Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Cây Hồ Tiêu pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (273.8 KB, 6 trang )

Phòng Trừ Sâu Bệnh Hại Cây Hồ Tiêu
Việt Nam hiện nay đã là một trong
những nước có sản lượng tiêu xuất
khẩu đứng vào tốp dẫn đầu của các
nước có xuất khẩu hồ tiêu trên thế
giới. Điều tra tại nhiều địa phương
có trồng tiêu như ở Quảng Trị, Bà
Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk đã có nhiều
điển hình trên qui mô lớn (nông trường) và kinh tế hộ tư nhân đã đạt
năng xuất từ 3- 4 tấn tiêu khô/ha. Đây là mức năng xuất cao và đáng
tự hào đối với nghề trồng tiêu ở Việt nam so với các nước có truyền
thống trồng hồ tiêu lâu đời trên thế giới. Điển hình là ở đảo Phú Quốc
nơi có 400 ha cây hồ tiêu trong độ tuổi kinh doanh đã thu mỗi năm
gần 2.000 tấn tiêu khô. Nông trường Sơn Thành Phú Yên đã đạt năng
xuất bình quân 3 tấn/ha trên diện tích 200 ha và cho tiêu leo lên cây
choái sống. Tại huyện Chư Xê Gia Lai, Đắk Lấp Đắk Nông có nhiều
gia đình đạt năng xuất từ 4- 5 tấn /ha. Điều trở ngại và thách thức lớn
nhất đối với những người trồng tiêu là tác hại của sâu bệnh. Một số
loại sâu bệnh đã làm hủy diệt các vườn tiêu ở một số địa phương như
Phú Yên, Quảng Trị, ĐắkLắk , Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương,
Phú Quốc . . . ngay cả trong thời kỳ kinh doanh thậm chí chỉ trong
một thời gian rất ngắn đã làm cho vườn tiêu bị chết. Hiện tượng này
không những xảy ra ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới cũng
như vậy. Mới đây thiệt hại do sâu bệnh gây ra ở tỉnh Đắk Nông đã
làm thất thu tới 400 tỷ đồng. Bài viết này chỉ xin giới thiệu một số loại
sâu bệnh nguy hiểm nhất và cách phòng trừ để những người trồng tiêu
có thêm những hiểu biết cần thiết và vận dụng vào trong việc chăm
sóc, bảo vệ các vườn tiêu của mình nhằm tránh những thiệt hại đáng
tiếc có thể xảy ra mà mình không lường trước được.
1- Bệnh chết nhanh (còn gọi là bệnh chết ẻo, bệnh chết đột tử
(Sdently dead) bệnh này do một loại nấm thường có mặt ở trong đất


gây nên. Khi gốc tiêu bị ngập nước thì nấm xâm nhập vào hủy hoại
các mô của bộ rễ, làm cho rễ thâm đen, bị nặng có mùi hôi thối. Loại
nấm gây nên bệnh này có tên khoa học là Phytophthora spp gây ra.
Biện pháp phòng trừ tốt nhất ta chọn đất trồng hồ tiêu ở những nơi
thoát nước. Tuyệt đối không để cho cây hồ tiêu bị ngập úng trong
mùa mưa. Nước là thủ phạm để cho nguồn bệnh di chuyển và xâm
nhập hủy hoại bộ rễ làm cho cây bị chết rất nhanh chỉ sau từ một đến
hai tuần lễ khi cây đã bị bệnh thì không thể cứu chữa được vì vậy
phương châm phòng bệnh là chính.
2 - Bệnh vàng lá:
Gây nên hiện tượng vàng lá thì có nhiều loại vi sinh vật trong
đất. Những loại chủ yếu cần phải kể đến là:
+ Bệnh vàng lá chết chậm (còn gọi là bệnh tiêu sầu) do một số
loại tuyến trùng gây hại trong đó phải kể đến loại tuyến trùng gây
nốt sần sưng u ở trên rễ có tên khoa học là Meloidogyne incognita là
phổ biến nhất. Tuyến trùng xâm nhập vào sinh sống ở trong các mô
của bộ rễ, làm cho bộ rễ hư hỏng, ngăn cản quá trình hút nước và các
chất dinh dưỡng đưa lên nuôi cây làm cho cây vàng héo và nếu bị
nặng làm cho cây chết, đặc biệt là vào mùa khô hạn. Kết quả nghiên
cứu của bộ môn bảo vệ thực vật thuộc Viện KHKT Nông lâm nghiệp
Tây Nguyên cho thấy trong 5gam rễ cây bị bệnh có nơi lên tới
12.744 con tuyến trùng ký sinh sinh sống. Về biện pháp phòng trừ
phải đặc biệt coi trọng các biện pháp canh tác, khi trồng mới phải
bón đủ phân hữu cơ. Phân hữu cơ giúp cho bộ rễ phát triển tốt và
giúp cho quá trình cân bằng sinh học ở trong đất như tạo điều kiện
cho các sinh vật có lợi phát triển để tiêu diệt tuyến trùng gây hại. Cứ
2- 3 năm bón phân hữu cơ một lần. Chú ý tủ gốc dày bằng các tàn dư
hữu cơ như vỏ cà phê, vỏ đậu đỗ các loại, rơm rạ, thân cây phân
xanh đậu đỗ. Trồng cây cúc vạn thọ giữa 2 hàng tiêu hoặc xung
quanh gốc tiêu. Khi cây cúc bắt đầu ra hoa thì chặt cây đem băm nhỏ

vùi vào lớp đất ở tầng mặt của gốc tiêu để diệt tuyến trùng ở trong
đất. Khi trồng mới cần trộn 30g - 50g thuốc Mocap 10G vào phân
chuồng bón lót cho mỗi hố trồng trên. Khi đã để cho tuyến trùng
xâm nhập vào trong rễ thì việc phòng trừ bằng thuốc hóa học rất khó
khăn, tốn kém và gây ô nhiễm môi trường. Nếu ở nơi đã bị bệnh
tuyến trùng gây hại ở mức độ nhẹ thì có thể dùng một trong các loại
thuốc như Mocap 10G, Nokaphlog với lượng 30g/ gốc để xử lý đất 2
lần/ năm vào đầu và cuối mùa mưa vùng có bộ rễ tập trung với độ
sâu từ 10 - 20cm nhưng tránh không làm đứt rễ.
+ Bệnh vàng lá do nấm:
Thông thường ở trong đất đã có sẵn những loại nấm khi có bộ rễ
cây hồ tiêu phát triển thì chúng dễ dàng tấn công gây hại. Những loại
nấm chủ yếu gồm: Fusarium spp, Pythium spp, Phytophthora spp,
Rhijoctonia sp. Các loại nấm này xâm nhập vào hại bộ rễ thông qua
các vết thương do côn trùng như rệp sáp trích hút nhựa, tuyến trùng
xâm nhập vào rễ, các vết thương làm đứt rễ khi xới xáo bón phân.
Do vậy để ngăn ngừa các loại nấm hại trước hết phải lo diệt tuyến
trùng là kẻ đã mở đường để cho nấm xâm nhập vào bộ rễ. Biện pháp
phòng ngừa có ý nghĩa nhất là không tạo ra các vết thương ở rễ đặc
biệt là những giai đoạn đất có độ ẩm cao, nhất là trong mùa mưa.
Nếu bón phân hữu cơ thì chỉ tiến hành vào giai đoạn mới chớm vào
mùa mưa. Bón phân hóa học chỉ xăm một lớp đất mặt mỏng để
không làm đứt rễ. Thực hiện tốt biện pháp tủ gốc dày giữ ẩm để hạn
chế sự mất nước làm cho cây dễ vàng héo. Biện pháp bón phân hữu
cơ hay sinh hóa hữu cơ có một vị trí quan trọng hàng đầu. Đó là
những biện pháp canh tác chủ yếu để hạn chế và ngăn ngừa bệnh rễ
gây ra triệu chứng vàng lá dẫn tới các vườn tiêu bị chết.
Biện pháp hóa học chỉ sử dụng khi cây bị bệnh nhẹ. Cây đã bị
bệnh nặng rồi thì dù có sử dụng thuốc hóa học để xử lý cũng không
đưa lại hiệu quả. Các loại thuốc dùng để xử lý đất ở vùng bộ rễ để

trừ nấm có: Vi ben C, Bendazol 50wp, Manzate 8WP, Topzin M
50WP, Bavistin 50SC, Calixin 75EC, Validacin 3DD. Các loại thuốc
bột dùng 30g cho một gốc, các loại thuốc nước pha loãng từ 0,3 -
0,5% tưới vào vùng rễ của tiêu. Tưới 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 1
tháng. Chú ý tưới thuốc khi đất có đủ độ ẩm, vì tưới thuốc vào đất
khô thì hiệu lực của thuốc sẽ giảm hoặc kém tác dụng do thuốc bị cố
định chặt ở trong đất.
+ Vàng lá do rệp sáp:
Rệp sáp là loại sâu hại nguy hiểm nhất đối với người trồng tiêu.
Chúng có tên khoa học là Pseudococcus citri. Sự sinh sản của chúng
rất nhanh và có khối lượng quần thể lớn được bao bọc ở trong các ổ,
màng măng xông làm hủy hoại bộ rễ dẫn đến cây chết chỉ sau 1-2
năm kể từ khi chúng bắt đầu tấn công. Do vậy phải phát hiện khi
chúng mới xuất hiện để diệt trừ kịp thời. Những biện pháp để phòng
trừ rệp sáp gồm có:
- Đầu tiên khi đem đi trồng mới phải không có nguồn rệp sáp.
Nếu phát hiện thấy có rệp phải được xử lý triệt để trước khi đem
trồng.
- Phải thường xuyên theo dõi sự xuất hiện của rệp sáp trên vườn
tiêu. Đặc biệt là ở phần gốc của cây tiêu. Nếu thấy có dù ít cũng phải
diệt trừ ngay.
- Dùng các loại thuốc sau đây để phòng trừ: Suprathion,
Supracide với nồng độ pha loãng 0,3 -0,5% cho thêm dầu hỏa với
nồng độ 0,5% tưới từ 3 - 5 lít/gốc. Chú ý tưới thuốc khi đất có độ ẩm
(không khô) để tăng hiệu lực của thuốc. Thường đi theo với rệp sáp
còn có các loại nấm hại do vậy có thể cùng tưới thuốc trừ nấm như
đã nêu ở phần trên vào thời gian xử lý diệt rệp sáp. Kinh nghiệm
thực tế cho thấy: ở gốc tiêu nếu thấy có nhiều kiến thì thường ở trong
bộ rễ hoặc ở phần cổ rễ đã có rệp sáp. Bởi vì chất bài tiết của rệp sáp
có nhiều đường là thức ăn hấp dẫn của một số loài kiến.

+ Bệnh xoăn, khảm lá:
Triệu chứng bệnh cho thấy cây lùn cằn cỗi kém phát triển, lá
xoăn, mất diệp lục hoặc vân khảm, nguyên nhân là do siêu vi trùng
(Virus) gây nên, dễ nhầm lẫn với triệu chứng thiếu nguyên tố vi
lượng như kẽm. Nếu bệnh do Virus thì phải cắt hủy cây bệnh mang
đi đốt. Nếu do thiếu kẽm thì phun Sunphát kẽm 0,2% 2 lần vào bộ
tán lá của cây cách nhau 2 tuần lễ. Cần phun thuốc để diệt trừ các
loại bọ rầy, rệp có ở trong vườn tiêu vì chúng là môi giới truyền
bệnh từ cây này sang cây khác.
Tóm lại phương châm để phòng trừ sâu bệnh hại tiêu là: Phòng bệnh hơn
chữa bệnh điều này thật sự có ý nghĩa đối với trường hợp sâu bệnh hại cây
tiêu. Không thực hiện tốt các khâu trong biện pháp canh tác như đã nêu ở
trong bài viết này và không quản lý theo dõi để phát hiện kịp thời những đối
tượng sâu bệnh hại mang tính hủy diệt thì mọi biện pháp thụ động khi phải
xử lý bằng thuốc hóa học đều đem lại hiệu quả rất thấp, tốn kém, thậm chí
không thể cứu chữa nổi khi bệnh đã nặng dẫn tới những tổn thất to lớn cho
người trồng tiêu do thiếu những hiểu biết cần thiết để chủ động áp dụng các
biện pháp kỹ thuật từ đầu.

×