Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Người đai biểu dân cử với kỹ năng tìm kiếm và khai thác thông tin trên In-tơnet doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (231.83 KB, 11 trang )

Người đai biểu dân cử với kỹ năng tìm kiếm và khai thác thông tin trên In-tơ-
net
Trong thời đại thông tin hiện nay, chúng ta cần nhận thức đầy đủ về khả năng
dễ dàng tiếp cận với nguồn tài nguyên thông tin quý giá, hầu như vô tận trên
mạng in-tơ-net và tận dụng thời cơ đó để khai thác thông tin phục vụ cho công
việc cũng như sự ứng xử đúng đắn hằng ngày.
Tầm quan trọng của thông tin và thời cơ của chúng ta
Mọi người đều biết rằng, việc khai thác các nguồn tin cho phép chúng ta cập
nhật hiểu biết về các hiện tượng, các quy luật trong thiên nhiên và xã hội, từ đó có
khả năng ứng xử đúng đắn trước những bài toán đặt ra trong công việc cũng như
trong sinh họat hằng ngày. Do vậy, có thể nói thông tin là cơ sở cần thiết cho mọi
quyết định, là chìa khóa giúp cho mọi người có hành vi sáng suốt trong công việc
và sinh hoạt.
Chúng ta đang may mắn sống trong thời đại thông tin, với khả năng dễ dàng
tiếp cận nguồn thông tin trên mạng. Điều cần nhấn mạnh là, nguồn thông tin đó đã
ở trong tầm tay của mọi người, với chi phí rẻ, không đòi hỏi những kiến thức cầu
kỳ về công nghệ thông tin cũng như những thao tác phức tạp.
Đó là một thời cơ vô cùng quý báu đang đến với từng người trong chúng ta, và
cũng là cho sự phát triển của đất nước. Mặc dù khả năng sử dụng mạng in-tơ-net
đã trở thành hiện thực từ gần mười năm nay ở nước ta, nhưng đến nay, số người
thông thạo việc khai thác khả năng đó để chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng
chưa nhiều, kể cả các đại biểu dân cử. Một số người ít vào in-tơ-net có thể do e
ngại sử dụng mạng để tìm kiếm thông tin. Có hai lý do chính:
Thứ nhất, liệu có thể tiếp cận được các tài liệu thông tin bằng tiếng Việt không,
hay hầu hết các tài liệu thông tin hiện nay chỉ có dưới dạng tiếng nước ngoài, mà
mình lại chưa quen sử dụng tiếng nước ngoài?
Thứ hai, làm thế nào để có kỹ năng tìm kiếm tài liệu về một vấn đề nhất định
mà không tốn quá nhiều thì giờ, công sức?
Sự e dè đó đã hạn chế chúng ta khi cần tìm hiểu một vấn đề đặt ra trong công
việc và trong cuộc sống hằng ngày của mình. Việc thiếu thông tin thường sẽ dẫn
tới những quyết định thiếu chính xác và những hành vi thiếu sáng suốt. Sự hạn chế


kỹ năng tìm kiếm và khai thác thông tin trên mạng sẽ có hậu quả nghiêm trọng đối
với những người đang giữ vị trí then chốt trong xã hội, như những nhà doanh
nghiệp, những người sản xuất ra của cải cho xã hội, những người đại biểu nhân
dân, các quan chức nhà nước, các nhà giáo, thầy thuốc, nhà báo
Dưới đây lời giải đáp cho hai loại câu hỏi nêu trên, nhằm tạo sự yên tâm cho
những người còn e ngại:
a) Ngày nay, trong trào lưu hội nhập kinh tế quốc tế, các cơ cở dữ liệu thông tin
đại chúng bằng tiếng Việt đã được kết nối với mạng in-tơ-net và cho phép người
tìm thông tin dễ dàng tiếp cận. Vì thế, việc tìm tài liệu thông tin bằng tiếng Việt sẽ
cho kết quả như mong muốn, miễn là các tài liệu đã được đưa vào cơ sở dữ liệu
nối mạng. Tất nhiên, nếu so sánh với tài liệu thông tin của thế giới, số lượng tài
liệu thông tin bằng tiếng Việt còn rất khiêm tốn, nhưng cũng không quá ít. Nếu do
khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế mà chưa thể khai thác thông tin bằng tiếng
nước ngoài, trong lúc chờ đợi cải thiện khả năng đó, bạn đọc vẫn có thể tạm hài
lòng với các nguồn tin bằng tiếng Việt;
b) Kỹ năng tìm kiếm thông tin trên mạng in-tơ-net không đòi hỏi nhiều kiến
thức phức tạp.
Chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn - những người đã có kiến thức cơ bản về sử
dụng máy vi tính - một số hiểu biết cần thiết để có thể tự mình tìm kiếm và khai
thác thông tin trên mạng. Đây là những hiểu biết tối thiểu để bắt đầu công việc, và
sau này nhất định bạn đọc sẽ tích lũy kinh nghiệm để dần tiến đến kỹ năng thuần
thục về tìm kiếm và khai thác thông tin.
Các bước tiến hành tìm kiếm, sắp xếp và khai thác thông tin
Khi chúng ta có nhu cầu truy tìm thông tin để được giải đáp một câu hỏi cụ thể
hoặc để có những kiến thức cập nhật về một vấn đề, phương tiện tối ưu để đáp ứng
trong điều kiện hiện nay thường là mạng in-tơ-net.
Bài này sẽ không nêu kỹ năng theo dõi thông tin hàng ngày trên các báo điện
tử, mà chỉ đề cập tới việc tìm kiếm thông tin theo một nội dung hoặc chủ đề nhất
định, qua đó, chúng ta tìm được một nội dung thông tin cụ thể, hoặc muốn thu
thập một bức tranh tổng quan, hoặc muốn đi sâu tìm hiểu một chủ đề cụ thể.

Để thực hiện mục tiêu đó, chúng ta có thể tiến hành công việc theo các bước
sau :
1. Tìm kiếm các tài liệu liên quan đến nội dung hoặc chủ đề quan tâm;
2. Phân loại các tài liệu để tạo lập những hồ sơ chuyên đề;
3. Khai thác, sắp xếp các nội dung thông tin từ các hồ sơ đã tạo lập được;
4. Xây dựng báo cáo về vấn đề nghiên cứu.
Tìm kiếm các tài liệu liên quan đến nội dung hoặc chủ đề
Để tìm kiếm các tài liệu kiên quan đến nội dung hoặc chủ đề cần xem xét, trước
hết, chúng ta cần xác định thật rõ mục đích tìm kiếm. Mục đích đó được thể hiện
qua một nội dung, một chủ đề, hoặc một số vấn đề của chủ đề quan tâm. Chúng ta
cần có ý kiến cụ thể về loại tài liệu mong muốn được thu thập.
Tiếp theo, chúng ta cần thực hiện các công việc sau:
a) Kết nối với một công cụ tìm kiếm (xem giải thích bổ sung 1).
b) Đưa yêu cầu tìm kiếm vào khung cửa sổ của công cụ tìm kiếm (xem giải
thích bổ sung 2 và 3), sau đó bấm chuột vào lệnh Tìm (Search). Công cụ tìm kiếm
sẽ nhanh chóng cung cấp trở lại danh sách các tài liệu tìm thấy (danh sách kết
quả).
c) Chọn trong danh sách kết quả các tài liệu phù hợp với mục đích tìm kiếm
(đúng với nội dung, chủ đề hoặc vấn đề quan tâm) và bấm chuột vào tên tài liệu
mong muốn trong danh sách kết quả để tải nội dung tài liệu xuống máy vi tính.
d) Để dễ dàng hơn cho việc thao tác trên các tài liệu, chúng ta chuyển chúng từ
dạng ban đầu (thường là HTML) sang dạng Word và lưu chúng lại trong một hồ
sơ (Folder).
Phân loại các tài liệu để tạo lập những hồ sơ chuyên đề
Nên xem lướt các tài liệu đã tập hợp được, và chỉ giữ lại những tài liệu xét thấy
là có ý nghĩa cho mục đích nghiên cứu của mình (đây là một bước chọn lựa bổ
sung cho lần chọn ban đầu nói ở điểm c trên đây). Nếu yêu cầu thông tin chỉ là để
tìm lời giải đáp cho một câu hỏi cụ thể, thì việc xem lướt có thể cho phép tìm lời
giải cho câu hỏi đã đặt ra, và công việc sau đó có thể được coi là hoàn thành.
Việc phân loại các tài liệu tập hợp được trên cơ sở xem lướt sẽ phụ thuộc vào

mục đích nghiên cứu:
a) Nếu việc tìm tài liệu nhằm vào mục đích thu thập một tầm nhìn tổng quan về
chủ đề quan tâm, thì toàn bộ các tài liệu phù hợp với chủ đề được gộp lại trong
một hồ sơ chung mang tên của chủ đề (hồ sơ “Chủ Đề”).
b) Nếu việc tìm tài liệu nhằm mục đích đi sâu tìm hiểu một số vấn đề hạn chế
của chủ đề cần xem xét, thì các tài liệu được phân theo từng vấn đề trong những
hồ sơ con của hồ sơ “Chủ Đề”; những tài liệu liên quan đến nhiều chủ đề cùng một
lúc thì sẽ không phân vào các hồ sơ con. Các hồ sơ con sẽ mang tên của vấn đề
tương ứng (hồ sơ “Vấn Đề”).
Nếu tài liệu điện tử đã được chuyển sang dạng Word, khi đọc lướt tài liệu có thể
đánh dấu các nội dung cần khai thác sau này (bằng cách in nghiêng, tô đậm hoặc
tô màu đoạn văn).
Khai thác, sắp xếp những nội dung thông tin từ các hồ sơ đã tạo lập được
Bây giờ, chúng ta bước sang giai đoạn khai thác thông tin.
- Nếu mục đích công việc là để đạt được một tầm nhìn tổng quan của chủ đề
nghiên cứu nhưng người tìm thông tin chưa định trước về kết cấu của bài tổng
quan, thì khi xem lướt, người khai thác thông tin nên ghi nhận bằng một cụm từ
mô tả từng nội dung thông tin cần khai thác và đánh dấu nội dung tương ứng trong
tài liệu. Các cụm từ này sẽ lần lượt được sắp xếp vào những đề mục tạo ra theo
một thứ tự lô-gic và công việc xác định kết cấu (sắp xếp các đề mục) của bài tổng
quan sẽ được hoàn chỉnh dần trong quá trình khai thác thông tin.
- Nếu người tìm tin đã có ý kiến định trước về kết cấu của bài tổng quan, hoặc
mục đích của công việc là đi sâu nghiên cứu một số vấn đề của chủ đề đang xem
xét, thì khi xem lướt, chỉ nên chú ý tới những nội dung thông tin liên quan đến các
đề mục hoặc các vấn đề được quan tâm. Đối với mỗi vấn đề, chúng ta cũng có thể
sắp xếp các nội dung thông tin theo những vấn đề con bằng cách làm tương tự.
- Như vậy, chúng ta đã xây dựng được kết cấu của bản báo cáo, và có thể tiếp
cận tới các nội dung thông tin tương ứng. Với kỹ thuật chép (copy) và dán (paste)
các nội dung thông tin trên nền Word, chúng ta có được một tư liệu thuận tiện để
sẵn sàng bắt tay xây dựng báo cáo về kết quả tìm kiếm và khai thác thông tin.

Xây dựng báo cáo về vấn đề nghiên cứu
Việc xây dựng báo cáo là bước cuối cùng của công việc tìm kiếm và khai thác
thông tin. Báo cáo không cần dài dòng và chi tiết, nhưng phải rành mạch và chính
xác về các nội dung thông tin đã thu thập và viện dẫn các tài liệu đã khai thác
được.
Trước hết, cần phân tích các nội dung thông tin theo từng đề mục (chủ đề, vấn
đề, vấn đề con) trên cơ sở các tư liệu đã tích lũy được. Cụ thể là trong mỗi đề mục,
cần làm rõ trong những nội dung thông tin đã được tích lũy, mọi nội dung đều
thống nhất và bổ sung lẫn nhau hay có những nội dung còn mâu thuẫn với nhau;
cần xem xét đánh giá chất lượng của các nội dung thông tin đã tích lũy được, và
loại bỏ những thông tin không đáng tin cậy. Sau khi phân tích, người khai thác
thông tin có thể tổng hợp các nội dung thông tin và có thể đưa ra chính kiến của
mình đối với các thông tin thu thập được.
Chỉ nên đưa ra chính kiến của mình đối với những vấn đề đã có đầy đủ thông
tin, có căn cứ vững chắc để kết luận rõ ràng. Đối với những vấn đề còn chưa rõ,
chưa thể kết luận vững chắc thì nên xác định những yếu tố thông tin cần bổ sung
và tìm cách đào sâu thêm vấn đề trước khi kết luận.
Kết quả cuối cùng của việc tìm kiếm và khai thác thông tin, gắn với một mục
đích tìm kiếm nhất định (chủ đề, vấn đề) sẽ bao gồm:
- Báo cáo kết quả tìm kiếm và khai thác thông tin;
- Hồ sơ “Chủ Đề” trong đó có chứa các tài liệu thông tin truy cập được, và các
hồ sơ con tương ứng, nếu có nhu cầu nghiên cứu sâu một số vấn đề.
Tóm tắt và kết luận
Trên đây là một bài viết nhằm bước đầu giới thiệu về kỹ năng tìm kiếm và khai
thác thông tin trên mạng. Chúng tôi mong muốn truyền đạt lại những hiểu biết và
kinh nghiệm của mình đến với bạn đọc.
Những ý kiến quan trọng nhất mang tính thông điệp muốn chuyển đến bạn đọc
là:
- Hãy nhận thức đầy đủ cơ hội của chúng ta được sống trong thời đại thông tin;
- Hãy ứng xử hằng ngày trên cơ sở cập nhật thông tin;

- Hãy làm quen và luyện tập để có thói quen tìm kiếm và khai thác thông tin
trên mạng.

Giải thích bổ sung 1 - Các công cụ tìm kiếm thông tin trên mạng
Công cụ tìm kiếm (Search Tool hoặc Search Engine) là một chương trình phần
mềm giúp chúng ta tìm kiếm thông tin trên mạng. Có thể phân biệt các công cụ
tìm kiếm chuyên dụng và các công cụ tìm kiếm của các báo điện tử. Ngoài ra, còn
một loại công cụ tìm kiếm thông tin trong kho dữ liệu tại chỗ (đã truy cập trước đó
qua mạng).
Công cụ tìm kiếm chuyên dụng: Phần lớn các công cụ tìm kiếm chuyên dụng
hiện đại tìm thông tin trong những cơ sở dữ liệu rộng lớn - là sự kết hợp của các
cơ sở dữ liệu có sẵn trên thế giới - theo yêu cầu của người tìm tin.
Công cụ tìm kiếm của các báo điện tử: Các tờ báo điện tử thường cho phép tìm
kiếm thông tin trong cơ sở dữ liệu của báo mình theo yêu cầu của người tìm tin.
Công cụ tìm tin trong kho dữ liệu: Các công cụ này cho phép tìm kiếm thông
tin trong kho dữ liệu mà người tìm tin đã tích lũy được trong quá trình theo dõi,
sắp xếp và lưu trữ thông tin.
Một số công cụ tìm kiếm chuyên dụng:
- Yahoo
- Google
- PANVIETNAM
- VINASEEK
- AllTheWeb
- Scholar Google

Giải thích bổ sung 2 - Đưa nội dung yêu cầu vào công cụ tìm kiếm
và khai thác danh sách kết quả
Kỹ thuật đưa nội dung yêu cầu vào công cụ tìm kiếm:
- Đưa vào khung cửa sổ của công cụ tìm kiếm một cụm từ mô tả nội dung hoặc
chủ đề (gọi chung là cụm từ) trong ngoặc kép (“ ”) và phát lệnh tìm (Search). Phần

lớn các công cụ tìm kiếm sẽ trả lại danh sách các tài liệu có chứa cụm từ đã đưa
vào khung cửa sổ tìm kiếm. Một số nhỏ công cụ tìm kiếm sẽ hiểu cụm từ đưa vào
theo nghĩa là từ khóa (Xem giải thích bổ sung 3), là một cụm từ được gán cho tài
liệu khi đưa tài liệu này vào cơ sở dữ liệu.
- Nếu muốn tìm tài liệu bằng tiếng Việt, thì sử dụng phông chữ (font) Unicode
để viết cụm từ bằng tiếng Việt.
- Khi muốn tìm các tài liệu chứa đồng thời “cụm từ A” và “cụm từ B”, có thể
đưa cả hai cụm từ nối với nhau bằng dấu + vào khung cửa sổ tìm kiếm (“cụm từ
A” + “cụm từ B”).
- Khi muốn tìm các tài liệu có chứa “cụm từ A” hoặc “cụm từ B”, có thể đưa cả
hai cụm từ vào khung cửa sổ, đặt nối tiếp nhau (“cụm từ A” “cụm từ B”).
- Khi muốn tìm các tài liệu có chứa “cụm từ A” nhưng không chứa “cụm từ B”,
có thể đặt cả hai cụm từ vào khung cửa sổ, nhưng với dấu - trước “cụm từ B”
(“cụm từ A” - “cụm từ B”).
Khai thác danh sách kết quả tìm kiếm:
- Xem các trang của danh sách kết quả do công cụ tìm kiếm trả lại để có danh
sách các tài liệu tìm được theo yêu cầu.
- Nếu không tìm được tài liệu nào hoặc tìm được quá ít tài liệu, hãy tìm cách
thay đổi cụm từ (hoặc các cụm từ) bằng những cụm từ đồng nghĩa đưa vào khung
cửa sổ tìm kiếm.
- Nếu số lượng tài liệu trong danh sách kết quả quá lớn thì cần tìm cách lọc bớt
trước khi sử dụng. Tuy nhiên, theo cách sắp xếp tài liệu trong danh sách kết quả,
các tài liệu ở cuối danh sách thường ít giá trị hơn hoặc trùng lặp với những tài liệu
ở đầu danh sách, cho nên có thể không cần tiếp tục truy cập các tài liệu sau khi đã
làm việc với một vài trang đầu của danh sách kết quả.
Số tài liệu truy cập có thể xem là tạm đủ khi xét thấy mục đích tìm thông tin đã
được đáp ứng ở một mức độ nhất định. Quyết định tạm dừng công việc truy cập
mang nhiều tính chủ quan vì nó phụ thuộc vào tính chất của yêu cầu nghiên cứu,
về thời gian và công sức mà người tìm tin có thể đầu tư vào công việc.


Giải thích bổ sung 3: Về khái niệm cụm từ chủ đề/ vấn đề và từ khoá
Khái niệm “cụm từ nội dung/ chủ đề/ vấn đề”:
- Một cụm từ tiêu biểu cho nội dung/ chủ đề/ vấn đề và hiện diện trong các tài
liệu đang tìm; nếu tìm kiếm tài liệu với một cụm từ, thì các tài liệu nào trong cơ sở
dữ liệu có chứa cụm từ đó sẽ được tìm thấy và đưa vào danh sách kết quả.
- Nếu một tài liệu cụ thể không được tìm thấy trong danh sách kết quả thì có thể
phải thay đổi cụm từ vì trên thực tế tài liệu muốn tìm không chứa cụm từ đã đưa
vào ô cửa sổ tìm kiếm.
Khái niệm “từ khoá”:
- Từ khóa là một cụm từ được người làm công tác thông tin chọn để mô tả nội
dung của một tài liệu khi đưa tài liệu này vào cơ sở dữ liệu; một tài liệu có thể có
một hoặc một vài từ khoá được gán cho nó.
- Cụm từ làm từ khoá không nhất thiết có mặt trong tài liệu mà được kèm theo
nó trong cơ sở dữ liệu. Khi tìm tài liệu bằng từ khoá thì mọi tài liệu có từ khoá đó
sẽ được đưa vào danh sách kết quả tìm kiếm.
Chú ý: Mỗi công cụ tìm kiếm, tùy theo thuật toán được sử dụng, sẽ hiểu nội
dung đưa vào ô cửa sổ tìm kiếm theo nghĩa là một cụm từ hay là một từ khóa.
Người tìm tin không có khả năng chọn lựa giữa cụm từ và từ khóa với một công
cụ tìm kiếm cho trước.

×