ bộ; các tiêu chí xác định TTKT bị cấm.

Về phạm vi nghiên cứu, Khóa luận chỉ tập trung nghiên cứu quy định LCT 2018
về các tiêu chí kiểm sốt TTKT ở khía cạnh luật nội dung và có đối chiếu với một
số quy định LCT 2004. Do đó, Khóa luận khơng đi sâu vào phân tích quy định của
các pháp luật chun ngành khác có liên quan đến đối tượng nghiên cứu cũng như
quy trình, thủ tục tố tụng, chế tài kiểm soát và các biện pháp khắc phục tác động của
TTKT. Bên cạnh đó, Khóa luận cũng nghiên cứu một số kiến nghị từ các tổ chức
quốc tế như OECD, ICN, UNCTAD và kinh nghiệm từ quy định của pháp luật kiểm
soát TTKT cũng như thực tiễn áp dụng tại một số quốc gia trên thế giới như Hoa
Kỳ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á, Liên minh Châu
Âu (EU) để so sánh, đối chiếu và đề xuất hoàn thiện cho PLCT Việt Nam. Những
vấn đề này sẽ được phân tích lồng ghép trong các nội dung nghiên cứu tương ứng.
5. Phương pháp nghiên cứu
Khóa luận sử dụng các phương pháp nghiên cứu phổ biến trong lĩnh vực luật
học, bao gồm: (i) Phương pháp nghiên cứu truyền thống như phân tích, thống kê,
luận giải; (ii) Phương pháp so sánh luật để nêu bật những nét đặc trưng, riêng biệt
trong hệ thống pháp luật của từng nước về cạnh tranh; (iii) Phương pháp so sánh,
đối chiếu dùng để đánh giá kinh nghiệm nước ngồi, từ đó đề xuất cho Việt Nam.
6. Bố cục tổng qt của Khóa luận
Ngồi Phần mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, Danh mục từ ngữ
viết tắt và Phụ lục, bố cục tổng quát của Khóa luận gồm 2 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về tập trung kinh tế và tiêu chí kiểm sốt tập trung kinh tế;
Chương 2: Các tiêu chí kiểm sốt tập trung kinh tế theo Luật Cạnh tranh năm 2018.
3


CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TẬP TRUNG KINH TẾ VÀ CÁC TIÊU CHÍ KIỂM
SỐT TẬP TRUNG KINH TẾ
1.1.


Bản chất của hiện tượng tập trung kinh tế

1.1.1.

Khái niệm tập trung kinh tế

TTKT là một hiện tượng đã diễn ra trên thị trường và bị kiểm soát từ những
năm đầu 1990 ở đa số các quốc gia có nền cơng nghiệp phát triển như Pháp, Úc, Bồ
Đào Nha, Đan Mạch, Phần Lan…1 Tại Việt Nam, thuật ngữ TTKT chính thức được
đề cập trong các văn bản pháp luật kể từ khi LCT 2004 ban hành.
Khái niệm TTKT có thể được bình luận ở nhiều góc độ khác nhau trong kinh tế
học và trong khoa học pháp lý.
Thứ nhất, từ góc độ kinh tế và chính sách cạnh tranh, TTKT được hiểu là quá
trình số lượng các doanh nghiệp độc lập cạnh tranh trên thị trường bị giảm đi thông
qua các hành vi sáp nhập (theo nghĩa rộng) hoặc thông qua tăng trưởng nội sinh của
doanh nghiệp trên cơ sở mở rộng năng lực sản xuất2. Với cách tiếp cận này, TTKT
được phân tích dưới góc độ ngun nhân và hệ quả của TTKT đối với cấu trúc thị
trường cạnh tranh3. Theo đó, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị
trường tăng lên trên cơ sở số lượng doanh nghiệp cùng cạnh tranh giảm xuống, do
vậy cấu trúc thị trường cạnh tranh bị thay đổi. Bên cạnh đó, hiện tượng sáp nhập
doanh nghiệp hoặc sự tích tụ tư bản bằng cịn đường nội sinh của doanh nghiệp
trong q trình sản xuất, kinh doanh cũng làm cho vị thế của doanh nghiệp trên thị
trường được củng cố, nâng cao. Cách hiểu này một mặt làm rõ tác động của TTKT
đến cấu trúc thị trường, mặt khác thừa nhận tích tụ tư bản là một phần của khái
niệm, trong khi đó, Luật cạnh tranh (LCT) Việt Nam không xem sự tăng trưởng nội
sinh nói trên là hành vi TTKT cần kiểm sốt.
Thứ hai, xem xét với tư cách là hành vi của doanh nghiệp, TTKT (hay còn gọi
là tập trung tư bản) là sự tăng thêm tư bản do hợp nhất nhiều tư bản lại hoặc một tư
bản này thu hút một tư bản khác4. Tập trung tư bản được xem là một trong những
phương thức làm cho tư bản lớn lên bằng cách hợp nhất một số tư bản thành một tư

bản hoặc thơn tính hoặc liên kết những tư bản khác. Khái niệm này không nêu lên
1

Ngoại lệ, Hoa Kỳ, Canada và Đức hình thành pháp luật kiểm sốt mua bán và sáp nhập sớm hơn.
Xem thêm Elena Carletti, Philipp Hartmann, Stven Ongena (2012), “The Economic Impact of Merger Control
Legislation”, Project ‘Politics, Economics and Global Governance: The European Dimensions’, tr. 6.
2
Lê Danh Vĩnh, Hoàng Xuân Bắc, Nguyễn Ngọc Sơn (2006), Pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam, NXB. Tư pháp,
tr. 410.
3
Phạm Thị Thu Hương (2008), Kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam, Khóa luận tốt
nghiệp cử nhân Luật, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 3.
4
Viện ngơn ngữ học (1994), Từ điển tiếng Việt, NXB. Khoa học Xã hội & Nhân văn, tr. 870.

4


biểu hiện cụ thể của TTKT, nhưng lại cho thấy bản chất (sự tăng thêm tư bản) và
phương thức (hợp nhất nhiều tư bản hoặc một tư bản này thu hút một tư bản khác)
của hiện tượng TTKT5.
Thứ ba, dưới góc độ pháp luật, TTKT là hành vi của các doanh nghiệp được
thực hiện dưới dạng hành động thông qua một số hình thức nhất định được pháp
luật điều chỉnh. LCT 2018 không trực tiếp đưa ra khái niệm TTKT mà gián tiếp quy
định thông qua việc liệt kê và giải thích các hành vi được xem là TTKT. Cụ thể,
khoản 1 Điều 29 LCT 2018 quy định các hành vi TTKT bao gồm: (i) sáp nhập
doanh nghệp , (ii) hợp nhất doanh nghiệp, (iii) mua lại doanh nghiệp, (iv) liên doanh
doanh nghiệp (v) và các hình thức TTKT khác theo quy định của pháp luật. Trong
đó, hình thức sáp nhập, mua lại có bản chất là việc các doanh nghiệp đã tồn tại trên
thị trường thâu tóm tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp

khác đủ để kiểm sốt doanh nghiệp đó. Trong khi đó, với hình thức hợp nhất hoặc
liên doanh, các doanh nghiệp sẽ kết hợp toàn bộ hoặc một phần với nhau cùng hình
thành một doanh nghiệp mới và cùng kiểm sốt doanh nghiệp này sau kết hợp.
Tóm lại, ở góc độ khái quát nhất, TTKT là kết quả của quá trình tích tụ và tập
trung tư bản, là nhu cầu của nền sản xuất hàng hóa và cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, khơng phải sự tích tụ sản xuất nào cũng dẫn đến TTKT. Diễn đạt một
cách cụ thể hơn, TTKT xuất hiện khi các doanh nghiệp trên thị trường thâu tóm trực
tiếp, gián tiếp tồn bộ hoặc một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp
của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát doanh nghiệp đó hoặc kết hợp tồn bộ hoặc
một phần các doanh nghiệp với nhau cùng kiểm sốt doanh nghiệp hình thành sau
kết hợp nhằm mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường sức mạnh thị
trường.
1.1.2.

Đặc điểm của tập trung kinh tế

Đặc điểm của TTKT được phân tích thơng qua khía cạnh kinh tế và pháp lý sau:
Một là, dưới góc độ kinh tế, TTKT được xem là hiện tượng bình thường trong
hoạt động kinh doanh. Các lý thuyết kinh tế đều giả thuyết rằng mọi người đều
mong muốn tăng trưởng (maximization)6. Do đó, suy cho cùng, một trong những
nguyên nhân cơ bản khiến các doanh nghiệp có xu hướng tiến hành TTKT là do
mong muốn “tăng trưởng”. Có thể thấy, bằng nhiều phương thức khác nhau như
phát triển hoạt động sản xuất, áp dụng công nghệ mới, cải tiến bộ máy quản lý, nâng
cao chất lượng sản phẩm… hay nói cách khác là thực hiện q trình “tăng trưởng
5

Nguyễn Ngọc Sơn (2006), “Kiểm soát tập trung kinh tế theo pháp luật canh tranh và vấn đề của Việt Nam”, Tạp
chí Nghiên cứu lập pháp, số 7 (79), tr. 42.
6
Lê Nết (2006), Kinh tế Luật, NXB. Tri Thức, tr. 30.


5


nội sinh”, các doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên thị
trường. Tuy vậy, quá trình tăng trưởng nội sinh sẽ phát sinh nhiều tốn kém cả về
thời gian, cơng sức lẫn chi phí nhưng lại có khả năng khơng đạt được hiệu quả nếu
các doanh nghiệp khơng có chiến lược phát triển phù hợp. Thay vào đó, khi tiến
hành tập trung theo phương thức “tăng trưởng ngoại sinh” thể hiện qua các hành vi
như sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc liên doanh, doanh nghiệp có thể phần nào
khắc phục những hạn chế nói trên. Vì vậy, TTKT là xu hướnng phát triển tất yếu
trong nền kinh tế thị trường xuất phát từ những lý do khác nhau như cạnh tranh gay
gắt, nhu cầu áp dụng công nghệ mới, nhu cầu về vốn và sức mạnh tài chính…
Mặc dù vậy, khi thực hiện quá trình TTKT, các doanh nghiệp có khả năng tiến
tới hình thành những doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, thậm
chí là doanh nghiệp độc quyền. Về vấn đề này, Joseph Stiglitz7 cho rằng trong một
nền kinh tế tồn tại những doanh nghiệp có quy mơ lớn nhỏ khác nhau, các doanh
nghiệp lớn ln có xu hướng HCCT8. Đơn giản là vì khi nắm giữ sức mạnh lớn, họ
dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận hơn là việc phải khơng ngừng vận động tìm cách sáng
tạo để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt hơn với giá rẻ hơn. Khi đã có quyền lực
thị trường trong tay (nắm giữ vị trí độc quyền hoặc ít ra là vị trí thống lĩnh), doanh
nghiệp sẽ tìm cách thu lợi nhuận một cách nhiều nhất bằng cách hạn chế sản lượng
sản xuất, tăng giá sản phẩm9. Độc quyền sẽ phá vỡ cấu trúc của thị trường, bóp méo
quy luật cung cầu, làm biến dạng thương mại. Như vậy, TTKT lúc này lại bị xem là
các hành vi của doanh nghiệp thực hiện quá trình tăng trưởng ngoại sinh gây
HCCT. Vì lẽ đó, để ổn định nền kinh tế, bảo vệ cạnh tranh trên thị trường, Nhà
nước phải tiến hành kiểm soát hành vi này, trong đó việc sử dụng các tiêu chí đánh
giá thị phần, doanh thu, sức mạnh thị trường của những doanh nghiệp thực hiện
TTKT và các tác động của vụ việc TTKT là một nhu cầu cần thiết.
Hai là, ở góc độ cạnh tranh, bản thân hành vi TTKT khơng mặc nhiên là hành

vi HCCT mà chỉ tìm ẩn nguy cơ gây HCCT. Đây được xem là hệ quả phát sinh từ
nội dung đặc điểm thứ nhất. Khi thừa nhận tác động của TTKT đối với cạnh tranh là
nguy cơ tiềm năng, việc xem xét hành vi TTKT nhất thiết cần xác định được sức
mạnh thị trường mà TTKT sẽ tạo ra và tác động của nó. Sức mạnh thị trường ở đây
có thể được tiếp cận ở hai góc độ: sức mạnh về giá và sức mạnh loại trừ. Sức mạnh
về giá là khả năng có thể gia tăng lợi nhuận từ việc tăng và duy trì mức giá cao hơn
7

Joseph Eugene Stiglitz, Ủy viên Hội Hoàng gia FBA (sinh ngày 9 tháng 2 năm 1943) là một nhà kinh tế Hoa Kỳ
và là một giáo sư tại Đại học Columbia. Ông nhận giải Nobel Kinh tế năm 2001 và giải John Bates Clark năm
1979. Ông là cựu phó chủ tịch và nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, và là cựu thành viên và Chủ tịch
của Hội đồng cố vấn kinh tế.
8
Nguyễn Hữu Huyên (2010), “Những vấn đề cơ bản của Luật Cạnh tranh”,
truy cập ngày 09/5/2019.
9
Nguyễn Hữu Huyên (2010), tlđd (8).

6


mức giá cạnh tranh hoặc khả năng kiểm soát, hạn chế sản lượng để tăng giá. Trong
khi đó, sức mạnh loại trừ là khả năng vượt trội trên thị trường để có thể thực hiện
hành vi ngăn cản, kìm hãm hay loại trừ đối thủ cạnh tranh, xâm hại trực tiếp đến cấu
trúc cạnh tranh trên thị trường10. Đây chính là lý do mà trong q trình kiểm sốt
TTKT, mối quan tâm hàng đầu của CQCT là liệu sự liên kết sau TTKT có khả năng
tạo ra doanh nghiệp thống lĩnh với sức mạnh đáng kể để dễ dàng trục lợi từ khách
hàng thông qua việc định giá cao hơn mức cạnh tranh trước đó hay khơng hay tạo ra
các rào cản ngăn cản, kìm hãm các đối thủ cạnh tranh trên thị trường hay khơng.
Ba là, nhìn nhận ở khía cạnh pháp lý, TTKT là hiện tượng thuộc về quyền tự do

của doanh nghiệp, theo các nguyên lý của kinh tế thị trường mà ở đó quyền tự do
khế ước, tự do lập hội… được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện11. Như
vậy, TTKT về bản chất là một hành vi nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp
lý trong quá trình tham gia thị trường của doanh nghiệp mà cụ thể là thực hiện trong
quá trình tự do liên kết và tích tụ tư bản. Tuy nhiên, tự do không thể hiểu là được sử
dụng mọi biện pháp hoặc thực hiện mọi hành vi. Tự do nào cũng có giới hạn. Trên
thực tế, đơi khi vì mục tiêu lợi nhuận mà doanh nghiệp vơ tình hay cố ý vượt qua
những giới hạn của sự tự do, mà cụ thể ở đây là việc họ xâm phạm đến quyền tự do
kinh doanh của các chủ thể khác hay lợi ích của người tiêu dùng. Vì vậy, TTKT
trong một số trường hợp sẽ gây ra những tác động tiêu cực cho môi trường cạnh
tranh. Lúc này, nhu cầu kiểm sốt TTKT thơng qua PLCT xuất hiện và nhiệm vụ
của pháp luật là xác định những giới hạn về quyền tự do của doanh nghiệp: doanh
nghiệp được thực hiện những vụ việc TTKT mà pháp luật không cấm. Điều này có
nghĩa là, TTKT là việc thực hiện quyền tự do của doanh nghiệp nhưng được đặt
trong sự kiểm soát của PLCT. Sự ra đời của LCT là dấu mốc quan trọng trong quá
trình xây dựng và tạo lập một hành lang pháp lý chính thức và thống nhất cho hoạt
động TTKT nói riêng và hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường
nói chung.
Như vậy, nghiên cứu về bản chất kinh tế - pháp lý của TTKT được thể hiện
thông qua khái niệm và đặc điểm của hiện tượng này đã giúp lý giải được vì sao
TTKT cần phải được PLCT các quốc gia kiểm soát. Việc thừa nhận TTKT là hành
vi bình thường của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh được pháp luật ghi
nhận và bảo đảm thực hiện nhưng đồng thời cũng tồn tại nguy cơ gây HCCT là cơ
10

Đây là cách tiếp cận của các học giả theo trường phái hậu Chicago và được xem xét nhiều hơn trên cơ sở quy
định của pháp luật chống độc quyền Hoa Kỳ. Xem: Khái niệm thống lĩnh của Giáo sư Giorgio Monti, London
School of Economic, trích theo Phùng Văn Thành (2012), “Sức mạnh thị trường đáng kể từ góc độ lý thuyết kinh
tế đến quy định của pháp luật cạnh tranh”, Bản tin Cạnh tranh và Người tiêu dùng, số 36-2012, tr. 22.
11

Nguyễn Như Phát (2007), “Các khía cạnh pháp lý về tập trung kinh tế và vai trò của cơ quan quản lý cạnh
tranh”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 4(41), tr. 14.

7


sở để pháp luật kiểm soát TTKT cần thiết được xây dựng. Nhu cầu kiểm soát TTKT
được đặt ra nhằm mục tiêu: (i) bảo vệ cạnh tranh tự do và công bằng trên thị trường;
(ii) bảo vệ các doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp
nhỏ và vừa; (iii) bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để thực hiện hiệu quả các mục
tiêu trên, hệ thống kiểm soát TTKT bắt buộc phải xây dựng được các tiêu chí kiểm
sốt TTKT dựa trên cơ sở phân tích tính chất kinh tế - pháp lý của hiện tượng
TTKT. Được xây dựng từ việc lý giải bản chất của vấn đề kết hợp với các lý thuyết
kinh tế lẫn đánh giá đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội của từng quốc gia, các tiêu
chí kiểm sốt TTKT là một trong những công cụ hữu hiệu nhất giúp CQCT đánh
giá một cách toàn diện các tác động của một vụ việc TTKT, từ đó đưa ra những
cách thức xử lý phù hợp cho từng vụ việc cũng như góp phần đảm bảo khả năng
thực thi của pháp luật kiểm soát TTKT trên thực tế.
1.2. Phân loại tập trung kinh tế
1.2.1.
Căn cứ vào cấp độ kinh doanh và ngành nghề kinh doanh
Theo cách phân loại này, TTKT được chia thành ba dạng là TTKT theo chiều
ngang, TTKT theo chiều dọc và TTKT theo đường chéo. Ở mỗi dạng TTKT khác
nhau, sự liên kết và tập trung sức mạnh thị trường được thực hiện thông qua những
cơ chế khác nhau. Cách phân loại này một mặt biểu thị mức độ hay cách thức hình
thành chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp tiến hành TTKT: liên kết giữa các đối
thủ cạnh tranh, liên kết giữa người mua – người bán, liên kết giữa các doanh nghiệp
khác nhau, khơng có mối liên hệ. Mặt khác, cách phân loại này cũng hỗ trợ các nhà
làm luật trong việc đánh giá những ảnh hưởng của từng dạng TTKT đến thị trường
từ góc độ kinh tế học, qua đó xây dựng các tiêu chí đánh giá tác động TTKT và thực

hiện kiểm soát TTKT hiệu quả hơn. Đây được xem là sự kết hợp giữa tư duy pháp
lý và tư duy kinh tế trong việc xây dựng các quy định pháp luật. Vì vậy, phân loại
TTKT căn cứ vào cấp độ kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có ý nghĩa quan
trọng đối với hoạt động nghiên cứu lập pháp, là cơ sở lý luận không thể thiếu cho
việc đánh giá và xây dựng các quy định hoặc hướng dẫn về tiêu chí đánh giá tác
động của vụ việc TTKT trong pháp luật kiểm soát TTKT.
Vấn đề này được thể hiện cụ thể như sau:
 Tập trung kinh tế theo chiều ngang
TTKT theo chiều ngang là dạng liên kết giữa các doanh nghiệp tham gia sản
xuất, cung ứng cùng một loại sản phẩm hoặc các sản phẩm tương tự nhau trong

8


cùng một khu vực địa lý nhất định, tức có cùng một thị trường liên quan12. Thuật
ngữ “theo chiều ngang” đòi hỏi các doanh nghiệp tiến hành TTKT phải nằm ở cùng
một cấp độ trong chuỗi sản xuất hay nói cách khác, đây là các đối thủ cạnh tranh
trên cùng một thị trường.
Về mặt tác động, TTKT theo chiều ngang thường được coi là dạng đáng lưu
tâm nhất của PLCT. Bởi lẽ, TTKT theo chiều ngang sẽ trực tiếp dẫn đến sự giảm đi
số lượng các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, sự
tăng lên về thị phần của doanh nghiệp được tạo ra sau TTKT đương nhiên lớn hơn
mỗi doanh nghiệp tham gia vụ TTKT trước đó. Điều này giúp cho doanh nghiệp
hình thành sau TTKT có một sức mạnh thị trường đáng kể. Cụ thể, TTKT loại này
dẫn đến hai khả năng:
Thứ nhất, TTKT theo chiều ngang dẫn đến sự thống lĩnh thị trường của một
doanh nghiệp hoặc tăng cường sức mạnh thị trường hiện hữu của doanh nghiệp này.
Lúc này, thị trường được đặc trưng bởi một doanh nghiệp duy nhất có sức mạnh thị
trường và nhiều đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn khác chỉ có thể cung cấp một phần nhỏ
trong tổng nhu cầu thị trường do bị hạn chế bởi các rào cản mở rộng thị trường mà

doanh nghiệp tham gia TTKT gây ra, bên cạnh đó, các đối thủ tiềm năng cũng sẽ
khó có cơ hội gia nhập thị trường13.
Thứ hai, trong trường hợp không tạo ra sự thống lĩnh của doanh nghiệp trên thị
trường (tùy thuộc vào “ngưỡng” xác định mức độ kiểm soát TTKT cụ thể), TTKT
dạng này vẫn đem lại mối quan ngại sâu sắc về khả năng làm tăng lên đáng kể sự
tập trung sức mạnh thị trường vào tay một doanh nghiệp, từ đó dẫn đến khả năng
HCCT bằng giá, giảm đi động lực sáng tạo, gây bất lợi cho đối thủ cạnh tranh.
Trong cả hai trường hợp, TTKT theo chiều ngang sẽ giúp cho doanh nghiệp sau
TTKT xóa bỏ sự cạnh tranh trực tiếp giữa các doanh nghiệp trước TTKT, tập trung
sức mạnh thị trường vào một doanh nghiệp sau TTKT và tạo điều kiện cho doanh
nghiệp này thực hiện những hành vi HCCT.. Suy cho cùng điều này cũng sẽ tiềm ẩn
nguy cơ phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
Chính vì được thực hiện bởi các doanh nghiệp nằm trên cùng một thị trường
liên quan nhằm mục đích củng cố sức mạnh thị trường nên thơng thường để kiểm
sốt TTKT dạng này, CQCT các quốc gia trước hết thường ưu tiên sử dụng tiêu chí
thị phần và mức độ tập trung thị trường để xác định vị trí của các doanh nghiệp
12

Thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.
Trong đó, thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về
đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng
hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng
kể với các khu vực địa lý lân cận. (Điều 9 LCT 2018).
13
Australia Competition and Consumer Commission (2017), Merger Guidelines 2008, updated 2017, para 5.7.

9


TTKT và tình trạnh cạnh tranh của thị trường. Chẳng hạn, theo Hướng dẫn sáp nhập

của Úc, cách xác định ngưỡng thông báo đơn giản là dựa vào thị phần, thị phần sẽ
được xác định phụ thuộc vào thị trường liên quan14. Hướng dẫn sáp nhập ngang của
EU cũng ghi nhận thị phần và mức độ tập trung cung cấp thơng tin hữu ích ban đầu
để xác định cấu trúc thị trường và mức độ cạnh tranh giữa các bên thực hiện TTKT
và các đối thủ cạnh tranh của họ15. Không chỉ vậy, để đánh giá tác động hạn chế
hoặc khả năng gây HCCT của dạng TTKT này, một số tiêu chí giúp đánh giá sức
mạnh thị trường sau đây cũng có thể được xem xét sử dụng, ví dụ: khả năng tài
chính của doanh nghiệp, rào cản gia nhập thị trường, khả năng tăng giá sản phẩm,
khả năng khách hàng chuyển sang nhà cung cấp khác16.
 Tập trung kinh tế theo chiều dọc
TTKT theo chiều dọc được thực hiện bởi các doanh nghiệp ở các cấp độ khác
nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm. Nói cách khác, quan hệ
giữa các doanh nghiệp theo dạng này là quan hệ người mua – người bán. Chẳng
hạn, TTKT giữa doanh nghiệp sản xuất bia và doanh nghiệp phân phối bia.
Ở khía cạnh tác động, bên cạnh làm giảm chi phí giao dịch, một số chi phí khác
và giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung ứng, tiêu thụ, TTKT theo chiều dọc
cũng mang lại một số hạn chế cho cạnh tranh đáng được quan tâm17. Tuy không
trực tiếp làm giảm số luợng đối thủ cạnh tranh trên thị truờng liên quan như TTKT
theo chiều ngang song TTKT dạng này vẫn có khả năng gây ra những quan ngại
đáng kể đối với cạnh tranh trên thị trường ở một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, TTKT theo chiều dọc có thể tạo ra sự “đóng cửa” (foreclosure) đối
với thị trường hoặc nguồn cung cấp cho các đối thủ cạnh tranh18, đặc biệt là khi
doanh nghiệp tham gia TTKT có sức mạnh thị trường đối với một hoặc một số cấp
độ trong chu trình sản xuất và phân phối19.
Thứ hai, TTKT trong trường hợp này cũng có thể dẫn đến khả năng các doanh
nghiệp khác rút lui khỏi hoặc không thể gia nhập vào thị trường có sự TTKT theo
chiều dọc. Cách thức TTKT dạng này dẫn đến: (i) hạn chế khả năng tham gia thị
14

Australia Competition and Consumer Commission (2017), tlđd (13), para 2.19.

European Commission (2004), Guidelines on assessment of horizontal merger under the Council Regulation on
the control of concentrations between undertakings (2004/C 31/03), para 14.
16
Đây là các tiêu chí được sử dụng ở EU, Úc và Hoa Kỳ được ghi nhận trong Hướng dẫn sáp nhập và được tác giả
tổng hợp lại.
17
Hà Ngọc Anh (2018), Pháp luật kiểm soát tập trung kinh tế ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại
học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr. 76.
18
James Langenfeld (2016), “The need to revise the U.S. non-horizontal merger guidelines”, Concurrences, N°4 2016, tr. 56.
19
Có thể thấy rằng, khi một doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đối với một sản phẩm nhất định, doanh nghiệp
có thể tận dụng quyền lực này để gây sức ép đối với thị trường, với những người cung ứng hoặc những người tiêu
thụ, từ đó gây khó khăn cho những doanh nghiệp cạnh tranh khác. Xem John C Cook and Christophe S Kerse
(2006), “EC Merger Control”, Sweet & Maxwell, tr. 7-20.
15

10


trường của các doanh nghiệp mới. TTKT theo chiều dọc sẽ dẫn đến khó khăn cho
những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường bởi nhu cầu tài chính và bí quyết kỹ
thuật sẽ cao hơn đối với họ; (ii) khả năng loại bỏ các đối thủ cạnh tranh khỏi thị
trường. Điều này tương tự như tác động của hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường.
Việc xây dựng ngưỡng thông báo kiểm sốt TTKT theo chiều dọc khơng thể chỉ
căn cứ vào thị phần kết hợp vì lúc này các doanh nghiệp không cùng nằm trên một
thị trường liên quan. Thay vào đó, các tiêu chí doanh thu, tổng tài sản của một hoặc
các bên tham gia TTKT hoặc giá trị giao dịch sẽ được cân nhắc lựa chọn để xác
định những vụ việc TTKT phải thông báo. Bên cạnh đó, các yếu tố như mối quan hệ
giữa các bên trong chuỗi sản xuất - cung ứng; phản ứng của các doanh nghiệp cung

ứng đầu vào hay của khách hàng trước khả năng tăng giá; khả năng kiểm soát yếu tố
đầu vào; rào cản gia nhập, mở rộng thị trường; tỷ lệ các doanh nghiệp bị “đóng cửa”
và các doanh nghiệp cịn tồn tại sau TTKT là các tiêu chí có thể được sử dụng để
đánh giá tác động HCCT của TTKT theo chiều dọc20.


Tập trung kinh tế theo đường chéo

TTKT theo đường chéo được thực hiện bởi các doanh nghiệp có hoạt động sản
xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau, hay nói cách khác, đây là trường
hợp TTKT giữa các doanh nghiệp không cùng hoạt động trên một thị trường sản
phẩm đồng thời cũng khơng có mối liên hệ người bán - khách hàng với nhau.
Xét về khía cạnh tác động đối với cạnh tranh, TTKT theo đường chéo thường ít
nghiêm trọng hơn so với hai dạng còn lại. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của TTKT
theo đường chéo có thể được đánh giá ở hai khía cạnh, bao gồm:
Thứ nhất, TTKT theo đường chéo có thể gây HCCT thông qua việc gây sức ép
với các doanh nghiệp cung ứng hoặc tiêu thụ khác. Một doanh nghiệp sau TTKT
theo đường chéo có thể sử dụng sức mạnh thị trường của mình để loại bỏ sự cạnh
tranh tại những thị trường gần gũi hoặc có liên hệ với một thị trường chủ yếu nào đó
bằng việc thực hiện các hành vi HCCT như bán kèm, trợ cấp chéo hoặc định giá
“hủy diệt” tại những thị trường đó, điều này hồn tồn có khả năng xảy ra với
những thị trường có liên quan đến nhau21;
Thứ hai, trong TTKT theo đường chéo, doanh nghiệp có thể gia tăng sức mạnh
thị trường thông qua việc cung cấp đa dạng các loại sản phẩm ở nhiều thị trường
khác nhau hoặc thu được những lợi thế cạnh tranh từ các doanh nghiệp khác khi tiến
hành TTKT. Điều này làm giảm năng lực, động lực cạnh tranh của các đối thủ trên

20
21


Tác giả tổng hợp từ kinh nghiệm của pháp luật Việt Nam, Hoa Kỳ, EU, Úc.
Hà Ngọc Anh (2018), tlđd (16), tr. 79

11


thị trường, từ đó dẫn đến khả năng loại bỏ các doanh nghiệp ra khỏi các thị trường
có liên quan.
Tương tự như TTKT theo chiều dọc, TTKT theo đường chéo không diễn ra
giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan nên các tiêu chí doanh thu,
tổng tài sản của một hoặc các bên tham gia TTKT và giá trị giao dịch sẽ được cân
nhắc lựa chọn để tính tốn ngưỡng thơng báo thay vì sử dụng thị phần kết hợp. Bên
cạnh đó, để đánh giá tác động của TTKT dạng này hiệu quả, CQCT các quốc gia
thường quan tâm đến các tiêu chí như lợi thế cạnh tranh do TTKT mang lại, phản
ứng của khách hàng về các sản phẩm, đặc điểm cạnh tranh của từng ngành, lĩnh vực
có liên quan, khả năng loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác mở rộng, gia nhập
thị trường.
1.2.2.

Căn cứ vào hình thức biểu hiện

TTKT theo cách phân loại này bao gồm các hình thức: sáp nhập, hợp nhất, mua
lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp. Việc phân loại dựa vào hình thức biểu hiện
giúp mơ tả chi tiết cách thức doanh nghiệp thực hiện hành vi liên kết với nhau và
cấu trúc giao dịch, từ đó đánh giá được mức độ liên kết của vụ việc TTKT là chặt
chẽ hay không, giá trị của giao dịch là lớn hay nhỏ (liên kết bằng một phần hay toàn
bộ tài sản). Do vậy, đây là cách phân loại được đa số quốc gia sử dụng để xác định
phạm vi điều chỉnh của pháp luật kiểm soát TTKT22 đồng thời đây cũng là cơ sở để
CQCT xem xét vụ việc TTKT theo hướng đánh giá cách thức hình thành doanh
nghiệp sau TTKT, từ đó có thể áp dụng những biện pháp khắc phục tương ứng (như

buộc chia, tách, khơi phục lại tình trạng ban đầu,…).
Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ
tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang một doanh nghiệp khác, đồng thời
chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập23.
Theo tinh thần đó, doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ tiếp tục tồn tại trên cơ sở tiếp
nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích của doanh nghiệp bị sáp nhập trong
khi doanh nghiệp bị sáp nhập chấm dứt tồn tại hoặc hoạt động kinh doanh.

22

Chẳng hạn, các quy định về kiểm soát TTKT trong Luật Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc được áp dụng đối với
các hình thức mua lại, sáp nhập và liên doanh; hoặc các hình thức TTKT được xác định trong Luật Chống độc
quyền Trung Quốc bao gồm: sáp nhập các doanh nghiệp; một doanh nghiệp giành được quyền kiểm soát đối với
một hoặc nhiều doanh nghiệp khác bằng cách mua lại cổ phần hoặc tài sản; một doanh nghiệp mua lại quyền kiểm
soát hoặc có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của một hoặc nhiều doanh nghiệp thông qua hợp đồng
hoặc bất kỳ hình thức nào khác; hoặc theo mục 54(2) LCT Singapore, các giao dịch sáp nhập, mua lại và liên
doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này nếu rơi vào một số trường hợp nhất định,… Xem thêm: Bộ Công
Thương (2017), Báo cáo kinh nghiệm quốc tế: So sánh pháp luật cạnh tranh một số nước trên thế giới, Hà Nội, tr.
78, 81, 82.
23
Khoản 2 Điều 29 LCT 2018.

12


Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ
tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình hình thành một doanh nghiệp
mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh
nghiệp bị hợp nhất24.
Dưới góc độ pháp luật chống HCCT, việc hợp nhất khá tương đồng với sáp

nhập vì hai hình thức này đều là kết quả của việc tổ chức lại doanh nghiệp nhằm
hình thành một chủ thể có sức mạnh thị trường lớn hơn dựa trên thế mạnh của các
doanh nghiệp tham gia. Song khác với sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp dẫn đến
việc hình thành một doanh nghiệp mới được hưởng tất cả các quyền và lợi ích hợp
pháp của các doanh nghiệp tham gia hợp nhất và các doanh nghiệp bị hợp nhất sẽ
chấm dứt sự tồn tại hoặc hoạt động kinh doanh của mình.
Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn
bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối
doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại25.
Như vậy, mua lại doanh nghiệp có thể là mua lại một phần hoặc tồn bộ phần vốn
góp, tài sản của doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, doanh nghiệp
mua và doanh nghiệp bị mua vẫn cùng tồn tại song song sau khi hành vi mua lại doanh
nghiệp diễn ra mà không doanh nghiệp nào phải chấm dứt sự tồn tại.

Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng
nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình
thành một doanh nghiệp mới26.
Đối với hình thức liên doanh, các doanh nghiệp tham gia liên doanh chỉ góp
một phần tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của mình để thành lập một doanh
nghiệp mới mà khơng chuyển tồn bộ tài sản của mình để thành lập doanh nghiệp
mới như hình thức hợp nhất doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mặc dù có sự hiện diện của
doanh nghiệp mới nhưng doanh nghiệp này có địa vị pháp lý độc lập với các chủ sở
hữu của nó, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tham gia liên doanh và doanh nghiệp
thành lập sau liên doanh đều cùng tồn tại song song trên thị trường mà không doanh
nghiệp nào phải chấm dứt hoạt động.
Đánh giá về mức độ liên kết của giao dịch, hình thức sáp nhập và hợp nhất
doanh nghiệp có tính liên kết chặt chẽ hơn so với hai hình thức cịn lại. Bởi lẽ lúc
này, một trong các bên hoặc cả hai bên trong giao dịch phải chấm dứt sự tồn tại của
mình để thực hiện việc chuyển hóa từ hai tổ chức riêng lẻ kết hợp lại hình thành
24


Khoản 3 Điều 29 LCT 2018.
Khoản 4 Điều 29 LCT 2018.
26
Khoản 5 Điều 29 LCT 2018.
25

13


một tổ chức có quy mơ và sức mạnh lớn hơn nhiều so với khi hoạt động riêng lẻ.
Trong khi đó, ở hình thức mua lại và liên doanh lại khơng có sự chuyển hóa này,
các doanh nghiệp vẫn tồn tại song song mà không chấm dứt hoạt động. Do vậy, các
giao dịch sáp nhập và hợp nhất nên được kiểm sốt bằng các tiêu chí giúp đánh giá
được quy mô của các doanh nghiệp tham gia TTKT như thị phần, doanh thu, tổng
tài sản để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của hoạt động kiểm soát.
Về mặt cấu trúc giao dịch, khác với việc liên kết bằng tồn bộ tài sản, quyền,
nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp trong sáp nhập và hợp nhất, đối với hình thức liên
doanh hay mua lại doanh nghiệp, các bên tham gia chỉ thực hiện TTKT bằng một
phần hoặc toàn bộ tài sản, vốn góp. Lúc này, điều CQCT cần quan tâm hơn không
phải là quy mô của doanh nghiệp tham gia là như thế nào mà sẽ là quy mô của giao
dịch là một phần hay toàn bộ tài sản và giá trị giao dịch lớn đến mức nào. Do vậy,
để kiểm sốt hiệu quả đối với hình thức liên doanh và mua lại doanh nghiệp, pháp
luật kiểm soát TTKT thường sử dụng tiêu chí giá trị giao dịch giữa các bên tham gia
TTKT.
1.3. Cách thức kiểm soát việc tập trung kinh tế
Về nguyên tắc, pháp luật kiểm soát TTKT được hình thành khơng nhằm cấm
đốn tất cả các trường hợp TTKT. Thay vào đó, hoạt động này hướng đến mục tiêu
kiểm sốt hiệu quả các giao dịch TTKT có khả năng đe dọa đến trật tự cạnh tranh
trên thị trường thơng qua q trình dự đốn, đánh giá các tác động của vụ việc

TTKT bằng hệ thống các tiêu chí kiểm sốt TTKT. PLCT các quốc gia sẽ xây dựng
một cơ chế kiểm soát TTKT phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của
từng quốc gia. Tựu chung lại, việc kiểm soát TTKT của đa số các nước trên thế giới
được chia thành ba nhóm với cách thức xử lý khác nhau: (i) Nhóm TTKT được tự
do thực hiện, (ii) Nhóm TTKT cần thực hiện thủ tục thơng báo và (iii) Nhóm TTKT
bị cấm thực hiện.
1.3.1.

Nhóm tập trung kinh tế được tự do thực hiện

Trước tiên cần phải khẳng định một lần nữa, không phải vụ việc TTKT nào
cũng gây nguy hại cho thị trường. Pháp luật chỉ kiểm soát các vụ việc mà CQCT
cho rằng chúng gây HCCT hoặc có nguy cơ gây HCCT. Do vậy, khi TTKT không
gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh cũng như không gây thiệt hại
cho người tiêu dùng, cho xã hội thì sẽ được cho phép tự do thực hiện.
Giải thích một cách cụ thể hơn, sự tự do này thể hiện ở chỗ, doanh nghiệp được
tiến hành TTKT mà không cần trải qua bất kỳ thủ tục thông báo hay cần bất kỳ chấp
thuận nào từ cơ quan nhà nước. Cơ sở để xác định đâu là trường hợp TTKT được tự
do thực hiện ở các quốc gia thông thường dựa trên các ngưỡng an toàn hoặc ngưỡng
14


kiểm soát. Những vụ việc TTKT khi chưa đến ngưỡng quy định sẽ được xem là
khơng có tác động HCCT đáng kể và được tự do tiến hành một cách tự động mà
không cần đăng ký, thông báo hay xin phép. Trong những trường hợp như vậy, vụ
việc TTKT được nhìn nhận dưới góc độ tái cấu trúc doanh nghiệp và tuân theo các
quy định về thủ tục pháp luật khác có liên quan27, ví dụ thủ tục đăng ký thành lập
doanh nghiệp, đăng ký đầu tư.... Mặc dù vậy, đơi khi việc xác định tiêu chí và tính
tốn ngưỡng thơng báo có thể khơng chính xác vì một số lý do khách quan như
thiếu số liệu, số liệu ảo hoặc cách doanh nghiệp tính tốn khác với hướng dẫn của

CQCT,… dẫn đến thực tế vụ việc TTKT vượt ngưỡng thơng báo thì doanh nghiệp
tham gia TTKT vẫn có khả năng phải chịu sự điều chỉnh hoặc chế tài xử phạt từ
phía CQCT ở giai đoạn kiểm tra sau khi giao dịch TTKT hồn tất.
1.3.2.

Nhóm tập trung kinh tế cần thực hiện thủ tục thông báo

Khác với những vụ TTKT được tự do thực hiện, nhóm TTKT cần thực hiện thủ
tục thơng báo chỉ có thể tiến hành sau khi trải qua một số thủ tục thông báo nhất
định. Đây là những giao dịch TTKT đã vượt quá ngưỡng thông báo nhưng chưa đến
mức bị cấm hoàn toàn theo quy định và do đó phải tiến hành thủ tục này. Các
trường hợp TTKT trong nhóm này có thể tiềm ẩn khả năng gây nguy hại cho môi
trường cạnh tranh và tác động đến lợi ích xã hội. Do vậy, một trong những nội dung
trọng tâm của pháp luật về kiểm sốt TTKT là xây dựng các tiêu chí cụ thể hỗ trợ
CQCT nhận diện những vụ việc có khả năng gây ra lo ngại về mặt cạnh tranh, yêu
cầu những doanh nghiệp liên quan tiến hành thông báo. Các tiêu chí này tạo thành
khái niệm “ngưỡng thơng báo TTKT”. Ngưỡng thông báo TTKT cần phải đáp ứng
các yêu cầu sau: (i) phải rõ ràng, cụ thể, dễ nắm bắt và có thể dự báo; (ii) phải dựa
trên các tiêu chí định lượng khách quan và có thể tính tốn được (như thị phần trên
thị trường liên quan, doanh thu, doanh số, giá trị tài sản); (iii) phải dựa trên các
thông tin mà các bên tham gia TTKT cũng như CQCT có thể dễ dàng tiếp cận; (iv)
phải đảm bảo khơng bỏ sót những vụ việc thực sự có tác động HCCT; (vi) ngưỡng
thơng báo TTKT cần phải tính tốn dựa trên quy mô nền kinh tế và năng lực hoạt
động, thực thi pháp luật của CQCT28.
Kinh nghiệm một số quốc gia cho thấy, PLCT có thể áp dụng một trong số các
cách thức sau: (i) Xây dựng một ngưỡng thị phần, có thể là thị phần kết hợp dựa
trên tổng thị phần của các doanh nghiệp tham gia TTKT. Căn cứ vào đó các doanh
nghiệp tiến hành TTKT sẽ tự mình xem xét, tính tốn tổng thị phần và trên cơ sở đó
sẽ khơng thơng báo (nếu tổng thị phần dưới ngưỡng thị phần quy định) hoặc thông
27


Trần Thị Thu Phương (2014), “Một số vấn đề về kiểm soát tập trung kinh tế của pháp luật Việt Nam và kinh
nghiệm chung từ một số quốc gia”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 4 - 2014, tr. 46.
28
Hà Ngọc Anh (2018), tlđd (16), tr. 83.

15


báo (nếu tổng thị phần trên ngưỡng thị phần quy định). Chẳng hạn, theo LCT 2004,
tất cả trường hợp TTKT mà doanh nghiệp tham gia có thị phần kết hợp từ 30% đến
50% trên thị trường liên quan thì phải thông báo cho CQCT29; (ii) Thiết lập ngưỡng
thông báo dựa trên các tiêu chí như giá trị giao dịch TTKT hoặc doanh thu, giá trị
tài sản của một trong các bên tham gia giao dịch TTKT. Đây là cách thức được
nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn thực hiện. Cụ thể, theo khảo sát của OECD,
trong số 29 thành viên OECD có hệ thống thơng báo bắt buộc, 75% quốc gia thành
viên áp dụng ngưỡng thông báo chỉ dựa trên tài sản hoặc doanh thu, 7% dựa vào
quy mô hoặc giá trị của giao dịch. Trong số 16 quốc gia không là thành viên OECD
được xem xét với các hệ thống thông báo bắt buộc, hai phần ba trong số này áp
dụng ngưỡng thông báo chỉ dựa trên tài sản hoặc doanh thu doanh nghiệp tham gia
TTKT30.
Khác với nhóm TTKT được thực hiện tự do khi việc TTKT có thể thực hiện
theo cơ chế tự động, nhóm TTKT phải tiến hành thông báo chỉ được phép thực hiện
khi CQCT khơng có ý kiến phản đối trong thời hạn luật định hoặc ra quyết định cho
phép tiến hành TTKT. Ngược lại, vụ TTKT sẽ không được thực hiện nếu CQCT
ban hành văn bản trả lời doanh nghiệp không được tiến hành TTKT.
1.3.3.

Nhóm tập trung kinh tế bị cấm thực hiện


1.3.3.1.

Tập trung kinh tế bị cấm nhưng được cho hưởng miễn trừ

Miễn trừ là thủ tục CQCT cho phép các bên thực hiện TTKT thuộc diện pháp
luật ngăn cấm được hưởng ngoại lệ có thời hạn hoặc có kèm những nhiều kiện nhất
định.
Các quy định về miễn trừ của mỗi quốc gia thể hiện chính sách, quan điểm của
họ đối với một số trường hợp nhất định. Chẳng hạn, LCT của Canada quy định
trường hợp miễn trừ đối với các vụ sáp nhập và mua lại mặc dù có thể làm giảm
đáng kể cạnh tranh nhưng cũng bù đắp lại hiệu quả kinh tế và có khả năng mang lại
lợi ích cho tồn bộ nền kinh tế ,vì một trong những mục tiêu chính của LCT Canada
là thúc đẩy hiệu quả kinh tế31. Tại Nhật Bản, các trường hợp miễn trừ đối với nhóm
TTKT bị cấm được quy định trong Luật Chống độc quyền sửa đổi bao gồm ba
trường hợp: trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (Điều 21), trong lĩnh vực hợp tác (Điều 22)
và trong lĩnh vực giá bán lại để duy trì hợp đồng (Điều 23)32. Việc cho phép hưởng
29

Điều 20 LCT 2004.
Xem thêm: OECD (2016), “Local Nexus and Jurisdictional thresholds in Merger control”, Documents for the
123rd meeting of the OECD Working Party No. 3 on Co-operation and Enforcement, tr. 17.
31
UNCTAD (2002), “Application of Competition Law: Exemptions and Exceptions”, Document
UNCTAD/DITC/CLP/Misc.25, tr. 17.
32
Xem thêm Chương VI: Miễn trừ, Luật Chống độc quyền Nhật Bản,
truy cập ngày 09/5/2019.
30

16



miễn trừ nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh tự do và công bằng, sự sáng
tạo của doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh, nâng cao thu nhập quốc dân, thơng
qua đó thúc đẩy sự phát triển dân chủ và toàn diện của nền kinh tế cũng như bảo
đảm lợi ích của người tiêu dùng nói chung được quy định tại Điều 1 Luật này33.
Cơ chế hưởng miễn trừ xuất phát từ các luận điểm cơ bản của kinh tế học. Cụ
thể, khi phân tích bản chất kinh tế của TTKT, các nhà kinh tế đã chứng minh rằng
có nhiều trường hợp xét về hình thức, hành vi TTKT của doanh nghiệp đã đủ dấu
hiệu kết luận là bị cấm song chúng lại đem đến các tác động tích cực cho sự phát
triển kinh tế - xã hội nên vẫn được xem xét cho phép tiến hành. Lúc này, lý thuyết
kinh tế về tính hiệu quả đã được đặt ra trong lý luận khoa học pháp lý về lĩnh vực
cạnh tranh34.
Xem xét vấn đề miễn trừ đối với các trường hợp TTKT bị cấm, cần lưu ý rằng:
Thứ nhất, khi thỏa mãn đủ điều kiện hưởng miễn trừ, TTKT rơi vào trường
hợp bị cấm sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và ra quyết định cho
hưởng miễn trừ. Tức là, việc miễn trừ này không được xem là mặc nhiên xảy ra khi
thỏa mãn các điều kiện luật định về mặt nội dung mà cần có sự chấp thuận từ các cơ
quan quản lý nhà nước.
Thứ hai, thủ tục miễn trừ mang bản chất của một thủ tục hành chính thực hiện
theo quy định của PLCT.
Thứ ba, quyết định cho hưởng miễn trừ khơng có giá trị vĩnh viễn. Điều này
nghĩa là, quyết định này chỉ có giá trị trong một thời hạn nhất định và có thể bị xem
xét lại hoặc bị bãi bỏ.
1.3.3.2.

Tập trung kinh tế bị cấm khơng có ngoại lệ

Nhóm TTKT bị cấm khơng có ngoại lệ là những trường hợp TTKT nằm ngồi
những nhóm đã trình bày trên. Những vụ TTKT thuộc nhóm này đều bị cấm tiến

hành hoặc nếu tiến hành thì mặc nhiên vơ hiệu tuyệt đối. Mục tiêu của quy định này
là nhằm ngăn cản việc tích tụ, tập trung của các doanh nghiệp dẫn đến hệ quả hình
thành một doanh nghiệp khống chế được thị trường từ đó có đủ khả nặng thực hiện
những hành vi HCCT. Chính vì điều này, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều
quy định cấm các trường hợp TTKT gây hạn chế hoặc có khả năng gây HCCT một
cách đáng kể trên thị trường. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ, Mục 7 Đạo luật Chống độc
quyền Clayton nghiêm cấm bất kỳ giao dịch sáp nhập nào có khả năng gây HCCT

33
34

Điều 1, Luật Chống độc quyền Nhật Bản, tldđ (30).
Nguyễn Ngọc Sơn (2006), Tlđd (5), tr. 47

17


một cách đáng kể hoặc hình thành các doanh nghiệp độc quyền35. Tại Việt Nam,
Điều 30 LCT 2018 quy định TTKT bị cấm khi doanh nghiệp thực hiện TTKT gây
tác động hoặc có khả năng gây tác động HCCT một cách đáng kể trên thị trường
Việt Nam.
Việc đánh giá tác động của vụ việc TTKT để xác định khả năng gây hại cho
cạnh tranh thường dựa trên cơ sở của nguyên tắc hợp lý (rule of reasoning)36. Như
đã trình bày, về bản chất, TTKT bên cạnh việc tìm ẩn khả năng gây HCCT thì vẫn
có thể mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định và do vậy, một số hành vi TTKT
sẽ vừa có tác động tích cực lẫn tác động tiêu cực đến cạnh tranh và thị trường. Nếu
lợi ích, hiệu quả mà TTKT mang lại lớn hơn tác động HHCT thì hành vi TTKT sẽ
khơng bị cấm và ngược lại. Vì vậy, CQCT các quốc gia sẽ sử dụng một loạt các tiêu
chí đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của vụ việc TTKT. Việc đánh giá này dựa
trên cơ sở xem xét một cách tổng thể trong mối tương quan giữa các tiêu chí37.

1.4.

Khái qt các tiêu chí kiểm sốt tập trung kinh tế

1.4.1.

Một số tiêu chí kiểm sốt tập trung kinh tế được sử dụng phổ biến

Để kiểm soát TTKT hiệu quả, việc xác định ngưỡng thông báo cũng như đánh
giá và kết luận một vụ TTKT có gây những tác động tiêu cực đến môi trường cạnh
tranh hay không cần dựa trên những tiêu chí nhất định. Loại tiêu chí, số lượng và
cách thức áp dụng từng tiêu chí ở mỗi quốc gia sẽ khác nhau tùy thuộc vào điều
kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của mỗi nước.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy một số tiêu chí sau thường được sử dụng
làm căn cứ xác định ngưỡng thông báo TTKT và đánh giá tác động của vụ việc
TTKT.
(i) Thị phần kết hợp của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế 38
Thị phần được hiểu đơn giản nhất là phần thị trường doanh nghiệp chiếm được
bằng việc sản xuất, mua bán hay cung ứng hàng hóa, dịch vụ và được tính bằng đơn
vị phần trăm. Thị phần kết hợp của doanh nghiệp có thể được sử dụng cho việc xác
định ngưỡng thông báo TTKT lẫn đánh giá tác động của vụ việc TTKT. Thị phần
được tính tốn dựa trên cơ sở doanh số bán ra, thu vào hoặc cũng có thể căn cứ vào

35

OECD (2016), “Agency decision-making in Merger cases: From a prohibition decision to a conditional
clearance”, Document DAF/COMP/WP3/WD(2016)72, para 3, tr. 7
36
Nguyễn Hữu Huyên (2010), Tlđd (8).
37

Bùi Nguyễn Anh Tuấn (2017), “Đánh giá tác động cạnh tranh trong vụ việc tập trung kinh tế”, Tham luận trình
bày tại Hội thảo Góp ý Dự thảo LCT (sửa đổi) do Cục QLCT tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 5/2017.
38
Úc: sử dụng tiêu chí thị phần của bên mua trước khi sáp nhập; Nhật Bản: tổng doanh thu và thị phần của một bên
trong giao dịch, Singapo: sử dụng thị phần của bên sáp nhập.

18


số đơn vị hàng hóa, dịch vụ được bán ra, thu vào. CQCT căn cứ vào đặc điểm, tính
chất của thị trường liên quan để lựa chọn phương pháp tính tốn thị phần phù hợp39.
Thị phần là tiêu chí mang tính chất “kinh tế” gắn với các hình thức giao dịch
cho thấy khả năng gây tác động hoặc thay đổi cấu trúc thị trường của giao dịch
TTKT. Sử dụng tiêu chí thị phần cho phép CQCT có thể nhìn nhận chính xác nhất
cấu trúc thị trường, tương quan sức mạnh thị trường của các doanh nghiệp, sự thay
đổi trong cấu trúc thị trường hoặc mức độ tập trung của thị trường. Do đó, tiêu chí
này cho phép CQCT xác định chính xác hơn các giao dịch có khả năng gây HCCT.
Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, ngưỡng TTKT sử dụng tiêu chí thị phần đã gây ra
rất nhiều khó khăn và chi phí khơng cần thiết. Hầu hết các CQCT sử dụng tiêu chí
thị phần đều kết luận rằng lợi ích của ngưỡng thơng báo TTKT dạng này khơng thể
bù đắp lại những khó khăn và chi phí mà chúng gây ra. Hệ thống thông báo TTKT
sử dụng tiêu chí thị phần có thể gây ra rủi ro pháp lý và kéo dài thời gian xử lý vụ
việc, đặc biệt là công đoạn xác định thị trường liên quan và thị phần kết hợp của
doanh nghiệp tham gia TTKT vì nó giả định trước rằng một sản phẩm và thị trường
địa lý được xác định là đúng và rất khó để kiểm tra tính phù hợp của giả định nếu
khơng có hướng dẫn chi tiết từ CQCT. Do đó, các tài liệu tổng hợp kinh nghiệm
thực thi quy định về TTKT của các tổ chức quốc tế như ICN, OECD đều không ủng
hộ việc áp dụng hệ thống thông báo TTKT sử dụng tiêu chí thị phần. Mặc dù thừa
nhận ưu điểm của tiêu chí này nhưng các quốc gia tiến hành sửa đổi quy định PLCT
trong thời gian gần đây đều quyết định sử dụng các tiêu chí khách quan khác và

nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định một ngưỡng thông báo TTKT phù
hợp40.
(ii) Doanh thu của các doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế41
Doanh thu của doanh nghiệp là toàn bộ số tiền sẽ thu được do tiêu thụ sản
phẩm, cung cấp dịch vụ, hoạt động tài chính và các hoạt động khác của doanh
nghiệp. Doanh thu thể hiện vị trí, thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên
quan. Chính vì vậy, doanh thu trở thành một trong những tiêu chí được nhiều quốc
gia sử dụng để xây dựng ngưỡng kiểm soát TTKT.
Đa phần các quốc gia sử dụng tiêu chí doanh thu trên thị trường nội địa để xác
định ngưỡng thông báo TTKT. Trong khi đó, một số khác lại sử dụng ngưỡng thông
báo kép, bao gồm cả hai chỉ tiêu là doanh thu trên thị trường nội địa và doanh thu
39

Ủy ban Thường vụ Quốc Hội (2017), Báo cáo Báo cáo số 277/BC-UBTVQH14 về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh
lý Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Hà Nội, tr.11
40
Bộ Công thương (2012), Báo cáo rà soát các quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam, Hà Nội, tr. 93.
41
Pháp, EU, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia đều sử dụng doanh thu làm tiêu chí kiểm sốt
TTKT.

19


×