Để đạt điểm cao ở khối B.
(Hieuhoc.com) Để đạt điểm cao ở khối B trước hết phải nắm được những
kiến thức cơ bản, hệ thống kiến thức từng môn và lấy đó làm "nguyên liệu"
để giải toán. Học nhẹ nhàng, thoải mái và có hệ thống là bí quyết đạt điểm
cao của Bùi Thị Song Hạnh (ảnh), thủ khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM
năm 2009.
Cô sinh viên năm nhất ngành bác sĩ đa khoa cho rằng để đạt điểm cao ở khối
B trước hết phải nắm được những kiến thức cơ bản và lấy đó làm "nguyên
liệu" để giải toán. Và Hạnh cũng "bật mí” bạn đã ôn thi ở mỗi môn như sau:
Toán: ôn theo dạng đề
Đối với môn toán, mình ôn theo từng dạng đề bởi cấu trúc đề thi có nhiều
câu nhưng đều theo những dạng đề nhất định. Mình cũng phác thảo từng
dạng đề ấy theo dạng hình cây gồm nhánh là những bài nhỏ. Sau khi làm
thật kỹ từng bài nhỏ xong rồi làm bài tổng hợp của dạng đó để làm quen với
cấu trúc đề. Khi học theo cách này, mình nắm được nhiều công thức trong
mỗi dạng đề. Một cách để nhớ mau, nhớ lâu các công thức là sau mỗi bài
học mình làm bài tập và áp dụng công thức ấy ngay.
Bên cạnh đó, ở mỗi chương, mình sẽ làm một bài tập tổng hợp để nắm vững
lý thuyết của chương ấy. Để dễ nhớ và tránh bị nhầm lẫn các công thức, sau
mỗi bài học mình sẽ ôn luyện luôn chứ không để cuối chương mới quay lại
bài tập ấy. Điều nữa là trước khi học một bài nào đó, mình thường tìm hiểu
trước và làm những bài tập ví dụ đơn giản để quen với cách làm và nhớ công
thức rồi mới bắt đầu làm những bài tập nâng cao. Theo mình, ở môn này,
giải nhiều bài tập bạn sẽ nâng "trực giác" của mình lên trong việc nhận ra
các dạng toán, điều rất quan trọng trong kỳ thi.
Hóa: nắm tính chất đặc trưng của mỗi nguyên tố
Đa số lý thuyết của môn hóa học đều liên quan đến phương trình phản ứng.
Khi học về một nguyên tố nào đó, Hạnh nắm phương trình phản ứng đó và
"xào đi xào lại" thật nhiều. Ở môn này, các hữu cơ được chia ra từng nhóm,
mỗi nhóm thường có những phản ứng đặc trưng nên Hạnh bám vào đặc
trưng đó học cho dễ nhớ.
Cũng tương tự như thế, mỗi nguyên tố thường có nhiều tính chất nhưng
trong đó sẽ có một tính chất đặc trưng nhất của nguyên tố đó. Ở mỗi chương,
Hạnh tổng hợp lại những phương trình phản ứng, các tính chất hóa học đặc
trưng để tránh nhầm lẫn giữa các nhóm, các nguyên tố. Thi ĐH luôn đòi hỏi
cao hơn thi tốt nghiệp THPT nên trường hợp đặc biệt của các nguyên tố, các
nhóm cũng rất đáng lưu tâm.
Hóa học là môn thi trắc nghiệm, nhưng Hạnh không nôn nóng làm bài trắc
nghiệm ngay khi vừa học xong phần lý thuyết mà giải theo tự luận trước bởi
trắc nghiệm chỉ là một phần nhỏ của kiến thức, còn tự luận sẽ bao quát hơn.
Làm như thế mình sẽ hạn chế "sập bẫy" khi thi trắc nghiệm.
Sinh: hiểu các khái niệm
Việc hiểu được các khái niệm của môn sinh rất quan trọng để làm bài thi
môn này. Để hệ thống bài học môn sinh, sau mỗi bài học đều có những câu
hỏi, bài tập liên quan đến bài này Hạnh làm ngay và soạn ra những câu trả
lời ra một cuộn tập riêng. Với việc trả lời, giải những câu hỏi bài tập phía
sau mỗi bài sẽ làm mình nhớ ngay bài vừa học. Cuối cùng, sau mỗi chương
Hạnh soạn lại những kiến thức ấy và chú ý xem những kiến thức nào có thể
liên hệ được cho dễ nhớ hay không. Qua đó, Hạnh sẽ nắm được khái quát
kiến thức của toàn bộ chương trình, của từng phần, từng chương và so sánh
với nhau nếu có thể. Về bài tập, môn sinh không quá nhiều nhưng mình
cũng phải làm nhiều để làm quen và tập sự phản xạ.
Về phương pháp làm bài thi ba môn nói trên, khi nhận đề Hạnh đọc lướt qua
tất cả các câu và làm những câu dễ "ăn" điểm trước. Thường thì bao giờ
trong đề thi cũng có một câu tương đối khó, khi đã chắc chắn hết những câu
khác mới nên làm câu này. Những câu khó nên để làm cuối cùng. Khi làm
bài thi, mình luôn nhớ phải trình bày thật cẩn thận, nhớ từng chi tiết cho thật
đầy đủ, mất một chi tiết sẽ mất điểm nên sẽ thật lãng phí. Ở môn toán, trong
khi làm bài, nếu vận dụng công thức nào để làm thì các bạn nên dẫn công
thức ấy ngay trong bài thi.